Vào đêm La Hồng Dân bị sát hại, Hướng Tư Linh đã đưa Tiền Tư Điềm con gái cô ta đến khu cắm trại lều vải Tinh Dã núi Ảnh Trúc. Khu cắm trại này nằm trên một mảnh đất bằng gần đỉnh núi, có thể chạy thẳng xe vào. Mặc dù gọi là khu cắm trại lều vải nhưng ở đây có hơn mười lều Mông Cổ sang trọng và rộng rãi được trang bị đầy đủ điều hòa, sưởi sàn, phòng tắm và cả trần ngắm sao. Mẹ con Hướng Tư Linh ở lều Mông Cổ số 1 nằm ngoài cùng rìa trại, đây là lều có phong cảnh đẹp nhất, không có vật cản nào. Lều số 1 cũng nằm cách xa khu lều trại và khu vực công cộng đông đúc.

Trần Phổ và Lý Khinh Diêu đến quán bar khu vực công cộng trước bởi đây chính là nơi mà Hướng Tư Linh được nhìn thấy lần cuối vào tối hôm ấy. Nhân viên phục vụ và bartender quán bar đều có ấn tượng sâu sắc với một người đẹp giống Hướng Tư Linh.

Trần Phổ hỏi: “Cô ta ở quán bar suốt đêm à?”

“Đúng vậy, cô ấy ngồi ở vị trí cạnh cửa sổ, rất nhiều người mời cô ấy nhảy và uống rượu.”

“Cô ta có đồng ý không?”

“Lúc đồng ý, lúc không. Người đẹp mà, đẹp thì có quyền lựa chọn.”

“Cô ta rời đi lúc 9 giờ hơn?”

“Vâng.”

“Sao cậu nhớ rõ thế?”

Bartender cười, “Cô ấy xinh đẹp như vậy thì ai mà chẳng muốn ngắm. Hơn nữa khi đi cô ấy còn tạm biệt chúng tôi, bảo rằng phải đưa con về ngủ. Cô ấy cực kỳ dịu dàng và lịch sự. Anh cảnh sát, tại sao anh lại điều tra cô Hướng? Chẳng nhẽ cô ấy có vấn đề gì ư?”

“Chuyện gì không nên hỏi thì đừng hỏi. Tôi hỏi gì cậu trả lời cái đó. Cậu có biết tối hôm đó cô ta uống bao nhiêu rượu không?”

“Nhiều lắm. Riêng cô ấy đã tự gọi bốn, năm ly cocktail, chưa kể còn cả rượu người khác mời nữa, tôi không rõ cô ấy còn uống thêm bao nhiêu ly. Rượu tôi pha hậu vị mạnh lắm, cô ấy chắc chắn say rồi, lúc ra về đi đường còn không vững.”

Trần Phổ và Lý Khinh Diêu đưa mắt nhìn nhau, Lý Khinh Diêu hỏi: “Cô ấy ở quán bar cả tối, thế con gái thì sao? Cũng dẫn theo chứ?”

Nhân viên phục vụ trả lời: “Không có đâu ạ. Khu cắm trại chúng tôi tính đến vấn đề này nên đã xây hẳn một khu vui chơi trẻ em trong nhà, còn có người trông coi. Cô ấy gửi con ở đó đến giờ qua đón là được.”

Trần Phổ và Lý Khinh Diêu lại đến phòng Hướng Tư Linh ở tìm nhân viên phục vụ. Bởi vì trước đó cảnh sát đã hỏi một lần, Hướng Tư Linh lại nổi bật nên nhân viên phục vụ nhớ rất rõ.

“Các chị phục vụ bữa sáng tận phòng đúng không?”

“Đúng vậy. Đây là dịch vụ dành cho khách VIP ở lều Mông Cổ. Có khách muốn dậy sớm ngắm bình minh, có khách muốn ngủ nướng, vì thế chúng tôi sẽ phục vụ bữa sáng theo thời gian yêu cầu của khách hàng. Đương nhiên khách cũng có thể đến nhà hàng dùng bữa, thực đơn như nhau.”

“Hướng Tư Linh dặn chị mang bữa sáng đến lúc mấy giờ?”

Lần trước cảnh sát đến điều tra, nhân viên phục vụ đã xem lại sổ ghi chép đặt món nên nhớ rất rõ, “Bảy rưỡi.”

“Tối hôm trước cô ta uống say mà, không nhắn chị mang bữa sáng đến muộn hơn à?”

“Tôi đã hỏi cô ấy có cần mang bữa sáng đến muộn hơn không. Nhưng cô ấy nói con gái cô ấy thức dậy lúc 7 giờ mỗi ngày nên vẫn mang bữa sáng đến lúc 7 rưỡi, không được để con gái đói. Làm mẹ ai cũng vậy mà, dù có muốn ngủ thêm, nhưng khi con dậy thì cũng phải dậy thôi. Bé gái đó rất lễ phép, chỉ mới ba tuổi mà đã luôn miệng nói cảm ơn dì ạ. Cô bé xinh y như mẹ, sau này chắc chắn cũng sẽ là một mỹ nhân.”

“Trong biên bản trước đây, chị đã khai mình nhìn thấy Hướng Tư Linh trong phòng vào lúc 7 giờ 30 phút sáng?”

‘Đúng vậy.”

Trần Phổ trầm ngâm một lát, hỏi tiếp: “Hôm đó ai mở cửa phòng cho chị?”

Nhân viên phục vụ ngập ngừng trả lời: “Là…ồ, là con gái của cô ấy mở cửa cho tôi.”

“Ai lấy đĩa đồ ăn? Con gái cô ta à? Hay Hướng Tư Linh ra lấy?”

Nhân viên phục vụ chần chừ một lát, rồi đáp: “Tôi không nhớ rõ nữa. Có thể tôi đã bê vào để lên bàn, cũng có thể cô Hướng đã ra lấy. Nhưng tôi chắc chắn mình sẽ không đưa đĩa cho cô bé, bởi vì cái đĩa rất nặng.”

“Đến vấn đề này mà chị cũng không nhớ rõ, thế chị còn nhớ mình tận mắt nhìn thấy Hướng Tư Linh ở đâu không? Cô ta đứng ở cửa hay ở trong phòng?”

Nhân viên phục vụ lại nhíu mày như đang vắt óc nhớ lại. Cuối cùng, cô ấy khẳng định, “Trong phòng, hình như tôi đã bê đĩa đồ ăn vào.”

Trần Phổ chỉ xung quanh, “Khi chị nhìn thấy Hướng Tư Linh, cô ta đang đứng ở đâu? Bên giường? Bên cửa sổ? Trong nhà vệ sinh? Hay đang ngồi ở bàn làm việc?”

Nhân viên phục vụ ngẩn người, trả lời: “Chuyện đó thì tôi không nhớ rõ vì cũng đã hơn một tuần rồi. Ngày nào tôi cũng phục vụ rất nhiều khách hàng khác nhau nên không thể nhớ rõ ràng được. Nhưng tôi nhớ, chắc lúc đó…cô ấy đang ở trong phòng.”

Trần Phổ bảo nhân viên phục vụ đi trước, anh và Lý Khinh Diêu tiếp tục dạo quanh khu vực.

Hai người đứng bên ngoài lều Mông Cổ nhìn hoàn cảnh xung quanh. Buổi tối trên núi se lạnh, Lý Khinh Diêu ôm tay, sờ cánh tay lạnh ngắt, hỏi anh: “Anh nghĩ tối hôm ấy cô ta có say không?”

Trần Phổ đút một tay vào túi quần, anh không thấy lạnh, chỉ cảm thấy mát mẻ. Anh trả lời: “Chuyện này tôi cũng không rõ. Ai mà chẳng biết giả vờ say, đương nhiên cũng có thể là say thật.”

Lý Khinh Diêu cười nhạt. Lúc Trần Phổ hỏi nhân viên phục vụ, cô mới tận mắt nhìn thấy thế nào gọi là mổ xẻ từng lớp. Cô lại hỏi anh: “Anh nghi ngờ lúc bảy rưỡi sáng Hướng Tư Linh không có mặt trong phòng, nhân viên phục vụ đã nhớ sai?”

“Không thể nói là nhớ sai. Nhân viên phục vụ mang bữa sáng mỗi ngày, công việc này buồn tẻ, lặp đi lặp lại và không đòi hỏi suy nghĩ nhiều. Thông thường họ chỉ mang thức ăn đến, nở nụ cười và nói vài câu phục vụ theo tiêu chuẩn rồi đi. Nhân viên phục vụ hiếm khi để ý đến khách hàng ở đâu, thậm chí còn không ngẩng đầu nhìn khách hàng. Dù bây giờ em hỏi nhân viên phục vụ đó sáng nay đã mang thức ăn đến những phòng nào, trong phòng có ai, tôi nghĩ cô ấy chắc chắn không nhớ rõ. Trừ phi xảy ra chuyện gì đặc biệt gây ấn tượng mạnh với cô ấy. Nhưng hiển nhiên hôm đó chỉ là một ngày bình thường.

Nếu tôi là Hướng Tư Linh, muốn ngụy tạo bằng chứng ngoại phạm, chỉ cần dùng một vài mánh khóe nhỏ. Ví dụ như mở vòi nước trong phòng tắm, giả vờ như có người đang tắm; hoặc bảo con gái nói với nhân viên phục vụ rằng mẹ vẫn đang ngủ; thậm chí có thể dùng điện thoại phát lại đoạn ghi âm giọng nói của mình trong phòng nói câu bữa sáng để đó nhé. Hơn nữa, trẻ nhỏ như vậy thường không rời xa mẹ. Trong ký ức mơ hồ và lặp lại của nhân viên phục vụ vào buổi sáng rất có thể sẽ có ấn tượng có người trong phòng. Vì vậy, khi chúng ta hỏi cô ấy có nhìn thấy Hướng Tư Lăng không, cô ấy sẽ nghĩ rằng mình đã nhìn thấy.

Trước đây chúng tôi từng gặp những trường hợp tương tự. Nhân chứng không cố ý nói dối, chỉ là họ không nhớ rõ nên chủ quan nghĩ rằng mình đã nhìn thấy. Vì vậy lời khai của nhân viên phục vụ này không đủ thuyết phục. Hiện tượng này gọi là “ký ức giả” (*), em có hiểu tôi đang nói gì không?”

“Nói thừa. Anh nói chẳng có câu nào em không hiểu được hết.”

Trần Phổ bật cười, “Vâng vâng vâng, em thông minh nhất Đội mình.” Anh thấy cô run lẩy bẩy, “Lạnh à?”

“Hơi lạnh.” Cô lườm anh, “Sao nào? Muốn cởi áo đưa cho em à? Cái áo phông của anh toàn mùi mồ hôi, có chết cóng em cũng không mặc đâu.”

Trần Phổ cũng chỉ mặc mỗi chiếc áo ngắn tay như cô, đương nhiên không cởi áo đưa cho cô được nếu không hình tượng cảnh sát nhân dân của anh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Anh chỉ tay vào cô, “Đợi một lát, tôi mang áo đến cho em. Có giỏi thì đừng mặc.”

Trần Phổ quay đi nhanh như một cơn gió, Lý Khinh quyết định vào trong lều Mông Cổ đợi cho ấm. Một lát sau, anh cầm một chiếc áo phông đen ngắn tay tới, nói: “Trên xe tôi chỉ có cái này thôi, em mặc không?”

Lý Khinh Diêu còn lâu mới chịu thiệt, cô cầm áo ngửi thử, chỉ có mùi nước giặt tươi mát. Trần Phổ sầm mặt, “Áo sạch! Em chê tôi à?”

Lý Khinh Diêu tròng áo lên người, “Em ghét tất cả những tên đàn ông hay đổ mồ hôi.”

Trần Phổ đáp trả bằng một câu cực kỳ quê mùa, “Không đổ mồ hôi không phải đàn ông. Gà rù, công tử bột, trai tươi non, em thích loại nào?”

Lý Khinh Diêu: “Ai mà biết, lỡ em không thích đàn ông thì sao.”

Trần Phổ đến bó tay với cô.

Đấu khẩu cũng chỉ là đấu khẩu, phải công nhận em gái mặc chiếc áo phông nam rộng thùng thình trông khá kỳ lạ xong cũng rất đẹp. Bình thường cô thích mặc những gam màu tươi sáng giản dị, cứ vờ như một bông huệ trắng tao nhã. Đây là lần đầu tiên Trần Phổ thấy cô mặc đồ đen. Dù Lý Khinh Diêu cao cũng phải 1m65 nhưng vạt áo phông vẫn dài đến trên đầu gối, tay chân mảnh khảnh đưa qua đưa lại.

Lý Khinh Diêu cũng nhìn mình một lượt từ trên xuống dưới, cô bình thản ngẩng đầu, “Em biết mình cân được mọi phong cách, anh đừng ngẩn ra đấy nữa, tiếp tục nói về vụ án đi. Vậy nên, chúng ta đang phải đối mặt với Hướng Tư Linh của Schrödinger (**). Tối đó, cô ta có thể đã say, cũng có thể chưa say. Có thể ở trong phòng, cũng có thể không ở trong phòng.”

Trần Phổ bật cười với cách nói của cô, anh trả lời: “Đúng vậy. Từ hồ Minh Nhã đến núi Ảnh Trúc, chứng cứ ngoại phạm của cô ta vô cùng hoàn hảo. Tất cả có thể là thật, cũng có thể là giả.”

“Anh nói thế thì chẳng khác nào chuyến này mình đi công cốc, không chứng minh được điều gì cả.”

“No. Em còn nhớ khi tôi gặp thầy, tôi đã nói dù nước cờ rảnh ngụy trang thành tội phạm bị truy nhã để đánh lạc hướng cảnh sát hay chiếc xe van đã chuẩn bị sẵn từ nhiều tháng trước, vạch ra tuyến đường chạy trốn tại chợ, thậm chí là dâng cho chúng ta nghi phạm nam hoàn hảo nhưng lại không thể tìm thấy, tất cả đều chứng minh hung thủ lần này, hiện tại nên gọi là kẻ chủ mưu, chính là một cao thủ trong các cao thủ.

Tôi cảm thấy, chứng cứ ngoại phạm của Hướng Tư Linh cũng có “mùi” giống toàn bộ vụ án này: Như đúng mà sai, nghi vấn chồng chất nhưng lại không tìm được lỗ hổng nào.

Trước đây tôi nghĩ nếu Hướng Tư Linh là chủ mưu, cô ta có thể không đến hiện trường mà chỉ điều khiển tên đàn ông mặc áo sơ mi hoa giết người. Nhưng giờ tôi cảm thấy, một cao thủ đã lên kế hoạch trong thời gian dài, tạo ra cái bẫy giết người tinh vi đến vậy thì có thể cô ta sẽ tự ra tay.

Lý Khinh Diêu tiếp lời, “Một là tự mình giết mới hả dạ. Hai là sẽ không để lại bằng chứng cho đồng phạm. Trừ phi cô ta giết luôn cả đồng phạm.”

“Đúng vậy.”

“Đội trưởng à, em đồng tình với cảm giác này của anh. Nhưng xin anh hãy nhìn nhận thực tế. Đến giờ chúng ta vẫn chưa tìm thấy bằng chứng nào chứng minh Hướng Tư Linh là hung thủ, thậm chí còn chưa có chứng cứ chứng minh cô ta có mặt tại hiện trường vào tối hôm đó.”

“Tôi đã nói rồi mà. Trong vụ án này, tôi phải nắm rõ câu chuyện trước, sau đó chứng cứ sẽ tự xuất hiện. Đối đầu với cao thủ như vậy, chúng ta phải kiên nhẫn. Còn về phần thu thập chứng cứ, phía chú Đinh vẫn đang điều tra đấy còn gì? Phía chú ấy nhiều người, chú Đinh cũng không phải người vô dụng. Lần này tôi không phải người phụ trách chính vụ án, không có nhiệm vụ đặc biệt nên rảnh rang lắm. Chúng ta cứ tiếp tục điều tra, vẫn giả thiết Hướng Tư Linh là hung thủ. Chúng ta đã đi được quá nửa đường đi của cô ta đêm hôm đó, chỉ còn một nửa nữa thôi.”

“Ý anh là, chúng ta phải đi từ núi Ảnh Trúc quay về hồ Minh Nhã để giết người như cô ta đêm đó?”

Hai người hỏi quản lý khu cắm trại và được biết trên núi không có phương tiện công cộng xuống núi. Khách đến khu cắm trại đều tự lái xe. Ở thị trấn cách chân núi 2km có xe buýt đêm tầm trung chạy vào thành phố, tổng cộng ba chuyến, chạy vào lúc 10 giờ 30 phút, 12 rưỡi và 3 giờ sáng. Tuyến xe buýt đêm này chủ yếu để thuận tiện cho người dân khi có việc gấp hoặc phải đi bệnh viện vào ban đêm nên bình thường rất ít người đi.

Trần Phổ và Lý Khinh Diêu nhìn bản đồ tuyến xe buýt đêm, phát hiện giữa đường có một trạm dừng cách phía Đông hồ Minh Nhã chỉ 1,5km.

Hai người nhìn nhau, lại trùng hợp nữa à?

Camera an ninh ở bãi đậu xe của khu cắm trại đã được kiểm tra. Suốt tối hôm đó, xe của Hướng Tư Linh không lái ra khỏi bãi đậu, cô ta cũng không đến bãi đậu xe. Ngoài ra, trước khi đến núi Ảnh Trúc, Trần Phổ đã yêu cầu Diêm Dũng kiểm tra camera an ninh trên hai con đường xuống núi vào tối hôm đó. Anh không dám nhờ chú Đinh nữa, sợ ông ấy lại nổi khùng. Chỉ có khoảng mười mấy chiếc xe xuống núi vào ban đêm, Diêm Dũng trả lời lại: Không phát hiện Hướng Tư Linh. Chứng tỏ tối hôm đó Hướng Tư Linh không lái chiếc xe nào xuống núi.

Đúng lúc này, Lý Khinh Diêu nhìn hàng xe đạp công cộng màu vàng bên ngoài khu quản lý khu cắm trại, đó là những chiếc xe dành cho du khách ba lô sống trong lều vải. Trần Phổ cũng nhìn theo, anh vỗ vai Lý Khinh Diêu, “Đi thôi, chọn một chiếc đi. Em biết đi xe đạp chứ?”

Lý Khinh Diêu: “Anh có thấy chân em bị què không?”

“Em nói chuyện tử tế được không?”

“Anh đừng hỏi mấy câu ngớ ngẩn được không?”

Không phải lúc nào cô và anh cũng muốn đấu khẩu. Hiện đã là 9 giờ 40 phút tối, hai người đã điều tra từ sáng tới giờ đều đã mệt rã rời. Nhưng thời gian này chính là thời cơ lý tưởng để mô phỏng lại lộ trình của Hướng Tư Linh đêm đó. Hai người đấu khẩu ngay lúc này cũng xem như ăn ý, giúp cả hai tỉnh táo và thư giãn, giúp quãng đường này không còn quá mệt mỏi.

Trần Phổ nhờ Diêm Dũng đánh dấu trên bản đồ những địa điểm có camera an ninh trước rồi hỏi nhân viên khu cắm trại một vài con đường nhỏ có thể đi vòng. Để mô phỏng tình huống, hai người đã đạp xe xuống núi với tốc độ nhanh như chớp. Sau bốn lăm phút, hai người mồ hôi nhễ nhại, thành công tránh được tất cả các camera trên đường và đến bến xe buýt thị trấn, còn đúng năm phút nữa là xe chạy.

Đêm đã khuya, trong thị trấn lác đác vài ánh đèn, trên đường không một bóng người. Trạm xe buýt tầm trung nằm ven đường cổng thị trấn, trông rất cũ kỹ, chắc chở được khoảng mười sáu, mười bảy người. Một người đàn ông gầy gò khoảng năm mươi tuổi, mặc quần đùi và chiếc áo phông đã bạc màu đến mức không nhận ra màu gốc, đang ngồi trên ghế lái hút thuốc. Nhìn thấy hai người, ông ta sững sờ. Trần Phổ bước lên bàn đạp quan sát, trong xe không một hành khách.

“Một người ba tệ.” Tài xế nói.

Trần Phổ quét mã chuyển tiền, anh và Lý Khinh Diêu ngồi ghế đôi phía sau tài xế.

—-

Chú thích:

(*) Ký ức giả (False Memory): Trong tâm lý học, ký ức giả hay ký ức sai lệch là hiện tượng khi một người có những ký ức về một điều gì đó chưa từng xảy ra hoặc hồi tưởng lại một sự việc theo cách thức hoàn toàn khác so với những gì thực sự xảy ra trong quá khứ.

(**)Erwin Schrödinger là nhà khoa học đứng đằng sau thí nghiệm “Con mèo của Schrödinger”. Ông là một nhà vật lý học người Áo, có những đóng góp vô cùng quan trọng cho sự phát triển của cơ học lượng tử. Ông được biết đến rộng rãi nhờ phương trình sóng Schrödinger, một công cụ toán học cơ bản để mô tả hành vi của các hạt ở cấp độ lượng tử.

Con mèo của Schrödinger là một thí nghiệm tư tưởng nổi tiếng trong vật lý lượng tử, được đặt ra bởi nhà vật lý học Erwin Schrödinger vào năm 1935, nhằm mục đích minh họa một cách trực quan và gây tranh cãi về khái niệm chồng chập trạng thái trong cơ học lượng tử. Hãy tưởng tượng một con mèo bị nhốt trong một chiếc hộp kín. Bên trong hộp có một thiết bị chứa một lượng chất phóng xạ nhỏ. Nếu một nguyên tử của chất phóng xạ này phân rã, nó sẽ kích hoạt một chiếc búa đập vỡ một bình chứa chất độc, khiến con mèo chết. Tuy nhiên, theo quy luật của cơ học lượng tử, trước khi mở hộp, nguyên tử phóng xạ tồn tại ở cả hai trạng thái: vừa phân rã, vừa chưa phân rã. Do đó, theo logic này, con mèo cũng sẽ ở trong một trạng thái chồng chập: vừa sống, vừa chết cho đến khi ta mở hộp ra để quan sát.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play