Buổi sáng, Ngân thức dậy với tinh thần sảng khoái hiếm thấy. Mở mắt ra là ánh nắng dịu dàng của đầu ngày len qua khe cửa sổ, chim chóc ríu rít ngoài vườn như muốn chúc cô một buổi sáng an lành. Cô bật dậy, vừa vệ sinh cá nhân vừa nghêu ngao hát theo giai điệu yêu thích đang phát trong tai nghe. Hôm nay trời đẹp, lòng người cũng đẹp theo.
Trên đường tới trường, Ngân mặc tà áo dài trắng tinh, tóc buộc gọn sau gáy, tay mang balo màu hồng phấn nổi bật. Trên balo, con Chikawa màu xanh trắng nhỏ xíu đang đung đưa theo từng nhịp chân cô, nhìn cực kỳ dễ thương. Mỗi bước đi nhẹ nhàng, tà áo dài phất phơ trong gió, khiến Ngân trông như một bức tranh chuyển động – vừa dịu dàng, vừa tràn đầy sức sống. Mặt trời rọi những vệt nắng ấm áp xuyên qua hàng cây, nhuộm sân trường một màu vàng nhẹ, trong trẻo đến lạ.
Như thường lệ, Ngân rẽ vào văn phòng để lấy sổ đầu bài trước khi lên lớp. Tay ôm cuốn sổ, cô bước lên tầng cao nhất của dãy lớp học A, nơi có căn phòng đề bảng lớp 11CL1—lớp của cô.
Vừa bước vào lớp, Ngân lập tức bắt gặp Trân – nhỏ bạn thân kiêm bạn cùng bàn của cô – đang ngồi chăm chú ôn bài. Không cần hỏi cũng biết nhỏ đã vào từ sớm. Mặt cúi sát trang vở, tay lia bút lia lịa, trông có vẻ căng thẳng y như đang chuẩn bị "vào trận".
Ngân tiến lại gần, tò mò liếc nhìn những dòng chữ và ký hiệu toán học rối rắm chi chít trên giấy. Hóa ra, nhỏ Trân đang giải một bài toán khá căng não.
"Lại cày Toán sớm dữ vậy hả, Trân?" Ngân chống cằm, ngồi phịch xuống ghế, vừa hỏi vừa thở dài nhẹ như thể đồng cảm sâu sắc với nỗi khổ của học sinh giỏi Toán.
Trân nhíu mày, rên rỉ. “Còn không mau cứu tao? Bài này muốn nổ não luôn!”
Ngân bật cười, kéo ghế ngồi xuống bên cạnh. “Để xem nào...”
Ngân nghiêng đầu quan sát bài toán, ngón tay vô thức gõ nhẹ lên mặt bàn theo nhịp điệu bài hát trong tai nghe. Dãy số và các ký hiệu lấp đầy trang giấy, trông có vẻ rối rắm nhưng lại kích thích trí tò mò của cô.
"À, dạng này chỉ cần biến đổi một chút là ra đáp án ngay," cô nói, tay cầm bút gạch dưới một phần quan trọng của đề bài. “Mày đã thử đổi biến chưa?”
Trân thở dài, bứt tóc. “Tao thử rồi mà rối quá! Hôm qua làm bài tới khuya, sáng nay đầu óc chưa tỉnh táo được bao nhiêu.”
"Rồi rồi, để tao chỉ cho." Ngân vừa nói vừa cắm cúi viết từng bước giải thích. Mắt Trân dán chặt vào trang giấy, đầu gật gù lia lịa theo từng dòng chữ.
Chưa đầy năm phút sau, nhỏ Trân búng tay cái tách. “Á đù, thì ra vậy! Trời ơi sao tao không nghĩ ra sớm trời!”
"Tại mày thiếu ngủ thôi." Ngân ngáp nhẹ một cái rồi vươn vai. “Học giỏi nhưng mà cũng phải giữ gìn sức khỏe nghe chưa.”
Trân lườm cô. “Ủa ủa, ai cho mày nói câu đó? Bộ mày không thức khuya cày đề chắc?”
Ngân cười trừ. “Thì... chị đẹp nên có quyền.”
Hai đứa đang chí chóe thì một giọng nói vang lên từ cửa lớp: “Hello các tình yêu của kem! Đờ mờ hai mụ này đi sớm dữ ta? Tao tưởng tao là người tới sớm nhất mà!”
Ngân và Trân cùng lúc quay sang. Bách – cây hài chính hiệu của lớp – đang bước vào với nụ cười toe toét, balo đeo hờ hững trên vai.
Trân chống cằm, nhướng mày: “Ai cho mày tự phong danh hiệu người đi sớm nhất thế?”
"Ủa chứ không đúng hả?" Bách nhún vai, rồi thả người xuống ghế cái rầm. “Ngày nào tao cũng vô đây trước mà. Bữa nay bị hai tụi bây vượt mặt, mất mặt thiệt chớ.”
Ngân thu dọn đống giấy nháp vào balo, cười khúc khích. “Muốn tao trao huy chương không? Hạng mục 'Người đi sớm thứ ba vĩ đại nhất 11CL1'?”
Bách giả vờ đau khổ, gục mặt xuống bàn. “Tao mất hết rồi... danh dự, tự trọng, lòng kiêu hãnh...”
"Thôi diễn lố quá rồi đó cha nội." Trân phì cười, lôi chai nước từ trong cặp ra đặt lên bàn Bách. “Uống vô cho tỉnh đi mày.”
Bách mở nắp chai, uống một ngụm rồi chống tay lên cằm, chép miệng: “Nói mới nhớ, hôm nay có tiết Lý của thầy Dương. Lại thêm một buổi sáng đốt chất xám.”
Ngân nhướng mày, khoanh tay: “Vô lớp chọn rồi mà còn than Lý khó? Mày có bị nhập không đó?”
Bách nhăn mặt. “Không phải khó, mà là mệt. Công thức, đồ thị, định luật... như muốn đè tao chết ngộp.”
Trân vỗ vai Bách như an ủi. “Tao với mày cùng chung số phận. Nhưng thôi, chấp nhận đi. Cuộc đời không phải lúc nào cũng màu hồng.”
Bách thở dài, ánh mắt mơ màng. “Ước gì tao có được nửa cái đầu của thằng Đăng...”
Ngân liếc mắt, cười nhếch mép. “Nửa nào? Nửa chuyên Lý hay nửa sát gái?”
Trân ôm bụng cười ngặt nghẽo. “Tao cá là nó chọn nửa thứ hai!”
Bách lườm hai đứa, chống cằm chán nản. “Cái nào cũng được! Tao chỉ cần bớt khổ sở với mấy bài tập thôi. Sao nó có thể giải một đống phương trình dài ngoằng trong vòng ba phút mà mặt vẫn tỉnh bơ vậy chứ?”
Ngân nhún vai. “Tại nó giỏi.”
Bách nhìn ra cửa sổ, thở dài như ông cụ non. “Tao với nó cùng là con trai... sao ông trời không chia não cho đều hả tụi bây?”
Trân xoa cằm làm bộ triết lý: “Vì vũ trụ cần cân bằng. Nếu ai cũng giỏi như thằng Đăng thì mấy người như mày sống sao nổi?”
Bách đang định bật lại thì đột nhiên nheo mắt nhìn Ngân. “Mà nè... mày ghét thằng Đăng dữ lắm đúng không?”
Ngân khựng lại một nhịp, rồi lườm cậu. “Liên quan gì?”
“Thì thấy mỗi lần nhắc tới nó, mày hay có thái độ... khác khác.”
Ngân khoanh tay, mặt lạnh như băng. “Tao không ưa cái kiểu 'tao giỏi nên tao không cần cố gắng' của nó. Kiểu đó nhìn phát ghét.”
Bách gật gù. “Nghe hợp lý... mà cũng đáng nghi.”
“Gì?”
“Tao chỉ nghĩ... cái gì càng ghét thì càng dễ để ý thôi.”
Ngân quay sang, chống tay lên bàn, ánh mắt đầy đe dọa.
"Ê, bớt xàm giùm. Cô Lan sắp trả bài miệng "Câu cá mùa thu đó"."
Bách giật bắn mình, ngồi thẳng lưng như bị điện giật, giọng lắp bắp:
“Thiệt hả?! Hôm nay hả? Trời ơi! Sao không ai báo trước cho tao chuẩn bị tâm lý!”
Ngân thở dài, móc trong ngăn bàn ra cuốn vở Văn dày cui, ném cái bịch lên bàn Bách.
“Tâm lý không cứu được mày đâu. Thuộc đi, không lát nữa cô gọi tới tên mày là 'ao thu' biến thành 'ao cá' liền.”
Trân nhìn Bách với vẻ mặt vừa mệt mỏi vừa bất lực, biểu cảm y như đang dạy con nít lớp ba. “Cái thằng này, lúc nào cũng đợi tới sát giờ mới nhớ học. Không khổ mới là lạ á!”
Ngân khoanh tay, tà áo dài nhẹ nhàng lướt theo động tác, mắt không thèm liếc sang. “Ai biểu mày suốt ngày lo leo rank. Văn cũng có phải công thức như Toán, Lý đâu. Môn này mà còn không nắm được thì chịu rồi.”
Bách cười trừ, lúi húi lôi từ trong cặp ra cuốn sách Văn nhàu nhĩ như vừa trải qua một trận giông bão. Cậu lật đại vài trang, mắt lướt lia lịa như đang tìm nút hồi sinh trong game. “Cầu trời, cầu Phật, cầu cả Chikawa treo balo mày nữa đó Ngân, cho cô Lan hôm nay đừng gọi tên tao.”
Ngân phì cười, ngón tay nghịch sợi dây đeo hình Chikawa xanh trắng đang lắc lư bên hông balo hồng phấn. “Tao nói trước nha, cầu không đúng địa chỉ thì đừng trách sao linh không tới.”
Trân không nhịn được, vỗ vai Bách cái bốp rõ đau, nửa đùa nửa dằn mặt. “Chuẩn bị tinh thần đi nha. Mày mà không làm được bài, coi chừng cô Lan bắt chép nguyên văn bài thơ mười lần về nộp.”
Bách ôm đầu rên rỉ, giọng não nề như người vừa thi trượt đại học. “Trời ơi... tao khổ quá mà. Có ai khổ như tao không?”
Ngân liếc sang, cười nửa miệng. “Có. Mấy nhân vật trong thơ Thu xưa của cụ Nguyễn Khuyến còn khổ hơn kìa.”
Vừa dứt câu, cánh cửa lớp chợt bật mở, tiếng cạch vang lên giữa không gian còn yên ắng của buổi sớm. Đồng hồ tường đã chỉ đúng 6 giờ 30, ánh sáng đầu ngày len lỏi qua ô cửa, rọi vào dãy bàn đầu khiến lớp học dần sáng lên như có ai vừa vén rèm.
Ngân ngẩng đầu, ánh mắt vô thức đảo một vòng theo thói quen lớp trưởng mỗi sáng – vừa để kiểm tra sĩ số, vừa để tìm... vài thứ quen quen.
Và đúng là quen thiệt.
Ngay giữa dòng học sinh đang lục tục kéo vào, một dáng người cao cao, vai đeo balo xám bạc bước chậm rãi. Mái tóc đen cắt gọn, gương mặt sáng sủa với nụ cười dịu dịu... Là Thịnh, bạn thanh mai trúc mã của cô, người mà vừa gặp là biết không thể bình thường hóa được cảm xúc.
Cậu đi thẳng vào lớp, mắt lướt một vòng, rồi dừng lại đúng chỗ Ngân đang ngồi. Khóe môi khẽ nhếch lên, nụ cười đặc trưng khiến bao cô bạn trong lớp từng muốn rớt tim.
"Chào tụi bây." – Thịnh nói, giọng trầm trầm, nhưng có gì đó khiến không khí sáng sớm như bớt lạnh hẳn.
Cậu đặt balo xuống chiếc bàn quen thuộc sát bên Ngân, rồi nghiêng đầu nhìn cô, ánh mắt nửa giỡn nửa thật: “Chưa học bài à, lớp trưởng gương mẫu?”
Ngân nhướng mày, tay vẫn đặt hờ trên cuốn vở Văn, tà áo dài trắng nhẹ nhàng đổ xuống hai bên ghế. Balo hồng phấn đặt sát bên chân ghế, con Chikawa xanh trắng đong đưa như cũng hóng chuyện.
“Tao thì lúc nào chả học bài. Chỉ có mấy người hôm qua lo spam chiêu trong game mới đáng lo à.”
Thịnh cười, lật quyển sách Văn ra, động tác vừa nhàn nhã vừa điềm tĩnh:
“Ờ thì... học thì có học, nhưng kiểu như ăn cháo trước giờ thi vậy. Mày chắc học sâu lắm hả?”
Ngân giả vờ chỉnh lại cây viết, môi hơi cong lên:
“Tất nhiên. Văn là địa bàn của tao mà. Mấy môn kia tao nhường mày đó, Thịnh.”
Cả hai đang đấu khẩu nhẹ thì từ bàn phía trên, Bách vươn vai như mới ngủ dậy, giọng kéo dài nghe mệt mỏi hết sức:
“Trời ơi trời... tụi bây tính biến cái bàn thành sàn đấu văn chương hả? Người ta còn đang khủng hoảng vì không thuộc nổi một câu thơ đây nè.”
Thịnh quay sang, bật cười: “Chứ mày học bài chưa?”
Bách lập tức giơ tay lên trời như muốn thỉnh cầu:
“Học cái đầu mày á! Tối qua tao nhớ học rồi, mà nhớ trong mơ! Giờ chỉ nhớ... 'ao thu lạnh lẽo nước trong veo', hết.”
Ngân chống tay lên bàn, nhìn Bách bằng ánh mắt lớp trưởng chính hiệu:
“Ít ra mày còn nhớ bài, còn hơn mấy đứa nãy giờ chưa lật sách. Phải không Thịnh?”
Thịnh gật đầu phụ họa, mắt vẫn đang gạch gạch mấy dòng trong sách.
“Đúng. Nhưng có khi chút lên bảng, cô hỏi 'ao thu lạnh lẽo nước trong veo' là ai viết, nó trả lời Nguyễn Du thì cũng toi.”
Bách ôm mặt, rên rỉ:
“Thôi mày đừng rủa tao nữa. Tao thấy hồi nãy đi ngang cô Lan, cổ đã lườm tao một phát rồi. Chắc cổ biết tao chưa học bài!”
Tiếng cười bật ra từ phía Ngân và Thịnh gần như cùng lúc, nhẹ nhàng mà giòn tan.
Ngay lúc ấy, tiếng chuông vào tiết vang lên – rengggg! – như kéo tất cả về thực tại. Cả lớp đồng loạt chỉnh lại tư thế, gấp sách gọn gàng, chuẩn bị tinh thần cho một tiết Văn có khả năng gây đau tim.
Chỉ hai phút sau, cô Lan – giáo viên Văn nổi tiếng nghiêm như bà nội tổng quản – bước vào lớp. Tay xách túi, áo dài màu tím nhạt thướt tha, gương mặt nghiêm nghị như thể vừa chấm xong một bài văn dài ba trang nhưng sai chính tả mười chỗ.
Cả lớp đứng dậy như một đội hình quân đội, đồng thanh răm rắp: “Chào cô ạ!”
Cô Lan gật đầu, cười nhẹ đúng kiểu "cười mà không vui", rồi đưa mắt quét một vòng như tia X-quang cấp tốc. Sau đó cô đặt túi xuống bàn, lấy sổ đầu bài ra, giọng đều đều mà áp lực như sắp gọi tên lên bảng:"Lớp trưởng, điểm danh giùm cô."
Châu Ngân đứng dậy, nhìn quanh lớp. “Dạ thưa cô, lớp 11CL1...”
“Cạch!”
Tiếng cửa lớp mở ra lần hai, như một cú plot twist nhỏ giữa màn điểm danh tưởng chừng yên ổn. Một bóng dáng cao ráo, gương mặt sáng sủa nhưng mang theo chút gì đó rất... đáng ghét bước vào.
Lê Hoàng Khánh Đăng.
Cậu ta đeo balo một bên vai, áo sơ mi đồng phục xắn nhẹ tay, cà vạt hơi lỏng, phong thái thong dong như vừa đi uống cà phê về chứ không phải đi học. Gương mặt không biểu cảm, mắt nhìn thẳng, không buồn lia qua bất kỳ ai – kiểu "tao tới đây là vì trường cần tao, chứ không phải tao cần trường".
Cả lớp im phăng phắc. Không khí như bị nén lại. Đám con gái ngồi bàn ba, bàn bốn gì đó hình như hít hơi sâu một cái. Ngân thì đứng khựng lại, đang điểm danh, ánh mắt kiểu “Ủa? Nó nữa hả trời?”
Cô Lan ngẩng lên, mắt sắc như dao, nhíu mày:
“Đăng, cô cho em vào lớp chưa? Lên đây!”
Cả lớp ồ nhẹ trong đầu. Rồi, xong phim!
Ai cũng tưởng sẽ có một bài giáo huấn dài như "Truyện Kiều".
Nhưng không.
Đăng dừng lại, quay đầu, đôi mắt nâu đen nhìn thẳng cô giáo, không hề né tránh. Giọng nói vang lên rất đỗi bình thản – như thể đang chào hàng một món bánh mì: “Dạ, em vào lớp rồi mà cô.”
Ngân nghe mà muốn ngã ngửa. Trời ơi, cái thái độ gì vậy?
Nói chuyện với cô mà như đang cà khịa nhẹ.
Cô Lan thở ra một hơi rất mệt mỏi – kiểu như đã quá quen với cái bản mặt này – nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh: “Vào lớp thì phải đúng giờ. Đừng để cô thấy em đi trễ lần nữa.”
Đăng không nói gì thêm, chỉ khẽ gật đầu, rồi bước thẳng về chỗ ngồi ở bàn cuối – nơi cậu vẫn chiếm đóng suốt học kỳ này như một vị lãnh chúa không ngai. Vừa ngồi xuống, cậu rút sách ra, lật một trang ngẫu nhiên như thể mọi chuyện vừa rồi chưa từng xảy ra.
Ngân khẽ thở ra, ngồi xuống, ánh mắt vẫn chưa hết "ức chế". Không hiểu sao cô dễ dãi với nó thế không biết? Mà cũng đúng... bà cô nào chịu nổi cái mặt dày cộng mười điểm thần thái của nó đâu.
Cô Lan tiếp tục điểm danh, lớp học trở lại nề nếp. Nhưng trong đầu Ngân vẫn còn nguyên một dấu hỏi to đùng:
Không biết bao giờ cái tên Khánh Đăng đó mới chịu bớt làm màu mà nghiêm túc học hành chút cho thiên hạ đỡ tức?
Ngân tiếp tục lướt mắt qua lớp một lần nữa, giọng nói đều đều, không chút vấp váp: “Lớp 11CL1, sỉ số 40, hiện diện 40, vắng 0, thưa cô.”
Cả lớp im lặng, một số ánh mắt liếc nhìn nhau, có người thở phào vì không có ai vắng mặt, còn Bách thì lại ngồi ngáp dài, tựa lưng ra ghế với vẻ mặt không mấy quan tâm.
Cô Lan gật đầu hài lòng, rồi dời ánh mắt từ sổ điểm lên nhìn cả lớp. “Rất tốt. Lớp hôm nay có vẻ nghiêm túc hơn mọi khi. Cô hy vọng các em sẽ duy trì phong độ này.”
Ngân ngồi xuống, ngước nhìn cô giáo với nụ cười nhẹ. Mặc dù cô biết cô Lan luôn nghiêm khắc, nhưng lại chẳng thể nào không cảm thấy chút tự hào khi lớp mình luôn được khen ngợi như vậy.
Sau khi Ngân điểm danh xong, cô Lan mở sổ điểm ra, ánh mắt chầm chậm lướt qua từng tên học sinh. "Hôm nay chúng ta sẽ trả bài miệng bài "Câu cá mùa thu nhé"," cô nói, giọng điệu trầm tĩnh nhưng không kém phần nghiêm túc.
Cả lớp khẽ thì thầm, ai nấy đều chuẩn bị tinh thần. Ngân hơi căng thẳng, dù đã chuẩn bị tốt, nhưng vẫn không khỏi lo lắng. Cô biết bài này không dễ dàng gì, và không ai muốn bị "cô giáo dìm" trước lớp.
Cô Lan dò sổ điểm, tay chấm nhẹ lên dòng tên như đang chọn "vận mệnh ngày hôm nay" của ai đó. Một giây yên lặng trôi qua, rồi cô ngẩng lên, giọng không nhanh không chậm:
“Nguyễn Minh Thịnh, lên đây đi em.”
Cả lớp "ồ" lên một cái rất khẽ, kiểu như coi phim tới cảnh cao trào. Thịnh đứng dậy, gọn gàng và ung dung như thể đi thi hoa hậu chứ không phải lên trả bài miệng. Cậu chỉnh nhẹ cổ áo, cầm theo cuốn tập mỏng mà trông tự tin đến mức Trân ngồi kế Ngân phải lẩm bẩm:
“Trời đất ơi, cái thằng này, kiểu gì cũng được 8 trở lên cho mà coi.”
Ngân thì khẽ liếc qua, khoé môi hơi nhếch – kiểu "ừ, mày giỏi quá rồi đó".
Thịnh bước lên bục, mỗi bước đi rất đúng nhịp, phong thái chẳng khác gì diễn viên chính trong phim truyền hình 7 giờ tối. Đến nơi, cậu quay xuống cúi đầu chào nhẹ, nụ cười như "tắt nắng" khiến hai bạn nữ bàn đầu suýt quên bài mình học.
Cô Lan nhìn cậu, nghiêm túc hỏi:
“Rồi, em chuẩn bị bài Câu cá mùa thu chưa?”
"Dạ rồi ạ." – Giọng Thịnh vẫn rất đĩnh đạc, mà kiểu lễ phép không gượng gạo.
“Được, em cảm nhận khổ thơ đầu cho cô.”
Thịnh gật đầu, nhìn thẳng xuống lớp như thể thơ Nguyễn Khuyến đang chạy phụ đề trong đầu:
"Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo..."
Nghe tới đây, Đăng ở bàn cuối khẽ cười phì, kiểu "trời ơi, tẻo teo mà nghe thấy muốn xỉu". Còn Bách thì hí hửng huých vai bạn ngồi cạnh:
“Đấy, biết ngay kiểu gì cũng vô bài tủ của nó mà!”
Trên bục, Thịnh bắt đầu phân tích, giọng ấm mà nhịp nhàng như đang kể chuyện cổ tích:
“Khổ thơ đầu mang không gian rất tĩnh. Ao thu không chỉ 'lạnh lẽo' mà còn trong veo – một sự trong veo đặc biệt khiến người đọc cảm nhận được sự thanh sạch của thiên nhiên, đồng thời gợi ra sự cô đơn, lặng lẽ của nhà thơ...”
Cô Lan khẽ gật đầu. Ngân dưới bàn cũng phải công nhận: Tên này nói nghe êm tai thiệt.
Rồi Thịnh chốt hạ bằng một câu khiến cả lớp gục ngã vì sự "chính chuyên":
“Nói chung, em thấy bài này tuy nhiều hình ảnh đơn sơ, nhưng lại... thơm mùi triết lý cuộc sống cô ơi.”
Cả lớp phì cười. Cô Lan thì nhíu mày, không phải vì giận, mà vì... chịu không nổi cái cách nói chuyện "cà khịa triết học" của Thịnh. Nhưng cũng phải công nhận: Nó vừa hài, vừa đúng.
"Được rồi, em về chỗ. 9 điểm." – Cô nói, tay ghi vào sổ.
Thịnh gật đầu cảm ơn, quay về như một chiến binh vừa hoàn thành nhiệm vụ. Vừa ngồi xuống, cậu ghé tai Ngân, thì thầm:
“Thấy chưa, triết lý nhẹ nhẹ là ăn điểm liền.”
Ngân bĩu môi:
“Ừ, triết lý mà thêm mùi bắp rang.”
Cả hai cười khúc khích. Lớp học lại tiếp tục với những cái tên khác được gọi lên, nhưng rõ ràng phần trả bài của Thịnh đã "mở màn" quá xuất sắc, để lại dư âm khó phai.
Và tất nhiên, ở góc bàn cuối, Đăng vẫn đang... ngủ gật nhẹ, tay cầm bút nhưng mắt đã trôi về một cõi thiền tịnh nào đó, như thể "Câu cá mùa thu" không bằng một giấc ngủ đầu giờ.
Cô Lan liếc xuống, khẽ thở dài, giọng không to không nhỏ nhưng đủ khiến cả lớp im bặt:
“Lê Hoàng Khánh Đăng, lên đây.”
Cả lớp cùng lúc quay xuống. Không ai bảo ai, nhưng ánh nhìn chung đều là: “U là trời, xong phim rồi ông tướng ơi.”
Đăng giật mình tỉnh dậy, chớp mắt vài cái như thể vẫn chưa phân biệt nổi đâu là mơ, đâu là đời thực. Cậu nhìn lên bảng, rồi nhìn quanh lớp... rồi mới chậm rãi đứng dậy, gãi đầu như đang tìm cách "reset lại hệ điều hành não bộ".
Vừa đi lên, vừa ngáp một cái cố kiềm chế. Cả lớp nhịn cười, chỉ có Trân là quay sang Ngân, thì thào:
“Ủa, hôm qua nó chơi game tới mấy giờ vậy mậy?”
Ngân khoanh tay, mắt vẫn dõi theo bóng lưng tên kia, môi khẽ cong lên:
“Không biết, mà chắc cũng ráng học... chứ ai ngủ gật mà dám lên bảng tỉnh bơ vậy trời?”
Đăng bước ra khỏi bàn, tay đút túi quần một cách rất... không cần thiết, kiểu như đang đi casting làm người mẫu hơn là đi trả bài miệng. Cậu thong thả tiến lên bục giảng, dáng đi chẳng nhanh chẳng chậm, nhưng lại có sức hút kỳ lạ. Mấy bạn nữ ngồi gần cửa sổ thì lén thở dài—đứa thì lấy tay che miệng, đứa thì cắn bút, kiểu “ủa trời ơi, sao cái lớp mình nó có đứa đi học mà như đóng phim vậy trời?”
Ngân lườm nhẹ: "Đi học mà cũng phải diễn nữa hả cha nội?"—trong đầu thầm nghĩ, nhưng mắt vẫn không rời khỏi dáng cậu ta.
Cô Lan không nói gì, chỉ nhướng một bên mày, kiểu "xem mày giở trò gì đây".
Đăng đứng thẳng, tay không mang theo vở, không nhìn xuống lớp, không nhìn cô giáo—mà nhìn... ra cửa sổ. Chỉ một giây. Rồi quay lại, giọng cất lên trầm trầm, không nhanh không chậm, như đang ngâm thơ chứ không phải học thuộc:
"Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo."
Cả lớp đơ nhẹ. Gì vậy trời? Nó... thuộc thiệt?
Cô Lan gật đầu, chép miệng: “Tiếp đi.”
Đăng liền bước một bước nhỏ về phía bảng, như thể đang bước vào sân khấu nội tâm, rồi tiếp lời, ánh mắt giờ mới liếc sang cô, giọng trầm ấm hơn chút:
"Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo..."
Bách ở dưới khẽ rít lên: “Ôi ông cố ơi, nó đọc lào lào luôn kìa!”
Quế Trân bĩu môi: “Nghe muốn đi cắm trại liền, lãng mạn thấy ghét.”
Ngân thì hơi bất ngờ. Không ngờ tên này thuộc bài đàng hoàng vậy luôn á? Bình thường cái gì cũng chậm rì, mà thơ thì như ai gắn chip nhớ vô não.
Cô Lan chống cằm, nghiêng đầu: “Rồi, em cảm nhận gì về bài thơ?”
Đăng nhìn cô, rồi... nhét tay vào túi quần (lại nữa!), giọng đều đều:
“Em nghĩ... 'Câu cá mùa thu' là bài thơ mà người ta đọc một lần thì thấy buồn, đọc hai lần thì thấy đẹp, đọc ba lần thì thấy... muốn bỏ phố về quê nuôi cá và trồng thêm rau.”
Cả lớp nổ tung một tràng cười.
Ngân suýt nghẹn nước miếng. Trời ơi cái gì vậy trời?!
Cô Lan... không giận, mà chỉ lấy tay day day trán. Rõ ràng là đang cố nhịn cười. “Em nói tiếp đi. Cho cô nghe phần nghiêm túc.”
Đăng cười nhẹ, không phải kiểu đểu mà là... thật lòng. Rồi bắt đầu phân tích, không ngắt quãng, không ậm ừ:
“Bài thơ gợi ra một không gian thu cổ điển, rất đặc trưng của thơ Nguyễn Khuyến: ao thu, thuyền câu, lá vàng, trời xanh... Nhưng điều làm em thích là sự tĩnh lặng. Nó không phải buồn, mà là một dạng cô đơn... có gu. Như kiểu ai muốn tìm một nơi để trốn khỏi ồn ào, thì chỉ cần đọc bài thơ này là thấy bình yên rồi.”
Cả lớp "ồ" lên một cách bất ngờ. Thật sự, không ai nghĩ Đăng lại nói ra được câu nghe như trích từ sách luyện thi Văn.
Cô Lan mím môi cười nhẹ. “Hay đấy. Em về chỗ đi. 9 điểm.”
Đăng cúi đầu, không cảm ơn, chỉ nhàn nhã quay về chỗ. Lúc đi ngang qua Ngân, không nói gì, nhưng liếc nhẹ một cái, kiểu “thấy chưa, ai nói tao học dốt?”
Giờ kiểm tra miệng tiếp tục, và cô giáo tiếp tục gọi tên các học sinh khác.
Cô Lan đóng sổ điểm cái cộp, giọng đều đều:
“Được rồi, hôm nay cả lớp trả bài khá ổn. Bây giờ, chúng ta tiếp tục với bài mới.”
Tiếng thở phào như sóng vỗ khắp lớp. Áp lực điểm miệng tan sạch, thay vào đó là không khí học nghiêm túc trở lại.
Ngân mở sách, tay cầm bút, ngồi thẳng lưng như kiểu sẵn sàng thi đại học ngay bây giờ. Bên cạnh, Trân lật vở, nhìn bảng đầy quyết tâm. Thịnh ở bàn bên chống cằm nhìn lên, mắt hơi lơ đãng nhưng tai vẫn nghe kỹ từng chữ. Bách – lúc nãy còn cười quằn quại – giờ cũng đã nghiêm túc lôi sách ra.
Cô Lan viết lên bảng hai chữ to tướng "Thương vợ". Giọng cô chậm rãi vang lên, như dắt cả lớp trở lại với không gian thơ:
“Bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương là một trong những tác phẩm tiêu biểu về tình cảm gia đình trong văn học trung đại. Qua đó, ta thấy được lòng yêu thương, trân trọng mà ông dành cho người vợ tảo tần...”
Cả lớp đồng loạt cúi xuống ghi chép. Mỗi người một cách, mỗi chữ một kiểu. Và trong cái không khí nghiêm túc ấy, Đăng – người vừa khiến cả lớp "té ghế" – cũng đang cắm cúi ghi vở. Không cà rỡn, không mơ màng, không ngủ gật.
Chỉ có điều... cái khóe môi ấy, vẫn còn cong cong đầy tự mãn.
Ngân chẳng bận tâm đến cậu ta. Nếu là trước đây, cô có thể sẽ chú ý đến Đăng mỗi khi cậu phát biểu hay thể hiện tài giỏi của mình, nhưng bây giờ, cô hoàn toàn tập trung vào bài giảng.
Cô Lan tiếp tục phân tích bài thơ, giọng nói trầm ấm của cô vang lên trong không gian lớp học tĩnh lặng.
“Chúng ta hãy cùng nhìn vào hình ảnh người vợ trong bài thơ. Câu đầu tiên: Lặn lội thân cò khi quãng vắng...”
Ngân viết vào vở, ánh mắt chăm chú vào từng chữ. Không chỉ cô mà hầu hết mọi người trong lớp đều nghiêm túc lắng nghe.
Tiết học cứ thế trôi qua trong sự tập trung tuyệt đối của cả lớp.