Lúc Kỳ Kỳ còn nhỏ, có một khoảng thời gian nó luôn đọc truyện cổ tích cho cậu nghe. Con bé kể nhiều nhất là chuyện Cô bé lọ lem. Đúng mười hai giờ đêm, phép thuật biến mất, chiếc xe ngựa biến trở lại thành một quả bí ngô, Lọ Lem vội vàng rời khỏi vũ hội, chỉ để lại một chiếc giày pha lê, sau đó hoàng tử nhờ chiếc giày đó mà tìm được Lọ Lem.
Và họ hạnh phúc mãi về sau.
Cái câu chuyện vốn chỉ để lừa gạt các cô bé nhỏ, giờ lại chợt nảy ra trong đầu, Mạnh Chiêu dừng bước, nhìn lại tòa nhà nơi Tạ Gia Lân ở, vươn tay kéo khuôn mặt to tròn của chuột Mickey trên quần, rồi tiếp tục thong thả tản bộ xuống đường.
Lúc đó chưa đến chín giờ sáng, mặt trời còn chưa lên cao, nhiệt độ vẫn chưa nóng bừng lên như ông trời đang đổ giận.
Nơi này cách trường của Kỳ Kỳ không xa nên cậu quyết định đi bộ đến. Khi đến nơi, cậu mới nhận ra —— hôm nay là Chủ nhật. Sân trường vắng tanh, mặt sàn sơn xanh phản chiếu sáng choang.
Cậu rẽ vào góc phố bước đến nhà anh Báo, chỉ có bảo mẫu là dì Trần và Kỳ Kỳ ở trong nhà.
Cô bé con vừa nhìn thấy cậu liền cười toe toét, lập tức vội vàng kéo cậu vào phòng bếp, dừng lại trước tủ lạnh, sau đó nhón chân chỉ lên ngăn cao nhất của tủ lạnh.
Mạnh Chiêu mở cửa tủ lạnh giùm nó, lấy từ ngăn đá ra hai cây kem ốc quế, mở hộp giấy bên ngoài đưa cho nó một cây.
Dì Trần đang lau sàn trong phòng khách liếc nhìn họ một cái rồi cúi đầu tiếp tục làm việc như chưa hề nhìn thấy gì.
Mặt trời uể oải leo lên đỉnh đầu, trong phòng cũng đã có chút ngột ngạt – điều hòa phòng khách cũ nên chẳng còn phả ra bao nhiêu hơi lạnh, cũng chưa kêu thợ sửa, giờ nó chỉ như một chiếc quạt đặc biệt ngốn điện.
Kết quả là chưa ăn được mấy miếng, hai cây kem ốc quế cnhanh chóng tan chảy, nhỏ giọt trên tay.
Mạnh Chiêu lấy khăn giấy bên cạnh lau tay cho Kỳ Kỳ, khi Kỳ Kỳ giơ tay lên, chợt cậu nhìn thấy dưới lòng bàn tay mũm mĩm của con bé có một vết xước lớn.
Kỳ Kỳ không đợi cậu hỏi đã chủ động giải thích: “Em tự té.” Rất chi là lạy ông tôi ở bụi này.
Nói xong, con bé chỉ vào miếng băng gạc trên cánh tay Mạnh Chiêu.
Mạnh Chiêu luôn bị thương nhiều hơn là không. Chỉ là cậu rất ít khi chạy đến đây khi bị thương.
Cậu cắn một miếng kem chảy, trợn mắt nhìn cô gái nhỏ, bắt chước nói: “Anh tự té, không phải bị đẩy té.”
Đợi hai người tranh nhau xem ai ăn ốc quế nhanh nhất xong, gặm sạch đến que gỗ bên trong, Mạnh Chiêu lại hỏi nó: “Vẫn là thằng nhóc lần trước à?”
Kỳ kỳ hỏi một đằng trả lời một nẻo:: “Ba đã hứa sẽ cho em đi học Taekwondo.”
Mạnh Chiêu nhướng mày: “Vậy thì tốt.”
Tiếng chìa khóa tra vào ổ khóa vang lên, Mạnh Chiêu theo bản năng đứng thẳng dậy. Cánh cửa bị đẩy ra, Khương Báo vừa vào phòng ngước mắt lên liền thấy cậu ở đó, sững người một chút, anh ta cau mày trách mắng: “Chị dâu mày nói hôm qua mày bận không đến được. Giờ tao mời mày về ăn cơm cũng không được nữa à?”
Mạnh Chiêu cười trừ, Khương Báo nheo mắt nhìn mặt Mạnh Chiêu: “Đi đánh nhau hả?”
Suy nghĩ một lúc, Mạnh Chiêu thành thật nói: “Là Vinh Sẹo.” Cậu lấy giấy gói kem ốc quế từ Kỳ Kỳ, vò lại ném chúng cùng với giấy gói của mình vào thùng rác gần đó rồi bước đến gần Khương Báo, cười rạng rỡ, “Vinh Sẹo đánh em một trận chắc cũng hả giận rồi, chuyện cũng qua, em về lại với anh nhé?”
Khương Báo không nói chuyện, Mạnh Chiêu đưa hai tay ôm vai anh ta lắc lắc vài cái, làm nũng nói: “Anh ta cũng đâu thể cứ thấy đâu đánh đó hoài?”
Mấy vết kem chảy trên tay Mạnh Chiêu dây đầy vai Khương Báo, Khương Báo đẩy cậu ra, phủi phủi bả vai, tức giận nói: “Đừng tưởng thằng đó không dám làm vậy.” Anh ta bước đến chỗ con gái mình, xoa xoa mái tóc bông xù của cô bé, “Kỳ Kỳ, về phòng đi, ba muốn nói chuyện với anh con một chút.”
TV đang bật, trên kênh ATV đang phát sóng một talkshow, Người dẫn chương trình một tay cầm ly rượu, một tay cầm điếu thuốc, nhiệt tình kể những câu chuyện cười tục tĩu trong khi nữ khách mời ngồi bên cạnh hi ha cười lớn, không hề quan tâm đến hình ảnh của mình.
Khương Báo liếc nhìn TV, nghe MC kể xong câu chuyện cười, mới quay đầu nói với Mạnh Chiêu: “Thứ bảy tuần sau ông Hứa mời tao đi ăn tối, nói tao dẫn mày theo.”
Mạnh Chiêu ngạc nhiên: “Ông Hứa? Em còn chưa nói chuyện với ổng lần nào.”
Khương Báo im lặng một lúc, như thể anh ta muốn nói điều gì đó, nhưng sau đó mím môi, im lặng.
Mạnh Chiêu cười: “Hay là hồi trước ổng quen mẹ em?”
“Cái thằng này…” Khương Báo cầm remote chuyển sang một kênh đang phát phim hoạt hình Nhật Bản, “Hứa Tổ Huy ngon lành đấy, không phải dạng ất ơ như tao, nếu ông ta muốn giữ mày lại thì mày phải ráng mà học hỏi cho đàng hoàng …” Anh ta còn chưa nói xong, lại khoát khoát tay, “Mà thôi dẹp đi, xung quanh ông ta nguy hiểm bỏ bà, có khi mày chết lúc nào mày cũng không biết.”
Mạnh Chiêu ngẩng đầu nhìn đồng hồ treo tường: “Ủa chị dâu đâu anh?”
“Hẹn đi mát-xa với bạn.” Khương Báo nhìn chằm chằm đồng hồ treo tường, đưa tay vò đầu, “Mười một giờ rồi mà chưa thấy về, vái trời bả đừng có lén đi đánh bài nữa.”
Hứa Tổ Huy khác với loại dân anh chị đầu đường xó chợ thậm chí không thể viết được tên của mình. Gã là sinh viên xuất sắc từng học tại một trường đại học ở Nhật Bản.
Người này đi Nhật ăn cơm mấy năm, về nước thì lại bảo không quen đồ ăn Hồng Kông nữa, nghe nói cứ mời ai đi ăn thì chắc chắn sẽ là ăn đồ Nhật.
Hoạt động kinh doanh của các nhà hàng Nhật Bản ở Hồng Kông tiếp tục sa sút sau Chiến tranh chống phát xít Nhật, cho đến khi bộ phim truyền hình Nhật Bản “Akai Giwaku” rầm rộ nổi lên ở Hồng Kông vào năm 1975, mấy tiệm đồ ăn Nhật mới thấy mùa xuân trở lại.
Càng nhiều cửa hàng mở ra hơn, các ông chủ ngày càng có nhiều mánh khóe cạnh tranh hơn.
Nhà hàng mà Hứa Tổ Huy hẹn rất nổi tiếng, nhân viên phục vụ đều là những cô gái trẻ đẹp, mặc kimono cồng kềnh khó đi lại, tay cầm bát đĩa vững vàng, vòng eo hơi khom, bước những bước nhỏ nhanh nhẹn.
Mạnh Chiêu bắt một cô phục vụ lại báo số phòng. Cô gái khẽ cúi đầu rồi dẫn họ vào một căn phòng riêng, vén tấm rèm trắng ở lối vào.
Đi theo Khương Báo vào trong, Mạnh Chiêu lập tức nhìn thấy một bể cá hình chữ nhật trên bàn thấp.
Bên trong chỉ có một con cá, dài bằng lòng bàn tay người lớn, toàn thân hồng hào, mập đến mức trông nó như bị bơm hơi.
Vài sợi cây thủy sinh nằm giữa những viên đá nhân tạo nhiều màu sắc, đung đưa qua lại như thể giật mình trước cái đuôi màu hồng nhạt của con cá.
Hứa Tổ Huy đang ngồi khoanh chân ở chiếc bàn thấp, ăn mặc chỉnh tề và tươm tất, trông không giống một người đàn ông ngoài năm mươi chút nào. Thấy bọn họ tiến vào, gã chào hỏi trước: “A Báo! Tới đây.”
Sau khi trao đổi vài câu xã giao vui vẻ với Khương Báo, Hứa Tổ Huy lịch sự hỏi Mạnh Chiêu đã ở bên Khương Báo bao lâu, vết thương của cậu là như thế nào.
Người ngoài không giải quyết được vấn đề, Mạnh Chiêu cũng không định gặp ai cũng kể khổ. Cậu tập trung vào con cá mập mạp xinh đẹp trong bể, vừa định nói “Tôi bị ngã.” cho xong chuyện thì tấm màn trắng ở cửa ra vào đột nhiên bị vén lên.
Trước sự ngạc nhiên của cậu, người bước vào chính là Tạ Gia Lân.
Hứa Tổ Huy lập tức đứng lên chào hỏi, đưa tay nói: “Ông chủ Tạ!”
Mạnh Chiêu không ngờ lại gặp lại Tạ Gia Lân nhanh như vậy, Trong lòng cậu như có pháo hoa nổ đùng đùng, gần như không kìm được sự phấn khích nhưng cũng sợ phải trắng trợn nhìn chằm chằm vào anh.
Người đàn ông đó bắt tay Hứa Tổ Huy gần như qua quýt, sau đó tháo kính râm ra móc vào cổ áo phông, mỉm cười nói: “Xin lỗi, tôi bị kẹt xe.”
Nói xong, anh ngồi xuống một bên chiếc bàn thấp.
Các cô phục vụ bắt đầu lần lượt mang sashimi lên.
Hứa Tổ Huy và Tạ Gia Lân nói chuyện, người hỏi người trả lời, rất thản nhiên và không hề dè dặt. Nhìn anh, Mạnh Chiêu chợt nhớ đến chuyện ở gara.
Tạ Gia Lân biết rõ chính người trước mặt đang nói cười với anh đã chỉ thị cho Ma Can bắt cóc anh vào ngày hôm đó.
Đang chìm trong suy nghĩ, Mạnh Chiêu không phát hiện ánh mắt của Tạ Gia Lân đã chuyển về phía mình, vội vàng cúi đầu.
Chẳng mấy chốc, chiếc bàn dài đã đầy ắp đồ ăn. Nhưng chiếc đĩa sứ hình bầu dục lớn nhất được trang trí bằng một vòng hoa huệ nhưng bên trong lại trống rỗng.
Hứa Tổ Huy vỗ vỗ tay, một người đàn ông trung niên ăn mặc như đầu bếp bước vào.
Người đầu bếp cúi đầu, đi đến đầu kia của chiếc bàn thấp, đột nhiên thò tay vào bể cá bắt con cá béo đặt lên thớt.
Mạnh Chiêu ngồi gần nhất, đuôi cá giãy phành phạch bắn vài giọt nước lên mặt cậu, cậu còn chưa kịp phản ứng thì đầu bếp đã giơ một con dao nhỏ tương tự như dao cắt trái cây lên, đâm một nhát vào con cá.
Cậu thẫn thờ nhìn miệng con cá đóng mở.
Vốn tưởng rằng nó là chỉ là cá cảnh, không ngờ lại có kết cục như vậy.
Con cá bị lóc thịt ngay khi còn sống, được cắt theo góc cạnh, từng miếng một, cuối cùng chỉ còn lại cái đuôi cá nguyên vẹn. Người đầu bếp nhẹ nhàng đặt con cá yếu ớt chỉ còn xương và nội tạng trở lại bể.
Trong bể cá tràn ngập máu đỏ, giống như một làn khói dần dần tan biến.
Con cá dường như không nhận ra mình sắp chết, vẫn phun bọt vẫy đuôi, vui đùa quanh những cây thủy sinh trong bể hẹp.
“Đầu bếp của nhà hàng này có kỹ năng tốt nhất đấy. Cá có thể sống như thế này cả ngày,” Hứa Tổ Huy khoe khoang, chỉ vào phần thịt mới được cắt ra từ cá sống để lên chiếc dĩa được bao quanh bởi hoa huệ, “Thử một ít xem.”
Thịt cá trong như pha lê và có màu hồng, mỗi miếng gần như bằng nhau.
Mạnh Chiêu vội vàng nhìn đi chỗ khác, nhưng dịch vị chua lòm từ bao tử vẫn cứ chực trào từ cổ họng.
Giọng nói của Hứa Tổ Huy nghe méo mó và chói tai, giống như bị một nhạc cụ nào đó thay đổi, đâm vào não Mạnh Chiêu.
“Ông chủ Tạ nói với tôi qua điện thoại rằng anh ấy muốn chàng trai trẻ này làm trợ lý.” Hứa Tổ Huy nói, “Vừa vặn là chúng tôi đã ký hợp đồng, bây giờ cũng coi là cùng hội cùng thuyền rồi. A Chiêu, về sau cậu đi theo giúp đỡ ông chủ Tạ đi.”
Mạnh Chiêu lúng túng ngẩng đầu, còn tưởng rằng mình nghe lầm.
Khương Báo liếc nhìn Tạ Gia Lân đang cúi đầu làm sốt mù tạt. Vừa định nói, Hứa Tổ Huy đã cắt ngang: “Đừng lo, ông chủ Tạ năm nào cũng tổ chức sự kiện từ thiện. Cậu ấy là người tốt bụngn sẽ chăm sóc tốt cho A Chiêu.” sau đó lại nói tiếp: “A Báo, trong tay ta có một chỗ mới định giao cho cậu,, người khác ta không tin tưởng, lát nữa sẽ bàn bạc chi tiết với cậu.”
Ra khỏi quán ăn Nhật, gió đêm thổi qua Mạnh Chiêu mới bớt buồn nôn.
Xe đón Tạ Gia Lân dừng ở cửa tiệm, anh mở cửa sau, đặt tay lên cửa, quay đầu nhìn cậu: “Vết thương trên người thế nào rồi?”
Mạnh Chiêu vội đáp: “Dạ không sao.”
“Sáng sớm mai có buổi quay phim ở Cửu Long Thành Trại lúc 5 giờ. Nếu em có thể dậy được thì đến xem.”
Mạnh Chiêu đáp lại gần như thái quá: “Dậy được!”
Tạ Gia Lân không hề bối rối trước sự hưng phấn quá mức của Mạnh Chiêu, nhẹ giọng nói: “Tôi phái xe đến đón em nhé?”
“Không cần đâu ạ,” Mạnh Chiêu lắc đầu, “Em ở gần đây.”
Mặc dù nói dậy được nhưng Mạnh Chiêu nôn quá nên tỉnh dậy vào lúc hai giờ sáng. Cậu lục tung mấy bộ quần áo cũ chỉ đếm trên đầu ngón tay của mình để tìm một bộ tàm tạm vừa mắt, lại cảm thấy buồn ngủ, định chợp mắt một lát nhưng cuối cùng lại ngủ đến năm giờ rưỡi.
Cậu gần như bật dậy ngay lập tức, mặc quần vào, nhảy tới cửa khoác áo khoác, quay người đóng cửa lại quá vội vàng. “Ầm” một tiếng, vách tường rung chuyển, lớp sơn vốn đã bong tróc trên tường rớt ra rơi lả tả. Tòa chung cư xập xệ có khả năng cách âm vô cùng kém, tiếng động lớn từ cửa nhà cậu khiến những người hàng xóm ở tầng trên giật mình, bắt đầu chửi bới không ngừng.
Phim trường rất dễ tìm; cứ đến chỗ một nhóm người tụ tập quanh những cái máy quay phim khổng lồ.
Mọi người trên phim trường đều la hét, ai nấy đều tỏ ra lo lắng. Ồn ào nhất là một phụ nữ tóc đỏ đang cầm loa, liên tục hỏi: “Diễn viên quần chúng đóng vai kẻ trộm đâu? Diễn viên quần chúng đóng vai kẻ trộm đâu?!”
Mạnh Chiêu đang chạy vô tình nhìn đến chạm mắt với người phụ nữ, cô này chĩa loa về phía cậu: “Cậu này chạy nhanh đấy! Cậu! Lại đây vào vai!”
Mạnh Chiêu ngơ ngác bị kéo vào lều chứa trang bị, đạo cụ. Người phụ nữ nói: “Một lát nữa, cậu cứ chạy nhanh nhất có thể. A Minh đóng vai cảnh sát, sẽ đến bắt cậu. Hiểu chưa?”
./.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT