Vân Tiêu Mạc cười, không nói.
Kỳ thực, sắp đặt của Trương Do Cơ cũng không lấy gì làm cao minh cả, nếu không phải nói là rất đơn giản. Lấy quan vận lương làm mồi nhử, điệu hổ li sơn, dụ Đặng Tiến Đông rời khỏi núi Lệ Chi sau đó cường công bất ngờ mà thôi.
Phàm là kẻ đọc qua một vài quyển binh thư, biết sơ chiến dịch công thủ ngày trước thì đều có thể nghĩ đến điểm này.
Nhưng kỳ thực, trên chiến trường, phần lớn thời điểm cũng là sử dụng những loại mưu tính đơn giản này. Liên hoàn kế rườm rà phức tạp sở dĩ hi hữu, hầu hết là vì phong hiểm quá lớn, xuất hiện vấn đề kẻ bày mưu lại phần nhiều không đủ tài trí để tùy cơ ứng biến, thay đổi kịp thời...
Kẻ bại, xưa nay há lại được sử sách ghi danh?
Thứ khiến Vân Tiêu Mạc nhìn Trương Do Cơ bằng con mắt khác chính là hắn hiểu rõ ưu nhược của cao tầng núi Lệ Chi. Người này cứ như lão biết thì trước đó bình bình vô danh, chỉ có thể co mình ở một cái huyện nhỏ làm thầy đồ dạy chữ mưu sinh mà thôi. Ấy vậy mà lại hiểu rõ tường tận bản lĩnh của đám người Đặng Tiến Đông, Cao Tử Trọng.
Sau đó, lại dựa vào đó đúng bệnh bốc thuốc.
Phải biết, trước đó, lúc đưa ra kế này, Trương Do Cơ đã từng nói:
“Đặng Tiến Đông dũng mãnh có phần hơn cả Đặng Bá Ngôn khi xưa, lại là côn chủ của Vân Hải Trấn Thiên Côn. Muốn bại y, thì phải sử dụng cách của Nghiêm Hàn khi xưa.”
Trong tam thần côn, nếu kim côn uy lực mạnh nhất, có thể xưng hùng thiên hạ, đồng côn sát thương rộng, một lần vung lên là ngàn vạn người trúng độc...
Thì ngân côn là đối thủ khó chịu nhất.
Không vì nguyên do nào khác, chỉ đơn giản một chữ “chạy”.
Vân Hải Trấn Thiên Côn có một thần thông có thể khiến người dùng hòa vào biển mây trên không, thoắt ẩn thoắt hiện trong phạm vi ngàn dặm. Cho dù là thiên quân vạn mã, quần hùng vây công thì cũng không thể giữ chân được côn chủ của Trấn Thiên Côn.
Thành thử, muốn đánh bại côn chủ của ngân côn thì chỉ có hai cách.
Thứ nhất, chọn ngày trời quang không một gợn mây đánh nhau với đối phương.
Thứ hai, dùng cách khi xưa của Nghiêm Hàn.
Năm xưa, Đặng Bá Ngôn nhiều lần dùng ngân côn đột kích đại Thục, dùng chiêu vây Ngụy cứu Triệu ép lùi bước tiến của Quan Vân Phi. Kẻ sau lại sợ đối phương trả thù, nên đường đường mang danh Vạn Nhân Đồ lại không dám cho bộ khúc đồ thành cướp bóc, chỉ có thể bực bội lui quân.
Dù sao...
Đặng Bá Ngôn cầm côn còn đang tự do tự tại quấy hậu phương của hắn long trời lở đất. Nếu Quan Vân Phi cứ dựa theo cách đánh cũ, cho quân đồ thành, chẳng may chọc giận Bạch Mã Hầu khiến y vung côn trả thù.
Đến lúc đó hai bên lưỡng bại câu thương, được lợi chắc chắn là nước khác.
Về sau, nếu không phải Nghiêm Hàn từ bỏ hậu phương, dùng kế li gián khiến quốc quân Đại Hoàng liên tiếp ra mười hai chiếu thư, lấy cớ Ngự Nam quan là dùng xương cốt và máu huyết của trai tráng Đại Hoàng trồng lên đầu thành mới đánh hạ, ép y phải quay về phòng ngự một tòa cô thành cách xa biên cảnh Đại Hoàng. Nếu không phải quốc quân Đại Hoàng ám nhược như thế thì Nghiêm Hàn và Huyền Giáp Vệ cũng chưa hẳn đã có thể khiến Bạch Mã Hầu tự thiêu cùng thành.
Trương Do Cơ biết hiện giờ Đặng Tiến Đông thủ Lệ Chi sơn chẳng khác nào Đặng Bá Ngôn tử thủ Ngự Nam quan.
Hắn biết ưu thế của Đặng Tiến Đông là Vân Hải Trấn Thiên Côn.
Cho dù quân triều đình có cử Trình Chân Kim làm soái, Vân Thiên Mạc dẫn đại kích sĩ bày thiên la địa võng thì cũng không thể nào ngăn Đặng Tiến Đông chạy trốn được. Đương nhiên, chuyện này bọn hắn biết, phe Lệ Chi sơn cũng hẳn đã tỏ tường. Bởi vậy, nhân thủ phái ra chặn đường cướp lương ngoài Đặng Tiến Đông thì không còn ai khác.
Chính vì nắm rõ điểm này, nên mưu kế của Trương Do Cơ không cần phức tạp cao minh, vẫn sẽ bách phát bách trúng.
oOo
Tam Giang đạo...
Đây là con đường kết nối hai mặt nam – bắc châu Ngọc Lân với nhau, dài chừng hơn vạn dặm, mặt nam nối thẳng đến thành Trầm Sa ở Hỷ Phượng, cực bắc vươn đến tận thôn Đông Liễu, cách Tế Kỳ chưa đầy năm mươi dặm.
Năm xưa, bên cạnh đường này là chỗ giao hội của ba con sông lớn: Hồng Long giang, Tây Đà giang, Bạch Đằng giang, từ ấy mới có cái tên. Đến thời Nhân Tông Lê Oanh, Bạch Đằng giang khô cạn, hai sông còn lại đổi dòng, hiện giờ bên cạnh Tam Giang đạo chỉ còn một cái đầm nước đọng.
Gió thổi ào ào...
Hai bóng người lao vun vút trên đường, sau lưng cuốn tung lên một đám bụi mù.
Kẻ bên trái mặc một thân áo đen, cả người cơ bắp cuồn cuộn chèn căng toàn bộ vải áo, mặt vuông chữ quốc, da đen như than. Y khoanh chân ngồi trên lưng ngựa, mắt nhắm hờ, tóc dài theo gió thổi tung lên.
Bên phải là một kẻ dáng dấp thư sinh, mặt trắng như sáp, mắt có quầng thâm, thoạt trông chẳng khác nào một công tử thư sinh trăng hoa quá độ, thận hư nhiều ngày. Y gần như là nằm trên ngựa, giang hai tay hai chân ôm lấy lưng chiến mã, thỉnh thoảng lại nghiêng đầu nhả cầu vồng.
“Lỗ mũi trâu, nghỉ một chút đi. Ta... ta thật không chịu nổi...”
Lại chạy thêm hai ba mươi dặm, rốt cuộc kẻ trông thư sinh ốm yếu kia dường như không cách nào chịu nổi nữa, vội vàng lên tiếng.
“Mặt phấn, bình thường bảo ngươi theo lão Lý đây luyện thể thì nhất quyết không chịu, giờ còn già mồm? Mau mau vận lương đến chỗ hội quân rồi còn về. Mười dặm đường nghỉ một chút, hai mươi dặm dừng ăn cơm thì bao giờ đến nơi?”
“Không phải chứ? Lỗ mũi trâu... ta giờ chỉ nôn được ra nước vàng mà ngươi cũng không chịu thương cảm lấy một chút sao? Ài... Đáng thương Liễu Trường Thanh ta một đời anh minh, cuối cùng lại nhìn nhầm coi tên vô tình vô nghĩa như ngươi là bạn.”
Thư sinh áo trắng còn đang lải nhải, thì bỗng nhiên hai con ngựa chiến đồng thời chồm lên, vó trước khua loạn, mở miệng hí dài.
Lý Quỷ nhíu mày...
Liễu Trường Thanh cũng thu hồi biểu cảm báng bổ người nhìn trên mặt.
Hai người nhìn nhau, đoạn nhảy xuống khỏi lưng ngựa, nhìn về phía kẻ đang đứng chặn giữa quan lộ.
Ngân giáp, bạch bào, sau lưng dựng một cây ngân côn, miệng ngậm một nhánh cỏ.
Đặng Tiến Đông tựa Vân Hải Trấn Thiên Côn mà đứng, chính đang chặn đường bắc thượng của hai người bọn họ. Một bên, Lý Quỷ, Liễu Trường Thanh đều không ngờ đối phương để chiến tướng mạnh nhất trong núi – Bạch Mã Hầu – tự thân xuất mã ngăn cản vận lương quan. Phía còn lại, Đặng Tiến Đông cũng không ngờ chỉ một chuyện tiếp vận lương thảo mà Đại Việt cử ra hai thiên kiêu.
Hắc Bạch Vô Thường của Đao Sơn.