Khi còn cách huyện thành mười mấy dặm, một chiếc xe từ đối diện vội vàng lao tới, người đàn ông đánh xe ở trên xe đang chăm chú nhìn về phía trước, đột nhiên nhìn thấy Mai Cẩm nghiêng người dựa vào xe, ánh mắt sáng lên vội cho xe dừng lại, nhảy xuống dưới chạy nhanh về phía cô, kêu lên:

– Cẩm Nương!

Mai Cẩm mở mắt ra, thấy là Bùi Trường Thanh thì ngỡ ngàng, sau đó thì nở nụ cười, ngồi thẳng lên gật đầu với hắn nói:

– Là chàng à!

Bùi Trường Thanh chạy đến trước mặt cô thì dừng lại, nhìn cô một cái, nét mặt rất hối hận và xấu hổ.

– Nàng…giờ mới về à? – Giọng của hắn hơi líu nhíu, ấp úng, – …Tối qua ta về nhà mới biết nàng được một trại dân gọi đi đỡ đẻ…Sáng nay chờ mãi không thấy nàng về, ta không yên tâm…

Hắn dừng lại nhìn Mai Cẩm.

Mai Cẩm cười nói:

– Cho nên chàng mới ra khỏi thành để đón thiếp phải không? Chàng tới đúng lúc lắm, thiếp có mang theo rất nhiều thứ của trại dân tặng, đầy cả xe đây này, đang không biết phải làm thế nào, chàng chuyển sang xe nhé.

Bùi Trường Thanh thở phào nhẹ nhõm, vội nói:

– Để ta!

Nói xong bước lên nhanh nhẹn khuân đồ.

Bảo Vũ cũng hỗ trợ cùng. Chuyển hết đồ rồi, Bùi Trường Thanh hàn huyên với anh ta vài câu sau đó quan tâm hỏi Mai Cẩm:

– Trên đường xảy ra chuyện gì vậy? Ta thấy y phục nàng dính bùn, mấy thứ kia cũng thế.

Bảo Vũ áy náy nói:

– Bùi lang quân, tất cả là lỗi của tôi đã không bảo vệ tốt Bùi nương tử. Vừa nãy lúc sắp đi đến con đường ruột dê…

Còn chưa nói hết đã bị Mai Cẩm cắt ngang. Mai Cẩm nói:

– Không có chuyện gì lớn đâu ạ. Mới nãy trong lúc vô tình có một nhóm người vội vã lên đường nên đã xảy ra chút va chạm nhỏ, cũng may không có chuyện gì lớn, thiếp không bị làm sao.

Bùi Trường Thanh hỏi kỹ thêm, Mai Cẩm chỉ kể lại vài câu cho qua, không nhắc đến chuyện mình suýt nữa thì theo xa le rơi xuống cách đá. Bùi Trường Thanh tin tưởng, vội vàng an ủi cô.

Tạm biệt Bảo Vũ, Mai Cẩm theo Bùi Trường Thanh lên xe, nói:

– Cảm ơn chàng đã tới đón thiếp.

Bùi Trường Thanh nhìn cô, tâm tình phức tạp.

Đêm qua lúc thoát thân khỏi ngõ nhỏ Dương Tử về nhà, hắn không thấy Mai Cẩm đâu, mới biết lúc sẩm tối cô đã được gọi đến Hồi Long trại ở ngoại thành đỡ đẻ. Sáng sớm hôm nay, Vạn thị thúc hắn ra khỏi thành xem thế nào. Vốn dĩ hắn đã rất hối hận rồi, không cần Vạn thị nói thì mình cũng muốn đi đón vợ, vì thế ra ngoài gọi xe vội vã ra khỏi thành, vừa lúc gặp được Mai Cẩm.

Ban đầu hắn nghĩ, ngày hôm qua mình vô cớ giận cô nửa đường bỏ mặc cô đi về một mình, lúc này hai người gặp nhau dù cô không giận thì ít nhất cũng sẽ tỏ thái độ với mình. Không ngờ cô không chỉ không hề nhắc tới nửa câu mà vẫn cười nói ôn hòa với mình, trong lòng hắn càng áy náy hơn, liền nói:

– Cẩm Nương, hôm qua là ta không phải, không nên tức giận với nàng. Nếu nàng còn giận trong lòng thì cứ mắng ta đi. Ta sẽ không phản bác một lời đâu.

Mai Cẩm nhìn hắn, cười nhẹ:

– Thiếp đoán chàng cũng chỉ nhất thời nóng giận thôi, tự chàng cũng đã nghĩ thông rồi, lần sau đừng như thế nữa là được.

Bùi Trường Thanh vội gật đầu đồng ý.

Đường về bình an, hai người về tới nhà. Vạn thị thấy trên y phục Mai Cẩm có dính bùn thì rất lo lắng hỏi han, Mai Cẩm lại kể lại y như những gì đã nói với Bùi Trường Thanh, chỉ nói là khi va chạm mình không cẩn thận ngã xuống đất nên mới bị bẩn như thế. Vạn thị thấy cô không làm sao thì yên tâm, lại nghe được việc cô thuận lợi giúp đỡ người ta, chỉ tiếc là thai nhi không còn nữa. Lúc đầu bà rất mừng, nghe thế thì lại niệm Phật thở dài nói thật đáng tiếc, sau đó bảo Mai Cẩm thay quần áo nghỉ ngơi.

Bà ra ngoài, trò chuyện với mấy hàng xóm đến chơi, khen con dâu mình diệu thủ hồi xuân với họ, còn bày những món ăn hoang dã vùng núi mà Mai Cẩm mang về. Mọi người khen nức khen nở không ngớt, mấy người phụ nữ cùng tuổi với bà thì hâm mộ, nói bà có phúc, có được con dâu tốt. Vạn thị ngoài miệng thì khách sáo nhưng trong lòng thì vui không thể nói hết, cả khuôn mặt đều rạng ngời.

————

Mai Cẩm thay sang bộ y phục sạch sẽ, xử lý đơn giản vết trầy xước trên người sau đó ngồi xuống cầm bút lông nhỏ nhất bắt đầu vẽ. Tới tối, Bùi Trường Thanh từ áp phòng về nhà, nhìn thấy một xấp giấy này trên bàn liền cầm lên đưa đến dưới ngọn đèn lật xem, hiếu kỳ nói:

– Sao nàng lại vẽ nhiều dao nhỏ làm gì? Còn cả kéo nữa?

Lại chăm chú quan sát hồi lâu,

– Mà hình thức nhìn khá lạ nha.

Mai Cẩm nói:

– Thiếp nhớ chàng từng nói với thiếp Triết Nha giỏi chế tạo đúng không ạ? Những thứ thiếp vẽ có kích thước nhỏ và yêu cầu cũng cao, không biết thúc ấy có chế tạo được không?

Bùi Trường Thanh nói:

– Yên tâm đi, không có gì là thúc ấy không làm được! Có điều nàng chế tạo những cái này dùng để làm gì?

Mai Cẩm nói:

– Chàng cũng biết thiếp là lang trung, những thứ này đương nhiên là dụng cụ khám chữa bệnh rồi. Nếu Triết Nha chế tạo được, thiếp muốn thúc ấy chế cho thiếp một bộ.

Bùi Trường Thanh bừng tỉnh, lại ngạc nhiên nói:

– Thật là hiếm thấy nha, những cái này sẽ trị được bệnh gì? A, ta hiểu rồi!

Hắn vỗ trán mình một cái,

– Trong kịch có nói Hoa Đà cạo xương của Quan Công để trị độc, còn mở hộp sọ của Tào Tháo để trị chứng đau đầu đúng không? Nàng cũng biết nó á?

Mai Cẩm mỉm cười:

– Thiếp không giỏi như Hoa Đà, nhưng mà chàng đoán cũng gần đúng, nó chính là có tác dụng này.

Trên giấy, ngoài một số loại dao mổ thường được sử dụng còn có dụng cụ cầm máu và các dụng cụ khác có thể được sử dụng trong các ca phẫu thuật nói chung.

Sở dĩ Mai Cẩm nghĩ đến việc tạo ra những thứ này hoàn toàn là do cảm xúc mà cô có được từ trải nghiệm đỡ đẻ tối qua. Kim Hoa cuối cùng có thể sinh được bào thai chết non một cách suôn sẻ, ngoại trừ có mình hỗ trợ ra thì vị trí thuận của thai cũng mang tính quyết định. Nếu vị trí thai không thuận, dù cho có mình hỗ trợ, khả năng lớn nhất chỉ sợ đến cuối cùng vẫn là mạng sống của mẹ lẫn con đều không giữ được. Cho nên lúc ở Miêu trại, cô đã bắt đầu có suy nghĩ chế tạo ra một bộ dụng cụ giải phẫu.

Cô đương nhiên nhận thức được những rủi ro khi thực hiện các thủ tục phẫu thuật cho bệnh nhân trong điều kiện hiện tại. Nhiễm trùng, mất máu và các tình trạng tạm thời khác nhau có thể gặp phải trong quá trình phẫu thuật mà không có người trợ giúp đều là những nguy hiểm bạn phải đối mặt. Cô cũng không có ý định làm show lớn ở đây để khoe khoang những quan niệm và công nghệ y học đi trước thời đại của mình, mà chỉ xuất phát từ thói quen trong nghề nghiệp mà cô luôn cảm thấy cần phải có một bộ thiết bị dụng cụ đề phòng những tình huống bất khả kháng.

Bùi Trường Thanh bày ra sự thán phục sâu sắc:

– Cái này đều là tổ phụ dạy nàng à? Ông ấy thật là tài giỏi.

Mai Cẩm mỉm cười, gật gật đầu.

Bùi Trường Thanh hiện tại rất tin tưởng vào y thuật của Mai Cẩm, cô nói gì hắn liền nghe đó, cũng không hỏi nhiều, chỉ nói:

– Thế ngày mai ta đưa nàng đến chỗ Triết Nha.

Mai Cẩm nói:

– Chàng phải trực ở trong áp phòng, không thể cứ ra ngoài được. Thiếp cũng biết đường rồi, tự thiếp đi cũng được.

Bùi Trường Thanh đồng ý. Mai Cẩm đi tới bàn thu dọn bản vẽ của mình, trong phòng trở nên im lặng.

Mấy ngày qua, buổi tối hai người vẫn ngủ riêng, chẳng qua Bùi Trường Thành không ngủ ở ghế nữa mà đổi thành tấm thảm trải sàn được hắn lén mang vào nhà vào ban đêm, lúc ngủ thì trải ra, sáng sớm dậy thì cuộn lại giấu trong ngăn tủ, cho nên Vạn thị vẫn không phát hiện ra.

Mai Cẩm thu bản vẽ cất đi xong quay đầu lại trông thấy Bùi Trường Thanh vẫn ngồi yên không nhúc nhích, như là đang suy nghĩ gì đó, liền hỏi:

– Chàng có tâm sự ạ?

Bùi Trường Thanh vẫn luôn nghĩ đến chuyện đêm qua bị kéo đến chỗ Bạch Tiên Đồng. Sáng nay khi đón cô về nhà, hắn vẫn do dự có nên nói với cô không, bây giờ lại thấy trù trừ, cứ cảm thấy hổ thẹn đã giấu cô, mà nói cho cô biết thì có vẻ như không ổn. Đang mất tập trung, chợt nghe cô hỏi thế thì ngây người, lúng túng lắc đầu:

– Không có gì đâu.

Mai Cẩm cười cởi giày ngồi xuống giường, buông màn nói:

– Vậy chàng ngủ đi, cũng muộn rồi.

Bùi Trường Thanh tắt đèn, nằm trên chiếu, mắt mở to nhìn chằm chằm đỉnh màn, trong đầu hiện lên dáng vẻ yếu ớt đáng thương không chịu buông mình ra của Bạch Tiên Đồng đêm qua, chốc lát lại nghĩ đến mình và Mai Cẩm đã thành thân được nửa tháng, trằn trọc khó ngủ, hồi lâu mới mơ màng thiếp đi.

————

Một đêm an bình. Buổi sáng hôm sau, Bùi Trường Thanh đi áp phòng, Mai Cẩm báo một tiếng với Vạn thị, mang theo chút điểm tâm cùng với bộ phác thảo mình đã vẽ tối qua đi đến chỗ Triết Nha. Triết Nha thấy cô tới thì hết sức bất ngờ, vội dừng hết mọi việc lại mời cô đi vào trong.

Căn phòng chật hẹp và ánh sáng lờ mờ, Triết Nha lau đi lau lại chiếc ghế trước khi mời Mai Cẩm ngồi xuống, xấu hổ ái ngại nói:

– Chỗ ta ngay cả chỗ ngồi đang hoàng cũng không có, trà cũng không có, chỉ có nước trắng mời cô nương thôi.

Nói rồi kêu A Nhung đi đun nước.

Mai Cẩm ngăn lại, bảo A Nhung ngồi xuống cạnh mình ăn điểm tâm mình mang đến, rồi nói với Triết Nha:

– Có gì đâu ạ. Triết Nha thúc, Trường Thanh nói thúc giỏi về rèn, cháu đến đây là muốn nhờ thúc giúp cháu xem có thể chế tạo được bộ dụng cụ này không ạ.

Nói rồi lấy bản vẽ thô với kích thước của mình ra.

Lúc này Triết Nha mới lấy lại bình tĩnh, cầm lấy bản vẽ xem lướt qua, sau đó gật đầu nói:

– Chắc là được.

Mai Cẩm giải thích cho anh ta về chức năng tỉ mỉ và chi tiết. Triết Nha chăm chú nghe xong, nói:

– Ta đã hiểu. Ta sẽ tôi luyện vật liệu, cố gắng hết sức để đáp ứng yêu cầu của thiếu phu nhân. Một lần không được thì thử lần hai, lần ba. Nhất định sẽ chế tạo ra được thứ tốt theo yêu cầu của cô nương.

Mai Cẩm hẹn anh ta ngày để xem mẫu và để lại tiền đặt cọc, nhưng Triết Nha nhất định không chịu nhận, không còn cách nào khác, Mai Cẩm đành phải cất tiền cọc đi, lúc đứng lên xin phép ra về trông thấy A Nhung ngước lên nhìn mình, nét mặt dầy vẻ lưu luyến, cô nói:

– Triết Nha thúc, cháu thấy thúc rất bận, cháu thì ở nhà rảnh rỗi, thúc cho phép A Nhung đi theo cháu, đến tối cháu sẽ đưa muội ấy về nhé.

A Nhung từ nhỏ không có bạn chơi cùng, từ sau khi đến đây thì càng không có cơ hội ra ngoài chơi, nhiều nhất là chỉ đứng ở cửa chơi đùa một mình, cửa hàng rèn một tấc vuông này chính là phạm vi hoạt động hằng ngày của cô bé, Triết Nha rất thương yêu con gái, trong lòng cũng luôn thấy áy náy với con gái. Nay nghe Mai Cẩm lên tiếng, ban đầu thúc muốn từ chối, nhưng thấy cô rất chân thành mời, không hề mang ý mời cho có lệ, liền đồng ý. Lại thấy con gái lộ rõ vẻ hân hoan, trong lúc mình cũng vui vẻ theo, thúc lấy mũ rơm đội lên cho A Nhung để che đôi mắt dễ gây chú ý, còn dặn dò cô bá phải nghe lời, bấy giờ mới tiễn ra cửa.

Mai Cẩm mang theo A Nhung về nhà. Trước đó Vạn thì cũng đã nghe Bùi Trường Thanh từng nhắc tới thợ rèn Triết Nha có một cô con gái có hai đồng tử, cho rằng là điềm xấu, lại thấy Mai Cẩm dẫn cô bé về nhà, trong lòng không được tự nhiên. Sau đó thấy A Nhung rất ngoan ngoãn hiểu chuyện, lại nghe Mai Cẩm nói hai đồng tử chỉ là đồn nhảm, xưa nay có không ít thánh hiền cũng có hai đồng tử nên cũng không nói gì.

A Nhung ở nhà Bùi gia một ngày, Mai Cẩm dạy cô bé viết tên đồng thời dạy một số từ đơn giản và số học. A Nhung rất thông minh, có trí nhớ tốt và học rất nhanh. Tới sẩm tối, gần giờ Thân trung (sáu giờ tối), Bùi Trường Thanh còn chưa về, sợ Triết Nha lo lắng, Mai Cẩm dự tính sẽ đưa A Nhung về nhà.

Một canh giờ nữa, bầu trời bắt đầu tối, Vạn thị đành phải cùng Mai Cẩm ăn cơm trước, trong lòng lo lắng, nghi con mình lại bị đám Trương Thanh Trí kêu đi uống rượu. Tới giờ Tuất trung, trời hoàn toàn tối mà Bùi Trường Thanh vẫn chưa về, cũng không để lại lời nhắn gì về nhà, không chỉ Vạn thị mà ngay cả Mai Cẩm cũng bắt đầu lo âu.

Từ lúc cô tới Bùi gia, ngoại trừ hai ngày đầu và tối qua ở bên ngoài thì Bùi Trường Thanh đều về nhà đúng giờ, có đôi lúc sẽ hơi muộn nhưng cũng không vượt qua giờ Tuất. Theo như Vạn thị nói, hắn là đứa con có hiếu, từ trước đến giờ nếu có về muộn thì sẽ luôn nhờ người về nhà thông báo để mẫu thân ở nhà đỡ phải lo.

Lại qua nửa canh giờ nữa, Bùi Trường Thanh vẫn chưa về, cũng không có tin tức gì, Vạn thị không kìm nén được nữa nhờ đường đệ Trường Hỉ hôm đó đi đón dâu đến áp phòng xem có chuyện gì. Bùi Trường Hỉ vâng lời lập tức đi luôn.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play