Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ tuy là một tác phẩm hiện thực phê phán, nhưng lại sử dụng tư tưởng Nho gia xuyên suốt để thể hiện góc nhìn, suy nghĩ, ước mơ, khát vọng của tác giả về một xã hội tươi đẹp hơn. Thành thử, có đặt ở Huyền Hoàng giới thì nó cũng hoàn toàn có thể tính là chí bảo của Nho môn.
Nhất là trong hoàn cảnh hiện tại, khi mà Nho môn đang quân tử thì ít mà tiểu nhân và Hủ Nho thì nhiều, thì nó lại càng trân quý. Tất nhiên, kể cả đối với chính đám tiểu nhân và Hủ Nho kia, thì độ trân quý của tác phẩm cũng không hề giảm. Bởi lẽ, về hình thức thì Truyền Kỳ Mạn Lục bản chữ Hán cũng không ít hư từ (“chi hồ giả dã”). Chả thế mà trong phòng lúc này ai nấy đều đang lên tiếng tấm tắc khen ngợi.
Lúc này cũng đã có người đọc hết cả quyển sách, chú ý đến bìa sách có ghi “quyển một”, bèn hỏi:
“Đỗ tiểu thư, nếu đây chỉ là quyển một, vậy phải chăng còn quyển hai, quyển ba nữa?”
Đây kỳ thực chính là hiệu quả mà Đỗ Thải Hà mong muốn. Cô nàng vỗ vỗ túi chứa đồ, lấy ra mười cuốn sách. Đoạn đặt tất cả thành chồng ở trên bàn cạnh người, lại đặt một tay đè lên chúng, rồi mới nói:
“Ở đây tiểu nữ có ba bản ghi chép quyển hai, ba bản ghi chép quyển ba, cùng bốn quyển ghi chép vài bài thi từ ca phú của gia sư trong lúc thảnh thơi. Thế nhưng ở đây nhiều người như vậy, sách quý lại vốn nên là ngàn vàng khó cầu. Ở đời có đạo lý ‘có qua có lại’, tin tưởng các vị đại nho, học sĩ ở đây cũng không định lấy không của gia sư chứ?”
“Vậy xin hỏi tiểu thư muốn bán với giá bao nhiêu?”
“50 vạn lượng.”
Nghe con số này thì trong phòng không ít người cau mày. Tuy nói 50 vạn lượng đối với những kẻ ở tầng thứ như bọn họ kỳ thực không nhiều, song bế ngoài Nho môn vẫn luôn tuyên truyền quan lại, quân tử phải liêm khiết, giữ mình, không tham ô tham nhũng. Tuy ngay trước khi Hải Thú công thành, đám “tao nhân mặc khách” này vẫn ăn chơi tiêu tiền nhưng đối ngoại vẫn phải tỏ ra bản thân thanh cao, nghèo khó. Nếu bọn họ cứ vậy mà để truyền ra ngoài rằng họ sẵn sàng bỏ ra tận mấy chục vạn lượng bạc mua sách lúc “nước sôi lửa bỏng” này thì thực là không hay. Thành ra, có một vị tiến sĩ lên tiếng:
“Đỗ tiểu thư, cái giá này có chút…”
Đỗ Thải Hà dường như đã lường trước phản ứng của đối phương, lúc này liền ngắt lời:
“Thế nhưng gia sư cũng từng dạy, sách quý nên tặng người có duyên. Hôm nay tiểu nữ gặp các vị ở đây, cũng tính là nửa cái duyên, đây cũng lại là nơi để trao đổi, so tài. Chi bằng chúng ta mở một cuộc so tài giao hữu vì mười quyển sách này?”
“Xin hỏi tiểu thư định so như thế nào?”
“Ở đây tiểu nữ có 100 đề bài gia sư sưu tầm từ cổ tịch. Các vị có thể lựa chọn giải đề, mỗi người giải mười đề. Nếu lựa chọn giải đề, thì giá khởi điểm là 1000 lượng. Hễ ai giải đúng toàn bộ cả mười đề thì có thể chỉ bỏ ra 1000 lượng để mua một cuốn sách. Thế nhưng, hễ đáp sai một đề, thì giá sách lại nhân đôi. Các vị thấy thế nào?”
Các vị thượng khách trong phòng nghe cô nàng nói vậy thì thoáng ngẩn người, sau đó cau mày, âm thầm dùng ánh mắt trao đổi.
Nho môn nổi tiếng xấu bụng, thích dùng ngôn từ bẫy người. Thế nên, các vị tiến sĩ, đại nho, học đồ, phu tử trong phòng kỳ thực cũng đã phát hiện ra cái bẫy trong lời nói của Đỗ Thải Hà. Nhìn qua thì đây là một món lời, chỉ cần bỏ ra 1000 lượng để mua một cuốn sách với giá gốc 50 vạn lượng. Thế nhưng đấy chỉ là trong điều kiện trả lời đúng hết cả mười đề. Nếu sai quá nhiều đề, nhất là nếu sai cả mười, thì cái giá cuối cùng sau khi nhân lên kỳ thực không hề nhỏ, mà vượt xa giá gốc 50 vạn lượng.
Lúc này, trong góc phòng, một vị tiến sĩ của Lam Ba thư quán mấp máy môi, truyền âm cho những người khác:
“Các vị, xem ra tình báo không sai, thứ mà Bích Mặc tiên sinh truyền dạy cho Đỗ Thải Hà có khả năng cao có vài phần tương đồng với cửu số.”
Nho môn lục nghệ gồm Lễ, Nhạc, Xạ, Ngự, Thư, Số. Trong đó, Số dạy về cách tính toán, chính là tiền thân của toán học hiện đại. Môn này bao gồm chín chương, nên còn gọi là Cửu Số. Chín chương của Cửu Số lần lượt là:
Phương điền (đo ruộng): ban đầu gồm các phép tính diện tích hình vuông, hình chữ nhật, về sau có cả tính diện tích hình tròn và các hình khác;
Túc mễ (tính toán việc buôn bán): bao gồm các phép tính về thu thuế, chia tỉ lệ;
Suy phân (phép hỗn hợp quý tiện): gồm các bài toán chia tỉ lệ và quy tắc tam suất;
Thiếu quảng (bình phương và lập phương: như tên gọi, ngoài ra, có các quy tắc khai căn bậc hai, bậc ba;
Thương công (tính về công trình): tập trung các bài toán về ước tính kích thước khi xây dựng, toán thể tích;
Quân thâu (vận phí xa thuyền): gồm các bài toán về tính tổng các cấp số cộng riêng biệt, hay công suất làm việc của thợ với sức lao động khác nhau;
Doanh bất túc (tỉ lệ): gồm đủ các loại bài toán giải phương trình tuyến tính đến hệ phương trình tuyến tính;
Phương trận (phương trình thức): giải hệ năm phương trình tuyến tính, đặt nền móng cho nghiên cứu về ma trận của người châu Á;
Và cuối cùng là câu cổ (phép tam giác): xác định chiều cao, khoảng cách không thể trực tiếp đo đạc bằng các tính chất của tam giác.