Lời nói đầu của biên tập: À thì tình hình là sắp đến Quốc Khánh 2/9 rồi nhưng bản thảo dạo này đang kẹt. Thế nên đành đăng tạm 6 chương phiên ngoại, là một truyện ngắn độc lập diễn ra ở một vũ trụ khác biệt với Huyền Hoàng giới, cụ thể là vũ trụ của nhân vật Lý Vô Danh từng xuất hiện đoạn Tạ Thiên Hoa trong mỏ Cô Sơn (chương 285: -287). Còn việc thế giới của Lý Vô Danh có liên quan gì đến cảnh Vân chứng kiến trong bí cảnh (Vương Thú cắn nuốt một vũ trụ để tạo ra chân khí cho một vũ trụ khác) hay không thì tạm thời xin phép chưa bật mí. Nhưng nói chung, vì phiên ngoại này là một truyện ngắn độc lập, cho nên nội dung phiên ngoại sẽ không có bất kỳ liên quan hay ảnh hưởng gì đến chính truyện. Bởi vậy, đọc hay không là quyết định của bạn đọc.
Tên đầy đủ của truyện ngắn này là:
.Luận giang hồ
.............人...........
......Sinh..Tử.......
(Phải dùng “.” chứ dùng dấu cách là yy tự xóa)
Và sẽ chia ra đăng hôm nay (30/8), Chủ Nhật (1/9) và Quốc Khánh (2/9), mỗi ngày 2 chương vào 18h và 19h30.
Chắc giới thiệu thế thôi. Tiếp theo là nội dung chương 1: của truyện ngắn.
oOo
Thành Hàm Ngư...
Nơi này vốn là một làng chài dựng ở bờ bắc sông Kinh, trải ba triều đại tụ tập lưu dân tứ xứ mà thành thành quách. Dân chúng quanh vùng nổi tiếng với nghề làm cá ướp muối, nên thành cũng có cái tên là Hàm Ngư, ý là cá mặn.
Phía đông thành có một quán rượu, nằm bên bờ ao sen, tên là Kim Liên các.
Sen vàng mười năm nở, hương rượu say tám lộ, chính là nói về loại rượu Tam Trản Thu Liên của nơi đây. Đến nay ở hai bên cửa chính vẫn có đặt hai cái biển, phía trên sơn son thếp vàng mười chữ này.
Tương truyền, hai câu nói ấy là do hoàng đế ngự ban, nhưng rốt cuộc là vị nào, của triều đại nào thì đến chính chủ quán bây giờ cũng không biết. Có điều có câu vàng thật không sợ lửa, rượu thơm không sợ ngõ sâu. Tam Trản Thu Liên xem ra thực sự là thứ rượu ngon nức tiếng ở đời, thế nên không cần mười chữ vàng kia thì Kim Liên các vẫn tấp nập người lui tới.
Thế nhưng ngày hôm nay thì quán đông quá, đông một cách khác thường. Thực khách vãng lai kéo đến ngồi đông kín ba tầng lầu, ngoài cửa hãy còn một đám người đứng chờ lấy chỗ nữa. Thậm chí trên cầu thang, chỗ lan can cũng có người lấy làm nơi đặt mông ngồi xuống, rót rượu tự uống một mình.
Đông...
Nhưng nếu chỉ là đông khách hơn thường ngày thôi thì chủ quán – Nguyễn Thu Thanh – còn chưa đến mức phải nơm nớp lo sợ, mặt cắt không còn giọt máu như hiện giờ.
Kim Liên các hôm nay vô cùng yên tĩnh...
Yên tĩnh đến nỗi người ta tựa hồ có thể nghe rõ mồn một tiếng mồ hôi rơi xuống đất.
Đám thực khách ngồi lố nha lố nhố ở lầu một, lầu hai cơ hồ là không phát ra một âm thanh nào. Bọn hắn đưa tay nhấc bình lên, đổ vào chén hạt mít, sau đó cứ thế mà uống. Động tác đều đều lặp đi lặp lại một cách nhàm chán và chính xác, giống như ngồi trong quán chẳng phải người mà là một đám rối gỗ, được bàn tay của vị nghệ nhân nào khống chế.
Nguyễn Thu Thanh nuốt nước bọt, bước lên tầng thứ ba.
Ở đây cũng giống với hai tầng dưới, người ngồi chật ních, song cũng không ai phát ra một âm thanh nào thừa thãi cả. Duy chỉ có cái bàn ở trung tâm, nơi có bốn người hai nam hai nữ ngồi đối diện nhau, là ông chủ quán có thể nghe được tiếng nói chuyện của con người.
Đương nhiên, lão cũng chẳng dám nán lại lâu, chỉ đưa thêm rượu rồi đi.
Song, chỉ dừng lại một chút ngắn ngủi ấy thôi, Nguyễn Thu Thanh vẫn cảm thấy vô cùng bất an, lo lắng cho tính mạng không chỉ của lão, của gia đình lão, mà còn của tất cả đám kẻ ăn người ở, tiểu nhị đầu bếp ở Kim Liên các này nữa.
Bởi lẽ, dù chỉ trong một chốc đó thôi, lão vẫn có thể loáng thoáng nghe thấy những chữ như “vị chí tôn”, “thành Thiên Long”, “quan tài”...
Nguyễn Thu Thanh chỉ biết bịt vải chặt vào tai, cố gắng tỏ ra bình tĩnh.
Bởi lão hiểu rất rõ trong cái nghề này, không có cái tội nào lớn bằng cái tội “biết điều không nên biết” cả.
Nguyễn Thu Thanh bước vội, nhưng sau lưng lão đã vang lên tiếng nói lảnh lót:
“Nếu ông chủ đã đến rồi thì chi bằng nán lại ngồi một lát?”
Lão nuốt nước bọt, nhất thời do dự không biết nên nghe theo hay tiếp tục giả điếc. Chính Nguyễn Thu Thanh cũng không dám chắc nếu bước tiếp một bước, liệu cái đầu của lão có còn giữ được trên cổ không.
Cuối cùng, lão vẫn ngoan ngoãn nghe theo, tự mình đứng gần cái bàn ở chính giữa, dáng vẻ như một đứa ở thằng hầu. Dân chúng Hàm Ngư chắc khó mà tin được sẽ có một ngày vị chưởng quầy lắm tiền nhiều của của Kim Liên các lại phải khúm núm khép nép như vậy.
Bốn người...
Người đàn ông ngồi bên phải cạo đầu, trên trán có chín nốt tàn hương, mình mặc một bộ áo nâu, tay lần tràng hạt, dường như là người của cửa phật.
Người nữ đối diện mình mặc áo trắng, tay cầm phất trần, lưng đeo một thanh kiếm gỗ, nhìn đồ án âm dương thêu trên lưng áo thì chắc hẳn là đạo cô. Nhìn y thị tuổi chừng bốn mươi, trong số bốn người đang ngồi là lớn tuổi nhất, bối phận cũng cao hơn bọn họ một bậc.
Người nam ngồi bên trái Nguyễn Thu Thanh ăn mặc theo lối nhà Nho, lưng cõng giỏ sách, bên hông đeo bút lông, dáng vẻ thanh tú hơn cả thiếu nữ, chắc hẳn là học trò.
Cuối cùng, người nữ ngồi đối diện y thì ăn mặc như gái nhà nông, người cao lớn rắn rỏi.
Nguyên Thu Thanh không phải người trong giang hồ, nhưng làm cái nghề bán rượu này quanh năm suốt tháng đều phải tiếp xúc với hạng người thảo mãng võ biền, ăn gió nằm sương, cố nhiên từ miệng khách hàng cũng biết một chút chuyện nơi võ lâm.
Nhìn bốn người, lão bất giác nhớ đến Thiên Hạ Tứ Ngự.
Năm trăm năm trước, Ngô Lam dựa vào bè bạn giang hồ khởi sự, giành được độc lập, tách khỏi nước Bắc Minh, lập ra nước Nam Phương, tự xưng Tiền Ngô Vương. Sau đó Ngô Lam cho đúc bốn báu vật dùng để trấn áp quốc vận của nước nam, sau được sử quan mệnh danh là Nam Phương Tứ Đại Khí.
Ngô Lam không quên cái ơn giúp đỡ năm xưa, bèn lần lượt giao bốn bảo vật cho bè bạn giang hồ khi xưa giúp y lập nghiệp bảo vệ.
Bốn môn phái này được đặc cách không cần đóng thuế, thay mặt thiên tử xử lý sự vụ của giới lục lâm thảo mãng, gọi chung là Thiên Hạ Tứ Ngự.
Chuông Quy Điền giao cho Bách Thảo cốc trông giữ.