Đoàn lô tô

Đoàn lô tô


3 tuần

trướctiếp

 

Tên tôi là Thạch, Trần Văn Thạch.

Đấy là cái tên được bố tôi đặt cho với sự kì vọng rằng thằng con này của ông sẻ trở thành một thằng đàn ông mạnh mẻ và cứng rắn như là đá vậy. Nhưng có lẻ tôi đành phải phụ lại sự kì vọng đó của ông thôi bởi dường như cái thân thể này đã hoàn toàn bị phần nữ tính chiếm hết rồi. Tôi thì có bao giờ dám cho ai biết đâu và cố giấu nó thật sâu vào bên trong mình rồi rồng mình hết thể để cho người ta không nhận ra cái sự ấy, bởi trong cái xã hội này người ta dường như rất kì thị những người giống họ nhưng lại không giống họ. Có vẻ như cho dù có cố thế nào đi chăng nữa thì người ta vẫn nhận ra cái sự ấy vì cái cơ thể này của tôi được sinh ra là nó như đã chứng minh cho cái điều ấy rồi vậy. Tôi có một làn da trắng bẩm sinh từ bé điều này là tôi được thừa hưởng từ mẹ, tất cả các ngón tay, rồi eo cho đến bắp chân đều thon dài và đặc biệt tôi không hề có lông tay và lông chân nhiều như bao thằng con trai khác, điều này khiến tôi phải luôn mặc quần dài và áo khoác ngoài thì mới dám bước chân ra đường. Còn về phần gương mặt tôi thì lại càng rõ ràng hơn, đôi mi tôi cong vút và dài, môi đỏ má hồng, mái tóc thì lúc nào cũng óng ả, giọng nói thì chả khác nào là con gái mặc dù năm nay tôi đã 15 tuổi cái độ tuổi mà đáng lý ra khi vở giọng thì con trai sẻ có một giọng nói trầm hơn nhưng tôi lại không như thế, cũng vì điều ấy mà làm tôi rất ngại nói chuyện với bạn bè vì mỗi khi âm thanh được thoát ra từ miệng tôi thì y như rằng những âm thanh từ các phía ngược lại được dịp tuôn ra trêu ghẹo tôi.

Tôi nhớ năm đó khi tôi 13 tuổi, vào cái ngày mưa rơi xối xả xuống căn nhà của gia đình tôi, những tiếng sấm vang trời dường như cũng được hoà vào cơn thịnh nộ của bố tôi khi ông phát hiện ra sự thật đó. Nhìn vào đôi mắt ông, tôi dường như đoán biết được ông suy nghĩ gì, chắc hẳn ông cho rằng một người như ông tại sao lại sinh ra một thể loại người như tôi, tại sao cái sự ấy lại rơi vào đúng gia đình ông. Ông xem tôi như một sự trừng phạt mà thượng đế đã giáng xuống đầu ông bởi những lần ông tức giận hay trì triết một ai đó. 

Ông biết được điều đó là vì một lần tình cờ vào phòng tôi và ông phát hiện ra những tấm hình của các nữ thần tượng mà tôi giấu dưới tấm nệm của tôi, những tấm ảnh mà tôi đã rất khó khăn mới có được.

  • Gì đây? Mày giấu mày cái thứ này ở đây làm gì hả Thạch?

Tôi nhớ như in cái khoảnh khắc mà ông cau đôi mài rậm rạp như những vị tướng thời xưa của ông nhìn tôi như thể đang nhìn một thứ quái dị cùng cơn thịnh nộ ngút trời, từng lời ông thốt ra như tiếng sấm nổ.

  • Dạ con...

Tôi sợ hãi chẳng dám đáp lại rồi đưa ánh mắt cầu cứu nhìn về phía mẹ tôi đứng bên ngoài cửa phòng mà không ngừng rơi nước mắt. Bà vốn dĩ rất thương tôi, luôn vỗ về và an ủi mỗi khi tôi bị bàn bè bắt nạt hay trong những lúc mà tôi té đau. Nhưng đứng trước cái uy quyền đó của bố tôi thì bà đành lực bất tồng tâm.

Và tôi đành thú thật với ông. Nghe xong ông lại liền đặt thêm những câu hỏi tại sao tôi lại như vậy, nhưng tôi thì biết trả lời sao cho ông được thoả đáng đây, bởi chính tôi cũng không muốn mình như vậy. Tại sao ông trời lại không sinh tôi ra với một thân thể của một đứa con gái mà lại đày đoạ tôi thế này.

Ông tức giận rồi cầm sấp hình trên tay chỉ thẳng vào mặt tôi thét lớn.

  • Tao đốt, đốt hết, tao không chấp nhận nổi cái thứ bệnh hoạn như mày được, Trời Ơi!! Mày mà không trở lại thành thằng con trai đàng hoàn thì đừng nói chuyện gì với tao nữa!!

Nói rồi ông quay người toan bước ra khỏi cửa.

  • Đừng mà bố ơi!!

Tôi vội nắm lấy cánh tay ông rồi vang nài, nhưng ông chỉ nhìn tôi với cặp mắt ghê tõm rồi hất ngã tôi ra sàn. Tiếng cánh cửa đống sầm lại rõ to mà tôi ngỡ như nó có thể bị bung ra khỏi bản lề. Khi này mẹ tôi mới chạy đến rồi đỡ tôi dậy, lúc đó tôi chỉ biết úp mặt vào người bà mà khóc thôi.

Kể từ cái ngày đó bố không còn nói chuyện nhiều và đếm xỉa gì đến tôi nữa, chỉ một cái liếc nhìn thôi ông cũng hà tiện với tôi, ông xem tôi cứ như là một nổi ô nhục của đời ông vậy.

Trong mỗi bửa ăn, ông luôn kể nể về việc mấy lão hàng xóm cứ khoe về việc con họ làm được thế này làm được thế kia với những vẻ mặt từ hào và chúng làm ông muốn phát tức, điều đó khiến ông rất ngại phải đi đến những buổi tụ hợp như thế vì khi nghĩ đến việc phải nghe họ kể về việc thằng con này của họ đạt được thành tích này hay thành tích kia thì ông lại thấy hổ thẹn ra. Tôi thì không giỏi việc gì cả, tôi cũng muốn làm ông tự hào lắm chứ, muốn được ông đem tôi đi khoe từ nhà này sang nhà kia lắm chứ, nhưng thú thật là tôi không biết mình phải làm gì để ông cảm thấy được tự hào về tôi đây nữa.

Tôi được sinh ra và lớn lên tại xã Vĩnh Bình Nam thuộc huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiêng Giang miền tây Việt Nam. Nơi mà người ta vẫn hay phong cho nó cái danh là có cảnh vật nên thơ hữu tình, tàu thuyền đi ngược về xuôi, nổi tiếng với với những con người hiếu khách, chất phát, thật thà và đặc biệt nghĩ gì nói đó, và đôi khi những lời mà họ nói là làm vô tình sẻ làm tổn thương người nghe nếu không quen tai. Người dân vùng này chính yếu sống bằng nghề chăn nuôi ao hồ, cụ thể là nuôi tôm, cua cá là nhiều và gia đình tôi thì cũng có một mãnh đất cho cái nghề đó, nhà tôi nằm sát mé sông gần chợ nên mỗi sớm tôi thường bị đánh thức bởi tiếng máy chạy của những chiếc vỏ lải, lâu lâu là tiếng máy ì đùng của những chiếc ghe lớn, và điều đó đã trở thành quen thuộc với tôi, tôi xem nó như một chiếc chuông báo thức để cho tôi biết là mình cần phải dậy rồi.

Cũng vì nhà gần chợ nên việc đi lại để mua những vật dụng thiết yếu rất chi là thuận tiện, cả việc đi học của tôi cũng vậy, tôi chỉ mất hơn 10 phút đi bộ là đã có mặt tại trường. Tôi năm nay đã vào lớp 9, ngôi trường cấp hai mà tôi học nằm vào một gốc của khu chợ, vì là chợ xã nên thôi cũng không lớn lắm.

Vào một buổi sáng ban sương. Tôi nâng lưng dậy khỏi dường rồi khẽ mở cửa sổ phòng ra, những tia nắng ban mai được dịp lọt vào phòng tôi và in xuống sàn nhà tạo thành các đường kẻ dài do đi qua các song sắt. Những chiếc võ lãi cứ lần lượt chạy qua trước mắt tôi tạo thành các rợn sóng làm nhấp nhô những đọt lục bình trông thật vui mắt. Tôi đánh mắt qua nhìn vào chiếc đồng hồ treo tường thì đã là 6 giờ 5 phút rồi, tôi biết là mình cần phải nhấc mông ra khỏi giường ngay để chuẩn bị đến trường nếu không tôi sẻ phải nghe bài ca càu nhàu từ bố tôi.

Bước ra khỏi phòng rồi nhìn về cuối dãy hành lang hướng về nhà bếp, bố mẹ tôi đã có mặt đầy đủ ở chiếc bàn tròn, ông thì đang ngồi bắt chéo chân uống trà, tay cầm tờ báo, miệng thì nhai nhóp nhép mẫu bánh còn mẹ thì tay bưng nước rót cho ông và chuẩn bị bửa sáng cho cả nhà. Tôi thì rất ngại phải qua đó nhưng tôi phải qua thôi, vì đó là hướng về nhà tắm, tôi cần vệ sinh cá nhân trước khi đến trường.

  • Ông nghe tin gì chưa? Chú Ngạn chuẩn bị gã con gái đó.

Mẹ tôi nói, đoạn tôi vừa đi đến gần bàn ăn.

  • Vậy hả? Khi nào?
  • Còn hơn nửa tháng nữa lận.

Nếu tôi nhớ không lầm thì đấy là chú Ngạn trong Bờ Lời thì phải, chú ấy có hai người con gái, chắc là gã chị út rồi.

  • Nhỏ đó đến giờ mới lấy được chồng à?

Ba tôi nói.

  • Cũng gần 30 rồi nhỉ?
  • Còn tôi thì không biết có dâu hay không đây?

Như có dịp ông lại lấy điều đó ra để trì triết tôi.

Câu nói của ông làm tôi khựng lại trước thềm nhà vệ sinh. Tôi quay lại nhìn về phía ông cũng như nhìn về phía mẹ tôi, rồi được bà phẩy tay nói nhỏ.

  • Rửa mặt nhanh rồi ra ăn sáng để đi học, con.

Tôi nhìn bà giây lát rồi hình bóng của bà cũng lẩn vào trong bóng tối khi tôi nhắm mắt quay đi.

Tôi trở ra và cố gắng vượt qua bửa sáng sượng sùng với món bánh mì quẹt cá mồi cùng với những cái trứng ốp la được bày hết ở trên chảo.

Dùng xong phần mình, tôi trở về phòng và chuẩn bị cặp sách để đến trường. Tuy trường cũng không phải là nơi yêu thích của tôi nhưng ít ra không khí ở đó vẫn đỡ ngộp ngạt hơn ở nhà.

Tôi ra khỏi phòng rồi bước dọc theo hành lang hướng ra cửa cái. Tôi có ngoái nhìn về phía nhà bếp thì đã không còn ba và mẹ tôi ở đó, tôi đoán là mẹ đang ở nơi mái hiên nhà đang chăm bẩm cho những chậu lan được treo đầy trên những cây đòn tay của bà, còn bố tôi thì chắc là ra vuông hay đi chợ rồi gì đó rồi, vì đó vẫn luôn là nhịp sống diễn ra hằng ngày của gia đình tôi.

Vừa bước đến thềm nhà, mẹ đã ngưng lại cái việc tưới tươm và bước đến bên tôi rồi thả nhẹ vào tai tôi vài lời.

  • Đi học vui nha con, mẹ yêu con lắm.

Nói xong bà dúi vào tay tôi tờ 20 ngàn rồi hôn lên má tôi.

  • Cám ơn mẹ nha, con cũng vậy.

Tôi cũng trả bà lại một nụ hôn lên má rồi xỏ dép vào.

Khi vừa đặt chân đến đầu lộ tôi vừa hay tôi lại bắt gặp thấy hình bóng của Vũ Hạ đang loay hoay đón cô bạn gái của anh từ trên xe một cô bạn khác.

  • Em có mang cầu cho buổi thể dục không?
  • Ây thôi em quên mất.
  • Không sao, tao có mang theo đây.

3 người họ vừa cười đùa vừa nói với nhau rồi cùng rồ máy chạy đi, 3 người 2 xe.

Vũ Hạ thì lớn hơn tôi ba tuổi lận và đang học tại một trường cấp 3 ngoài chợ Vĩnh Thuận. Anh có dáng người cao ráo mặt mài sáng sủa rất được nhiều cô gái quay quanh và các bà mẹ ưng ý chọn làm con rễ. Cô bạn gái mà anh chọn cũng rất xinh đẹp và duyên dáng khiến cho ai nhìn vào cũng đều nói họ rất xứng đôi vừa lứa, về phần tôi thì cũng thấy vậy, chị có một làng da trắng tinh, mắt chị to và đẹp như ngọc trai, đôi mi thì cong vút, dáng người thon thả và chị thật sự rất dể thương với cái răng khểnh khi cười, tôi thì cũng có một cái y vậy chỉ là nó nằm về bên trái.

Nhà Vũ Hạ nằm xéo nhà tôi về phía bên kia con đường, nhà anh chuyên bán các loại lưới bắt cá, lưới chày cho đến những chiếc lú dài thướt tha, rồi cả cần câu nữa, nói chung những thứ có liên quan đến đánh bắt cá tôm là anh đều có cả, trước đây anh em chúng tôi từng chơi rất thân với nhau nhưng giờ thì không còn như vậy nữa, tôi không rõ tình cảm anh em của chúng tôi đã sức mẻ từ bao giờ, chắc là vào cái mùa hạ năm ấy, cái thời gian mà Vũ Hạ đã dần dần chuyển sang lạnh nhạt với tôi mà không rõ lý do, đó là vào mùa hè khi tôi vừa học xong lớp 8 chuẩn bị sang lớp 9 thì trong một lần anh rũ tôi đi đặt lú bắt cá, cả hai cùng ngồi trên một chiếc xuồng làm bằng gỗ cây sao của ba Vũ Hạ, trên xuồng có đến tận 5 cái lú, thứ mà người ta vẫn hay dùng để đặt xuống lòng sông để bẩy những con cá xui xẻo trên đường đi của nó, đôi khi là được cua, được rắn, được tôm nó được hình thành bởi rất nhiều những chiếc khung vuông được nối với nhau lại bởi một khung lưới dài, nó sẻ được kéo dài ra như một con trăn khổng lồ khi người ta dùng nó rồi thu gọn lại khi người ta định đem đi hay cất giữ, hai anh em tôi định sẻ dành cả ngày trên sông nên có mang theo cả cơm và thức ăn cho hai buổi trưa, chiều, tôi thì chắc chắn là không biết làm cái việc đặt lú đấy rồi, nên tôi cũng chuẩn bị cho mình một cái cần câu để ngồi chờ trong lúc anh đi đặt lú để có cái mà làm thú vui, vì nếu chỉ ngồi không thì chán lắm, hơn thế tôi cũng muốn thể hiện được giá trị của bản thân mình theo cách riêng của mình, tôi ngồi đằng trước mũi xuồng anh ngồi đằng sau lái, những hàng cây từ hai bên bờ cứ chạy ngược về phía chúng tôi với vận tốc tương đương với việc chúng tôi chạy xuồng, anh Vũ Hạ chỉnh mũi xuồng ôm vào những khúc cua rồi tắc vào bên trong những ngã rẽ, chạy mãi thì chúng tôi cũng tới điểm dừng, anh thả tôi lên bờ để mặc tôi làm việc tôi còn anh thì làm việc mình, khi đã đặt xong tất thẩy những cái lú thì anh bơi xuồng lại chỗ tôi rồi chờ đợi.

Trong lúc chờ cho đến giờ thăm lú thì anh kể cho tôi nghe về hết mọi chuyện trên trời dưới đất, như việc thằng Thắng trộm xoài bị ông bảy rượt đến té rách cả quần, hay thằng An đi xe mà cứ chọc gái làm nó té chổng mông xuống mươn của nhà ông Trí, hay cả việc thằng Thuận bị mẹ nó đánh mắng thế nào khi bắt gặp nó ở tiệm game, anh kể nhiều lắm nhưng tôi thì chưa bao giờ cảm thấy chán khi nghe những câu chuyện mà anh kể mặc dầu đó là chuyện gì hay anh có kể đi kể lại bao nhiêu lần đi chăng nữa.

Khi cả hai đã rơi vào một khoản lặng tôi mới buộc miệng hỏi anh một cách ngu ngơ.

  • Sao anh lại rũ em đi vậy?
  • Ai biết?

Anh cười đáp lại rồi ngã người xuống sạp xuồng.

  • Để anh ngủ một giấc đã, chạy sáng giờ mệt rồi.

Tôi ầm ừ một cái đáp lại lời anh, nghe xong từng ấy câu chuyện mà anh kể mà dây câu của tôi lại chẳng động đậy tí gì, thế là tôi toan ý quyết định sẻ chuyển sang một địa điểm khác.

  • Em đi chỗ khác câu nhé.
  • Ừ, đừng đi xa quá, kẻo lạc.
  • Em biết rồi.
  • Gần đến giờ cơm thì về, chứ ăn một mình chán lắm.
  • Em biết rồi.

Nói xong tôi một tay xách xô đựng cá tay còn lại cầm cần rồi nhảy vọt lên phần đất phía trên, tôi đi qua hết cây này rồi cây kia mà tôi thì lại chẳng biết chúng tên là gì, nếu như có Vũ Hạ đi cùng thì chắc chắn là anh sẻ giải thích cho tôi, nhìn lên cao tôi chỉ thấy nhá nhem vài tia sáng xuyên qua những tán cây gọi xuống mặt tôi, những sợi dây leo cứ chen chít nhau đu từ cây này sang cây khác rối như tơ vò, những rễ cây lớn cứ đôn lên khỏi mặt đất như là những con rắn khổng lồ đang phơi lưng trên nền đất ,nghe đúng lời anh dặn, tôi đã không đi quá xa kẻo đường bị lạc thì tôi sẻ chẳng nhớ đường về, vì tôi vốn là một đứa đảng trí mà, nhưng ít ra tôi cũng phải tìm được một nơi nào có nước hồng có dấu hiệu của cá sống chứ, thế rồi tôi ngồi phỉnh xuống tại một gốc cây rồi phóng cần ra chỗ một con kênh nhỏ.

Tôi ngồi đó tận 30 phút nhưng lại không câu được gì, tôi thì cũng đã bắt đầu thấy đói bụng rồi, và bầu trời thì cũng đã bắt đầu âm u khi mây đen đang lủ lượt kéo đến, khi vừa toan đứng dậy để về lại xuồng thì tôi bắt gặp một con cá rô phi to đùng đang nấp mình bên dưới một khoản đất nhô ra, lúc đó mắt tôi liền sáng lên như đèn pha ô tô rồi phóng cần ra đó một lần nữa, nhưng có lẻ tôi vừa làm một hành động cực kì ngu ngốc rồi thì phải, vì khi lưỡi câu vừa chạm nước đánh động làm nó bơi đi mất, rồi tôi đuổi theo nó, tôi vừa nảy ra một ý định là sẻ dùng cái xô mà mình mang theo để bắt nó luôn, con cá này nó dẫn tôi đi hết từ đoạn này cho đến đoạn kia của con kênh, nó rẻ hướng nào là tôi phóng theo hướng đó, và tôi không biết có một ma lực nào từ nó hay không mà nó lại cứ khiến tôi đâm đầu đi theo nó mãi, chắc là vì tôi cũng muốn có một câu chuyện với một cái kết có hậu để đem về mà kể lại cho Vũ Hạ nghe,  tôi nhận ra rằng khi tôi càng hấp tấp chạy theo nó thì nó sẻ cành bơi nhanh hơn, nghĩ thế mà tôi cũng dần chậm lại, bước chân cũng nhẹ nhàng hơn, và rồi nó cũng đã dừng lại, tôi khom người xuống rồi áp sát nó như một người lính để cho địch không phát hiện ra rồi nhân lúc kẻ địch không đề phòng rồi ra tay, khi này tôi đã ở ngay trên đầu nó rồi, chỉ việc vung xô ụp xuống thôi, tôi từ từ đưa tay ra hết sức cẩn thận và tôi cá là nó sẻ chẳng biết được vì nó có nhìn lên đâu chứ, rồi tôi từ từ hạ xuống đến gần sát mặt nước rồi tôi ụp tay thật nhanh xuống, những tiếng lục bục phát ta từ bên trong chiếc xô và tôi biết là mình đã thành công, tôi lôi nó lên và nhìn vào thành phẩm của mình mà lòng háo hức vô cùng muốn được mang nó quay lại xuồng ngay để khoe với Vũ Hạ, rồi tôi sẻ kể với anh về cách mà tôi đã bắt được nó như thế nào, trời lúc này cũng đã bắt đầu rơi những hạt mưa đầu tiên xuống, tôi quay đầu lại bước đi dọc theo con kênh mà con cá đã dẫn tôi đến đây, tôi đi cho đến một ngã 3 của con kênh thì tôi mới chợt xửng người lại rồi tự hỏi lại rằng mình đã đi đến từ hướng nào trong khi đó có quá nhiều những ngã rẻ, tôi nhớ thoang thoảng là con cá nó dẫn tôi đi qua đến ba bốn cái ngã rẻ luôn thì phải, lúc này tôi đã có chút hoảng rồi, trời mỗi lúc một mưa to hơn, tôi nhớ có đoạn mình đã nhảy sang bờ thì phải, nhưng lại không nhớ rõ là khúc nào, thế rồi tôi cũng quyết định là sẻ nhảy qua bên kia bờ đất định đi tiếp, nhưng xui rủi sao tôi lại bị trượt chân do mưa đã làm ướt đất và kết quả là tôi bị chật chân, lúc ấy tôi đau và hoảng lắm, vừa đói vừa mất phương hướng lại còn bị đau nữa, lúc này tôi mới thét lên cầu cho Vũ Hạ có thể nghe thấy tôi mà đến tìm tôi nhưng có vẻ những lời tôi nói đều bị hoà vào tiếng mưa ầm ỉ rồi, tôi cố gắng tiếp tục bước đi mặc cho chân tôi đang rào thét lên vì đau nhói, cố lắm tôi chỉ đi được một đoạn mà tôi lại chẳng biết là mình có đang đi đúng hướng hay không nữa, cũng vì mệt và đau quá nên tôi mới quyết định tựa vào bên dưới một thân cây to rồi hi vọng rằng nếu Vũ Hạ không thấy tôi trở về thì sẻ đi tìm tôi, tôi ngồi dầm mưa ở đó rất lâu, không nhớ nổi là bao lâu, cơn đói, nổi sợ, và sự lạnh lẻo nó kéo đến cùng lúc làm tôi cứ ngỡ như là mình đã sấp chết tới nơi rồi vậy.

Mãi một lúc sau thì cơn mưa cũng đã dừng và có vẻ như ông trời đã chán việc hành hạ tôi, và một giọng nói quen thuộc, một giọng nói mà tôi cực kì kì vọng đã có diệp được vang lên trong rừng cây rậm rạp này.

"THẠCH ƠI, EM ĐÂU RỒI?".

Tôi như bừng tỉnh khi nghe thấy lời Vũ Hạ và tôi đáp lại trong cơn yếu ớt và run rảy.

Và rồi anh đã xuất hiện trước mặt tôi, mình mảy ướt sủng, đôi chân lắm lem bùn đất, tôi nhìn anh như nhìn một vị cứu tinh rồi tôi chợt bật khóc.

Kể từ dạo ấy, tôi không biết vì sao anh lại lảng tránh tôi, tỏ ra vô cùng lạnh nhạt với tôi, tôi nghĩ chắc là do tôi đã không nghe lời anh, vì tôi mà anh bị ba mẹ la, và rồi khoản cách của tôi và anh lại được kéo ra xa hơn khi năm học mới được bắt đầu, và anh đã có bạn gái, nhưng không phải là cô người yêu hiện tại, trước đó đã có hai người và họ đều có nét gì đó rất na ná nhau, có lẻ như người ta vẫn thường nói thì điều đó thuộc về gu.

Tôi vừa sải bước trên con đường lộ đan vừa nhớ về những khoản kí ức ấy mà cảm thấy vừa buồn nhưng cũng vừa vui, vui là vì những kỉ niệm mà anh em tôi đã cùng nhau trải qua và buồn thì cũng vì những kỉ niệm mà anh em tôi đã từng trải qua.

Nhưng thôi, dẫu có thế nào thì mọi chuyện cũng đã qua và ai cũng cần có cuộc sống của mình để hướng về tương lai và nổi buồn của tôi cũng nhanh chóng bị xé toạc đi bởi khung cảnh xung quanh tôi.

Lọt vào tầm mắt tôi là một màu vàng ống ánh xuất hiện hai bên đường được tô lên bởi màu hoa của loài cây chuông vàng và đúng như cái tên mà người ta đã đặt cho nó bởi hoa của nó nhìn tựa như những chiếc chuông, bắp chuối non được treo tòn ten trên cây mẹ và tôi không biết số phận nó thế nào, liệu nó có được lớn lên hay sẻ bị một bác nông dân nào đó hái đi và trở thành một phần trong bửa ăn của họ, rồi đến những quả dừa mộc thành những quầy đề huề được treo tuốt ở trên cao, gió mang hương thơm của mùi hoa xoài thoang thoảng đến quanh mũi tôi, tôi kiểng chân và đưa tay ra hái trộm một quả mận rồi ngấu nghiến nó trên đường đi, tôi phóng tầm mất ra xa hơn thì thấy có vẻ như cây mít của nhà bác Dân cũng cần được hái xuống để bổ xẻ rồi, nhìn vườn mía của bác Lâm mà phát thèm cây nào cây nấy thẳng tấp và cao lêu nghêu, chiếc hàng rào của nha cô Thuý thật sự rất đẹp và nổi bật với một dàng hoa giấy leo trèo xung quanh và nếu nhà tôi cũng có hàng rào thì tôi cũng muốn được như vậy, hàng bạch đằng cao lớn kéo dài theo bờ sông cùng với những bụi cây điên điển, bên dưới lác đác là vài bụi rau răm, tất cả những loại cây loại hoa đó tụ hợp lại với nhau như thể con đường này là một khu vườn mà mọi đứa trẻ như chúng tôi đều muốn nán lại để leo trèo hái lượm, đi được một đoạn thì một khoản đất trống chợt hiện ra và đó là nơi mà lũ nhỏ chúng tôi có thể biến tấu nó thành bất kì sân gì cho mọi bộ môn như bóng đá, bóng chuyền, cầu long, rượt bắt vâng vâng và mây mây tuỳ vào sự sáng tạo của chúng tôi, đi thêm một đoạn thì cũng đến cái công trình mà tôi sợ nhất, là nhà mồ nơi chôn cất những người đã mất, ban ngày khi đi ngang đây thì chẳng sao mà mỗi khi có dịp tôi phải đi ngang đây vào buổi tối mua đồ cho mẹ hay gì đó thì y như rằng tôi sẻ dùng hết sức bình sinh mà chạy thục mạng qua đó.

Khu vườn bị bỏ lại đằng sau khi tôi rẻ vào khúc cua và những ngôi nhà cùng những quán ăn sáng kề cận chi chít nhau cũng được dịp hiện ra trước mắt tôi, những cô chú bác trong vùng cùng những cô cậu học sinh như tôi ngồi đầy hết bên hai bên vệ đường, những làn khói toả lên nghi ngúc bởi những người nướng thịt, những bát phở, bát bún nóng hỏi hoà quyện vào cái không khí xe xe buổi sáng lạnh thật là làm cho người ta muốn lao ngay vào để làm một mẻ cho ấm bụng.

Trong số những con người đang thường trực ở đó tôi đó có để ý tới nhóm của thằng Thuận, Chiến và Tâm đang ngồi chờ món ở giang hàng bán bún, tôi đặc biệt chú ý đến ba đứa nó trong đám đông những con người đang tất bật với những công việc của mình là bởi chúng tôi có một mối quan hệ không tốt lắm, đặc biệt là Thuận, tôi không biết vì sao nó lại ghét tôi đến vô cùng, khi xưa tôi có chơi cùng với nhóm nó và với mấy đứa khác trong xóm trên mãnh đất trống kia và cứ mỗi lần tôi buộc phải chung đội với nó là nó liền làm ra cái bộ mặt khó chịu phản đối, và tệ hơn nếu chúng tôi thua trận thì nó lại mang tất cả lỗi mà xối hết lên đầu tôi, những lúc như vậy Vũ Hạ luôn là người đứng ra bảo vệ tôi.

Tôi nấp mình vào một người đàn ông đi cạnh sao để cho tụi nó không phát hiện khi tôi đi ngang qua, vì mới sáng sớm tôi không muốn để vào đầu mình những ngữ từ tiêu cực, nhưng mọi thứ thì có bao giờ như ý muốn tôi, người đàn ông đó đột ngột dừng lại rồi rẻ vào quán ăn bên đường.

  • Ê, đồ yếu đuối.

Thằng Thuận hất cầm về phía tôi nói.

Chán thật, tôi thở hất ra rồi quăng cho thằng Thuận một cái nhìn thật bén rồi bỏ đi luôn.

Trường tôi nằm cạnh bờ kênh(mà người ta hay gọi nó là kênh Tắc) con kênh này hướng thẳng ra sông cái lớn, còn tôi thì học ở trên lầu, và mỗi khi cảm thấy chán nản trong việc học hay khi không hiểu bài là tôi lại đưa ánh mắt mình qua ô cửa sổ, tôi nhìn những cô chú đang bán rau bán cá bán thịt trong khu chợ nhỏ, hay nhìn những mái nhà cao vót mà chẳng biết mình tìm kiếm điều gì ở đó, và đương nhiên là thầy cô chưa bao giờ ưng cái việc làm vô bổ này của tôi.

  • Ê bây ơi nhìn hai con bống biết hút thuốc kìa.

Ngồi trong lớp, tôi có thể nghe thấy rõ tiếng của thằng Thuận, tôi quay đầu nhìn sang thì thấy nó đang đứng ngoài bang công lớp tay chỉ  trỏ về hướng bờ sông với cái đám bạn của nó.

Tôi thì không biết nó thấy gì mà lại thót lên cái từ đó, nhưng đó là một từ khá nhạy cảm đối với tôi và cả những người thuộc giới tính thứ 3.

  • Còn đứa ngồi chỗ mũi tàu là trai hay gái vậy bây?

Thằng Chiến cũng thêm vào góp vui.

Tụi nó mãi lo bàn tán với nhau về điều mà chúng thấy, một lúc lâu sau thì tiếng trống trường cũng vang lên rồi kéo tụi nó vào lớp kết thúc đi đề tài bàn luận của tụi nó.

Bước vào lớp đầu tiên hôm nay là cô dạy sử, cô dành suốt 45 phút đứng lớp để nói về NHỮNG NĂM ĐẦU CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1946-1950), tôi ngồi nghe nhưng chữ thì cứ đi xộc từ lỗ tai này sang lỗ tai khác rồi chạy đi mất chẳng giữ lại được từ nào, tôi thì chỉ có ấn tượng về lời kêu gọi kháng chiến hùng hồn chống thực dân pháp của Chủ Tịch Hồ Chí Minh được cô tái hiện lại, nghe mà uy dũng lắm, cứ như chính cô là người kêu gọi vậy.

Kết thúc môn lịch sử mà cảm xúc vẫn còn chưa lắng xuống là nhào ngay vào môn Anh Văn, và tôi lại phải mất hơn 45 phút nữa để nhớ về những từ vựng cùng những mẫu câu, xong lại phải đau đầu với môn toán mới đến giờ ra chơi và có vẻ đây là tiết mục mà tôi mong chờ nhất trong cả buổi học, nhưng cũng chẳng khá hơn là bao, vì tôi chỉ có một mình, không có bất kì người bạn nào, những đứa con trai hiển nhiên là chẳng có đứa nào chịu chơi với tôi, và tôi thì cũng không đu nổi theo mấy cái trò thô bạo của tụi nó, còn các bạn gái thì tôi cũng muốn chơi cùng họ lắm, nhưng lại sợ mấy đứa con trai lấy đó làm trò trêu ghẹo, thế là tôi một mình luôn.

Tiếng trống trường một lần nữa vang lên lớp chúng tôi không trở về lớp ngay mà tập trung lại ở sân trường để chuẩn bị cho môn thể dục, và ôi thôi đây là môn học mà tôi ghét nhất, vì tôi chẳng đạt được bất kì thành tích nào cho cái môn này cả, ước gì thầy quên tôi và loại tôi ra khỏi môn này luôn thì hay, nhưng mỗi khi định trốn thì thằng Thuận lại mách lẻo với thầy thế là tôi lại phải ra sân.

Chúng tôi khởi động nhẹ bằng những bài tập cho nóng người rồi bắt đầu tham gia vào những phần thi, chúng tôi tâng cầu, rồi đến nhảy xa, sau cùng là chạy vòng quanh sân trường, nam 5 vòng nữ thì 3 vòng, nữ chạy trước rồi đến nam.

  • Tao thấy mày nên chạy 3 vòng thôi thì hơn.

Thằng Thuận ngoái xuống chỗ tôi rồi nói, như một lời châm biếm ý bảo rằng tôi chỉ như một đứa con gái.

Tôi mặc kệ những lời châm chọc của nó và chỉ chờ vào hiệu lệnh của thầy.

Tiếng huýt còi vang lên và cả đám chúng tôi cùng nhau chạy, thoạt đầu chúng tôi chạy nối đuôi nhau rất thẳng hàng cho đến một lúc sau thì một vài đứa bắt đầu thích thể hiện tách đoàn rồi vượt lên trước, những đứa khác cũng không chịu thua rồi cứ thế hết đứa này đến đứa kia vượt lên trước mặt tôi và đến cuối cùng tôi là đứa bị bỏ lại sau cùng.

  • Chậm quá đấy, tao thấy mày nên dừng lại đi.
  • Lêu lêu.
  • Ở lại chạy sau cùng đi nha.

Đây đã là lần thứ hai thằng Thuận vượt lên tôi rồi và cả những đứa khác cũng vậy, điều đó có nghĩa là tôi đã bị trễ hai vòng so với mọi người, và có lẻ thằng Thuận nói đúng, tôi nên dừng lại thôi, tôi bắt đầu thấy mệt rồi, sức tôi chỉ cho phép tôi chạy được vậy.

Quanh sân trường giờ đây chỉ có mỗi mình tôi còn chạy, còn tụi kia thì đã hoàn thành vòng thi và ngồi nghỉ ngơi dưới bóng râm cây giáng hương, tôi thì cũng muốn dừng lại lắm chứ nhưng nhìn về vẻ mặt của đám tụi nó như chỉ chờ có vậy để chăm chọc tôi thì càng làm tôi không muốn dừng lại.

  • Thôi đi, dừng lại đi.
  • Xỉu ra đó bây giờ.
  • Chạy gì chậm như rùa vậy mậy?
  • Hâhha....

Trước những lời châm chọc của thằng Thuận và đám bạn của nó càng khiến tôi phải tiếp tục cố gắng hơn.

Nhưng nghĩ thì dễ vậy thôi chứ sức tôi thì có hạn, khi vừa sắp hoàn thành vòng thứ tư thì tôi như muốn ngã khuỵ xuống rồi, có lẻ tôi chỉ cố được đến đây thôi, hai tay tôi chống xuống gối rồi bắt đầu thở như một con cá mắc cạn.

  • Cố lên em, còn một vòng nữa thôi, cho tụi nó thấy em giỏi thế nào đi.

Tôi ngoái cổ về hướng giọng nói vừa vang lên để xem nó phát ra từ đâu thì ra là nó đến từ thầy thể dục, thầy đứng cạnh các bạn nữ đang ngồi nghỉ ngơi ở trên thảm cỏ xanh kia.

  • Cố lên Thạch ơi, Cố lên.

Rồi các bạn gái cũng đồng thanh mà hô vang tên tôi.

Tôi như được tiếp thêm sức mạnh, những âm thanh chế nhạo từ mấy đứa con trai cũng đành chịu thua trước những lời cỗ vũ từ hội con gái và tôi đã thành công hoàn thành được 5 vòng sân trước cái nhìn không mấy hả hê của tụi nó.

Trở về lớp sau tiết thể dục, tiếp đến là tiết Văn thì cuối cùng buổi học cũng đã tan, tôi bước ra khỏi trường trên đôi chân tôi đau nhức và thân xác kiệt quệ.

Trời cũng đã bắt đầu nắng lên rồi, khu chợ đông đúc lúc sáng cũng đã tan, những quán ăn sáng đã không còn mở nữa, con đường giờ đây hoàn toàn bị học sinh như chúng tôi chiếm hết, những chiếc xe đạp cứ lần lượt vượt lên trước mắt tôi rồi ôm vào cái ngã rẻ đoạn gần đến nhà tôi, rồi tôi cũng rẻ vào theo tụi nó.

Từ đằng xa tôi không hiểu vì sao chúng nó lại dừng lại chỗ bải đất trống rồi ngó vào trong, vì mãnh đất bị khuất bởi nhà mồ nên tôi không thể biết được, thế rồi tôi cũng đi nhanh về phía đó thì cũng biết được là tại sao, ngay tại bãi đất trống đó lúc này nó đã không còn trống nữa bởi nó đã được lấp đầy bởi một đoàn hát lô tô, người người từ đoàn hát cứ lên xuống từ chiếc tàu cây đậu dưới mé sông mang những vật dụng lên để lắp ráp rạp và sân khấu, nào là ngựa rồi lừa, rồng, hổ, cá, được treo tòn ten trên vòng đu quay, từ đằng sau tôi còn thấy cả một đoàn tàu xe lửa nửa, còn phía đối diện kia thì họ đang cho dựng quầy dành cho những trò chơi trúng thưởng, và không chỉ có lũ trẻ chúng tôi tò mà ngay cả những người trưởng thành cũng đứng đó mà xem, họ xem cách mà người ta dựng rạp thế nào, nhìn những người đàn ông mặt đồ phụ nữ vừa đang phì phà điếu thuốc vừa làm việc mà họ vẫn hay gọi những người đó là bê đê là bóng, có lẻ đây là điều mà nhóm của thằng Thuận đã thấy trong trường rồi bàn tán sôi nổi.

Tôi trở về nhà với tâm trạng háo hức và mong sao cho tới tối thật nhanh để được đi chơi hội chợ.

Đến chiều, tôi đã bắt đầu nghe thấy tiếng huy động cứ vang vang lên "6 giờ chiều tại xã Vĩnh Bình Nam có mở hội chợ lô tô, có đầy đủ các trò chơi như đu quay, tàu điện, các trò chơi chúng thưởng cùng rất nhiều phần quà siêu hấp dẫn", lời nói đó cứ lập đi lập lại làm tôi nghe mà háo hức lắm và tôi cá là những ai nghe xong cũng đều cảm thấy y như tôi vậy, đặc biệt là mấy đứa nhỏ như tôi.

Sau khi tắm rửa rồi mặc lên người một bộ đồ mới, những tiếng nhạc sập sình cũng đã bắt đầu được vang lên, tôi vừa bước ra đường là gặp ngay những cặp đôi chở nhau trên xe và cả những đứa trẻ đang đi tung tăng trên đường cùng ba mẹ chúng nó, họ đi về cùng một hướng với tôi và tôi cá là đích đến của họ cũng giống như tôi, từ đằng xa tôi có thể nhìn thấy được rất nhiều người đang tụ hợp rất đông ở đó, những hàng quán bán đồ ăn vặt nào là bánh cá, cá viên chiên, nước uống, đồ nướng cũng có dịp được mở bán, những chiếc ghế mũ và bàn được bày ra kín hết cả sân, những đứa trẻ cười vui trên vòng đu quay rồi đung đưa hết cỡ, những tiếng hét được phát ra từ trò xe lửa, cái nhà hơi cứ không ngừng run chuyển lắc lư bởi những đứa trẻ tinh nghịch, một đám đông đang tụ hợp lại bên trò chơi chuột bọ, bọn họ cứ không ngừng hô to những con số khi người chủ trì trò chơi kéo cái xô lên và con chuột lang bắt đầu hoảng loạn chui trốn vào một trong những ô số, rồi tiếng thét của người trúng thưởng cũng được dịp vang lên sau đó.

Tôi nhìn về hướng quầy trò chơi trúng thưởng thì thấy đám của thằng Thuận đang chơi trò phóng phi tiêu được chủ trì bởi một chị gái ăn mặt rất cá tính, chị đội một chiếc nón lưỡi chai mũi quay ngược về sau, tóc chị ngắn chỉ vừa qua cỗ, chị mặt chiếc áo ba lỗ màu đen, cam như của mấy cầu thủ bóng rỗ để lộ ra chiếc bớt to bằng cái chén ở trên bắp tay phải và giọng chị cũng khàn khàn nghe như đàn ông khi tương tác với đám thằng Thuận, kế bên tôi còn thấy Vũ Hạ đang cùng với bạn gái chơi trò ném lon và họ đã thành công lấy được một chai trà xanh.

Tôi tìm một cái ghế cho riêng mình rồi ngồi chờ đợi cái tiết mục chính mà tôi rất mong chờ và cuối cùng thì nó cũng đã bắt đầu, hai chị bê đê bước lên sân khấu với bộ bà ba lọng lẩy có kiêm tuyến cùng một lớp trang điểm đậm, theo sau là một anh trai với cái bụng tròn trịa cầm theo một vòng quay số, đặt phía sau họ nữa là những phần quà nào là dầu ăn, đường, mì gói, bột ngọt, rồi một trong hai chị bắt đầu nói vào mic: 

  • Xin chào tất cả bà con cô bác đã đến với đoàn lô tô Thuý Loan của chúng em, em là Loan còn kế bên là Thuý.

Chị Loan giới thiệu rồi chị Thuý cùng lúc vẩy tay chào khán giả.

  • Cho em hỏi là mọi người đã ăn tối chưa ạ?

Lần này là đến phiên chị Thuý giao lưu rồi một loạt những tiếng ồ vang lên như để đáp lại lời chị.

  • Cám ơn quý vị, dễ thương gì đâu luôn à?
  • Em thông báo giá vé cho mọi người để bắt đầu trò chơi đi, chứ chị thấy là ai cũng mong lắm rồi đó.

Chị Loan nói.

  • Quý vị ơi, bây giờ trai đẹp của đoàn chúng em sẻ mang giấy vò đến cho mọi người nha, mỗi tờ chỉ 10 ngàn thôi, ủng hộ chúng em nhé mọi người, mại dô, mại dô.

Cái anh trai ban nãy mang vòng quay số lên cùng với hai chị đào hát lúc này mới đi lanh quanh rồi phân phát vé cho mọi người và tôi cũng mua lấy một tờ để dò cho vui, trò này thì chơi cũng dễ thôi vì tôi cũng hay được chơi mỗi dịp tết đến, mỗi khi một con số được đọc lên thì chỉ cần điền vào giấy dò là xong, khi nào có 5 số trên một hàng thì người đó sẻ "kinh" và dành chiến thắng, nhưng cái khác rất nhỏ ở đây là thay thì phải kêu 5 con số thì tờ giấy dò của đoàn này chỉ cần 4 con số thôi là đủ.

Anh trai bán vé cầm sấp giấy dò đi từ chỗ này sang chỗ khác, cho đến khi nó chỉ còn lại vài tờ cùng với sự hối thúc của khán giả thì chị đào hát cũng bắt đầu quay số, chị Loan vừa quay số vừa ngân nga:

  • Con mấy gì ra con mấy gì ra, là ra mà mấy con mấy con mấy gì ra, chiều chiều ở bến Ninh Kiều có người con gái xoả tóc ngang vai, con ba mươi hai, con ba mươi hai, con ba mươi hai.

Tôi nhìn vào tờ vé dò của mình, tiếc thay là không có số 32, tôi có hơi chút thất vọng rồi lại ngẩng lên chờ đợi con số tiếp theo, lần này là đến lượt chị Thuý quay số và vẫn ngân nga câu ca củ:

  • Con mấy gì ra là con mấy gì ra, là ra mà con mấy con mấy gì ra...hòoo ơiiiii, dí dầu cầu ván đống đinh cầu tre lắc lẻo mà rập rền khó đi, thuyền bè đi ngược về xuôi ai mà có lở qua bến nước là lòng không muốn về, ai ơi lại đây tôi nói nhỏ cho mà nghe, lại đây mà tôi nói...yêu lắm đó à he, hai con le le, hai con le le (22).

Tôi dò tự nãy đến giờ cũng chỉ dính được mỗi 5 con, đen hơn lại chẳng vào nổi hàng 3 con nào.

  • Mọi người ơi có ai chờ đợi hẹn hò gì chưa ạ?
  • Đợi rồi nhe.
  • Đợi rồi.

Chị Loan nói rồi khán giả bên dưới này lập tức đáp ngay lời chị.

  • Được rồi, con số tiếp theo của cả nhà chúng ta là gì đây? Hey hey, bây giờ Thuý chơi nhạc rap luôn nhé cả nhà, êy êy, khi xưa anh nói yêu tôi sau giờ đây hai đứa chia xa, khi xưa anh nói thương tôi sao giờ đây anh nở bên ai, anh ơi anh hứaaa làm gì, anh ơi anh nói làm gì, để giờ niềm tin của tôi đã bị anh bẻ gảy con bốn mươi bảy, con bốn mươi bảy.
  • Con 47 quý vị ơi, hay quá em ơi, vỗ tay cho em nó Thuý nào quý vị ơi.
  • Kinh, kinh rồi.

Tiếng nhạc bổng chốc im bật sau tiếng hô của một người đàn ông, vậy là đã có người kinh trong khi vận may của tôi chỉ dừng lại ở hàng 3 con.

Đó là chú Liêm bán rau củ bên chợ, chú cầm tờ vé dò chạy vội lên sân khấu với khuôn mặt hớn hở, sau khi xem xét kỉ càng thì chú cũng nhận được phần thưởng của mình.

  • Chúc mừng anh Liêm vừa nhận được phần quà là một cây đường, xin quý vị cho một tràng pháo tay dành cho anh Liêm ạ.

Chị Loan nói.

Tiếng vỗ tay kết thúc và âm nhạc lại nổi lên, anh chàng bán vé lại tiếp tục công việc của mình chạy tới chạy lui, nhưng lần này người mua có vẻ ít hơn lần trước vì tôi để ý số vé còn lại trên tay anh nhiều hơn trước khi hai chị đào bắt đầu quay số, và trong số những người không mua vé đó có cả tôi, thứ nhất là tôi không còn tiền thứ hai là tôi đến đây chỉ muốn nghe hát thôi chứ cũng chẳng mặn mà gì với mấy trò may rủi này.

Càng về các vòng sau các tấm vé dò còn sót lại trên tay của anh bán vé ngày một nhiều hơn, và người chơi cũng dần thưa bớt để lại nhiều ghế trống hơn.

  • Nãy giờ ngồi xem chăm chú quá nhỉ? Chắc là cùng loại với mày nên mới thu hút mày đến vậy đúng không?

Một giọng nói quen thuộc thoang thoảng bên tai tôi, tôi quay qua nhìn thì đó là Thuận cùng với đám bạn của nó, và vẫn như mọi lần tôi lại đáp trả nó bằng sự im lặng.

  • Tao tự hỏi bọn người đó không biết xấu hổ hay sao mà ăn mặt trông dị hợm như vậy, nhìn mà phát ối.

Nghe vậy tôi điên tiết lên nhìn nó định lên tiếng đáp trả thì không biết giọng nói của Vũ Hạ từ ở đâu cất lên.

  • Mày thôi đi Thuận.

Có vẻ như chắm chú nghe hát quá hay sao đó mà tôi không hề để ý đến việc Vũ Hạ đã ngồi ngay trước tôi từ lúc nào không hay cùng với bạn gái anh và bạn của bạn gái anh.

  • Mày nghĩ mày ngon lắm à? Bộ mày nghĩ chính họ muốn mình trở thành như thế để bị mày nhạo bán thế à? Người ta như thế nhưng họ vẫn làm việc rất chăm chỉ, không ảnh hưởng gì đến ai, còn mày thì chỉ biết chơi bời quấy phá.

Nghe Vũ Hạ nói vậy mặt thằng Thuận liền đỏ lên như một trái cà chua, tôi thấy được sự tức tối ẩn khuất trong mắt nó nhưng lại không làm gì được, rồi nó bỏ đi ngay sau đó.

Tôi nhìn Vũ Hạ với lòng đầy cảm kích.

  • Cảm ơn anh nhé.

Anh nhìn tôi giây lát rồi lại quay lên ngay.

Và rồi hội chợ cũng đã kết thúc, chiếc vòng đu quay đã không còn quay, đoàn tàu xe lửa cũng đã dừng, ngôi nhà hơi cũng đã xẹp, sự yên ắng trả lại cho màn đêm tỉnh mịt, những hàng quán cũng đã được dọn đi và để lại đó là một bải chiến trường chỉ toàn rác là rác, những người chủ trì mỗi trò chơi lo dọn phần mình, tôi nhìn về khoản sân trống thì thấy chị gái chủ trì trò phóng phi tiêu đang cụm cụi lượm từng cái bộc ni long, từng cái lon nhựa cho đến những tờ vé dò bị vo nát hay bị xé toạc ra, thấy vậy tôi cũng liền tiến tới và giúp chị một tay.

  • Chà, cảm ơn em nha.

Giọng chị khàn đặt như một người đàn ông trái ngược lại hoàn toàn với tôi.

  • Không có gì đâu chị, chị tên là gì vậy?
  • Mọi người gọi chị là Xốp, còn em?
  • Em là Thạch ạ.
  • Em mấy tuổi rồi?
  • 15 chị ạ, qua tháng 9 này là em tròn 16 rồi.
  • Hai ta cứ như hai cực của nam châm ấy nhỉ, trái ngược nhau hoàn toàn.
  • Biết đâu vì thế mà lại hút nhau đấy chị ạ.

Chị cười và tôi cũng cười, hai chị em trò chuyện với nhau cả buổi nhặt rác, cứ như có một sự liên kết vô hình nào đó giữa chúng tôi vậy.

Kể từ dạo ấy, niềm vui mỗi ngày của tôi là trông chờ cho tối đến để được đi xem lô tô, để được nghe hát, nhưng có vẻ sự hứng thú đó chỉ đến với mỗi mình tôi, bởi những ngày tiếp theo và tiếp theo sau đó nữa người đến cứ bị vơi dần cho đến hôm thứ 5 thì sự thất vọng bủa vây lấy tôi khi hôm ấy đoàn không mở hội.


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp