Thành Bắc tháng chạp, trời lạnh buốt.
Bác trai và bác gái lại đang cãi nhau, ly thuỷ tinh văng tới cửa phòng của Nguyễn Khuynh Tuyết, mảnh kiếng vỡ vụn, đâm vào tầm mắt.
Tai nghe cũng không thể ngăn được âm thanh cãi vã và khóc lóc bên ngoài, cô dứt khoát tháo tai nghe ra.
Những tiếng cãi nhau bị ngăn cách trước đó đua nhau chui vào lỗ tai, giọng Thôi Phượng Lan sắc bén: “Đám cưới mà chỉ có chừng này của hồi môn, ông không thấy mất mặt nhưng tôi thì có đấy!”
“Ba mươi triệu tệ là nhiều rồi, nhà mình không có điều kiện, cần gì phải vung tay quá trán như vậy?”
“Đó là nhà họ Kỳ đấy! Tình Tình sắp gả cho cháu đích tôn nhà họ Kỳ, sau này rất có thể sẽ trở thành nữ chủ nhân của nhà họ, chỉ có ba mươi triệu, muốn con bé trở thành trò cười của cả thành Bắc sao?”
Lại là vì chuyện kết hôn của chị họ mà cãi nhau.
Nguyễn Khuynh Tuyết không nhớ rõ đây là lần thứ bao nhiêu cô nghe thấy những trận cãi vã như vậy trong vòng một tháng kể từ khi chuyển đến đây.
Ngoài mặt là vì tiền, nhưng thực chất là những mũi tên ngầm nhắm vào cô.
Ngay sau đó, Nguyễn Văn Hoắc lên tiếng: “Bà tưởng tôi không muốn chuẩn bị đàng hoàng cho Tình Tình sao? Chú Hai vừa mới qua đời, để lại một đống rắc rối mà tôi phải lo liệu, chi tiêu thì không đủ, còn phải lo cho Khuynh Tuyết học múa. Một khóa học chuyên nghiệp là mấy chục ngàn, chưa kể đến chi phí trang phục, đạo cụ và trang điểm.”
Nguyễn Khuynh Tuyết lắng nghe tiếng bên ngoài, không để ý video múa trên màn hình máy tính đã phát xong và tự động chuyển sang video tiếp theo.
Bên ngoài yên lặng một lúc, như thể ngầm thừa nhận những điều này.
Ngay sau đó có tiếng chị họ khóc: “Ba mẹ, con phải làm sao bây giờ, họ vốn đã không muốn cưới con.”
Thôi Phượng Lan an ủi con gái: “Ngoan, đừng khóc, để ba mẹ nghĩ cách khác.”
Bà ta thở dài: “Nhưng chi phí của Khuynh Tuyết thực sự quá lớn, chỉ riêng một tháng của con bé cũng bằng cả năm chi tiêu của nhà mình rồi. Nhà chúng ta lại không thể so với nhà của chú Hai, giờ chú ấy không còn nữa, mọi gánh nặng đều đổ lên vai chúng ta.”
Nguyễn Khuynh Tuyết cụp mắt xuống, quay đầu lại nhìn thì thấy màn hình đã chuyển đến video nào không biết.
Đó chính là video cô đạt giải nhất toàn quốc hồi trước, lượt xem đã lên đến hàng triệu.
Cô nhìn chính mình trên màn hình, khi đó cô hoàn toàn không ngờ rằng một tháng sau, một tai nạn xe sẽ thay đổi cuộc sống của cô đến nhường này.
Ngoài cửa, Nguyễn Văn Hoắc bỗng lên tiếng: “Còn một cách nữa, chú Hai để lại một căn biệt thự, chính là nhà cũ của họ, có lẽ có thể bán được mấy chục triệu.”
Chị họ do dự: “Còn Khuynh Tuyết...”
Thôi Phượng Lan lập tức nói: “Thì coi như chúng ta mượn tạm của con bé. Giờ nó còn nhỏ, sống ở nhà mình, chi phí học múa cũng là chúng ta lo liệu, thực sự rất khó cho chúng ta. Nếu không, chỉ sợ đến cả tiền học múa của con bé chúng ta cũng không lo nổi. Từ nhỏ con bé đã hiểu chuyện, chắc sẽ không phản đối đâu.”
Nguyễn Khuynh Tuyết hít sâu một hơi, đóng máy tính lại.
Hiểu rồi, cô có thể không đồng ý, nhưng chắc chắn họ cũng sẽ không chi trả thêm cho việc học múa của cô.
Bên ngoài, cả nhà đã chuẩn bị xong, quả nhiên đến gõ cửa phòng cô.
*
Vài ngày sau, vào ngày chuyển giao tiền bán nhà, Nguyễn Khuynh Tuyết quay lại căn biệt thự kia để thu dọn đồ đạc lần cuối.
Phòng cô theo phong cách Trung Hoa kiểu mới, màu hồng phấn nhạt, tựa như một tòa cung điện nhỏ cổ điển, đẹp đẽ tinh tế, vừa sống động vừa đầy vẻ thư thái, đầu giường đặt một cây đèn sứ trắng Đức Hóa.
Ánh đèn vàng ấm áp phản chiếu lên cửa kính, rồi lập tức bị lớp sương mờ bao phủ.
Một bông tuyết dính lên cửa kính, lúc này Nguyễn Khuynh Tuyết mới nhận ra bên ngoài tuyết đã rơi.
Đáng tiếc cô không thể mang đi cây đèn sứ trắng ba cô tặng. Cô không muốn để nó tan vỡ trong căn nhà tràn đầy tiếng ồn và tranh cãi của nhà bác trai.
Nguyễn Khuynh Tuyết nghĩ, có lẽ nó gặp được người có duyên, có thể bảo vệ nó tốt hơn.
Thế nên cô không mang theo nhiều đồ, chỉ lấy đi những bộ váy múa mà cô đã đặt may từ nhỏ đến lớn.
Xác nhận mọi thứ đã đâu vào đấy, cô định khoá cửa rời đi thì gặp một vài người lạ bước vào từ ngoài cổng. Dẫn đầu là người đàn ông bên môi giới, sau khi xác nhận lại địa chỉ rồi hỏi: “Có thể giao nhà chưa?”
Nguyễn Khuynh Tuyết ngập ngừng một lát rồi đưa chìa khoá cho anh ta, cổ họng khô khốc: “Được rồi.”
Cô ôm thùng đựng váy múa lên xe. Trong xe mở máy sưởi rất ấm, cửa kính mờ hơi.
Nguyễn Khuynh Tuyết tựa trán vào cửa kính, lau đi lớp sương mờ, phản chiếu vẻ mặt nhạt nhòa của cô gái. Mái tóc dài xõa được quấn trong khăn choàng trắng, một lọn tóc vương trên môi, khuôn mặt nhỏ nhắn trong làn sương ánh lên vẻ thanh lệ như hoa sen.
Cô nhìn ngôi nhà và những hàng cây lùi lại, cho đến khi nơi cô sống mười sáu năm hoàn toàn biến mất khỏi tầm mắt.
Nỗi trống trải lấp đầy từng kẽ hở trong lồng ngực.
Nguyễn Khuynh Tuyết không nói lời nào, ôm thùng đồ về lại nhà bác trai. Vừa chạm vào tay nắm cửa, cô lại nghe thấy tiếng cãi vã bên trong.
Lại cãi nhau vì chuyện gì nữa đây?
Bác gái trách móc bác trai: “Cuộc thi gì mà cần năm trăm ngàn, ông nói đóng là đóng sao?”
“Vừa mới bán nhà xong, Khuynh Tuyết nói muốn tham gia, tôi đã đồng ý rồi. Không chỉ là cuộc thi, nghe nói còn là trại hè mùa đông với nhiều vũ công cấp quốc gia.”
“Thế thì được gì chứ? Khó khăn lắm mới có chút tiền thì phải tính toán kỹ lưỡng. Năm trăm ngàn có thể đặt mua bộ trang sức đàng hoàng cho Tình Tình kết hôn đấy. Ông mang đi đóng phí cho một cuộc thi vừa đắt lại vừa vô bổ.”
“Nó tham gia thì được mấy triệu tiền thưởng hay sao? Chỉ có người ngu mới làm mấy chuyện mua bán lỗ vốn thế này, khó trách ông kinh doanh cứ bị thiếu hụt.”
Bác trai nghe đến phiền: “Đã đăng ký rồi, giờ bà nói thế thì tôi còn mặt mũi đâu mà xin rút lại? Hơn nữa, số tiền bán nhà cũng là chúng ta mượn của Khuynh Tuyết.”
“Khối tài sản đó vốn là của ông, ba mẹ ông luôn thiên vị em trai ông, giờ lấy lại được mà ông vẫn không biết thức thời.”
“Em trai ông nguyện bỏ ra hàng chục triệu mỗi năm để nuôi nó, cho nó học múa, nhưng giờ chúng ta không muốn thì sao nào? Học múa là công việc chỉ được lúc trẻ, có thể nhảy múa được cả đời không? Đến lúc nó không học nữa, thì tất cả số tiền ấy cũng thành công cốc.”
Trong nhà lặng đi một lát, bác gái càng nghĩ càng tức.
Bà ta thay đổi vẻ mặt hòa nhã hàng ngày, trở nên cay nghiệt đến lạ: “Nếu không phải em trai ông để lại cổ phần công ty cho nó, tôi cần tìm cách lấy lại, thì ông nghĩ tôi chịu nuôi cái đứa phiền phức này sao, để mẹ nó đón đi càng tốt.”
Ngực Nguyễn Khuynh Tuyết nghẹn lại, tai ong ong, gió rét mùa đông tê buốt khiến cô gần như tê dại.
Cô lùi lại vài bước, không đủ can đảm bước vào cánh cửa ấy nữa, đành quay người rời đi.
Trong nhà, bác trai không nói thêm gì, bác gái sốt ruột nhìn đồng hồ: “Sao chỉ đi lấy váy mà đến giờ vẫn chưa về?”
*
Ngoài cảng Lộ Minh, Nguyễn Khuynh Tuyết lang thang vô định trên con đường dài trống trải . Đến khi nhìn quanh mới nhận ra dường như cô thật sự chẳng còn nơi nào để đi.
Cô dừng chân dưới cột đèn đường đã bị hỏng, ôm chiếc thùng ngồi xuống, tranh thủ xoa xoa đôi bàn tay đã lạnh đến đỏ ửng.
Nỗi ấm ức chất chứa từ lâu khiến tầm mắt cô mờ dần, đầu mũi cay xè.
Những giọt nước mắt nóng hổi gần như không thể kìm lại mà rơi xuống mu bàn tay.
Từng giọt, từng giọt.
Ở nơi không có ánh đèn, cô có thể khóc mà không sợ ai nhìn thấy.
Cô giống như chú mèo con lưu lạc không nhà, cô độc giữa đêm tuyết lạnh.
Xe cộ trên đường qua lại, cuốn theo gió tuyết rồi phóng đi thật nhanh, giống như chẳng liên quan gì đến cô.
Cô buông thả bản thân chìm đắm trong cơn bão tuyết lạnh lẽo của mùa đông, quên đi thời gian, quên đi tất cả.
Trong cơn gió lạnh thấu xương, một chiếc Aston Martin màu đen rẽ vào con phố.
Nguyễn Khuynh Tuyết nghe tiếng động cơ xe, nhưng cô vẫn cúi đầu.
Khi tiếng bước chân đến gần, cô khẽ cựa thân thể cứng ngắt vì giá lạnh. Bỗng nhiên có một chiếc áo khoác ấm áp phủ lên người cô.
Hàng lông mi khẽ run rẩy, cô ngẩng đầu lên, hít vào mùi hương sạch sẽ thanh khiết từ áo khoác.
Đôi giày da đen của đàn ông dừng cách cô nửa bước, phía trên nữa là chiếc quần âu phẳng phiu, vai rộng eo thon, gương mặt tuấn tú khuất trong bóng tối càng thêm sâu lắng khác thường.
Ngón tay thon dài nắm cán ô, hơi nghiêng mặt ô che đi gió tuyết.
Đôi mắt đen tuyền của anh phản chiếu hình dáng mảnh mai của cô gái trẻ với đôi mắt đỏ hoe, mái tóc rối bời, tuyết trắng vương trên khóe mắt, đang khóc như một búp bê thủy tinh dễ vỡ.
Nguyễn Khuynh Tuyết nhận ra anh, là chú Út của nhà họ Kỳ, bạn thân của ba cô.
Cô đã nhìn thấy anh vài lần từ xa, khi anh luôn được người lớn trong gia đình vây quanh trò chuyện, xa xôi như đứng giữa núi cao chạm đến biển mây.
Cô nhìn vào đôi mắt sâu thẳm như xoáy nước của anh, cổ họng khô khốc, giờ phút này làm thế nào cũng không thốt ra một tiếng “chú Út”.
Ánh đèn đường từ xa chiếu lên người anh một lớp sáng vàng nhạt. Sau lưng anh tuyết rơi lả tả.
Nguyễn Khuynh Tuyết thoáng ngẩn ngơ, giống như nhìn thấy cây đèn sứ trắng mà ba đã tặng cô, thanh tao trong trẻo mà cũng cao quý.
Dáng người cao ngất của Kỳ Dã bao phủ lấy cô, anh ngồi xổm xuống.
Trong không gian nhỏ hẹp dưới chiếc ô, sự hiện diện của anh càng thêm mãnh liệt, dễ dàng lấn át cô.
Gương mặt điển trai thanh cao ấy trong đêm tuyết càng thêm phần băng giá.
Cô nghe thấy giọng nói trầm ấm của anh vọng vào tai cô: “Có muốn về nhà với tôi không?”
Như tiếng chuông từ xa vọng đến, âm thanh lan tỏa nhẹ nhàng.