Du Vấn là người đầu tiên biết Đồng Hoài phải đi làm thêm.
Là bạn nối khố, để bày tỏ sự cảm thông, cậu ta đã cất công gọi xe vượt qua nửa thành phố, chạy đến trước mặt Đồng Hoài, ôm con thú bông hình Stitch đập bàn cười như điên ba phút, tới tận khi Đồng Hoài nghiêm mặt định nhét chiếc dép vào miệng cậu ta.
Du Vấn vội che miệng gạt lệ: “Không phải, đi làm thật hả?”
Để thay đổi thói hư tật xấu do được chiều từ bé của Đồng Hoài, khi lên cấp ba, Đồng Kính Viễn cố gắng trên rất nhiều mặt để con trai như sống trong một gia đình thông thường.
Ông ra quyết định này ngay cả ông bà của Đồng Hoài cũng không thể thay đổi, nói muốn Đồng Hoài đi làm thuê là thực sự quyết tâm làm vậy, không phải chỉ cần Đồng Hoài qua loa cho xong là được.
Du Vấn nảy ra ý đồ xấu: “Hay là kêu ông bà nội cậu đi khiếu nại đi? Giả bộ khóc lóc om sòm? Hoặc là bữa nay tụi mình lấy hộ chiếu đi nước ngoài du lịch, đợi khai giảng rồi về?”
Đồng Hoài giật lại con Stitch, lườm cậu ta: “Tôi là người như thế à?”
Du Vấn ồ lên: “Cửa hàng của chú Sài xa nhà cậu lắm đó.”
Nhà mẹ của Đồng Hoài cũng không giàu có gì, chú Sài là bạn lâu năm mà mẹ cậu quen biết.
Cửa hàng Sài Ký mở ở khu Vọng Trăn phía tây thành phố, ở đó vốn là “thiên đường của quỷ nghèo”, hướng tây khu đó là vùng ngoại ô, là vùng đất cũ kĩ nghèo khổ nhất. Hai đời nhà họ Sài đã kinh doanh quán cơm nhỏ ở khu đó mấy chục năm, đồ ngon giá rẻ, làm ăn khấm khá.
“Ba tôi kêu tôi lúc nghỉ hè về nhà cũ bên đó ở.”
Du Vấn trìu mến xoa mái tóc xoăn của cậu: “Chú Đồng bận làm việc, không rảnh trông coi cậu, lo khi nghỉ hè cậu chơi bời quá trớn đó. Suy nghĩ tích cực lên, cậu sắp lời được thùng vàng đầu tiên* rồi đó!”
(*Thùng vàng đầu tiên là chỉ phần tiền lời đầu tiên trong quá trình khởi nghiệp)
Đồng Hoài hất tay của cậu ta ra: “Dẹp đi, có tên phú nhị đại* nhận được thùng vàng đầu tiên bằng cách đi làm ở quán ăn bưng đĩa lau bàn không hả?”
(*Đời thứ hai của gia đình giàu có, nói chung là con nhà giàu đó)
Du Vấn chẳng nghĩ ngợi: “Cậu đó.”
Đồng Hoài nhảy dựng lên đánh cậu ta.
Đồng Kính Viễn sáng sớm đã bay tới Hải Nam, Đồng Hoài nướng đến mười giờ thì bị Du Vấn đào khỏi ổ chăn, đuổi đánh ầm ĩ một hồi mới đi rửa mặt. Dì Trần biết rõ lịch làm việc nghỉ ngơi của Đồng Hoài trong lòng bàn tay, nấu xong bữa trưa, lên lầu gõ cửa: “Tiểu Hoài, Tiểu Vấn, ăn trưa nè, dì có làm mấy món hai đứa thích đó.”
Du Vấn nghe tiếng thì vui vẻ chạy xuống còn nhanh hơn cả Đồng Hoài.
Đợi Đồng Hoài ăn xong bữa trưa, dì Trần đưa tờ giấy ghi chú cho cậu: “Tiểu Hoài, ba con kêu dì đưa cho con.”
Lão cha chuyên hãm hại con trai này còn biết để lại lời nhắn à?
Đồng Hoài nhận lấy:
Con trai, tận hưởng bữa ăn cuối cùng rồi.
Hay lắm, biết lúc cậu ăn cơm thấy câu này sẽ nuốt không trôi nên cố ý dặn dì Trần đợi cậu ăn xong mới đưa.
Quả nhiên là cha ruột, khỏi cần giám định.
Làm thêm hè ngày mai bắt đầu, hai nơi cách nhau quá xa nên hôm nay Đồng Hoài phải đi rồi.
Nhà cũ là chỗ lúc trước mẹ cậu từng ở, sau khi mẹ mất, Đồng Kính Viễn mua lại nhà cũ, lúc nhớ người vợ đã mất sẽ đến đó ngồi một đêm.
Cho nên bên đó không cần dọn dẹp vì vốn đã có người trông coi rồi, chỉ cần mua thêm đồ dùng sinh hoạt.
Du Vấn thân là anh em tốt, lại ăn chùa bữa trưa, việc đáng làm thì phải làm đi theo Đồng Hoài đến đó.
Hai cậu ấm đi tàu điện ngầm qua, đến nơi thì cầm danh sách được dì Trần lo lắng liệt kê ra giùm, đi đến siêu thị gần đó mua đồ.
Đồng Kính Viễn tuy đang cố gắng uốn nắn tật xấu của con trai, nhưng rốt cuộc vẫn đau lòng, tiền tiêu vặt mỗi tháng nói là hạn chế nhưng cũng không ít chút nào.
Nói cách khác, dù Đồng Hoài thất hứa, bị cắt tiền tiêu vặt hai tháng, vẫn có đủ tiền đi chơi khắp nơi, ra nước ngoài với Du Vấn hết hè mới về vẫn được.
Nhưng dù Đồng Hoài không tình nguyện, vẫn đến đây.
Đồng Kính Viễn biết rõ tính cách con trai, chẳng mảy may lo lắng cậu bỏ trốn.
Đến trước siêu thị, Đồng Hoài lướt lướt vòng bạn bè.
Ồ, lớp trưởng đi Ý du lịch.
Ô, ủy viên học tập đang học đàn tranh.
À, Trần lão cẩu về Lệ Giang thăm người thân.
Kì nghỉ hè của mọi người đều vô cùng sống động, cậu mặt mày xám xịt.
Nét mặt của cậu chủ nọ nặng nề, cực kì khó chịu, vào siêu thị, mua bàn chải trước, tính soi mói lại trỗi dậy: “Cái đầu bàn chải này bự quá.”
“Cứng quá.”
“Mềm quá.”
“Nhỏ quá.”
“Màu xấu quắc.”
“Mẫu này xấu quá.”
“Ấn tượng đầu không tốt.”
“Nhìn cũng được nhưng tôi cứ không thích đó.”
…
Du Vấn thầm nghĩ, mình đã làm gì nên tội mà phải đi theo cậu chứ, thiệt khó hầu hạ.
Hai người dừng ở khu đồ sinh hoạt cả tiếng đồng hồ. Du Vấn lầm bầm, cảm thấy cuộc sống quá đau khổ, trời thì nóng, muốn mua dưa hấu ăn.
Mãi cho đến khi Đồng Hoài chọn xong đồ dùng sinh hoạt, lúc ra khỏi khu đồ sinh hoạt, xe đẩy đã đầy ắp, cái gì cũng mua.
Du Vấn nâng mắt, ồ: “Đó chẳng phải là học thần mới chuyển đến lớp các cậu sao?”
Tiết Đình thi tháng nhảy dù*, đạp người đã từng ngồi vững như bàn thạch ở vị trí hạng nhất lớp xuống, hạng nhất lúc trước không phục nên khiêu chiến cậu ta, cậu ta còn chẳng mở mí mắt, cuối kì lại áp chế người ta.
(*Ở đây ý nói bé Đình mới tới mà vượt qua biết bao nhiêu học sinh giỏi chiếm vị trí cao trước đó để giành hạng một ý)
Lần thi tháng trước mọi người đều gọi cậu ta là học bá, thấy xếp hạng cuối kì xong liền đồng loạt đổi thành học thần.
Đồng Hoài quay đầu nhìn, đối diện là khu rau quả, người đang đứng bên đó lựa dưa hấu đúng thật là Tiết Đình.
Nghỉ hè, cởi bỏ bộ đồng phục rộng rãi, Tiết Đình mặc chiếc áo thun chữ T màu đen đơn giản, cao gầy xán lạn, bộ dạng lười nhác, đeo tai nghe một bên, lẫn trong nhóm bà lão ông lão và các cô gái cực kì nổi bật.
Không biết tại sao, Đồng Hoài cứ cảm thấy bộ dạng lười biếng của Tiết Đình, nhìn là ngứa tay.
Lúc này, Tiết Đình đang cầm trái dưa hấu, cực kì thong thả vừa vỗ vừa nghe, trông rất chuyên nghiệp.
Mấy cô gái bên cạnh vốn đã mua dưa hấu rồi, nhưng thấy Tiết Đình, lại đỏ mặt đến gần giả vờ muốn mua thêm.
“Cần chào hỏi không?”
Du Vấn học lớp bảy, cũng là tên học dốt như Đồng Hoài, còn thích đánh nhau, mơ mơ hồ hồ trở thành trùm trường. Cậu nhóc dốt nhưng rất có tự giác và giáo dưỡng, thấy người có thành tích học tập tốt sẽ tôn trọng ba phần.
Đồng Hoài trước đó vì chuyện giao ước với Đồng Kính Viễn mà phiền muộn gần chết, ghét ai cũng kể với anh em, giống hệt mấy cô gái hay tìm chị em tốt kể lể, lại không nói mình đã kết thù với Tiết Đình, nghe thế vội vã kéo Du Vấn lại: “Đừng, cậu ta làm tôi phiền muốn chết.”
Đồng Hoài không tim không phổi, có thể ghét một người đến thế, cũng chẳng phải chuyện dễ gì.
Du Vấn lập tức đứng về phe anh em: “Được, nghe lời cậu, từ nay trở đi, Tiết Đình sẽ là người đứng đầu danh sách đen của Cá* Nhỏ tôi đây.”
(*Du (俞) trong Du Vấn và Cá (鱼) trong Cá Nhỏ phát âm giống nhau)
Tiết Đình vẫn chưa biết mình đã bị người ta cho vào danh sách đen.
Hai người cho cậu ta vào danh sách đen đang trốn sau kệ hàng, im lặng, nín thở nhìn cậu ta chọn dưa hấu.
Cậu ta cụp mắt nhìn dưa hấu trên tay, trầm ngâm chốc lát, rất có tinh thân thực nghiệm mà mua quả dưa nọ, rồi nhờ nhân viên cắt ngay tại chỗ.
Thấy cậu ta chuyên nghiệp lại thông thạo chọn dưa nửa ngày trời, ngay cả Đồng Hoài và Du Vấn cũng hơi tò mò, vịn kệ hàng rướn cổ nhìn.
Răng rắc một cái.
Ruột trắng hạt mềm.
Dưa hư.
Tiết Đình và quả dưa mắt to trừng mắt nhỏ, vẻ mặt thong dong bình tĩnh trong thoáng chốc nứt ra, tựa như không tin rằng bản thân thế mà thất bại.
Phút chốc, cậu lại trầm ngâm chọn lựa kĩ càng thêm một trái.
Răng rắc ––
Lại một trái hư.
Có thể từ trong mấy chục trái dưa chọn ra hai trái tệ nhất, kĩ thuật kiểu này đúng là đỉnh cao.
Đồng Hoài dựa vào Du Vấn, che miệng và ôm bụng cười như điên.
Mắt thấy Tiết Đình còn muốn chọn tiếp, một bác gái gần đó không nhìn nổi nữa, chọn một trái dưa, vỗ vỗ nghe không tệ, đưa qua: “Chàng trai trẻ, quả này nè.”
Nhân viên cửa hàng nhận lấy, thuần thục giơ tay múa dao.
Chém xuống, thứ nước màu đỏ bắn ra.
Răng rắc, âm thanh trong trẻo, ruột đỏ lộ ra, trông vừa giòn vừa ngọt.
Tiết Đình đứng yên tại chỗ mấy giây, đầu rũ xuống, rõ ràng là đang tạm thời nảy sinh một chút nghi ngờ với thế giới này.
Đông cứng hồi lâu, cậu ta nhận một cuộc gọi đến, mơ mơ hồ hồ, Đồng Hoài chỉ nghe câu cuối cùng “Ừm, mua được dưa hấu rồi, sắp về đây”.
Sau đó cậu cảm ơn dì kia, bọc màng giữ tươi cho phần dưa hấu đã cắt, cầm đi tính tiền.
Đồng Hoài bỗng dưng nhớ đến vết máu trên tay Tiết Đình.
Không biết xuất phát từ tâm trạng gì, thấy Tiết Đình đi, cậu cũng vội vã kéo Du Vấn theo, còn không quên lấy hộp sữa bò, lúc tính tiền xong, ra siêu thị đã chậm mấy bước, nhìn thấy Tiết Đình lên xe buýt, đi về phía tây thành phố.
Vùng đất này bị gọi là “khu người nghèo”, càng đi về phía tây càng nghèo, ra khỏi thành là núi, chẳng có cảnh gì đặc sắc lại không có di tích văn hóa cổ, không khai phá được gì, bị bỏ phế nhiều năm rồi.
Xem ra hoàn cảnh gia đình Tiết Đình không tốt lắm.
Đồng Hoài ra kết luận, quay đầu ném Tiết Đình ra sau đầu, cầm đống đồ dẫn Du Vấn về nhà cũ.
Vì Đồng Kính Viễn muốn giữ cho nơi này nguyên vẹn không thay đổi, nên nhiều năm rồi chưa tân trang, chỉ gia cố chỗ dễ sập.
Nhà cũ danh xứng với thực, cả tòa nhà có hai tầng, hai căn ở tầng dưới chỉ có một đôi vợ chồng già ở, lầu trên không có ai.
Đồng Hoài lấy chìa khóa ra mở cửa, két một tiếng, hình ảnh căn nhà hơn bốn mươi mét vuông được thu hết vào đáy mắt, liếc một cái đã thấy toàn bộ. Hai phòng ngủ một phòng làm việc, thêm bếp và nhà tắm, bức tường loang lổ, cách bày biện cũ kỹ, đồ dùng trong nhà cũng được che phủ bởi lớp kính thời gian.
Khác một trời một vực với biệt thư dựa vào núi ở bên kia của nhà họ Đồng, mộc mạc chết đi được.
Nghe nói đây là nơi mẹ Đồng Hoài lớn lên.
Đồng Hoài rầm rì, chê cái này tệ, chê cái kia dở, đến một căn nhà cũ chỗ nào cũng không tốt, đúng là không biết chê cái gì.
Du Vấn rất biết nhìn tình hình, không có mù quáng phàn nàn.
Hai người dây dưa ở siêu thị quá lâu, còn mua không ít đồ vật vớ vẩn, đợi khi tháo đồ ra – sắp xếp xong thì trời đã tối đen.
Du Vấn vỗ trán một cái: “F*ck, ông nội tôi tối nay qua ăn cơm, nhém quên mất, anh em, có việc thì liên lạc với tôi, quân sư đây lúc nào cũng online phục vụ cậu. Tôi té trước đây.”
Cậu vừa đi, căn nhà cũ không quá lớn trông có vẻ trống trải hẳn.
Đồng Hoài cầm lấy điện thoại, đặt đồ ăn, sau đó đi quanh căn nhà mấy vòng, thấy cái bàn màu đỏ bị tróc sơn loang lổ, thấy ghế sô pha bị rách viền và bạc màu, lại ngồi xổm ở vách tường, nghiên cứu chữ viết nguệch ngoạc không quá rõ ràng trên đó hồi lâu. Cuối cùng đi đến ban công, thấy chậu hoa hồng vẫn chưa chết, biết rõ là Đồng Kính Viễn nhín thời gian đến đây tưới nước.
Hừ, chạy đến đây tưới nước cho hoa lại không quan tâm trông chừng con trai.
Trong lòng Đồng Hoài phàn nàn, cầm lấy bình phun, tưới nước cho hoa.
Cậu từng được Đồng Kính Viễn dẫn đến đây, nhưng chưa từng ở lại qua đêm. Ăn cơm tắm rửa xong, nằm xuống giường, dù dì Trần đã đến giúp cậu trải giường từ trước nhưng cậu vẫn không quen.
Nhà cũ cách âm kém, cũng không phải khu vực tốt gì, tiếng xe cộ và tiếng la lớn “Nhóc con đừng chơi nữa về ngủ đi” gần đó vang lên rõ ràng như ở sát vách.
Đồng Hoài lăn qua lộn lại không ngủ được, dứt khoát mở video giảng bài Vật Lý.
Hiệu quả cực tốt, tới phần tốc độ thẳng đều, cậu không ngọ nguậy được bao lâu thì đã mơ màng ngủ mất.
Ngày thứ hai, khi Đồng Hoài tỉnh dậy thì trời đã sáng trưng.
Cậu mơ mơ màng màng mò lấy điện thoại nhìn xem – Tám giờ sáng, còn sớm.
Đồng Hoài yên tâm nằm xuống, nhắm mắt lại.
Ba giây sau, cậu như bị điện giật đùng một cái nhảy dựng lên, luông cuống tay chân xông vào nhà tắm đánh răng rửa mặt mặc đồ, thay giày cầm điện thoại lao ra ngoài.
Tiệm Sài Ký cách đây không xa, nhưng lúc đến nơi, Đồng Hoài đã trễ hơn nửa tiếng.
Sài Lập Quốc cầm đồng hồ bấm giờ, ngồi xổm trước cửa chậm rì rì đếm, thấy nhóc con thở hổn hển chạy đến, cười híp mắt: “Giống hệt lời ba con nói, ngày đầu quả nhiên tới muộn, Hoài cục cưng, phải trừ lương nha.”
Đồng Hoài chống đầu gối, lúc chàng trai ngước lên, trông thật gầy gò, lại thêm khuôn mặt nhỏ lanh lợi, khỏi nói cũng biết đáng thương cỡ nào.
Cậu mềm giọng, khổ hề hề gọi: “Chú Sài…”
Chưa nói cái gì cả, giọng điệu nũng nịu thay đổi nhanh như chớp, khiến người ta khó lòng từ chối.
Sài Lập Quốc mềm lòng mấy giây, rồi lại nhẫn tâm, vẫn quyết định trừ lương.
Đồng Hoài làm nũng không thành, nghiêm mặt: “Vậy bác đừng nói với ba con chuyện đi trễ nha.”
Mất mặt chết đi được, thể nào cũng bị Đồng Kính Viễn chọc đến sang năm.
Sài Lập Quốc thấy cậu chủ nhỏ kia ỉu xìu đến mức nhúm tóc trên đỉnh đầu cũng cụp xuống, vội vã nói được, mái tóc xoăn mới khôi phục sức sống.
Lúc tiệm không quá đông khách, một mình Sài Lập Quốc có thể ứng phó được, nhưng gần đây cửa tiệm rất bận, vợ Sài Lập Quốc lại phải mổ, một mình ông khó mà lo hết được.
Phỏng chừng do ông thuận miệng nói với Đồng Kính Viễn hai câu, Đồng Kính Viễn mới nảy ra ý định này.
Vào tiệm, Sài Lập Quốc đưa cho Đồng Hoài cái tạp dề: “Hoài cục cưng, mặc vào đi.”
Ba Đồng Hoài bên kia kêu cậu con trai, mẹ bên này lại gọi cậu Hoài cục cưng.
Đồng Hoài nhìn cái tạp dề hình con gà màu hồng phấn Sài Lập Quốc đặc biệt đi mua, chẳng cảm thấy bản thân là cục cưng xíu nào, đen mặt buông tay không muốn làm nữa.
Thấy Đồng Hoài vẻ mặt chán ghét không chịu buộc tạp dề, Sài Lập Quốc thở dài: “Ba con nói con là đàn ông con trai, nhất định sẽ không làm trái giao ước…”
Lỗ tai Đồng Hoài cử động, đấu tranh một hồi, cắn răng, nhắm mắt lại, khuất nhục mặc cái tạp dề hồng phấn vào.
Không ít khách đang ngồi đợi điểm tâm trong tiệm, thấy cậu thì vui vẻ cười: “Ồ, anh chàng đẹp trai ở đâu ra vậy ta?”
“Đừng căng mặt như thế, màu phấn tôn cậu lên mà, đẹp trai lắm.”
“Ông Sài con trai ông à? Da mịn thịt mềm, chẳng giống ông.”
Sài Lập Quốc từ bếp chui ra, khua khua cái giá: “Con trai tôi cắm rễ ở nước ngoài rồi, nào có nhớ đến tôi với mẹ nó đâu, còn đây là do tôi lừa về đó, đồ dễ vỡ, mấy người cẩn thận xíu.”
Mọi người cười vang đầy thiện ý.
Trong bầu không khí sôi nổi, Đồng Hoài bụm mặt ngồi xổm ở góc tường phòng bếp, sống không thể yêu chuẩn bị tư tưởng.
Sài Lập Quốc nhìn cậu lớn lên, biết cái tính khí khó chịu này của cậu, cũng không hối thúc, vừa nhìn vừa làm một hồi, thấy Đồng Hoài khó khăn trèo lên, không biết lấy khẩu trang từ đâu ra rồi đeo vào: “… Con chuẩn bị xong rồi.”
Sài Lập Quốc không thể tin nhìn thời tiết: “Dự báo thời tiết nói hôm nay bốn mươi hai độ lận, trong tiệm cũng không có điều hòa đâu.”
“Chú.” Đồng Hoài rầu rĩ nói, “Mặt mũi quan trọng.”
Sài Lập Quốc khua khua cây dao phay: “Nhóc con, đến chỗ chú làm việc mất mặt lắm à?”
“Bị phát hiện nguyên nhân phải đến chỗ chú làm việc rất mất mặt.” Đồng Hoài nghe thấy chuyện không đúng, lập tức kéo khẩu trang xuống, cười nịnh hót Sài Lập Quốc, sau đó nuốt ngụm nước miếng, ngoan ngoãn bưng đĩa ra ngoài, lại bị trêu chọc.
Đồng Hoài: “…”
Thôi vậy.
Dù sao thì ở khu này, trừ chú Sài ra, chắc chẳng có ai biết cậu.
Cậu chủ nhỏ hạ phàm cứu vớt nhân gian đau khổ, người ăn được điểm tâm do cậu đưa đều là người may mắn mới có vinh hạnh này.
Tự thôi miên mình xong, Đồng Hoài lại phát hiện vấn đề mới.
Bưng bê còn đỡ, nhưng cậu cực kì kháng cự việc lau bàn, trên bàn vung vãi nước tương dầu ăn và cháo, trông rất dơ, hơi buồn nôn, cậu cầm giẻ lau, chết sống không xuống tay được.
Sài Lập Quốc biết phải làm sao mới trị được cậu, kéo dài giọng điệu: “Ba con nói con là đàn ông con trai…”
Đồng Hoài hạ giẻ xuống lau.
Lau xong hai bàn, Đồng Hoài ra sau bếp nhăn mặt giặt giẻ. Đang giặt thì quán vốn không còn ai lại có thêm khách.
Sài Lập Quốc chào hỏi: “Hôm nay cũng đến à.”
Đối phương trả lời, âm thanh là sự sáng sủa đặc trưng của thiếu niên, nhưng thanh tuyến lại trầm hơn.
Hơi quen tai.
Đồng Hoài ngẩng đầu nhìn, khuôn mặt đẹp trai cậu khắc sâu trong não lọt vào tầm mắt.
Má nó, Tiết Đình!