Mụ hàng nước bĩu môi, nói:
“Cái đồ nhà quê từ đâu đến, ở cái đất Cổ Long này làm quái gì có chuyện một chén trà chỉ vài xu lẻ? Khôn hồn thì nhả một lạng bạc ra đây, bằng không bà báo quan thì đừng có trách.”
“Ồ? Con mắt nào của mụ thấy ta uống trà của mụ vậy?”
Nguyễn Đông Thanh nhướn mày, bình thản hỏi lại mụ già hàng nước.
Ở Đại Việt, một quan tiền chinh là sáu mươi đồng xu, ba quan được một lạng bạc nén. Năm mươi lạng bạc nén thì được một nén vàng. Ngoài ra còn có bạc vụn, cứ ba lạng bạc vụn đổi được một nén bạc trắng.
Bình thường ở Quan Lâm, Nguyễn Đông Thanh đi chợ ngày cũng chỉ độ năm bảy đồng, một tháng tiêu sang lắm thì hết một quan, quan rưỡi tiền mà thôi. Mụ già hàng nước vừa há mồm ra đã đòi một lạng bạc, cho dù có là bạc vụn đi chăng nửa thì cũng là một tháng tiêu pha của Lão Thụ cổ viện.
Nguyễn Đông Thanh tuy ngại phiền, nhưng cũng không phải là người dễ lấn. Hắn vẫn biết đạo lý: “Thóc đâu mà dãi gà rừng, cơm đâu mà đãi người dưng bây giờ?”
Mụ già hàng nước giống như đã liệu trước, rất là xe nhẹ đường quen, nói giọng khinh khỉnh:
“Buồn cười nhỉ. Ở cái quận Tam này ai cũng là người cao quý, chén trà rót ra mời rồi ai lại đi uống lại nữa? Uống vào để mà nhiễm cái nghèo hèn mạt rệp của chú mày hay sao? Lại nói trà này là trà thượng hạng, là trà của người Tam quận, cho dù thằng nhóc ngươi ngửi một hơi thôi cũng là chuyện cả đời khó được, đương nhiên là phải trả một cái giá đích đáng. Thế có trả không thì bảo?”
Bích Mặc tiên sinh cười lạnh, nhún vai:
“Mụ cũng quen việc thật đấy, chắc hẳn mấy năm gần đây bẫy không ít người đâu. Thôi được...”
Nguyễn Đông Thanh lấy túi tiền, lôi ra hai nén vàng. Trương Mặc Sênh và Hồng Đô đứng kế bên thấy thế, vội vàng nói:
“Tiên sinh việc gì phải để ý đến hạng người này?”
“Nói chuyện với cái hạng người tham lam mất trí cỡ này quả thực là hạ thấp thân phận của tiên sinh,”
Mụ hàng nước nghe thế, bĩu môi:
“Tiên sinh? Lại còn tiên sinh. Chẳng phải là một thằng mất dạy đi ăn quỵt hay sao?”
Hồng Đô nghe đến đây, cau mày, thả tu vi ra.
Mụ hàng nước không ngờ một người phàm như Nguyễn Đông Thanh lại có một cường giả đã vào Vụ Hải theo hộ vệ, nhưng rất nhanh mụ đã chơi ngay cái bài ăn vạ, kêu lên:
“Ối dồi ôi làng nước ơi. Không có vương pháp! Mọi người xem bọn ăn quỵt bắt nạt bà già này!”
Bấy giờ, người đi đường, người bán quán đứng hai bên đường đã dẹp cả sang một bên, háo hức xem cuộc vui, lại cùng xì xào nhỏ to gì đó. Hồng Đô nghe bọn họ nói chuyện không sót một chữ nào, bấy giờ mới cười:
“Ra là có chống lưng.”
Mụ già kêu gào inh ỏi một lát thì bỗng nhiên có quan binh từ xa chạy tới. Thấy thế, mụ già lập tức kêu:
“Con ơi, con ra mà xem có bọn ăn quỵt ỷ y tu vi coi thường vương pháp, bắt nạt bà già này!”
Tên quan đi đầu khệ nệ bưng cái bụng mỡ chạy tới, vừa nghe bà ta nói thì lập tức chỏ vào mấy người Nguyễn Đông Thanh, quát:
“Mau bắt bọn chúng lại! Bắt lại!”
“Hay cho một cảnh mẹ hát con khen hay. Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.”
Nguyễn Đông Thanh lắc đầu.
Quả nhiên, hắn thực sự rất may mắn mới xuyên không thẳng đến cổ viện, được sinh hoạt ở ải Quan Lâm có Vũ Tùng Lâm là quan phụ mẫu coi ải, yên bình êm ấm.
Nực cười một cái, cái nơi “trời cao hoàng đế xa” ấy lại liêm khiết hơn cái chỗ “ngay dưới chân thiên tử” này.
Bà hàng nước quát:
“Hừ! Thằng lùn kia dám thả tu vi, làm bà già này kinh hồn táng đảm. Phải dùng nhân sâm, hà thủ ô, linh chi, tuyết liên bồi bổ. Không đền mấy lạng vàng là không được. Còn cả thằng người phàm nhà quê này nữa. Dĩ hạ phạm thượng, xúc phạm quan phụ mẫu, phải phạt vả miệng tám trăm cái.”
Mụ thấy Hồng Đô là người đã vào Vụ Hải, thầm nghĩ con dê này béo, có thể thản nhiên giở công phu sư tử ngoạm.
Về phần ép đối phương đến mức ra tay hành hung diệt khẩu, thì mụ càng khẳng định chắc nịch là đám người trước mặt không dám.
Nơi đây là đâu? Kinh thành Đại Việt, Cổ Long thành. Ở nơi đây “long chầu hổ phục”, cho dù là thần phật yêu ma thì cũng phải cúi đầu xuống.
Nguyễn Đông Thanh xua tay, cười lạnh:
“Mấy người hết thả tu vi, lại gọi lính lác. Ta đâu có bảo là không trả tiền. Mụ già, nghe cho kỹ đây.”
Gã vừa nói, vừa gõ hai thỏi vàng vau nhau canh cách.
Làm xong đâu đấy, Bích Mặc tiên sinh mới nhét vàng lại vào túi, cười:
“Mụ đòi tiền chén trà không ai uống, ta trả bằng vàng mụ không đụng được. Thế là không ai nợ ai, huề cả làng.”
Người chung quanh được mẻ cười vang, song lại thấy tên quan huyện mặt hằm hằm, thế là người nào người nấy đều biết khôn mà ngậm tăm.
“Cưỡng từ đoạt lý! Bay đâu! Bắt chúng tống vào ngục giam! Nhược bằng chống cự cứ giết bất luận tội.”
Tên quận thủ gào lên, thúc đám lính bắt người.
Nguyễn Đông Thanh nghe thế, nhíu mày càng chặt, nổi nóng:
“Nhà ngươi thân là quan phụ mẫu, lại dám ngang nhiên giết người như vậy sao?”
“Một thằng nhà quê mạng như sâu kiến, đừng nói là giết ngươi, cho dù bản quan giết cả nhà ngươi thì sao? Ngươi nghĩ ai sẽ đứng ra trả...”
Tên quận thủ vừa nói nửa chừng, thì đã bị tấm lệnh bài Nguyễn Đông Thanh đang cầm trên tay dọa cho mém thì đại tiểu tiện mất kiểm soát. Cả đám lính dưới quyền lão trông thấy thứ này cũng bị dọa đến vỡ mật, ngã sõng xoài ra đất.
Đáng nhẽ, Nguyễn Đông Thanh không muốn dùng đến lệnh bài của Lý Huyền Thiên sớm như vậy.
Đáng nhẽ, nếu tên quan huyện và mụ hàng nước chịu nhún lúc nãy, thì hắn cũng đã bỏ đi.
Nhưng đối phương được nước làm già...
Tên quan huyện lúc này đã lấy lại tinh thần, bèn quát lên:
“Người đâu! Mau bắt lấy tên này! Kẻ này dám giả mạo lệnh bài của Võ Hoàng điện hạ, tội đáng lăng trì!”
Vừa nói, suy nghĩ của lão vừa lao tới lao lui với tốc độ nhanh như điện xẹt. Có câu suy bụng ta ra bụng người, tên quận thủ nếu ở vị trí của Nguyễn Đông Thanh – tay cầm lệnh bài của Võ Hoàng – thì chắc chắn không tha cho mình. Thế nên... tên phàm nhân này phải chết.
Lão lại tơ tưởng đến cảnh chém bêu đầu Nguyễn Đông Thanh nộp lên triều đình.
Tên quan huyện này thực chất là môn khách của thượng thư bộ Lại, nên cũng biết một hai chuyện trong triều.