Chương 51: Quy củ
Editor: Heo Con
Nguồn: Congchuakhangiay
Vương Ánh Tuyết đang nghĩ nên hỏi thế nào cho tiện thì bên kia, nhị thái phu nhân đã cười tươi hớn hở vẫy vẫy Đậu Chiêu:
- Nào, lại đây với bá tổ mẫu nào!
Đậu Chiêu cười hì hì nấp ra sau Kỷ thị.
Kỷ thị nhẹ nhàng đẩy đẩy Đậu Chiêu. Đậu Chiêu vẫn đứng yên đó.
Kỷ thị đành cười nói với nhị thái phu nhân:
- Con bé này cũng chẳng biết là giống ai? Lúc mua đồ thì cứ tâm tâm niệm niệm nhưng lúc tặng đồ thì lại ngại ngùng.
- Thế mới tốt, thế mới tốt! Như vậy mới là đứa trẻ thành thật.
Nhị thái phu nhân không nghĩ nàng ngỗ ngược, xoay người lấy một cái hộp đỏ thẫm vẽ ngũ bức lâm môn* đưa cho Đậu Chiêu:
(Ngũ bức lâm môn: Năm con dơi bay đến cửa)
- Đây là cốt bảo loa* ngũ bá phụ con sai người mang từ kinh thành về đó, cầm lấy ăn đi!
Vương Ánh Tuyết chấn động.
Cốt bảo loa là đặc sản Giang Nam, nghe nói ngâm qua sữa, đẹp như châu ngọc, trắng như tuyết sương, không hề có mùi hôi tanh, được gọi là nhân gian mỹ vị. (*Cốt bảo loa đại loại là món bào ngư phơi khô, ướp pha chế bằng cách thức gì đó khiến cho không bị tanh và rất tươi, thơm ngon)
Lúc còn ở kinh thành nàng từng nghe đám trẻ con nhà giàu khoe khoang như vậy nhưng còn chưa được thấy chứ đừng nói là ăn thử.
Kỷ thị cũng có chút kinh ngạc.
Cốt bảo loa làm rất khó, phức tạp, ở Giang Nam cũng không có nhiều nơi làm thứ này. Có lẽ vật hiếm nên mới quý nên thái phu nhân rất thích ăn thứ này, Đậu Thế Xu chỉ cần có cơ hội thì sẽ mua cho nhị thái phu nhân. Tết năm nay Đậu Thế Xu cũng chỉ mang về hai hộp, không ngờ thái phu nhân lại đưa cho Đậu Chiêu một hộp.
Nàng vội cười nói với Đậu Chiêu:
- Thọ Cô, đây chính là ngũ bá phụ con hiểu kính bá tổ mẫu, cũng chỉ có hai hộp thôi, con còn không mau cảm ơn bá tổ mẫu.
Đậu Chiêu rất bất ngờ.
Cốt bảo loa, kiếp trước nàng ở phủ Diên An hầu của Uông Thanh Hoài cũng từng được ăn, lúc ấy sự đắc ý của Uông thái phu nhân với cốt bảo loa này còn bị Ngụy Diên Trân lén trào phùng.
Lúc nàng cùng lục bá mẫu đến cửa hàng Kỷ gia lấy đồ, nhìn thấy rất nhiều hàng hóa, cảm thấy mình cũng nên mua chút gì đó cho nhà lục bá phụ nên mới mua về, lại sợ làm vậy khiến nhiều người suy nghĩ lung tung nên quyết định mua cho mỗi người một phần, mang theo rất nhiều đồ về.
Tặng cho nhị thái phu nhân chính là chiếc hộp sứ có hoa lạc tiên mà bà cầm.
Chưa từng nghĩ nhị thái phu nhân lại thưởng cho nàng một hộp cốt bảo loa.
Tuy rằng nàng rất không thích nhị thái phu nhân nhưng cũng không vì thế mà có thể tùy tiện xuyên tạc thiện ý của bà được.
Đậu Chiêu cười tiến lên cảm tạ nhị thái phu nhân, cười đón lấy cái hộp.
Nhị thái phu nhân cười vuốt cằm.
Lúc này có một tiểu nha hoàn tiến vào bẩm:
- Nhị thái phu nhân, Tú nhị phu nhân dẫn Ô thiếu gia, Ô tiểu thư tới thỉnh an người, Minh thư nhi và Nghi thư nhi cũng đến.
- Mau mời bọn họ vào, mau mời bọn họ vào!
Nhị thái phu nhân vội nói.
Ô gia ở Tân Nhạc, Đậu gia ở Thực Định, đều làm quan trong triều, hai nhà cũng gọi là đồng hương. Chỉ là Ô Tùng là người cao ngạo, làm trong Hàn lâm viện. Một người lại ở Lại bộ, hai người tuy là thông gia nhưng quan hệ không quá thân thiết. Sau này Đậu Thế Xu không được như ý thì ngược lại Ô Tùng lại thường mời Đậu Thế Xu đến nhà uống rượu, lúc này hai người mới thân thiết hơn. Cũng bởi vậy mà nhị thái phu nhân rất coi trọng hai đứa con của Ô Tùng. Đây cũng là lí do Ô Thiện, Ô Nhã thường đến đây làm khách.
Kiếp trước, Đậu Chiêu chỉ nghe nói đến tên Ô Thiện.
Hắn am hiểu thi họa, là tri kỷ với Đậu Đức Xương. Sau khi Đậu Đức Xương lừa gạt biểu tỷ nhà họ Kỷ, Ô Thiện đã cùng hắn bôn ba qua lại giữa hai nhà Kỷ Đậu, một người diễn mặt đỏ một người diễn mặt trắng, không chỉ khiến hai nhà Kỷ Đậu động lòng, thừa nhận chuyện hôn sự này mà còn biến chuyện xấu thành giai thoại thời bấy giờ.
Đậu Chiêu rất có ấn tượng với người này.
Nàng luôn cảm thấy người có thể đổi trắng thay đen không phải là người đơn giản.
Nhân lúc anh em Ô thị được một đám người vây quanh đi vào, nàng có cơ hội đánh giá Ô Thiện vài lần.
Ô Thiện cảm nhận được có người đang nhìn mình, quay đầu.
Đậu Chiêu cười lễ phép với hắn.
Ô Thiện cũng cười với nàng, giống như những cậu bé 7 tuổi được giáo dục tốt, nụ cười của hắn rất tinh thuần, chân thành.
Đậu Chiêu không khỏi thầm cảm khái.
Qua mười năm nữa, không biết đứa trẻ này sẽ biến thành bộ dạng gì?
Đậu Minh giờ cũng gần 3 tuổi, vừa vào đã thấy mẫu thân cúi đầu đứng ở một bên. Nàng vừa mừng vừa sợ, giãy khỏi lòng nhũ mẫu, lớn tiếng gọi: "Mẫu thân!" rồi tiến lên ôm lấy Vương Ánh Tuyết.
Vương Ánh Tuyết hơi biến sắc, vội thấp giọng mắng: "Ta đã dạy con thế nào?"
Đậu Minh lẽ lưỡi, ngây thơ gọi: "Di nương".
Nhị thái phu nhân, Kỷ thị và Tú nhị phu nhân đều là người trải qua nhiều chuyện, vừa nghe đã biết Vương Ánh Tuyết dạy Đậu Minh khi có người khác thì gọi nàng là di nương, khi không có ai thì gọi là mẫu thân, mọi người đều nhíu mày.
Nếu là lúc trước thì nhị thái phu nhân sớm đã cất lời trách mắng nhưng giờ Đậu Đạc đang giận Đậu Thế Xu, có một số việc Đông phủ không tiện nhúng tay nhưng như vậy cũng không có nghĩa là bà dễ dàng bỏ qua những việc như vậy.
- Minh thư nhi! Liễu ma ma đã dạy con thế nào?
Nhị thái phu nhân nghiêm mặt gọi Đậu Minh.
Đậu Minh vội buông mẫu thân ra, chạy đến trước mặt nhị thái phu nhân, cung kính hành lễ với nhị thái phu nhân và Kỷ thị. Nhị thái phu nhân ừ một tiếng rồi nói với Vương Ánh Tuyết:
- Có phải Minh thư nhi quy củ lên rất nhiều không?
Lời này không đơn giản.
Lòng Vương Ánh Tuyết hoảng hốt, biết vừa rồi con gái gọi mình như vậy đã xảy ra chuyện lớn nhưng trước mặt nhị thái phu nhân, dâu con chính thức còn không có chỗ để nói huống chi nàng chỉ là một thiếp thất thân phận không minh bạch? Nàng không dám nhiều lời, vội kính cẩn cười nói:
- Minh thư nhi có thể học được quy củ từ người thì đó chính là may mắn của nó!
- Ngươi có thể nghĩ như vậy là tốt nhất.
Nhị thái phu nhân không khách khí nhận lời khen của Vương Ánh Tuyết.
- Vậy Minh thư nhi sẽ ở lại bên cạnh ta đi!
Vương Ánh Tuyết kinh ngạc.
Nhị thái phu nhân quay mặt nói với Đậu Minh:
- Còn có tỷ tỷ của con đó!
Cuối cùng cũng chẳng nhìn Vương Ánh Tuyết lấy một lần.
Cũng không phải là Đậu Minh cố ý không hành lễ với Đậu Chiêu, nàng luôn đi theo Vương Ánh Tuyết, ngoài Vương Ánh Tuyết ra thì không có ai dạy dỗ, đến bên nhị thái phu nhân mới bắt đầu học hành lễ với người lớn, nhưng tuổi còn nhỏ nên còn chưa phân biệt được rõ tôn ti trật tự, chỉ dừng lại ở việc hành lễ với người lớn tuổi, người ít tuổi thì chỉ cần gọi tỷ tỷ hoặc ca ca.
Nàng nhu thuận gọi Đậu Chiêu là "tỷ tỷ" rồi hành lễ với Đậu Chiêu như với nhị thái phu nhân.
Đậu Chiêu cũng đáp lễ sau đó sai Thỏa Nương lấy cốt bảo loa nhị thái phu nhân vừa thưởng cho mình ra, đặt vào đĩa thủy tinh rồi nói:
- Không biết Ô gia ca ca và muội muội đến đây, ta mượn hoa hiến phật, mọi người cùng nếm thử đồ ngon của bá tổ mẫu đi.
Mọi người truyện trò vui vẻ, bọn nha hoàn tìm đĩa, lấy đồ ăn, bưng ghế, không khí lập tức trở nên náo nhiệt.
Nhị đường tẩu lại cười nói:
- Đúng là lục thẩm thẩm của chúng ta có học vấn, Thọ Cô mới đi theo người mấy ngày mà đã học được cả "mượn hoa hiến phật" rồi.
Kỷ thị rất kinh ngạc nhưng cháu ngoại nàng là Kỷ Vịnh chẳng qua lớn hơn Đậu Chiêu hai tuổi mà cũng đã học thuộc "Tam tự kinh" nên cũng không coi nặng việc này.
- Ngươi nhìn Chỉ ca nhi nhà ta đó, ta dạy nó bảy năm cũng đâu có thấy nó có lòng như vậy. Có thể thấy đây là tùy vào từng đứa.
Nàng khiêm tốn nói:
- Các con cũng không cần khách khí trước mặt ta như vậy.
Thứ đồ này dù sao cũng là của nhị thái phu nhân, Đậu Chiêu có thể đem ra mời huynh muội Ô thị, nhị thái phu nhân không chỉ cảm thấy Đậu Chiêu hiểu biết mà còn càng thấy tự hào. Bà tươi cười vui vẻ nói:
- Thọ Cô nhà chúng ta không ăn mảnh, là đứa trẻ ngoan, Chỉ ca nhi thì lại chỉ biết chăm chỉ đọc sách, cũng là đứa trẻ ngoan.
Nói xong lại bế Ô Nhã lên:
- Nhã thư nhi của chúng ta lại nhu thuận, nghe lời, cũng là đứa trẻ ngoan.
Mọi người đều cười.
Nghi thư nhi không hài lòng, bĩu môi nói:
- Còn con? Còn con?
Nhị thái phu nhân cười nói:
- Ôi, quên mất Nghi thư nhi của chúng ta rồi, Nghi thư nhi của chúng ta cũng là đứa trẻ ngoan.
Nói xong, như nhớ ra cái gì, nhìn Đậu Minh nói:
- Minh thư nhi của chúng ta cũng là đứa trẻ ngoan!
Nghi thư nhi bưng miệng cười vừa lòng, Đậu Minh cũng cười theo Nghi thư nhi.
Vương Ánh Tuyết bị gạt qua một bên, lòng vừa chua xót vừa đau khổ.
Bên cạnh nhị thái phu nhân có nhiều đứa nhỏ như vậy, có xuất thân tốt, có thông minh, có lợi hại, Minh thư nhi của nàng mới có ba tuổi, Đông Đậu lại luôn chẳng coi Tây Đậu ra gì, Minh thư nhi ở bên nhị thái phu nhân thì có gì tốt?
Nàng toàn tâm toàn ý nghĩ nên làm thế nào để đưa con gái về bên mình.
Nhị thái phu nhân có ý dạy dỗ Vương Ánh Tuyết, an bài ma ma, nha hoàn đắc lực chăm sóc Đậu Minh, còn cố ý tìm mấy đứa trẻ trạc tuổi Đậu Minh để chơi cùng nàng.
Trẻ con chính là trẻ con, chẳng được mấy ngày đã không còn la hét đòi nhũ mẫu của mình nữa.
Ba mươi tết, người nhà họ Đậu về Bắc Lâu tế tổ, Vương Ánh Tuyết đi theo tam phu nhân, khó khăn lắm mới có được cơ hội tìm được Đậu Minh.
Đậu Minh đang cùng bọn Nghi thư nhi đứng ở trước bếp chờ kẹo mạch nha.
Nghe được có người gọi "Minh thư nhi", mấy đứa nhỏ đều quay đầu, Nghi thư nhi còn hỏi:
- Ai thế?
Đậu Minh thoáng chần chừ rồi do dự nói:
- Đó là di nương của ta...
Nghi thư nhi vội kéo tay Đậu Minh, nói:
- Chẳng qua chỉ là di nương, để ý nàng làm gì? Chúng ta đi thôi, không sẽ không lấy được kẹo mạch nha.
Đậu Minh còn có chút do dự thì Nghi thư nhi đã mất hứng:
- Được rồi, muội đi đi! Đi rồi sau này đừng có chơi với chúng ta nữa.
Đậu Minh nghe vậy vội nói:
- Được rồi, được rồi, ta và tỷ cùng đi lấy kẹo mạch nha.
Nghi thư nhi cao hứng cười:
- Đợi lát nữa ta và muội đi tìm Thọ Cô chơi, chỗ lục bá mẫu có rất nhiều kẹo đường.
Đậu Minh nghe vậy thì chảy nước miếng, quay đầu nói với Vương Ánh Tuyết:
- Di nương, lát nữa con sẽ chơi với di nương.
Vương Ánh Tuyết không nhịn được mà rơi nước mắt.
Lúc Bàng thị tới chúc tết, nàng không nhịn được mà oán giận với Bàng thị.
Bàng thị không cho là đúng, nói:
- Giờ muội có tư cách gì để chống đối Đậu gia, bọn họ muốn nuôi Minh thư nhi thì muội cứ để bọn họ nuôi đi. Vừa khéo nhân dịp này tự chăm sóc bản thân, nghĩ cách mà sinh con trai.
Lại nói:
- Thất gia hẳn là đã về rồi chứ?
Vương Ánh Tuyết đỏ mặt, thẹn thùng nói:
- Còn sớm mà!
Lại lẳng lặng ghi nhớ lời Bàng thị, lặng lẽ mời đại phu, bắt đầu điều dưỡng cơ thể.
Đến tháng tư, bên kinh thành truyền tin về, Đậu Thế Anh thi đỗ thứ mười sáu, đậu thứ cát sĩ.
Chương 52: Cự tuyệt
Kiếp trước, phụ thân thi đỗ thứ 13, kiếp này là thứ 16, không cao bằng kiếp trước.
Có phải vì kiếp này chuyện của Vương Ánh Tuyết đã khiến phụ thân tốn tâm sức nên thi không tốt?
Đậu Chiêu đoán lung tung.
Nhị thái phu nhân lại thấy tiếc nuối.
Bà nói với với Đậu Thế Hoành:
- Vạn Nguyên thật tốt số! Nếu năm nay con cũng đi thi thì chưa biết chừng được đề tên trên bảng vàng rồi.
Từ sau khi xảy ra chuyện Vương Ánh Tuyết, trong mắt Đậu gia, Đậu Thế Anh chỉ là loại không học vấn không nghề nghiệp, vô dụng. Tuy rằng thi đỗ tiến sĩ, trúng tuyển thứ cát sĩ nhưng nhị thái phu nhân vẫn cho rằng đó chỉ là do may mắn chứ không phải do thực học.
Suy nghĩ này cũng không chỉ có mình nhị thái phu nhân mới có.
Đậu Thế Hoành không khỏi có chút tức giận nói:
- Vạn Nguyên học hành thông minh, chỉ là không học hành chăm chỉ đến chết như người khác, ai dựa vào vận may mà thi hội thi đình rồi lại thi đỗ thứ cát sĩ?
Nhị thái phu nhân im lặng nhưng lòng vẫn không cho là đúng.
Đậu Đạc thì rất mừng rỡ.
Ông cho người treo tin mừng lên cổng lớn, hưởng thụ sự ngưỡng mộ của người qua đường, còn viết thư báo tin vui cho Vương Hành Nghi.
Những ngày này của Vương Hành Nghi lại không được thuận lợi như ý.
Đông đi xuân đến, trước sau ông ta đánh lui quân Mông Cổ vài lần, ở Tây Bắc oai danh lừng lẫy, sư phụ cũng rất cao hứng, thậm chí hoàng thượng còn có ý định để ông đi làm tuần phủ Thiểm Tây. Nhưng không hiểu vì sao, chuyện này lại cứ gác lại đó.
Ông ta nghi ngờ là vì chuyện lần trước Đậu Thế Xu hồi hương khiến sư phụ cảm thấy ông ta chưa đủ chín chắn, vẫn cần tôi luyện thêm hai năm.
Vương Trí Tiêu nao nao nói:
- Sớm biết như vậy, lúc ấy phụ thân nên tới kinh thành giải thích với Tăng đại nhân.
- Sự thật là vậy, vừa giải thích thì chúng ta lại rơi xuống thế hạ phong. Còn không bằng cứ thế, để mọi người biết Vương Hành Nghi quang minh thẳng thắn, dám làm dám nhận.
Tuy là nói như vậy nhưng ông ta vẫn viết thư gửi cho bằng hữu thân nhất của mình ở kinh thành, cũng chính là con rể của Tăng Di Phân - Quách Nhan ở Hàn lâm viện: "... Nhà nghèo đến mức này, nữ nhi xẩy chân, mỗi khi nhớ lại lại khóc không thành tiếng. May mắn được về với thất gia nhà họ Đậu ở Bắc Lâu, chính thất bị bệnh qua đời thì có ý đưa con gái ta phù chính, dù ta cảm thấy không ổn nhưng nghĩ tới con gái ta không được ta dạy dỗ cẩn thận, tuy là mật đắng nhưng ta cũng cố uống".
Giờ xem ra, tuy rằng phong thư này có được tác dụng nhất định nhưng cũng không rõ ràng.
Nghĩ vậy, Vương Hành Nghi chắp tay sau lưng, đi đi lại lại trong phòng hai vòng, dặn dò con:
- Định ngày trong tháng này đi!
Phù chính khác với đón dâu. Không cần thủ tục lễ tiết cầu kì, chỉ cần đặt mấy bàn rượu tiệc rồi mời thân thích, mặc đồ đỏ như chính thất đến kính rượu với mọi người, định lại danh phận là được.
Vương Trí Tiêu đáp lời, đợi phụ thân viết thư hồi âm rồi đưa qua.
Đậu Đạc chọn ngày 22 tháng 5.
Đậu Chiêu căn bản không muốn dập đầu kính trà gọi Vương Ánh Tuyết là mẫu thân.
Nàng sai Thỏa Nương mang thư cho tổ mẫu, nói muốn gặp tổ mẫu.
Bên tổ mẫu mãi không hồi âm.
Đậu Chiêu lấy bạc bảo Thỏa Nương lén mướn xe: "... Bảo xa phu đến giờ mạo ngày 22 tháng năm, chờ ở ngõ sau Tây phủ, lúc đó tam đường tẩu vừa khéo sai người bên Đông phủ qua giúp đỡ, hôm đó Vương Ánh Tuyết không được tùy tiện ra ngoài, Đinh di thái thái, Hồ ma ma đều phải ra ngoài tiếp đãi đám tam đường tẩu, chúng ta nhân cơ hội đó rời đi.
Thỏa Nương gật đầu nói:
- Để ta thu dọn hòm xiểng giúp tiểu thư.
- Thu dọn hòm xiểng gì chứ?
Đậu Chiêu nói:
- Chỉ cần mang mấy tờ ngân phiếu và mấy lạng bạc vụn là được, đến lúc đó dàn xếp xong xuôi thì về lấy hòm xiểng cũng không muộn.
Thỏa Nương luôn cảm thấy thiếu cái gì đó.
Đậu Thế Anh đã trở lại.
Mang về cho lục bá phụ mấy vò Đổng tửu, mang cho lục bá mẫu mấy hộp điểm tâm trong kinh thành, cho hai huynh đệ Đậu Đức Xương, Đậu Chính Xương mấy chiếc nghiên mực, Đậu Chiêu và Đậu Minh là hai con rối giống hệt nhau.
Đậu Minh vô cùng vui mừng, ôm vào lòng không buông.
Đậu Chiêu cảm thấy con rối này không tinh xảo bằng của lục bá mẫu cho mình, nói "cảm ơn" rồi bảo Thỏa Nương cất đi.
Vẻ hiểu chuyện mà xa cách của Đậu Chiêu khiến Đậu Thế Anh có chút khó chịu.
Sau khi vấn an Nhị thái phu nhân, hắn đặc biệt đến thăm Đậu Chiêu.
Đậu Chiêu đang được Kỷ thị dạy viết chữ.
Thấy Đậu Thế Anh về, Kỷ thị lấy cớ đi pha trà, nhường thư phòng lại cho hai cha con Đậu Chiêu.
Đậu Chiêu ra khỏi bàn học, đứng thẳng nơi đó nhìn Đậu Thế Anh:
- Ngày 22 con muốn đi thăm Thôi di thái thái.
Đậu Thế Anh sửng sốt.
Đậu Chiêu nhìn Đậu Thế Anh không chớp mắt.
Phòng tĩnh lặng như tờ.
Hồi lâu sau, Đậu Thế Anh khàn giọng hỏi con gái:
- Vì sao?
- Con không muốn gọi một di nương là mẫu thân!
Đậu Chiêu nghiêm mặt nói. Đậu Thế Anh trầm mặc một hồi rồi nói "Biết rồi", vẻ mặt không chút thay đổi, nhìn không ra cảm xúc gì.
Đậu Chiêu không hề nghĩ xem phụ thân nghĩ gì.
Nếu phụ thân đồng ý thì chuyện càng đơn giản, nếu phụ thân không đồng ý thì nàng vẫn có thể đạt được mục đích.
Chỉ bằng bao quả du kia, nàng chắc chắn, chỉ cần nàng đến điền trang thì tổ mẫu sẽ nhận nàng.
Đậu Thế Anh hốt hoảng về nhà, vẻ mặt Cao Thăng quái dị, đứng ở cửa chờ hắn.
- Thất gia!
Cao Thăng tiến lên hành lễ với Đậu Thế Anh rồi thấp giọng nói:
- Thôi di thái thái vừa sai người tới báo tin, nói bà bị bệnh, muốn tứ tiểu thư đến điền trang với người.
Đậu Thế Anh vô cùng bất ngờ, vội hỏi:
- Người truyền tin đâu?
Giọng nói căng thẳng, vẻ mặt kích động.
- Tôi đã giữ người đó ở lại, đang ăn cơm trong bếp. Lão thái gia không đồng ý.
Cao Thăng nói.
Đậu Thế Anh ừ một tiếng rồi vội đi vào phòng bếp.
Trong phòng bếp hôn ám, Thôi Đại đang bưng bát ăn mì sợi.
Hắn là cháu của Thôi thị, năm nay tròn 20 tuổi.
- Thất gia!
Thôi Đại vội bỏ bát đũa đứng dậy, thần sắc câu nệ, lẩm bẩm:
- Thôi di thái thái nói, nếu thấy thất gia thì nói với người một tiếng, bà không có chuyện gì, chỉ muốn đón tứ tiểu thư qua đó mấy ngày.
Sau đó nhấn mạnh:
- Ở mấy ngày thôi rồi sẽ về!
Trong cảm nhận của Đậu Thế Anh, Thôi di nương là người rất mạnh mẽ, từ khi phụ thân đưa bà đến điền trang, bà cũng không chủ động liên lạc với Đậu gia một câu, càng đừng nói đến việc sẽ nhúng tay vào chuyện của Đậu gia.
Hắn cố áp chế sự hoang mang trong lòng, nói với Thôi Đại:
- Được rồi, hôm nay đã muộn, ngươi nghỉ lại đây đi, sáng mai hộ tống Tứ tiểu thư đến điền trang.
Thôi Đại "a" một tiếng rồi cười thật tươi, nụ cười hàm hậu.
Ánh mắt như bị ai châm mà đau đớn, Đậu Thế Anh theo bản năng nhắm chặt mắt lại.
Hắn đi gặp Đậu Đạc.
Đậu Đạc đang vui vẻ đùa nghịch một chậu cây văn trúc, thấy Đậu Thế Anh thì vội buông bình tưới, tươi cười càng vui vẻ:
- Đã gặp nhị bá mẫu chưa?
- Đã gặp rồi, con còn gặp Thôi Đại.
Đậu Thế Anh nói.
Nụ cười của Đậu Đạc cứng lại.
Đậu Thế Anh như không nhìn thấy, ngữ khí rất ôn hòa.
- Con bảo hắn ở lại rồi. Sáng mai hộ tống Thọ Cô đến điền trang.
"Thùng" một tiếng, bình tưới rơi xuống chậu, nước bắn tung tóe ra xung quanh, có mấy giọt còn vẩy lên áo Đậu Thế Anh, hắn vẫn không hề để ý, nói:
- Phụ thân, chuyện này cứ quyết định vậy đi. Con chỉ xin nghỉ mười mấy ngày, về nhà vội nên cũng đã hai ngày không được chợp mắt, con đi ngủ trước. Có chuyện gì ngày mai chúng ta lại nói!
Xoay người hành lễ rồi lui xuống.
Đậu Đạc nhìn bóng con dần xa, nửa ngày cũng không lấy lại được tinh thần.
※※※※※
Đậu Chiêu biết rõ "bệnh" của tổ mẫu, lòng rất áy náy.
Nàng biết, nếu tổ mẫu thực sự bị bệnh, vẻ mặt phụ thân sẽ không thoải mái như vậy được. Hoàn toàn là vì nàng nên tổ mẫu mới giả bệnh.
Đậu Chiêu thắp ba nén nhàng với Bồ Tát, cầu Bồ Tát phù hộ cho tổ mẫu sống lâu trăm tuổi.
Đậu Thế Anh nghe con gái thì thào khấn mà rất hoảng sợ, hồi lâu sau mới nói:
- Con, con có phải là...
Nhìn gương mặt non nớt của con gái, nhất thời hắn không biết nên hỏi thế nào.
Một khi Vương Ánh Tuyết trở thành kế mẫu của nàng thì sẽ chiếm được thế mạnh. Nếu nàng tiếp tục giả câm giả điếc thì sẽ bị Vương Ánh Tuyết tùy tiện sắp đặt.
Đậu Chiêu quyết định từ từ để lộ mũi nhọn, bức bách Vương Ánh Tuyết nhượng bộ, lui binh với chuyện của nàng.
Cho nên thấy Đậu Thế Anh nghi ngờ thì nàng chỉ nói:
- Con xin Thôi di nương đón con đến điền trang.
Đậu Thế Anh cứng họng.
Đậu Chiêu mặc kệ hắn, sai Hải Đường cất bức tượng sứ phúc lộc thọ mà nàng yêu thích vào hòm xiểng.
Bức tượng đó màu sắc diễm lệ, ngụ ý tốt lành, chắc chắn tổ mẫu sẽ thích.
Nàng lại nhìn long nhãn đã làm để mang biếu tổ mẫu. Vừa to vừa ngọt.
Đậu Chiêu hài lòng vuốt cằm, thưởng cho tiểu nha hoàn làm việc chút bạc vụn.
Tiểu nha hoàn mừng rỡ cảm tạ rối rít.
Đậu Thế Anh nhìn đứa con gái trầm ổn, bình tĩnh trước mặt mình, lòng dâng lên cảm giác quái dị.
Nữ nhi như đóa hoa kiếm lan, vốn phải nuôi ở trong nhà ấm chờ nó dần dần lớn lên nhưng đột nhiên nàng bị vứt qua một bên, trong gió táp mưa sa, nàng đành phải giãy dụa cùng với cỏ dại, cũng nhanh chóng trưởng thành... Còn mình, chính là trận gió táp mưa sa đó...
- Thọ Cô, con có muốn về nhà?
Hắn hỏi Đậu Chiêu.
Hắn muốn đưa con gái về lại nhà ấm.
- Không muốn. Trong nhà rối loạn lung tung, nhìn đã thấy phiền, không bằng con ở bên lục bá mẫu và Thôi di thái thái.
Đậu Chiêu đáp rành rọt. Đậu Thế Anh nghẹn lời.
Suốt dọc đường hai cha con đều không nói gì.
Tổ mẫu đứng ở ven đường, kiễng chân chờ đợi.
Thấy phụ thân, mắt bà lập tức ươn ướt. Tổ mẫu cười nói.
- Nghe nói con đỗ tiến sĩ, con thật giỏi.
Phụ thân hơi hơi cười.
Tổ mẫu cúi đầu gọi Đậu Chiêu:
- Thọ Cô!
Vẻ mặt từ ái của bà đã cùng Đậu Chiêu vượt qua biết bao đêm dài đen tối.
Mũi Đậu Chiêu cay cay, không nhịn được lại rơi nước mắt.
- Thôi di thái thái, long nhãn làm, ăn ngon lắm!
Nàng ôm lấy tổ mẫu. Tổ mẫu sửng sốt, sau đó ôm chặt lấy Đậu Chiêu.
※※※※※
Điền trang của tổ mẫu vẫn giống như trong trí nhớ của nàng.
Hoa màu xanh mướt, đường đất bằng phẳng, gốc hòe lớn tỏa bóng như chiếc ô khổng lồ, có mấy người đàn bà ngồi túm tụm ở đó, cười cười nói nói cùng thêu thùa, còn có mấy đứa trẻ ở bên đùa giỡn.
Thấy có người vào thôn, mọi người đều ngừng việc trong tay, tò mò nhìn qua.
Đậu Chiêu nhìn chằm chằm những người đó, muốn tìm trong đó một gương mặt quen thuộc.
Nhưng thật đáng tiếc, cách quá xa, bọn họ đều trông thật xa lạ.
Xe ngựa nhanh chóng dừng lại trước căn phòng ngói xanh của tổ mẫu.
Một người đàn bà sạch sẽ, hoạt bát tiến lên vén rèm xe, tổ mẫu tự mình bế Đậu Chiêu xuống.
Căn phòng trước sân, cửa sổ dán giấy trắng, những con gia súc ăn cỏ trong chuồng, cảnh vật quen thuộc như vậy, chỉ là góc tường thiếu mất một cây mận do chính tay nàng trồng.
Chương 53: Điền trang
Tổ mẫu và phụ thân gặp mặt cũng không có gì để nói chuyện, tổ mẩu chi không ngừng nhét hạt dưa và điểm tâm vào tay phụ thân:
- ... Đây là mua từ cửa hàng trong thành về đó... Đây là trong nhà tự trồng, lúc mùa xuân ta đã cố ý chăm sóc, kết quả dưa vừa thơm lại vừa ngọt, trong thành có bán nhưng cũng không tươi bằng thế này đâu.
Phụ thân ngượng ngùng, cười thản nhiên.
Mấy thứ này hắn đều không thích ăn.
Hắn là do đại nương nuôi lớn, ngoài huyết thống ra, thói quen sống và sở thích ăn uống đều không hề giống tổ mẫu nhưng hắn vẫn đón lấy hạt dưa, chậm rãi cắn.
Tổ mẫu cũng cảm thấy phụ thân mất tự nhiên, trong nụ cười của bà có mấy phần lúng túng, nói:
- Bao giờ thì con tới đón Thọ Cô?
Hỏi xong lại cảm thấy lời này không ổn nên vội bổ sung:
- Ý ta là, ta không được đọc sách, cũng không hiểu quy củ gì đó, thỉnh thoảng Thọ Cô đến đây chơi còn được, ở đây lâu quá chỉ sợ không tốt cho nó.
Phụ thân nói:
- Chờ bên kia con thu xếp xong thì sẽ đón Thọ Cô về.
Nói xong, lại thấy đã có đề tài để nói chuyện, lại tiếp:
- Con cũng thấy để Thọ Cô đi theo Vương thị thì không tốt, bên kia Lục tẩu rất tốt, cũng rất hòa hợp với Thọ Cô, con còn phải ở lại kinh thành vài năm, vẫn định để nó đi theo lục tẩu.
Tổ mẫu gật đầu:
- Như vậy cũng tốt! Ta nghe người ta nói, lục phu nhân là xuất thân từ danh môn Giang Nam, có đôi khi thái phu nhân còn phải hỏi ý kiến lục phu nhân, ai cũng khen ngợi, có thể thấy lục phu nhân rất có bản lĩnh, Thọ Cô đi theo nàng ấy, ít nhiều cũng có thể học thêm chút kiến thức.
Lúc nói chuyện lại nhắc tới đại nương của phụ thân: "... Nếu không phải con lớn lên bên bà thì sao có được hôm nay?"
Phụ thân cúi đầu cười, nói:
- Mẫu thân đối xử với con rất tốt.
- Ta biết!
Tổ mẫu nói:
- Có lần ta lén đi thăm con, thấy phu nhân đang cầm roi trúc đánh tay con, vừa đánh vừa hỏi còn dám làm thế không? Con vừa khóc vừa nói không dám. Nhưng phu nhân vừa buông roi trúc thì con đã lại nhăn mặt với phu nhân, còn hỏi phu nhân có thể được đi chơi không... Từ đó về sau, ta thực sự yên tâm.
Đậu Thế Anh và Đậu Chiêu đều không biết chuyện này, nghe vậy mà đều kinh ngạc há hốc miệng.
Tổ mẫu lại cảm khái nói:
- Nếu phu nhân có thể sống lâu vài năm thì tốt rồi!
Mắt phụ thân đỏ lên.
Tổ mẫu vội cười nói:
- Xem ta này, nói chuyện này làm gì? Khó lắm mới có dịp con đến đây một chuyến, trưa nay ở lại đây ăn cơm đi? Ta bảo người mổ gà mái...
- Không được, không được!
Phụ thân vội nói:
- Trong nhà còn rất nhiều việc, con phải về sớm, chờ thêm mấy ngày lại đến thăm người.
Tổ mẫu nghĩ nghĩ, không nói mấy lời giữ lại nữa, chỉ nói:
- Vậy để ta tiễn con ra ngoài!
Phụ thân không từ chối, tổ mẫu nắm tay Đậu Chiêu tiễn Đậu Thế Anh ra ngoài.
Trong thôn, mọi người đều tò mò với thân phận của phụ thân, mọi người trốn sau cửa hoặc nấp ở góc tường đánh giá phụ thân, cũng có người ỷ vào quan hệ tốt với tổ mẫu, cầm chiếc giỏ trúc đi tới, giả bộ ngẫu nhiên gặp, xoay người hành lễ với tổ mẫu:
- Phu nhân, có khách đến!
Mọi người trong thôn đều dựa vào việc giúp tổ mẫu làm ruộng mà sống, ở Đậu gia, tổ mẫu không có vị trí gì nhưng ở đây, một câu nói của bà sẽ quyết định đến sống chết của những người này.
Lưng tổ mẫu thẳng tắp, đáp một tiếng "Ừ", nhưng cũng không nói gì thêm.
Lúc trước Đậu Chiêu từng nghe Thôi đại tẩu nói, lúc tổ mẫu vừa về điền trang, lời gì cũng có nghe nói, Thôi gia không muốn tổ mẫu bị tổn thương, bất công nhưng tổ mẫu lại cản lại, còn nói: "Đã làm rồi còn không cho người ta nói", thái độ thản nhiên, những người muốn nịnh hót lại càng thêm kính trọng, những người từng nói xấu bà cũng không bị bà làm khó, tốt xấu đều phân theo hoa màu thu hoạch được, lâu dần, có đôi khi mùa màng không tốt, tổ mẫu còn miễn địa tô cho bọn họ. Nhà ai có con muốn đi học thì bà bỏ tiền ra giúp đỡ, nhà ai có con muốn đi tìm cửa hàng để học nghề thì bà cũng sẽ nghĩ cách giúp. Lâu dần, tổ mẫu được mọi người kính trọng. Sau này, người họ Thôi và một số người trong điền trang theo Đậu Chiêu lên kinh thành hoàn toàn là vì nể mặt tổ mẫu. Nói thật ra, Đậu Chiêu là nhờ phúc của tổ mẫu.
Lên núi bắt chim, xuống sông bắt cá.
Nắng tháng năm, Đậu Chiêu ôn lại cuộc sống ở điền trang trong trí nhớ một lượt.
Nhưng giờ nàng cũng chẳng còn là đứa trẻ ngây thơ nữa, chỉ có 2,3 ngày đã mệt đến độ chân tay đau nhức.
Thỏa Nương hoảng hốt hỏi tổ mẫu:
- Nên làm sao đây?
- Hoạt động nhiều là tốt rồi! Nó là vì bình thường ít hoạt động đây mà.
Tổ mẫu cười đáp, sau đó kéo Đậu Chiêu:
- Đi, cùng ta đi bắt sâu cho dưa đi!
Đậu Chiêu không muốn đi.
Đương nhiên Thỏa Nương sẽ che chở cho nàng.
Tổ mẫu cười nói:
- Giờ nó là cô nương nhà quyền quý, không cần làm việc nặng nhưng như thế thì sao có thể khỏe mạnh được? Về sau sinh con đẻ cái thế nào đây? Ngươi nhìn các tiểu thư nhà giàu đó, bao nhiêu người vì khó sinh mà chết, chính là vì mang thai rồi không chịu vận động, sợ sẽ ảnh hưởng đến con cái, kết quả là càng sợ cái gì thì nó càng dễ đến. Ngươi xem con nhà nông đó, có mấy người khó sinh, có mấy đứa trẻ khó nuôi!
Nói đến đây, tổ mẫu lại thổn thức.
Đậu Chiêu nhớ lại mình kiếp trước... Đúng như lời tổ mẫu nói, tuy rằng cơ thể bị tổn thương nhưng không như người ta mà đến mức hương tiêu ngọc vẫn.
Đã được sống lại một lần nữa, nếu không biết quý trọng thì chắc gì ưu thế kiếp trước sẽ lại vô duyên vô cớ rơi xuống đầu ngươi lần nữa. Mà ngươi lại vì thế mà đánh giá sai chính bản thân mình thì đó đúng là chuyện rất đáng sợ.
Nàng giãy dụa đứng dậy, hữu khí vô lực:
- Con đi bắt sâu với người!
Tổ mẫu cười hài lòng.
Thỏa Nương, Hải Đường, Thu Quỳ, Mạt Lỵ, Huyên Thảo và cả ma ma của tổ mẫu, chính là Hồng Cô đang đỡ tổ mẫu xuống xe ngựa, đoàn người xếp thành hàng mà đi.
Lần này các nàng phải đi bắt sâu xanh.
Mấy người Hải Đường sợ tới mức hét toáng lên, cho dù là Thỏa Nương cũng biến sắc.
Đậu Chiêu cười khanh khách, tìm được đôi đũa, thấy con nào gắp con đó, chỉ một lát đã bắt được một đĩa đầy sâu.
Nàng dọa Hải Đường:
- Lát nữa đem đi chiên!
Hải Đường vịn tường nôn như điên.
Tổ mẫu cười lớn, trách Đậu Chiêu:
- Không được nói vậy nữa!
Hồng Cô lại khen:
- Không hổ là cháu gái của chủ nhân.
Tổ mẫu trầm mặt, nói:
- Lần này coi như ta không nghe thấy, nếu còn để ta nghe được những lời thế này thì ngươi quay về nhà mình đi!
Hồng Cô sợ tới mức mặt tái mét lại.
Tổ mẫu nói:
- Không có quy củ thì sao có thể vào nề nếp được! Tứ tiểu thư còn nhỏ, các ngươi nói gì thì nó sẽ nghĩ như thế, đến khi quay về Đậu gia lại nói năng linh tinh thì ngươi bảo nó phải nghe ai? Chỉ khổ đứa nhỏ.
Bà nói xong, giọng nói dần thấp xuống:
- Hơn nữa, tổ phụ nó vẫn chê phụ thân nó xuất thân không tốt, nếu nó có làm gì sai thì sẽ chỉ càng khiến tổ phụ nó ghét bỏ phụ thân nó.
- Chủ nhân, đều là tôi không tốt!
Hồng Cô nói xong vội quỳ xuống thỉnh tội.
Tổ mẫu đỡ nàng dậy:
- Ngươi chẳng qua cũng chỉ là tiểu thiếp trong Đậu gia mà thôi, chúng ta như nhau cả, ngươi không cần như vậy, chỉ là về sau nói chuyện phải cẩn thận một chút.
Hồng Cô vội gật đầu:
- Tôi nhớ rồi.
Đậu Chiêu nhìn, lại nhớ tới Đậu Minh.
Cùng là một chuyện nhưng phản ứng của tổ mẫu và Vương Ánh Tuyết lại hoàn toàn bất đồng.
Kiếp trước, nàng luôn cảm thấy Đậu Minh hạnh phúc hơn nàng.
Kiếp này, nàng tự nhìn lại chính mình, lần đầu tiên cảm thấy mình hạnh phúc hơn Đậu Minh.
Kiếp trước Đậu Minh có mẫu thân bảo vệ nàng mọi bề, chỉ cần nàng muốn thì Vương Ánh Tuyết sẽ cố gắng thỏa mãn, mặc kệ phải trả giá cỡ nào, hi sinh cỡ nào, sau đó biến Đậu Minh trở thành kẻ ngang ngược. Mất đi sự che chở của Vương Ánh Tuyết, ngoài kêu la khóc thét, nổi cáu ra thì nàng chẳng làm được gì. Một mối duyên lành bị nàng biến thành rối rắm, thê thảm, nàng lại chẳng biết vấn đề ở đâu mà chỉ biết chỉ trích người khác.
Còn mình tuy rằng không có mẫu thân nhưng lại có tổ mẫu yêu thương, dùng cách giản dị nhất đó chính là những lời nói, việc làm đều thật chuẩn mực để ảnh hưởng đến cuộc sống của nàng, làm cho nàng có thể không thất vọng trong nghịch cảnh, không kiêu ngạo khi sống an lành, học được cách bảo vệ chính mình, học được cách giành giật được hạnh phúc cho riêng mình.
Nàng không khỏi hít sâu một hơi.
Lòng không còn oán hận.
Thậm chí có chút cảm kích phụ thân đã đưa nàng đến điền trang.
Kiếp trước, mặc kệ phụ thân đưa nàng đến điền trang là vì mục đích gì nhưng nhờ đó mà nàng được lợi không ít.
Đột nhiên, lòng Đậu Chiêu như rộng mở, cảm giác biển rộng trời cao đang mở ra trước mắt.
Nàng thành tâm quỳ trước điện Quan thế âm nho nhỏ, chân thành cảm tạ Bồ Tát đã phù hộ mình.
Hải Đường ở bên nhỏ giọng hỏi Thỏa Nương:
- Khi nào thì chúng ta về?
Giọng nói có chút nức nở.
Thỏa Nương lườm nàng một cái:
- Ngươi muốn về thì mai ta nói với Thôi di thái thái, đưa một mình ngươi về.
Hải Đường nao núng, không dám nói thêm gì.
Đậu Chiêu buồn cười.
Nàng đã gặp được Thôi Đại kiếp trước đã giúp mình trông coi điền trang nhưng còn chưa gặp được Thôi Thập Tam được xưng là "bách sự thông" (biết tuốt) đã từng làm quản gia lẫy lừng Tế Ninh hầu phủ, còn cả người giúp nàng trông cửa hàng là Triệu Cẩu Thặng sau này đổi tên là Triệu Lương Bích đại quản gia, đại nha hoàn Cam Lộ, Tố Quyên bên cạnh nàng...
Nhưng chuyện này cũng không vội.
Đậu Chiêu lo lắng cho hôn sự của Thỏa Nương.
Kiếp trước, Thỏa Nương bị bán đi.
Thỏa Nương bị bán làm vợ một người họ Lý lớn hơn nàng 10 tuổi, là người tàn tật. Thỏa Nương gả qua đó được hai năm thì sinh con trai, đến năm thứ ba thì thôn có dịch bệnh, chồng và con đều chết, mẹ chồng nói nàng khắc phu, muốn bán nàng đi.
Nàng trốn đi trong đêm, nghĩ đến Đậu gia xin chút cơm ăn.
Đi suốt một năm mới đến Thực Định nhưng lại nghe được những lời đồn đại không hay về mẫu thân.
Lúc này nàng mới giận dữ đi tìm mình.
Cũng là vì thế mà cơ thể của nàng rất yếu ớt, qua 37 tuổi đã chết vì bệnh.
Kiếp này, Thỏa Nương ở lại Đậu gia, còn đổi tên "Tố Hinh" rất văn nhã.
Nhưng sang năm, Thỏa Nương đã 20 tuổi.
Ở Đậu gia, tuổi này sớm đã được gả chồng nhưng vì nàng là đại nha hoàn mình thích nhất, trưởng bối trong nhà đều làm như không biết, cứ để nàng ở bên hầu hạ mình.
Đậu Chiêu cầu xin tổ mẫu:
- Người giúp Thỏa Nương tìm một nhà tốt đi, Ngọc Hinh cũng đã lấy chồng rồi mà.
Tổ mẫu cười lớn rồi nói nàng là "Còn nhỏ mà tính quỷ quái lại lớn".
Đây là sự khác biệt giữa tổ mẫu và những người ở Đậu gia.
Nếu là người Đậu gia, chỉ sợ sẽ vội vã hỏi nàng: "Là ai nói cho ngươi những lời này?"
Tổ mẫu cũng không có ác ý đi đoán tâm tư của người khác, bà cảm thấy, cho dù là ý của Thỏa Nương thì cũng là hợp tính hợp lý, hẳn nên được coi trọng.
Chương 54: Cố nhân
Tổ mẫu quan sát Thỏa Nương một hồi, thấy Thỏa Nương trung hậu, thành thật nên trong lòng cũng nảy sinh hảo cảm, thật tình muốn tìm cho nàng mối duyên lành. Cho nên lúc rỗi rãi đều dẫn Đậu Chiêu đi khắp thôn, gặp tiểu tử trạc tuổi thì sẽ nhìn mấy lượt, hỏi mấy câu, không bao lâu trong thôn đã có tin đồn, Thất gia họ Đậu nhờ tổ mẫu tìm giúp một tùy tùng đáng tin, thành thật, lúc tổ mẫu và Đậu Chiêu ra ngoài thỉnh thoảng lại gặp được người dẫn con trai "tình cờ gặp gỡ" hai người.
Tổ mẫu không biết nên khóc hay cười, lại khó mà nói rõ, đành giải thích:
- Không có chuyện này! Không có chuyện này.
Đương nhiên là mọi người không tin.
Ngay lúc này, Đậu Chiêu gặp Triệu Lương Bích.
Triệu gia và Thôi gia là họ hàng nhưng cụ thể quan hệ thế nào thì nàng lại không rõ.
Hôm đó, bọn họ đang dùng bữa tối thì phụ thân của Triệu Lương Bích hai tay xốc xốc tay áo, cúi người chậm rãi đi vào sân, Triệu Lương Bích 8 tuổi cúi đầu đi theo sau phụ thân.
- Thôi đại cô!
Phụ thân Triệu Lương Bích đứng từ xa hỏi khuôn mặt đen gầy nở nụ cười ân cần.
- Đại cô đang ăn cơm?
Triệu Lương Bích thì ngồi xổm ở cửa.
Tổ mẫu vội buông bát gọi "tam ca" rồi nhiệt tình tiếp đón:
- Đã ăn cơm chưa? Dùng thêm chút nữa đi!
Sau đó gọi nha hoàn bưng ghế, lấy bát đũa đến.
Phụ thân Triệu Lương Bích vội xua tay:
- Chúng tôi đã ăn rồi, đã ăn rồi!
Sau đó nhìn Đậu Chiêu nói:
- Đây là tứ tiểu thư đúng không? Trông trắng trẻo xinh xắn quá, như người trên tranh tết vậy.
Tổ mẫu cười lớn, sai nha hoàn bưng trà bánh lên.
Phụ thân Triệu Lương Bích nhìn hắn quát:
- Cẩu Thăng, ngồi đó làm gì? Còn không mau đến đây hành lễ với tứ tiểu thư và đại cô!
Khuôn mặt đen đúa của Triệu Lương Bích xuất hiện.
- Đây là?
Tổ mẫu hoang mang nhìn phụ thân Triệu Lương Bích.
- Thôi đại cô!
Phụ thân Triệu Lương Bích ngượng ngùng cười nói:
- Thằng con trai ăn chết cha nó. Đại cô cũng biết, bà nhà tôi một năm ba trăm sáu lăm ngày thì phải đến ba trăm sáu mươi ngày nằm trên giường, chút thu hoạch từ ruộng vườn còn chẳng đủ tiền thuốc cho bà ấy. Cẩu Thăng này chúng tôi thực sự không nuôi nổi, nghe nói Đậu thất gia muốn tìm tùy tùng...
Vẻ mặt ông khẩn thiết nhìn tổ mẫu.
Tổ mẫu sửng sốt.
Đậu Chiêu cũng sửng sốt.
Kiếp trước, nàng hơn 10 tuổi thì Triệu Lương Bích mới xuất hiện, khi đó mẫu thân hắn bị bệnh mà qua đời, phụ thân hắn quyết định đến Phúc Kiến làm thợ mộc, gửi Triệu Lương Bích mới 13 tuổi cho tổ mẫu. Muội muội mới 9 tuổi của Triệu Lương Bích thì đưa cho nhà người ta làm con dâu nuôi từ bé... Kiếp này, vì Thỏa Nương mà hắn xuất hiện trước năm năm.
Vận mệnh liệu có vì thế mà thay đổi không?
Đậu Chiêu suy nghĩ.
Lại thấy phụ thân Triệu Lương Bích ấp úng nói:
- Tôi cũng biết Cẩu Thăng thế này lại không có diện mạo, không có tài năng, chắc chắn Đậu thất gia sẽ xem thường nhưng nể tình chúng ta là họ hàng, đại cô nói giúp đôi câu đi...
Ông còn chưa nói xong thì Triệu Lương Bích mất tự nhiên đứng bên cạnh dã lớn tiếng nói:
- Phụ thân, con đã nói với người bao nhiêu lần rồi, càng là họ hàng thì đại cô sẽ càng không giới thiệu đến Đậu gia, sao người không chịu nghe...
Phụ thân của Triệu Lương Bích vô cùng tức giận, đạp hắn một đạp:
- Người lớn nói chuyện, trẻ con biết gì.
Sau đó lại nhìn tổ mẫu tươi cười nịnh bợ:
- Thôi đại cô, đại cô đừng nghe tiểu tử này nói hươu nói vượn, tôi biết, đại cô sợ có người nói đại cô đang làm nhũng nhiễu Đậu gia...
- Đại cô...
Triệu Lương Bích bị đá qua một bên cao giọng cắt lời phụ thân:
- Phụ thân con không nuôi được con thì người giữ con ở lại điền trang đi? Làm gì con cũng làm được, người cho con bát cơm ăn là được rồi.
Phụ thân hắn giận dữ nhìn con nhưng thằng con cũng chẳng hề yếu thế lườm lại phụ thân.
Tổ mẫu cười rộ lên:
- Tam ca, nếu tam ca tin lời tôi thì giao nó cho tôi là được. So với đến Đậu gia thì chắc chắn là không bằng nhưng vẫn có thể được ăn no mặc ấm.
Phụ thân Triệu Lương Bích còn định nói thêm gì nữa thì Triệu Lương Bích đã lớn tiếng đáp:
- Được!
Tổ mẫu lấy dao sắc chặt đay rối, cho cha con Triệu Lương Bích đi xuống nghỉ ngơi, lại dặn Hồng Cô:
- Hai người bọn họ chắc chắn là còn chưa ăn tối, Thọ Cô ở đây ta sợ nó ngại hai người họ bẩn nên không dám giữ họ ở lại ăn cơm. Ngươi đến phòng bếp làm cho bọn họ tô mỳ thịt lớn, phải cắt nhiều thịt vào, ba phần mỡ bảy phần nạc biết chưa?
Hồng Cô cười gật đầu đi xuống phòng bếp.
Sáng sớm hôm sau, phụ thân Triệu Lương Bích xách giỏ bánh nướng tổ mẫu cho mang về nhà, Triệu Lương Bích không cần ai dạy bảo đã quét dọn sạch sẽ sân trước sân sau, buông chổi lại đi cắt cỏ cho ngựa ăn.
Đậu Chiêu ở trong phòng luyện chữ, lòng lại nghĩ đến Thôi Thập Tam.
Quản gia hồi sự thì chỉ có nhà công khanh mới có, chuyên để đưa đón, nghênh tiếp các quan lại. Nếu là nhà quan tước thì chỉ yếu là do những tú tài, cử nhân thi trượt phụ trách... Nếu kiếp này nàng không gả vào phủ Tế Ninh hầu thì tiền đồ của Thôi Thập Tam sẽ ở đâu?
Kiếp trước, Thôi Thập Tam là tâm phúc của Thôi gia.
Nếu cuối cùng Thôi Thập Tam chẳng qua chỉ là ở lại quê hương làm một nông phu chẳng có tiếng tăm gì thì tương lai Thôi gia sẽ có những thay đổi gì?
Mình có nên giúp Thôi Thập Tam không?
Nhưng nên giúp hắn thế nào?
Đậu Chiêu cúi đầu trầm tư.
Bên ngoài truyền đến giọng nói điềm tĩnh của Triệu Lương Bích:
- Tỷ tỷ, ấm trà này nặng đó, để tôi xách vào cho tỷ?
- Ngươi xem tay ngươi kìa, bẩn muốn chết. Ấm trà này nếu để ngươi mang vào thì tiểu thư nhà ta còn uống được sao?
Người nói chuyện là Hải Đường.
- Vậy ta đi một chút rồi quay lại ngay.
Triệu Lương Bích lại lon ton chạy đi.
Lúc Đậu Chiêu nhìn thấy hắn thì từ đầu đến chân hắn đều rất sạch sẽ, người trông nhẹ nhàng, khoan khoái hơn nhiều.
Hắn nhanh nhẹn giúp bọn Hải Đường thu dọn phòng ở. Hải Đường hỏi:
- Sân đã quét sạch chưa?
- Quét sạch rồi!
- Đã cho ngựa ăn chưa?
- Cho rồi!
- Cắt cỏ chưa?
- Cắt rồi.
Những việc này giờ lại thành trách nhiệm của Triệu Lương Bích.
Hắn nhặt được một tờ giấy viết hỏng của Đậu Chiêu, nhìn nhìn rồi hâm mộ nói:
- Chữ của tứ tiểu thư thật đẹp!
Đám Hải Đường bưng miệng cười:
- Ngươi biết chữ sao?
- Không, không biết!
Triệu Lương Bích da mặt dày, ngươi nói gì hắn cũng có thể cười lại, lần đầu tiên thẹn đến đỏ bừng mặt.
Đậu Chiêu động lòng, hỏi hắn:
- Ngươi có muốn biết chữ?
Khuôn mặt hắn sáng bừng lên:
- Muốn, đương nhiên là muốn!
Nói xong thần sắc lại ảm đạm:
- Nhưng phụ thân tôi không có tiền.
- Vậy ta sẽ dạy cho ngươi biết chữ. Nếu ngươi học tốt, ta sẽ nói với tổ mẫu cho ngươi đi học.
Đậu Chiêu cười nói.
Triệu Lương Bích nắm chặt tay áo Đậu Chiêu:
- Tứ tiểu thư, người nói lời giữ lời chứ!
Đậu Chiêu mím môi cười.
Về sau không biết sẽ thế nào nhưng bắt đầu biết chữ, đọc sách thì sẽ luôn dễ dàng hơn so với kiếp trước.
Từ đó về sau, ngày nào cũng vậy, Triệu Lương Bích vừa làm việc xong thì sẽ ngồi bên hành lang chăm chú viết chữ.
Tổ mẫu biết được, sai người đến Thực Định mua rất nhiều giấy về, tự mình đặt ở dưới điện thờ trong nhà chính, ai muốn dùng thì cứ lấy.
Khó trách người trong điền trang đều khen tổ mẫu tốt.
Đậu Chiêu cẩn thận suy nghĩ đến những hành động của tổ mẫu.
Rất nhanh đã đến ngày 22.
Đậu Chiêu vẫn như bình thường, sáng sớm tinh mơ đã dậy, cùng tổ mẫu đi thăm vườn một vòng, hái dưa và trái cây về, tắm rửa rồi ăn sáng, sau đó bắt đầu luyện chữ.
Tây Đậu dù không giăng đèn kết hoa nhưng mọi người từ trên xuống dưới đều mặc đồ mới, nhìn cũng khiến người ta thấy phấn chấn.
Kỷ thị thấy đã không còn sớm nên đến phòng nhị thái phu nhân, thấy nhị thái phu nhân vẫn còn nằm trên giường nghe nha hoàn đọc "Ngũ hiệp diễn nghĩa" thì cười nói:
- Vẫn là mẫu thân ổn trọng, con sợ muộn giờ nên đã thay quần áo luôn rồi.
Nhị thái phu nhân cười, ngẩng đầu nhìn nàng rồi nói:
- Các con là ngang hàng, Tây Đậu lại neo người, nên qua đó giúp vui. Ta già rồi, lại là góa phụ, người ta là ngày lành ta lại là điềm xấu, ta không đi.
Sau đó sai đại nha hoàn:
- Qua rương của ta lấy chiếc trâm phúc thọ bằng vàng ra, cho vào hộp rồi nhờ lục phu nhân mang qua. Bảo đó là lễ của ta.
Câu cuối là nói với Kỷ thị:
- Minh thư nhi đâu? Để nó ở lại chỗ ta, chờ Vạn Nguyên trở về lại đến đón Minh thư nhi cũng không muộn.
Cứ như vậy, Thọ Cô và Minh thư nhi sẽ không phải dập đầu, kính trà cho Vương thị?
Kỷ thị thấy nhị thái phu nhân tuy nói nhẹ nhàng như vậy nhưng ánh mắt lạnh lùng thì biết đây là nhị thái phu nhân đang đánh phủ đầu Vương Ánh Tuyết. Nàng không muốn bị liên lụy nên chỉ cười đón lấy tráp, đi ra cửa.
Bên kia, đại phu nhân sớm đã ăn diện đẹp đẽ, đang muốn đi lấy lễ gặp mặt cho Vương Ánh Tuyết nhưng lại nghe đại nha hoàn tâm phúc nói nhị thái phu nhân không đi, còn nói mấy lời "Ở góa", nghĩ nghĩ rồi lại gọi tiểu nha hoàn vào, chọn một đôi châu hoa làm lễ gặp mặt rồi bảo đại nha hoàn qua nhờ nhị phu nhân đem qua tặng giúp.
Tam gia Đậu Thế Bảng và tam phu nhân bị Đậu Đạc nhờ giúp chuẩn bị, thấy nữ quyến bên Đông phủ đến thì vội ra nghênh đón.
Nhị phu nhân dẫn đầu cười nói:
- Có thể đến đều đến, không đến được cũng đều có lễ gặp mặt mang đến rồi đây.
Tam phu nhân là người nhạy bén, thoáng nhìn thì đã biết là ai không đến, cũng không hỏi nhiều, chỉ cười cùng mọi người đi vào phòng khách, khách nam thì đều ngồi ở chính sảnh đằng trước.
Đến giờ lành, Vương Ánh Tuyết đầu đội mũ phượng vàng đính ngọc trai, mặc hỉ phục đỏ thẫm được tam phu nhân đỡ ra cùng Đậu Thế Anh bái tế tổ tiên. Rượu được ba tuần thì mọi người chuyển ra phòng khách ngồi. Đậu Thế Anh và Vương Ánh Tuyết kính trà cho mọi người. Sau đó Vương Ánh Tuyết được đỡ về Tê Hà viện, đám người Đậu Thế Anh thì đi qua Hạc Thọ Đường.
Đám người nhị phu nhân ở lại đại sảnh uống trà, nói chuyện phiếm.
Tam phu nhân đành nhìn lục phu nhân cầu cứu.
Theo đạo lý, nữ quyến phải qua phòng tân nương trò chuyện, xem như là chúc mừng.
Lục phu nhân coi như không phát hiện.
Nàng cũng không muốn chơi trội.
Tam phu nhân không có cách nào, đành gọi nhị đường tẩu:
- Chúng ta qua chỗ Vương thị đi!
Nhị đường tẩu là người thoải mái ai nói gì cũng nghe, cười đáp vâng, tam đường tẩu, ngũ đường tẩu và mấy vị ma ma có địa vị cũng đến Tê Hà viện.
Lúc này nhị phu nhân mới nói:
- Sao Vương thị còn ở lại Tê Hà viện?
- Là ý của thất gia.
Nha hoàn bên Tây Đậu có ý nịnh bợ nhị phu nhân vội đáp:
- Nói bên chính phòng còn giữ lại đồ của thất phu nhân và tứ tiểu thư, tứ tiểu thư đến điền trang mấy ngày, nhất thời không thu dọn được, chờ tứ tiểu thư về rồi nói.
Nhị phu nhân "À" một tiếng, chờ mấy người tam phu nhân quay lại thì lấy cớ là bên thái phu nhân không có người hầu hạ nên dẹp đường về phủ.
Chương 55: Vào cửa
Trong Tê Hà viện, nến hỉ đỏ thẫm cháy sáng, Vương Ánh Tuyết nắm chặt tay ngồi đó.
- Đúng là khinh người quá đáng, khinh người quá đáng!
Nàng giận dữ đứng ở giữa phòng:
- Dựa vào cái gì mà Đông phủ đòi đè ép Tây phủ? Ta đã thành chính thất của Vạn Nguyên, dựa vào cái gì mà bà ấy giữ Minh thư nhi ở chỗ bà ấy không buông?
- Phu nhân, người nhỏ giọng chút, nhỏ giọng chút.
Hồ ma ma vội nhắc nhở, liếc nhìn chung quanh, thấy không có ai thì mới thấp giọng nói:
- Bây giờ còn không phải là lúc để nối cáu - thất gia còn cần ngũ gia giúp đỡ, người vừa mới phù chính, lại không có con trai ở bên, nhẫn nhịn mấy ngày tránh những tháng ngày sau phải khổ sở.
- Ta biết. Nếu không nghĩ vậy thì hôm nay ta đã không nhẫn nhịn rồi.
Thần sắc Vương Ánh Tuyết hòa hoãn lại. Hồ ma ma khẽ thở phào, cười chuyển đề tài:
- Hôm nay là ngày lành của phu nhân, đã không còn sớm nữa, thất gia chắc cũng sắp đến rồi, không bằng ta hầu hạ phu nhân tháo trang sức, uống bát canh hạt sen.
Vương Ánh Tuyết thẹn thùng.
Quỳnh Phương bưng một cái hộp đi vào, cười nói:
- Thất phu nhân, đây là lễ gặp mặt hôm nay, người thấy nên để đâu.
Nhắc đến đây, Vương Ánh Tuyết lại giận dữ.
Đậu thị giàu có cao lương mỹ vị không thiếu, bình thường thưởng cho các ma ma cũng đều là tơ lụa gấm đoạn, vòng vàng trâm bạc, đám người nhị thái phu nhân lại chỉ tặng cho nàng mấy cái trâm ngọc bình thường như thể không coi nàng ra gì.
- Cũng chẳng có gì tốt đẹp, chẳng lẽ còn cất giấu như báu vật?
Giọng nói của nàng có chút sắc nhọn.
Quỳnh Phương nịnh bợ nhầm chỗ, không những không được thưởng mà còn bị quở trách.
Hồ ma ma vội nháy mắt với Quỳnh Phương, cười an ủi Vương Ánh Tuyết:
- Đậu gia cũng không phải là nhà giàu mới nổi, càng những chuyện thế này thì càng khiêm tốn, người cũng đừng nhìn mấy thứ này. Chưa biết chừng đó là những vật quý mà không dễ phát hiện đó? Chỉ là hôm nay chúng ta không rảnh, chờ hôm nào rỗi, phu nhân lấy ra xem cho cẩn thận.
Từ sau khi Triệu Cốc Thu qua đời, Tây Đậu vốn không có người chủ trì nội trợ, mấy năm qua đã loạn như cháo nát, ai cũng đều có tâm tư riêng, lại thêm mấy ngày nữa bị Đậu Chiêu lấy đi nửa tài sản, những người vốn toàn tâm toàn ý nịnh bợ Vương Ánh Tuyết giờ cũng bắt đầu có lòng khác. Những người trong phủ bây giờ chỉ e là đang nhìn chằm chằm vào Tê Hà viện, nếu nàng có chút khác thường thì chỉ sợ cũng sẽ bị làm rối lên... Không bằng nhân đây xuống thang!
Vương Ánh Tuyết nghĩ vậy thì nhẹ nhàng "Ừ" một tiếng, đang định dạy dỗ Quỳnh Phương đôi câu thì có tiểu nha hoàn vào bẩm:
- Cao Thăng đến!
Mọi người trong phòng đều sửng sốt.
Vương Ánh Tuyết hồ nghi nói:
- Mời hắn vào đi!
Cao Thăng đứng ở bên ngoài tấm bình phong hoa mai, giọng nói ôn hòa và kính cẩn:
- Thất phu nhân, thất gia nói hôm nay đã muộn, thất gia nghỉ lại ở chính phòng, bảo phu nhân cũng nghỉ ngơi sớm đi thôi, giờ mão ngày mai phải đi thỉnh an lão thái gia, sáng mai tam phu nhân sẽ qua bàn giao lại Tây phủ cho phu nhân, bảo phu nhân đừng dậy muộn.
Nói xong chắp tay lui xuống.
Vương Ánh Tuyết há hốc miệng hồi lâu cũng không khép được miệng lại, mặt đỏ bừng lên, nước mắt vòng quanh:
- Hắn có ý gì vậy? Hắn muốn tìm cớ thì cần gì phải nói là đã muộn? Giờ mới là đầu giờ tuất... còn nghỉ ở chính phòng... chẳng phải là để cho ta bị người khác chê cười sao?
Hồ ma ma cũng cảm nhận được sự khác thường của Đậu Thế Anh, bà chần chừ nói:
- Phu nhân, có cần tôi qua xem không?
- Không cần! Ta tự qua mời!
Vương Ánh Tuyết cắn răng.
Ngày đầu tiên vào cửa Đậu Thế Anh lại ngủ ở chỗ khác thì sau này nàng còn ngẩng đầu được trong Đậu gia nữa sao?
Hồ ma ma và Vương Ánh Tuyết vội vàng đến chính phòng.
Đậu Thế Anh đã thay đổi xiêm y, đang ngồi trước bàn viết chữ.
Thấy Vương Ánh Tuyết đến, hắn cũng không kinh ngạc mà chỉ thản nhiên cười nói:
- Nàng đã đến?
Nhìn khuôn mặt anh tuấn của Đậu Thế Anh dưới ánh đèn, những lời chất vấn đã chuẩn bị tốt đột nhiên tan thành mây khói, nàng có chút bất an sửa lại ống tay áo, giọng nói cũng trở nên nhu hòa:
- Hôm nay mệt lắm sao? Sao lại một mình ở đây viết chữ?
Vừa nói vừa đi qua, mũi lại ngửi thấy mùi rượu trên người Đậu Thế Anh, nàng cười nói:
- Thất gia đã uống bao nhiêu rượu? Sao người toàn mùi rượu như vậy? Thiếp sai người làm bát canh tỉnh rượu cho thất gia nhé?
Vừa nói vừa xắn tay áo định mài mực cho hắn.
Đậu Thế Anh ngăn nàng lại:
- Bên này ta đã có Cao Thăng hầu hạ rồi, nàng đi nghỉ đi, mai còn có việc.
Giọng nói còn ấm áp hơn gió đêm, bản thân vẫn cúi đầu, lòng không chuyên tâm tiếp tục viết chữ.
Ý tứ từ chối đã rõ như vậy khiến Vương Ánh Tuyết thẹn đỏ mặt, nhưng nàng ta chưa bao giờ là người dễ rút lui, nghĩ một hồi lâu rồi chạy lên ôm eo Đậu Thế Anh.
- Vạn Nguyên...
Ánh mắt nàng ta dịu dàng, long lanh nước.
Người Đậu Thế Anh cứng đờ, chậm rãi buông bút trong tay, dịu dàng mà vẫn rất kiên định gỡ cánh tay Vương Ánh Tuyết ra:
- Ánh Tuyết, ta đã nói rồi, ngoài danh phận ra, những thứ khác ta đều không thể cho nàng... Nàng cũng biết rồi... Chúng ta tương kính như tân khách không được sao?
Hắn xoay người, đôi mắt đen như nước sơn lẳng lặng nhìn nàng, vẻ mặt vô cùng nghiêm túc.
Vương Ánh Tuyết ngạc nhiên.
Nàng đương nhiên biết... Nhưng nàng đã nghĩ thời gian sẽ hòa tan đi tất cả... Ngàn dặm tương tư sao bằng nhuyễn ngọc ôn hương trong lòng.
Đậu Thế Anh bước ra ngoài.
Hoa ngọc trâm trong Đậu phủ đã nở, hương thơm nồng nàn ùa tới.
Hắn chợt nhớ lại lúc mình thành thân.
Cũng là thời tiết thế này.
Hoa ngọc trâm đang nở rộ, dưới ánh trăng, những đóa hoa trắng trong như ngọc.
Giọng nói thanh thúy của thê tử gọi "Vạn Nguyên", hỏi hắn "Thiếp có xinh đẹp không..."
Hắn không nhớ mình đã trả lời thế nào, chỉ nhớ thê tử đã vừa mừng vừa sợ nhào vào lòng hắn, như đốt lửa vào lòng hắn... bên tai là tiếng cười như chuông bạc của thê tử: "Bọn họ đều nói ta không ngại ngùng, nhưng ta thích chàng, chỉ muốn lấy chàng thôi!", giọng nói ngây thơ, kiều mỵ không chút nghi ngờ, tràn ngập sự vui mừng, thỏa mãn...
Mùi hoa nồng nàn hơn như gợi nhớ đến những khi mặn nồng, khiến người ta tim đập nhanh mà hoảng hốt.
Hắn chạy ra ngoài...
Tiếng sấm ầm ầm vang lên, mưa rơi ào ào.
※※※※※
Đậu Chiêu bị tiếng động ở bên làm cho bừng tỉnh, bên tay mơ hồ nghe được tiếng tổ mẫu dặn Hồng Cô:
- ... Nhìn xem ngựa có bị hoảng sợ không? Cửa sổ bếp đã đóng chưa? Phòng củi cũng phải kiểm tra hết, đừng để mưa tạt vào làm cho ướt hết.
Hồng Cô vừa ngáp vừa khoác áo đi ra ngoài.
Tổ mẫu quay đầu thấy Đậu Chiêu đang mơ màng trong chăn, cười khẽ rồi vỗ vỗ nàng:
- Thọ Cô đừng sợ, Thôi di thái thái đang ở đây rồi!
Đậu Chiêu tỉnh táo lại.
Nàng nhìn căn phòng, thoáng cảm thấy mơ hồ.
Bên ngoài có tiếng gõ cửa ầm ầm, vang vọng khắp sân.
Tổ mẫu kinh ngạc, gia nô Lưu Tứ Hải ở sương phòng đã cầm một chiếc gậy gỗ đi tới trước cửa. Hắn cảnh giác hỏi:
- Là ai?
- Là thất gia, mau mở cửa.
Người bên ngoài cao giọng nói.
Lưu Tứ Hải vội buông gậy gỗ, cửa cót két mở ra.
Đậu Thế Anh và Cao Thăng đội mưa đi vào.
- Xảy ra chuyện gì?
Tổ mẫu đứng ở giữa cũng bất chấp mưa lớn, vội chạy ra đón.
- Không có việc gì, không có việc gì.
Xiêm y của Đậu Thế Anh đã ướt đẫm, tuy thời tiết mùa hè nóng bức nhưng mưa đêm thấm vào người vẫn rất lạnh, môi hắn hơi trắng bệch:
- Con đến thăm Thọ Cô!
Ánh mắt tổ mẫu lộ ra sự nghi ngờ nhưng bà không hỏi gì, chỉ sai ma ma nấu nước, bảo Hồng Cô đến bên Lãng gia cách vách mượn hai bộ xiêm y.
Chờ phụ thân tắm rửa sạch sẽ thì mưa đã trút như thác đổ, trời lại càng âm u như thể sẽ sụp xuống bất kì lúc nào.
Đậu Chiêu ngồi trên giường, buồn ngủ, đầu gật gù như đang câu cá.
Với sự xuất hiện của phụ thân, nàng không cho là đúng.
Khuya khoắt, mưa lớn như vậy, không nghĩ là sẽ bị cảm mạo, cảm mạo có khi cũng sẽ chết người, còn làm phiền người khác vội vã giúp ngươi tìm xiêm y tắm rửa, an bài trà bánh... ngây thơ tùy hứng. Người không chu đáo như vậy sao giống một người làm cha.
Quan trọng hơn là, nàng cảm thấy bất kể phụ thân và Vương Ánh Tuyết có mâu thuẫn thế nào thì chạy trối chết thế này rất yếu đuối, bất tài.
Phụ thân lại không hiểu được suy nghĩ của nàng, hắn cười xoa đầu Đậu Chiêu, dịu dàng hỏi nàng:
- Con ở điền trang có quen không?
- Quen ạ!
Nàng quay đầu đi tránh được tay phụ thân:
- Mọi người đều rất tốt với con.
Đậu Thế Anh nhìn căn phòng bài trí đơn sơ, cảm thấy con gái có chút vô tâm.
Hắn trầm ngâm đứng trước giường thật lâu.
Đậu Chiêu rất muốn đi ngủ, phụ thân không lên tiếng, nàng đành phải nói:
- Phụ thân không ngủ được sao?
Đậu Thế Anh không lên tiếng, một lát sau, hắn chậm rãi ngồi xuống bên Đậu Chiêu, trầm giọng hỏi nàng:
- Con có còn nhớ mẫu thân không?
Đậu Chiêu kinh ngạc, vẻ mặt trở nên nghiêm túc.
- Ta vẫn còn nhớ rõ mẫu thân con.
Phụ thân lẩm bẩm, khóe mắt có ánh lệ lấp loáng:
- Ngày nàng ấy gả cho ta, tay đeo nhẫn ngọc lục bảo, hoa tai vàng khắc hình hoa hải đường...
Đậu Chiêu quay mặt qua chỗ khác, sự bi thương lan tràn.
※※※※※
Trời chưa sáng phụ thân đã đi, Đậu Chiêu nhìn bầu trời trong vắt sau cơn mưa lớn, thoáng giật mình.
Thương cảm qua đi, người cũng có dũng khí đối mặt với sự bất mãn trong cuộc đời này chưa!
Nàng quay về phòng luyện chữ.
Triệu Lương Bích ân cần thu dọn thư phòng cho nàng.
Nàng nói với Triệu Lương Bích:
- Ta đặt cho ngươi một cái tên nhé?
Triệu Lương Bích vừa cao hứng lại vừa lo lắng.
Cao hứng là vì mình không bị gọi là Cẩu Thăng nữa, lo lắng là sợ Đậu Chiêu nhất thời nghịch ngợm, lại chọn cho mình cái tên cũng gần như Cẩu Thăng... về sau có muốn sửa cũng không sửa được!
- Lương Bích được không?
Đậu Chiêu viết tên của hắn lên giấy:
- Là ý chỉ ngọc đẹp, hi vọng ngươi sẽ có nhân cách đẹp như ngọc, khiêm tốn lễ nghĩa.
Triệu Lương Bích mừng rỡ, cầm tờ giấy Đậu Chiêu viết tên hắn đi khoe khắp nơi.
Mới chỉ một ngày mà mọi người trong điền trang đều biết Cẩu Thăng tên là Triệu Lương Bích.
Tổ mẫu cũng khen cái tên này rất hay, còn nói vài ngày nữa sẽ đưa nàng đến miếu chơi, đáng tiếc kì nghỉ của phụ thân đã hết, hắn đến đón Đậu Chiêu về, cũng nói với tổ mẫu:
- Người có chuyện gì thì có thể cho người viết thư đưa cho lục ca, con ở kinh thành không có ở đây, lục ca sẽ chăm sóc cho người và Thọ Cô.
Tổ mẫu gật đầu, không đặt những lời này vào lòng.
Bà sống một mình ở điền trang hơn 20 năm qua cũng đâu có chuyện gì, bà tin về sau có chuyện gì cũng không cần tìm đến Đậu Chiêu.
Đậu Chiêu lại cầu xin với phụ thân:
- Có thể đưa Triệu Lương Bích về không?
Phụ thân hỏi Triệu Lương Bích là ai?
Tổ mẫu nói lại lai lịch của hắn cho phụ thân.
Phụ thân nghe nói cái tên Triệu Lương Bích là do Đậu Chiêu đặt thì gật gật đầu:
- Vậy mang về đi!
Cứ như vậy, Triệu Lương Bích xuất hiện ở Đậu gia.
Chương 56: Đoan ngọ
Năm Thái Bình thứ 8, Đậu Chiêu chín tuổi, lục bá phụ Đậu Thế Hoành đề tên bảng vàng, đỗ thứ 36, tháng 9 năm trước Cửu đường huynh Đậu Hoàn Xương nhà đại bá phụ đỗ cử nhân, đây cũng được coi là song hỉ lâm môn, cả nhà đều mừng rỡ, nhất là nhị thái phu nhân, ba người con trai của bà thì có đến hai người là tiến sĩ, gặp chuyện vui như vậy, nhị thái phu nhân quyết định đến Đoan ngọ sẽ đi khắp nơi để chúc mừng.
Mấy năm nay Đậu Chiêu đều ở Đông phủ, mùa hè thì lấy cớ nghỉ hè đến điền trang ở cùng tổ mẫu mấy ngày.
Nghi thư nhi nhà ngũ đường tẩu tìm đến Đậu Chiêu:
- Người nói chúng ta có nên làm mấy chiếc túi không?
Tiết đoan ngọ có tập tục tặng túi thêu xinh đẹp cho mọi người.
- Ngươi cứ bàn với Thục thư nhi là được, ta theo mấy người.
Đậu Chiêu cười nói.
Nàng không phải là người Đông Đậu lại không muốn về Tây Đậu, nàng coi mình thành người ở nhờ nhà họ Đậu, cho nên đối xử với mọi người đều rất khách khí, với ai cũng bình thản có lễ, lại có tiền để xã giao với họ hàng này nên người trong Đậu gia từ trên xuống dưới, nhắc đến nàng đều phải dựng ngón tay cái.
Thục thư nhi là con gái cả của tam đường tẩu, cũng là muội muội của Đậu Khải Tuấn, lớn hơn Nghi thư nhi hai tháng, nhỏ hơn Đậu Chiêu hai tháng.
Nghi thư nhi cảm khái nói:
- Nếu có ngũ cô cô ở đây thì thật thích!
Ngũ cô cô, là Đậu Minh.
Sau khi Vương Ánh Tuyết vào cửa, nhị thái phu nhân vẫn giữ Đậu Minh ở bên cạnh, Đậu Minh dần dần không còn thân thiết với Vương Ánh Tuyết như trước nữa. Năm Thái Bình thứ 7, Vương Hành Nghi nhậm chức tuần phủ ở Thiểm Tây, Vương gia lại chuyển đến kinh đô. Vương Ánh Tuyết không có cách nào, đành phải viết thư cho mẫu thân mình là Hứa phu nhân. Hứa phu nhân lấy cớ nhớ mong cháu ngoại, sai người đến đón Đậu Minh lên kinh ở mấy ngày. Tổ phụ đồng ý, nhị thái phu nhân cũng chẳng có đạo lý nào mà giữ mãi được. Tính ra thì Đậu Minh đã ở kinh thành được hơn nửa năm rồi.
Nghi thư nhi rất thân với Đậu Minh, lại cảm thấy Đậu Chiêu biết cách lấy lòng người lớn nên không thân thiết với Đậu Chiêu.
Kinh nghiệm kiếp trước nói cho Đậu Chiêu, không thể nào đòi hỏi tất cả mọi người đều thích mình, một khi đã như vậy thì càng không cần thiết phải đi lấy lòng những người không thích mình. Nàng thản nhiên cười nói:
- Hay là ngươi viết thư cho Đậu Minh hỏi xem bao giờ thì nó về Thực Định?
Trong nhà chỉ có Nghi thư nhi phát hiện lúc Đậu Chiêu gọi Đậu Minh thì sẽ gọi luôn cả họ tên, có lần nàng nửa đùa nửa thật chất vấn trước mặt nhị thái phu nhân, Đậu Chiêu giải thích là:
- Gọi Minh thư nhi thì người khác sẽ nghĩ nó và mấy người các ngươi là ngang hàng.
Thế thì tại sao không gọi là muội muội?
Nàng muốn hỏi nhưng lại bị nhũ mẫu kéo áo lại. Sau đó vừa về nhà, nhũ mẫu đã lặng lẽ nói với nàng:
- Vương di nương là thiếp thất phù chính, tứ tiểu thư mới là tiểu thư thực sự.
Nghi thư nhi không cho là đúng.
Thiếp thất sinh ra thì sao? Chẳng lẽ không phải là tiểu thư họ Đậu?
Nhưng nàng vẫn rất ngạc nhiên:
- Vì sao nhà chúng ta chỉ có thất thúc tổ là có thiếp sinh con?
Nhũ mẫu ấp úng:
- Đó là vì thất thúc tổ không có con trai.
Nàng luôn cảm thấy nhũ mẫu còn điều gì chưa nói cho nàng biết, chỉ là lúc ấy Ô Nhã đến, nàng vui mừng chạy đi tìm Ô Nhã nên cũng quên luôn việc này.
Nhưng Ô Nhã lại không thích chơi với Đậu Minh, nàng luôn nói Đậu Minh ngốc, giống như đầu thiếu mất não nhưng nàng cũng không thích chơi với Đậu Chiêu, nàng cảm thấy Đậu Chiêu kiêu ngạo, không dễ ở chung:
- ... Ta có thứ gì tốt thì lục bá mẫu sẽ mua cho nàng ấy ngay nhưng nàng ấy lại tỏ vẻ bình thản, dạy hư cả Thục thư nhi rồi.
Lúc trước Thục thư nhi luôn ôm con rối của Ô Nhã, mở to mắt cầu xin Ô Nhã: "Cho ta chơi với". Từ sau khi Thục thư nhi cầm cái gì đó của Đậu Chiêu không trả mà Đậu Chiêu cũng chẳng đòi, trong mắt Thục thư nhi chỉ có Đậu Chiêu, nếu giữa hai người có tranh chấp gì thì nhất định sẽ đứng về phía Đậu Chiêu.
Ô Nhã nói:
- Nhà bọn họ rất kì quái, một người ở Đông Đậu một người ở kinh thành, mẫu thân thì giữ tòa nhà lớn như vậy lại chẳng lên kinh thành với phụ thân... Dù sao cả hai tỷ muội đó ta đều không thích.
Đậu Chiêu có thể thoáng cảm nhận được điều này nhưng nàng cũng không để trong lòng - chờ các nàng lớn lên sẽ có suy nghĩ khác.
Nàng đến chỗ tam đường huynh.
Đại biểu tỷ Triệu Bích Như đã 18 tuổi, cữu mẫu viết thư cho nàng nói 12 tháng tám đại biểu tỷ đính hôn.
Nàng muốn tặng lễ cho đại biểu tỷ.
Tam đường huynh cười hỏi nàng:
- Muội muốn tặng lễ gì?
Đậu Chiêu có được một nửa tài sản của Tây Đậu nhưng mỗi lần tiêu quá mười lạng bạc thì đều phải được tam đường huynh đồng ý, vì thế nàng rất không quen, cũng rất buồn bã, đưa Triệu Lương Bích cho tam đường huynh. Tam đường huynh thấy hắn họ Triệu thì còn tưởng rằng đó là thân thích bên ngoại nhà Đậu Chiêu nên rất chiếu cố hắn. Mà Triệu Lương Bích lại là người cầu tiến, theo học quản lý sổ sách, mới chỉ một năm là gẩy bàn tính thành thạo rồi.
Không biết bao giờ Triệu Lương Bích mới có thể có năng lực ngồi trên vị trí tổng quản?
Nàng nghĩ nghĩ rồi nói ý của mình cho tam đường huynh.
Tam đường huynh trầm ngâm nói:
- Chúng ta tặng đồ trang sức thì sao? Những thứ khác chắc cữu phu nhân đã chuẩn bị xong xuôi rồi.
Đậu Chiêu gật đầu lia lịa, nhờ tam đường huynh đi làm chuyện này.
Lúc đi ra thì gặp Thục thư nhi. Nàng kéo Đậu Chiêu:
- Nhị tỷ nói làm túi trừ độc, ta có túi mới, tứ cô cô có thích không?
Kiếp trước quan hệ củ nàng với mấy vị đường tỷ, chất nữ (Cháu gái) đều rất nhạt nhẽo, kiếp này Thục thư nhi lại như cái đuôi nhỏ, luôn thích bám lấy nàng. Đậu Chiêu cười nói:
- Đi chứ! Lúc nào ta bảo Hải Đường tới tìm đại nha hoàn của ngươi lấy.
Hai năm trước Thỏa Nương đã gả cho Thôi Tứ, mấy hôm trước vừa sinh con trai, còn chưa đầy tháng, chuyện trong phòng nàng đều giao lại cho Hải Đường.
Thục thư nhi gật đầu, lặng lẽ nói với nàng:
- Thất Thất lại đến.
Thất Thất là nhũ danh của Ô Nhã.
Đậu Chiêu lơ đễnh, cười nói:
- Chắc qua tiết đoan ngọ thôi!
Thục thư nhi thở dài nói:
- Ngũ cô cô có về không nhỉ?
Nàng là cô tiểu thư ngọt ngào, ai cũng chơi rất thân.
- Ngươi rất nhớ nó sao?
- Đúng vậy! Chúng ta muốn chơi nhảy dây mà lại chẳng có ai, Thất Thất lại không thích chơi với đám nha hoàn.
Nàng nao nao đáp.
Đậu Chiêu chưa bao giờ chơi mấy trò này với các nàng.
Nàng cười nói:
- Đó là vì nhà các nàng có rất nhiều chị em cùng tuổi.
Thục thư nhi cười khanh khách.
Đậu Chiêu về chỗ lục bá mẫu.
Giờ nàng đã lớn đương nhiên không thể ở ngay trong phòng lục bá mẫu được nữa. Bốn năm trước, sau khi phụ thân đón về từ điền trang của tổ mẫu nàng đã ở lại sương phòng phía tây, Đậu Chính Xương và Đậu Đức Xương thì ở sương phòng phía đông.
Vừa mới bước vào cổng thì đã nghe được tiếng cười khanh khách từ đông sương phòng.
Đậu Chiêu cười cười.
Nếu Ô Nhã đã đến thì sao thiếu được Ô Thiện?
Cũng giống như kiếp trước, Ô Thiện và Đậu Đức Xương là hai người cùng tuổi, vô cùng hòa hợp, mỗi lần đến đều ở lại chỗ Đậu Đức Xương, cho nên quan hệ với Đậu Đức Xương, Đậu Khải Tuấn vô cùng tốt.
Chắc là mấy người tụ tập tán phét!
Nàng đang định vào phòng thì sương phòng đối diện đột nhiên mở ra, Ô Thiện và mấy người Đậu Đức Xương cùng đi ra ngoài.
- Tứ muội muội!
Hắn chào Đậu Chiêu, tai đỏ ửng.
Đậu Chiêu khách khí gật đầu với hắn:
- Ô tứ ca đến chơi!
Nàng gọi Ô Thiện theo anh em Đậu Đức Xương, lại chào hỏi mấy người còn lại. Ô Thiện liền hỏi Đậu Chiêu:
- Chúng ta chuẩn bị ra ngoài mua lễ vật tặng lục thúc, muội có muốn chúng ta mua gì về không?
Hắn gọi Đậu Thế Hoành giống như con cháu nhà họ Đậu.
- Đa tạ huynh! Muội đã chuẩn bị lễ vật cho lục bá phụ rồi.
Đậu Chiêu cười nói.
Là một miếng đá thanh điền lúc trước lấy được của phụ thân. Trên đó khắc một con khỉ đang cưỡi ngựa ngụ ý là được phong hầu, vừa khéo đưa cho lục bá phụ khắc con dấu.
Ô Thiện cười nói:
- Muội muội ta cũng đến đây, đang nói chuyện với đường tỷ ta, muội có gặp nó không?
Cái này không phải là vô nghĩa sao?
Nếu nàng đã đến chỗ nhị đường tẩu thì sao nhị đường tẩu chịu để nàng đi.
Đậu Chiêu vẫn cười đáp:
- Thất Thất cũng đến sao, muội còn chưa gặp nàng ấy đâu!
Ô Thiện lại nói:
- Thập nhị nói tiết đoan ngọ nhà muội sẽ mời người đến hát hí khúc, là thật sao?
Đậu Đức Xương đứng hàng 12 nên mọi người đều thích gọi hắn là Thập Nhị.
Đậu Chiêu cười nói:
- Nếu Thập Nhị ca đã nói vậy thì chắc là đúng rồi.
Ô Thiện nói:
- Đáng tiếc lúc đó ta đã về Tân Đông.
- Rồi sẽ có dịp xem mà.
- Cũng không biết là khi nào nữa?
Ô Thiện lại hỏi:
- Nghe nói lần này mới Chu Thanh Phân đến hát...
Nói đến thế kia, rõ ràng là đã hết chuyện để nói mà hắn vẫn có khả năng dây dưa thành thế "dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng" thế này.
Đậu Chiêu nhẫn nại nghe hắn nói đến đó rồi cười áy náy:
- Ô tứ ca có việc thì đi đi, muội phải đến chỗ thái phu nhân rồi.
Nhất thời mặt Ô Thiện đỏ bừng, nói chuyện lắp ba lắp bắp:
- Tứ muội muội mau về phòng đi, chúng ta cũng phải ra ngoài rồi.
Đậu Chiêu vào phòng.
Phía sau truyền đến tiếng Đậu Chính Xương khó hiểu hỏi hắn:
- Sao lần nào gặp tứ muội muội ngươi cũng nói nhiều vậy?
Ô Thiện reo lên:
- Không phải ngươi bảo ta ít nói quá sao?
- Ý ta là mỗi lần gặp đám Nghi thư nhi thì ngươi đều chỉ "hừ hừ ha ha"...
- Ta là trưởng bối, dù sao cùng phải có chút phong thái chứ?
- Đi, lần này chúng ta sẽ cho ngươi có phong thái trưởng bối. Lần này đồ chúng ta mua sẽ do ngươi trả tiền....
Người nói là Đậu Khải Tuấn.
- Các ngươi thật xảo trá...
Ô Thiện cười, tiếng cười nói dần đi xa.
Đậu Chiêu lắc đầu cười cười, cảm thấy rất thú vị.
Đến tiết Đoan ngọ, quả nhiên nhị thái phu nhân mời Chu Thanh Phân đến diễn tuồng.
Sân khấu dựng ở trước từ đường Đậu gia ở Bắc Lâu, thôn dân trong phạm vi mười dặm cũng đều kéo nhau đến xem kịch.
Đậu Chiêu đi theo lục bá mẫu cùng nhị thái phu nhân ngồi uống trà ở sương phòng từ đường.
Vương Ánh Tuyết tiến vào thỉnh an nhị thái phu nhân rồi vẫy Đậu Chiêu:
- Thọ Cô, lần trước cúc hoa tô ta bảo Quỳnh Phương đưa qua ăn ngon chứ? Là trong cung ban cho phụ thân ta, Minh thư nhi cố ý bảo người mang một hộp về, nói là muốn cho tỷ tỷ ăn cùng.
- Thì ra là trong cung ban thưởng, khó trách khác hẳn đồ ngoài chợ.
Đậu Chiêu mỉm cười nói tiếp:
- Ta đã hiếu kính cho thái phu nhân rồi.
Nói xong nhìn qua thái phu nhân. Thái phu nhân cười kéo tay Đậu Chiêu:
- Đúng là Thọ Cô của chúng ta có lòng.
Mặt Vương Ánh Tuyết hết đỏ rồi xanh hết xanh lại hồng.
Mấy năm nay, Đậu Chiêu giao Vương Ánh Tuyết cho nhị thái phu nhân dạy dỗ, nàng chẳng thèm so đo với Vương Ánh Tuyết.
Có tiểu nha hoàn hoảng hốt chạy vào nói năng lộn xộn:
- Thái phu nhân, phu nhân, không hay rồi, lão thái gia, lão nhân gia... không hay rồi...
Chương 57: Tổ phụ
Tổ phụ đang cùng tân huyện lệnh huyện Thực Định là Lỗ đại nhân đi xem diễn, đám gia đinh bưng điểm tâm lên, tổ phụ vốn đang định ăn một miếng mứt quất nhưng vì nhìn chằm chằm lên sàn diễn nên lại cầm nhầm đậu phộng mặn lên, đến khi phát hiện ăn nhầm thì đậu phộng đã trôi đến cổ họng, ho khan không ngừng. Người bên cạnh vội bưng trà cho tổ phụ nhuận hầu, ai ngờ càng uống càng ho lớn, cuối cùng ngất xỉu đi.
Đậu Chiêu ngồi ở đầu giường Đậu Đạc nhìn tổ phụ hôn mê bất tỉnh, trong lòng không thể nói rõ là thương cảm hay buồn bã.
Kiếp trước, tổ phụ đưa vào quan tài rồi thì nàng mới về Tây Đậu, lúc đó đã là tháng 8, nàng lại còn ngây thơ, mới đến Đông phủ, kích động, sợ hãi, bất an, sao còn biết đường hỏi nguyên nhân tổ phụ qua đời.
Chẳng lẽ kiếp này tổ phụ hôn mê ba tháng rồi sẽ qua đời?
Phụ thân vội vã trở về, cùng đi còn có cả Đậu Minh.
Nàng rất khác khi còn ở Đông Đậu, trông hoạt bát lên rất nhiều, lúc nói cũng lớn giọng hơn. Nàng vừa xuống xe đã cao giọng gọi Cao Thăng:
- Ta mua rất nhiều đồ cho Nghi thư nhi, Thục như nhi, ngươi cẩn thận một chút, đem đồ về phòng ta đi.
Phòng nó?
Là noãn các trong phòng nhị thái phu nhân? Hay là sương phòng phía đông mà Vương Ánh Tuyết đã chuẩn bị cho nàng?
Noãn các ở Đông phủ, sương phòng kia thì nàng đã ở được ngày nào.
Cao Thăng có chút khó xử.
Đậu Minh bất mãn la lớn:
- Cẩu nô tài nhà ngươi, cẩn thận ta bảo phụ thân bán ngươi đi đó.
Đậu Chiêu nhắm mắt lại.
Mọi chuyện vẫn không hề thay đổi, lại quay về với phương hướng ban đầu.
Nàng đi ra khiển trách Đậu Minh:
- Cao Thăng là người theo hầu phụ thân, cho dù có sai cũng không đến lượt ngươi xử lý. Nếu ngươi còn dám nói vậy thêm lần nào nữa thì ta nhốt ngươi vào phòng củi ba ngày.
Từ nhỏ Đậu Minh đã sợ vị tỷ tỷ luôn lạnh lùng với mình này, nghe vậy không khỏi sợ hãi nhưng lại nhanh chóng vượt qua nỗi sợ trong lòng nói:
- Muội... muội cũng không cố ý.
Giọng nói nhỏ dần, cuối cùng vẫn là không dám tranh cãi với Đậu Chiêu.
Đậu Diệu Thành là người rất thích hưởng thụ, sớm đã mua một ngôi nhà ba gian ở ngõ nhỏ bên chùa Tĩnh An trong kinh thành. Tòa nhà đó tuy không lớn nhưng màu sắc rực rỡ, đồ đạc đầy đủ, vô cùng thoải mái.
Huyết thống là thứ rất đáng sợ, bất kể là Đậu Đạc hay Đậu Thế Anh đều giống Đậu Diệu Thành, thích thoải mái.
Lúc ở kinh thành, Đậu Thế Anh ở lại đó. Đậu Minh tuy rằng cũng ở kinh đô nhưng mình hắn dẫn theo đứa nhỏ như vậy rất bất tiện. Huống chi Vương Hứa thị kia thấy Đậu Minh ngây ngốc, lại nghe lời nữ nhi nói thì biết Đậu Thế Xu và trượng phu mình bất hòa, luôn cảm thấy Đông Đậu muốn nhân đó để đè ép Tây Đậu, muốn dạy hỏng Đậu Minh. Bà rất đau lòng, đợi đến khi Đậu Minh đến kinh thành thì đối xử với Đậu Minh như viên minh châu, cháu chắt khác đều gạt qua một bên, toàn tâm toàn ý yêu chiều đứa cháu ngoại này. Đôi khi Đậu Thế Anh qua đó thấy sắc mặt nàng hồng nhuận, bên cạnh là một đám nha hoàn, ma ma hầu hạ, không hề muốn rời Vương Hứa thị mà lại xa lạ với mình thì hắn cũng thấy thoải mái. Một người ở ngõ Liễu Diệp một người ở ngõ Tĩnh An nhưng rất ít khi qua lại.
Thấy Đậu Minh đối xử với Cao Thăng như vậy thì lòng hắn rất giận nhưng vì không có kinh nghiệm tiếp xúc với con gái nên nhất thời sửng sốt, không biết nói cái gì cho phải.
Giờ Đậu Chiêu ra mặt, hơn nữa Đậu Minh tắt lửa, Đậu Thế Anh không khỏi nhẹ nhàng thở phào.
Vương Ánh Tuyết thấy Đậu Minh bị Đậu Chiêu dạy bảo mà Đậu Thế Anh lại chẳng nói gì thì biết là Đậu Thế Anh thiên vị Đậu Chiêu, sợ Đậu Minh vì thế mà không được Đậu Chiêu, Đậu Thế Anh thích nên vội cười bước ra hòa giải, nói với Đậu Chiêu:
- Phụ thân con và muội muội con đều lo lắng cho bệnh của tổ phụ, mệt mỏi trở về nên khó tránh khỏi nóng tính, nói chuyện không cẩn thận.
Lại nói với Cao Thăng:
- Chuyển hòm xiểng của ngũ tiểu thư đến sương phòng phía đông ở Tê Hà viện đi?
Sau đó nói với Đậu Thế Anh:
- Thất gia đi đường vất vả, thiếp đã dặn nha hoàn đun nước nóng, người đi rửa mặt chải đầu rồi đến thăm phụ thân? Đừng để phụ thân cũng bị nhiễm bụi.
Đậu Chiêu cười lạnh trong lòng nghĩ: Mẫu thân ngươi cũng chẳng quản ngươi, tỷ tỷ cùng cha khác mẹ chẳng nhẽ lại lắm miệng đi quản đầu quản chân?
Nàng cũng chẳng nói nhiều, đi về phòng tổ phụ.
Từ sau khi tổ phụ bị bệnh, Đinh di thái thái vẫn luôn không ăn không ngủ hầu hạ trước giường, hai ngày trước cũng đã ngã bệnh, giờ chuyện của tổ phụ do đại nha hoàn Thu Phân của Đinh di thái thái lo liệu.
Thấy Đậu Chiêu đi vào, bà vội cung kính đứng qua một bên. Đậu Chiêu dặn dò bà:
- Phụ thân ta đã về, chắc chỉ khoảng ba nén nhang nữa là sẽ đến đây thăm tổ phụ, bà bảo bọn nha hoàn chuẩn bị nước trà rồi mời đại phu chữa bệnh cho tổ phụ đến, có lẽ phụ thân có chuyện muốn hỏi ông ấy.
Từ sau khi Đậu Đạc ngã bệnh, Đậu Chiêu trở về Tây phủ, ở trong chính phòng vốn vẫn để trống, bình thường chỉ ở bên giường bệnh tổ phụ, mọi chuyện khác đều do Vương Ánh Tuyết lo liệu, chỉ khi trưởng bối như nhị thái phu nhân đến đây thăm bệnh thì nàng mới ra xã giao đôi câu, đôi khi cũng sẽ sai bảo nha hoàn hoặc ma ma làm chút việc nhưng đều là chuyện quan trọng, Vương Ánh Tuyết cũng không dám sơ sẩy, dần dần những nha hoàn, ma ma có uy tín trong phủ cũng làm việc cho nàng cẩn thận hơn.
Thu Phân cung kính nghe lời, sai nha hoàn, ma ma đi làm việc.
Chỉ chốc lát sau, Đậu Thế Anh rửa mặt xong vội cùng Đậu Minh và Vương Ánh Tuyết đến.
Đậu Chiêu lùi qua một bên, nhường vị trí đầu giường cho phụ thân.
Đậu Thế Anh nắm tay Đậu Đạc, mắt đỏ bừng lên.
Thu Phân tiến vào bẩm:
- Tứ tiểu thư, đại phu đã đến.
Đậu Chiêu nhẹ giọng nói với phụ thân:
- Người có chuyện gì thì hỏi đại phu đi!
Đậu Thế Anh biết là con gái an bài, cảm kích nhìn Đậu Chiêu một cái, lòng thấy an lòng, cảm thấy giao Đậu Chiêu cho Kỷ thị nuôi dưỡng là chuyện rất đúng đắn.
Đại phu cẩn thận giải thích bệnh tình của Đậu Đạc cho Đậu Thế Anh, đại ý là nếu như qua tháng 7 mà không tỉnh thì trong nhà nên chuẩn bị hậu sự.
Phán đoán này thật chính xác.
Đậu Thế Anh nghe vậy thì khóc òa lên.
Không khí trong phòng nhất thời trở nên thật bi thương, mọi người cũng đều lau nước mắt, cho dù là Đậu Chiêu cũng rơi lệ.
Phụ thân kê giường ở bên cạnh giường tổ phụ, tự mình cọ lưng, tắm rửa cho tổ phụ, hầu hạ bưng bô rửa mặt, lo cơm cháo.
Đậu Chiêu theo thời gian nghỉ ngơi thường nhật của mình ở cùng phụ thân, buổi trưa vẫn đi ngủ một chút, tối đến giờ hợi lại về phòng nghỉ ngơi, giờ mão thì đến giúp phụ thân chăm sóc tổ phụ. Lúc tổ phụ hôn mê, phụ thân ngồi yên thì lấy "Luận ngữ" đang theo học cùng lục bá mẫu ra đọc.
Dù sao Đậu Minh cũng mới 7 tuổi, sao nhẫn nại được, ở trong phòng một lúc thì sẽ chạy tới chạy lui.
Phụ thân sợ Đậu Minh ầm ĩ nên bảo Vương Ánh Tuyết đưa Đậu Minh qua cho nhị thái phu nhân trông coi. Vương Ánh Tuyết nào dám nhưng lại không thể nói dụng ý của nhị thái phu nhân cho phụ thân biết nên đành phải dẫn Đậu Minh đi cùng, vừa lo việc trong phủ vừa chăm sóc Đậu Minh. Đậu Minh mang theo rất nhiều đồ chơi từ kinh thành mà Thực Định không có về, thỉnh thoảng lại rủ Nghi thư nhi và Thục thư nhi đến chơi, rất ít khi qua chỗ tổ phụ.
Nhị thái phu nhân đến thăm bệnh thấy vậy thì đề nghị với phụ thân:
- Ngươi xem, có nên đón Thôi di thái thái về không? Dù nói thế nào thì bà ấy vẫn là thiếp của tiểu thúc, là mẹ đẻ của ngươi.
Đương nhiên là phụ thân đồng ý.
Đậu Chiêu lại không muốn.
Dựa vào cái gì lúc tổ phụ khỏe mạnh thì bắt tổ mẫu sống ở điền trang tự sinh tự diệt, lúc bệnh không thể nhúc nhích thì lại gọi tổ mẫu về hầu hạ?
Nàng nói xen vào:
- Không bằng đợt thêm mấy ngày nữa... Đinh di thái thái quản chuyện trong phòng tổ phụ cũng là tâm nguyện của tổ phụ... nếu thực sự không được thì lại sai người đến đón Thôi di thái thái cũng không muộn.
Với nhị thái phu nhân mà nói thì đây chỉ là việc nhỏ.
- Cũng được!
Bà gật gật đầu rồi lại hỏi bệnh tình của tổ phụ.
Lúc sau phụ thân hồ nghi hỏi Đậu Chiêu:
- Con không muốn đón Thôi di thái thái về sao?
Hắn nghĩ Đậu Chiêu là người thân cận với mẹ đẻ mình nhất ở đây, không ngờ người phản ứng lại là Đậu Chiêu.
Chờ khi tổ phụ qua đời rồi, người Đậu gia không đồng ý nàng cũng sẽ đón tổ mẫu về.
Đậu Chiêu nghĩ nghĩ rồi nói:
- Dù sao cũng nên thương lượng với Đinh di thái thái một tiếng, việc gì lại để Thôi di thái thái chịu cơn giận không đâu thay người khác.
Phụ thân không nói được gì.
Đậu Chiêu lại gọi Triệu Lương Bích đến:
- Mấy hôm nay Thôi Thập Tam có đến tìm ngươi không?
Thôi Thập Tam 14 tuổi, đang đọc sách trên huyện, kiếp trước là bạn tốt với Triệu Lương Bích, kiếp này quan hệ hai người cũng rất tốt. Bởi vì tổ mẫu không muốn dây dưa khiến Đậu gia giận dữ nên người họ Thôi chưa bao giờ giao tiếp với người nhà họ Đậu. Hai người bọn họ đều ở huyện, Đậu Chiêu đoán Thôi Thập Tam chắc chắn sẽ lén đến tìm Triệu Lương Bích, tuy rằng nàng chưa từng phát hiện.
Triệu Lương Bích nhất thời như mèo bị giẫm phải đuôi:
- Người... người... làm sao lại biết được?
Ánh mắt có chút hoảng sợ.
Đậu Chiêu đang cần hiệu quả này, đương nhiên sẽ không giải thích gì với hắn, chỉ nghiêm nghị nói:
- Ngươi lập tức gọi Thôi Thập Tam đến gặp ta.
Nàng biết, Thôi Thập Tam là người có năng lực, có dã tâm, có nghị lực, bình sinh tâm nguyện lớn nhất của hắn chính là chấn hưng Thôi gia, để Thôi gia phát dương quang đại.
Sống lại có ưu thế này, bớt rất nhiều thời gian lựa chọn, khảo nghiệm một ai tốn rất nhiều công sức, bây giờ muốn dùng ai thì cứ thế mà dùng.
Triệu Lương Bích sợ tới mức mặt tái mét, vội chạy đi như chớp.
Buổi chiều, hắn dẫn Thôi Thập Tam vào từ cửa ngách.
Đậu Chiêu hỏi Thôi Thập Tam:
- Ngươi có muốn để Thôi di thái thái đường đường chính chính đi vào cổng lớn Đậu gia?
Mắt Thôi Thập Tam sáng lên nhưng ánh mắt nhìn Đậu Chiêu vẫn có chút cảnh giác.
Đậu Chiêu sai hắn:
- Mấy ngày này ngươi về điền trang của Thôi di thái thái ở đi, ta sẽ bảo Triệu Lương Bích mang thư cho ngươi. Ta đón Thôi di thái thái đến thì ngươi hộ tống bà đến đây nhưng nếu không có lời của ta, ai đi đón Thôi di thái thái ngươi cũng không được để bà đi, ngươi có làm được không?
Thôi Thập Tam ngửi được múi âm mưu, hắn chần chừ:
- Tiểu thư muốn làm gì? Thôi gia chúng tôi cũng không muốn làm công cụ cho người khác.
Đậu Chiêu bất bình thay tổ mẫu, không muốn tổ mẫu bị người Đậu gia tùy tiện gọi đến đuổi đi.
- Ngươi có gì mà lo lắng?
Nàng khinh thường nhìn Thôi Thập Tam:
- Thôi di thái thái là mẹ ruột của phụ thân ta, chẳng lẽ bà không có tư cách bước vào cổng lớn Đậu gia? Về phần Thôi di thái thái đến đây rồi sẽ ở lại Đậu gia hay quay về điền trang, ta muốn cho dù nhị thái phu nhân có ra mặt cũng không ngăn cản được bà chứ?
Ánh mắt đó khiến Thôi Thập Tam bị tổn thương nhưng hắn vẫn trầm tư hồi lâu, cuối cùng chậm rãi gật gật đầu.
Chương 58: Tang sự
Tổ phụ qua đời vào ngày 12 tháng 8.
Trước đó ông vẫn hôn mê bất tỉnh, không để lại một câu di ngôn.
Phụ thân khóc không thể kiềm chế được, người Đông Đậu qua bên này giúp đỡ.
Đậu Chiêu lẳng lặng đứng bên hành lang nghe tiếng khóc của phụ thân, nghĩ đến tổ mẫu.
Ba năm sau tổ mẫu cũng sẽ đi.
Nàng có thể làm gì để tổ mẫu có thể sống lâu hơn chút được không?
Lúc tổ mẫu ra hậu viện tưới dưa thì đột nhiên bị ngã... Tổ mẫu luôn rất khỏe, không ai ngờ...
Vương Ánh Tuyết đi tới, lên giọng ra lệnh Đậu Chiêu:
- Thọ Cô, mấy hôm nay sẽ có rất nhiều người đến phúng, muội muội con không hiểu chuyện, mẫu thân chỉ có thể dựa vào con, con giúp mẫu thân lo chuyện bếp núc nhé.
Tang lễ của tổ phụ, thân thích bằng hữu, hương thân phụ lão đều đến tế bái, nàng ta thấy mấy ngày qua mình làm việc ổn trọng, sợ đến tang lễ mình lại nổi bật hơn, được mọi người khen ngợi, về sau càng khó có thể đè ép mình sao?
Đậu Chiêu nhíu mày.
- Mẫu thân?
Nàng dùng ánh mắt soi mói nhìn Vương Ánh Tuyết từ trên xuống dưới:
- Phu nhân có phải bận quá nên hồ đồ rồi không, ngài sửa thành họ Triệu từ khi nào? Tổ phụ vừa đi, ngày báo tang còn chưa định ra, còn chưa có người đến phúng, có phải phu nhân chưa từng xử lý tang sự nên không hiểu chuyện? Nếu thực sự không hiểu thì mời tam phu nhân đến giúp đi! Tổ phụ đỗ tiến sĩ, Đậu gia là nhà có tiếng ở đây, đến lúc đó chắc chắn sẽ có bạn cũ của tổ phụ đến đưa tiễn tổ phụ đi nốt đoạn đường cuối cùng, nếu để xảy ra chuyện gì chê cười thì Đậu gia sẽ rất mất mặt! Về phần bếp núc, nếu ma ma lo việc bếp núc hiện tại không làm được thì thay người khác đi!
Nói xong nàng gọi Hải Đường:
- Đi gọi Cao Thăng đến đây.
Từ khi Vương Ánh Tuyết phù chính, tổ phụ mặc kệ chuyện trong nhà, Đậu Chiêu lại ở bên Đông phủ nhiều năm, quản gia trong phủ dù không phải là người của Vương Ánh Tuyết thì cũng không dám đắc tội với nàng. Cao Thăng là người của phụ thân, kiếp trước hắn chỉ trung thành với phụ thân, chỉ cần phụ thân không tỏ ý thì là con gái của phụ thân, Cao Thăng sẽ tôn kính như với phụ thân, tựa như tôn kính Đậu Minh.
Vương Ánh Tuyết biến sắc, trầm giọng nói:
- Thọ Cô, ta không biết mọi người ở Đông phủ nói gì trước mặt con nhưng dù sao con cũng là người Tây phủ.
Đậu Chiêu cắt lời nàng:
- Phu nhân, ta thấy có một số việc phu nhân phải nghĩ cho rõ mới đúng. Tổ phụ vừa mới qua đời, đừng tưởng trên đầu mình không có ai quản, muốn làm gì thì làm.
Đang nói thì Cao Thăng đến.
Đậu Chiêu dừng đề tài, vừa định nói lại mấy lời Vương Ánh Tuyết vừa nói thì Vương Ánh Tuyết đã vội vàng nói:
- Mấy hôm nay ta bận quá nên hồ đồ, nói chuyện không khỏi có chút nóng nảy, Thọ Cô đừng để trong lòng...
Muốn trách thì chỉ nên trách Vương Ánh Tuyết đen đủi.
Đậu Chiêu còn đang phiền lòng vì chuyện của tổ mẫu thì lại bị Vương Ánh Tuyết khiêu khích như vậy, còn dám tự nhận là "mẫu thân" trước mặt nàng, nàng quyết tâm phải xử lý Vương Ánh Tuyết, cũng mặc kệ Vương Ánh Tuyết lải nhải gì đó, lập tức nói hết lời mình rồi nói:
- ... Phu nhân không có kinh nghiệm quản gia, bây giờ gây trò cười gì chỉ sợ Tây phủ sẽ bị người ta chê cười cả đời. Người trong nhà ngươi đều rõ, nếu không có ai có thể nhận được việc này thì cứ ra ngoài tửu lâu bảo người ta làm, huyện Thực Định không tìm được thì lên châu Thực Định. Người khác biết thì cũng sẽ không nói nhà chúng ta không có người mà chỉ biết rằng nhà chúng ta hiếu thuận, long trọng đưa tiễn tổ phụ.
Lại nói:
- Bây giờ tối kỵ nhất là nhà cửa lộn xộn, ngươi nể nang một chút, đầu tiên cứ làm cho xong chuyện rồi nói, chờ xong việc của tổ phụ rồi nói.
Nàng không biết ở Thực Định có cửa hàng chuyên lo việc hiếu hỉ hay không nhưng khi nàng còn làm Hầu phu nhân thì kinh thành có rất nhiều cửa hàng như vậy, có một số nhà quy mô còn rất lớn mạnh.
Cao Thăng đoán được là Vương Ánh Tuyết muốn đánh phủ đầu Đậu Chiêu nhưng đề nghị của Đậu Chiêu lại rất hợp lý.
Khỏi phải nói Thực Định mà cho dù là cả Bắc Trực cũng không có ai lo liệu tang sự được như vậy. Cái gọi là tang lễ trọng thể chính là để nhìn vào bản lĩnh và tấm lòng của con cháu. Nếu làm tốt chuyện này thì sẽ càng có lợi cho thanh danh và tiền đồ của thất gia.
Hắn lập tức đáp:
- Ta sẽ đi làm chuyện này.
Nói xong quyết đoán xoay người, cũng không thèm nhìn Vương Ánh Tuyết lấy một lần.
Đậu Chiêu cũng rất hài lòng với biểu hiện của hắn, nói lời cảm tạ:
- Cao quản gia tạm dừng bước đã.
Rồi lại hỏi Vương Ánh Tuyết:
- Phu nhân còn chuyện gì không chắc chắn? Giờ cứ nói ra, ta và Cao quản gia sẽ cùng giúp phu nhân nghĩ cách. Nếu để đến lúc tổ chức tang lễ lại xảy ra sai lầm gì, lúc đó ngày nào cũng bận tiếp đãi khách khứa, sợ là chúng ta có muốn giúp cũng không giúp được.
Cao Thăng đứng lại, khom người chờ Vương Ánh Tuyết nói chuyện.
Vương Ánh Tuyết giận đến đau cả tim, mặt lúc trắng, lúc hồng.
Đậu Chiêu cười lạnh nhìn nàng.
Vương Ánh Tuyết chỉ đành nghiến răng nghiến lợi nói:
- Không còn gì nữa!
Đậu Chiêu cười nói:
- Vậy là tốt rồi! Phu nhân đừng để hai ngày nữa lại nghĩ ra chuyện gì cần làm mà chưa làm thì tốt rồi.
Sau đó thoải mái bước đi.
Cao Thăng đương nhiên cũng chẳng đứng lại đây làm gì, vái chào Vương Ánh Tuyết rồi đi tìm tửu lâu có thể bao trọn việc tang lễ.
Vương Ánh Tuyết vịn tay Hồ ma ma, la hét:
- Tức chết ta, tức chết ta!
Hồ ma ma lại lo lắng đến các ma ma khác.
Vì thất gia vẫn không dặn dò chuyện dọn chính phòng, chuyển đồ của thất phu nhân và tứ tiểu thư đi đâu, lão thái gia cũng không nói gì nên phu nhân không thể tùy tiện chuyển vào. Hơn nữa Đông phủ vẫn luôn đè ép Tây phủ nên đám ma ma cũng chẳng mấy tôn kính phu nhân. Khó khăn lắm mới đè ép được bọn họ, giờ tứ tiểu thư lại làm thế này, có thể lại khiến bọn họ rục rịch chăng?
Nếu có thể để thất gia ra mặt nói chuyện thì tốt rồi!
Bà ta cảm khái trong lòng nhưng miệng lại khuyên Vương Ánh Tuyết:
- Phu nhân, đại cục làm trọng.
- Ta biết. Nhà mẫu thân ta ai đến phúng?
Vương Ánh Tuyết gật đầu, hỏi.
Lúc Đậu Đạc không thể ăn uống nàng đã sai người báo tin cho mẫu thân Vương Hứa thị, hi vọng nhà mẹ đẻ có thể phái người có ích đến phúng viếng, như vậy cũng có lợi cho nàng, giúp nàng đứng vững ở Đậu gia.
Hồ ma ma thấp giọng nói:
- Lão phu nhân nói để đại gia và đại phu nhân đến.
Vương Ánh Tuyết nhíu nhíu mày, nói:
- Nhị tẩu không đến sao?
Những lúc thế này, chỉ có nhị tẩu Bàng Ngọc Lâu là có thể hiểu được ý nàng.
Hồ ma ma nói:
- Có cần gửi thư cho nhị phu nhân không?
Vương Ánh Tuyết nói "Mau đi đi", lại thấy một gia đinh đang nhìn xung quanh rồi vội chạy vào sương phòng của Đậu Chiêu.
Vương Ánh Tuyết động lòng, chỉ vào gia đinh kia rồi khẽ nói với Hồ ma ma:
- Bà sai người khôn khéo đi theo dõi tên nô tài kia đi.
Hồ ma ma vâng dạ rồi đi.
Triệu Lương Bích vào sương phòng, nhỏ giọng bẩm:
- Thôi di thái thái đã biết Đậu lão thái gia bị bệnh qua đời, lát nữa bà sẽ đến đây.
Đậu Chiêu ngạc nhiên nói:
- Bên này báo tin cho Thôi di thái thái.
- Không có! Thôi di thái thái nói, không biết là không biết nhưng đã biết thì thế nào cũng phải đến thắp nén nhang...
- Đó là đương nhiên. Nhưng nên đến thế nào, lúc nào cũng phải chú ý. Bà không cần nhưng trong mắt người khác lại không đơn giản như thế. Ngươi nói với Thôi Thập Tam một tiếng, bảo hắn ngăn Thôi di thái thái lại. Khi nào người Đậu gia đến đón Thôi di thái thái thì hắn đi cùng bà, người Đậu gia nếu không đến đón thì sẽ không đi.
Triệu Lương Bích ủ rũ đáp:
- Thôi Thập Tam cũng nói vậy. Nói phải giữ giá, nếu không sẽ khiến người ta xem thường, còn tưởng tam lão thái gia vừa qua đời, Thôi di thái thái đã vội về... Nhưng Thôi di thái thái nói, ai thích nói gì thì cứ nói, không thể không đến.
- Các ngươi nghĩ cách ngăn lại đi. Thôi Thập Tam nhất định sẽ có cách.
Đậu Chiêu cười nói.
Triệu Lương Bích đành phải đi chuyển lời cho Thôi Thập Tam.
Trong phủ mọi người đều biết Vương Ánh Tuyết làm khó Đậu Chiêu nhưng lại bị Đậu Chiêu chặn họng, quản gia phòng bếp có khi sẽ bị Đậu Chiêu thay thế.
Nhất thời, Tây phủ hoảng loạn, nha hoàn, ma ma ở trước mặt Đậu Chiêu đều cung kính, sợ hãi, còn kính cẩn hơn cả với Vương Ánh Tuyết.
Đậu Chiêu mặc kệ chuyện này, thấy đã đến giữa trưa thì đến sương phòng ở Hạc Thọ đường hầu hạ nhị phu nhân và các vị trưởng bối dùng cơm trưa.
Sáng hôm sau, Đậu Thế Bảng tự mình đến đón tổ mẫu về.
Đinh di thái thái kéo tay tổ mẫu, khóc rất đau lòng.
Vẻ mặt Đậu Chiêu có chút quái dị.
Kiếp trước, lúc tổ phụ qua đời thì Đậu Hiểu đã 5 tuổi. Lúc tam bá phụ đến điền trang đón hai người về, Đinh di thái thái thấy tổ mẫu, tuy rằng mắt đỏ hoe nhưng vẫn thản nhiên chào hỏi tổ mẫu rồi cùng Vương Ánh Tuyết đi tiếp khách.
Nàng ngăn cản lần tự tử đầu tiên của mẫu thân khiến cho chuyện đã thay đổi rất nhiều.
Đậu Hiểu chẳng biết là ở nơi nào.
Đến giờ tổ phụ cũng không được thấy trưởng tôn mà ông luôn trông chờ.
Đến giờ tổ mẫu vẫn là Thôi di thái thái.
Kiếp trước Đinh di thái thái dựa vào Vương Ánh Tuyết, kiếp này Vương Ánh Tuyết từ thiếp được phù chính, ốc còn không mang nổi mình ốc, chuyện của Đậu Chiêu lại sắm nhân vật như vậy, kết cục của bà ta sẽ không tốt lành gì. Bà ta chỉ đành xin chút thương hại, đồng tình từ tổ mẫu.
Cuối cùng, Đậu Chiêu cảm thấy thay đổi này vẫn khiến nàng rất cao hứng.
Nhưng nàng có thể nghĩ cách kéo dài tuổi thọ cho tổ mẫu không?
Dù chỉ là mấy tháng ngắn ngủi hoặc là mấy năm, có thể để nàng và tổ mẫu ở bên nhau thêm vài năm không?
Tế bái tổ phụ xong, khéo léo từ chối Đinh di thái thái, Đậu Chiêu an bài cho tổ mẫu ở lại phòng khách ở Tây Đậu.
Tổ mẫu nắm tay nàng, có chút ngượng ngùng:
- Ta vốn nghĩ đến sớm một chút thì có thể giúp con một tay, lại không nhìn ra được là đang liên lụy đến con.
Đã không còn cha chồng nhưng lại có mẹ chồng về, Vương Ánh Tuyết phải hiếu kính tổ mẫu, cùng đừng nghĩ đến việc muốn làm gì thì làm. Nàng hoàn toàn có thể thuyết phục tổ mẫu ở lại Tây Đậu, thậm chí là lợi dụng tổ mẫu để đè ép Vương Ánh Tuyết.
Nhưng Đậu Chiêu không muốn kéo tổ mẫu vào.
Cả đời tổ mẫu đã không muốn dây dưa với Đậu gia, giờ đã già, nàng mong tổ mẫu có thể sống thoải mái theo ý thích của mình.
- Vì sao người lại nói vậy?
Nàng vắt khăn lau mặt cho tổ mẫu.
Tổ mẫu có chút ngượng ngùng nói:
- Như việc con muốn ta chờ người Đậu gia đến đón, ta chỉ nghĩ ta và tổ phụ con dù sao cũng đã sinh ra phụ thân con, ông ấy qua đời, ta đến tế bái là được... cũng không nghĩ đến chuyện khác.
Đậu Chiêu cười nói:
- Thế thì chắc chắn người không muốn ở lại Đậu gia rồi?
- Đây cũng không phải là nơi thuộc về ta. Ta ở không quen.
Tổ mẫu cười nói.
- Chờ qua tang lễ của tổ phụ, con sẽ đưa người về điền trang. Nhưng người sẽ không phải ở điền trang mãi, nếu nhớ con và phụ thân thì cứ bảo Thôi Thập Tam đưa người đến đây ở mấy ngày.
Đậu Chiêu cười nói.
- Như vậy tốt lắm! Nhưng, vẫn nên để các con tới chỗ ta ở mấy ngày đi.
Tổ mẫu cười nói.
Đậu Chiêu nhìn tổ mẫu, hơi hơi cười.
Phụ thân chịu tang ba năm, liệu có thể vì đó mà tổ mẫu vĩnh viễn là "Thôi di thái thái" không?
Lòng nàng có chút bất an.
Chương 59: Phúng viếng
Ngày thứ ba, Đậu gia phát tang, nhất thời Đậu gia ồn ào đông đúc, người đến tế bái nối liền không ngớt.
Đậu Thế Anh, Vương Ánh Tuyết, Đậu Chiêu, Đậu Minh là hiếu tử đứng bên linh tiền lạy tạ, mọi chuyện trong nhà đều giao cho Cao Thăng.
Bưng trà rót nước, hầu hạ người đến viếng, quản lý hiếu trướng, thậm chí chuyện hương nhang cũng đều báo lại cho hắn. Hắn chưa từng trải qua chuyện thế này nhưng mấy năm qua theo Đậu Thế Anh sống trong kinh thành cũng học hỏi được chút kiến thức, cẩn thận lo liệu mọi chuyện, lại càng trầm ổn, đáng tin cậy hơn bất kì ai ở Tây Đậu. Một hồi bận rộn, được cái này mất cái kia, đã có chút lực bất tòng tâm.
Lúc rảnh Đậu Chiêu sẽ ở bên chỉ điểm cho hắn đôi câu, được mấy ngày là hắn đã dò ra được đường đi, làm việc càng ổn thỏa, một số lão quản gia ở Động Đậu đều khích lệ hắn "rất có năng lực" thì Cao Thăng mới thở phào, lúc nhìn Đậu Chiêu, ánh mắt không khỏi có chút kì dị.
Đây chính là điều Đậu Chiêu muốn.
Ba năm chịu tang, nàng chắc chắn phải ở lại Tây Đậu, nàng cần một cánh tay đắc lực.
Qua hai ngày, Vương Trí Bính và Bàng Ngọc Lâu đến phúng viếng.
Đại bá và nhị tẩu, tổ hợp này rất kì quái.
Vương Trí Bính giải thích:
- Mẫu thân Nam Nhi có thai, vì là mấy tháng đầu, tuổi cũng đã lớn không thể bôn ba được, vừa khéo đệ muội đã lâu không được gặp tiểu muội, Đàn ca nhi lại nhớ biểu tỷ nên ta mang bọn họ đến thắp nén hương cho lão thái gia.
Vương Đàn là con trai cả của Bàng Ngọc Lâu, lớn hơn Đậu Minh một tuổi.
Có lẽ là khi ở kinh thành hai người chơi rất vui, vừa vào nhà Vương Đàn đã kéo tay Đậu Minh không buông, gọi:
- Minh tỷ tỷ. Khi nào thì tỷ về? Chẳng có ai chơi với đệ.
Đậu Minh nói:
- Ta phải chịu tang cho tổ phụ, chịu tang xong sẽ lên kinh tìm đệ.
Vương Đàn vội nói:
- Vậy tỷ mau chịu tang xong đi, đến lúc đó đệ sẽ bảo phụ thân dẫn chúng ta đến chùa Tướng Quốc ăn thịt dê nướng.
Đậu Minh gật gật đầu.
Bàng Ngọc Lâu vội đẩy con mình, chỉ Đậu Chiêu:
- Còn không mau chào đại biểu tỷ!
Vương Đản trông rất giống người nhà họ Bàng, làn da trắng nõn, mắt to long lanh, còn xinh đẹp, thanh tú hơn cả cô nương nhà người ta.
Hắn ngọt ngào gọi Đậu Chiêu:
- Tỷ tỷ.
Đậu Chiêu còn nhớ có một lần ở bên giàn tường vi, mình đã gặp hắn đang quỳ gối dưới chân Đậu Minh, đau khổ cầu xin Đậu Minh: "Hảo tỷ tỷ, đại ca chỉ yêu biểu muội Cao Minh Châu của hắn, dù có lấy ngươi thì cũng sẽ không tốt với ngươi. Nhưng ta thì khác, từ nhỏ ta đã thích ngươi, nếu ngươi lấy ta, cả đời này ta sẽ đối xử tốt với ngươi, ngươi muốn làm gì cũng được..."
Đáng tiếc, ánh mắt Đậu Minh mềm mại dịu dàng như nước mùa xuân, có thể nhấn chìm bất kì ai nhưng ánh mắt nàng nhìn Vương Đàn lại lộ rõ mưu kế.
Nàng cười duyên nói: "Ta muốn ngươi nói với ngoại tổ mẫu là ngươi muốn lấy Cao Minh Châu, ngươi có dám không?"
Vương Đàn nói được.
Người họ Vương chỉ coi Cao Minh Châu dây dưa ái muội với hai huynh đệ Vương Đàn, Vương Nam, dù thế nào cũng không thể làm con dâu nhà họ Vương được nữa.
Cao thị thà xa cách cũng không muốn Đậu Minh làm con dâu mình.
Vương Nam chẳng nói với Đậu Minh một lời...
Đậu Chiêu lại nhìn Vương Đàn, lòng vô cùng thương hại hắn.
Nàng thản nhiên cười với Vương Đàn.
Bàng Ngọc Lâu đã đẩy con mình tới trước mặt Đậu Chiêu:
- Các con là chị em họ, phải thân thiết hơn mới đúng.
Đậu Chiêu không lên tiếng.
Đậu Minh lại chạy tới kéo Vương Đàn:
- Chúng ta đi tìm Nghi thư nhi, Thục thư nhi chơi đi.
Vương Đàn cười đáp "Vâng".
Bàng Ngọc Lâu lườm con một cái rồi nói:
- Con ngồi ngoan ngoãn ở đây cho mẫu thân.
Vương Đàn không dám nhúc nhích, nhìn Đậu Minh với vẻ tội nghiệp.
Đậu Minh gào khóc:
- Con muốn chơi với Đàn Nhi, con muốn chơi với Đàn Nhi.
Đậu Thế Anh nhíu mày.
Vương Ánh Tuyết tức giận nhìn Bàng Ngọc Lâu một cái rồi dỗ Vương Đàn và Đậu Minh:
- Được rồi, được rồi, đừng khóc, Nghi thư nhi và Thục thư nhi đều ở đại sảnh, các con ra đó tìm hai nàng đi.
Vương Đàn và Đậu Minh tay nắm tay đi ra phòng khách.
Bàng Ngọc Lâu ngầm thở dài, cười nói với Đậu Thế Anh:
- Hai đứa cháu nhà mẹ đẻ tôi là Tu ca nhi và Côn ca nhi cũng đến, muốn vào vấn an cô gia.
Đậu Đạc qua đời, ba người anh của Bàng Ngọc Lâu đều tự đến phúng viếng nhưng cũng không biết cháu nhà nàng ta cũng theo đến.
Người tới là khách.
Đậu Thế Anh không cự tuyệt.
Bàng Ký Tu là con của Bàng Kim Lâu, năm nay 15 tuổi, Bàng Côn Bạch là con của Bàng Ngân Lâu, năm nay 12 tuổi. Hai đứa trẻ đều tuấn tú, lịch sự, giơ tay nhấc chân đều rất nho nhã, lễ độ, nếu không phải một kẻ ánh mắt mơ màng, một kẻ ánh mắt quá khôn khéo thì đây chính là bộ dáng của vị công tử gia thế.
Bàng Ngọc Lâu gọi hai người tới giới thiệu cho Đậu Chiêu:
- Đây là đại biểu muội của hai đứa đó!
(Họ hàng kiểu đại bác gì thế này, thấy sang vơ quàng ghê quá =.=")
Hai người thi lễ với Đậu Chiêu.
Đậu Chiêu lạnh nhạt gật đầu, không hoàn lễ, có vẻ cao ngạo.
Đậu Thế Anh không ngờ cháu của Bàng Ngọc Lâu lớn như vậy, thấy cung cách hành xử của Bàng Ngọc Lâu như thế lòng không thích, đương nhiên sẽ không cảm thấy Đậu Chiêu có gì không đúng.
Hắn lãnh đạm nói đôi câu với Bàng Ký Tu và Bàng Côn Bạch rồi dẫn Đậu Chiêu ra linh đường.
Vương Ánh Tuyết kéo Bàng Ngọc Lâu qua nhĩ phòng, thấp giọng nói:
- Tẩu muốn làm gì vậy?
Bàng Ngọc Lâu thoải mái nói:
- Muội cũng biết, các ca ca nhà ta còn buôn bán ở huyện Linh Bích, một lòng muốn bám vào Đậu gia, nghe nói tứ tiểu thư và Tu ca nhi, Côn ca nhi trạc tuổi nhau nên còn có ý cầu hôn. Ta cũng biết Tu ca nhi và Côn ca nhi không xứng với tứ tiểu thư nhưng mặc kệ ta nói thế nào bọn họ cũng không tin mà còn trách ta làm khó. Ta chẳng có cách nào đành dẫn hai đứa đến đây xem có được cô gia để ý không.
Lại nói:
- Nhưng ta nghĩ kỹ lại, nếu tứ tiểu thư gả vào Bàng gia thì cũng tốt cho muội... tẩu tẩu của ta trở thành mẹ chồng nàng, ta sẽ thành cô nãi nãi của nàng, nàng sẽ không dám ngỗ nghịch với trưởng bối chứ.
- Chẳng lẽ tẩu đã quên Vương gia không thể nhúng tay vào hôn sự của Đậu Chiêu?
- Phụ mẫu chi mệnh, môi chước chi ngôn.
Bàng Ngọc Lâu không cho là đúng.
- Chúng ta cũng đâu trực tiếp đính hôn cho tứ tiểu thư?
Tim Vương Ánh Tuyết đập loạn:
- Ý tẩu là?
- Nếu tứ tiểu thư tự chọn thì sao?
Bàng Ngọc Lâu bưng miệng cười:
- Triệu gia cũng đâu có nói tứ tiểu thư không thể gả cho Bàng gia!
Đậu Chiêu kia có gì tốt mà nhị tẩu phải hao tâm tổn trí muốn nàng gả vào Bàng thị như vậy...
Suy nghĩ thoáng qua trong đầu, Vương Ánh Tuyết nghĩ tới của hồi môn của Đậu Chiêu.
Vẻ mặt nàng ta trở nên chua chát không rõ.
Nếu Đậu Chiêu gả vào Bàng gia thì sản nghiệp này chính là của Bàng gia.
Tuy rằng nhị thái phu nhân đã hạ lệnh mọi người không được nói chuyện này nhưng Bàng gia đều đã hiểu rõ.
Vương Ánh Tuyết nhìn Bàng Ngọc Lâu với vài phần cảnh giác.
Nhị tẩu đúng là có tâm kế!
Vương Ánh Tuyết nghĩ.
Đậu Thế Anh đang nói chuyện với người Ô gia đến phúng viếng:
- ... Đi quá đột nhiên, mọi người đều không ngờ... Bên Hàn Lâm viện tôi đã báo đại tang, vừa vặn ở nhà đọc sách...
Ô Thiện đi theo đại bá phụ lén đưa cho Đậu Chiêu một cái túi:
- Muội nén bi thương!
Cái này thì liên quan gì đến cái túi này không?
Nàng nhìn Ô Thiện khó hiểu.
Ô Thiện nhân lúc mọi người không để ý thì cúi đầu nói:
- Đây là bùa bình an ta cầu khi đến chùa Đại Phương.
Giọng nói dồn dập, lỗ tai đỏ bừng.
Đậu Chiêu hơi hơi sửng sốt, cười nói tiếng "đa tạ" thật chân thành.
Ô Thiện cười, tai càng đỏ, mắt nhìn mũi, mũi nhìn tìm đứng im bên cạnh bá phụ, cuối cùng không thấy Đậu Chiêu đang liếc nhìn mình.
Đậu Chiêu thoáng cảm nhận được tâm ý của Ô Thiện dành cho nàng, lại không khỏi trầm tư.
※※※※※
Qua 49 ngày, tổ phụ án táng ở phần mộ của Đậu gia tại Bắc Lâu, khách đến nhà cũng dần thưa thớt.
Bàng Ngọc Lâu và Vương Ánh Tuyết thương lượng:
- Có thể để Tu ca nhi và Côn ca nhi đọc sách ở trường họ tộc của Đậu gia?
Vương Ánh Tuyết không thích sự tham lam của Bàng Ngọc Lâu, không muốn làm theo nhưng lại sợ sau này mình có chuyện cần cầu Bàng thị giúp nên không muốn trở mặt, nàng đổ chuyện này lên đầu Đậu Thế Anh. Đậu Thế Anh cảm thấy hai đứa trẻ này đều trông có vẻ lõi đời nên không thích, đổ trách nhiệm lên đầu tam bá phụ:
- ... Vẫn là chuyện tam gia quản, cũng không biết bên trường đó có yêu cầu gì, không bằng nàng đến hỏi Tam gia là được.
Hai người đều miễn cưỡng nghe vào.
Bàng Ngọc Lâu đã từng nghe những lời còn khó nghe hơn gấp bội, cũng chẳng để trong lòng, chuẩn bị lễ vật, tự mình tìm Đậu Thế Bảng.
Trường học nhà họ Đậu ở Thực Định rất có danh tiếng, thường có con cái của thân thích, bằng hữu đến học.
Đậu Thế Bảng đồng ý ngay.
Cứ như vậy, Bàng Tu Sửa và Bàng Côn Bạch vào trường học của Đậu thị, rất nhanh đã quen biết với đám Đậu Chính Xương, Đậu Đức Xương, Đậu Khải Tuấn, có đôi khi còn nghĩ cách đi theo bọn họ đến Đông phủ ăn cơm chỉ là chẳng lần nào gặp được Đậu Chiêu.
Bàng Côn Bạch không nhịn được oán thán với phụ thân:
- Căn bản là vô dụng.
Bàng Ngân Lâu tát con một cái:
- Lão tử đây làm ăn mấy chục năm mới kiếm được 2,3 vạn lạng bạc, người ta có cả gia tài khổng lồ như vậy, ngươi muốn chiếm được mà không bỏ ra chút sức nào sao, làm gì có chuyện tốt như vậy?
Sau đó lại dạy dỗ hắn:
- Ngươi cũng biết tranh giành chút cho ta nhờ, bạc của Đậu gia không chỉ có đại bá phụ nhà ngươi nhìn chằm chằm mà cô cô ngươi cũng có tính toán riêng đó, đến lúc đó đừng có để tiểu tử Vương Đàn kia chiếm được tiện nghi thì có muốn khóc cũng không khóc được đâu!
- Thật sao? Vương Đàn còn nhỏ hơn tứ tiểu thư 4 tuổi mà?
Bàng Côn Bạch vô cùng kinh ngạc.
- Nhỏ hơn 4 tuổi thì sao? Bàng Ký Tu còn lớn hơn tứ tiểu thư 6 tuổi đó!
Bàng Côn Bạch ngậm miệng.
Bàng Ký Tu kiên nhẫn hơn Bàng Côn Bạch nhiều, hắn dùng số bạc lớn nhờ người điều tra Đậu Chiêu không thu được kết quả gì, sau này không chỉ nghiêm túc theo Đỗ phu tử đọc sách viết chữ mà còn cực lực giao hảo với những con cháu nhà họ Đậu.
Đám người Đậu Khải Tuấn được người nịnh bợ thành quen, cũng không để trong lòng nhưng cũng nhờ đó mà Bàng Ký Tu nghe được Đậu Tuấn Khải nói với mấy thư đồng của hắn nói chuyện, biết được mùa hè hàng năm Đậu Chiêu đều đến điền trang ở mấy ngày.
Mùa hạ năm sau, hắn sớm đã chuẩn bị chu đáo, vừa nghe thấy Đậu Chiêu khởi hành đến điền trang thì hắn liền rủ đám người Đậu Chính Xương về nông thôn chơi.
Đám Đậu Chính Xương đều không thích đi:
- Nắng muốn chết, ở nông thôn có gì hay?
Lúc nói câu này, Đậu Đức Xương đang bưng bát nước ô mai ướp lạnh.
Bàng Ký Tu cũng biết là không có gì hay để chơi nên đành dỗ:
- Chúng ta có thể xuống sông bắt cá?
- Ta thả câu ở bên hồ chẳng phải cũng vẫn là như thế sao?
Đậu Chính Xương miễn cưỡng nói.
Ô Thiện đến đây.
Đậu Chính Xương giới thiệu bọn họ, ngạc nhiên nói:
- Ta còn tưởng đến đoan ngọ đệ sẽ đến, kết quả đoan ngọ thì không thấy đến mà ngày nóng bức thế này lại chạy đến đây, có chuyện gì quan trọng sao?
Chương 60: Chịu tang
Ô Thiện nói:
- Tiết đoan ngọ thì theo mẫu thân đến kinh đô thăm phụ thân, nghĩ đã mấy ngày không gặp các ngươi nên đến đây thăm.
Sau đó lại nói:
- Lục thúc phụ giờ đang ở Hình Bộ, tiết đoan ngọ chúng ta còn cùng ăn bánh chưng đó.
Đậu Thế Hoành cũng đã thi đậu thứ cát sĩ.
Đậu Đức Xương vội hỏi:
- Phụ thân ta khỏe chứ?
- Rất khỏe!
Ô Thiện cười nói:
- Ta thấy hình như béo lên so với trước một chút.
Nói xong, mắt như minh châu lấp lánh, vẻ mặt giảo hoạt:
- Ta còn có chuyện muốn nói cho các ngươi...
Âm cuối kéo dài, úp úp mở mở.
Đậu Đức Xương mặc kệ hắn.
Đậu Chính Xương lại cười nói:
- Có chuyện gì? Chẳng lẽ ngươi muốn lên kinh thành.
- Cái này thì tính gì là chuyện tốt!
Ô Thiện không cho là đúng:
- Giờ ta ở nhà thoải mái biết bao, đến chỗ phụ thân, ngày nào không viết xong năm ngàn chữ thì đừng mơ mà đặt bút xuống.
Bàng Ký Tu tặc lưỡi:
- Nhiều vậy sao?
Lúc này Ô Thiện mới cười nói:
- Từ mai trở đi ta cũng sẽ đến trường học nhà các ngươi để đọc sách!
Mấy người Đậu Chính Xương ngẩn người.
- Sao đột nhiên ngươi lại đến nhà chúng ta đọc sách? Bá mẫu chịu cho ngươi đi sao?
Đậu Đức Xương ngạc nhiên nói.
Mẫu thân Ô Thiện là tái giá, vợ cả của Ô Tùng qua đời sớm, không có con. Ô Tùng thi đỗ tiến sĩ thì mới tái giá với mẫu thân của Ô Thiện là Tất thị. Tất thị cũng xuất thân nhà quan lại, lúc còn trẻ từng thề không phải cử nhân thì không lấy chồng. Lấy Ô Tùng đã là 23 tuổi, qua 3 năm mới sinh hạ được Ô Thiện nên vô cùng yêu thương con mình, vì để Ô Thiện có thể đi theo thúc bá cử nhân nhà mình đọc sách nên thà ở lại quê chứ cũng không muốn theo Ô Tùng lên kinh thành nhậm chức.
- Gia phụ có tật ở chân. Giờ tuổi lớn, đi đường có chút bất tiện. mẫu thân rất lo lắng, muốn lên kinh thành chăm sóc phụ thân nhưng lại lo lắng cho ta. Vừa vặn tiết đoan ngọ gặp lục thúc phụ ở nhà ngũ thúc phụ, lục thúc phụ nói nếu là vậy thì mẫu thân có thể yên tâm, có thể cho ta theo các ngươi đọc sách, để lục thẩm thẩm chiếu cố. Phụ thân và mẫu thân đều cảm thấy tốt. Ngũ thúc phụ lại viết thư cho thái phu nhân, lần này mẫu thân đến đây chính là đưa ta đến để đọc sách.
Lúc này bọn họ mới biết Ô phu nhân cũng đã đến.
- Chuyện này rất tốt, chuyện này rất tốt.
Đậu Chính Xương cười ha hả. Đậu Đức Xương lại ôm cổ Ô Thiện:
- Cuối cùng ngươi cũng rơi vào địa bàn của ta rồi.
Ô Thiện cười lớn, chắp tay thở dài, ra vẻ cầu xin tha thứ:
- Đại hiệp xin thủ hạ lưu tình! (Giơ cao đánh khẽ)
Mọi người cười vang.
Đậu Khải Tuấn và em trai là Đậu Khải Thái một trước một sau đi vào.
- Đang làm gì thế?
Hai người cười nói.
Bàng Ký Tu kể chuyện Ô Thiện sẽ đọc sách ở Đậu gia cho họ nghe.
Đậu Khải Tuấn và Đậu Khải Thái làm loạn đòi Ô Thiện chiêu đãi.
Ô Thiện vung tay:
- Hôm nay ai cũng có phần.
Nhà Bàng Ký Tu mở quán trà, sau này khá giả lại mở tửu lâu, tiệm cầm đồ. Từ nhỏ hắn đã lăn lộn ở chốn này, trong nhà lại nuôi một đám người rảnh rỗi, sống phóng túng là sở trường của hắn. Nghe vậy thì lập tức nói:
- Vậy phải đến Cảnh Phúc xuân. Nơi đó cứ đến mùa hạ sẽ có tôm cá tươi mát lạnh, hạt sen củ ấu, ngó sen, bột khiếm thảo... đều là tự trồng, bột khiếm thảo bình thường đều phải chờ đến khi chín thì mới hái đem ra phố bán, bán không hết thì mới đưa qua hiệu thuốc bắc, bột khiếm thảo đó chẳng cân lên được nên hiệu thuốc bắc cũng không nhận, vì thế không ai nỡ hái. Bột khiếm thảo trong bát canh ướp lạnh ở đó vô cùng non tươi, nấu ra màu vàng nhạt, lại thêm nhân hạch đào tươi, hạnh nhân tươi, hạt dẻ và lá sen non nữa, hồng ra hồng trắng ra trắng xanh ra xanh, đừng nói là ăn, nhìn thôi đã khiến người ta thấy sung sướng rồi...
Ngày hè nắng chói chang, hắn còn chưa nói hết mà mấy người đã bắt đầu chảy nước miếng.
Đậu Khải Thái vội nói:
- Để ta đi gọi tứ ca đến!
Trong hàng chữ Khải, Đậu Khải Tuấn là thứ năm, Đậu Khải Thái là thứ sáu, thứ tư là Đậu Khải Quang, là con thứ của Đậu Ngọc Xương, cũng là biểu ca của Ô Thiện.
Nếu Ô Thiện mời khách thì sao có thể thiếu hắn.
Đậu Chính Xương đi bẩm với thái phu nhân.
Tất thị là người trắng trẻo đẫy đà, mặt tròn tròn, nụ cười vô cùng hiền hậu.
Nàng có chút lo lắng.
Nhị thái phu nhân cười nói:
- Đừng lo, có Chi ca nhi đi theo, lại ở huyện Thực Định, sẽ không có chuyện gì đâu.
Năm trước Đậu Khải Tuấn đỗ tú tài.
Tất thị cũng thoáng an lòng.
Nhị thái phu nhân cho quản gia sắp xếp mấy gia đinh đáng tin đi theo đám người Đậu Chính Xương đến Cảnh Phúc Xuân.
Chưởng quầy ở đó thấy là người Đậu gia thì vội bố trí phòng tốt nhất, tự mình ở bên giới thiệu thực đơn, lại có Bàng Ký Tu ở bên cười đùa, không khí rất vui vẻ.
Lúc đồ ăn bưng lên, Ô Thiện nói:
- Ngày mai chúng ta đến điền trang thăm tứ muội muội đi?
Cả căn phòng ồn ào chợt ngừng bặt, ánh mắt mọi người đều dừng lại trên người hắn.
Mắt Ô Thiện chớp chớp, vội nói:
- Trời nóng như vậy, nghe nói điền trang của Thôi di thái thái cái gì cũng có, chúng ta mượn cớ đi thăm tứ muội muội, đến điền trang câu cá, đi bơi, ăn cơm lá sen... rất thú vị đó! Còn hơn là ngày nào cũng bị nhốt trong nhà.
Tim Bàng Ký Tu đập loạn, lại nghe Đậu Đức Xương cười nói:
- Ý rất hay! Chúng ta đi đến chỗ Thôi di thái thái đi bơi đi!
Đậu Khải Quang ngoài đọc sách thì chẳng đi đâu, hôm nay nếu không phải là vì Ô Thiện mời khách thì chắc chắn hắn cũng chẳng đi.
Nhìn ánh mặt trời chói mắt ở bên ngoài, đến hắn còn động lòng nữa là nững người khác.
- Cứ quyết định thế đi. Các người ai đi bẩm với thái phu nhân, dù sao ta cũng không thể đi, ta mà nói là hỏng bét.
Đậu Khải Tuấn nói.
Mọi người bật cười.
- Ta cũng không thể đi nói, mẫu thân ta còn ở lại Đậu gia mấy ngày.
Ô Thiện nói.
- Vậy để ta đi cho. Chỉ sợ thái phu nhân không đồng ý.
Đậu Khải Quang do dự nói.
- Tứ ca là người thành thật, tứ ca mà đã nói thì thái phu nhân nhất định sẽ đồng ý.
Quả nhiên nhị thái phu nhân đồng ý ngay.
Đoàn người chậm rãi đến điền trang.
Đậu Chiêu đang ngồi vẽ kiểu giầy mới cho tổ mẫu, nghe có tiếng động thì chạy ra, nhìn thấy mà ngây người.
Thôi di thái thái ngăn cản bọn họ:
- Không được ra sông, chỉ ở trong sân nghỉ ngơi một chút, ta sai người đi làm cơm lá sen cho các con.
Mấy đứa trẻ sao chịu ngồi im, chỉ chốc lát sau đã chạy ra sông.
Mắt thấy không ngăn được, Đậu Chiêu gọi gia đinh tới cùng bọn họ vào:
- Các ngươi ra bờ sông trông chừng, mỗi người cách các thiếu gia vài bước.
Lại dặn Hồng Cô:
- Vào thôn tìm mấy người giỏi bơi lội ra sông giữ, cho mỗi người một lạng bạc. Nếu mấy người này đều bình an vô sự thì thưởng thêm cho hai lạng bạc. Nếu có ai bị nguy hiểm, cứu một người thưởng 20 lạng bạc.
Hồng cô vội đi tìm mấy hán tử khỏe mạnh đến.
Đám Đậu Chính Xương thấy có người giữ ở bên thì càng không thèm kiêng nể gì.
Bàng Ký Tu chơi một lát rồi lặng lẽ lên bờ, nói là mệt mỏi, muốn về nhà uống nước.
Đám gia đinh đương nhiên không chuẩn bị thứ này.
Bàng Ký Tu thấy trong sân im ắng, đang nghĩ nên vào thẳng nhà hay đứng ở trước cửa sổ gọi một tiếng - hắn biết giao tiếp với đám nữ tử ngày ngày buôn phấn bán hương bán rẻ tiếng cười nhưng lại không biết giao tiếp với cô gái mới 10 tuổi, nhất là cô gái này còn là người giá trị vô cùng. Trước mặt nàng, hắn chẳng có ưu thế gì.
Cửa sổ rộng mở đột nhiên truyền đến tiếng nói chuyện: "... Muội muội thích thứ này nhất, ta nghĩ tứ muội muội chắc cũng thích nên sai thư đồng mua thêm một lọ, muội có ngửi thấy không?"
Bàng Ký Tu vội rón ra rón rén đi tới.
Chỉ thấy trên giường có mấy chiếc lọ to như quả trứng gà làm bằng ngọc lưu ly, vàng ròng, hổ phách, vừa hoa lệ lại vừa xa xỉ.
Hắn hoảng sợ.
Đây chính là nước hoa Tây dương.
Hắn vội nhìn quanh.
Thấy gương mặt còn chút non nớt của Ô Thiện đang mỉm cười.
Mẹ nó, mới mấy tuổi mà đã biết đường tán gái!
Khó trách đòi đến điền trang của Thôi di thái thái chơi!
Bàng Ký Tu thầm oán, lại nghe Đậu Chiêu nói:
- Đa tạ Ô tứ ca, mùi này rất dễ chịu.
Sau đó thoải mái nhận nước hoa, hỏi Ô Thiện tình hình kinh thành.
- Kinh thành không hổ là dưới chân thiên tử, kinh đô và vùng lân cận không chỉ có dân cư đông đúc mà còn có rất nhiều thứ hay. Hơn nữa ngã tư đường rộng rãi, có thể cùng lúc chứa được 4 cỗ xe ngựa cùng đi...
Ô Thiện hưng phấn giới thiệu kinh thành cho Đậu Chiêu, Đậu Chiêu mỉm cười ngồi đó nghe, suy nghĩ lại bay đi thật xa.
Mùa hè sang năm tìm cớ đưa tổ mẫu về Đậu gia ở mấy ngày, như vậy sẽ không có chuyện tổ mẫu dậy sớm đi tưới dưa, có lẽ sẽ tránh được một kiếp nạn.
Lần này đến điền trang cũng đưa Cam Lộ và Tố Quyên về theo thôi.
Còn phải đi thăm Thỏa Nương. Nghe nói nàng và Thôi Tứ sống rất tốt, người họ Thôi cũng rất thích cô con dâu thành thật này, giờ nàng đã đứng vững được ở Thôi gia rồi...
Bên ngoài đột nhiên có tiếng xôn xao rất lớn.
Đậu Chiêu nhớ ra đám người chơi bên sông, vội vươn đầu ra hỏi Hồng Cô:
- Xảy ra chuyện gì?
Hồng Cô tay xách con gà chạy ra khỏi phòng bếp, vội vàng nói:
- Để tôi đi xem.
Đậu Chiêu giục Ô Thiện:
- Huynh cũng đi xem đi?
Ô Thiện "a" một tiếng rồi chạy ra ngoài.
Khoảng nửa canh giờ sau, Hồng Cô chạy về.
- Tiểu thư, may mà tiểu thư bảo tôi tìm mấy người giỏi bơi lội đứng đó canh.
Sắc mặt bà hơi tái, nghĩ lại sợ:
- Quang thiếu gia không biết bơi, lúc đùa giỡn với Thái thiếu gia thì bị trượt chân ngã vào nước... Nếu không phải bọn họ nhanh tay lẹ mắt thì suýt nữa Quang thiếu gia đã..
Đậu Chiêu thở phào, nói từ tận đáy lòng:
- Hi vọng lần này họ nhận được bài học, sẽ không đến bơi nữa.
Hồng Cô vội phụ họa.
Cả đám người cao hứng mà đến, mất hứng đi về.
Bọn họ ăn bữa tối qua loa ở điền trang rồi lại về Đậu phủ.
Buổi tối, tổ mẫu chỉ vào nước hoa trên giường:
- Đây là từ đâu mà có?
- Ô tứ ca cho. Nói là đi kinh thành mua quà về.
Đậu Chiêu thản nhiên nói.
Tổ mẫu cầm lên xem xét một hồi, không nói một lời rồi lại đặt về chỗ cũ, lập tức về nghỉ ngơi.
Qua hai ngày, Đậu Khải Tuấn đến bái phỏng Đậu Chiêu:
- Hôm đó cũng nhờ tứ cô cô an bài người trông chừng, nếu không chắc chắn đã xảy ra chuyện lớn rồi.
Tuy hắn là vãn bối nhưng lại lớn tuổi nhất, lại là người duy nhất đã có công danh, nếu xảy ra chuyện gì thì hắn sẽ phải gánh trách nhiệm lớn nhất.
- Chẳng qua là làm việc cẩn thận thôi, ngươi đừng canh cánh trong lòng. Đậu Chiêu cười nói.
Đậu Khải Tuấn vẫn trịnh trọng cảm tạ Đậu Chiêu.
Lại qua vài ngày, Ô Thiện và Đậu Khải Quang cũng đến cảm tạ Đậu Chiêu:
- Chuyện này là ta đề nghị, nếu lão tứ có mệnh hệ gì sao ta còn dám nhìn mặt tứ đường tỷ.
Đậu Chiêu lại phải khiêm tốn một hồi.
Ô Thiện dùng chiêu bài cảm tạ còn tới thêm mấy lần nữa.
Mỗi lần tổ mẫu đều giữ hắn ở lại ăn cơm, cẩn thận hỏi chuyện nhà hắn. Có lần, Đậu Chiêu còn nghe được Hồng Cô và tổ mẫu nói chuyện:
- Tất thị là người có chí lớn, rất nhân hậu, lễ nghĩa, vô cùng khoan dung...
Cảm nhận được ý đồ của tổ mẫu, Đậu Chiêu không biết nên khóc hay cười.