Chương 2: Mười năm sau – rìa rừng cổ, căn nhà tranh cũ kỹ
Ánh nắng sớm khe khẽ len qua những kẽ lá, đang hoà tan những làn sương sớm nơi rừng cổ. Tiếng chim hót ríu ran đánh thức một buổi sáng yên bình.
Tử Nhiên, một thiếu niên chín tuổi, lưng đeo gùi tre, tay xách rìu nhỏ, đang cùng cha men theo con suối nhỏ vừa lượm củi mục trên bờ vừa nhìn người cha đang lặn lội dưới suối bắt cá. cha cậu tên là Tử Hành Vân, thân hình cao lớn, lưng thẳng như tùng già. Gương mặt ông rắn rỏi, cằm vuông, lông mày rậm kéo dài. Dưới ánh nắng, làn da rám nắng, đôi mắt sâu màu trà đậm thường ánh lên vẻ trầm mặc. Nét hiền từ dành cho vợ con đôi khi lại thoáng qua một chút lãnh đạm.
“Chữ ‘Nhân’ là người, đứng thẳng mà không cong,
Chữ ‘Đạo’ là đường, không tranh giành thì sẽ rộng.”
“ Tử Nhiên, nhớ kĩ chưa?”
Tử Nhiên gật đầu, ghi nhớ như in. Dù chỉ là những lời đơn sơ, nhưng với cậu, từng chữ như gieo vào lòng mầm mống đạo lý.
Khi mặt trời lên cao, nắng vàng như mật rưới xuống mái tranh phủ đầy rêu xanh. Trên con đường đất nhỏ dẫn về ngôi nhà đơn sơ, bóng hai cha con chậm rãi tiến bước, tiếng cười vang vọng theo nhịp chân đều đặn.
Tử Nhiên chạy lon ton phía trước, tay ôm bó củi to gần bằng nửa người. Cha cậu theo sau, tay trái xách một xâu cá còn tươi rói, vảy bạc lấp lánh dưới ánh nắng.
Vừa đặt bó củi xuống bên hiên, Tử Nhiên liền xông vào nhà, khuôn mặt sáng bừng .
“Mẫu thân! Hôm nay có cá suối to lắm, ta sẽ nấu canh cho người!”
Người phụ nữ đang nằm trên giường tre chậm rãi quay đầu lại, làn da tái nhợt nhưng ánh mắt dịu dàng không đổi. Bà mỉm cười, giọng nói nhẹ như gió xuân thổi qua rặng liễu:
“Lại đây, hài tử. Có mệt không nào?”
Tử Nhiên lắc đầu quầy quậy, ngồi xuống mép giường, ánh mắt rạng rỡ:
“Không mệt! Hôm nay ta rất vui. Cùng phụ thân bắt được rất nhiều cá, con nào cũng to ơi là to!”
“Hai cha con giỏi quá…” – Người mẹ khẽ cười – “Hôm nay nhà mình sẽ ăn một bữa thật ngon.”
Cửa gỗ cót két mở ra, người đàn ông cao gầy bước vào, tay cầm xâu cá lớn. Dù tuổi đã hằn nếp trên trán, đôi mắt ông vẫn sáng, ấm áp và vững chãi.
“Nhiên nhi,” ông cười, giọng trầm trầm như tiếng suối dưới chân đồi, “Lại đây, cầm xâu cá này đem lên đầu thôn biếu ông Tần. Nghe nói ông ấy thích ăn cá suối.”người cha chia đôi số cá bắt được ngày hôm nay thành 2 phần rồi đưa cho cậu nhóc.
Tử Nhiên lon ton chạy đến, nhận lấy xâu cá rồi hô lớn:
“Tuân lệnh! Ta đi ngay đây!”
Cậu chạy vút ra khỏi nhà, bóng dáng nhỏ bé lẫn vào nắng sớm và tiếng chim ríu rít. Gió từ rừng cổ thổi qua, mang theo hương thơm của hoa dại và sự yên bình đong đầy trong từng khoảnh khắc.
Trong ngôi nhà nhỏ, người chồng ngồi xuống bên giường vợ, lau đi giọt mồ hôi trên trán bà, ánh mắt thẳm sâu như giấu trăm điều chưa nói.
Dưới chân con dốc thoai thoải dẫn về đầu thôn, có một gốc hoè già rễ to vặn vẹo, thân cây xù xì như đã chứng kiến bao năm thang thăng trầm. Dưới bóng hoè ấy là một căn nhà tranh cũ kỹ, mái rơm phủ rêu, vách đất đơn sơ, tựa như chẳng mấy khác biệt so với bao mái nhà khác trong thôn – nhưng lại là nơi mà mọi người luôn kính trọng.
Tử Nhiên xách xâu cá đến trước sân, hí hửng gọi lớn:
“Lão bá, hôm nay phụ thân ta bắt được cá suối ngon, bảo ta mang biếu người một ít!”
Tiếng bước chân khẽ khàng vang lên sau tấm rèm tre. Một bóng người già nua từ từ xuất hiện.
Ông Tần – dáng người gầy cao, lưng hơi còng, mái tóc bạc trắng như sương, được búi gọn bằng một sợi dây mây cũ. Trên tay ông là chiếc tẩu thuốc bằng gỗ tử đàn, khói nhè nhẹ tỏa ra theo từng hơi rít sâu, rồi tan vào không gian như một phần của trời đất.
Ánh mắt ông hẹp dài, hơi trũng sâu, trầm mặc như đã nhìn thấu cả thế gian. Không ai biết ông từ đâu đến, chỉ biết đã ở đây từ rất lâu, sống một mình dưới gốc hoè, không vợ không con, cả ngày ngồi lặng nghe gió thổi nhìn thời gian trôi, thi thoảng người dân trong làng có bệnh đến cầu thuốc ông đều cho nhưng lời nói hơi khô cứng – là người có y thuật giỏi nhất làng nhưng lời nói luôn ít ỏi, chẳng bao giờ thân thiết với ai.
Ông nhìn xâu cá từ tay Tử Nhiên, gật nhẹ đầu thay lời cảm ơn, chỉ tay vào giỏ tre gần gần miệng giếng giọng khàn khàn:
“Để vào đây.”
Tử Nhiên cười tươi:
“Ông ăn với cháo trắng là tuyệt nhất!”
Ông Tần nhếch mép, chẳng rõ là cười hay không, chỉ khẽ phẩy tay như xua đi lời bông đùa. Đôi mắt ông thoáng nhìn xuống bàn tay trái của Tử Nhiên – nơi có một dấu vết nhàn nhạt như vết bớt mờ. Nhưng chỉ trong chớp mắt, ánh nhìn ấy đã thu về, sâu như đáy giếng cạn.
“Về đi. Mẫu thân ngươi còn đang đợi.”
“Vâng! Ta đi đây!”
Tử Nhiên xoay người chạy đi, để lại sau lưng làn khói thuốc nhạt nhòa và ánh mắt thâm trầm, dõi theo từng bước chân đang lớn dần trong gió.
Dưới bóng cây, người đàn ông tóc bạc lại ngồi xuống chiếc ghế mây cũ kỹ nhẹ nhàng đung đưa, im lặng rít thuốc, ánh mắt như nhìn về quá khứ xa xăm.
Trên đường từ nhà ông Tần trở về, Tử Nhiên vừa đi vừa nghêu ngao một khúc hát dân gian cũ kỹ. Ánh nắng trưa trải dài, len qua những tán cây, rọi xuống lối mòn đất nâu. Gió thoảng hương cỏ dại và mùi bếp củi vương vấn trong không khí, khiến lòng người tự dưng cũng nhẹ đi vài phần.
Thôn làng mà Tử Nhiên đang sống nằm nép mình dưới chân rừng cổ phía nam Nguyên Mộc Quốc – nơi rìa cấm địa mà tu giả không muốn bén mảng, nhưng lại là mảnh đất yên bình đối với phàm nhân. Dân trong thôn không quá đông, chừng hơn hai trăm người, phần lớn là dân lưu tán từ khắp nơi đổ về, sống bằng nghề săn bắn, hái lượm và đốn củi ven rừng.
Nhà cửa trong thôn lưa thưa, đa phần là mái tranh tường đất, có đôi ba nhà khá hơn thì lợp ngói, vách gỗ thông.
Con đường đất dẫn về nhà Tử Nhiên uốn lượn dẫn xuống cuối làng. Dưới tàng cây đầu ngõ, bà lão hàng xóm đang nhìn đứa trẻ vừa đi vừa nghêu ngao:
“Nhiên nhi! Sao nay vui thế..?”
“Lão bà !Hôm nay ta cùng phụ thân bắt được rất nhiều cá to!”
Bà cụ cười khanh khách, gật gù: “ hai Cha con giỏi thật. Mẹ con chắc sẽ vui lắm đây.”
Tử Nhiên lễ phép chào rồi tiếp tục bước nhanh về nhà, lòng nhẹ tênh như cánh diều trong gió.