Ngày 17 tháng 6, trời nắng, trời xanh không mây.
Tại tiệm bánh ngọt ở số 89 đường Thuận Lợi, thành phố Hải Thị, chú mèo chiêu tài ngồi trên cái đệm đỏ tươi, vung vẩy cánh tay chào đón thần tài bước vào cửa hàng. Trên chiếc sofa gần quầy thu ngân nhất, có hai cô bạn thân ngồi chen chúc nhau rất thân mật. Sầm Vưu Vưu nói: “Cha mẹ mình dạo này kỳ lạ lắm.”
Trước mặt Nam Hân là một quyển Sách hướng dẫn ôn thi công chức, cô đang chăm chú viết lách. Nghe vậy, cô cũng không ngẩng đầu lên mà chỉ nói: “Vợ chồng tình cảm rạn nứt, cư xử khác lạ mới là bình thường. Cha mẹ mình ly dị tới sáu lần rồi, chuyện này mình quen lắm. Nghĩ theo hướng tích cực đi, cậu sắp tốt nghiệp đại học, chuẩn bị đi làm, ít ra người ta không hỏi cậu ‘cha mẹ ly hôn rồi thì cậu theo ai’ nữa.”
“Sau khi mình về nhà, họ không hề nhắc đến chuyện ly hôn nữa.”
Sầm Vưu Vưu và Nam Hân quen nhau đã bốn năm, cô biết chút ít về tình hình gia đình của Nam Hân.
“Chẳng phải nửa năm trước chú với dì vừa tái hôn sao?”
Nam Hân nhẹ nhàng đáp: “Ừ, lại ly dị rồi. Không nhắc chuyện nhà mình nữa, nhà cậu thì sao?”
Sầm Vưu Vưu khuấy nước ép dưa hấu trong ly thủy tinh, những xoáy nước đỏ tươi lan ra từng vòng. Cô hạ giọng nói: “Mẹ với cha mình đột nhiên rất yêu thương mình. Hôm nay lúc mình ra cửa, mẹ gọi mình là ‘bảo bối ngoan’. Sau ba tuổi bà ấy đã không gọi mình như vậy nữa rồi.”
Nam Hân buông bút xuống, nói: “Chẳng lẽ là do họ biết chuyện cậu bị bệnh nên mới đặc biệt quan tâm cậu à…”
Sầm Vưu Vưu đưa ngón trỏ đặt lên môi, nhỏ giọng nói: “Suỵt, nhỏ tiếng chút. Chuyện này chắc chắn họ không biết đâu, cẩn thận bị mẹ mình nghe thấy đấy…”
Nam Hân trợn mắt lườm cô: “Xàm quá, dì làm gì có Thuận Phong Nhĩ…”
Chưa dứt lời, Nam Hân bỗng cảm thấy ánh sáng xung quanh tối sầm lại, một cái bóng đen từ phía sau bao phủ lên đầu cô. Làn hơi lạnh lẽo u ám lượn quanh cổ cô khiến toàn bộ lông tơ trên người dựng đứng. Cửa hàng bánh ngọt vốn sạch sẽ yên tĩnh như bị bấm nút tạm dừng, tất cả như được phủ lên một lớp voan mỏng màu xám cũ kỹ.
Nam Hân suýt chút nữa thì hét lên. Lúc này, một bàn tay đặt lên vai cô, là tay của cô bạn Sầm Vưu Vưu. Bàn tay đó xoay cô đi bốn mươi lăm độ, đối mặt với cái bóng phía sau. Đó là một người phụ nữ đứng ngược sáng, bà mặc chiếc váy dài màu trắng hồng, tóc đen mềm mại xõa trên vai và đi giày cao gót.
“À… dì Hách…”
Trong khi giọng của Nam Hân đang biến đổi vì run rẩy, người phụ nữ đã cúi xuống. Một khuôn mặt với hai má hõm sâu, sắc mặt đen sạm bỗng chốc chiếm trọn tầm nhìn của Nam Hân. Khoảng cách quá gần khiến cô nhìn rõ cả những đốm đỏ tím chi chít trên mặt bà. Một mùi hôi thối nồng nặc xộc vào mũi, khiến cô liên tưởng đến thời điểm khi cô đi ngang qua bãi rác.
“Bảo bối ngoan.”
Người phụ nữ nói ra ba chữ bằng cái lưỡi cứng đờ, rồi bà đưa tay ra phía trước.
Bàn tay ấy trắng bệch pha ít sắc xanh, móng tay đen từ gốc, viền móng sắc bén đến mức có thể thấy rõ mũi nhọn.
Nam Hân lùi lại theo phản xạ, cô đụng trúng Sầm Vưu Vưu nên suýt chút nữa thì ngã. Sầm Vưu Vưu đứng bật dậy, cô nắm lấy tay người phụ nữ, càu nhàu: “Mẹ, sao mẹ đột nhiên xuất hiện thế? Con với Nam Hân còn chưa nói chuyện xong mà.”
Người phụ nữ với đôi mắt như được phủ một lớp màng trắng nhìn chằm chằm vào Nam Hân, nói chậm rãi từng chữ từng chữ: “Bảo bối ngoan, trời sắp tối rồi. Chúng ta nên về nhà thôi.”
Sầm Vưu Vưu kêu lên: “Mới năm giờ mà, ít nhất bảy giờ trời mới tối.” Thấy mẹ không có ý thay đổi, cô chỉ đành đứng lên tạm biệt Nam Hân vẫn đang ngơ ngác: “Mình về trước nha. Gặp lại cậu sau nhé.”
Nam Hân: “…”
Nam Hân trơ mắt nhìn hai mẹ con tay trong tay bước ra khỏi tiệm bánh ngọt, cô gái trẻ tóc ngắn hơi xoăn và người mẹ dịu dàng trí thức cùng sánh bước trên con phố đầy nắng vàng. Cảnh tượng ấy thật hài hòa và đẹp đẽ. Ánh nắng lại tràn vào tiệm bánh, có một tia rọi lên người Nam Hân, nhưng ánh sáng vàng cam ấy hoàn toàn không xua tan được cái lạnh buốt tận xương vừa nãy. Cô móc điện thoại ra, gõ lạch cạch gửi tin nhắn cho Sầm Vưu Vưu —
【Chuyện gì vậy? Dì ấy vẫn luôn ở đó sao?】
Điện thoại rung lên, Sầm Vưu Vưu trả lời rất nhanh —
【Bà ấy không yên tâm để mình đi một mình nên cứ đòi theo. Không chỉ vậy, bà ấy còn bắt mình bỏ cơ hội phỏng vấn, không cho mình đi làm và cứ nhất định muốn mình làm người Kenni*. Cứu với! Cha mình cũng đồng ý nữa, đúng là điên rồi.】
Nam Hân đứng dậy, cửa hàng bánh ngọt toàn là ghế dài. Giữa hai chiếc ghế có một cái bàn hình chữ nhật màu xám bạc đủ cho bốn người ngồi thoải mái, phía trước và sau chỉ cách nhau đúng một cái lưng ghế. Nam Hân luôn biết bàn sau có người nhưng cô không ngờ đó lại là mẹ của Sầm Vưu Vưu – Hách Y Nhân.
Trên bàn đó có một ly kem, viên kem vị sô cô la đã tan gần hết, chiếc thìa nhỏ đáng thương chìm trong thứ chất lỏng nâu sẫm, rõ ràng cây kem ngon lành ấy chưa từng được ăn một miếng nào.
Xét theo vị trí đặt kem… dì ấy vẫn luôn ngồi sau lưng cô, cùng cô tựa lưng mà ngồi.
Cô rùng mình một cái.
Nhà của Sầm Vưu Vưu có xe riêng.
Mẹ cô - Hách Y Nhân khởi động xe, nhanh chóng hòa vào dòng xe cộ cuồn cuộn trên đường.
【Đinh đoong——】
Sầm Vưu Vưu ngồi ở ghế phụ, cô mở khóa điện thoại.
Tin nhắn của Nam Hân gửi đến, giọng điệu kiềm chế nhưng đầy đồng cảm, cô ấy nghi ngờ rằng cha mẹ Sầm Vưu Vưu cũng bị bệnh giống cô. Cô khẽ thở dài trong lòng — từ khi hiểu chuyện, cô đã nhận ra thế giới trong mắt mình khác với người khác: sự quái dị, rùng rợn luôn lan tỏa ở khắp nơi.
Ai cũng biết, những thứ không phù hợp với quy luật khách quan đều là ảo giác, là tưởng tượng.
Cô từng lén cha mẹ đến khám bác sĩ nổi tiếng, bác sĩ xác định cô bị bệnh tâm thần. Nếu không muốn một ngày thực sự phát điên, cô phải nghe lời bác sĩ và cố gắng sống như một người bình thường.
Suốt nhiều năm, cô luôn giữ bình tĩnh với những ảo giác và chưa bao giờ mất kiểm soát. Giờ đây, bệnh tình của cô đã cải thiện rõ rệt, trên các phương diện, cô đều không khác gì một sinh viên mới tốt nghiệp bình thường.
Bệnh lâu thành bác sĩ, cô đồng tình với phán đoán của Nam Hân.
Nam Hân là người bạn thân nhất của cô, cô lập tức giới thiệu cho cô ấy một phòng khám tâm lý uy tín.
Phòng khám này có liên kết với trường đại học của Nam Hân, không lâu trước đây, họ còn thực hiện một đợt kiểm tra tâm lý cho sinh viên ở thành phố Hải Thị. Các bác sĩ ở đó đều có chứng chỉ hợp pháp.
Nam Hân học đại học trong thành phố, khác với Sầm Vưu Vưu học ở tỉnh ngoài. Sầm Vưu Vưu vừa tốt nghiệp đã thất nghiệp nên cô về quê tìm việc làm, còn Nam Hân thì quyết chí thi công chức, gần đây đang ôn luyện ráo riết.
“Két——”
Xe phanh gấp, điện thoại của Sầm Vưu Vưu bay ra suýt đập vào cửa kính. Phía trước, một chiếc xe địa hình màu đen suýt gây tai nạn. Một gã đàn ông mặt mũi hung dữ bước xuống, đập cửa kính chửi: “Ê, con đàn bà kia, biết lái xe không đấy? Cút! Chỗ đậu này tao nhìn thấy trước rồi.”
Hách Y Nhân hạ cửa kính xe xuống, sắc mặt gã đàn ông lập tức cứng đờ rồi lùi lại ba bước. Phía sau là đường lớn, xe máy chạy qua bấm còi inh ỏi, còn chửi: “Muốn chết à!”
Dù vậy, gã đàn ông vẫn chưa hoàn hồn, gã nhìn chằm chằm vào trong xe, ánh mắt lơ mơ như bị dọa cho ngu luôn rồi vậy.
Sầm Vưu Vưu vẫn giống như một sinh viên mới ra trường, cô ngây ngô và lịch sự, ai nhìn cũng vô thức mỉm cười đáp lại. Cô nhe răng cười với gã đàn ông một cái.
Gã hét lên một tiếng rồi ôm đầu bỏ chạy.
Sầm Vưu Vưu: “…”
Gã này bị cái quái gì vậy?
Hách Y Nhân rút cái kẹo mút trong tay con gái ra, nói: “Đừng ăn kẹo có phẩm màu nữa, lưỡi và răng con bị nhuộm đỏ hết rồi đấy.”
Sầm Vưu Vưu “ồ” một tiếng, hỏi: “Mình không về nhà à mẹ?”
“Về ngay thôi, mẹ đi mua chút đồ, con ngồi trong xe chờ nhé.”
Nói xong, Hách Y Nhân xuống xe. Một lát sau, Sầm Vưu Vưu thấy gã đàn ông lái xe địa hình quay lại, gã cao một mét chín, gã lén lút mở cửa xe ra, vừa khéo đụng mặt Hách Y Nhân.
Ánh mắt gã từ mặt Hách Y Nhân trượt xuống tay bà.
Tay bà đang xách một cây rìu.
Gã đàn ông lặng đi vài giây, nước mắt chảy từ trong quần ra, vừa run vừa thề: “Tôi thề tôi không bao giờ bắt nạt tài xế nữ nữa…”
Hách Y Nhân làm như không thấy gã, bà xách rìu lên xe.
Sầm Vưu Vưu thầm nghĩ: Nhát như chuột còn dám làm càn, cô liền hỏi mẹ: “Mẹ mua rìu làm gì thế?”
Hách Y Nhân đáp: “Chặt xương.”
Một lát sau, họ về đến khu Thanh Sơn.
Khu này xây từ những năm 2000, đến nay đã hơn hai mươi năm. Cây cối rợp bóng, đại thụ che trời nhưng đi kèm là nhà cửa xuống cấp, thiết bị cũ kỹ, cấu trúc căn hộ thì hoàn toàn lỗi thời, không còn theo kịp xu hướng hiện đại.
* Người kenni: ám chỉ những người không đi làm, không có mục tiêu sự nghiệp, phụ thuộc vào người khác, sống an nhàn vô lo, thường là do cha mẹ nuôi.