Mấy người Kiếm Trì nghe Nguyễn Đông Thanh hỏi vậy thì đều cùng chung một suy nghĩ:
“Bích Mặc tiên sinh là ai kia chứ? Chuyện này tiên sinh hẳn đã sớm biết rõ ràng. Hiện tại vờ như không biết mà hỏi vậy, chắc chắn là đang thử lòng chúng ta!”
Nghĩ vậy, Trần Thanh Lãng lại càng không thể để Bích Mặc tiên sinh thất vọng. Theo như lão thấy, Kiếm Trì đã nợ cổ viện quá nhiều. Nếu chuyện hôm nay xử lý không thỏa đáng, cho dù Nguyễn Đông Thanh có không trách cứ, thì Kiếm Trì về sau cũng chẳng thể tiếp tục thẳng lưng mà làm người. Thế là, Trần kiếm tổ bèn đứng nghiêm trang, lại tằng hắng một tiếng, đoạn nói:
“Tiên sinh, kỳ thực chuyện này lão phu vốn cũng định bẩm báo lại với ngài. Chỉ là ban đầu dự định đợi ngài dùng xong bữa mới thưa chuyện mà thôi.”
Muốn hiểu rõ ràng nguồn cơ ngọn ngành mọi chuyện, phải bắt đầu kể từ thiếu niên áo đen đeo cự kiếm trước mắt. Người này kỳ thực cũng chẳng xa lạ gì với bốn đệ tử cổ viện, chính là một trong mấy người từng đấu với đám Tạ Thiên Hoa lần trước đám người cổ viện đến tham gia Kiếm Vực. Tên đầy đủ của y là Hoàng Phủ Cẩn Ngôn.
Cái tên đầy một mồm, lại nghe chẳng ăn nhập gì này nghe đồn là do cha y vì vạ miệng mà tráng niên mất sớm khi mẹ y đang mang thai y. Bởi thế nên bà mẹ mới đặt tên con là Cẩn Ngôn, với hy vọng con trai mình sẽ cẩn trọng trong ăn nói, tránh giẫm vào vết xe đổ của cha nó. Về sau, thiên phú tu luyện của Hoàng Phủ Cẩn Ngôn không tệ, qua được khảo hạch của Kiếm Trì. Y lại lớn lên theo đúng như mong ước của mẹ, là kẻ tính khí cẩn thận, biết suy nghĩ trước sau. Tuy ít nói, tích chữ như vàng, song mỗi lần y mở miệng đều nói có sách, mách có chứng. Nếu không phải Hoàng Phủ Cẩn Ngôn quen dùng cự kiếm nên đã gia nhập vào Cường Kiếm phái chứ không phải Hoan Kiếm phái, thì có khi cũng không đến lượt Ngô Quốc Văn và Trịnh Lan Anh tranh nhau cái ghế truyền nhân của Vân Hà kiếm tổ.
Liễu Ân tuy không thể chọn Hoàng Phủ Cẩn Ngôn làm người kế nhiệm, song lại tiếc nhân tài. Thế là bèn đẩy y cho Phạm Kim bồi dưỡng, với hy vọng sau này họ Hoàng Phủ dù có không thể thành Kiếm tổ, cũng có thể làm một Chấp Kiếm trưởng lão, bảo vệ luật lệ, uy nghiêm cho Kiếm Trì. Hoàng Phủ Cẩn Ngôn cũng không phụ sự kỳ vọng của Vân Hà kiếm tổ, trong số đám đệ tử trẻ tuổi của Kiếm Trì, không tính bốn đệ tử chân truyền của tam kiếm tổ, thì y chính là đệ tử xuất chúng nhất.
Đã biết Hoàng Phủ Cẩn Ngôn là ai, giờ phải kể đến chuyện gần một năm trước. Khi đó, Ngự Kiếm trưởng lão của Kiếm Trì cùng con trai bà ta gặp nạn. Hàn Ngọc Sương trọng thương, đến giờ vẫn còn hôn mê bất tỉnh. Song Vô Song liều mạng cứu mẹ, chết mất một xác, chiến lực giảm mạnh. Xác còn lại của y cũng bị thương không nhẹ, đến giờ còn đang phải tĩnh dưỡng. Tiếp đó, Kiếm Trì lại nhận tin dữ về việc bốn đệ tử cổ viện bị khép tội đào ngũ cùng tình báo của Tạ Thiên Hoa về khả năng phản trắc của Đại Tề, Đại Yến. Vân Hà kiếm tổ khi ấy phải tập trung tinh lực đi điều tra Hàn gia, không phát hiện được những điểm bất thường trong vụ của Hàn Ngọc Sương. Thế nhưng, lại có một kẻ khác để tâm chú ý chuyện này: ấy chính là Hoàng Phủ Cẩn Ngôn.
Y thấy chuyện xoay quanh Song Vô Song và mẹ cậu chàng gặp nạn quá nhiều điểm đáng nghi, thế là bèn âm thầm đi điều tra chuyện này. Khi tra ra thủ phạm, họ Hoàng Phủ cũng không dám tin vào mắt của mình. Thế nhưng, y kiểm tra mấy lần, đổi hướng tìm hiểu, kết quả vẫn không đổi. Kẻ đứng đằng sau bi kịch của hai mẹ con Hàn trưởng lão, thế mà lại là Chân Lợi Kiếm...
Sau một hồi đắn đo, cuối cùng Hoàng Phủ Cẩn Ngôn vẫn quyết định bẩm báo chuyện này cho sư phụ y và ba vị Kiếm tổ. Biết cách làm người cũng như cách làm việc của Hoàng Phủ Cẩn Ngôn, lại cũng xem tất cả chứng cứ y tìm được, Trần Thanh Lãng lập tức hạ lệnh giam lỏng Chân Lợi Kiếm, còn Liễu Ân thì đích thân tra án lại một lần. Cuối cùng, không những chứng thực được điều tra của họ Hoàng Phủ, Vân Hà kiếm tổ còn phanh phui ra không ít “chuyện tốt” khác của thánh tử nhà mình...
Lâm Phương Dung nghe tin thì tức đến nổ phổi, lập tức giao toàn quyền xử phạt Chân Lợi Kiếm cho hai người Trần Thanh Lãng, Liễu Ân. Phải biết, ở Kiếm Trì, đệ tử chân truyền của tam tổ dù có phạm tội nặng đến đâu, cũng chỉ có sư phụ có quyền trách phạt, hai tổ còn lại không thể tiếm quyền. Thế nên, hành động này của Lôi Đình kiếm tổ cũng chẳng khác nào đã từ mặt, cắt đứt quan hệ sư đồ với Chân Lợi Kiếm. Thậm chí, nếu không phải đang hộ đạo cho Tạ Hàn Thiên không thể rời đi, thì với tính cách của Lâm Phương Dung, có khi y thị đã lập tức trở về Kiếm Trì, một chưởng đánh chết đệ tử chân truyền nhà mình.
Thế nhưng, cái họa mà Chân thánh tử gây ra cũng không hề nhỏ hay đơn giản. Hàn Ngọc Sương không chỉ là Ngự Kiếm trưởng lão của Kiếm Trì, bà ta còn là hoàng thân quốc thích. Tuy là trong điều kiện bình thường, cái tầng quan hệ họ hàng xa lắc xa lơ bắn đại bác cũng không tới này hoàng thất Đại Hàn sẽ chẳng ai buồn hỏi tới. Hàn Ngọc Sương nếu là ra ngoài, đánh nhau với kẻ địch bị thương, hay thậm chí vì ân oán cá nhân mà bỏ mạng vào tay người khác, hoàng thất vẫn có thể vì quan hệ hữu nghị với thánh địa, quốc gia sau lưng kẻ kia mà mở một mắt nhắm một mắt bỏ qua, không tiến hành trả đũa. Thế nhưng, nếu Hàn Ngọc Sương bị người Đại Hàn nhắm vào, gài bẫy hãm hại, ám sát thì lại là chuyện khác. Đây là hành động phản nghịch, khiêu khích quyền uy của Nữ Đế và hoàng thất Đại Hàn.
Lại nói, hành động của Chân Lợi Kiếm không những trực tiếp gây hại tới Hàn Ngọc Sương, mà còn gián tiếp ảnh hưởng đến an nguy của Trương Mặc Sênh và Đỗ Thải Hà. Đắc tội với hoàng thất Đại Hàn chỉ là vấn đề chính trị, đắc tội với Lão Thụ cổ viện thì sự việc vốn đã rắc rối này lại càng thêm trầm trọng. Trần Thanh Lãng cùng Liễu Ân thương lượng nhiều lần, thậm chí truyền cả tin cho Lâm Phương Dung, song vẫn chưa nghĩ ra cách giải quyết nào thỏa đáng. Vừa đúng lúc đó thì nghe tin từ Lê Tam Thành rằng Bích Mặc tiên sinh chuẩn bị đến Đại Thục vì chuyện của đệ tử, trên đường sẽ ghé qua Kiếm Trì.
Hai vị Kiếm tổ thấy chuyện này quá mức trùng hợp. Cả hai lão già lọc lõi này đều cho rằng đây hẳn là Nguyễn Đông Thanh muốn sang kiểm tra bọn họ một phen. Thế nên, ngoại trừ việc làm cho trọn nghĩa chủ nhà, hai người đã thống nhất bàn giao vụ này lại cho Bích Mặc tiên sinh của chúng ta toàn quyền xử trí. Dẫu sao, nếu đích thân Bích Mặc tiên sinh là người đưa ra phán quyết cuối cùng, hẳn là phía hoàng thất cũng sẽ không có dị nghị gì.
Đương nhiên, khi giải thích cho Nguyễn Đông Thanh, Trần Thanh Lãng cũng không nói rõ hẳn suy luận của bản thân lão và Liễu Ân ra, chỉ nói hai người bọn họ thấy ngoại trừ gã ra không có ai phù hợp hơn để phân xử chuyện này, nên muốn mời hắn đứng ra làm “quan tòa”.