Vừa bước qua cổng thành, Nguyễn Đông Thanh đã có thể thấy sự khác biệt như trời với vực giữa quận Nhị và quận Tam.
Nếu quận Tam là lầu son gác tía, vậy thì quận nhị chính là lầu vàng gác ngọc.
Đường rộng thênh thang, trải những viên gạch bằng sứ men xanh to bản rộng cỡ một trượng vuông, nhìn khắp nơi cũng không thấy được một cọng rác một hạt bụi nào. Hoa cỏ hai bên đường cũng được trồng ngay hàng thẳng lối, đều tăm tắp trải dài đến ngút tầm mắt.
Dọc theo từng cung đường trải sứ, xe ngựa lại qua, kiệu đi không ngớt, lác đác chỉ có vài hạ nhân ra ngoài làm việc là đi bộ, tuyệt nhiên không có lấy một sạp hàng quang gánh bán rong nào cả. Khung cảnh trước mắt bất giác khiến Nguyễn Đông Thanh nhớ lại mấy khu đô thị cao cấp ở địa cầu.
Bốn người một mèo vừa quận Nhị, chưa đi được vài bước thì đã có một nhóm tám người phăm phăm bước tới gần. Chỉ thấy người nào người nấy to cao cường tráng, cơ nổi rõ từng múi, xiêm y mũ mạo trên người cũng may bằng loại lụa tốt vừa bóng vừa mịn, so với cái ảo bằng vải bố thô ráp của Bích Mặc tiên sinh thì tốt hơn nhiều. Tên hạ nhân đưa thiếp cúi mình, làm thủ thế mời:
“Mời tiên sinh lên võng.”
Chỉ thấy tám người đàn ông vạm vỡ kia cứ hai người một tổ, vác một cái “đòn gánh”. Cái đòn gánh này làm bằng gỗ gụ, trông chắc nịch, chẳng những rõ từng đường vân, hơn nữa màu gỗ lẫn có ánh tím, thoang thoảng mùi hương dễ chịu. Nguyễn Đông Thanh không hiểu mấy về gỗ cũng đoán được thứ gỗ được dùng để đẽo lên cái “đòn gánh” này chắc chắn là một thứ gỗ rất quý, dùng cái giá trên trời cũng chưa chắc đã có mà mua.
Hai đầu đòn gánh làm thành hình đầu ưng đang hé miệng, mỏ chính là chỗ để móc hai đầu võng.
Chỉ thấy tấm võng được dùng ánh lên sắc tử kim, các mắt võng đan san sát nhau chỉ nhỏ bằng con muỗi. Tuy Nguyễn Đông Thanh không rõ lúc nằm lên có thoáng mát thoải mái hay không, thế nhưng kỹ nghệ có thể nói là tinh xảo vô cùng.
oOo
Bốn người Nguyễn Đông Thanh được võng khiêng thẳng đến một tòa phủ đệ rộng lớn.
Bấy giờ, trời đã chuyển từ chiều về tối.
Cả tòa phủ đệ lộng lẫy giăng đèn kết hoa, ánh sáng từ cơ man không biết bao nhiêu cái đèn lồng thắp sáng cả một con đường rực rỡ không khác nào ban ngày.
Lại có hai ngọn đèn trời được thả bay rất cao, dùng để treo hai tấm hoành phi bằng lụa đỏ, một bên tả một bên hữu. Mỗi tấm lụa lại cho thêu bảy chữ bằng chỉ vàng, tổng cộng là mười bốn chữ:
“Oanh đề phượng ngữ nghinh xuân trướng.
Nhạn vũ loan phi phất cẩm bình.”
Bút pháp nét thượng thì uyển chuyển nhu hòa, nét hạ thì cứng cáp hữu lực, quả thực xứng với những lời tán dương hoa mỹ như “bút tẩu long xà”, “rồng bay phượng múa”.
Tấm mặt mo của Bích Mặc tiên sinh đỏ lựng.
Hai câu trên hoành phi quả nhiên là hai câu đối hắn “mượn” của cụ Tam Nguyên Yên Đổ, thế nhưng cái nét chữ cặn bã của hắn mà đem so với thư pháp trên hai bức hoành phi thì chỉ có một câu: “thảm sát nghiêng về một bên”.
Ai là dao thớt, ai là thịt cá không nói cũng hiểu.
Càng làm Nguyễn Đông Thanh xấu hổ hơn ấy là hắn dùng bút vẽ nên mười bốn chữ bác sĩ, còn người ta là dùng kim chỉ thêu lên một tấm lụa mà vẫn có những nét chữ đẹp đến thế.
Tên hạ nhân đưa thiếp nhanh nhẹn nhảy xuống, xướng to:
“Tiên sinh đến!”
Mấy người khiêng võng quá cao, Nguyễn Đông Thanh không thò được chân xuống đất. Chính vào cái lúc gã đang loay hoay tìm cách xuống võng sao cho không ngã dập cả mặt thì đã có bốn người từ trong phủ đi ra, cười sang sảng:
“Tiên sinh nể mặt mà đến, Trương mỗ thật là vinh hạnh.”
Bốn người này đương nhiên chính là ba vị gia chủ ba nhà Trương, Hồ, Đinh và đại trưởng lão của Lý gia. Trương gia gia chủ thấy Bích Mặc tiên sinh của chúng ta chính đang loay hoay vật lộn với cái võng, bèn đánh mắt ra hiệu cho hai tên khiêng kiệu. Hai người này bấy giờ mới hơi khom người, chân của Nguyễn Đông Thanh chạm được xuống đất.
Hắn vội vàng đứng lên, trả lễ:
“Trương... đại nhân khách khí.”
“Đại nhân gì chứ? Trương mỗ đã cáo quan hưu trí từ lâu, bây giờ không hỏi chuyện trong triều nữa. Tiên sinh, mời vào uống chén rượu nhạt.”
Gia chủ Trương gia – Trương Hạo – cười nói.
Một câu này của lão lập tức khiến cơ mặt ba người còn lại co giật một cái, trong đôi mắt thoáng hiện ra vẻ mất tự nhiên.
Trong lòng gia chủ Đinh gia, gia chủ Hồ gia, còn có Lý gia đại trưởng lão cơ hồ đồng thời mắng Trương Hạo là mặt dày vô liêm sỉ. Nhất là gia chủ Hồ gia – Hồ Nguyên Thương – càng hận không thể đấm ngực dậm chân, chửi toáng lên một câu.
Trương Hạo chính là thái sư đời trước.
Hiện tại, đương triều thái sư Trương Hạc cũng chính là con trai của lão.
Trương gia tứ thế tam công, môn nhân đông vô số kể, văn thần võ tướng trong triều chẳng phải môn sinh cũng có dây mơ rễ má với họ, thế lực quả thực kinh khủng. Hồ Nguyên Thương vì mối hôn sự này mà bỏ ra cái giá không nhỏ mới hỏi cưới được con gái họ Trương cho thằng con mình.
“Sao lúc đó lão không bảo mình đã từ quan đi?”
Kỳ thực, trong bốn nhà, Hồ gia hắn quật khởi nhanh nhất, nhưng căn cơ cũng nông cạn nhất.
Trương gia là sĩ tộc có tiếng lâu đời thì không nói, Lý gia bỗng nhiên “phọt” ra được một tên Võ Hoàng Lý Huyền Thiên cũng không chấp. Nhưng Đinh gia trước đây cũng là nhà làm nông, chính vì quyên tiền cho tiên hoàng Thánh Tông xây dựng Tế Kỳ thành, nên được cho một chức quan. Lại trải qua nhiều năm kinh thương, mới có được như ngày hôm nay. Nếu nói quan lớn trong triều cơ hồ đều có vây cánh của Trương gia, thì quan nhỏ các nơi hầu như đều có quan hệ lợi ích với Đinh gia.
Hồ gia trái lại giống như là bèo không rễ.
Sau Hồ Nguyên Thương, Đinh gia gia chủ Đinh Quyền cũng lên tự giới thiệu với Nguyễn Đông Thanh. Đại trưởng lão Lý gia Lý Huyền Cơ do có quan hệ dây mơ rễ má với Võ Hoàng, thành thử được mọi người khoán cho tiến lên sau cùng.
Giới thiệu chào hỏi xong đâu vào đấy, Trương Hạo mới dẫn Nguyễn Đông Thanh vào phủ nhập tiệc.