Sau rắc rối nhỏ với Đỗ Quý, cũng không còn sự tình gì đáng chú ý khác xảy ra, chuyện xử án quay lại với quỹ đạo gốc. Cố Văn cho kiểm lại phiếu công khai trước mặt bàn dân thiên hạ, rồi công bố mức án của mười tám phạm nhân.

Những kẻ nào bị định tội chết thì ba ngày sau sẽ bị trảm công khai trước dân toàn thành, những kẻ tội sống thì hoặc lưu đày, hoặc biếm làm khổ sai, mức xử phạt cụ thể do phủ Khai Phong quyết định, nặng nhẹ tùy theo tội trạng cùng các tình tiết giảm án. Thủ tục xong xuôi, Nguyễn Đông Thanh gõ bàn, cho bãi đường, rồi ai về nhà nấy. Ngày hôm sau, Khai Phong tuần san số thứ hai phát hành, nội dung chính là đưa tin quá trình xử án cũng như mức án của mười tám phạm nhân.

Mười tám kẻ này, mặc kệ là tội sống hay tội chết, số phận chuẩn bị kết thúc hay sau này còn cơ hội trở mình, thì cũng vẫn không thay đổi một sự thực. Ấy là gia sản của chúng không có ít chút nào cả. Chả thế mà mấy người Lã Vọng Thiên, Dư Tự Lực, Vương Long, Mã Hổ phải mất không ít thời gian mới kiểm kê xong. Nay đám phạm nhân này đều đã định tội, toàn bộ chỗ gia sản kia đương nhiên cũng bị sung công quỹ. Ngoại trừ tiền tài, của cải có thể vận chuyển hoặc quy đổi, còn lượng không nhỏ ruộng đất, nhà cửa. Thậm chí, còn có cả... nhân lực. Không tính nạn nhân của mấy kẻ buôn người thì cũng vẫn còn người hầu kẻ hạ, người làm thuê làm mướn, hay nô đãi của đám phú hào còn lại.

Thế nên, tuyên phạt phạm nhân xong thì người của phủ Khai Phong cũng còn rất bận rộn. Nào là thống kê tài sản, kế đó viết báo cáo lên trên, nào là phân chia lại ruộng đất, rồi thì quyết định làm gì với đám kẻ dưới của những phạm nhân kia, .v..v...

Ruộng công tăng, về lý công việc phân chia xử lý có thể giao lại cho đám quan lại địa phương tự giải quyết. Mà cái bánh này, mọi khi đều không ít kẻ tranh nhau sứt đầu mẻ trán. Song, lần này, phủ Chưởng Ấn là có vẻ định tự mình giải quyết. Quan lại địa phương dẫu có bất mãn trong lòng, nhưng ngoại trừ âm thầm rủa Bích Mặc tiên sinh là giả nhân giả nghĩa thì cũng tuyệt đối không dám hé răng nửa lời chứ đừng nói đến chuyện công khai phản đối.

Về phần lượng nhân lực kia, Nguyễn Đông Thanh quyết định giao cho Cố Văn xử lý. Biết tính đại nhân nhà mình, Cố sư gia làm việc đâu ra đấy. Ngoại trừ những kẻ từng nối giáo cho giặc, tham gia hà hiếp dân chúng là bị xử phạt cho đi lao động công ích ra, thì đa số những người còn lại được trả tự do. Ngoài ra, những nạn nhân khi trước từng bị ép đến cảnh bán ruộng, bán thân cũng được xem xét cấp cho một phần ruộng mới tịch thu lại để họ có thể tiếp tục mưu sinh. Tất nhiên, vốn ban đầu, công cụ làm ruộng, hạt giống, .v..v... cũng không thể thiếu. Phủ Khai Phong bèn mượn cơ hội này, lấy cớ trâu, cày có hạn, đẩy một số phát minh nghiên cứu Hàn Thu Thủy dựa trên yêu cầu của Nguyễn Đông Thanh mà làm ra cho một vài người thí điểm. Từ đó rút kinh nghiệm thực tiễn để tiếp tục cải tiến. Còn những ai không muốn ở lại thành Bạch Đế làm ăn hay không định cày ruộng, thì cũng được Cố Văn phát cho một khoản tiền nhỏ – trích từ tài sản tịch thu được – để họ có vốn còn tự tìm đường kiếm sống.

Loay hoay xoay xở mấy ngày khiến Nguyễn Đông Thanh phải chép miệng cảm thán. Đám nhà giàu này quả thực quá lắm tiền nhiều của. Khó trách chả cần biết là quốc gia nào, dân gian luôn có xu hướng căm ghét giới quý tộc. Tuy chắc là cũng sẽ có những người khá giả lên từ làm ăn lương thiện, song muốn mau chóng giàu có, thực chẳng có cách nào nhanh hơn ăn cướp. Mà giới thượng lưu kỳ thật nếu muốn bóc lột, chiếm đoạt tài sản của dân lành thì chẳng thiếu gì cách, thực hiện cũng chẳng khó khăn gì...

Mấy ngày sau, án phạt của mười tám phạm nhân cũng được thi hành. Kẻ chịu tội chết được đưa ra pháp trường, chém đầu thị chúng. Người chịu tội sống thì cũng y theo bản án đã công bố trên công đường lúc trước mà xử lý. Kẻ bị đày ra biên cương, người bị sung thành nô đãi. Bản án của mười tám hào môn, phú thương cuối cùng cũng vẽ lên một dấu chấm tròn.

Tất nhiên, sau chuyện này, Bích Mặc tiên sinh của chúng ta cũng rút được không ít kinh nghiệm, cảm khái dân đen dân đỏ trong chế độ phong kiến quá dễ bị dắt mũi. Trong quá trình bỏ phiếu, sĩ tộc tuy không dám đến táy máy chỗ phòng phiếu, nhưng cũng từng tung tin đồn rằng do người phủ Khai Phong kiểm phiếu nên kết quả không đáng tin. Cũng may lúc đó cũng đã sát ngày thăng đường, phiếu cũng đã gần đủ, nên Lã thiếu lâu chủ nhanh trí, liền quyết định cho dân chúng tại hiện trường cử đại diện mà họ tin tưởng lên kiểm phiếu nóng ngay tại chỗ, sau đó lại mượn lời đồn tuyên truyền chuyện này ra. Bởi vậy, mới dập tắt được âm mưu kia.

Thế nhưng, Nguyễn Đông Thanh biết rõ, nếu chuyện này mà xảy ra ở Địa Cầu, chỉ sợ không kết thúc dễ dàng như vậy. Dẫu sao, thu phiếu và vận chuyển phiếu cũng là người của phủ Khai Phong làm. Nếu như đối phương không gây chuyện sớm mà đợi đến sau khi thăng đường mới ra chiêu, thì kết quả thực khôn lường. Nguyễn Đông Thanh có thể biết chắc chắn người của mình không làm gì sai, nhưng nếu có kẻ cáo buộc phủ Khai Phong táy máy tay chân trong quá trình thu và vận chuyển phiếu, thì dù hắn có mười cái miệng cũng không thanh minh nổi.

Vẫn còn may mắn là đám quý tộc trong thành không dám cả gan làm bậy sau phiên tòa, có lẽ cũng bởi cái danh tiếng đánh biến dạng Phật đạo của Bích Mặc tiên sinh. Chứ chả nói đâu xa, ở thời hiện đại, mỗi khi có bầu cử, là lại có cáo buộc quá trình bỏ phiếu, kiểm phiếu không minh bạch. Có năm, ứng cử viên tổng thống một nước dân chủ nào đó còn thành meme phù thủy có đội quân vong bỏ phiếu cho.

Cách duy nhất có thể đánh tan nghi ngờ trong những trường hợp như vậy, là chính người dân phải công khai lựa chọn của họ. Thế nhưng, mục đích chính của bỏ phiếu kín là để nặc danh, tránh cho dân chúng vì đắc tội cường hào mà vướng vào tai bay vạ gió. Thế nên, cách này đương nhiên không thể dùng được!

Thành thử, sau chuyện này, Bích Mặc tiên sinh của chúng ta lại càng ý thức rõ tầm quan trọng của việc đề cao dân trí, tuyên truyền dân vận.

Thế nhưng, dù sao án này kết thúc cũng có thể tính là một thành công. Phủ Khai Phong mượn thế của thắng lợi này, tiếp tục xúc tiến việc xây dựng loa phường. Phía quan lại địa phương, sau khi bị Lã thiếu lâu chủ dọa dẫm uy hiếp, đã hoàn toàn cúi đầu mà phối hợp, không dám có nửa điểm phản đối. Dẫu sao, Lã Vọng Thiên sau khi biết Bích Mặc tiên sinh lo lắng điều gì, đã ám chỉ rất rõ ràng cho các trưởng thôn trưởng làng:

“Muốn thoát tội chết thì nộp lương thảo, nộp tiền của vào công quỹ. Muốn giảm hay thoát tội sống thì liệu mà phối hợp với Chưởng Ấn đại nhân xây loa phường.”

Loa phường xây xong, kết hợp với Khai Phong tuần san, trở thành hai kênh tin tức mà người người nhà nhà đều biết đến. Nhóm của Long U tiểu công chúa cũng vì vậy mà tiếp tục bận đến tíu tít ngược xuôi, song ai nấy đều mặt mày hớn hở, chứ không sầu mi khổ kiểm như ngày nào.

oOo

Mọi việc dần đi vào quỹ đạo. Chớp mắt một cái, năm cũ đã qua đi. Tết đã đến, xuân đã về. Thành Bạch Đế vui mừng náo nhiệt đón tiếp một năm mới đến. Nhà nhà giương đèn, hộ hộ sắm hoa đào về cắm, người người trẩy hội đầu xuân...

Mới ra Tết không bao lâu thì hai anh em Hàn Anh Tuấn, Hàn Thanh Tú cũng chạy từ thành Hải Nha về thành Bạch Đế. Nghe nói là vì bọn họ không muốn làm việc dưới trướng Lý Thanh Minh, nên quyết định đi theo Hàn Thu Thủy. Vừa tiện chiếu ứng lẫn nhau, vừa tranh thủ học bản lĩnh từ Bích Mặc tiên sinh luôn.

Có hai người này về trợ giúp, không những loa phường được cải tiến, hoàn thiện hơn, mà ngọc giản truyền âm của đám người phủ Khai Phong và các tiểu thư công tử đám Lâm Cảnh Trung cũng được cải tiến, hiện tại đã có thể truyền tin tức cho nhiều người cùng lúc. Nếu phải so sánh thì chính là chuyển từ điện thoại cục gạch đời đầu chỉ có thể gọi nhắn 1-1 sang điện thoại đời sau có thêm chức năng gọi nhóm, hội thoại nhóm.

Phía năm anh em họ Kim nghiên cứu ra thành quả, mà ba người Lã Vọng Thiên, Hàn Thu Thủy, Dư Tự Lực cũng có những đột phá nhỏ trong phần nghiên cứu được Nguyễn Đông Thanh giao phó lúc trước. Kế hoạch cải cách ruộng đất dần dần được phủ Khai Phong hoàn thiện.

Cố sư gia và Bích Mặc tiên sinh dạo thời gian này cũng không phải ngồi chơi không. Mượn dịp quan lại toàn thành hướng về phủ Chưởng Ấn chúc Tết, Cố Văn cùng Nguyễn Đông Thanh đã khoanh vùng được những kẻ tham ô nhiều của cải nhất, liệt sẵn vào một danh sách, kèm theo một bản tấu chương – chỉ chờ thời cơ đến sẽ dâng lên Trư đế – về cải tổ tinh gọn bộ máy quan lại địa phương tại Đại Việt nói chung, và thành Bạch Đế nói riêng, với mục đích cuối cùng là đề thăng năng suất sản xuất lương thực.

Tất cả đã sẵn sàng, chỉ thiếu một hồi “gió đông”.

Mà cuối cùng, hồi gió đông Cố Thi Âm vẫn nghe ngóng chờ đợi bấy lâu – hồi gió sẽ khởi đầu cho một cuộc Cách mạng về chính trị, xã hội, và nông nghiệp tại thành Bạch Đế – cuối cùng cũng tới:

Nho Tướng – Vân Tiêu Mạc tử trận tại Lệ Chi sơn...

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play