Dưới lầu gác phía nam thành Giang Đô có nhà họ Thi, tường trắng ngói đen, cửa son liễu rũ, diện tích rộng thoáng, chủ nhà mở hai tiệm dược liệu thô chưa qua bào chế cùng mấy gian buôn bán chỉ thêu, làm ăn hưng thịnh, mỗi ngày sổ sách thu vào hơn ba bốn trăm bạc, tuy không thể xem đại phú đại quý nhưng cũng cơm áo không lo, vàng bạc đeo đầy người.

Ba năm trước Thi Tồn Thiện bệnh nặng qua đời, để lại hai phòng thiếp thất cùng bốn con nhỏ, con trai lớn tên Thi Chi Vấn do chính thê Ngô đại nương tử quá cố sinh đẻ, hai phòng thiếp thất gồm Vương Diệu Nương có hai con là Điềm Nhưỡng và Hỉ ca nhi, Lý Quế Nương thì chỉ có một người con gái duy nhất tên Vân Khởi. Vì chủ mẫu mất sớm nên cả ba đứa trẻ đến giờ vẫn được nuôi dưỡng dưới gối Thi lão phu nhân.

Năm phụ thân qua đời, Thi Chi Vấn chỉ mới mười sáu tuổi, đang độ thiếu niên đọc sách, không rành thế sự, khi nghe tin dữ của cha, hắn từ thư viện về nhà, thấy khắp viện đều treo cờ trắng. Thi gia không có thân thích giúp đỡ, nhìn đâu cũng thấy chỉ toàn phụ nữ và trẻ em yếu đuối, trong ngoài đều do đích thân hắn ra mặt xử lý, một nhà ồn ào bận rộn. Vào lúc tổ chức thuỷ lục đạo tràng [1], cửa hàng trong nhà lại xảy ra chuyện, hoá ra tiểu nhị trông coi cửa tiệm thấy chủ nhân qua đời, nổi lên lòng tham lệch lạc, nhân lúc khắp nơi hỗn loạn, tiểu nhị quản tiệm chỉ thêu trộm hơn ngàn lượng ngân phiếu dùng để mua tơ sống bỏ trốn biệt vô âm tín.

[1] Thuỷ lục đạo tràng là một loại pháp hội tôn giáo, kéo dài ít nhất 7 ngày, nhiều thì 49 ngày, mọi người trong nhà cùng ăn chay tụng kinh sám hối, cầu xin cho chúng sinh nhân thế thoát khỏi bể khổ hoặc người thân quá cố sớm ngày siêu thoát.

Đúng lúc này trong nhà lại có khách đến thăm, Thi lão phu nhân vốn mang họ Lam, ở nhà mẹ đẻ có người cháu trai đương tuổi tráng niên tên gọi Lam Khả Tuấn, hắn cũng mở một cửa hàng bán nhang đèn ở Qua Châu, nhưng vì làm ăn ế ẩm nên cuộc sống khó khăn, vừa hay tin biểu ca bệnh nặng qua đời, cả nhà họ Thi chỉ còn lại mẹ goá con côi, thiếu một người đàn ông trụ cột nên mang theo cả nhà vợ con đến, lúc nói chỉ đề cập giúp đỡ lo liệu tang sự, nhưng thật ra là cậy nhờ Thi lão phu nhân.

Nỗi đau mất con của Thi lão phu nhân chưa nguôi ngoai, lại thấy cả nhà cháu trai đến an ủi, hai vợ chồng Lam gia quen biết có thể dỗ dành lão phu nhân vui vẻ bớt đau thương, mà Lam gia còn có ba đứa nhỏ, suốt ngày náo nhiệt trong nhà, Thi lão phu nhân liền mở lời mời cả gia đình cháu trai ở lại.

Vì thế Thi gia mở thêm một căn viện, dành cả dãy phòng phía sau cho mấy người Lam gia, Thi lão phu nhân dắt theo Hỉ ca nhi chuyển vào chính phòng, hai vị di nương lần lượt ở hai bên đông tây thiên sương, Điềm Nhưỡng và Vân Khởi ở cùng trong một căn tiểu tú các phía tây vườn, còn phía đông vườn có một căn viện nhỏ rộng rãi độc lập, dành cho Thi Chi Vấn, đợi sau này hắn cưới vợ về nhà cũng vừa vặn.

Lam Khả Tuấn đặt chân vào nhà họ Thi, sau này phụ giúp trông coi cửa hàng của Thi gia, thường cùng quản sự và tiểu nhị làm việc hăng say, Thi lão phu nhân vốn thấy Thi Chi Vấn thông minh nhạy bén, sau khi giữ đạo hiếu xong, định đưa hắn về thư viện tiếp tục đọc sách, ngày sau dễ kiếm công danh, ai ngờ hắn vừa cởi áo tang, vứt bỏ chuyện học hành, chui vào phòng sổ sách, quản lý hai cửa hàng trong nhà, bắt đầu từ đó bước lên con đường kinh doanh, nuôi trên dưới mấy chục miệng ăn trong nhà.

Mùa thu năm ngoái, Thi Chi Vấn cùng Lam Khả Tuấn buôn dược liệu tận vùng Lưỡng Quảng, sau đó lại về Mân Địa ở Ngô Việt chọn mua trà lá gấm vóc. Đúng lúc quốc tang nên hành trình chậm lại không ít, trong lòng Thi lão phu nhân sớm đã nóng như lửa đốt, mỏi mắt trông chờ.

Lão già canh cửa nửa đêm bị đánh thức, mở toang cổng lớn trước nhà, đám người im ắng vào phủ, không muốn đánh thức gia quyến trong viện. Thi Chi Vấn quay về phòng mình nghỉ ngơi hơn hai canh giờ, sáng sớm liền đến nhà chính bái kiến tổ mẫu. Thi lão phu nhân vừa nhìn thấy cháu trai lớn bất ngờ trở về, vui mừng khôn kể.

Trên nền nhà chính bày đầy mấy rương gỗ sơn mài, cũng chính là ít quà quê, hoa quả khô cùng mật ong, tượng đất chạm trổ do đích thân Thi Chi Vấn và Lam biểu thúc mang về từ phương Nam, tất cả đều là đồ chơi giải trí mới mẻ. Quế di nương mày nhỏ mắt hẹp cùng Vân Khởi ngồi trên ghế cao thưởng thức bộ ống trúc trang trí điêu khắc “bát tiên quá hải”, còn Thi lão phu nhân ôm Hỉ ca nhi đang gõ “bang bang” cái trống da trâu nho nhỏ.

Điềm Nhưỡng thấy mọi người trong nhà đều có mặt, lần lượt chào hỏi, quay sang một người trẻ tuổi đang mỉm cười ấm áp nhìn nàng, khoan thai tiến lên hỏi Thi Chi Vấn: “Thiếu Liên ca ca”.

Thiếu Liên là tên tự của hắn.

Hắn cũng đáp lại một tiếng: “Điềm Nhưỡng muội muội”.

Hai người nhìn nhau cười, vô cùng quen thuộc.

Thi Chi Vấn lớn hơn Điềm Nhưỡng ba tuổi, một cặp huynh muội đều sinh vào tháng Chạp, không chênh lệch mấy ngày, mỗi năm vào dịp sinh nhật trong nhà bày một bàn thọ tiệc cho cả hai, thế nên mối quan hệ của họ rất thân thiết.

Điềm Nhưỡng tràn ngập vui vẻ, trong lòng thầm đánh giá đại ca ca của mình, lại nói: “Lúc đại ca ca đi chỉ bảo rời nhà ba bốn tháng, ai ngờ vừa ra khỏi cửa lại mất non nửa năm, trong nhà ai cũng trông ngóng tin tức, tổ mẫu cả ngày quỳ trước mặt Bồ Tát cầu phúc cho ca ca, cuối cùng cũng chờ được ca ca về”.

Nàng nói liền nhoẻn cười, đôi mắt ánh lên tia sáng: “Đại ca ca đi đường ổn thoả cả chứ? Có gặp vất vả mệt mỏi, ăn ngủ ngon giấc không?”

“Tốt, tốt, tất cả đều tốt cả, nhọc lòng muội muội lo lắng rồi”. Giọng hắn trong ngần, đứng dậy đánh giá nàng, “Ngược lại trông nhị muội muội thật gầy… Chuyện của di nương, vừa vào cửa ta đã nghe nói…”

Điềm Nhưỡng nghe thấy lời này, chầm chậm thu lại nụ cười, chóp mũi chua xót, hơi nghiêng nửa đầu, hàng mi đen dày khẽ chớp, thoáng chốc nước mắt đong đầy, đuôi mắt trộm liếc về phía góc áo xám bạc, nheo nheo mắt, giọt lệ to bằng hạt đậu dọc theo gò má lăn dài.

Thi Thiếu Liên thấy nàng cúi đầu lặng lẽ rơi nước mắt, hơi khom lưng, kề sát nhìn nàng, dịu dàng lên tiếng: “Là ta không phải, vừa gặp mặt đã khiến ngươi đau lòng”.

Người trong nhà vừa thấy nàng cười nói thân thiết với Thi Thiếu Liên, nhất thời lại từ vui chuyển mừng sang buồn bã, cũng không khỏi rơi nước mắt. Hỉ ca nhi chạy đến nắm chặt tay nàng, hai mắt phiếm hồng, mếu máo xụ môi một cái liền khóc thành tiếng.

“Điềm tỷ nhi số khổ của ta”. Thi lão phu nhân thấy nàng rơi lệ, bèn ôm lấy tỷ đệ hai người, “Đại ca ca ngươi chỉ nói một câu, ngươi liền khóc thành cái dạng này, một ngày đáng mừng, mau thu nước mắt lại đi”.

Lại nửa cười nửa giận mắng đứa cháu lớn: “Ngươi cũng đừng nhắc đến chuyện khiến đệ đệ muội muội của mình đau lòng”.

Quế di nương tiến lên dịu dàng dỗ dành, Vân Khởi nắm lấy góc áo của mẹ, nhịn không được hơi nhíu mày, cũng nói dăm ba câu an ủi tỷ tỷ hơn mình hai tuổi: “Điềm tỷ tỷ đừng khóc, làm trong lòng mọi người cũng không thoải mái”.

Điềm Nhưỡng nghe vậy, thút thít nức nở lấy khăn tay lau nước mắt: “Đại ca ca chỉ có ý tốt thôi”. Nhận lấy một đĩa bánh đậu xanh Thi Thiếu Liên đưa đến tạ tội, dắt tay Hỉ ca nhi về lại ghế ngồi, chia thành hai nửa cho Hỉ ca nhi cùng Thi lão phu nhân, chỉ để lại một chút cho mình. Khoé mắt nàng đỏ bừng, trên mặt còn vương ánh lệ, mỉm cười ngọt ngào nhìn Thi Thiếu Liên, để lộ hai má lúm đồng tiền sâu hoắm: “Bánh đậu xanh đại ca ca mua thật ngọt”.

“Còn có cả hộp lớn, đều mang về phòng ngươi đi”. Thi Thiếu Liên chọn lấy mấy món đồ chơi thú vị trong rương đưa cho nàng, “Ta đoán nhị muội muội hẳn rất thích thứ này…”

Hắn còn chưa dứt lời, bên ngoài vang lên chuỗi tiếng cười như chuông bạc: “Ta biết trước mọi người đều ở đây mà”.

Một bé trai hai má phúng phính ào chạy tới: “Bà cô, bà cô, Tiểu Quả đến thăm bà đây…”

“Tiểu Quả ngoan… Đến để bà cô nhìn một cái nào”. Một tay Thi lão phu nhân ôm Hỉ ca nhi, lại cười tủm tỉm giang tay đón Tiểu Quả. Trong nhà có hai đứa trẻ, một Hỉ ca nhi sáu tuổi, môi đỏ răng trắng, tính tình nhút nhát ôn thuận, đứa còn lại tên Lam Tiểu Quả chỉ mới bốn tuổi, khoẻ mạnh kháu khỉnh, vô cùng nghịch ngợm, hai đứa trẻ ngày ngày đều chạy đến ôm gối Thi lão phu nhân, giúp cuộc sống vốn thanh tịnh của bà thêm chút tư vị.

Thì ra là Lam Khả Tuấn dẫn theo vợ Điền thị của mình đến bái chào lão phu nhân, theo sau là hai đứa con gái của Lam gia, Lam Miêu Nhi mười sáu tuổi và Lam Phương Nhi mới mười ba tuổi.

Điền thị trời sinh cao gầy trắng trẻo, con người dí dỏm thích nói cười, Miêu Nhi tính tình dịu dàng dễ gần, Phương Nhi lại lanh lợi xinh xắn, rất được Thi lão phu nhân yêu quý.

Cả gia đình ồn ào chào hỏi một lượt, Lam Khả Tuấn bái chào lão phu nhân, hỏi thăm mấy đứa cháu trai cháu gái, mọi người náo nhiệt ngồi đầy phòng lớn, nói không biết bao nhiêu chuyện phiếm. Đến gần trưa, Thi lão phu nhân dặn dò tỳ nữ chuẩn bị bàn tiệc, gồm mấy món như gà vịt nướng, canh nấu chua ngọt, điểm tâm hoa quả, lại sai người đến tửu lâu mua thịt móng lợn, thêm dê nướng nguyên con, cả nhà nhâm nhi ăn uống, Lam Khả Tuấn cùng Thi Thiếu Liên kể mấy tin đồn vụn vặt trên đường d9i, bữa trưa vô cùng náo nhiệt.

Một bàn gia yến vui vẻ kết thúc, ngay cả Điềm Nhưỡng cũng nhấp mấy chén rượu hoa quả, trên mặt vợ chồng Lam gia từ lâu đã bị rượu hun đỏ bừng, trông thấy Thi lão phu nhân sau giờ trưa có hơi mệt mỏi, liền cáo từ, cùng mấy đứa nhỏ về nhà sau.

Điềm Nhưỡng dắt Hỉ ca nhi đến nhĩ phòng nghỉ trưa, Quế di nương đưa Vân Khởi về thiên sương, Thi Thiếu Liên cùng tỳ nữ Viên Hà dìu lão phu nhân về phòng nằm, hắn ở lại nói mấy câu với tổ mẫu, chờ bà nhắm mắt thiếp đi mới nhấc chân về hướng sân vườn của mình.

Gã sai vặt bên người hắn tên Thuận Nhi đang ngồi trước hành lang ăn bánh bò lót bụng, thấy chủ tử bước ra, liền nhét bánh bò vào trong tay áo, sấn đến trước hỏi: “Đại ca nhi uống quá chén? Hay để tiểu nhân bảo phòng bếp nấu bát canh giải rượu?”

Thi Thiếu Liên trong bữa uống không ít, nhưng trên mặt vẫn trắng mềm như ngọc, không chút nào giống kẻ say, chỉ có đôi mắt sóng sánh linh động, ngời sáng lạ thường, hắn chậm “ừ” một tiếng, lười nhác đáp: “Không say”.

Chủ tớ hai người chậm rãi xuyên qua sân vườn bước đến Kiến Hi viên, đương là thời tiết tháng ba “oanh phi thảo trường” [2], cả một vườn hoa rợp sắc đỏ tím, bướm bay ong lượn, trong đầm nhỏ nuôi mấy con cá chép đuôi đỏ “ào ào” nổi lên mặt nước. Thi Thiếu Liên đứng bên bờ nước một lúc lâu, gió ấm lướt qua, chỉ cảm thấy buồn ngủ trập trùng, liền cùng Thuận Nhi đi vào Kiến Hi viên.

[2] Thành ngữ ý bảo cảnh ngày xuân tươi đẹp.

Trước cổng vòm của Kiến Hi viên có một tỳ nữ áo tím búi tóc kiểu song kế, tuổi hai mươi rực rỡ, vai nhỏ eo ong, má đào mắt hạnh, trông thấy Thi Thiếu Liên liền chạy nhanh tới, vội vàng tiếp đón tiểu chủ: “Đại ca nhi”.

Tử Tô mừng rỡ dìu Thi Thiếu Liên, thấy Thuận Nhi khom lưng đi theo sau, ánh mắt xẹt qua mặt hắn, nửa cười nửa giễu nói: “Chuột ăn vụng quên chùi mép”.

Lúc này Thuận Nhi mới ngỡ ngàng, đưa tay áo quẹt qua khoé miệng, phủi sạch mấy vụn bánh dính trên mặt, cười ha hả chắp tay: “Tiểu tử hỏi thăm Tử Tô tỷ tỷ”.

Tử Tô không để ý đến hắn, ngửi thấy mùi rượu trên người Thi Thiếu Liên: “Tỳ nữ đến chính viện nhìn lén mấy bận, thấy trong phòng bếp có đun rượu nóng, biết bữa nay đại ca nhi nhất định uống không ít, trong phòng sớm đã chuẩn bị canh giải rượu, đại ca nhi vào uống một chén rồi nghỉ ngơi thôi”.

Thi Thiếu Liên gật đầu: “Trước tiên thu dọn Hư Bạch thất sạch sẽ, không cần đưa canh giải rượu tới, ngươi cứ pha chén trà đặc là được”.

“Hư Bạch thất đã dọn xong từ lâu, vừa lót thêm chiếu trúc, treo cả rèm mới nữa”. Tử Tô cười tủm tỉm, “Biết đại ca nhi thích Hư Bạch thất, từ trong ra ngoài, nô tỳ dụng tâm nhất là nơi này”.

“Trong vườn nhìn đi nhìn lại chỉ có ngươi hiểu chuyện nhất”. Thi Thiếu Liên hơi cười nhìn nàng, “Chỉ với phần tâm ý này của ngươi, cả ngày bận đến chân không chạm đất, đáng lẽ ta nên đưa một tiểu nha hoàn đến cho ngươi sai phó”.

Tử Tô nhìn hắn một cái, ngượng ngùng mím môi cười: “Không dám, là do đại ca nhi nâng đỡ nô tỳ”.

Ba người vào trong Kiến Hi viên. Kiến Hi viên vốn là chỗ dưỡng bệnh của Ngô đại nương tử khi còn sống, cảnh trí rất đẹp, trong bốn góc vườn đều có dòng suối mát chảy róc rách, trước đình trồng đủ loại hoa, sau viện còn có trúc xanh, trên hành lang gắn mái hiên nhỏ, cửa sổ khắp phòng đều hướng về phía đông, trong phòng sáng sủa. Hư Bạch thất chỉ rộng một tấc vuông, cửa sổ trên hai vách tường, một cửa mở ra đối diện với trúc xanh, một cửa khác lại đối diện trăm hoa, chiếu trúc phủ đầy nền đất, trong phòng bày duy nhất một chiếc giường, vừa trống trải lại thanh tĩnh, là nơi đọc sách trước kia của Thi Thiếu Liên.

Tử Tô sai bảo tiểu tỳ nữ trong phòng tên Thanh Liễu đến Hư Bạch thất trải đệm gối, bản thân tự pha một ấm trà đặc, mang bộ ấm chén uống trà bằng sứ trắng đến Hư Bạch thất.

Hư Bạch thất tĩnh lặng, rèm thêu chỉ trắng rơi lả tả, ngoại bào xám bạc ném lung tung dưới chiếu trúc, Thi Thiếu Liên nằm trên sạp cuộn nửa góc chăn gấm, nhắm mắt nghỉ ngơi.

Nàng lặng lẽ đặt ấm trà qua một bên, dọn dẹp quần áo vứt lung tung dưới đất, lại ngước mắt nhìn vị lang quân nằm trên giường, Ngọc Sơn khuynh đảo, trong lòng khấp khởi, nhẹ nhàng rời đi.

Kiến Hi viên có hai tỳ nữ là Tử Tô và Thanh Liễu, hai gã sai vặt là Thuận Nhi và Vượng Nhi. Tử Tô là đại nha hoàn quản sự, được Thi Thiếu Liên thu vào phòng, ba người còn lại luôn xem trọng nàng, Thanh Liễu cùng Thuận Nhi, Vượng Nhi lúc này canh giữ bên hành lang nói chuyện phiếm, bọn họ thấy Tử Tô đi ra, Thuận Nhi bèn chắp tay: “Thỉnh tội với tỷ tỷ”.

Tử Tô tức giận: “Nửa đêm nửa hôm về nhà, cũng không báo trước một tiếng, hại ta tất bật như người mộng du, ngay cả chăn đệm cũng vừa trải xong, trở tay không kịp”.

“Vốn muộn mấy ngày mới về”. Thuận nhi gãi đầu cười, “Đúng là trên đường đã chậm trễ rất lâu, đại ca nhi lại nhớ mong trong nhà, sau khi xuống thuyền vội vàng cưỡi ngựa gấp gáp chạy về, chúng tôi là hạ nhân cũng đành nhắm mắt lên đường, chỉ có Lam biểu thúc mệt đến mức trợn trắng mắt”.

Hắn khua tay múa chân, hài hước chỉ trỏ, khiến mấy người ôm bụng cười to. Tử Tô mắng mỏ: “Cái tên lưu manh này, chỉ giỏi làm trò quỷ, cả ngày thích học người khác làm mặt xấu”.

Thanh Liễu cùng Vượng Nhi mới được Thi Thiếu Liên đưa đến hai ba năm nay, tuổi tác cũng tầm mười hai, mười ba tuổi, chưa bao giờ xa nhà, liền quấn lấy Thuận Nhi: “Ca ca tốt của tôi ơi, ngươi theo đại ca nhi ra ngoài thấy gì mới lạ, kể cho chúng tôi nghe với”.

Tử Tô cũng ở bên cạnh cười nhìn hắn: “Dọc đường đại ca nhi đã đến những đâu?”

“Chuyện này kể ra rất dài”. Thuận Nhi mỉm cười, “Miệng khô lưỡi đắng, Tử Tô tỷ tỷ thưởng cho tôi ngụm trà thơm đi”.

Tử Tô trừng mắt liếc hắn, thong dong mang ấm trà cùng mâm điểm tâm tới, mấy người bọn họ ngồi trên hành lang, châu đầu ghé tai, nói nói cười cười, tự tại vô cùng.

Thời gian tán gẫu chớp mắt ngắn ngủi, mặt trời chếch xuống hành lang dài, Tử Tô xem đồng hồ nước đã qua hơn một canh giờ, bèn đứng dậy đi về hướng Hư Bạch thất trông chừng, lại thấy Thi Thiếu Liên ngồi an tĩnh trên giường, ngoại bào khoác hờ trên đầu vai. Hắn đẩy cửa sổ, sắc mặt như nước nhìn ra ngoài giàn tường vi nở rộ, cánh tay đặt trên mép cửa, lòng bàn tay nắm chén trà, chậm rãi vuốt ve.

Đương là lúc ánh sáng chói chang, nửa người hắn ngâm trong hào quang chói lọi, giống một cái bóng, chén trà trong tay bằng ngà voi trắng, chất sứ mỏng manh, bị ánh mặt trời chiếu qua, trong suốt hệt ảo ảnh. Tử Tô có thể nhìn thấy vết nứt nhỏ vụn trên mảnh sứ và non nửa chén trà còn sót lại, cũng thưởng thức ngón tay thon dài khẽ nâng chén trà, xương cốt rõ ràng, da thịt đầy đặn, tắm ánh mặt trời ôn nhuận như ngọc bích.

Nàng không dám lên tiếng quấy rầy, chỉ lẳng lặng khoanh tay đứng một bên, nhìn đôi mắt hẹp dài hơi híp lại dưới ánh sáng, dịu dàng hỏi nàng: “Mở cửa sổ nghe trong gió thoáng tiếng cười, các ngươi nói chuyện gì thú vị”.

“Chỉ là chút chuyện phiếm không quan trọng”. Tử Tô nhỏ giọng đáp, “Trà lạnh rồi, để nô tỳ đổi chén trà nóng hơn”.

“Không cần”. Hắn ngửa đầu nốc cạn chén trà, đặt chén lên giường, xoay người bước qua, “Đến giúp ta thay quần áo”.

Tử Tô cúi người tiến lên, vòng tay lướt qua hắn, kéo ngoại bào trên vai xuống, thình lình bỗng ngửi thấy hương rượu cực nhạt trộn lẫn vị trà thanh mát trên người hắn. Có hơi thở ấm áp phả xuống hai bên má nàng, khuôn mặt ửng đỏ, trong lòng lâng lâng, quần áo trong tay không chắc chắn, lần lượt rơi xuống.

“Ngươi đỏ mặt cái gì? Thở cũng không xong”. Giọng hắn bình thản, chậm rãi nhấc mí mắt nhìn nàng, đôi con ngươi tĩnh lặng không gợn sóng. Nhác thấy nàng gục đầu, mặt mày kiều diễm thoáng vẻ ngượng ngùng, đẹp như tranh hoạ.

Thi Thiếu Liên ngẫm nghĩ một lúc, thong thả vươn đôi tay thon dài, dọc theo cổ áo nàng luồn vào trong, nắm lấy một bên, ngón tay ấm áp xoa nắn.

Hư Bạch thất yên tĩnh không tiếng động, gió thổi qua giàn tường vi xào xạc như tiếng chuông lục lạc, hương thơm khẽ phất phơ đầy phòng.

Hắn an ổn thưởng thức biểu cảm trên mặt nàng.

Cổ họng Tử Tô nghẹn đặc, giọng nói nhỏ như muỗi kêu, cả người run rẩy: “Đại ca nhi… nô tỳ giúp người thay quần áo…”

Thi Thiếu Liên vẫn không buông tay, thân thể chậm rãi ngã xuống giường, kéo theo Tử Tô nửa nằm trên người hắn, hô hấp hỗn loạn, ý xuân đầy mặt.

“Cởi quần áo”. Hắn tăng thêm lực tay, ánh mặt trời xuyên thấu qua cửa sổ đổ xuống đường nét khuôn mặt tuấn tú. Mặt mày giãn ra, ngửa đầu hưởng thụ ngày nắng ấm áp.

Tử Tô mặt đỏ mềm nhũn, tay run lẩy bẩy chạm vào khăn mùi xoa bên hông hắn, lại tự cởi váy trên người mình, y phục cả hai nửa mất nửa còn, thoáng thấy động tác hắn sững lại, sau đó rút tay về, nhẹ đẩy nàng ra, sắc mặt bình tĩnh ngồi lại trên giường: “Lát nữa còn có việc, tối làm tiếp”.

Nàng bị hắn trêu chọc một hồi, cả người lâng lâng như trên mây, cơ thể vừa nóng vừa đau, trong lòng lại hỗn loạn. Lúc này nghe hắn bảo chờ đến tối, nàng thẹn thùng không thôi, khẽ cúi đầu, nhẹ nhàng “vâng” một tiếng, thu lại tâm tư giúp hắn mặc y phục nghiêm chỉnh, sau đó gấp gáp buộc vạt váy mình, vừa chạy vừa trốn ra khỏi Hư Bạch thất.

Thi Thiếu Liên từ giường bước xuống, nghiêng người đẩy cánh cửa sổ khác, trông thấy bóng trúc tinh xảo, trên đất mềm là măng non vừa nhú, chóp măng nhòn nhọn thuôn dài, xanh mướt đáng yêu. Hắn tự mình lấy ấm trà thảo dược cạnh khung cửa, rót nước tỉ mỉ rửa sạch tay. Một ấm nhà sóng sánh màu hổ phách “tí ta tí tách” rơi trên lá trúc, càng nổi bật khóm trúc xanh tươi.

Hắn lấy khăn vải lau khô, chậm rãi rời khỏi Hư Bạch thất.

 

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play