Tây Xuất Ngọc Môn (Quyển 1)

Chương 1


2 tháng

trướctiếp

Tây An.

Khu trung tâm thành phố Tây An được bao bọc bởi một dãy tường thành cổ, ngay chính giữa là Lầu Chuông và Lầu Trống, phía sau Lầu Trống là một con phố dài. Bất kể có phải mùa du lịch hay không, mặc kệ trời tạnh ráo hay mưa gió, nơi đây luôn là thiên đường ẩm thực nườm nượp du khách ghé thăm.

Con phố này có tên là phố người Hồi, còn được mệnh danh là “Phố văn hóa ẩm thực nổi tiếng”, “Đại biểu cho vùng đất và con người Tây An", "Điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến Tây An". Do nổi tiếng nên nơi đây được coi là tấc đất tấc vàng, cửa hàng nào cũng cố chen chân vào vị trí đắc địa này. Không chen nổi mặt phố thì đành chui vào các ngõ hẻm, chỉ cần treo biển chỉ dẫn ở ngoài đường lớn với nội dung đại loại như "Nhà trọ, vào trong 15m" là được.

Đi hết hai phần ba con phố sẽ gặp một con ngõ như thế, đầu ngõ có hàng bán nước mơ, tấm biển “Múa rối bóng* theo giờ cố định" treo trên cao. Bên dưới tấm biển là một con rối nữ, đường nét khuôn mặt quyến rũ, vòng eo nhỏ nhắn, bím tóc dài đen nhánh buông sau gáy, quả là biển quảng cáo xinh đẹp sống động.

* Rối bóng là loại hình nghệ thuật dân gian Trung Quốc, chú trọng hiệu quả biểu diễn, bởi vì tất cả các bộ phận của nhân vật đều có thể động đậy, ngoài ra còn lồng tiếng hát, các điệu tuồng giọng cao và du dương, khiến các vở múa rối bóng mang đậm bản sắc dân gian địa phương.

Những du khách có hứng thú hoặc đi dạo mệt sẽ dừng chân đầu ngõ uống cốc nước mơ, thuận tiện mua một vé xem múa rối trong vòng mười phút với giá mười tệ.

Sân khấu múa rối bóng khá nhỏ, khu vực ngồi xem chỉ rộng khoảng mười mét vuông, kê được ba dãy bàn ghế. Trên tường treo rất nhiều con rối màu mè sặc sỡ, nếu du khách thích thì có thể mua ba con với giá năm mươi tệ.

Nghệ nhân múa rối là một ông cụ tên Đinh Châu, đã sáu mươi tuổi, tóc hoa râm, đi đứng khó khăn nên ít khi ra ngoài chào khách. Ông thường ngồi sau bức màn trắng phết dầu cá bóng loáng, hai tay điều khiển vài ba con rối bóng theo nhịp trống, tái hiện lại câu chuyện náo nhiệt thời xưa, có khi là vở Gã hàng rong trêu ghẹo gái nhà lành, có khi là Na Tra đại náo thủy cung.

Suất diễn tối nay sẽ bắt đầu vào lúc 7 giờ, mới 6 giờ 50 phút mà người xem đã ngồi chật kín khán đài. Đinh Châu khẽ vén màn sân khẩu để quan sát bên dưới. Phần lớn khán giả là phụ huynh dẫn theo trẻ nhỏ, chúng hào hứng xoay ngược xoay xuôi trên ghế, ríu rít hỏi: “Mấy giờ mới chiếu phim hoạt hình ạ?"

Đinh Châu thừa biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo: Khi vở diễn bắt đầu, đám trẻ sẽ chê múa rối bóng chán phèo, thua xa phim hoạt mình rồi cằn nhằn tiếng hát eo éo khó nghe khó hiểu, nhao nhao đòi ra phố chơi. Kế đó là tình cảnh náo loạn, tiếng người lớn quát mắng xen lẫn tiếng khóc lóc om sòm của bọn trẻ, còn ông vẫn kiên trì nương theo điệu hát xưa của đất Tần diễn hết vở múa rối.

Chỉ mới nghĩ đến thôi, ông đã nản lòng lắm rồi, nhưng còn cách nào khác đâu, đời người chính là những tháng ngày chán ngán nối tiếp nhau như thế mà.

7 giờ kém 2 phút, một cô gái trẻ bước vào khiến Đinh Châu hơi bối rối, đã ba ngày liền cô ta đều đến đây vào lúc 7 giờ.

Từ lần đầu tiên cô ta tới, Đinh Châu đã chú ý: Cô gái này rất xinh đẹp, mái tóc dài bồng bềnh, đeo chiếc túi vải bố màu đen khá cũ ở một bên vai, mặc áo sơ mi ca-rô, quần jeans thủng lỗ, mang đôi bốt cổ ngắn đế vàng buộc dây, tay áo xắn lên tận khuỷu, cánh tay và ống quần dính đầy vết dầu máy, trông như thợ sửa xe nhưng chắc chắn không phải.

Đối với trò múa rối bóng này, lần đầu khán giả ghé xem chủ yếu là thích cái mới mẻ, lần thứ hai có lẽ vì hứng thú, nhưng xem đến lần thứ ba thì hẳn là có ý đồ khác rồi.

Suất diễn 7 giờ hằng ngày là vở kịch Gã hàng rong trêu ghẹo gái nhà lành, tình tiết tán tỉnh diễn đi diễn lại chẳng có gì hấp dẫn đáng để xem nhiều lần cả. Huống chi trong mấy lần đổi cảnh, ông liếc nhìn xuống dưới qua mép màn sân khấu và phát hiện một điều: Cô gái kia không hề chăm chú xem múa rối, ánh mắt cô ta như mang nét cười hờ hững, tưởng chừng muốn nhìn xuyên qua bức màn vậy. Mà ngoài đèn chiếu và máy phát nhạc, phía sau màn sân khấu chẳng có gì, phải chăng cô ta đang nhìn... ông?

Nghĩ đến đây thôi, Đinh Châu đã rợn cả người.

***

Vở múa rối kết thúc, đèn ở khán đài sáng lên. Hầu hết khán giả vừa chê bai "chán phèo" vừa đi ra cửa, chỉ còn vài ba du khách nán lại lựa chọn mấy con rối bóng bằng da treo trên tường để mua về làm quà lưu niệm.

Cô gái vẫn ngồi yên đấy, chiếc túi vải bố treo trên lưng ghế lồi ra một góc. Tay cô vân vê tấm vé, trên cổ tay có hình xăm như con rắn lượn quanh, thoạt nhìn còn tưởng là chiếc lắc tay.

Đinh Châu hắng giọng, lê bước xuống sân khấu, giả vờ đi xếp lại bàn ghế. Lúc ngang qua cô gái kia, ông mỉm cười khách sáo, giả lả hỏi: “Cô đến đây du lịch à?”

“Gần như vậy."

“Thấy cô đến đây mấy lần rồi, nghe hiểu gì không? Toàn mấy làn điệu xưa lơ xưa lắc, hầu như thanh niên thời nay đều không thích."

Cô nhìn sân khấu tối om: “Chỉ có một người mà điều khiển được hẳn mấy con rối, lợi hại thật."

Đinh Châu khiêm tốn: “Tôi đâu giỏi đến thế, cô ra phía sau mà xem, mấy đoạn nhạc và tiếng chiêng trống đều được thu âm sẵn rồi. Nghệ sĩ múa rối bóng chân chính là phải “hai tay điều khiển trăm vạn binh", trình diễn cả cuộc chiến hơn chục người, còn phải vừa hát vừa gõ trống, vừa nói thoại giữa các nhân vật, như vậy mới thật sự lợi hại… Cô gái trẻ, cô tên gì?"

“Tôi họ Diệp, Diệp Lưu Tây."

Đinh Châu không tự giới thiệu bởi lẽ tên ông đã được in sẵn trên vé, chắc chắn cô biết rồi. Ông chỉ vào mấy con rối treo trên tường: “Không mua vài con sao? Đều làm thủ công bằng da trâu thật được mài bóng với những đường cắt tinh tế, con nào phức tạp thì phải cắt khoét hơn ba nghìn đường, làm một con cũng mất tầm hai, ba ngày, hàng chất lượng đấy."

Bản thân ông cũng biết lời mình không đúng sự thật. Bây giờ đã có máy cắt rối bóng chuyên nghiệp, cả một dàn máy sản xuất dây chuyền, một ngày có thể cho ra mấy trăm con rối, hiếm có ai chịu khó làm thủ công tỉ mẩn. Tuy nhiên nếu muốn du khách mua, họ đều phải gạ gẫm như vậy.

Diệp Lưu Tây cười xòa: “Chắc ông cũng nhận ra rồi, tôi không vòng vo làm gì. Tôi đến đây không phải để xem múa rối bóng... mà là muốn tìm người. Nghe nói ông có một đứa cháu tên Xương Đông đúng không?"

Tay Đinh Châu bỗng run lên.

Khán giả ra về gần hết, trong sân chỉ còn các con rối mặt mày thanh tú được khắc tỉ mỉ từng nét, xinh đẹp hút hồn treo san sát nhau với đủ các màu đỏ đào, xanh lục, vàng tươi dưới ánh đèn.

Đinh Châu ra cửa treo tấm biển “Tạm nghỉ” lên, sau đó cài then chốt chặt. Cánh cửa không ngăn được tiếng huyên náo và mùi thơm ngào ngạt của các món nướng trên con phố người Hồi.

Ông nhìn Diệp Lưu Tây, giọng già hẳn đi: "Cô tìm Xương Đông có chuyện gì không?"

Diệp Lưu Tây vô cùng thẳng thắn: “Tôi nghe nói anh ta là cao thủ đi xuyên sa mạc, từng một mình lái xe băng qua Lop Nur*. Người ta còn đặt cho anh ta biệt danh “Nanh Sa”, bởi vì người bình thường đến đó đành phó mặc cho số phận đẩy đưa, còn anh ta như chiếc răng nanh chọc thủng cả sa mạc.”

* Lop Nur là một nhóm các hố và hồ muối nhỏ nằm giữa sa mạc Taklamakan và sa mạc Kuruktag thuộc phía Đông khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc.

Đinh Châu sực hiểu: “Cô định vào sa mạc à? Muốn nhờ Xương Đông làm người dẫn đường sao?"

“Phải.”

“Cô có biết chuyện hai năm trước của Xương Đông không? Ngay cả thời sự cũng đưa tin, vì vụ ấy mà nó bị dân mạng mắng chửi không ra gì đấy."

Diệp Lưu Tây mở túi vải bố, rút ra quyển tạp chí rồi đặt lên mặt bàn: “Nếu ông muốn nói đến chuyện “Sơn Trà Đen" thì tôi đã biết rồi."

***

Ánh mắt Đinh Châu chuyển sang quyển tạp chí dã ngoại, trang bìa là ảnh chụp màn hình chủ đề nóng trên mạng. Ông nhìn lướt qua bài đăng luôn được ghim lên đầu trang web dã ngoại lớn nhất nước trong hai năm qua.

Người tạo chủ đề là một tay dã ngoại thám hiểm có nhiều năm kinh nghiệm. Với ý tốt nhắc nhở thế hệ đàn em, người đó tổng hợp những vụ tai nạn lớn trong mấy năm qua, bao gồm: “Vụ mất tích trong chuyến thám hiểm Mêdog*”, “Sông chết ở Shatwan**", "Mất liên lạc vì tuyết phủ Kanas***" và cả “Sơn Trà Đen trong sa mạc".

Hai năm trước, một nhóm dã ngoại thám hiểm tên Sơn Trà lên kế hoạch đi xuyên bốn vùng không người sinh sống trong nước, trong đó trạm đầu tiên là Lop Nur được triển khai với khí thế rầm rộ, thực hiện phỏng vấn trên báo đài, đăng bài đưa tin lên mạng suốt dọc đường đi. Người dẫn đường của nhóm này chính là Xương Đông.

* Mêdog là một huyện nằm ở địa khu Nyingchi, khu tự trị Tây Tạng. Trước khi chính phủ Trung Quốc hoàn thành con đường dẫn đến huyện vào năm 2013, du khách thường phải vượt qua dãy Himalaya trước khi băng qua một cây cầu treo dài để đến được vùng đất này.

** Shatwan là con đường cổ nối liền thung lũng Ili và địa khu Aksu ở Tân Cương, Trung Quốc.

*** Kanas là khu bảo tồn thiên nhiên nằm ở dãy núi Altay, Bắc Tân Cương, Trung Quốc, nổi tiếng với hệ sinh thái tự nhiên tuyệt đẹp được tạo nên bởi các sông, hồ, rừng và đồng cỏ.

Thật ra vào đêm xảy ra tai nạn, họ chỉ mới đặt chân vào sa mạc, còn chưa kịp tới biên giới Lop Nur. Nhóm Sơn Trà cập nhật trạng thái lên Weibo với nội dung đại khái là trưởng nhóm và Xương Đông xảy ra tranh cãi về việc chọn chỗ dựng trại qua đêm. Trưởng nhóm muốn dựng trại ở đây nhưng Xương Đông lại kiên quyết đề nghị tranh thủ đi thêm hai tiếng nữa, đến gần sườn đồi cát Đầu Ngỗng rồi nghỉ chân.

Phần lớn bình luận trên mạng của dân dã ngoại đều nghiêng về phía Xương Đông:

Gấu Không Thích Về Nhà: Xương Đông là Nanh Sa, có kinh nghiệm dày dặn, dĩ nhiên nên nghe anh ấy rồi. Mấy người non trẻ đừng có mà bày đặt.

Tôi Là Hoàng Tử Saudi: Mấy bạn dân phượt trong đầu toàn não lừa ơi, chỉ mới bước qua bãi cát mà tưởng rằng mình có thể băng qua sa mạc à, tất nhiên nên nghe theo Xương Đông rồi. Người ta đi hết cả Lop Nur rồi đó, phải biết rằng nhà thám hiểm Dư Thuần Thuận* còn phải bỏ mạng ở đấy nhé.

Rau Mùi Chết Đi: Nghe Xương Đông chuẩn đấy, người ta là chuyên gia mà. Trong lòng tôi, anh ấy chính là vua sa mạc giống như Triệu Tử Doãn vậy!

Trong đêm đó, chẳng ai ngờ thình lình xảy ra một trận bão cát hiếm thấy, cồn cát đất bằng đều bị gió thổi thốc đi, khu dựng trại gặp phải trận tai ương.

Ngoại trừ Xương Đông, cả nhóm đều gặp nạn, hơn nữa vì tính lưu động của cồn cát quá mạnh, trong một đêm có thể đẩy thi thể và lều trại đi xa nhiều dặm, công tác tìm kiếm nạn nhân không thu được kết quả.

Từ đó, ảnh đại diện của Weibo Sơn Trà biến thành màu đen, không còn cập nhật tin tức nào nữa.

* Dư Thuần Thuận (1951-1996), người Thượng Hải, sinh viên đại học chính quy. Ngày 01 tháng 07 năm 1988, ông bắt đầu đi bộ thám hiểm một mình khắp Trung Quốc. Ông đã vượt qua chặng đường hơn 40.000 km và đi đến 23 tỉnh, thành phố và khu tự trị… Là người đầu tiên hoàn thành việc đi bộ một mình qua Xuyên (Tứ Xuyên) - Tạng, Thanh (Thanh Hải) - Tạng, Tân (Tân Cương) - Tạng, Điền (Vân Nam) - Tạng, đường cao tốc Trung Quốc - Nepal, chinh phục "cực thứ ba của thế giới". Ngày 13 tháng 06 năm 1996 khi sắp hoàn thành kỷ lục đi bộ xuyên qua Lop Nur (Tân Cương), ông không may gặp nạn và qua đời.

Khi đã liên quan đến mạng người, tin tức dã ngoại ấy trở thành điểm nóng của xã hội, số người quan tâm tăng vọt theo cấp số nhân. Thế nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đấy, hai ngày sau có một người tự nhận mình biết rõ nội tình đã đăng bài tiết lộ thông tin quan trọng:

Trong hành trình Lop Nur của Sơn Trà, ngoại trừ hướng dẫn viên, nhóm có mười bảy thành viên, số người gặp tai nạn là mười tám. Nếu Xương Đông còn sống, vậy người thứ mười tám kia là ai?

Tại sao Xương Đông kiên quyết đi thêm hai giờ? Liệu có thật sự xuất phát từ việc cân nhắc tính hợp lý của hành trình và tính an toàn của địa điểm dựng trại không?

Cư dân mạng phẫn nộ phát hiện ra người thứ mười tám kia chính là Khổng Ương, bạn gái của Xương Đông. Mà Xương Đông nhất quyết đi đến sườn đồi cát Đầu Ngỗng là vì nơi đó có rất nhiều hoa hồng đá sa mạc, anh muốn cầu hôn Khổng Ương tại đấy.

Tiếng thóa mạ phủ khắp đất trời, sức tàn phá còn kinh khủng hơn cả bão cát, trong nháy mắt đã nuốt chửng Xương Đông.

Đinh Châu hỏi Diệp Lưu Tây: “Đã biết chuyện Sơn Trà Đen mà cô vẫn muốn mời Xương Đông dẫn đường sao?"

Diệp Lưu Tây cảm thấy không có gì mâu thuẫn: “Mời anh ta là vì coi trọng tài năng của anh ta, phạm sai lầm không có nghĩa là mất đi năng lực.”

Đinh Châu bảo: “Vậy cô đi theo tôi."

Ông lom khom ho sù sụ dẫn Diệp Lưu Tây ra phía sau sân khấu.

***

Phía sau sân khấu chật hẹp, ngoại trừ dụng cụ múa rối còn có vài phòng nhỏ được ngăn với nhau bằng tấm ván. Đinh Châu dừng lại trước gian nhỏ nhất nằm ở cuối dãy, lấy chìa khóa mở cửa.

Cánh cửa vừa mở ra, bụi bặm và mùi mốc meo liền xộc tới, bên trong tối đen như mực, chỉ có một mặt gương nhỏ phản chiếu ánh sáng trắng.

Diệp Lưu Tây đang định nói gì đó thì Đinh Châu kéo dây bật đèn lên.

Nương theo ánh đèn vàng mờ mờ, cô mới nhìn rõ mặt gương kia thật ra là khung ảnh bằng kính, khung viền đen bao quanh tấm ảnh đen trắng của một người đàn ông khoảng hai mươi bảy, hai mươi tám tuổi, mặt mũi anh tuấn, ánh mắt tuyệt vọng.

Trước ảnh đặt chiếc lư hương phủ lớp tro nhang mỏng và hai bát sứ, một bát đựng gạo, bát còn lại chất đầy bánh quy và kẹo.

Xương Đông chết rồi sao?

Đinh Châu kể: “Từ khi hại chết mười tám người, cả thế giới đều rủa xả nó, đồng thời cũng chửi Khổng Ương là người đàn bà hư hỏng. Xương Đông bán sạch gia sản, nhờ người đem tiền đền bù cho gia đình các nạn nhân, sau đó đến tìm tôi."

Anh ta chuyển đến sống cùng Đinh Châu, lúc nào cũng ngồi thừ phía sau sân khấu, im lặng xem Đinh Châu múa rối bóng rồi nhìn đăm đăm vào những con rối vô tri vô giác, lắng nghe mấy làn điệu cổ xưa mà nước mắt giàn giụa.

Vào một đêm khuya của ba tháng sau, Xương Đông cắt cổ tay tự tử trong phòng mình. Máu lênh láng khắp phòng, tuôn ra khe cửa, chảy đến lối đi đằng sau sân khấu.


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp