Sau này nghĩ lại.

Tất cả chệch khỏi quỹ đạo, bắt đầu từ Tết Thượng Nguyên năm Thần Phượng.

Điềm Nhưỡng nhớ rõ, mùng Ba tháng Giêng năm Thần Phượng, tân hoàng đăng cơ, hạ chỉ đại xá thiên hạ. Dân chúng Giang Đô đồng loạt cởi áo tang, thay xiêm y tươi sáng, hát múa sênh ca chúc mừng tân đế. Trong mấy ngày Tết, thành Giang Đô náo nhiệt sung túc, tiếng tiêu tiếng pháo không dứt bên tai, lễ hội đèn lồng diễn ra ba ngày Tết Thượng Nguyên, ngựa xe nô nức khắp phố, đèn đuốc rực rỡ thâu đêm.

Tổ mẫu Thi lão phu nhân tuổi tác đã cao nên cả ngày chỉ trong sân niệm Phật, lão nhân gia vốn quen thanh tịnh, ngay cả ngày vui như hội Tết Thượng Nguyên cũng không muốn bước chân ra đường, nhưng bà cho chủ tớ trong nhà đi xem náo nhiệt, sai bảo tiên sinh trướng phòng [1] là Tôn Bỉnh Lão mang theo ba gã sai vặt, đưa vị thím Lam gia, hai vị Vương – Lý di nương của Thi gia, sáu người con cháu lớn nhỏ trong nhà, cùng các ma ma tỳ nữ, khoảng hai mươi người nườm nượp ra cửa, dọc theo sông Thanh Thuỷ giăng đèn kết hoa sáng rực xem hội.

[1] Người quản gia quản lý sổ sách, thu chi trong nhà dưới sự giám sát của chủ nhân (thời nay gọi là kế toán trưởng ạ ^^)

Sông Thanh Thuỷ chảy vào kênh đào, đoạn phía đông là bến tàu vận thuỷ, ban ngày thuyền bè qua lại như sao băng, đêm đến đâu đâu cũng neo đậu nghỉ ngơi, một ngày vui như vậy, thuyền hoa tiếp khách, thuyền lâu phẩm trà, thuyền tam bản bán tám loại thực phẩm tươi [2], thuyền gỗ lan mời chào hoa quả vặt, thuyền đánh cá dựa sông kiếm sống, tất cả chồng chồng lớp lớp chen chúc bên bờ Thanh Thuỷ, đầu thuyền treo một ngọn liên đăng, chiếu sáng cả dòng sông lấp lánh ánh sao trời.

[2] Nguyên văn là “bát tiên”, tạm dịch là “tám vị tươi sống” như củ ấu, ngó sen, khoai môn, quả hồng, tôm, cua, ngao, củ cải trắng.

Trên bờ, vô số gia đình tụ họp, nhà gác mái san sát nối đuôi nhau, nào là khách điếm trạm dịch, quán rượu ăn uống, tiệm vàng ngọc báu, không đâu không có. Đây là thời điểm náo nhiệt nhất, hai bên bờ sông đèn đuốc sáng choang, trên đường người qua lại nô nức như sóng nước, tới lui đủ hạng phụ nữ trẻ em, mỗi người ăn diện sặc sỡ như hoa như gấm, nói cười không dứt, quán trà bên đường có không ít con cháu tuổi thiếu niên, tìm hoa ném liễu về phía thiếu phụ đi trên đường, tùy ý trêu ghẹo, mà những người phụ nữ kia cũng không tức giận, hoặc ngẩng đầu liếc mắt, cười mắng một câu, hoặc cúi đầu e thẹn, vội vàng kéo khăn che mặt.

Tôn Bỉnh Lão cùng mấy gã sai vặt cầm đèn đi phía trước, các tỳ nữ ma ma theo sát phía sau, một tay Vương di nương kéo Điềm Nhưỡng, tay kia dắt Hỉ ca nhi mới sáu tuổi, lúc chỉ về phía hoa đăng, khi thì ngắm pháo hoa, vô cùng vui vẻ theo dòng người đi về trước.

Đám người ồ ạt vây quanh một khoảng đất rộng, có tiếng gánh xiếc hát tuồng ầm ĩ hoà cùng âm thanh cổ vũ của người xem, một đoàn chủ tớ Thi gia túm tụm xem diễn lúc lâu, liên tục vỗ tay khen ngợi, Vương di nương nhác thấy người bán rong mang theo lò đường đứng lẫn trong đám, bà đi đến trước mặt, nói muốn mua kẹo đường cho mấy đứa trẻ trong nhà.

Đồ chơi bằng đường thổi rất chậm, xấp nhỏ nhận kẹo xong tiếp tục quay đầu xem xiếc, hai cây kẹo đường cuối cùng đưa đến tay Điềm Nhưỡng và Hỉ ca nhi.

Hỉ ca nhi thích nhất là đồ chơi bằng đường và xem xiếc, phấn khởi liếm quả cầu sư tử trên tay, còn Điềm Nhưỡng tay cầm một ông thọ đào tiên, nàng cắn “rắc” một tiếng, nuốt mất đầu ông thọ vào miệng.

Vương di nương giao Hỉ ca nhi cho Điềm Nhưỡng, đưa tay vào túi tiền lấy ra mấy đồng bạc: “Điềm tỷ nhi, chỗ này hỗn loạn, nắm chặt tay đệ đệ”.

Viên đường giòn mỏng trong miệng Điềm Nhưỡng ngọt tận tim gan, nàng ngẩng đầu chớp mắt nhìn mẫu thân của mình, hôm nay bà mặc châu ngọc đan xen, diễm lệ lạ thường, chiếc váy bằng vải gấm thêu trăm con khổng tước xanh sặc sỡ chói mắt, đích thị là bảo bối dưới đáy hòm của Vương di nương.

Nàng im lặng gật đầu, nắm tay Hỉ ca nhi.

Vương di nương trả tiền kẹo xong, nhìn ngó khắp nơi, mỉm cười đẩy vai Điềm Nhưỡng: “Nha đầu này, ra khỏi nhà cũng không biết ăn diện tươi sáng một chút, đi thôi, di nương dắt con đi mua hoa”.

Ba mẹ con họ rời khỏi chỗ biểu diễn, phía sau có tỳ nữ hầu hạ, họ xuyên qua đám người chen chúc, bên bờ sông neo đủ loại thuyền to nhỏ, trong đám thuyền muôn hình muôn vẻ, những thứ bày bán cũng loè loẹt chói mắt, họ cất giọng mời chào khách tham quan.

“Lựu đỏ cam vàng, lê mọng nước táo tươi xanh, ngọt tận răng —”

“Thịt nai khô Bắc địa, chim cút nước Nam, hương vị tuyệt vời, trước dùng thử sau mới mua —”

“Khuyên tai hương phấn, vòng tay đỏ hồng, dầu hoa quế trâm cài, đại quan nhân cùng các tiểu nương tử đến nhìn thử —”

Vương di nương nắm chặt tay con gái, đi thẳng đến bờ sông, kẹo đường trên tay Điềm Nhưỡng đã hết sạch, trong miệng nước đường thấm tận cổ họng làm chất giọng nàng cũng nhão nhẹt, nàng kéo tay Hỉ ca nhi theo sau Vương di nương.

Thuyền bán hoa đến muộn, đành phải neo ở một chỗ hẻo lánh, thuyền nhỏ bị mấy nhánh liễu rũ che chắn, buôn bán ế ẩm, chủ thuyền không khỏi nóng nảy, vừa nhìn thấy có một phụ nhân mặc váy hoa dắt con trai con gái cùng mấy nô tỳ đến gần đã ân cần bày ra một rổ hoa tươi: “Nương tử nhìn xem, tất cả đều là mẫu đơn Lạc Dương sáng nay vừa cập bến, vừa mềm mại vừa đủ màu, tiểu thư và tiểu lang quân đều có thể đeo”.

Vương di nương trộm liếc hai bên trái phải, sau đó mới từ từ khom lưng ngắm hoa, bóp tay Điềm Nhưỡng: “Điềm tỷ nhi, để di nương chọn cho con một đoá rực rỡ nhất”. Bà thuận thế nhặt đóa mẫu đơn đỏ sẫm, xoay người cài hoa lên đầu Điềm Nhưỡng.

“Di nương, hoa này sặc sỡ quá, không hợp với váy của con”. Điềm Nhưỡng xua tay, thu một chân định trốn, đẩy đoá hoa trong tay Vương di nương, “Di nương tự cài đi”.

Nàng né tránh không xong, tà váy bất thình lình bị một người qua đường ngắm cảnh phía sau đạp trúng, người qua đường lảo đảo mấy cái, “ai ui” một tiếng rồi ngã về trước, chân Điềm Nhưỡng đứng không vững, chộp lấy Hỉ ca nhi đẩy sang một bên, đụng trúng mấy tỳ nữ theo hầu.

“Nha đầu này, sao lại hấp tấp…”

“A—”

Không biết từ đâu bỗng xuất hiện một người cường tráng mặc đồ đen chạy nhanh tới, giống như cuồng phong cuốn qua, bắt được Vương di nương đang ngắm hoa bên cạnh. Khi mọi người chưa kịp nhìn rõ, chỉ nghe Vương di nương hô lên một tiếng, nhất thời tên mặc đồ đen kéo tay áo Vương di nương lặn xuống nước.

Dưới tàng liễu là một bãi đầm cạn, cách đó không xa có mấy con thuyền đánh cá treo đèn dầu u ám neo đậu, Vương di nương bị bắt, ném hoa xuống đất, sắc mặt kinh hãi chẳng kịp ứng phó, không ngừng vung tay đánh vào mặt người kia, cũng không biết là ai thét chói tai: “Bắt cóc, có kẻ bắt cóc người —”

“Nương, nương —” Hỉ ca nhi bị Điềm Nhưỡng quật ngã trên đất, hai mắt mở to nhìn mẹ ruột mình bị tên cướp mặc đồ đen kéo xuống nước, sợ hãi khóc toáng lên.

Kim tuyến trên váy xanh thêu khổng tước của Vương di nương lướt qua, Điềm Nhưỡng bất chấp người bên cạnh, lảo đảo nhào tới kêu: “Di nương —”

Nàng nhìn chằm chằm mảnh váy xanh của Vương di nương, chân đứng không vững, “ào” một tiếng rơi xuống sông, đám người đuổi theo Vương di nương lúc này mới hoàn hồn chạy tới, nghe tiếng có tiếng kêu dưới nước: “Cứu, cứu ta…”

Tỳ nữ hầu hạ ngã dưới đất, mắt thấy di nương bị bắt, lại chứng kiến nhị tiểu thư rơi xuống sông, bị doạ đến mức hai chân run lẩy bẩy: “Di nương! Di nương! Nhị tiểu thư…”

Tên trộm thân hình như tháp mang theo Vương di nương nhảy lên một con thuyền đánh cá cũ, quơ mái chèo mấy cái liền chạy về hướng vòm cầu, nháy mắt không thấy bóng dáng.

Đám người lớn nhỏ của Thi gia nghe thấy tiếng ồn ào cạnh bờ sông, cứ tưởng việc người ta, lại không ngờ là người nhà mình xảy ra chuyện, nhìn mọi người xung quanh không ngừng hô hoán, lại trông thấy một thân ảnh nhỏ bé quơ tay loạn xạ dưới nước, mà bóng dáng của Vương di nương sớm đã không còn.

“Mau cứu người, mau cứu người lên —”

Hôm nay Điềm Nhưỡng mặc y phục dệt lông hai lớp dày dặn, thấm nước nặng vô cùng, nàng ngụp lặn dưới lòng sông lạnh lẽo, bừng tỉnh trông theo chiếc thuyền đánh cá khuất xa, vô số ánh đèn rơi xuống mặt nước, cùng hàng trăm khuôn mặt kỳ lạ tứ phía vây quanh, mũi miệng lạnh căm căm sặc nước sông hôi thối, vừa rét vừa run, vừa đau vừa nghẹn, thoáng chốc mất dần ý thức.

Tết Thượng Nguyên năm nay, thiếp thất nhị phòng của chủ nhà quá cố Thi gia Thi Tồn Thiện, cũng là mẹ của nàng Vương Diệu Nương, bị kẻ gian bắt cóc, từ đó bặt vô âm tín.

Trong đầu thoắt ẩn thoắt hiện cảnh trí buổi sáng, khi hai mẹ con ngồi ở chỗ nữ hồng [3] hàn huyên, Vương Diệu Nương không kêu Điềm tỷ nhi như mọi ngày, mà gọi cái tên từ rất lâu trước đây ở Ngô Giang, Tiểu Tửu.

[3] Nữ hồng, hay còn gọi là nữ sự, ý chỉ những người phụ nữ làm công việc may vá, thêu thùa… 

Cái tên Điềm Nhưỡng này cũng từ Tiểu Tửu mà ra, lúc mới sinh nàng đã có một đôi má lúm đồng tiền sâu hoắm, mỉm cười ngọt ngào, ai cũng yêu thích.

“Tiểu Tửu, cha ngươi qua đời ba năm, ta giữ đạo hiếu với hắn ba năm, tình cảm phu thê kiếp này, cũng xem như trọn tình trọn nghĩa”.

“Bản thân ngươi miệng mồm ngọt ngào, thông minh cơ trí, trong nhà ai cũng thương yêu, còn có một mối hôn sự rất tốt, chờ qua năm gả ra ngoài, Trương gia tiền bạc chất đống, cữu cô [4] đều lương thiện tốt tính, Viên ca lại trân trọng ngươi, nếu sang năm thi đỗ tú tài, ngươi qua đó chính là tú tài nương tử, phúc phận hưởng không hết”.

[4] Cách gọi khác của cha mẹ chồng, cha chồng là cữu thị, mẹ chồng là cô thị.

“Hỉ ca nhi là cốt nhục thân thích của Thi gia, hơn nữa tuổi còn nhỏ như vậy, Thi gia không thể bạc đãi nó”.

“Chỉ có ta ở trong nhà, cả ngày đi theo bà lão ăn chay niệm Phật, không khác gì một kẻ vứt đi, cuộc sống chẳng bằng lúc ở Ngô Giang, nửa đời còn lại đều bị nhốt trong lồng sắt, hôm trước ta chỉ nói mấy câu với người bán nhang, đã bị bà lão chỉ tay vào mũi chửi ầm lên, ngươi cũng nghe đó, những kẻ trong nhà ngoài ngõ có ai không chê cười ta, cho dù bà ấy không để tâm đến thể diện của ta, thì ít nhất cũng phải giữ mặt mũi cho Hỉ ca nhi chứ”.

Vương Diệu Nương tuôn lệ, “Thi gia tuy có tiền của, nhưng cũng chỉ là một gia đình thương nhân tầm trung, không tính kinh doanh lớn lao gì, mà mặt mũi lớn thế, học theo những gia đình quyền thế giàu có, cái này không được, cái kia không cho, mặc y phục màu sáng liền bị bà lão trong nhà mắng mỏ, ngày thường ngay cả một ngụm rượu cũng không thể uống, đây thật sự muốn giết chết ta mà. Cuộc sống như vậy, còn hy vọng gì nữa, không bằng chết quách cho xong”.

“Vị Quế lang kia đối xử với ta rất tốt, có tình có nghĩa, ở Kim Lăng hắn còn một biểu huynh, vốn có ý đến cậy nhờ người thân, ta tính tới lui, chi bằng theo hắn, ít nhất cũng dễ thở sống qua ngày”.

“Tiểu Tửu, mấy năm qua ta đối đãi với ngươi thế nào, đáy lòng ngươi tự khắc rõ ràng, ngươi giúp ta lần này”.

Nàng im lặng: “Nương muốn ta giúp việc gì?”

Vương Diệu Nương bảo Tiểu Tửu ghé tai lại, thì thầm mấy câu.

“Nhiều năm nay ta tích cóp được chút bạc, ngươi âm thầm giúp ta đổi thành tiền giấy, để ta mang theo tuỳ thân, những món trang sức còn lại quá bắt mắt, ngươi nghĩ cách giúp ta cất giữ, sau này nếu cần thiết, ta sẽ đến tìm ngươi”.

“Còn Hỉ ca nhi? Nương đi rồi, Hỉ ca nhi phải làm sao, tuổi nó còn nhỏ như vậy, nương đành lòng bỏ mặc nó sao?”

“Ngươi thay ta chăm sóc nó”. Vương Diệu Nương nói, “Xem như trả ơn ta”.

Những nhà thuyền dưới sông ba chân bốn cẳng vớt Điềm Nhưỡng từ nước lạnh lên bờ, người Thi gia kinh hồn bạt vía chưa hết, một bên muốn tìm người, một bên muốn cứu người, đợi Điềm Nhưỡng phun mấy ngụm nước lạnh ra ngoài, chầm chậm tỉnh lại, giãy dụa cầm tay Hỉ ca nhi đang khóc rống, cả nhà nào còn tâm tư ngắm đèn, nữ quyến vội vàng bồng bế con trẻ quay về Thi gia.

Phụ nữ cùng trẻ em bị bắt cóc cũng là chuyện thường thấy ở Giang Đô, nếu là đàn bà thì tám chín phần sẽ lưu lạc chốn câu lan [5], tìm được về cũng chỉ còn đường chết, người Thi gia nghĩ tới nghĩ lui, quyết định không báo quan, âm thầm sai người lén lút hỏi thăm, mất hết ba bốn ngày không có tin tức, dù sao cũng chỉ là một di nương chướng tai gai mắt, không quan trọng nên thôi bỏ cuộc.

[5] Nơi hát múa, diễn kịch vào thời Tống – Nguyên (TQ)

Điềm Nhưỡng rơi xuống nước bị cảm lạnh, thêm chứng đau đầu u uất, lập tức bệnh nặng, nằm suốt trên giường hơn một tháng.

Vợ chồng Trương gia nghe nói di nương Thi gia bị bắt cóc, con dâu tương lai suýt chết đuối sinh bệnh, thường sai người mang canh thuốc đến nhà, Trương Viên cũng lén lút đến thăm, không ngừng an ủi nàng: “Điềm tỷ nhi yên tâm, nhất định có thể tìm di nương về”.

Nàng ôm bệnh sợ lạnh, đầu xuân vẫn còn mặc váy lông tơ như trăng sáng, lông thỏ mềm mại trắng tinh quấn quanh cổ và tay áo, nhìn vô cùng gầy yếu, nghiêng người tựa khung cửa tròn trò chuyện, sắc mặt tái nhợt: “Viên ca ca có vì chuyện này chê bai ta không?”

“Sao có thể chứ”. Hắn ôn nhu nói, “Ta đau lòng thay muội muội, hận không thể thay muội muội gánh bệnh này”.

Hơn một tháng sau, tháng ba ngày xuân ấm áp, chim én tha bùn xây tổ dưới hiên nhà, cháu trai lớn Thi gia Thi Chi Vấn từ Lưỡng Quảng cuối cùng cũng trở về.

Nhà họ Thi có một thiếu niên lang quân thanh tuấn văn nhã, tiểu lang quân chưa đến tuổi cập kê, chỉ mới hơn mười chín, nhưng đã cao lớn đĩnh đạc hệt cây liễu ngày xuân, cành lá xanh um tươi tốt, dáng vẻ có thể gánh vác cả gia đình.

Hắn đặt chén trà xuống bàn, ngẩng đầu nhoẻn cười với nàng, đôi mắt phượng hẹp dài bình thản nhưng không chút lạnh lẽo, ánh nhìn ấm áp hơn mùa xuân. 

 

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play