Nguyễn Đông Thanh rùng mình, thầm nghĩ dựa vào cái loại ba ngày một trận đau lưng, bảy ngày một cơn mỏi gối như hắn dạy người ta nhảy múa, vậy thì để một con hải mã đến làm thay còn hơn.
Gã cũng không có ý định sử dụng điện thoại thông minh để Bạch Thiên Ảnh tự học giống Long U. Dù sao, danh tiếng của Đao Sơn trên Huyền Hoàng giới quả thật không thể nào khen cho nổi. Tuy không đến mức lấy mạng người luyện công, đồ thành diệt tộc, nhưng dưới trướng có đủ loại người thượng vàng hạ cám. Chưa nói người khác, một kẻ lấy sát nhập đạo như Tần Trảm, một kẻ ăn thịt người như Quách Bình Minh cũng đủ để khiến danh tiếng Đao Sơn thối không ngửi được.
Lại thêm phương châm hành xử từ xưa đến giờ của Đao Sơn vẫn là bá đạo, cho là nắm đấm lớn chính là đạo lý, vì lợi không từ thủ đoạn, sát phạt quả đoán. Thành thử miệng lưỡi thế gian không ngừng nhắm vào, cơ hồ là tự tuyệt với thiên hạ.
Danh tiếng, chính danh, tuy không phải là thứ có thể cân đo đong đếm được bằng tiền, nhưng lại cực kỳ quan trọng.
Vì sao Pháp phải lợi dụng Bảo Đại, vì sao Mỹ phải dựng lên một ngụy quyền, chẳng qua cũng là vì hai chữ “chính danh”. Thời ấy một đế quốc thực dân, một trong hai bá chủ thế giới, đánh một nước vừa mới thoát cảnh chiến tranh đô hộ còn phải mượn cớ để lấy chính danh, tư duy của Đao Sơn quả thật là không biết tự lượng sức mình.
Trái hẳn với Đao Sơn...
Long tộc tuy cũng không tính là lương thiện, cũng có rất nhiều tật xấu, thế nhưng từ khi Long Bá Thiên lên cầm quyền, cơ hồ là đặt hai chữ “tín nghĩa” lên hàng đầu. Long tộc không nói thì thôi, nhưng một khi lên tiếng, vậy thì tích chữ như vàng.
Thành thử, Nguyễn Đông Thanh có thể tin long tộc, song lại không dám tin Đao Sơn.
Bạch Thiên Ảnh bị từ chối, hơi tỏ vẻ đáng tiếc, song cũng không nói gì nhiều.
Mọi người điều chỉnh một phen, sau đó trừ Cố Văn, Hoắc Trường Ca và Nguyễn Đông Thanh ra, toàn bộ đều được điều động. Vương Long Mã Hổ, Trương Triều Triệu Hán mở đường. Theo sau là Dư Tự Lực, Lã Vọng Thiên, Hàn Thu Thủy, Long U. Cuối cùng là Bạch Thiên Ảnh. Chín người rồng rắn nối đuôi nhau đi thẳng đến nhà họ Đào.
oOo
Khi xưa chiến tranh Tề - Việt, hai quân Tả Hữu Dực thừa lệnh Nghiêm Hàn, một mặt thì xua quân phá thành chiếm đất, một mặt khác thì lại cho quân sĩ lùng sục các làng nghề thủ công, tìm thợ khéo đưa về phương bắc. Thành tử, nhiều làng nghề lâu đời bị thiêu rụi, dân chúng hoảng sợ trốn đi cả.
Sau này chiến tranh kết thúc, những dân làng này nghe tin thành Bạch Đế giàu có phồn hoa, bèn kéo tới cư trú, mở xóm lập làng, khôi phục nghề của tổ tiên. Cứ thế một đồn mười, mười đồn trăm, chẳng mấy chốc khu thành đông của thành Bạch Đế đã có mười mấy làng nghề, nhiều món hàng nổi danh thiên hạ không nơi nào khác có.
Loại trà hảo hạng nổi tiếng thiên hạ: Yên Tỏa Bích La Thanh, cũng là xuất ở đây.
Mà nổi tiếng cơ hồ không kém gì trà Yên Tỏa Bích La Thanh ở trên là một loại lụa đặc biệt, gọi là lụa Vân Cẩm Thất Sắc. Mười mấy lớp lụa kép trong kép ngoài, mỏng như là cánh ve, được dệt chắp vào nhau. Hai lớp ngoài cùng để dày hơn, tối màu, che giấu huyền cơ. Thế nhưng một khi lụa bám mồ hôi người mặc, có ánh sáng chiếu vào, tức khắc sẽ xuất hiện vô số hoa văn đủ màu sắp, lấp lóa ẩn hiện theo từng bước chân người. Ánh sáng xuyên đến đâu, vân lụa ẩn náu lộ ra đến đấy, có thể nói là yêu dẫm mà kín đáo, có mấy phần phong phạm của kẻ trí giả quy ẩn sơn lâm, thành thử cực kỳ được người trên thiên hạ yêu thích. Thậm chí, hàng năm thành Bạch Đế đều phải chuẩn bị bảy mươi tấm lụa Vân Cẩm Thất Sắc, đưa tặng cho quốc quân bảy nước để may long bào triều phục.
Mà nhà họ Đào lần trước đến báo án vừa vặn lại là một nhà nắm trong tay kỹ thuật dệt nên thứ lụa này.
Từ chợ Chính Đông, đi xuôi theo đường lớn chừng nửa dặm thì gặp một cái ao sen, cùng thuộc về ba làng nghề. Trong đó phía tây là làng Hậu Phúc, chính là nơi khai sinh ra phương pháp dệt Vân Cẩm Thất Sắc.
Chín người từ cổng làng tiến vào, sau đó Vương Long Mã Hổ xe nhẹ đường quen, dẫn mọi người đi về phía nhà họ Đào. Chòm xóm láng giềng thấy một đám người mặc phục trang của nha lại đến làng, nhao nhao chạy ra bờ rào nhìn ngó chỉ chỏ, lẩm bẩm đoán già đoán non.
Nhà họ Đào nằm ở cuối làng, bên dưới một hàng tre gai. Lúc chín người phủ Khai Phong đi đến thì vừa vặn gặp Đào thị đang ngồi trước hiên nhà dệt vải nửa chừng. Vương Long lên tiếng nói:
“Đào cô nương.”
Đào thị dường như không để ý bọn họ xuất hiện, giật mình một cái, ngón tay đâm vào con suốt đến chảy máu. Nàng ta ngậm ngón tay trong miệng, đoạn đáp:
“Ra là các vị đại nhân. Không biết vụ án của tiểu nữ...”
Mã Hổ nói:
“Cô nương yên tâm. Tuy là đệ tử phái Tiêu Dao đều đã bỏ mạng trong bí cảnh, nhưng chúng ta mời được vị Bạch cô nương này đến phá án.”
Tự biết dáng vẻ mình quái dị, nên mỗi lần ra đường, Bạch Thiên Ảnh đều mang một cái mặt nạ che đi nửa khuôn mặt nhăn nheo già khọm lại. Cô nàng tuy không thích thú gì trước cái kiểu chưa đánh đã khai của Mã Hổ, song vẫn lên tiếng:
“Tiểu nữ là đao chủ của Thời Quang đao. Đào cô nương, bây giờ chúng ta muốn vào trong nhà điều tra. Không biết cô có ý kiến gì không?”
“Nào dám? Tiểu nữ bây giờ chỉ muốn sớm ngày kết thúc vụ án, trả lại sự trong sạch cho bản thân. Các vị đại nhân đến giúp, cầu còn chẳng được, sao dám từ chối? Mời vào nhà.”