Nguyễn Khiết và mấy đứa bạn khác tuổi nhặt củi ở trong rừng, nhặt được một đống củi, còn so xem ai nhặt được nhiều hơn. Sau khi nhặt xong thì bó lại bằng dây thừng, rồi để lên lưng cõng về nhà.
Các cô gái gánh củi vừa đi vừa khẽ ngân nga dân ca với tiếng hát không đồng đều để góp vui.
Sống ở một vùng nhỏ bé thế này, trong lòng các cô chẳng có muộn phiền và lo âu gì cả, cũng không có hy vọng nào khác. Nếu mỗi ngày đều có thể ăn no, thỉnh thoảng nếm được một chút vị ngọt và vị thịt trong dịp lễ tết đã là niềm hạnh phúc lớn lao lắm rồi.
Bởi vì không có quá nhiều ước muốn, thế nên lại càng dễ thỏa mãn và cảm thấy hạnh phúc.
Song niềm hạnh phúc giản đơn này cũng rất dễ bị phá hỏng.
Nguyễn Khiết gánh một bó củi vui vẻ trở về nhà, cô ấy bước đến trước nhà nhưng chưa vào cửa, bởi vì trông thấy người mẹ Tôn Tiểu Tuệ nên chẳng vui nổi.
Từ nhỏ đến lớn, dường như mẹ của cô ấy không muốn thấy cô ấy vui vẻ.
Chỉ cần cô ấy vui, Tôn Tiểu Tuệ sẽ có cách khiến cô ấy không vui ngay lập tức.
Nguyễn Khiết chẳng muốn nhìn thấy Tôn Tiểu Tuệ, nhưng bà ta đã cất tiếng gọi cô ấy.
Nghe thấy tiếng nói, Nguyễn Khiết không thể không dừng bước ngoài cửa nhà, nhưng cô ấy chẳng ngoảnh đầu lại, cũng không cất lời.
Tôn Tiểu Tuệ tiến thẳng đến đằng sau Nguyễn Khiết rồi giơ tay tóm lấy bả vai nhằm xoay người cô ấy lại.
Trong ba đứa con bà ta không thích nhất là Nguyễn Khiết, tối hôm qua bảo nó làm việc nhưng không được, hiện tại bà ta càng vô cùng chán ghét Nguyễn Khiết.
Trong lòng kìm nén một cơn giận, bà ta cất tiếng chửi mắng: “Mày đui hả? Không thấy tao à?”
Nguyễn Khiết cúi đầu cắn môi không lên tiếng.
Thấy nó như vậy, Tôn Tiểu Tuệ rất muốn tát nó hai bạt tay cho hả cơn giận trong lòng. Nhưng bà ta sầm mặt kìm nén sự thôi thúc để không giơ tay tát vào mặt Nguyễn Khiết, mà duỗi tay kéo dây thừng trên vai nó.
Nguyễn Khiết nhận ra bà ta muốn làm gì, vội vàng rụt vai lui về sau.
Cô ấy nhìn Tôn Tiểu Tuệ, nói: “Của con nhặt mà.”
Tôn Tiểu Tuệ trợn to mắt: “Thì sao? Của mày nhặt thì sao? Tối hôm qua bảo mày nhóm lửa mà mày không làm, tao còn chưa tính sổ với mày đâu! Mày đừng quên tao là mẹ mày, là tao đẻ ra mày đấy!”
Nói rồi bà ta lại kéo dây thừng trên vai Nguyễn Khiết, giữ bả vai và tháo củi sau lưng cô ấy xuống.
Nguyễn Khiết cố phản kháng nhưng không đủ sức, níu dây thừng lại một cách khó khăn, hốc mắt cũng đỏ theo.
Cô ấy giữ một đầu dây thừng không buông tay, nhìn Tôn Tiểu Tuệ và nói: “Đây là của con nhặt mà.”
Tôn Tiểu Tuệ chẳng có chút kiên nhẫn đối với Nguyễn Khiết, bà ta giơ tay đẩy cô ấy ra, suýt chút đẩy cô ấy ngã xuống đất.
Sau khi đẩy Nguyễn Khiết ra, Tôn Tiểu Tuệ xách củi đi vào túp lều tranh nhỏ, vừa đi vừa mắng chửi: “Con nhỏ chết tiệt, lương tâm của mày chắc bị chó ăn rồi, cái thứ ăn cây táo rào cây sung, mang thai mười tháng đẻ ra mày cũng như không!”
Nguyễn Khiết cố đứng vững để không ngã, nhìn Tôn Tiểu Tuệ bỏ đống củi mà cô ấy nhặt được vào bếp lò trong phòng bếp mới xây. Người bị đẩy đau, bàn tay bị dây thừng cọ xát cũng hơi đau, trong lòng cực kỳ ấm ức, cô ấy mếu máo và rồi nước mắt tuôn rơi.
Cô ấy không khóc thành tiếng mà chỉ sụt sịt, sau đó dùng tay áo lau đi nước mắt.
Tôn Tiểu Tuệ vào phòng bếp đốt củi rồi đi về nhà chính, còn nói: “Sau này nhặt củi thì đưa hết cho tao bỏ vào phòng bếp, mày mà còn ăn cây táo rào cây sung nữa là khỏi cho mày ăn bánh kẹo!”
Trong nhà có đủ loại rơm rạ của cây trồng để nhóm lửa, rơm lúa mì này kia, còn có cùi bắp. Nhưng mấy thứ đó không tốt như củi nhặt trong rừng, nấu ra được bữa cơm thơm ngon hơn, vả lại cũng dễ đốt hơn nhiều.