Dì Chúc ôm cô trấn an hồi lâu, vốn dĩ dì đang do dự hay mình không đến bệnh viện nữa, nhưng sau khi Ôn Nhiễm hít thở sâu mấy hơi, cô đã nói: “Dì Chúc cứ tới bệnh viện ạ. Cháu không sao đâu, cháu sẽ ngoan ngoãn ở nhà. Dì nhanh đi, bệnh viện ạ, đừng trì hoãn việc khám bệnh… đừng để ảnh hưởng đến sức khỏe.”
“Vậy Nhiễm Nhiễm về phòng nghỉ ngơi một lát nhé?”
Ôn Nhiễm vô cùng nghe lời lên lầu. Dì Chúc đắn đo, định gọi cho Tạ Vân Lễ thì anh đã gọi điện đến.
Anh bảo đang trên đường về.
Dì Chúc gửi cho Tạ Vân Lễ một văn bản dài đã được soạn sẵn, mở đầu như sau: Những việc nhất định phải chú ý khi ở cạnh Ôn Nhiễm.
1. Nhiễm Nhiễm được can thiệp trị liệu khá sớm, ngoan ngoãn hơn trẻ tự kỷ bình thường, cũng thông minh hơn. Đừng xem con bé là đứa trẻ, con bé đã trưởng thành rồi, nhiều việc có thể tự mình làm.
2. Giờ giấc sinh hoạt của Nhiễm Nhiễm đã được sắp xếp đúng trật tự, ví dụ như sẽ ăn cơm vào thời gian cố định, tám rưỡi ăn sáng, một rưỡi ăn trưa, bảy rưỡi ăn tối… Bình thường con bé chỉ ăn món mình thích, không thể chấp nhận đồ ăn bên ngoài.
3. Con bé có thể tự vẽ tranh, đọc sách, xem TV, trò chuyện với hình của mẹ, cũng có thể ngồi ngẩn người. Trong khoảng thời gian ấy, bất kể người khác làm gì, con bé cũng sẽ không bị ảnh hưởng.
4. Ôn Nhiễm sợ tạp âm ồn ào, nếu đột nhiên vang lên tiếng động, hãy che tai con bé, hoặc đeo nút tai cho con bé. Hết sức hạn chế khiến con bé trở nên nóng nảy, vì con bé rất khó kiểm soát tâm trạng của mình, xin hãy kiên nhẫn một chút.
5. Nếu Ôn Nhiễm bỗng cảm thấy bất an, vậy bất kể con bé làm hành động lo lắng sốt ruột gì, cũng có nghĩa con bé đang cầu cứu. Tuyệt đối đừng coi nhẹ cách cầu cứu này, phải dốc sức ở cạnh con bé vỗ về con bé, để con bé biết mình vẫn an toàn.
…
9. Đừng miễn cưỡng tiến hành tiếp xúc cơ thể với Nhiễm Nhiễm, cũng xin đừng ép buộc con bé phải đối mặt với cậu hoặc giao tiếp bằng cách khác. Trong chuyện này, con bé cần rất nhiều thời gian kiên nhẫn để hướng dẫn.
10. Hành vi rập khuôn, ngôn ngữ lặp lại mà người bệnh tự kỷ nào cũng mắc phải, con bé đã cải thiện hơn hẳn. Nhưng nếu chúng đột nhiên xuất hiện, vậy chắc chắn những hành vi này sẽ khiến con bé dễ chịu. Trong mắt con bé, đó không phải hành vi bệnh lý, làm ơn đừng phủ định rồi ngăn cản. Chuyên gia trị liệu từng nói, đấy là một cách tiếp cận khoa học hơn để hiểu ý nghĩa và giá trị đằng sau các hành vi của con bé, dạy cho con bé chiến lược tương ứng, giúp con bé tự điều chỉnh tốt hơn.
Mặc dù không biết Tạ Vân Lễ có nhẫn nại đọc hết không, thậm chí có thể dốc sức làm những việc này không, nhưng dì Chúc vẫn thở phào nhẹ nhõm, tựa như đã hoàn thành xong một nhiệm vụ quan trọng.
…
Lúc Tạ Vân Lễ đến, dì Chúc đã đi rồi.
Trước khi rời biệt thự, dì Chúc đã chuẩn bị cơm trưa cho họ, bao gồm phần của Tạ Vân Lễ. Một vài mục cần chú ý, dì cũng dụng tâm dán giấy ghi chú ở các nơi trong phòng bếp.
Sau bữa sáng, Ôn Nhiễm sẽ đọc sách một lát, ngây người một lát, sau đó vẽ tranh. Vẽ tầm hai tiếng rưỡi, cô sẽ xuống lầu đi dạo một lúc, rồi ăn bánh ngọt và trái cây, xem TV.
Tạ Vân Lễ xem đồng hồ, bây giờ cô cũng sắp kết thúc giờ vẽ tranh rồi. Tạ Vân Lễ ngẩng đầu nhìn trên lầu, quả nhiên cửa phòng đang đóng.
Tuy căn biệt thự này thuộc về anh, nhưng cách trang trí bên trong đều dựa theo ngôi nhà trước kia của Ôn Nhiễm. Nhất là phòng ngủ được sắp xếp tương tự, còn sô pha trong phòng khách cũng phải tốn rất nhiều thời gian mới đặt làm được kiểu dáng giống hệt.
Bạn đang đọc bản chuyển ngữ thuộc về allinvn.net
Lúc cô vừa vào ở, dì Chúc từng đề nghị anh hãy đợi cô thích nghi rồi hẵng đến. Dù bề ngoài giống nhau cỡ nào, Ôn Nhiễm vẫn phải cần một khoảng thời gian mới có thể làm quen được. Thế nên, khi Ôn Nhiễm và dì Chúc chuyển vào, anh đã không tới suốt hai tháng.
Về sau, mỗi lần đến anh cũng không ở quá một tiếng, anh chỉ ngồi một lát, nói chuyện với dì Chúc một hồi rồi đi.
Dì Chúc là một người bảo mẫu tận tâm cực kỳ, mỗi khi Tạ Vân Lễ ghé, dì sẽ luôn trình bày kỹ càng với anh về tình hình của Ôn Nhiễm. Hơn nữa, chỉ cần là người có mắt thì sẽ nhận ra, dì Chúc yêu thương và chăm sóc Ôn Nhiễm như con gái ruột. Đối với Ôn Nhiễm, dì tuyệt đối không chỉ đơn giản là một người bảo mẫu, Ôn Nhiễm vô cùng dựa dẫm vào dì, đương nhiên tình cảm này được hình thành từ quãng thời gian dài bầu bạn và trông nom.
Dì Chúc ít khi xa Ôn Nhiễm, bây giờ dì vắng nhà, căn biệt thự càng trở nên yên tĩnh hơn. Ở trên lầu, Ôn Nhiễm giống hệt con vật nhỏ thu mình trong phòng, không hề phát ra âm thanh nào.
Lần trước anh tới đây, Ôn Nhiễm ở dưới tầng hầm. Tầng hầm của biệt thự vốn dĩ nên cải tạo thành hầm rượu, hoặc nơi chơi bida, thế nên nó cũng không nhỏ, sau này để trống không dùng đến, cô ở đó làm gì?
Tạ Vân Lễ tới cửa phòng tầng hầm, cửa không khóa, đẩy nhẹ là mở ra.
Bên trong đen kịt, không thấy gì cả, anh đưa tay sờ công tắc, cạch một tiếng mở lên.
Tất cả mọi thứ trong phòng hiện ra trước mắt anh, khiến người ta kinh ngạc không thôi.
Tạ Vân Lễ cứ đứng đó, gần như không thể tin nổi, sau hồi lâu anh mới bước vào.
Là tranh, là tranh Ôn Nhiễm đã vẽ, toàn bộ được treo trên tường, hoặc bày trên kệ theo một cách sắp xếp nhất định. Trong số những bức tranh ấy, có vài bức là tranh phác họa màu xám, có vài bức tranh sơn dầu màu sắc phong phú, chiếm đa số là các bức tranh giống truyện cổ tích.
Tựa như lạc vào xứ sở cổ tích từng say đắm thời thơ ấu, thậm chí anh còn thấy vô số hình ảnh kinh điển trong truyện cổ Andersen và truyện cổ tích Grimm, ví dụ như nàng tiên cá, ba chú heo con, vịt con xấu xí, Công chúa Bạch Tuyết, người tuyết… Đủ loại cảnh trong truyện cổ tích, nào là lâu đài, cô bé mặc váy Công chúa, động vật nhỏ đi xuyên qua rừng rậm, tòa thành được làm từ socola, sinh vật khổng lồ lông xù, chuyến tàu du hành khắp rừng…
Ngay cả triển lãm tranh cổ tích mà anh từng xem, cũng không muôn màu muôn vẻ thế này.
Những thứ này… hoàn toàn do Ôn Nhiễm vẽ từng đường từng nét sao?
Khó lòng tưởng tượng hơn cả là, vô số người cứ nghĩ thế giới nội tâm của trẻ tự kỷ luôn đơn điệu, không logic, cho rằng các bé không thể hiểu được nhiều sắc thái của thế giới này. Giống một tên gọi khác: Đứa trẻ của các vì sao, quả thực, nhiều trẻ tự kỷ sẽ luôn ở trong tinh cầu nhỏ của chính mình, không để người khác bước vào, bản thân cũng rất khó ra ngoài. Với một đứa trẻ như vậy, việc mà bố mẹ có thể làm chỉ là không ngừng kiên nhẫn và đồng hành cùng con, hy vọng bé có thể từ tinh cầu ấy quay về Trái đất, nơi chốn thuộc về mọi người.
Nhưng thực chất, các bé vẫn có tư tưởng riêng, hành vi bất thường, ngôn ngữ kỳ lạ trong mắt người khác, tất cả đều là cách khiến các bé thoải mái nhất khi đối mặt với thế giới. Các bé cũng dùng cách của riêng mình để tương tác với thế giới bên ngoài, đôi khi lặp lại một vài lời nói kỳ lạ giống thần chú, có lẽ các bé đang tự hỏi và phân tích tư duy của bản thân, hoặc có lẽ đang luyện tập những lời mình sẽ nói, hay có lẽ mấy câu nói đó sẽ giúp các bé bình tĩnh lại.
Bạn đang đọc bản chuyển ngữ thuộc về allinvn.net
Nhiều người thấy đứa trẻ như vậy, trên cơ sở không hiểu ý nghĩa của những hành vi này, lại ép buộc can thiệp và loại bỏ “hành vi rập khuôn” của các bé, xem tất cả hành vi đó là căn bệnh, mà chưa từng cố gắng tìm hiểu ý nghĩa sâu xa thật sự đằng sau. Họ không tài nào tìm được cách giao tiếp đúng đắn thích hợp với các bé, dẫn tới việc không thể gần gũi các bé, thấu hiểu các bé.
Nhưng một khi ai đó thật sự đủ kiên nhẫn, dùng cách chính xác bước vào thế giới của các bé, có lẽ sẽ phát hiện ra, không phải nội tâm của trẻ tự kỷ nào cũng đơn điệu, cổ quái. Trong số các bé, cũng có trường hợp giống Ôn Nhiễm, nội tâm phong phú nhưng không biết cách biểu đạt suy nghĩ của mình.
Toàn bộ tài năng, học vấn và trí tưởng tượng vô hạn không thể biểu đạt trong đầu mình, Ôn Nhiễm đã vẽ hết xuống giấy.
Trong tâm hồn cô, nào chỉ dừng ở một thế giới truyện cổ tích.
Nếu người vẽ nên các bức tranh này là một vị họa sĩ nổi tiếng nào đó, nhất định họ sẽ nhận được đông đảo sự chú ý.
Đến bức tranh nào, Tạ Vân Lễ cũng sẽ nhìn một chút, rồi anh thấy rất nhiều tranh chó con.
Nhưng không phải giống chó cưng xinh đẹp đắt tiền, mà là các chú chó lang thang trốn trong hẻm, bị bỏ vào thùng rác, ướt đẫm dưới cơn mưa.
Chúng có hoàn cảnh khác nhau, nhưng cũng có điểm giống nhau, khiến người ta không khỏi sinh lòng thương xót.
Cô không thường ra ngoài, sao lại gặp được nhiều chó hoang như thế?
Ôn Nhiễm vẽ các bức tranh về chúng luôn xoay quanh một chủ đề: Thế giới nội tâm bơ vơ không nơi nương tựa, yếu đuối nhưng chỉ có thể cố giả vờ hung hãn của chúng.
Tạ Vân Lễ đứng đây hơn hai mươi phút rồi mới ra ngoài, anh khẽ khép cửa lại.
Cô giấu cả vùng trời riêng của bản thân trong căn phòng dưới tầng hầm này, có lẽ… chưa bao giờ muốn người khác phát hiện ra.
Anh cũng sẽ không nói mình đã tới đây, bởi lẽ anh là một kẻ gian lận - Ôn Nhiễm không hề cho phép anh bước vào thế giới chỉ thuộc về cô này.
…
Tạ Vân Lễ liếc nhìn thời gian, mười một rưỡi rồi.
Anh lên lầu, đến trước cửa phòng làm việc, nhẹ nhàng gõ cửa: “Ôn Nhiễm, anh đây. Em muốn ra ngoài xem TV không?”
Dừng một chút, anh tiếp tục: “Anh sẽ chờ em dưới lầu.”
Một lát sau, anh nghe thấy âm thanh mở cửa cẩn thận dè dặt, rồi im lặng thêm mấy giây, có lẽ cô đã hít thở sâu vài hơi, tiếp đó vang lên tiếng dép lê di chuyển khi cô xuống lầu.
Suối tóc dài của cô đã được dì Chúc chải chuốt, vén gọn ra sau lưng. Cô mặc áo khoác len bên ngoài chiếc váy ngủ dài, dưới làn váy lộ ra một phần bắp chân nhỏ nhắn trắng nõn.
Ôn Nhiễm hiếm khi ở trong một không gian một mình, hầu hết thời gian dì Chúc sẽ luôn ở cạnh cô. Nếu ở gần một người xa lạ quá lâu, cô sẽ cảm thấy vô cùng lo lắng bất an.
Song, Tạ Vân Lễ nào phải người ngoài, anh là người thân của cô, là người chồng đã kết tóc xe tơ với cô.
Ôn Nhiễm hít sâu một hơi, thận trọng bước qua.