Cảnh Vinh đứng lặng trước cổng phủ Lâm gia, sững sờ nhìn cảnh tượng hoang tàn trước mắt, lòng chấn động không tin nổi.
Phủ Lâm gia từng là một gia tộc giàu có, nay chỉ còn lại một đống đổ nát lạnh lẽo. Những mảng tường cháy đen, nền đất phủ đầy tro bụi, không còn chút dấu vết nào của sự phồn hoa ngày trước.
“Mọi người đã bảo cô nương rồi, Lâm gia không còn ai đâu. Giờ tận mắt chứng kiến rồi, cô nương tin chưa?”
Người nói là một bà lão mà Cảnh Vinh nhờ dẫn đường. Bà cụ có đôi mắt đục mờ, nhìn cảnh tượng trước mắt rồi thở dài:
“Hôm đó, lửa cháy ngút trời, chẳng khác gì địa ngục trần gian. Ngọn lửa bốc lên hừng hực, nóng rát cả người, sáng rực cả nửa bầu trời. Ai cũng cầm xô nước, chậu đồng nhưng chẳng ai dám đến gần…”
Cảnh Vinh khẽ nhíu mày, hỏi lại: “Tại sao?”
Bà lão chắp tay sau lưng, lắc đầu thở dài: “Không ai dám cứu.”
Lâm gia trước nay sống nhân hậu, giúp đỡ bao người. Nếu có thể cứu, ai lại không muốn cứu chứ?
Nhưng đêm đó, giữa biển lửa dữ dội, trong phủ lại không có lấy một tiếng kêu cứu. Cả gia tộc gần trăm mạng người, vậy mà không ai lên tiếng. Người ngoài dù đứng cách xa cũng ngửi thấy mùi máu tanh nồng nặc, ai cũng sợ hãi, không dám lại gần.
Cảnh Vinh siết chặt nửa mảnh lụa trắng trong tay. Trên đó có vết máu đã khô, vẫn còn mờ mờ hai chữ—Tứ Bảo.
Nếu Lâm gia thực sự không còn ai, thì tại sao mẫu thân Tứ Bảo lại gửi tín hiệu này cho nàng?
Cảnh Vinh ngước nhìn đống tro tàn trước mặt, ánh mắt tối lại. Nàng nắm chặt mảnh lụa, rồi bước vào trong.
“Cô gái trẻ, đừng vào!” Bà lão hoảng hốt kéo tay nàng lại, hạ giọng: “Chỗ này không sạch sẽ đâu.”
Bà cụ nhìn quanh, rồi nói nhỏ: “Từ khi Lâm gia gặp nạn, ai vào đây cũng bị bệnh. Cả thầy thuốc cũng không cứu được. Người ta bảo Lâm gia chết oan, oán khí tích tụ không tan, ai bước vào cũng gặp họa.”
Cảnh Vinh không nói gì, chỉ lấy một mẩu bạc nhỏ, nhét vào tay bà cụ rồi nhẹ nhàng rút tay mình lại:
“Cảm ơn bà đã dẫn đường. Những chuyện khác tôi tự có chừng mực.”
Rồi nàng quay người bước vào phủ.
Bà cụ cầm mẩu bạc, đứng lặng một lúc rồi thở dài: “Tội nghiệp quá…”
Bà cụ vừa rời đi chưa được bao xa thì thấy một đứa bé ăn mày co ro trong góc hẻm. Người gầy gò, áo quần rách rưới, tóc tai bù xù, lặng lẽ thu mình vào một góc tối.
Bà lão nhìn cậu bé, đoán rằng có lẽ nó bị những kẻ ăn mày lớn hơn chèn ép, không còn chỗ nào để đi mới phải trốn ở đây.
Nhìn kỹ, thằng bé chỉ khoảng sáu bảy tuổi, nhỏ xíu như vậy mà đã rơi vào cảnh này… Bà cụ bất giác nhớ đến Lâm gia tiểu công tử—cậu bé ấy từng là tiểu thiếu gia được bao người ngưỡng mộ, vừa đẹp đẽ, vừa lanh lợi… Đáng tiếc thay.
Bà cụ thở dài, nhẹ nhàng đặt mẩu bạc xuống đất, dịu dàng dặn dò:
“Cầm lấy mà mua gì ăn đi. Giữ chặt nhé, đừng để ai giật mất.”
Cậu bé khẽ run lên, ánh mắt sợ sệt, chậm rãi vươn tay nhặt lấy mẩu bạc rồi siết chặt vào ngực, liên tục cúi đầu cảm ơn.
Không biết nói chuyện sao? Bà cụ lắc đầu, quay người rời đi.
Cậu bé nhét mẩu bạc vào áo, rồi ngước nhìn cổng lớn Lâm phủ. Đôi mắt vừa nãy còn e dè, nay lại đen thẳm sâu hun hút, ánh lên một tia sắc lạnh.
Cậu chóng tay xuống đất, chậm chạp đứng lên, lê bước chân bị thương, tập tễnh đi về cổng sau Lâm phủ như đã quá quen thuộc với nơi này.
———
Tháng ba xuân về, cây cối đâm chồi nảy lộc. Nhưng trong Lâm phủ, tất cả chỉ là tro bụi và sự im lặng đáng sợ.
Cảnh Vinh đi một vòng quanh phủ, nhưng ngoài tro tàn đen kịt, chẳng còn lại gì.
Một cơn gió nhẹ lướt qua, mang theo mùi gỗ cháy phảng phất. Cả phủ rộng lớn, giờ chỉ còn là một đống hoang phế lạnh lẽo.
Nàng đứng giữa đống đổ nát, lòng nặng trĩu.
Trong ký ức, nơi nàng đang đứng vốn là con đường lát đá xanh ngay ngắn. Hai bên đặt những chậu hoa cắt tỉa gọn gàng.
Và rồi, một cậu bé mặc áo đỏ, viền bạc, từ trong chạy ùa ra. Người cậu bé thoang thoảng mùi hương ngọt ngào.
Cậu bé ấy không để ý gì, cứ thế đâm sầm vào nàng, hai tay nhỏ xíu vội ôm chặt lấy chân nàng.
“Tứ Bảo, con đụng trúng khách rồi.”
Một giọng nói dịu dàng vang lên. Đó là phu lang của Lâm gia, ánh mắt dịu dàng nhìn đứa bé.
“Khách ạ?” Cậu bé ngơ ngác ngước lên, chớp mắt nhìn nàng. Không hề sợ hãi, mà còn nhoẻn miệng cười ngọt ngào, ôm lấy chân nàng, đáng yêu gọi:
“Tỷ tỷ!”