Lại nói đến Nguyễn Đông Thanh lên đường đi Mỹ Vị sơn trang.
Sau khi đám quỷ rừng đi khỏi, đêm đó cũng không còn gặp phải sự lạ gì nữa. Sáng hôm sau, Trần Dũng, Nguyên Phương không dám ở lại đây lâu, vội vội vàng vàng dập lửa lên đường.
Bấy giờ, đã biết con bò đang kéo xe là một đại yêu tu vi đã vào Vụ Hải, hai người đứng cạnh chỉ thấy bủn rủn chân tay, ngay cả ho he thở mạnh cũng chẳng dám, nào có thể như trước đây ra roi thúc giục nữa?
Con bò còn phải bực mình, truyền âm:
“Các người nghe cho kỹ đây, bản tọa bây giờ chỉ là một con bò già mà thôi. Cấm có được phản ứng khác lạ. Nếu như chỉ vì hai người các ngươi mà để lộ sơ hở gì, khiến chủ nhân biết được, lúc đó bản tọa ắt khiến các ngươi hình thần câu diệt.”
Hai người lắp bắp, ghé tai bò, nói nhỏ:
“Tiền... tiền bối. Chúng ta... chúng ta sao dám bất kính với ngài?”
Con bò truyền âm lại, ngữ khí đã hơi có phần nổi nóng:
“Lằng nhằng cái gì? Các ngươi đối xử với bản tọa như một con bò thì bản tọa chính là một con bò bình thường. Trái lại, các ngươi mà đối xử với bản tọa như một cường giả tuyệt thế, thì bản tọa cũng không ngại cho các ngươi xem thử bản tọa hành xử như cường giả nó là thế nào. Miễn các ngươi tội bất kính.”
“Vậy xin đắc tội.”
Trần Dũng, Nguyên Phương không dám trái lời, ra roi không ngừng.
Chẳng mấy chốc, ba người đã đến được một tòa thành trì phồn hoa nằm phía nam ải Quan Lâm – Thủy Thượng quan. Trần Dũng thấy Nguyễn Đông Thanh tròn mắt kinh ngạc nhìn về phía tòa thành với đại bộ phận kiến trúc nổi trên sông, bèn nhiệt tình nhìn sang:
“Tiên sinh, có gì cần dạy bảo?”
“Không dám. Chẳng qua... hà cớ gì nơi này lại xây thành trôi nổi trên sông như thế?”
Nguyễn Đông Thanh vừa hỏi, vừa cảm khái Huyền Hoàng giới này quả nhiên là không giống với địa cầu. Thời phong kiến đổ về trước, con người trái đất cơ hồ phải vật lộn với nước lũ. Thậm chí người Việt còn hiện thực hóa ra câu chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh, thể hiện ước mong chiến thắng thiên tai.
Người ở đây thì bố đời hơn, xây hẳn tòa thành nổi chình ình trên dòng sông lớn.
Nguyên Phương cười, nói:
“Tiên sinh chắc ít rời khỏi ải Quan Lâm nên có điều không biết, thành này còn có tên là Tế Kỳ thành. Ở đây vốn là có một đường núi nhỏ dẫn từ núi Hoàng Liên xuống. Năm xưa người man trên núi thường theo sơn đạo đến đây, cướp phá giết người, dân chúng không tài nào an cư lạc nghiệp. Khi đó Thánh Tông hoàng đế dựng cờ phát binh, đến đánh người sơn man. Hoàng đế lấy đại chiến thuyền kéo đến đây, trong một đêm dựng lên một tòa thành, lấy máu tế cờ, nên có tên Tế Kỳ.”
Trần Dũng cũng đế thêm:
“Sau này dân chúng lấy xác chiến thuyền, xây lên phủ thành chủ, lại dùng thuyền bè, thủy tạ, cầu ao làm kiến trúc chính, lấy thuyền đi lại làm chợ, từ đó tạo nên Thủy Thượng quan.”
“Người sơn man mà trong câu chuyện là ai? Có thể chung sống được chăng?”
Nguyễn Đông Thanh ngồi nhỏm dậy trên xe, hỏi. Có lẽ do giáo dục hiện đại, đã quen với khái niệm “năm mươi tư dân tộc anh em”, nên thực chất gã không ưa cái cách gọi “man di” của người xưa cho lắm.
Nguyên Phương, Trần Dũng nghe xong, xua tay lè lưỡi:
“Tiên sinh nhân hậu hơn người, hai ta bội phục. Thế nhưng người man nào phải hạng thiện lương gì? Hơn nữa kỳ hình quái trạng, có kẻ khoeo tay mọc ra lưỡi đao như bọ ngựa, sắc như dao cạo. Có loài cần cổ xoay ngược, hàm răng sắc bén, hay ăn thịt người. Nói là man nhân, chẳng bằng kêu bằng yêu quái.”
Nguyễn Đông Thanh lắc đầu, thầm nghĩ người ở Huyền Hoàng giới cũng rất tốt, thế nhưng không có nghĩa là họ có tư duy của người hiện đại như gã. Có những thứ đối với họ là chuyện hiển nhiên, nhưng trong mắt gã lại thấy là chưa ổn. Mà chiều ngược lại kỳ thực cũng không phải là không có.
Ba người nói chuyện man nhân, chuyện sơn đạo một hồi, thế mà đã đến cửa thành.
Nguyên Phương, Trần Dũng cho lính canh cổng xem giấy thông hành của Vũ Tùng Lâm, rất nhanh đã được dẫn vào thành, đi đến một cái đài cao bằng đá. Nguyễn Đông Thanh thấy nơi này là do đá tảng xanh xếp chồng lên nhau, lại không rõ dùng vật gì liên kết kết dính lại thành một khối. Tuy vẫn có thể nhận ra rõ ràng từng tảng đá, nhưng cả kết cấu vững chãi không thua gì nhà cửa bình thường. Trên từng phiến đá đẽo gọt những phù văn mà Nguyễn Đông Thanh chẳng nhận ra được cái nào cả, chỉ thấy như một mớ giun đang bò hay nòng nọc đang bơi vậy thôi. Tên lính phụ trách trấn giữ nói:
“Một ngày từ đây có hai lần truyền tống đến kinh đô nước Đại Hoàng – Quảng Lăng. Bây giờ còn nửa canh giờ nữa mới đến giờ, các người đợi ở đây cũng được, mà đi vào thành một lát cũng được. Nhưng nhớ phải về đúng giờ, chỗ này không chờ ai đâu.”
“Cảm ơn huynh đài.”
Nguyễn Đông Thanh cười, chắp tay với y, sau đó lại nghĩ bụng:
“Lần này mình đi tìm đầu bếp mà trên răng dưới dế không có thứ gì khiến người ta thấy hứng thú e là không ổn. Nghe nói Mỹ Vị sơn trang chuyên tu trù đạo, chẳng bằng ta vào trong chợ kiếm cái gì đó, làm một món lạ, có thế người ta mới chú ý đến mình.”
Nghĩ là làm ngay, anh chàng bèn dắt Hồng Đô tiến vào trong chợ.
Trước khi vào thành, để tránh chuyện bị kẻ khác chặn đường cướp bóc như lần trước, Nguyễn Đông Thanh để Hồng Đô mặc áo trùm kín mít, chỉ chừa mỗi đôi mắt ra. Ngay cả đôi tay tròn vo cũng bị bắt đeo bao tay cho đủ năm ngón, ngoại trừ cái đầu quá khổ ra thì chẳng khác nào một người lùn bình thường.
Bọn họ cũng đã bàn trước với nhau, nếu có ai hỏi, Hồng Đô sẽ nói mình luyện một môn thần thông tương tự Thiết Đầu công, tác dụng phụ khiến đầu sưng lên.
Tuy biết Hồng Đô có thực lực không tệ, giặc cướp bình thường mà nảy ý đồ đạo tặc với bọn họ chẳng khác nào tự tìm cái chết. Song Nguyễn Đông Thanh xưa nay làm người khiêm tốn, không muốn khi không lại rước phiền phức vào người.
Đi cùng còn có Nguyên Phương, Trần Dũng thì phụ trách ở lại trông cái xe bò.
Nguyên Phương nói trước khi tòng quân thì nhà anh chàng cũng ở một xóm trong Thủy Thượng quan này, cũng có thể coi như là thổ địa nơi này. Đông Thanh nghe anh chàng nói vậy, mới nghĩ đời lính xưa nay phải xa nhà lâu ngày, bèn hỏi:
“Cậu có muốn về thăm nhà hay không?”
Nào ngờ, Nguyên Phương nghe hắn nói câu này, phản ứng lại giống như tử tù bị tuyên án. Cậu lính mặt trắng bệch, nhìn đông ngó tây láo liên một hồi, sau đó vội vàng xua tay:
“Không! Không! Tiên sinh đừng lo. Năm ngoái tại hạ vừa về phép. Hà huống...”