Nguyễn Đông Thanh cau mày.
Không phải nói mấy vị đến đây là để chấm điểm hay sao, tại sao lại đấm ngực dậm chân khóc rấm rứt như gái về nhà chồng như vậy?
Lẽ nào bài thơ ban nãy bọn họ còn chưa để vào mắt?
Nguyễn Đông Thanh hắng giọng, ho khan một tiếng, nói:
“Các vị, không bằng tại hạ lại đọc thêm một bài nữa? Thơ rằng...”
“Đủ! Đủ rồi! Chúng ta chịu thua!!!”
Bao Thành Tổ quỳ thụp xuống đất, nước mắt nước mũi lã chã rơi như mưa. Nếu không phải hiện giờ hai bên còn đang đối địch, có lẽ lão đã vái Nguyễn Đông Thanh như vái sao.
Mẹ của ta!
Lại tới thêm một bài?! Ác như vậy?!
Bích Mặc tiên sinh ngài chẳng nhẽ muốn Nho đạo đoạn tuyệt mới vừa lòng hay sao?
Cái gì gọi là chó cắn áo rách?
Đây chính là chó cắn áo rách!
Bao Thành Tổ thầm nghĩ, lần này về Văn Cung lão mà không lôi thằng cha dám nói Bích Mặc tiên sinh mở kim khẩu không có chút dị tượng nào ra thiêu sống, từ nay lão sẽ đổi tên thành Tổ Thành Bao.
Cái gọi là không có dị tượng của các ngươi là làm Nho đạo sập mất một góc?
Bao Thành Tổ thiếu điều khóc ra tiếng yêu thú.
Năm nhà Nho, Đạo, Phật, Vu, Võ sở dĩ có thể trở thành đại đạo bao trùm thiên hạ, mà các đạo nhỏ hơn như Trù Đạo do Trương Thất khai sáng không thể sánh ngang, ấy là vì đạo tổ khai đạo của bọn họ là cường giả thập cảnh chân chính, tu vi cao hơn Trương Thất nửa bước.
Chính vì đại đạo hoàn thiện, thành thử sau Phản Thiên Chi Chiến, tuy vạn đạo cùng tổn thương, nhưng năm đạo lớn căn cơ còn đó, lại thêm chuyện nhân tộc trở thành thiên đạo chi linh, từ đó mà năm nhà Nho Đạo Phật Vu Võ còn được gọi là Ngũ Lộ Triều Thiên.
Thành thử...
Giữa các nhà Nho Đạo Phật Vu Võ cũng có sự tranh đấu ngấm ngầm, không ai chịu ai.
Mà hôm nay vì một bài phú của Bích Mặc tiên sinh, Nho đạo chịu tổn thương đến độ vãng thánh rơi lệ, tiên hiền khóc than, đại đạo sập thêm một góc vào Vụ Hải.
Nếu không có chuyển cơ, sau này Nho đạo ắt sẽ thua bốn nhà còn lại nửa bậc.
Bấy giờ, suy nghĩ trong đầu mấy lão viện trưởng chạy nhanh như điện.
Có câu nước có thể dâng thuyền, cũng có thể nhấn chìm thuyền. Mà đối với Nho môn hiện giờ, không nghi ngờ gì nữa, Nguyễn Đông Thanh chính là “nguồn nước” mà họ cần.
Viện trưởng Kiêu Vân thư viện bỗng nhiên lên tiếng:
“Đúng rồi, tiên sinh, chuyện lần này thực ra là như thế này... Độ hơn tháng trước, có một học sinh đến Văn Cung đề một bài thơ, nói là nguyên tác của một vị Đại Nho tên là Cao Bá Quát. Mấy lão già chúng ta hỏi mãi mới biết học sinh nọ nghe được danh thi ở Quan Lâm. Thế nên... bọn ta mới muốn đến đây để tìm hiểu thực hư.”
“Đúng vậy. Đúng vậy. Cao tiền bối quả thực là tài cao bắc đẩu. Tuy lão nhân gia không muốn nổi danh, nhưng thân là hậu bối, thiết nghĩ Cao đại Nho phải được thờ phụng, để kẻ hậu sinh ngày ngày khói hương cúng vái mới phải đạo. Văn Cung là Nho môn thánh địa, há lại có thể để tiên hiền vãng thánh chịu cảnh vô danh, tuyệt tác ở đời phải mai một?”
Viện trưởng Bạch Lộ thư viện lập tức hiểu ý, bắt đầu tung hứng.
Viện trưởng Cổ Xuyên thư viện cũng chớp lấy ngay thời cơ:
“Mấy lão già chúng ta cũng là sợ bậc đại Nho như Cao Bá Quát tiên sinh không người kế tục, tài học rơi vào tay kẻ vô học bất thuật, thành thử hành xử cũng có mấy phần lỗ mãng. Chúng ta vốn nghĩ là nếu truyền nhân của Cao Đại Nho thực có chân tài thực học thì sớm đã bước chân lên Nho đạo, tiến nhập Vụ Hải cùng tiên hiền sánh vai. Ai ngờ tiên sinh đây lại... ài. Cũng do mấy lão già chúng ta thiển cận.”
Nguyễn Đông Thanh không ngờ bọn họ lại nhún nhường, bao nhiêu đòn thế chuẩn bị tung ra cơ hồ đều đánh vào bịch bông, không chỗ phát lực.
Thế nhưng, nghe mấy lão viện trưởng giải thích, gã cũng không khỏi nhớ đến cái người thư sinh mình tình cờ gặp phải ngay trước cổng nhà học. Khi đó bị y nài nỉ đòi thơ quá, Nguyễn Đông Thanh hắn quả thực có đánh bạo đọc bừa một bài Tạp Thi Kỳ 3 của cụ Cao Bá Quát, lại bốc phét rằng thánh Quát là bậc đại Nho nào đó.
Bây giờ tốt...
Nho môn tìm đến cửa điều tra.
Bích Mặc tiên sinh hắng giọng, nói:
“Ra vậy. Xem ra chuyện này cũng là một hiểu nhầm.”
Bao Thành Tổ lúc này cũng cười hì hì, tiến lên một bước, nói bằng giọng lấy lòng:
“Chuyện hôm nay sáu đại thư viện chúng ta ắt sẽ cho tiên sinh một câu trả lời thích đáng. Không biết tiên sinh có thể nể tình mấy lão già chúng ta có lòng hiếu học, ban cho mấy lời của Cao Đại Nho được chăng?”
Nguyễn Đông Thanh nghĩ bụng nếu đã là một “hiểu nhầm” thì những lời lẽ hôm nay của gã đối với Nho môn quả thực có chút cay độc thật. Thế là Bích Mặc tiên sinh của chúng ta hắng giọng một cái, hỏi:
“Chuyện này cũng được thôi.”
Mấy tay viện trưởng lúc này nhìn nhau một cái, lại hỏi:
“Tiên sinh... không biết, có thể tặng một bài thơ dùng tân thoại giống như bài phú khi nãy hay không?”
“Tân thoại?”
Nguyễn Đông Thanh không khỏi lấy làm hồ nghi.
Kể từ khi đến Huyền Hoàng giới, hắn cơ hồ chỉ đọc sách dạy chữ của trẻ con, đối với thơ văn ở đây cơ hồ chẳng biết chút nào. Quan Lâm lại không quá trọng văn, nên cũng chẳng để tâm lắm.
Hiện tại, ngẫm kỹ lại, Nguyễn Đông Thanh mới cảm thấy là lạ.
Tiếng Việt hiện đại có một lượng lớn từ Hán – Việt, mà thơ cổ thì cũng chia ra làm thơ Hán – thơ Nôm. Thế nhưng ở Huyền Hoàng giới, ai cũng dùng tiếng Việt để nói chuyện giống hắn, vậy thì từ Hán – Việt là ở đâu ra?
Ở đây hẳn là không có ngàn năm Bắc thuộc.
Thế rồi, Nguyễn Đông Thanh chợt nghĩ đến một khả năng.
“Chẳng nhẽ từ trước đến giờ ở Huyền Hoàng giới chỉ có thơ chữ Hán, chưa có thơ chữ Nôm, hay thơ bằng tân thoại. Thế nên ban nãy mình mượn tạm bài phú Nôm của cụ Phan Bội Châu mấy người này mới kinh ngạc đến thế?”
Những lần trước đọc thơ, hắn đều đọc thơ chữ Hán, thành thử những người xung quanh cũng không có phản ứng gì thái quá.
Nguyễn Đông Thanh nghĩ thông chuyện này, gật đầu một cái, nói:
“Vậy tại hạ xin mạn phép đọc, thơ tên ‘Hơn nhau một chữ thì’:
Chẳng lưu lạc dễ trải mùi trần thế,
Còn trần ai khôn tỏ mặt công hầu.
Ngất ngưởng thay con Tạo khéo cơ cầu,
Muốn đại nhiệm hãy dìm cho lúng túng.
Thân hệ bang gia chung hữu dụng,
Thiên sinh hào kiệt bất ưng hưu.
Hãy bền lòng, chớ chút oán vưu,
Thời chí hĩ, ngư long biến hoá.