Mẹ nói, ân tình là thứ khó trả nhất.

“Đến nhà dì cả rồi thì phải lễ phép, siêng năng một chút.”

“Hòa thuận với chị họ Tiểu Nhã, nhường nhịn con bé nhiều vào.”

Giang Manh gật đầu, dùng ngôn ngữ ký hiệu hỏi: “Mẹ, khi nào mẹ quay lại?”

Mẹ khựng lại, giúp cô đeo ba lô lên: “Vẫn chưa xác định được... Con cứ đợi ở nhà dì cả. Đợi mẹ về, mẹ sẽ đến đón con.”

"Dạ." Cô gật đầu thật mạnh.

Mẹ lặng lẽ nhìn cô, rồi đột nhiên tránh ánh mắt, đưa tay lau mặt.

"Tiểu Tịch." Mẹ nghẹn ngào gọi nhũ danh của cô.

Giang Manh sững sờ, không hiểu vì sao mẹ lại khóc. Nhưng cô phát hiện, chỉ cần mẹ khóc, cô cũng muốn khóc theo.

"Mẹ xin lỗi con." Nước mắt lấp lánh trong mắt mẹ, bà nâng mặt cô lên, nói.

Tên "Giang Manh" là bà ngoại đặt lại cho cô năm cô mười ba tuổi.

Trước đó, cô có một cái tên khác—"Giang Tịch".

Chữ "Tịch" trong "Triều Tịch" (潮汐 – thủy triều).

Bố mẹ cô đều họ Giang. Mười năm trước, hai người gặp nhau bên bờ biển và yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên. Không lâu sau, bố đã cầu hôn mẹ. Khi cô ra đời, bố đặt tên cô là "Giang Tịch", để kỷ niệm tình yêu của ông và mẹ.

Nhưng một tình yêu bùng cháy như dầu sôi lửa bỏng, khi chưa đủ hiểu nhau, lại quá chóng vánh và ngắn ngủi, nhanh chóng xuất hiện những vết rạn.

Công ty của bố gặp khủng hoảng phá sản do thiếu hụt vốn. Mẹ chỉ là nhân viên một cửa hàng quần áo, thu nhập ít ỏi, không thể giúp bố vượt qua giai đoạn khó khăn. Khi họ hàng hai bên biết chuyện, tất cả đều ra tay giúp đỡ, mỗi nhà góp một khoản để trả nợ.

Mẹ cẩn thận ghi lại từng khoản vay trong sổ nợ, viết từng tờ giấy ghi nợ gửi đến từng nhà, hứa rằng nhất định sẽ trả lại đầy đủ trong thời gian sớm nhất.

Số tiền ấy không dễ trả, nhưng điều còn khó trả hơn tiền bạc, chính là ân tình.

Năm học lớp ba, Giang Manh từng trải qua một vụ bắt cóc.

Tên bắt cóc phục kích cô trước cổng trường, làm cô bất tỉnh rồi trói chặt trên một chiếc xe khách. Sau một hành trình xóc nảy trên những cung đường núi, cô bị đưa đến một thành phố khác.

Kẻ bắt cóc là nhân viên trong công ty của bố cô.

Mục đích của hắn—là tống tiền.

Tống tiền một người đã nợ nần chồng chất sao?

Cô không hiểu.

Suốt quãng đường, chỉ cần cô phát ra âm thanh, tên bắt cóc sẽ lập tức đấm mạnh vào người cô. Cả người cô đầy vết bầm, miệng bị dán chặt bằng băng keo, ngay cả hô hấp cũng trở nên khó khăn.

Sau đó, bố cô đến.

Trong lúc thương lượng với kẻ bắt cóc, có một tên phát hiện ra bố đã báo cảnh sát.

Hắn vung dao lao thẳng đến.

Cô bị ghì chặt ở phía xa, muốn hét lên cảnh báo bố, nhưng vừa mở miệng, cô chợt nhận ra—

Cổ họng mình không phát ra được bất kỳ âm thanh nào.

Lưỡi dao sắc nhọn đâm vào tim bố cô.

Cô giãy giụa điên cuồng, nước mắt nóng hổi tràn đầy khuôn mặt.

Cảnh sát nhanh chóng đến nơi, kịp thời cứu được cô—nhưng không thể cứu được bố cô.

"Chứng mất ngôn ngữ của đứa trẻ là biểu hiện của rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).

Theo điều tra của chúng tôi, trong suốt quá trình bị bắt cóc, bọn chúng liên tục cấm cháu lên tiếng.

Mỗi khi cháu phát ra âm thanh, chúng sẽ đánh cháu rất tàn nhẫn.

Dưới áp lực cao như vậy, có lẽ dần dần cháu trở nên sợ hãi và kháng cự việc nói chuyện, từ đó mắc chứng mất ngôn ngữ."

Cảnh sát giải thích với mẹ cô vào ngày vụ án khép lại.

“Con bé Tiểu Tịch này, chẳng phải là do hai vợ chồng nó chiều hư sao?!”

“Từ nhỏ ăn ngon mặc đẹp, được nuông chiều như công chúa! Ngay cả con sâu cũng sợ, đến lúc quan trọng thì không sợ mới lạ!”

“Nếu nó không bị dọa đến mức cứng họng, Tiểu Tân có ra đi không?”

“Cuộc sống của vợ chồng nó vốn đã khó khăn, bây giờ Tiểu Tân lại mất rồi, mẹ con họ biết sống sao đây? Cuối cùng chẳng phải lại bám lấy chúng ta mà...”

“Bớt nói vài câu đi! Không biết đây là đâu à!”

Tại đồn cảnh sát, thím nhỏ còn chưa nói xong đã bị chú nhỏ quát ngăn lại.

Mẹ từ đầu đến cuối không nói gì, chỉ nắm chặt tay cô, dắt cô đến cúi đầu thật sâu trước từng người—bác cả, cô, chú.

"Em muốn đưa Tiểu Tịch đi." Đêm hôm đó, mẹ nói với họ như vậy.

Mẹ bán nhà, trả hết số tiền đã vay của từng người. Ai cũng từ chối nhận, nhưng mẹ nhất quyết phải trả, cuối cùng họ đành nhận lấy.

Sau đó, Giang Manh chuyển đến một trường tiểu học mới.

Ở nơi này, giáo viên và bạn bè đều biết cô là một "đứa câm" không thể nói chuyện.

Cũng có bạn từng tò mò hỏi: “Sao cậu bị câm thế? Bị từ khi nào? Chẳng lẽ cả nhà cậu đều bị câm à?”

Cô luôn lảng tránh, trả lời qua loa.

Dần dần, có người bắt đầu nói—cô là một đứa câm ngốc nghếch, một đứa câm đến nghe cũng không hiểu.

 

Năm đó, cô và mẹ chuyển về sống cùng bà ngoại.

Mẹ tìm được một công việc mới, rất bận rộn, không ổn định, nhưng lương cao hơn trước nhiều.

Ở trường, các giáo viên sau khi biết tình trạng của cô, không còn gọi cô phát biểu nữa.

Bạn học trong lớp dần quen với sự chậm chạp và im lặng của cô. Ban đầu, họ tò mò liên tục hỏi chuyện, nhưng theo thời gian, họ ngừng hẳn. Họ thôi nhìn cô bằng ánh mắt khác thường, thôi coi cô là một "đứa học sinh đặc biệt đầy bí ẩn".

Cô dần bị gạt ra ngoài lề, nhưng không ai cố tình bắt nạt cô, cũng không có ai cố tình tiếp cận cô.

Cuộc sống trôi qua êm đềm như một nồi cháo đang sôi trên bếp lửa nhỏ. Không có điều gì quá bất ngờ để mong chờ, cũng không có chuyện gì quá tồi tệ đến mức không thể chịu đựng.

Cô thấy như vậy đã đủ tốt.

Bởi vì đã từng trải qua những tháng ngày đầy đau khổ, cô mới hiểu—một cuộc sống bình thường, giản đơn, đáng quý đến nhường nào.

 

Thời tiểu học nhanh chóng kết thúc.

Trong kỳ thi chuyển cấp, cô đạt điểm trung bình và được nhận vào Trung học số Hai gần khu chung cư của bà ngoại.

Ngày nhận giấy báo trúng tuyển, mẹ đưa cô và bà ngoại đi ăn một bữa ở nhà hàng, rồi nói với cô rằng mình sắp phải công tác một tháng ở một thành phố phía Nam.

Bà ngoại cũng đã quyết định tháng sau sẽ về quê.

Dì cả sau khi biết chuyện đã ngỏ lời, bảo cô đến nhà dì ở lại trong kỳ nghỉ hè.

Thực ra, cô không muốn đến nhà dì cả.

Không phải vì ngại làm phiền dì, mà vì cô biết—chị họ Phù Hân Nhã chưa bao giờ thích cô.

Nhưng khi mẹ và bà ngoại đều quyết định như vậy, cô vẫn ngoan ngoãn gật đầu.

Bởi vì cô cũng không muốn làm phiền mẹ và bà ngoại.

Từ sau khi biến cố xảy ra, dường như cô đã gây rắc rối cho quá nhiều người.

 

“Tại sao lại để nó ở phòng sách? Phòng đó rộng thế cơ mà…”

Tại nhà dì cả, chị họ Phù Hân Nhã tức giận hét lên khi biết dì định dọn phòng sách cho cô ở.

"Thế con ngủ phòng sách đi, nhường phòng con cho Tiểu Tịch!" Dì cả nghiêm giọng.

“Con không chịu!”

“Nó có thể ngủ phòng sách, nhưng đồ của con trong đó không ai được động vào!”

"Cái con bé này! Mẹ chiều con hư rồi phải không?!" Dì cả tức giận xắn tay áo lên, giơ tay định đánh Phù Hân Nhã, nhưng bị Giang Manh vội vàng giữ lại.

"Dì ơi." Cô mỉm cười, dùng ngôn ngữ ký hiệu nói với dì: “Cứ để đồ của chị họ ở đây cũng được ạ.”

“Phòng này…thực ra quá rộng với con.”

Dì cả không nói gì thêm, chỉ thở dài, ánh mắt đầy thương cảm xoa đầu cô.

 

Dì cả và dượng thường xuyên đi công tác, sáng đi tối về, trong nhà chỉ có hai chị em họ.

Giang Manh quen với việc tự mua thức ăn và nấu nướng, cô luôn làm thêm phần của Phù Hân Nhã. Nhưng Phù Hân Nhã chưa bao giờ động đến, cô ấy thích gọi đồ ăn ngoài hơn.

Về sau, cô chỉ nấu cho mình.

Phù Hân Nhã thường xuyên vào phòng sách tìm đồ, bày bừa khắp nơi.

Cô dọn dẹp lại.

Nhưng chỉ không lâu sau, Phù Hân Nhã lại đến, tiếp tục làm loạn.

Không phải cô chưa từng nghĩ đến việc phản kháng.

Nhưng cô không có tư cách để phản kháng.

Cô thậm chí không cần làm gì cũng biết—chỉ cần cô phản kháng, Phù Hân Nhã sẽ lập tức đáp lại bằng một câu:

“Nhà mày mắc nợ nhà tao một ân tình.”

Năm bố gặp chuyện, nhà họ thực sự đã nợ dì cả một ân tình—một món nợ rất lớn.

Mẹ từng nói, ân tình là thứ khó trả nhất trên đời.

Vì vậy, cô phải ngoan ngoãn, phải học cách nhẫn nhịn, phải biết đặt đại cục lên trên hết…

Giang Manh ở nhà dì cả, cố gắng làm thật tốt mọi điều mẹ dặn dò, nhưng dù thế nào, mỗi lần dọn dẹp căn phòng bị Phù Hân Nhã làm bừa bộn, cô vẫn không kìm được cay sống mũi, suýt nữa thì rơi nước mắt.

Tại sao lại là cô?

Tại sao số phận lại chọn cô làm người phải gánh vác ân tình này, trong khi cô chẳng làm gì sai cả?

Nhưng đáng tiếc, số phận luôn có quyền quyết định tuyệt đối.

Nó kiểm soát những gì mỗi người sẽ phải trải qua, chưa bao giờ cần đưa ra lý do cho bất kỳ ai.

Và điều duy nhất cô có thể làm, là cố gắng trải qua từng ngày ở nhà dì cả, đồng thời mong mẹ sớm quay về đón cô.

 

“Tiểu Tịch, nghỉ hè có muốn đi học thêm toán với chị họ không?”

Một trưa cuối tuần, dì cả vừa đi mua sắm về, cầm theo một tờ tờ rơi của lớp học thêm, dịu dàng hỏi cô.

Cô lập tức xua tay từ chối.

Học phí lớp này không hề rẻ, cô không có đủ tiền, chẳng lẽ lại để dì cả trả giúp sao?

Cô thực sự không muốn nợ thêm ân tình nữa.

"Đi cùng tao đi." Phù Hân Nhã thản nhiên nói. “Dì hai đã đồng ý rồi, nói là sẽ chuyển tiền học phí cho mẹ tao. Hơn nữa, nếu hai người cùng đăng ký thì còn được giảm giá.”

“Coi như giúp nhà tao tiết kiệm một chút tiền. Nếu thật sự không muốn đi, mày cứ đăng ký rồi sau đó rút tiền lại, không đi học là được chứ gì?”

“Tao nghe nói lớp này dạy toàn kiến thức nâng cao, chắc mày cũng chẳng hiểu nổi đâu, học cũng vô ích thôi.”

Những lời này chẳng hề dễ nghe, nhưng cô lại cảm thấy như trút được gánh nặng.

Chỉ cần không khiến dì cả phải bỏ thêm tiền là được.

Hơn nữa, có thể dành kỳ nghỉ hè ở lớp học thêm cũng không tệ—ít nhất, cô sẽ không phải suốt ngày ở nhà dì cả…

Trong phòng cô, đầy rẫy những món đồ kỳ lạ của Phù Hân Nhã.

Sống chung với chúng mỗi ngày, cô luôn sợ mình vô ý làm hỏng thứ gì.

Cô nghĩ vậy, rồi khẽ gật đầu đồng ý với dì cả.

 

Rất nhiều năm sau, khi vô tình lật lại quyển sổ cũ và tìm thấy tờ rơi ấy, Giang Manh không khỏi bồi hồi xúc động.

Cô của ngày ấy, khi quyết định tham gia lớp học thêm, chắc chắn không thể ngờ được rằng—mối tình thầm lặng kéo dài gần mười năm, đắng cay mà khắc cốt ghi tâm suốt quãng thanh xuân, lại bắt đầu từ mùa hè ngắn ngủi và rực rỡ ấy.

 

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play