Tây Xuất Ngọc Môn (Quyển 2)

Chương 74


2 tháng

trướctiếp

Đây là lần đầu tiên Diệp Lưu Tây nghe được người quan nội gọi tên mình. Giọng ông ta bình thản, vẻ mặt ôn hòa, giống như biết rõ quá khứ của cô vậy.

Diệp Lưu Tây hỏi: “Ông là ai? Còn tôi là ai?”

Ông ta không trả lời, nhìn về phía xe Xương Đông chốc lát mới hỏi ngược lại: “Những người kia là bạn của cô ở quan ngoại à?"

Xương Đông khá căng thẳng. Không phải anh sợ xảy ra đánh nhau, vốn dĩ nhóm anh sao thắng nổi số đông kia, nếu ra tay thật thì thua chắc, chỉ là không khí này quái gở thế nào ấy: Không thân thiết cũng không xa lạ, không chào đón nồng nhiệt mà cũng không lạnh lùng né tránh.

Đường Mập bảo Đinh Liễu yểm trợ cho mình, lặng lẽ cầm ống nhòm, ngồi trong xe quan sát phía bên kia: “Vũ Lâm vệ, chắc chắn là Vũ Lâm vệ. Hình con chim trên các lá cờ đều khác nhau, lông vũ bên vai của họ cũng không cùng một loại, người nọ là chim ưng, chà chà, chắc là nhân vật lợi hại, còn của người bên kia... là con vẹt sao?”

Diệp Lưu Tây nhanh chóng quay trở lại xe. Cô ngồi vào chỗ, gương mặt ửng đỏ vì thay đổi nhiệt độ đột ngột: “Cứ đi theo họ trước đã."

Ông cụ kia họ Triệu, tên Triệu Quan Thọ, thống lĩnh Vũ Lâm vệ. Cổng thành Hắc Thạch đóng lại lúc mặt trời lặn và mở ra khi mặt trời mọc, chưa từng có ngoại lệ với bất cứ ai, xe họ chỉ có thể nối đuôi nhau chạy vào cửa hông.

Đường phố thênh thang không một bóng người, ven đường không có quầy hàng, nhìn đâu đâu cũng toàn là tưởng cao đen sẫm.

Cứ cách một khoảng, trên đỉnh tường lại có một con chim bằng đá, xung quanh là Lưu Quang sáng lập lòe đóng vai trò đèn đường.

Tuyết còn chưa đọng thành đống, mặt đường lát đá đen ướt sũng, thỉnh thoảng có đội tuần tra đêm bảy người ngang qua. Từ đằng xa, họ đã xếp hàng đứng nghiêm, ngẩng đầu ưỡn ngực chào đón, đợi đoàn xe chạy qua mới tiếp tục đi tuần.

Đường khá dài, Xương Đông chú tâm lái xe theo đuôi, chỉ mỗi Đường Mập kích động, lải nhải không ngớt: “Hình như phong cách kiến trúc bố trí vuông vức, ngang dọc thẳng tắp giống như bàn cờ này là của thời Hán... không phải, là thành Trường An thời Đường mới đúng. Thành phố Nara của Nhật Bản cũng bắt chước cách thiết kế của ông cha ta đấy. Nhìn tường bao kia kìa, Trường An thời Đường có một trăm lẻ tám phường, tức là có một trăm lẻ tám khu thành nhỏ có tường vây quanh đấy. Mỗi phường có bốn cửa ở bốn hướng, người dân bị cấm ra khỏi phường vào buổi tối, nếu bị đội tuần tra gặp sẽ bắt giam, hoặc xử chém ngay tại chỗ... Thảo nào trên đường chẳng gặp ai cả. Độ cao của tường bao cũng có ý nghĩa riêng, nhà quyền quý có vách tường càng cao chứng tỏ người sống trong đấy cực kỳ quan trọng... Mọi người đã đến viện bảo tàng Thiểm Tây tham quan chưa, ở đó trưng bày mô hình của thành Trường An thời Đường, chi tiết lắm..."

Đinh Liễu nhíu mày: “Buổi tối không thể ra ngoài đi dạo thì chán chết ấy nhỉ?"

“Sao lại chán, có thể đi dạo loanh quanh trong phường, mỗi phường tương đương với một khu dân cư nhỏ, có phố mua sắm, sòng bạc, sân khấu kịch, muốn chơi thế nào cũng được, mỗi tội không được ra khỏi phường thôi."

Đường Mập sực nhớ đến chuyện gì đó, hưng phấn đến mức mặt mày rạng rỡ: “Anh Đông, anh còn nhớ chợ ở Tiểu Dương Châu không? Trường An thời Đường cũng có chợ và được gọi là chợ Đông chợ Tây, náo nhiệt lắm. Nghe nói chỉ mỗi chợ Tây thôi đã có hơn bốn mươi nghìn cửa tiệm, các đội buôn đến từ khắp nơi, nào là Ba Tư, Cao Ly, Nhật Bản, có thể được coi là trung tâm thương mại quốc tế ngày đó. Cụm từ “mua đồ đạc" mà chúng ta thường nói hiện nay xuất phát từ điển tích chợ Đông chợ Tây* ấy đấy. Thành Hắc Thạch này giống hệt Trường An thời Đường, nhất định sẽ có chợ lớn."

* Từ "đông tây" trong tiếng Trung còn được dùng với ý chỉ "đồ đạc".

Đinh Liễu tỏ vẻ ngưỡng mộ Đường Mập: “Sao anh biết nhiều thế?"

Đường Mập được phen hếch mũi lên trời: “Anh sinh ra và lớn lên ở Tây An đấy nhé. Một năm anh đến viện bảo tàng Thiểm Tây những mấy lần kia mà, không phải ít đâu."

***

Rẽ một khúc cua, tầm nhìn đột nhiên bị thu hẹp lại, tường ở nơi này cao hơn hẳn những nơi vừa đi qua ban nãy. Bốn góc có tháp canh gác, vách tường điêu khắc bích họa to đùng.

Bức bích họa đầu tiên chính là cảnh người đeo gông nhập quan. Dưới Ngọc Môn Quan sừng sững, dòng người kéo dài không có điểm cuối. Các nhân vật được khắc lập thể, vẻ mặt vô cùng sống động, có người thẫn thờ tiến bước, có người đưa hai tay che mặt khóc nức nở, dĩ nhiên cũng có người tươi cười hớn hở, có lẽ người đó cho rằng đây là "loạn thế xuất anh hùng", biết đâu lại được làm vương làm tướng ở vùng trời mới này. Xương Đông mới xem chốc lát mà bên tai như thể nghe thấy tiếng than khóc ai oán vọng về, bèn thương cảm quay mặt đi.

Cổng phường có hai lớp, đều là cổng thép hai cánh dày nặng trịch, khi mở phát ra tiếng ầm ầm, mặt đất cũng chấn động theo.

Sau khi đi qua cổng phường, lại chạy thêm một đoạn, họ dừng lại trước một tòa nhà kỳ dị khổng lồ. Hình dáng tòa nhà tựa con mãnh hổ đang nằm sấp, bậc thềm bằng đá dẫn đến miệng hổ cũng chính là cửa vào. Hai bên bậc thềm khảm hình Bạch Hổ bằng vàng vào đá, hoa văn cũng mang phong cách tranh khắc đá thời Hán.

Đường Mập rướn cổ quan sát. Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ là tứ đại thần thú của Trung Quốc cổ đại, mà Bạch Hổ thuộc Kim nằm ở phía Tây, xuất hiện ở tòa nhà này xem ra cũng hợp tình hợp lý, có điều nó được dùng để làm gì chứ? Gã xuất thân là dân buôn bán, cực kỳ chú ý đến phong thủy, vừa nghĩ đến việc phải chui vào "miệng hùm" đã thấy không may mắn rồi.

Triệu Quan Thọ xuống xe trước, chống cây gậy sắt đen, tay cầm được đúc thành hình chim ưng bị mài mòn đến mức bóng loáng. Nhóm Xương Đông lần lượt xuống theo. Hiển nhiên Lý Kim Ngao chưa từng được chứng kiến cảnh hoành tráng thế này, ông ta ôm hai con gà trên tay, hồi hộp đến mức nuốt khan liên tục.

Triệu Quan Thọ nhìn Diệp Lưu Tây: “Có cần đưa bạn cô về nghỉ ngơi trước không?"

Diệp Lưu Tây chỉ vào tòa nhà: “Đây là đâu? Cơ mật lắm sao?"

Triệu Quan Thọ hờ hững đáp lại: “Cũng chỉ tương đương với... viện bảo tàng ở quan ngoại thôi.”

Đường Mập vội hạ giọng nài nỉ: “Chị Tây, em muốn xem, có thể thu xếp được không?"

Diệp Lưu Tây dõng dạc đưa ra yêu cầu: “Bạn của tôi sẽ đi cùng."

Triệu Quan Thọ ngầm đồng ý, chống gậy đi lên bậc thềm. Lý Kim Ngao đang hí hửng định đi theo thì bị Vũ Lâm vệ ngăn lại, đành trơ mắt nhìn nhóm Xương Đông vào trong với tâm trạng hâm mộ vô vàn. Nghe nói viện bảo tàng của thành Hắc Thạch vô cùng phong phú, thậm chí còn có nơi chuyên trưng bày các yêu vật nữa. Đúng là cơ hội trăm năm có một, tiếc là ông không đủ may mắn, đến trước cửa rồi còn bị chặn lại.

**

Trong đại sảnh trống trải, tiếng bước chân vang vọng rõ rệt. Nơi này đúng là có phong cách viện bảo tàng, Lưu Quang tỏa sáng trên cao, vật đầu tiên đập vào mắt chính là bản đồ quan nội.

Không hổ là vật chuyên dụng của tầng lớp cấp cao, tấm bản đồ này chi tiết hơn mấy tấm bản đồ bày bán ở chợ nhiều.

Triệu Quan Thọ quay sang Diệp Lưu Tây: “Tôi biết cô đã quên rất nhiều việc trong quá khứ. Nhưng không sao, đi hết một vòng nơi này là sẽ rõ ngay."

Ông ta chỉ vào bản đồ: “Hồi mới nhập quan, thành Hắc Thạch là vùng đất chiếm đóng lâu đời nhất và lớn nhất nơi đây, vì nó có địa thế cực tốt, cả dải thung lũng được bao bọc bởi hai dãy núi như hai cánh tay ôm lấy. Một dãy gọi là núi Hắc Thạch, nơi chúng tôi khai thác đá để xây dựng, dãy còn lại là mỏ vàng, nơi sản xuất thứ gì chắc không cần tôi nói toạc ra đâu nhỉ."

Thành Hắc Thạch đúng là được thiên nhiên ưu ái, cho đến ngày nay, vàng vẫn là ngoại tệ mạnh thông dụng toàn cầu. Xương Đông nhớ đến đoàn lạc đà rối bóng liên lạc với quan ngoại, nào có giống dân làm ăn buôn bán, rõ ràng đấy là những khách hàng đại gia giắt vàng rủng rỉnh nơi thắt lưng thì đúng hơn.

Triệu Quan Thọ dẫn nhóm họ đi tiếp. Lần này là một tủ kính đặt mười mấy người rối bóng, khá giống với rối bóng nằm trong quan tài. Chúng được mặc đủ kiểu quần áo, có áo ngắn vải thô thời Hán, có áo bào cổ tròn vải đay thời Đường, có áo khoác thời Thanh, còn có cả con mặc áo may ô, bên ngoài khoác áo công nhân... tuy nhiên tư thế và mặt mũi đều khác nhau.

Cảnh nền phía sau tủ chính là... Tư Mã Đạo với các đài đất vàng san sát, trên trời có vài con mắt đang mở, trông như đang cảnh giác tuần tra.

Giọng Triệu Quan Thọ đều đều: “Có một khoảng thời gian rất dài, cuộc sống của chúng tôi không khác gì với quan ngoại, thậm chí còn tốt hơn. Bí thuật rối bóng của nhà Lão Lý làm ra được người rối bóng gần như giống hệt con người, có thể đi mua những món đồ mới lạ và tinh xảo ở quan ngoại mang vào đây. Có điều gần trăm năm nay thực sự đã lạc hậu rất nhiều... Khoa học kỹ thuật ở quan ngoại phát triển quá nhanh, rất nhiều thứ khó mà học được, vài thứ chỉ bắt chước được bề ngoài, vài thứ khác đành mang thành phẩm về dùng."

Thấy ông lại toan đi tiếp, Xương Đông không kìm được thắc mắc: “Vậy... Tư Mã Đạo kia là sao?"

Triệu Quan Thọ nhìn anh: “Cậu muốn hỏi về khu mộ người rối bóng đúng không? Người rối bóng tuy giống con người nhưng lại rất yếu ớt, chất liệu tạo thành khó tránh khỏi bị gió táp mưa sa làm hư hại, đồng thời cũng bị biến dạng do thay đổi nhiệt độ, nếu không bảo quản tốt sẽ ẩm mốc, dùng một thời gian lại phải thay con mới.

Chúng tôi biết ơn và tưởng niệm công lao của chúng nên để chúng yên nghỉ dưới lòng đất như con người. Sau khi đặt vào quan tài sẽ có Mắt Lấp Mộ đắp nên mộ phần cho chúng. Mắt Lấp Mộ thương xót và bảo vệ cho cái chết vĩnh hằng của chúng nên được coi như vật canh giữ mộ, lỡ như bị gió hay nước ăn mòn thì sẽ kịp thời tu sửa."

Hóa ra là vậy, Xương Đông có phần cảm khái: Rất nhiều mộ phần trên thế gian không được người trông coi nên bị thú vật đào bới, bị nước xói mòn, cỏ mọc cao đến ngang người. So ra, chúng được Mắt Lấp Mộ túc trực canh giữ quả là may mắn quá rồi.

Bức tranh khắc đá vuông vức to lớn tiếp theo cũng từng xuất hiện trên quan tài rối bóng, thể hiện cảnh Hán Vũ Đế buồn bã ngồi cách tấm màn, mỹ nhân bên kia lấy tay áo che mặt, đau xót nỉ non, bên cạnh viết sáu chữ triện: Lưu Tây Cốt Vọng Đông Hồn.

Môi Diệp Lưu Tây khô khốc.

Triệu Quan Thọ giải thích: “Sáu chữ này đọc xuôi hay đọc ngược đều được. Năm xưa, Lý Thiếu Ông chiêu hồn Lý phu nhân, lúc biết được kế hoạch “tuyệt diệt yêu ma ở Ngọc Môn" của Hán Vũ Đế, ông bèn hỏi hoàng đế rằng, quan nội và quan ngoại phải chăng sẽ bị cắt đứt từ đây. Hán Vũ Đế trả lời, “Lưu tây cốt vọng đông hồn" sẽ thay đổi được điều này. Sáu chữ ấy chính là tinh túy trong bí thuật rối bóng của nhà Lão Lý."

Diệp Lưu Tây tò mò hỏi ngay: “Vậy “lưu tây cốt” có liên quan gì đến tôi không?"

Triệu Quan Thọ không trả lời thẳng: “Chúng ta đi tiếp nào."

Lần này là một bức bích họa phù điêu bằng đồng trải dài từ trên cao xuống sát đất, cả chiều dài và bề rộng đều gần mười mét, vẽ hình ảnh giương cung bạt kiếm lộn xộn cứ như nước đồng nóng chảy đang cuộn trào thì bị gió lớn thổi khô trong nháy mắt, khiến người đi bên dưới cảm thấy ngột ngạt bội phần.

Triệu Quan Thọ ngước nhìn bức bích họa, bộ ria mép hoa râm rung rung, bàn tay nhăn nheo già nua siết chặt chiếc gậy chim ưng đến hằn gân xanh.

Diệp Lưu Tây thắc mắc: “Đây là gì?"

Giọng Triệu Quan Thọ vừa ngậm ngùi vừa tang thương: “Bức này vẽ về loạn Đầu Thú. Hơn nghìn năm trước, Nhật Hiện Nam Đẩu. Ban đầu còn chưa có quẻ Vô Tự Thiên, người Thiêm gia dùng cỏ thi và mai rùa để bói cho Hán Vũ Đế, ra quẻ Nam Đẩu Phá Ngọc Môn, ý là khi sao Nam Đẩu xuất hiện, bí thuật rối bóng sẽ mất tác dụng, đoàn lạc đà rối bóng đều tê liệt toàn bộ. “Lưu tây cốt vọng đông hồn” sẽ quy hết vào một người, người này vừa có thể ra vào Ngọc Môn Quan, vừa trở thành kẻ làm loạn. Đây là kiếp nạn lớn của quan nội mà chúng tôi gọi là "Tây Xuất Ngọc Môn"."

Diệp Lưu Tây hỏi: “Làm loạn thế nào?"

Triệu Quan Thọ chỉ vào người đàn ông ngay chính giữa bức tranh: “Người này họ Lệ, tên Lệ Vọng Đông. Người sinh ra ứng với sao Nam Đẩu, lấy họ gốc của mình, nếu là nam tên Vọng Đông, còn nữ tên Lưu Tây. Lệ Vọng Đông luôn tâm niệm muốn mở Ngọc Môn Quan ra. Hắn vừa gây dựng tổ chức Đầu Thú lớn mạnh, vừa xuất quan thường xuyên nhằm tìm nguồn trợ giúp từ bên ngoài. Khi đó tình hình chính trị ở quan ngoại đang trong giai đoạn chuyển giao từ nhà Tùy sang nhà Đường, hắn lợi dụng quẻ Vô Tự Thiên, đoán được họ Lý sẽ lên cầm quyền và mở ra nhà Đường, bèn lấy một cặp cốc mã não đầu thú làm quà ra mắt, móc nối quan hệ với nhà họ Lý, sẵn sàng bỏ ra vô số vàng bạc viện trợ lương thực cho đội quân khởi nghĩa của họ."

Diệp Lưu Tây chen lời: “Điều kiện trao đổi là gì?"

“Lệ Vọng Đông cho rằng nếu Hán Vũ Đế có thể vận dụng lực lượng cả nước phong ấn Ngọc Môn Quan, vậy thì hoàng đế nhà Đường cũng có thể làm ngược lại bằng cách tôn sùng Đạo giáo, tập hợp phương sĩ khắp nơi để phá Ngọc Môn Quan."

“Sau đó thất bại à?"

Triệu Quan Thọ cười khẩy: “Lệ Vọng Đông rót lời ngon ngọt vào tai khiến Đường Thái Tông tưởng thiên tử là người nắm giữ lệnh trời, vận mệnh của Đại Đường hưng thịnh thì mọi quỷ thần đều phải khuất phục. Hơn nữa đạo sĩ có mặt trên khắp cả nước, không sợ yêu ma quấy rối. Mới đầu ông ta vốn đã gật đầu đồng thuận, song nào ngờ người tính không bằng trời tính, bởi vì một giấc mơ mà Đường Thái Tông thay đổi chủ ý.”

“Giấc mơ gì cơ?"

“Đúng lúc Đường Thái Tông quyết tâm mở Ngọc Môn Quan thì ông bỗng gặp cơn ác mộng bị vô số yêu ma quấy rối. Có đại thần kiến nghị để đại tướng quân Tần Quỳnh và Uất Trì Cung mặc giáp cầm vũ khí bảo vệ ngay trước cửa tẩm cung hằng ngày, bấy giờ ông mới được yên giấc."

Đường Mập bật thốt: “Tôi cũng biết chuyện này, về sau dân chúng dán bức họa của hai người này ở hai bên cửa, dần dà họ trở thành thần gác cửa cho dân gian.”

Triệu Quan Thọ gật đầu: "Đường Thái Tông đổi ý khiến Lệ Vọng Đông thất vọng não nề, vàng thì không lấy lại được, hắn chỉ muốn đòi lại cặp cốc mã não đầu thú vô giá kia thôi. Đáng tiếc sức một người không tài nào chống đối lại với hoàng đế thống lĩnh thiên hạ, cuối cùng hắn tốn bao công sức cũng chỉ lấy lại được một chiếc cốc, tiu nghỉu trở về Ngọc Môn Quan. Sau khi Lệ Vọng Đông chết, người rối bóng được trả cốt, lại hoạt động bình thường, Vũ Lâm vệ và phương sĩ chung tay dẹp yên đám loạn đảng Đầu Thú, nhưng làm mọi cách mà vẫn chẳng thể tìm ra chiếc cốc mã não đầu thú kia. Người Thiêm gia đã bói ra một quẻ Vô Tự Thiên, nói là khi Nhật Hiện Nam Đẩu lần nữa, người tiếp theo mang đến tai họa cho Ngọc Môn sẽ xuất hiện, và người này cũng chính là chủ nhân của cốc mã não đầu thú."

Nói đến đây, Triệu Quan Thọ im lặng chốc lát. Nhóm Đường Mập đã nghe đến ngây dại, lồng ngực Diệp Lưu Tây cũng phập phồng kịch liệt, cánh tay buông thõng bên người khẽ run. Xương Đông đi đến, nhẹ nhàng nắm lấy tay cô trấn an.

Triệu Quan Thọ nhìn cô: “Diệp Lưu Tây, cô hiểu hết chưa? Hơn hai mươi năm trước, cô sinh ra ở một thôn gần gò thây yardang, kể từ ngày đó, không một người rối bóng nào ở quan nội có thể đứng dậy được nữa.”


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp