“Dạo này, tiếng nói trong lòng em có còn nói chuyện với em nữa không?”

Trong một phòng khám riêng nọ của Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Tinh thần, một bác sĩ mặc áo blouse vừa xem hồ sơ bệnh án vừa hỏi.

Phía bên kia bàn khám bệnh là một chàng trai ngoài hai mươi đang ngồi yên tĩnh, ngoan ngoãn và không hề có tính tấn công.

Đó là ấn tượng đầu tiên cậu mang đến cho mọi người.

Nhưng cậu luôn nán nhìn về phía chậu cây xanh mơn mởn trên bệ cửa sổ. Đó là một chậu trầu bà được chăm sóc rất kỹ, cành lá sinh trưởng rũ dài bên khung cửa.

Gió chợt ghé qua, ánh mặt trời nhảy múa trên phiến lá.

“... Giang Diệu?”

Bác sĩ Ôn Lĩnh Tây ngẩng đầu lên khỏi bệnh án, phát hiện bệnh nhân của mình lại mất tập trung, bác sĩ Ôn mỉm cười bất lực.

Cộc cộc.

Bác sĩ Ôn gõ nhẹ lên mặt bàn trước mặt Giang Diệu.

Thế nhưng mọi nỗ lực lôi kéo sự chú ý của bệnh nhân này đều vô ích vì Giang Diệu vẫn nhìn chậu cây xanh kia hết sức chăm chú, đến mức quên cả chớp mắt.

Điều đó không khỏi làm người khác thấy tò mò không biết rốt cuộc chậu trầu bà bình thường ấy có gì đáng để nhìn, đã vậy còn làm cậu nhìn không nỡ rời như thế nữa.

Giang Diệu vẫn tập trung nhìn chậu cây đó mãi.

Bác sĩ Ôn cũng lặng im quan sát cậu.

Sau vô số lần gọi không nhận được hồi âm, bác sĩ Ôn thở dài, bắt đầu ghi vào bệnh án.

Giang Diệu, 21 tuổi, đã được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ hai mươi năm.

Thuở mới sinh, cậu vẫn giống như những đứa trẻ khác. Bố mẹ cũng hân hoan chào đón sự ra đời của sinh mệnh bé nhỏ này.

Nhưng dần dà, họ mới phát hiện ra điều bất thường.

Đầu tiên là ánh mắt.

Lúc chào đời Giang Diệu không hề tràn đầy tò mò ngắm nhìn thế giới này như những đứa trẻ khác. Dù là đồ chơi ánh sáng lấp lánh hay là bố mẹ cố tình tạo ra tiếng động để thu hút sự chú ý, Giang Diệu cũng ít khi đáp lại ánh nhìn của họ.

Cậu luôn luôn chỉ nhìn vào thứ cậu muốn nhìn.

Rốt cuộc điều gì khiến cậu thấy hứng thú? Chẳng ai biết cả.

Vì cậu không biết nói.

Đây cũng là nguyên nhân bố mẹ quyết định đưa cậu đi khám bác sĩ.

Cơ quan thính giác và phát âm của Giang Diệu đều phát triển bình thường chứ không khiếm khuyết gì, nhưng cậu lại không chịu nói chuyện.

Lúc bố mẹ bế Giang Diệu hơn một tuổi đi gặp bác sĩ, nghe xong bệnh sử, bác sĩ khéo léo kiến nghị họ nên đi kiểm tra lâm sàng bệnh tự kỷ.

Bệnh tự kỷ, hay còn gọi là tự kỷ ám thị.

Khi ấy, bố mẹ Giang Diệu còn không biết đây là bệnh gì. Mãi đến khi có giấy xác nhận chẩn đoán họ mới biết hóa ra đây là một căn bệnh tâm thần rất khó chữa.

Trẻ em mắc bệnh tự kỷ sẽ gặp chướng ngại phát triển khá nghiêm trọng với các biểu hiện chủ yếu như khó khăn trong giao tiếp xã hội, ngôn ngữ chậm phát triển và có hành vi ám ảnh cưỡng chế.

Đây cũng chính là lý do Giang Diệu chỉ mới một tuổi không chịu giao tiếp bằng mắt và không đáp lại tiếng gọi của bố mẹ.

Trẻ em mắc bệnh tự kỷ như sống trong một màn kính, chúng không thể đồng cảm và thấu hiểu thế giới bên ngoài.

Đa số bệnh nhân đều gặp chướng ngại học tập, thậm chí những trường hợp nghiêm trọng còn không biết cách ăn uống và bài tiết.

Khủng khiếp hơn là căn bệnh này rất khó chữa, chỉ có thông qua luyện tập và quá trình điều trị không ngừng nghỉ mới có thể miễn cưỡng giúp bệnh nhân hình thành khả năng sống tự lập.

Còn bước vào xã hội như một người bình thường? Quả thật là khó như lên trời.

Giang Diệu mới hơn một tuổi đã bị chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ gần như là cú sốc làm bố mẹ cậu suy sụp, bạn bè thân thích xung quanh cũng khuyên họ nhân lúc còn trẻ, hãy tranh thủ sinh thêm một đứa nữa.

Nếu đứa con này đã không thể khỏi bệnh, chi bằng sinh cho cậu thêm đứa em trai để sau này họ già, sẽ có người chăm sóc cậu giúp họ.

Bố mẹ Giang Diệu cân nhắc rất lâu, cuối cùng đã không làm theo lời khuyên của mọi người mà dốc hết sức lực điều trị cho Giang Diệu.

Họ không muốn từ bỏ đứa con này, cậu chỉ bị bệnh thôi chứ nào có tội tình chi. Bên cạnh đó họ cũng không muốn sinh thêm đứa nữa khiến đứa con thứ hai còn chưa sinh ra đã phải mang trên vai một gánh nặng, như thế thật không công bằng.

Thế là kể từ khi hơn một tuổi, Giang Diệu đã được bố mẹ bế bồng ra vào tất cả bệnh viện lớn.

Nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ của bố mẹ, Giang Diệu dần thực hiện được những kỹ năng sống tự lập đơn giản như biết cách ăn uống và thay quần áo.

Đồng thời, họ cũng mừng rỡ phát hiện tuy Giang Diệu khó giao tiếp với người khác nhưng cậu có rất nhiều tài năng làm mọi người thảng thốt.

Ví dụ như cậu có thể đọc lướt và ghi nhớ không quên. Dù đó tờ báo đã đọc sơ vào mấy tháng trước, cậu vẫn có thể lặp lại không sót một từ.

Hay như cậu thích vẽ vời, mặc dù không thể tham gia các lớp hội họa chính quy, nhưng tác phẩm cậu tiện tay vẽ nguệch ngoạc lại mang một nét đẹp lộng lẫy kỳ ảo làm vô số cư dân mạng kinh ngạc, thậm chí còn từng lên hot search.

Như thế đã đủ rồi.

Bố mẹ Giang Diệu mừng lòng nghĩ: Ít ra, cậu có thể nuôi sống chính mình bằng nghề vẽ tranh.

Sau đó biến cố ập đến.

Đến tận bây giờ vẫn không ai giải thích được rốt cuộc tai ương đó đã xảy ra như thế nào.

— Năm Giang Diệu lên hai mươi, cậu đột ngột mất tích.

Đó là một ngày vô cùng bình thường. Thấy trời trong nắng ấm, mẹ của Giang Diệu bèn dựng giá vẽ cho cậu vẽ tranh trong sân vườn. Nhưng bà lỡ tay làm đổ màu xuống đất khiến những giọt màu sặc sỡ làm bẩn ống quần của Giang Diệu.

Thế nên mẹ đã vào nhà lấy khăn ra lau.

Nhưng chỉ trong một lần quay người vào nhà như thế, Giang Diệu đã biến mất.

Sân nhà không có cửa, tường rào cũng chỉ cao hơn hai mét.

Con đường duy nhất thông ra ngoài là hành lang mẹ đi qua, nhưng lúc bà lấy khăn trở lại chỉ thấy giá vẽ lẳng lặng đứng dưới giàn nho, dưới đất vẫn còn vương vãi vết màu bắn tung tóe.

Chỉ có chiếc ghế là trống không.

Họa sĩ thiên tài mắc bệnh tự kỷ biến mất bí ẩn khiến toàn thể cư dân mạng chấn động.

Câu chuyện xảy ra quá đỗi ly kỳ, cảnh sát nhanh chóng lập án điều tra, cộng đồng mạng cũng tự kêu gọi đi tìm cậu.

Nhưng Giang Diệu vẫn mãi bặt vô âm tín.

Giống như “thần ẩn” trong truyền thuyết, cậu bị thần linh đưa đi ngay trước giàn nho sân vườn nhà mình trong buổi chiều nắng vàng ươm ấy.

Thế nhưng vào giây phút cảnh sát đã bất lực, ngay cả bố mẹ cũng sắp từ bỏ vì tuyệt vọng thì cậu lại bất ngờ xuất hiện ngay cửa nhà mình.

Toàn thân khỏa thân, lại còn dính máu.

Trông cậu cứ như mới bị vớt ra từ vũng máu, nhưng trên người lại không có bất kỳ vết thương nào cả.

Cảnh sát nghi ngờ đó là vết máu thủ phạm sơ ý để lại trong lúc cậu giằng co với tên bắt cóc. Nhưng sau khi lấy mẫu DNA từ vết máu đó mang đi đối chiếu, nó lại không khớp với DNA của bất kỳ tội phạm hiện có.

Cũng phải đành chịu vì kho dữ liệu DNA trong nước chủ yếu lưu trữ những kẻ có tiền án tiền sử, nên nếu tên bắt cóc không có tiền án thì sẽ không có DNA của gã trong kho dữ liệu.

Thế là cảnh sát chuyển mục tiêu điều tra sang bản thân nạn nhân.

Ai cũng muốn biết rốt cuộc đã có chuyện gì xảy ra trong suốt một năm cậu mất tích, ngặt nỗi Giang Diệu lại bị mất trí nhớ.

Ký ức bắt đầu rời rạc sau buổi chiều nắng rực ấy.

Giang Diệu nhớ màu bị đổ, nhớ màu sơn dầu sặc sỡ đậm đặc ấy văng trúng quần mình.

Còn sau đó thì sao?

Sau đó chỉ nghe xung quanh có người đang hét to, rồi cậu khỏa thân đứng trước cửa nhà.

Còn phần giữa đã xảy ra chuyện gì?

Suốt cả năm trời, lẽ nào không nhớ nổi chút gì sao?

Đúng là không nhớ nổi thật.

Ký ức của cậu như bị cắt ghép, bị người ta cắt hết số ký ức trong một năm đó rồi ghép phần đầu và phần đuôi lại với nhau. Cậu cảm giác như trước đó vẫn còn ngồi trong sân vườn, ngay sau đó đã mình mẩy đầy máu đứng trước cửa nhà.

Một năm qua cậu đã đi đâu? Vết máu loang đầy trên cơ thể đủ để mất mạng ấy là của ai? Tại sao cậu lại trở về trong tình trạng khỏa thân?

Cậu chẳng nhớ gì cả.

Chẳng còn manh mối để lần theo.

Vụ án mất tích kỳ lạ này dấy lên làn sóng quan tâm dữ dội của cư dân mạng trên khắp cả nước, những bình luận về câu chuyện cậu mất tích rồi xuất hiện ấy chiếm vị trí đầu bảng hotsearch suốt mất ngày liền.

Chẳng ai giải thích được chuyện này, ai cũng có suy đoán của riêng mình nhưng tất cả đều có lỗ hổng, không thể giải thích hoàn toàn theo khoa học được.

Cảnh sát và bác sĩ sử dụng mọi cách cũng không thể có được câu trả lời hợp lý.

Chỉ có thể để nó chìm vào dĩ vãng.

Bố mẹ Giang Diệu thì thấy chỉ cần con trai họ trở về là được, may sao cậu không chỉ bình an quay về mà bệnh của cậu còn có chuyển biến tốt.

Sau khi trở về với gia đình, đột nhiên Giang Diệu chịu nói chuyện.

Cậu biết khóc biết cười, biết bày tỏ nguyện vọng của bản thân.

Bố mẹ vui mừng khôn xiết, hỏi tại sao cậu lại bằng lòng giao tiếp.

Giang Diệu nhìn vào gương đáp:

“Trong lòng con có một tiếng nói liên tục nói với con rằng thế giới này rất đẹp, bảo con hãy sống thật tốt.”

Có lẽ một năm qua cậu đã trải qua điều gì đó rất khủng khiếp, đến mức sinh ra nhân cách thứ hai.

Bác sĩ khoa tâm thần chữa trị chính cho Giang Diệu, bác sĩ Ôn nói với bố mẹ Giang Diệu rằng trước khi mất tích, cậu sống như một loài thực vật. Cậu yên tĩnh ngoan ngoãn, không biết thể hiện cảm xúc của mình, thậm chí bị thương cũng chẳng biết kêu đau.

Sau khi trở về Giang Diệu vẫn lầm lì ít nói như xưa nhưng đã giống người bình thường hơn rồi.

Bố mẹ thấy được tia hy vọng lần nữa nhưng vẫn chưa yên tâm lắm, thế nên vẫn đưa cậu đi kiểm tra định kỳ.

Đây cũng là lý do Giang Diệu có mặt trong phòng khám riêng vào lúc này.

“...” Sau vô số lần gọi không được đáp lại, bác sĩ Ôn lại thở dài, ghi chú lần điều trị thất bại này vào bệnh án.

Bệnh tình có diễn biến phức tạp, kiến nghị gia đình quan sát chặt chẽ, không nên để bệnh nhân ở một mình.

Bác sĩ Ôn cúi đầu, viết lời đánh giá như thế.

Ở bên kia bàn làm việc, Giang Diệu vẫn nhìn chăm chú vào chậu trầu bà trên bệ cửa sổ. Cơn gió nhẹ lướt qua rèm cửa làm cành lá dài của cây trầu bà đong đưa theo. ( app truyện T Y T )

[Đẹp quá.]

Giang Diệu nghe thấy tiếng nói trong lòng mình cất lên.

[Trên đường về, hãy đi tham quan Bảo tàng Côn trùng nhé.]

Tiếng nói đó bảo thế.

Giang Diệu nghe thấy bốn chữ “Bảo tàng Côn trùng” thì chợt cong mắt mỉm cười.

“... Em thích cái này à?” Cuối cùng bác sĩ Ôn cũng chú ý đến hướng nhìn của cậu, đưa tay lấy chậu cây đó để ra trước mặt cậu: “Nếu thích thì tặng em đấy, mang về nhà trồng.”

Giang Diệu khẽ nhướng mí mắt lên nhìn anh ấy rồi lại nhìn chậu cây.

Sau đó cậu thò tay vạch đống lá ra, nhẹ nhàng nhấc một chú bọ rùa trên phiến lá trầu bà lên.

Một chú bọ rùa bảy đốm xinh xắn với mai lưng màu đỏ điểm xuyến đốm tròn màu đen.

[Nên nói gì nào?]

Tiếng nói trong lòng hỏi.

Giang Diệu: “Cảm ơn.”

Cậu đứng dậy, trịnh trọng nói với bác sĩ Ôn: “Cảm ơn anh.”

Bác sĩ Ôn sững sờ.

Giang Diệu cẩn thận nâng niu chú bọ rùa, nhoẻn miệng cười.

... Cậu cứ như một cái cây thật ấy.

Dịu ngoan, vô hại, di chuyển một chú bọ rùa từ trên cành lá khác lên tay mình.

Không phải muốn hại nó mà chỉ vì cậu thích nó, nên mong nó đến với mình.

Bác sĩ Ôn mất hồn hồi lâu mới mở bệnh án ra lại.

Qua quá trình cân nhắc thật lâu, anh ấy quyết định gạch bỏ dòng “bệnh tình có diễn biến phức tạp” rồi viết lại một đoạn:

Khả năng giao tiếp với thế giới của bệnh nhân đã cải thiện hơn trước kia.

Tạm thời giữ nguyên phương án điều trị, đồng thời tiếp tục quan sát.

...

Bác sĩ Ôn ghi chép xong bèn đứng dậy mở cửa, mời mẹ của Giang Diệu vào phòng.

Đây là thói quen khám bệnh của anh ấy, phải tiếp xúc với bệnh nhân trước rồi mới trao đổi với người thân.

Trong khu vực chờ có một người phụ nữ ăn mặc lịch sự đang ngồi đợi, vừa thấy Ôn Lĩnh Tây, bà lập tức đứng bật dậy tiến đến chào.

Bất kỳ ai tinh mắt đều sẽ nhận ra đây chính là mẹ của Giang Diệu, vì bà toát ra khí chất vô hại và dịu dàng giống hệt cậu. Nếu sự dịu dàng vô hại của Giang Diệu bắt nguồn từ cảm giác xa cách thế giới của một người bị tự kỷ ám thị, thì Từ Tĩnh Nhàn mẹ cậu lại sở hữu sự tao nhã và thanh thoát chỉ những vũ công múa ballet mới có.

Nếp nhăn li ti nơi khóe mắt chứng tỏ bà đã có tuổi nhưng vẫn không làm tàn phai ngoại hình và vóc dáng của bà.

Ở độ tuổi xuân thì, chắc chắn bà là một cô gái xinh đẹp bao người si mê.

Giang Diệu thừa hưởng hoàn toàn nét đẹp của mẹ.

Lúc Ôn Lĩnh Tây mời Từ Tĩnh Nhàn vào phòng khám, đã không kìm được nghiêng đầu liếc nhìn Giang Diệu.

Cậu vẫn ngồi lặng im trên ghế sô pha, cúi đầu nhìn chằm chằm chú bọ rùa trong lòng bàn tay.

Nước da trắng như tuyết, đôi mắt đen láy, hàng mi như lông vũ rũ xuống, lúc chậm rãi chớp mắt lại toát ra cảm giác mong manh yếu đuối khiến người ta rung động.

Rối loạn nhân cách phân ly — Hay gọi một cách quen thuộc hơn chính là “đa nhân cách”.

Đây cũng là căn bệnh thứ hai mà Giang Diệu đang phải chịu đựng ở thời điểm hiện tại.

Tình huống này cực kỳ thường gặp ở một đứa trẻ từng bị tổn thương nghiêm trọng.

Có một lý luận cho rằng sau khi trẻ em chịu tổn thương tâm lý hoặc sinh lý nghiêm trọng đến mức không thể chấp nhận hiện thực, chúng sẽ có xu hướng không muốn tin vào những chuyện đáng sợ đã xảy đến với mình. Thế là chúng tự tưởng tượng ra một người khác để chịu đựng khổ đau thay mình.

Rốt cuộc trong một năm mất tích đó, Giang Diệu đã trải qua những gì?

Tuy cảnh sát tuyên bố trên người cậu không có dấu vết bị bạo lực hay xâm phạm, nhưng một đứa trẻ như thế này... Một đứa trẻ sở hữu ngoại hình xuất chúng, gặp bất kỳ nguy hiểm gì cũng không thể tự bảo vệ bản thân thế này...

Giống như một loài thực vật đẹp đẽ mà lại chẳng có gai.

Mọi người có thể tưới nước, mở cửa sổ để cậu tắm nắng.

Song mọi người cũng có thể ngắt cành của cậu rồi dùng tay lau đi chất dịch chảy ra từ chỗ gãy đó.

Mọi người có làm gì cậu cũng không biết cách phản kháng.

Ôn Lĩnh Tây cố nén nỗi đau xót trong lòng, thay vào đó là cười mỉm với Từ Tĩnh Nhàn.

“Tình trạng hiện tại của em ấy vẫn khá ổn định, năng lực xã hội cũng đang cải thiện từng bước.” Ôn Lĩnh Tây nói: “Nên về việc hợp nhất nhân cách...”

Hợp nhất nhân cách là nhập nhân cách bị tách ra vào trong nhân cách chính.

Lần tái khám này sớm hơn lịch hẹn rất nhiều.

Bố mẹ Giang Diệu luôn hy vọng cậu có thể sống cuộc sống của người bình thường.

Ôn Lĩnh Tây nhận ra nỗi lo lắng của Từ Tĩnh Nhàn, đang định giải thích kỹ về vấn đề hợp nhất nhân cách cho bà, không ngờ Từ Tĩnh Nhàn lại ngắt lời anh ấy.

“Không, bác sĩ Ôn, tôi không đưa thằng bé đến để hợp nhất nhân cách.”

Ôn Lĩnh Tây thắc mắc nhướng mày nhưng lại phát hiện ánh mắt Từ Tĩnh Nhàn dành cho Giang Diệu không chỉ chứa đựng lo âu mà còn thấp thoáng sự bất an.

Như một chú chim non sợ hãi, run rẩy cụp đôi cánh ẩm ướt lại nấp dưới tán cây giữa rừng rậm tối tăm.

“Dạo gần đây, thằng bé bắt đầu nói một vài thứ rất kỳ lạ...”

Từ Tĩnh Nhàn nói rất chậm như đang cân nhắc lựa chọn từ ngữ.

Ôn Lĩnh Tây khẽ nghiêng người về phía trước, thể hiện rằng mình đang chú ý lắng nghe: “Ví dụ như?”

Từ Tĩnh Nhàn hít sâu một hơi, bà nhả chữ rất rõ nhưng giọng nói lại có phần run rẩy.

“Ví dụ như, thằng bé nói có ốc sên sống trong tai của mình.”

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play