Kỳ thực, nếu Nguyễn Đông Thanh mà về cổ viện sớm độ một hai ngày thì đã kịp ăn với đám đồ đệ một bữa trước khi người của Kiếm Trì tới.
Dẫn đoàn lần này là Chấp Kiếm trưởng lão của Kiếm Trì. Lão họ Phạm, tên độc một chữ Kim. Đi cùng có bốn thiếu niên, hai nam hai nữ. Ngoại trừ Phùng Thanh La ra thì ba người còn lại đám Lý Thanh Vân đều chưa gặp bao giờ.
Từ sau khi Phùng Thanh La bị bắt cóc (1), đến hôm nay cô nàng mới được ra ngoài, mà toàn bộ đệ tử Kiếm Trì cũng nhận nghiêm lệnh không được tự ý tách nhóm đi riêng. Chuyến đi lần này cả đoàn gồm bốn thiên kiêu nổi trội nhất Kiếm Trì, ba trong bốn người này khả năng rất cao sẽ thành Tam Tổ đời kế tiếp, mà người hộ tống bốn người – Phạm Kim – cũng có tiếng ở Huyền Hoàng giới.
[1: chi tiết cụ thể đọc trong phụ chương Valentine trắng (chương 126: -128).]
Phạm Kim khi xưa từng tìm cách thuyết phục Lý Thanh Vân làm thánh tử Kiếm Trì, về sau tuy thất bại, nhưng giao tình giữa hai người cũng không tệ. Nhìn thấy ba sư huynh muội từ xa, lão đã lớn tiếng chào hỏi:
“Lý thiếu hiệp vẫn khỏe chứ? Phạm mỗ có lời chào ba vị cao đồ của Lão Thụ cổ viện!”
Trong ba sư huynh muội, kỳ thực có mỗi Đỗ Thải Hà là chưa từng gặp Phạm Kim, thế nhưng thấy Phùng Thanh La, lại nhìn thái độ của sư huynh sư tỷ, cô nàng cũng đoán được đối phương là trưởng lão của Kiếm Trì.
Sau khi chào hỏi, Phạm Kim bèn giới thiệu mấy người đi cùng. Thiếu niên mặt mày thanh tú, cao xấp xỉ Lý Thanh Vân là thánh tử của Kiếm Trì, Chân Lợi Kiếm, đệ tử chân truyền của Lâm Phương Dung. Hai thiếu niên nam nữ còn lại là Trịnh Lan Anh và Ngô Quốc Văn, hai ứng viên đang được xem xét kế thừa Vân Hà Kiếm Tổ.
Kiếm Trì truyền thừa, thánh tử thánh nữ là đệ tử chân truyền của hai vị kiếm tổ đứng đầu Khoái Kiếm phái và Cường Kiếm phái. Còn kiếm tổ đứng đầu Hoan Kiếm phái không chọn đồ đệ chân truyền từ đầu, mà chọn một trong các đệ tử có tư chất nổi trội trong đối nhân xử thế, lại có đầu óc chính trị để truyền y bát. Cách thức truyền thừa này xuất phát từ lịch sử của Kiếm Trì.
Tương truyền, Phạt Hải Kiếm Thánh có thu hai đồ đệ và một kiếm đồng. Ba người này được đời sau của Kiếm Trì suy tôn làm ba vị Kiếm tổ đầu tiên của bản phái. Hai đồ đệ của Kiếm Thánh sáng lập ra Cường Kiếm phái và Khoái Kiếm phái, nhưng đều là những kẻ kiếm si, không giỏi việc chính trị. Lão kiếm đồng khi ấy xử lý đa số các sự vụ trong tông môn. Về sau tuổi già sức yếu, gần đất xa trời, lão mới huấn luyện một đệ tử của Kiếm Trì có tiềm năng lên thay thế vị trí của mình.
Vài đời đầu, Hoan phái kiếm tổ lực chiến không cao, chủ yếu chỉ lo các sự vụ đối nội đối ngoại của môn phái. Thế nhưng về sau, cùng với sự phát triển của Kiếm Trì thì kiếm tổ đứng đầu Hoan phái cũng dần dần sánh vai được với hai vị kiếm tổ còn lại, tạo thành thế kiềng ba chân.
Cũng vì cách thức truyền thừa này, mà thánh tử thánh nữ của Kiếm Trì – ngoại trừ trường hợp không may bỏ mạng hoặc phạm trọng tội bị phế truất – thường chắc chắn sẽ trở thành kiếm tổ đời sau, địa vị trong tông môn rất cao. Ngược lại, truyền nhân của Hoan kiếm phái có sự cạnh tranh rất gay gắt trước khi được kiếm tổ phe này lựa chọn làm người kế thừa.
Có Phạm Kim giới thiệu, bảy thiếu niên nam nữ hai phe liền tiến lên chào hỏi lẫn nhau. Ba sư huynh muội giữ đạo chủ nhà, liền mời đoàn người của Kiếm Trì vào đình tiếp khách nói chuyện. Chấp kiếm trưởng lão kế đó mới nói mục đích bọn họ đến đây lần này.
Thì ra, sau khi Phùng Thanh La được cứu trở về, ít lâu sau thì Trần Thanh Lãng cũng từ Cổ Long thành quay lại. Ba vị kiếm tổ liền họp bàn về yêu cầu của Bạch Sầu Phi. Liễu Ân nhớ ra bí cảnh của Kiếm Trì – Kiếm Vực – lại sắp đến kỳ mở ra. Từ khi Lâm Phương Dung trở về, báo tin Bích Mặc tiên sinh nhận ra “cổ vật thần bí” mà Kiếm Trì lâu nay vẫn để bám bụi trong kho, tam tổ đã nhận định nếu tiên sinh không phải xuất thân từ bí cảnh, thì cũng có uyên nguyên sâu xa với chúng. Thành ra, Vân Hà Kiếm tổ bèn đề xuất mỗi phái của Kiếm Trì trích xuất ra một suất tham dự, mời ba cao đồ của Bích Mặc tiên sinh đến tham gia, vừa coi như tạ ơn tiên sinh, lại vừa có lợi cho Kiếm Trì.
Ba sư huynh muội Lý Thanh Vân còn chưa biết đáp sao, thì Tiểu Thạch đã chạy xuống núi, bảo chuyến này nên đi.
Phạm Kim bèn nhắc ba người tất cả các khâu chuẩn bị, tiến vào Kiếm Vực phải mất thời gian cỡ một tháng trở lên. Đám Lý Thanh Vân nghe vậy thì liếc nhìn nhau; thế rồi, hai người Tạ, Đỗ xin phép đi sắp xếp hành trang trước, để ông đại sư huynh ngồi lại tiếp chuyện đoàn người của Kiếm Trì. Phùng Thanh La hôm trước đã ở lại một đêm, bèn lấy cớ giúp hai người một tay để đi theo.
Phạm Kim và Lý Thanh Vân khi trước quan hệ không tệ, lúc này gặp lại, lão bèn hỏi Lý Thanh Vân đủ thứ chuyện. Tình báo của Kiếm Trì khá tốt, trận đánh thú triều hôm trước cũng đã được phát tán khắp các thế lực lớn của Huyền Hoàng giới. Thành thử, Chấp Kiếm trưởng lão cũng khá quan tâm bộ kiếm pháp sử dụng song kiếm mà cậu chàng dùng ngày đó. Hai người mải nói chuyện, cũng không để ý đến ánh mắt khang khác của Chân Lợi Kiếm.
Kỳ thực, chỉ nguyên việc Lý Thanh Vân từ chối vị trí thánh tử Kiếm Trì thì Chân Lợi Kiếm mới có ngày hôm nay thôi đã đủ để gã không thể cư xử hoàn toàn tự nhiên với cậu chàng. Thế nhưng, khúc mắc giữa hai người còn sâu xa hơn vậy nhiều.
Tính ra Phạm Kim là bác của Chân Lợi Kiếm, em gái của lão là mẹ cậu ta. Cái tên của hắn cũng do lão đặt; lại nói, cha mẹ hắn mất sớm, Chấp Kiếm trưởng lão nuôi họ Chân từ tấm bé. Thành thử, Chân Lợi Kiếm luôn coi lão như cha đẻ. Nên khi Phạm Kim tìm mọi cách mời gọi Lý Thanh Vân làm thánh tử Kiếm Trì mà không lí gì tới hắn – vốn khi đó cũng được coi là một kỳ tài kiếm thuật trong đồng lứa, hắn cũng chịu đả kích không nhỏ.
Về sau, khi Chân Lợi Kiếm được chọn làm thánh tử Kiếm Trì, chứng minh được thực lực, còn Lý Thanh Vân thì bị phế tu vi, đày ra biên ải, hắn những tưởng đã vượt qua được sự ám ảnh của bản thân. Nhưng cuộc đời trớ trêu, Lý Thanh Vân một lần nữa quật khởi. Tuy vị trí thánh tử của họ Chân không hề mảy may bị đe dọa, thế nhưng bóng ma tâm lý khi xưa lại một lần nữa trỗi dậy trong lòng hắn.