Đạo Mộ Bút Ký] sa hải- khoảng trống

Hồ sơ thống kê của Ngô Tà

Tôi đã suy nghĩ rất lâu mới quyết định ghi chép lại chuyện này, đáng lẽ tất cả cũng đã trôi qua, tôi cũng không có ý định lưu lại vài thứ truyền cho đời sau để chứng minh cuộc sống của mình đặc sắc đến mức nào. Tôi ghi chép lại là bởi vì tôi phát hiện, nếu không có thói quen này, tôi rất dễ bỏ qua một số chi tiết mà vốn tôi có thể phát hiện.

Có một số thứ mà lúc ban đầu mới thấy, luôn nghĩ là không đáng giá để nhắc lại, giá trị thực có thể phải rất lâu mới để lộ ra, nếu như lúc này mà tôi quên đi những tin tức đó, thật sự là không ổn biết bao.

Chính vì thế tôi phải nhớ kỹ đủ loại việc lớn việc nhỏ, tuy sẽ lãng phí rất nhiều thời gian — bản thân thời gian của tôi vốn cũng không thữa thãi gì — nhưng tôi vẫn quyết định làm như vậy. Mong rằng sau này tôi sẽ không vì thế mà hối hận, mặc dù trên thực tế hiện tại tôi đã hầu như có thể khẳng định là tôi sẽ không hối hận, một thói quen tốt đôi khi chỉ cần có một lần có tác dụng quyết định là đủ rồi.

Đời người có bao nhiêu lần quyết định đây, bất quá chỉ là một hai lần mà thôi.

Lúc ghi chép tôi sẽ không tiết lộ tin tức quá rõ ràng, để tránh cho ghi chép của tôi sẽ làm hại đến sự an toàn của tôi.

Chuyện ghi chép lại đầu tiên, trên thực tế rất ngoài dự liệu của tôi. Đoạn thời gian đó, tôi vẫn bảo người làm chú ý các nơi có hiện tượng khí hậu dị thường, nghe ngóng rất nhiều lời đồn ở các địa phương, tôi cực kỳ có hứng thú với những thôn xóm và vùng núi có hiện tượng sống lâu dị thường, hiện tượng sống lâu này là chỉ tình hình ở địa phương và nguồn gốc của sống lâu có tính mâu thuẫn. Có lẽ ở một vùng núi khó khăn, tuổi thọ bình quân không dài, tình huống trên mặt đất không có gì khác biệt, mười mấy thôn làng lân cận đều xuất hiện hiện tượng sống lâu, cũng rất đáng để làm cho người ta hoài nghi.

Tuy nhiên tin tức trên phương diện này thực tế không sai, các thôn xóm sống lâu nổi danh thường có lý do để nổi danh, cũng có lý do có sự sống lâu. Mà những thôn xóm có hiện tượng sống lâu vẫn chưa được biết đến, bởi vì không có sự thống kê nhân khẩu và tuổi tác, cho dù trong thôn có rất nhiều người già trăm tuổi, thì cũng khó mà phát hiện. Những tin tức đầu tiên tôi thu thập được, không liên quan đến sự trường thọ, mà lại là rất nhiều chuyện đồn đoán ly kỳ ở địa phương.

Phần lớn những chuyện như vậy đều là do sức tưởng tượng phong phú của kẻ ăn không ngồi rồi bịa đặt ra, đã có lúc tôi cho rằng tất cả câu chuyện loại này đều là giả tạo, mãi cho đến khi tôi gặp phải chuyện này, tôi mới ý thức được trên đời này không có chuyện gì là tuyệt đối theo lệ thường.

Phiên bản tôi nghe được là thế này, khá ly kỳ, trước khi tôi nghe xong, tôi vẫn không tìm được điểm nào để mình tin tưởng.

Câu chuyện xảy ra ở một công trình trạm phát nhiệt điện, địa phương đó xây dựng một công trình phát nhiệt điện cỡ lớn, địa điểm là ở gần vùng Ngân Xuyên. Tôi cùng một người bạn học làm công tác lắp đặt cơ bản, đây là chuyên ngành phái sinh phần khoa học tự nhiên của chúng tôi, cậu ta làm không tệ. Điểm không tốt duy nhất của công việc này là cần phải xa nhà thường xuyên, bởi một công trình trạm phát nhiệt điện thường cần đến hai, ba năm mới có thể hoàn thành, vì thế cậu ta cần sống ở địa phương xây dựng công trình đó một thời gian.

Khi cậu ta tham gia vào công trình này đã không công tác ở tuyến đầu để ít phải xa nhà hơn một chút, cậu ta cố gắng thử công tác trong lĩnh vực hành chính, vì thế trước khi công trình bắt đầu, cậu ta đã đến nơi đó, làm cán bộ dự phòng tham gia vào công tác đền bù ruộng đất.

Mua đất của nông dân để xây dựng trạm phát nhiệt điện là việc cực kỳ khảo nghiệm tính kiên trì và thủ đoạn chính trị ở Trung Quốc, mà công việc cậu ta phụ trách càng thêm khó khăn, bởi vì đó là mồ mả của nông dân, hơn nữa còn là mồ mả của tổ tiên mấy đời.

Trên thực tế cái giá bọn họ mua được ngọn núi kia đắt hơn mong muốn không chỉ mấy lần, nguyên nhân chủ yếu là do trong những thôn dân có một người phát ngôn, người làm công việc này ghét nhất gặp phải người như vậy. Đó là một người ra khỏi nông thôn để làm việc ở thành thị, có trình độ đại học, tầm khoảng 34 tuổi, cao ráo ngăm đen, hào hoa phong nhã tuy nhiên có một chút u ám. Anh ta là một giảng viên đại học.

Người này cũng có vài ngôi mộ trong nghĩa trang này nên anh ta chủ trì đàm phán giữa người trong thôn và người mua đất, đồng thời cũng giành thắng lợi. Tổng thể mà nói, đối với một hạng mục công trình nhiệt điện lớn như vậy, dù có chi vượt như thế cũng chẳng đáng vào đâu, vì vậy công việc nhanh chóng được tiến hành đến giai đoạn dời mộ phần.

Vấn đề nằm ở chỗ khi dời mộ, nhà giảng viên kia có ba ngôi mộ, trong đó có hai ngôi là phần mộ tổ tiên, anh ta trực tiếp chuyển hai ngôi mộ đó vào từ đường tập thể của nhà bọn họ, để tiết kiệm tiền, rất nhiều người đã góp vốn xây dựng một huyệt mộ cỡ lớn như thế.

Tuy nhiên có một ngôi mộ mới, bất luận như thế nào mẹ anh ta cũng không muốn, mà muốn dựa theo nguyên dạng mà táng vào một nghĩa địa khác. Đó là phần mộ em gái anh ta. Em gái anh ta chết non khi mới 5 tuổi, nguyên nhân hẳn là có liên quan đến anh ta, vì thế anh ta luôn tự trách mình, mẹ anh ta hiển nhiên cũng không tha thứ cho anh ta, nói đến chuyện này đều rất khó chịu.

Khi anh ta dời mộ cho em gái mình, có rất nhiều người cũng ở đó, đúng lúc đó là ngày dời mộ bận rộn nhất. Cùng ngày, trời đổ một trận mưa lớn, vùng núi trở nên vô cùng lầy lội, khi bùn đất bị đào lên, bọn họ phát hiện quan tài đã cực kỳ mục nát, trình độ mục ruỗng mặt ngoài đã đến mức kinh người, cả quan tài giống như một cục đậu hũ mọc mốc dài ngoằng, cảm giác như động một cái sẽ vỡ nát.

Sau khi bọn họ đào quan tài ra, thận trọng khiêng xuống núi, thu xếp đến một trạm trung chuyển, sau đó chờ khi đến nơi sẽ hạ táng xuống mả mới, kết quả là khi xuống núi, do một người phu khuân vác bị trượt chân nên quan tài bị đụng trúng một quan tài của nhà khác.

Hai quan tài đụng vào nhau, quan tài của em gái anh ta bị đụng liền long đáy, thứ trong quan tài trực tiếp rơi xuống, lăn vào bùn đất.

Bà mẹ thấy tình cảnh này liền hôn mê, giảng viên đi lên, vừa mắng phu khuân vác, vừa tự tay nhặt lại hài cốt. Chúng ta biết ở nông thôn từ xưa đến nay đều có tập tục dùng chăn bông bọc thi thể để nhập liệm. Sau khi người giảng viên ghép thi cốt lại liền lập tức phát hiện điều không bình thường.

“Em gái anh ta nhập liệm năm 4 tuổi, nhưng xương anh ta nhặt từ trong quan tài lại là một hài cốt người trưởng thành.” Khi người bạn học của tôi kể lại chuyện này cho tôi đã dùng tay miêu tả độ dài xương đùi: “Xương đùi là của người đã trưởng thành hoàn toàn, xương sọ và xương ngón tay của bé gái 4 tuổi và cô gái thành niên có chênh lệch rất lớn, cho nên những người ở hiện trường khi đó đều hoảng sợ.”

“Là bị đánh tráo?” Phản ứng đầu tiên của tôi khi đó là câu này. Thời gian trước khi ở quên nhà tôi dời mộ cũng đã từng gặp chuyện kỳ quái, về sau chứng thực là do chú Ba giở trò quỷ, tuy nhiên chuyện thi thể trong quan tài bị đánh tráo thì rất nhiều nơi cũng đã từng xảy ra vụ án chân thực.

” Nếu như là bị đánh tráo, tôi sẽ không tới tìm cậu làm gì.” Bạn tôi nói: “Về sau bọn họ báo án, tuy điều tra hình sự đối với chuyện này chẳng có ý nghĩa là mấy, nhưng cảnh sát đã chứng minh được một việc, cỗ hài cốt này đúng là em gái anh ta.”

 

 

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play