Đông Tiểu Nhu có một người em trai kém cô hai tuổi, tên là Đông Kha. Cậu bé bị chẩn đoán mắc chứng tự kỷ từ nhỏ.
Kể từ lúc có thể hiểu chuyện, Tiểu Nhu đã quen với việc trong nhà luôn có một căn phòng đặc biệt — cửa luôn đóng kín, rèm luôn kéo chặt, nơi mà ba mẹ cô luôn dặn phải đi nhẹ, nói khẽ mỗi khi đi ngang qua.
Bên trong đó, là thế giới của Đông Kha.
Cậu hiếm khi bước ra khỏi phòng, cả ngày chỉ quanh quẩn với giấy vẽ, bút chì, màu nước. Cậu không nói chuyện với ai, không nhìn ai quá ba giây, và luôn lùi lại một bước nếu ai tiến lại gần. Những khi ba mẹ cố gắng vào phòng, cậu sẽ trốn ra ban công hoặc trùm chăn kín đầu như con thú nhỏ bị thương.
Ba mẹ thương em, thương đến mức kiệt sức. Họ nấu đủ món ngon, chuẩn bị đủ vật dụng, thuê cả chuyên gia tâm lý đến nhà — nhưng tất cả đều dừng lại ngoài cánh cửa ấy.
Chỉ có Tiểu Nhu, dần dần là người duy nhất trong nhà… không còn kiên nhẫn.
Hồi nhỏ cô từng nắm tay em chơi trong sân, từng hát cho em nghe, từng khóc khi thấy em bị bạn bè trong xóm chê là “kỳ dị”. Nhưng rồi theo năm tháng, sự thiên vị lặng lẽ trong từng bữa cơm, từng cái vuốt tóc, từng ánh mắt lo lắng chỉ hướng về một người — đã khiến tình thương của cô hóa thành thứ gì đó nặng trĩu.
Cô lớn lên, bắt đầu có những bận tâm của riêng mình – trường lớp, bạn bè, ước mơ, và cả sự so sánh trong âm thầm.
Giờ đây, đã là học sinh lớp Mười hai, đôi khi Tiểu Nhu nhận ra mình thậm chí không nhớ rõ khuôn mặt em trai nữa.
Cô hiểu. Nhưng cũng không thể phủ nhận được cảm giác bị bỏ rơi.
Đôi khi về nhà sau giờ học, cô bước qua hành lang tầng hai, ánh mắt vô tình lướt qua cánh cửa quen thuộc. Cô không dừng lại. Cũng chẳng suy nghĩ gì nhiều.
Bữa cơm tối bắt đầu lúc bảy giờ như thường lệ.
Bàn ăn vẫn là chiếc bàn tròn bằng gỗ sẫm màu, bốn chiếc ghế đặt ngay ngắn xung quanh. Trên bàn là ba món mặn, một bát canh thanh đạm, và một hộp cơm sứ trắng có nắp đậy. Chiếc hộp ấy luôn xuất hiện trong mỗi bữa ăn – như một thành viên vắng mặt đã được ngầm mặc định là trung tâm.
Mẹ vừa gắp thức ăn vừa dịu dàng nói, mắt vẫn dán vào hộp cơm:
“Tiểu Nhu, con mang cơm lên cho em giúp mẹ nhé.”
Đông Tiểu Nhu khựng tay giữa chừng, miếng trứng chiên kẹp giữa đôi đũa.
Nhưng cô chưa kịp trả lời thì ba đã đứng dậy, giành lấy:
“Để ba đem lên cho em.”
Mẹ cười nhẹ, như thở phào. Lại cẩn thận gắp thêm vào hộp một miếng cá kho mềm, gỡ bỏ xương kỹ càng, rồi đóng nắp thật khéo, như sợ nguội đi sẽ khiến em buồn.
Tiểu Nhu nhìn cảnh đó, lòng dâng lên một cảm giác vừa chua chát vừa quen thuộc.
Cô cuối cùng cũng chỉ cúi đầu, lặng lẽ gắp một ít cơm trắng, nhai cho qua bữa.
Không ai hỏi cô muốn ăn gì.
Không ai hỏi hôm nay cô đi học có mệt không.
Mọi sự chú ý trong căn nhà này từ lâu đã hướng cả vào người em trai luôn nhốt mình trên tầng hai — Đông Kha, đứa trẻ mắc chứng tự kỷ, lúc nào cũng trốn tránh ánh mắt người khác.
Từ bé, cô đã thương em lắm. Thương đến mức khi thấy ba mẹ vì em mà lo lắng, cô tình nguyện nép mình ra sau, nhường hết yêu thương cho em trai.
Nhưng rồi, theo năm tháng, thứ tình thương ấy đã mệt mỏi dần, hao mòn dần — đến mức giờ đây, cô còn chẳng nhớ rõ khuôn mặt em trai mình trông ra sao.
Ba ôm hộp cơm, bước từng bậc thang lên tầng trên.
Tiếng bước chân vang trong căn nhà rộng thênh thang, nghe lạnh lẽo như rơi vào đáy giếng.
Mẹ lại thở dài, mắt dõi theo bóng lưng ba, như thể mọi niềm hy vọng, nỗi lo lắng của bà chỉ còn bám lấy một đứa con duy nhất.
Còn cô? Cô chỉ là cái bóng mờ nhạt bên lề, là đứa con gái “đã lớn rồi, tự lo được”.
Đông Tiểu Nhu lặng lẽ ngồi đó, gắp thêm miếng trứng nguội ngắt, ăn chậm rãi.
Chỉ có tiếng muỗng chạm vào chén cơm, vang lên lẻ loi giữa khoảng trống mênh mông của bữa cơm gia đình.
Sáng hôm sau, sau tiết Văn thứ hai, cô giáo chủ nhiệm thông báo lớp sẽ có tiết tự học do không có giáo viên, học sinh có thể ở lại trường học, hoặc về nhà học. Tiểu Nhu lập tức yêu cầu các bạn trong nhóm về nhà mình.
Ánh mắt cô thoáng lướt qua hàng ghế gần cửa sổ.
Tần Tranh — người cô đã âm thầm thích gần một năm nay.
Cậu ấy không thuộc kiểu nổi bật ồn ào như các bạn nam hay gây chú ý. Nhưng lại có khí chất rất riêng — lặng lẽ, điềm tĩnh, khiến người khác tự động muốn hạ thấp giọng khi nói chuyện cùng.
Tần Tranh có gương mặt sáng, đường nét sắc sảo một cách vừa phải. Dáng người cao gầy, áo sơ mi trắng mặc lên trông sạch sẽ gọn gàng. Cậu không hay cười, cũng không giỏi xã giao, nhưng mỗi lần phát biểu đều rất gọn, rõ ràng, và có điểm nhấn.
Đặc biệt là ánh mắt.
Đôi mắt sâu, đen và tĩnh như mặt nước mùa đông.
Cô từng lén nhìn cậu ấy rất nhiều lần. Và lần nào cũng như lần đầu tiên: tim đập nhanh, mắt không nỡ rời.
Cùng nhóm còn có Chu Hiểu Mai — bạn thân của cô, nhanh nhẹn và hiểu chuyện — và Âu Gia Thành, một bạn nam hoạt bát, dễ gần.
Ngay sau khi danh sách nhóm được xác nhận, Tiểu Nhu đã tranh thủ giờ ra chơi nhắn tin cho Hiểu Mai:
“Chiều nhớ phụ tui tạo cơ hội nhaaa~”
Hiểu Mai trả lời liền trong ba giây:
“Yên tâm. Bà chỉ cần ngồi cạnh trai đẹp, tui lo phần còn lại!”
Trời về chiều, nắng loang nhẹ trên sân trường. Đông Tiểu Nhu đeo cặp, bước ra khỏi lớp với vẻ mặt bình thản nhưng trong lòng lại có chút hồi hộp khó giấu.
— “Tiểu Nhu, chắc cậu tính rồi đúng không?” – Chu Hiểu Mai đi sát bên cạnh, cười nhỏ.
— “Tính gì?” – Tiểu Nhu giả vờ ngơ ngác.
— “Còn gì nữa, kế hoạch ‘tình cờ’ làm bài tập nhóm với Tần Tranh ở nhà cậu đó.”
Tiểu Nhu đỏ mặt, không đáp. Đi phía sau, Âu Gia Thành vờ thở dài:
— “Tớ hoá ra cũng chỉ làm nền. Khổ thật sự.”
Tần Tranh đi cuối cùng, vẫn giữ dáng vẻ trầm tĩnh như thường. Tai cậu có lẽ nghe thấy hết, nhưng gương mặt chẳng biểu lộ gì.
Ngôi nhà của Đông Tiểu Nhu nằm trong khu dân cư yên tĩnh, cổng biệt thự tự động mở ra khi cô nhập mã. Cả nhóm bước vào.
Không gian bên trong mang sắc trắng tinh khiết, sáng sủa nhưng lại quá tĩnh mịch.
— “Ừm… rộng quá trời…” – Hiểu Mai ngước nhìn trần cao, mắt ánh lên.
— “Không có người giúp việc à?” – Gia Thành hỏi.
— “Không. Nhà tớ thích riêng tư, chỉ có ba mẹ với tớ thôi.” – Tiểu Nhu đáp qua loa, giấu đi vẻ chật vật sau nụ cười.
Cô không nói thật. Bởi trong nhà này, vẫn còn một người nữa — người mà cô chưa từng kể với bất kỳ ai.
Khi cả nhóm đang trải sách vở ra bàn phòng khách, tính phân chia bài tập, thì một âm thanh khe khẽ vang lên từ gian bếp:
“Lạch cạch!”
Âu Gia Thành hơi ngẩng đầu.
— “Có… ai ở bếp à?”
— “Không… chắc là mèo hoang ấy mà…” – Tiểu Nhu nói nhanh, nhưng ánh mắt lại hơi căng.
Cô đứng bật dậy, vừa bước được vài bước thì cảnh tượng trước mắt khiến cả nhóm sững sờ:
Một dáng người nhỏ quấn chăn dày từ đầu đến chân đang lom khom lục tủ lạnh. Mái tóc đen che phủ qua mắt , chỉ thấy thấp thoáng dáng vẻ nhỏ nhắn. Dưới ánh đèn, đôi bàn tay trắng muốt đang run lên vì sợ.
Một cái thìa rơi xuống sàn. Đông Kha sững người, lập tức quay lại. Bốn người xuất hiện , ngay tại nơi cậu nghĩ là an toàn.
Đôi mắt cậu, vừa hé sau lớp tóc, chạm phải ánh nhìn của chị gái — và cả ba người xa lạ.
Trong một khoảnh khắc, thời gian như đông lại.
Không ai kịp phản ứng.
Tiếng trái tim cậu như đập mạnh lên óc. Cậu thở gấp, dùng cả hai tay kéo chăn trùm kín đầu hơn nữa, gập người, lao vội lên cầu thang như một con thú nhỏ bị dồn vào góc.
Không lời nào. Chỉ còn tiếng bước chân vội vàng và cái thìa lăn lóc dưới sàn.
Hiểu Mai im lặng. Gia Thành ngẩn ngơ. Nhưng riêng Tần Tranh vẫn vẻ mặt bình, chỉ là từ lúc Đông Kha xuất hiện đến giờ, ánh mắt vẫn luôn dõi theo hành lang nơi cậu biến mất.
Không phải vì sốc. Cũng chẳng phải vì tò mò.
Mà vì một chi tiết nhỏ khiến cậu không thể rời mắt: đôi bàn tay bé nhỏ ấy — trắng đến lóa mắt, từng ngón như được điêu khắc tinh tế, khớp xương hồng nhẹ, run rẩy mà đẹp đến khó tả.
Tần Tranh không nói gì. Chỉ lặng im, khẽ rút bút ra khỏi túi áo, đặt lên trang sách trước mặt. Nhưng tay cậu hơi siết lại.
Trong lòng, một ý nghĩ vừa lướt qua — anh muốn gặp lại cậu bé vừa rồi.