Tuyên Uy năm thứ 35, nguyên Tuyên Đế băng hà, Hạ Đế thượng vị, lập Thái Tử phi Ngô thị làm Hoàng Hậu, Trắc phi Tề thị làm Thục phi.

Tuyên Uy năm thứ 38, Hạ Đế tuyển tú lần đầu, tuyển tiến cung hơn 30 nữ nhân.

Tuyên Uy năm thứ 50, trải qua năm lần tuyển tú, số nữ nhân tiến cung đã đạt hơn hai trăm người. Hậu cung đông đủ phi tần, tứ phi cửu tần đều đã an tọa. Tuy nhiên, hậu cung vốn là chốn thâm hiểm lãnh khốc, số lượng phi tần chết bất đắc kỳ tử rất nhiều, phi vị cũng trải qua nhiều thay đổi.

Tuyên Uy năm thứ 53, lần thứ sáu tuyển tú. Tú nữ toàn quốc tụ tập tại Minh Cung, do Hạ Đế đích thân tự mình chọn lựa, lấy cửu cửu chi số 81 tú nữ nổi danh trúng cử. Trong 81 người, 75 người thành nữ nhân cấp thấp, hai người trở thành Thải nữ bát phẩm, hai người Ngự nữ thất phẩm, còn lại hai người tấn phong Mỹ nhân tứ phẩm.

Hậu cung tuy rằng có hơn trăm vị trí phi tần, nhưng do những năm gần đây tứ phía tuyển tú, cơ hồ đều đã kín người hết chỗ. Vậy nên tú nữ mới vào cung có thể lên đến tần vị đều ít ỏi không đáng kể, đa phần đều là nhờ xuất thân thế gia chi nữ. Đặc biệt, trong số các phi tần mới tiến cung, nổi bật nhất chính là hai vị Mỹ nhân tứ phẩm.

Một vị là Hạ Tử Mặc, nữ nhi Tể Tướng đương triều Hạ Cư Chính. Tuy tên nghe thoáng qua có chút khí khái nam tử, song tài sắc mỹ mạo lại nổi danh toàn kinh thành, người nghe người biết.

Còn một vị khác lại thong dong chậm chạp chưa xuất hiện, nguyên nhân được giữ kín trong hoàng tộc, Hạ Đế đến giờ cũng chưa giáng tội. Bá tánh trong thành đua nhau nghị luận xôn xao, các loại giả thuyết đưa ra càng ngày càng bát quái.

Sau kỳ tuyển tú, triều đình mở yến hội tân chúc. Hạ Đế ngồi ở ngự tọa trên cao, bên phải là Hoàng Hậu cùng với các vị phi tần, bên trái là nhóm tú nữ mới tiến cung. Hạ Tử Mặc lần này chính là trung tâm của kỳ tuyển tú, được đưa đến ngồi vị trí đầu tiên bên cạnh Hạ Đế, đối diện nhìn thấy Hoàng Hậu đang có chút mệt mỏi. Phàm là người tinh mắt đều có thể nhận thấy Hoàng Hậu tuy đã tính là có tuổi, nhưng khí độ vẫn thập phần bất phàm, ung dung tự tại, cử chỉ cao quý đoan chính, thời còn trẻ hẳn là một tuyệt sắc mỹ nhân.

An tọa bên cạnh Hoàng Hậu là Lý Quý Phi – Lý Bối. Hạ Tử Mặc trong lòng có nhận thức người này. Lý Bối tiến cung ngắn ngủi một năm có thể thuận lợi phô diễn tài nghệ bản thân, giữa hậu cung hơn ba ngàn giai lệ vẫn được sủng ái như trước. Trong một năm thăng vị đến Quý Phi, gia quyến Lý gia đều quyền thế ngập trời, trong hậu cung này đến cả Hoàng Hậu cũng phải kiêng nể vài phần.

Tiếp theo Lý Quý Phi là Hiền phi Dư Ôn Lan, chỉ kém Hoàng Hậu vài tuổi, tuy mấy năm nay không nhận được sủng ái nhưng vị trí Hiền phi vẫn luôn vững như Thái sơn. Thục phi Ngôn Kỳ cùng Đức phi Khổng Hạ Thu đều trong độ tuổi đôi mươi, dáng người hoàn mỹ, trang dung thập phần diễm lệ.

Ngoại trừ Hoàng Hậu và tứ phi, ánh mắt Hạ Tử Mặt nhìn tới một nữ nhân mặc xiêm y hồng nhạt, dung mạo xinh đẹp nho nhã. Trong đại điện này, chúng phi tần đều mang mười phần ngạo khí cùng dã tâm phô trương thanh thế tài nghệ của mình, Hạ Tử Mặc chú ý người này lại mang vẻ mặt u sầu, an tĩnh như mặt nước, thủy chung trầm lặng không nói một lời. Xem đến vị trí ngồi, hóa ra lại là người đứng đầu cửu tần.

Trong đại sảnh Hàm Nguyên Điện, ca vũ trầm bổng, hòa cùng tiếng oanh oanh yến yến các nữ nhân trò chuyện tán ngẫu. Hạ Đế tuổi đã hơn tứ tuần, nhưng bảo dưỡng quả thực không tệ, thoạt nhìn chỉ khoảng ba mươi, trên mặt luôn mang mạt cười ôn nhu, dịu dàng nhìn xuống màn ca vũ dưới điện.

Đoàn vũ cơ phía dưới tận lực biểu diễn, trong lòng biết rõ nếu có thể lọt vào mắt thánh thượng, may mắn thì có thể chiếm ân sủng trở thành người của Hoàng Thượng, không may thì cũng có thể nổi danh, trở thành ngự vũ cơ triều đình. Phi tử trên dưới trăm người, cùng tú nữ mới vào cung cộng lại thành hơn hai trăm, Hạ Tử Mặc chỉ ngửi thấy tràn ngập mùi hương phấn son các loại.

Nói đến Hạ Đế người này, trong dân gian đều lưu truyền các giai thoại khác nhau. Nghe đồn rằng hắn thời trẻ tắm máu sa trường, anh dũng bất phàm, lập cơ số chiến công hiển hách, được Nguyên đế ban danh Hiền Vương. Nguyên đế thuở đó liền phế bỏ Thái Tử đương triều, lập Hạ Đế lên nối ngôi. Hạ Đế khi còn là Thái Tử cũng không gần gũi nữ sắc, văn võ đều thuộc hàng tuyệt thế, đối với chính sự cũng thập phần lưu tâm, dâng tấu thỉnh Nguyên đế khởi công xây dựng thủy lợi, khai hoang ruộng đất, rất được lòng bách tính. Trước khi đăng cơ hắn cũng thân chinh lãnh binh đánh bại bộ tộc Khuyển Nhung, sau khi hồi triều mới lập Ngô Tĩnh Nghị làm Thái Tử phi. Bất quá, sau khi lên ngôi, Hạ Đế lại trở nên say mê tửu sắc, tuy rằng chưa tới mức là hôn quân, nhưng cũng không phải thánh quân minh chủ.

Hạ Tử Mặc trầm ngâm nhìn cảnh tượng trước mặt, trong lòng ẩn ẩn bất đắc dĩ. Nàng vốn đã có hôn ước, nhưng lại bị Hạ Đế đích thân coi trọng tiến cung. Tuy rằng bản thân cũng không có nhiều cảm tình với đối tượng đính hôn là Trình Kinh - nhi tử của Hộ Bộ Thượng Thư, nhưng trong lòng nàng cũng không nguyện ý tiến cung trở thành phi tần. Dẫu vậy, chuyện đã tới hiện giờ, nàng cũng không thể miên man suy nghĩ than thân trách phận được nữa. Bởi sự việc bị ép tiến cung, nàng đối với Hạ Đế tuy rằng không có chán ghét cùng cực nhưng cũng không hề có hảo cảm. Hiền Vương anh minh thần võ vẫn luôn được phụ thân nàng đề cao trước mặt kia, trong mắt nàng lại chỉ thấy được một đế vương mê tửu háo sắc.

Trong lòng nàng xúc cảm lẫn lộn. Chung quy vẫn là không thể tìm thấy người một lòng tương kính như tân, cùng nhau bách niên giai lão. Nàng trước giờ tính tình lãnh đạm hơn người khác, vẫn khó có thể nén được cảm thấy nhàn nhạt bi ai.

Vị Mỹ nhân cùng được sắc phong với nàng kia cả buổi yến tiệc đều không lộ diện. Hạ Đế cũng không đặc biệt lưu tâm, kết thúc yến hội hắn được một vị tân phi tần mỹ diễm đỡ trở về tẩm điện.

Tuy rằng không có hảo cảm, Hạ Tử Mặc vẫn cảm thấy an tâm bên người Hạ Đế, một phần cũng là bởi tính cách của hắn. Trước giờ hắn đối đãi với phi tần không tồi, vẫn luôn ôn tồn lễ độ, tình ý miên man, dưới cơn thịnh nộ cũng hiếm có phi tần nào bị liên lụy đến. Trong hậu cung, trừ bỏ tranh đấu náo loạn bị Hoàng Hậu cưỡng ép áp chế, cùng với phi tần phạm phải đại nghịch không thể tha thứ, mấy năm nay đều chưa hề có việc Hạ Đế vì bị chọc giận mà phế truất phi tần phi lý.

Yến hội đã kết thúc, Hạ Tử Mặc cũng quay người trở về Hàm Hương Điện của mình. Đến tận mấy ngày sau buổi yến hội, Hạ Tử Mặc vẫn chưa được diện kiến vị Mỹ nhân cùng được sắc phong với mình kia. Chính bản thân Hạ Đế cũng không hề truy cứu, song trong hậu cung vẫn không tránh được nhiều người âm thầm bàn tán về việc này.

Ngày đầu tiên sau yến hội, Hạ Đế tới qua đêm tại tẩm cung của Hạ Tử Mặc. Hạ Tử Mặc tuy rằng không bài xích, cũng không thể nói là vui sướng vinh hạnh, nhưng lễ nghi tối thiểu cùng đạo phu thê nàng vẫn biết đến, đánh một cầm khúc dâng Hạ Đế, sau đó liền sớm nghỉ ngơi. Đối với việc trọng đại nhất trong nhân sinh của nữ nhân kia, Hạ Tử Mặc không có quá nhiều hồi ức hay cảm khái. Thời điểm sáng hôm sau tỉnh dậy, cũng không thấy bản thân có điều gì thay đổi khác thường. Ngược lại Hạ Đế lại thập phần ôn nhu, dậy sớm nói với nàng không cần hầu hạ hắn sơ tẩy thay trang phục, có thể ngủ nhiều một chút, sau giờ ngọ sẽ có người đưa lễ vật ban thưởng tới.

Một tháng sau đó Hạ Đế đều luôn phiên qua đêm tại cung các phi tần mới tiến cung, số lần nhiều nhất chính là Hạ Tử Mặc, cơ hồ hơn nửa tháng Hạ Đế đều ở chỗ nàng. Các tân phi tần khác cũng thuận thời trổ hết tài năng của bản thân, chiếm lấy tâm tư và ân sủng của đế vương. Trong một tháng này, đám người Quý Phi cùng Hoàng Hậu đều hầu như không thấy được Hạ Đế.

Tuy rằng Hạ Đế không tính là minh quân, nhưng bộ dạng thanh tuấn, hơn nữa tính cách lại ôn nhu săn sóc, sau hai tuần trăng Hạ Tử Mặc cũng không còn quá bài xích ân sủng của hắn nữa. Hạ Đế cũng không phải hàng đêm sanh ca, mà phần nhiều mỗi khi ở lại đều muốn cùng nàng nghiên cứu cầm phổ, bình luận thơ từ. Đối với việc này, Hạ Tử Mặc vẫn tương đối vừa lòng, thầm nghĩ dù sao người này cũng là đối tượng mình đã phó thác chung thân, tuy rằng không đạt được yêu cầu của mình, nhưng ngẫm kỹ cũng tính là đối xử tử tế.

Vì thế mỗi lần Hạ Đế ở lại nàng cũng thoải mái đón tiếp. Hạ Đế thấy nàng thích viết chữ và họa tranh, liền cho người đưa đến bảo vật trân quý nhất triều đình, cống phẩm từ các tiểu quốc cũng giữ lại cho nàng tuỳ ý lựa chọn.

Qua một thời gian, Hạ Tử Mặc nghe nói Chinh Tây đại quân hồi triều, Hạ Đế đích thân mang văn võ bá quan ra ngoài thành nghênh đón. Đối với chuyện này, Hạ Tử Mặc cũng có biết thoáng qua. Đại tướng quân Viên Lạc, nguyên lão tam triều đối với triều đình trung thành tận tâm, dưới gối vốn có một nam một nữ, nhưng nam chết sớm giờ chỉ còn một nữ nhi. Lần này Viên Lạc lão tướng quân bình định vùng Tây Bắc bị xâm lấn, nhưng thân chịu trọng thương bỏ mình, cuối cùng cũng thực hiện được tâm nguyện lấy da ngựa bọc thây trên chiến trường. Sau khi lão tướng quân bỏ mình, quân Đột Quyết phía Tây lại một lần nữa nổi dậy khơi mào chiến hỏa, trong lúc nhất thời toàn quân Chinh Tây trên dưới hoảng loạn, không có người thay thế lão tướng quân lãnh binh đánh đuổi quân địch. Trong lúc nguy cấp, nữ nhi lão tướng quân Viên Tinh Dã thân chinh xuất binh, ngoài mặc chiến giáp, bên trong vẫn mang bạch y chịu tang.

Tuy rằng quân địch tận dụng thời cơ lão tướng quân mới qua đời để tập kích, nhưng quân Chinh Tây dưới sự dẫn dắt của Viên Tinh Dã từ thế hạ phong bất ngờ xuất kích đánh lui quân địch ngoài ba trăm dặm, bách chiến bách thắng, không gì cản nổi, cuối cùng đánh tới toàn quân Đột Quyết tan rã. Đột Quyết cùng đường không còn lựa chọn nào khác đành phải chấp nhận quy hàng, mãi mãi chịu xưng thần.

Hạ Tử Mặc biết được những điều này đều là do phụ thân nàng nói cho nàng trước khi tiến cung. Khi đó phụ thân nàng nước mắt lưng tròng, cảm khái thổn thức một danh tướng thế nhưng lại bỏ mình nơi chiến trường, không có người nối nghiệp. Tuy rằng Viên Tinh Dã mưu trí không tồi, nhưng chung quy vẫn là nữ tử, không thể kế thừa phụ nghiệp.

Hạ Tử Mặc nghe nói đến sự tình của Viên Tinh Dã, rằng nàng mười tuổi đã nhập quân doanh, mười lăm tuổi đã có thể lãnh binh xuất chinh, nhiều lần đại bại quân địch, quân Chinh Tây trên dưới đều một lòng phục tùng. Đáng tiếc lại là phận nữ tử, không cách nào có thể kế thừa y bát của Viên Lạc tướng quân.

Thời điểm Hạ Tử Mặc biết đến người này, còn nghĩ một nữ tử tài giỏi như vây, phải là người như thế nào mới khiến nàng cam tâm tình nguyện gả cho?

Sau đó mấy ngày Hạ Đế đều không tới hậu cung, nàng nghe nói là đang bận rộn an bài sự tình bên phía quân Chinh Tây. Lần này hồi cung, hai mươi vạn đại quân chỉ lưu lại một nửa đóng giữ Tây Bắc, còn lại đều bị chia nhỏ tứ tán đến các nơi khác nhau. Quân Chinh Tây vốn thanh danh hiển hách là như thế, giờ lại rơi vào tình thế chia năm xẻ bảy trôi nổi, Hạ Tử Mặc không khỏi cảm thấy có chút thổn thức. Lại nghĩ đến, nếu như Viên Lạc tướng quân vẫn còn sống, hẳn Viên gia đã trở thành vết sẹo trong lòng Hạ Đế. Công cao cái chủ* luôn là vảy ngược của đế vương, hơn nữa, không chỉ quân Chinh Tây này, toàn bộ đại quân cả nước đều vẫn luôn hết mực tôn kính Viên Lạc lão tướng quân. Người như vậy mà bỏ mình, rốt cục lại là trút được gánh nặng trong lòng Hạ Đế.

(*Công cao cái chủ: thân là thần tử nhưng lại có chiến công hiển hách hơn chủ tử của mình - ở đây là Hoàng Thượng, được lòng bách tính hơn, dễ dẫn đến việc bị chủ tử nghi ngờ có khả năng tạo phản đoạt ngôi)

Tuy rằng nhiều người cũng âm thầm bàn tán điều này, nhưng ngoài mặt cũng không dám to nhỏ nhiều chuyện. Mấy ngày Hạ Đế không tới, hậu cung cũng thực an tĩnh, một ít tranh giành ân sủng lặt vặt cũng không liên lụy đến Hạ Tử Mặc.

Ngày hôm sau, Hạ Đế hạ chỉ mở tiệc đón gió tẩy trần cho các vị tướng quân quân Chinh Tây tại Tử Thần Điện. Trong chiếu chỉ cũng đặc cách cho phép các phi tần hậu cung từ tứ phẩm trở lên được tham gia, Hạ Tử Mặc lại ngay vừa vặn tứ phẩm. Tuy rằng tính nàng không thích náo nhiệt, nhưng bản thân lại có chút hiếu kỳ với Viên Tinh Dã người này, nên cũng cao hứng lĩnh chỉ.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play