Trước lại kể chuyện Phó Kinh Hồng.
Kể từ sau khi mời được Lâm Thanh Tùng lên núi, băng cướp Lệ Chi sơn lại bắt đầu ngóc đầu trở lại.
Lâm Thanh Tùng kể từ sau khi vì Nguyễn Đông Thanh mà thân bại danh liệt, cách làm người cũng thay đổi hẳn. Kế đầu tiên mà hắn hiến cho Phó Kinh Hồng kỳ thực không ngoài bốn chữ:
“Âm thầm cắm rễ”.
Nói theo kiểu của văn học mạng, chính là hèn mọn phát dục, là “cẩu”.
Phó Kinh Hồng theo chỉ đạo của Lâm Thanh Tùng, từ trên xuống dưới núi Lệ Chi liên tiếp xây mười mấy chỗ phân trại, chiếu ứng lẫn nhau. Tiến có thể theo ba hướng khác nhau xuất binh rời núi, lui có thể dễ dàng điều binh từ cao xuống thấp.
Lâm Thanh Tùng lại đề nghị đào sâu xuống đất, tạo thành hầm ngầm cao nửa trượng, rộng một trượng. Hai đầu nối từ trại chính đến các phân trại, giữa lắp ròng rọc. Từ đó lương thảo, vật tư, tin tức tình báo đều có thể dùng phương pháp thủ công để truyền đi.
Theo như lão phân tích...
Thực ra chênh lệch lớn nhất giữa quân Lệ Chi sơn và quân triều đình không phải là kỷ luật, không phải là binh khí, mà là quân bị.
Lần trước Hồ Ma Huyền Nguyệt tiến đánh núi, sử dụng một loại ngọc giản đặc thù có khả năng phá hoại liên kết giữa ngọc truyền âm, chính là cải tiến từ công nghệ “phá sóng” của bảy nước. Phó Kinh Hồng dẫn binh theo lối cũ, lúc này không còn hàng quân dụng để kháng cự ảnh hưởng của ngọc giản phá sóng, thành thử bị đánh cho kêu cha gọi mẹ.
Ngoài ra, Phó Kinh Hồng còn thường xuyên dẫn người chạy vào Táng Thi đinh. Một mặt là mời chào người tài, mặt khác là tranh giành tài nguyên. Ở chốn này có không ít là tội phạm bị lục quốc truy nã, nếu có chỗ khác để dung thân thì há lại chịu bó gối ở nơi chó ăn đá gà ăn sỏi này? Thành thử, Phó Kinh Hồng vừa ném cành ô liu ra, không ít kẻ mộ danh mà đến.
Đương nhiên, có người thực tình quy thuận, cũng có kẻ định cướp đoạt sơn trại.
Mà đối với những chuyện này Lâm Thanh Tùng sớm đã có phương án ứng phó, cạm bẫy cơ quan, độc tố xuân dược, có thể nói là không có thủ đoạn bẩn thỉu, chẳng mưu hèn kế bẩn nào mà lão không lôi ra ngoài. Phó Kinh Hồng lần nào cũng là dĩ dật đãi lao. Bản thân phát huy mười thành, đối phương lại chỉ có thể miễn cưỡng dùng được ba phần thực lực, nếu còn không thể đánh người ta lăn lê bò toài thì hắn về quê làm ruộng cho xong.
Đương nhiên, nói vậy không có nghĩa là Phó Kinh Hồng vô địch ở Táng Thi Đinh. Chẳng qua là hắn chuyên trị mời chào những kẻ tu vi dưới ngũ cảnh, còn chưa vào Vụ Hải mà thôi.
Hai người hợp tác cũng có thể nói là ăn ý, Lệ Chi sơn trại càng lúc càng phong sinh thủy khởi.
Thế nhưng Lâm Thanh Tùng cũng không phải là toàn năng, môn nào cũng giỏi.
Chính trị, lão có thể miễn cưỡng chơi được.
Nội chính quản lý, Lâm Thanh Tùng không dám nói mình đủ sức trị một châu một thành, nhưng một sơn trại còn chưa làm khó được lão.
Mưu kế thì càng là sở trường.
Thế nhưng...
Lâm Thanh Tùng nói trắng ra là một quan văn, chưa từng lên chiến trường, cũng không từng lui tới chỗ thao trường diễn luyện. Thành thử, đối với chuyện luyện binh, lão cơ hồ dốt đặc cán mai.
Phó Kinh Hồng trấn thủ một thành, đương nhiên là thạo chuyện luyện quân. Nhưng tam quân nếu chỉ một thống soái, không tướng quân, vậy thì khó tránh khỏi mười phần bị động. Mà binh mã nếu do hắn huấn luyện, sau này đưa cho người khác cũng chưa hẳn đã quen được với cách cầm binh của tướng quân mới, lại thêm cờ lệnh, kèn trống mỗi người lại mỗi khác. Giao binh mã ra, thậm chí có lẽ còn cản chân cản tay, không bằng chiêu mộ một đám người mới rèn lại từ đầu.
Tựu chung...
Vấn đề hiện tại của Lệ Chi sơn là dưới đầy, trên rỗng. Nhân viên thì đông mà quản lý, giám đốc lại thiếu hụt nghiêm trọng.
Hà huống...
Người đời vẫn có câu chó cắn áo rách.
Chính vào lúc Lệ Chi sơn thiếu hụt tướng tá trầm trọng, lập tức đã phải đối đầu với mối nguy cơ mang tính hủy diệt.
Lý Thanh Minh từng che giấu thân phận, tòng quân ở Táng Thi Đinh. Đối ngoại là để rèn luyện thực chiến, biểu lộ chí khí anh hùng, khiến không ít thiên kiêu cũng có hảo cảm với y. Phùng Thanh La ban đầu cũng là như thế.
Kỳ thực...
Linh Vương điện hạ của Đại Việt sớm ở nơi này thiết lập cơ sở, giao thiệp anh hùng. Trong Táng Thi Đinh còn có một thế lực nhỏ lấy tên giả của hắn mệnh danh “Ly Thiên Minh”.
Hiện giờ tuy Lý Thanh Minh đã khôi phục thân phận, song vẫn thường móc nối với Ly Thiên Minh. Phàm là người tiến vào Táng Thi Đinh trốn chạy, Ly Thiên Minh đều mò tới, hoặc là yêu cầu nộp tiền giao bảo, hoặc là chiêu mộ đối phương.
Táng Thi Đinh là nơi tội phạm tụ tập, thượng vàng hạ cám, có thể nói là một trong những nơi quy tụ tiền của phi nghĩa lớn nhất Huyền Hoàng giới. Ly Thiên Minh cơ hồ là một cái muôi của Lý Thanh Minh, được hắn dùng để vớt thịt trong bát canh béo bở này.
Mà gần đây, cái muôi của Lý Thanh Minh thường xuyên bị một cái thìa tên Phó Kinh Hồng giành đồ ăn.
Cùng lúc...
Sắp đặt của Linh Vương điện hạ ở Hải Nha cơ hồ là thất bại gần hết. Lý Thanh Vân chẳng những hồi phục như thường, còn có đủ nhân chứng vật chứng là được Quan Hạ Băng phái ra ngoài làm kỳ binh. Lưu ảnh thạch rất khó làm giả, lại thêm nhân chứng là người của Đại Tề, thành thử hắn có muốn khép tội đào ngũ cho thằng em cũng chẳng được. Mà theo Lý Thanh Minh, Toái Đản Cuồng Ma chẳng hiểu đạp phải cứt chó hay bị chim ỉa lên người, lần này mạo hiểm thâm nhập Phong Bạo hải chẳng những bình yên vô sự, còn vớt được bảo vật của thái tổ trở về.
Có Du Long đao trấn giữ, Hải Nha có thể nói là trở thành một tòa thành nhàn hạ nhất đại chiến Hải Thú.
Đáng giận hơn, là công lao này của Lý Thanh Vân là đạp lên mặt hắn để nhận. Trình Chân Kim do hắn phái ra “cứu viện” Hải Nha hòng chiêu mộ Tĩnh Hải quân của bà chị cùng cha khác mẹ thất bại muối mặt.
Nếu không phải thuyết phục được Thẩm Tư Quân theo giúp mình, có lẽ Lý Thanh Minh đã tiễn Trình Chân Kim lên bàn thờ.
Giận.
Ôm một bụng uất ức, giờ lại nghe tin bị một tên tiểu tướng chó nhà có tang ở Đại Sở vuốt râu hùm, Lý Thanh Minh há có thể nhịn được nữa?
Thế là...
Hắn trút toàn bộ lửa giận tích chứa trong lòng lên đầu Lệ Chi sơn.
Trình Chân Kim làm thống soái, Vũ Văn Hiên, Long Thiếu Dương làm tiên phong dẫn theo ba ngàn tư binh tiến đánh Lệ Chi sơn, đối ngoại nói là thảo phạt nghịch tặc, ổn định hậu phương.
Lý Huyền Thiên còn đang bôn ba bốn phía, binh bộ thượng thư Lâm Cảnh Trung còn chết dí chôn chân ở Cổ Long, quả thật là không có một ai dám lên tiếng phản đối Lý Thanh Minh.
Thế là...