Rồng bếp lò mà Bàn Tử nói, chính là bảy cái bếp nối liền với nhau, thực ra tôi cảm thấy đây là một ý kiến hay.
Bởi vì bếp lò nấu cái gì cũng thơm hơn khí gas công nghiệp, trong nguyên liệu nấu ăn nhất định sẽ có mùi than. Đương nhiên, cảm giác nghi thức cũng mạnh hơn. Mấy cái bếp đất cùng lúc đốt nồi, thực ra rất mộc mạc gần gũi.
Đáng tiếc biết đi đâu kiếm củi đây? Chắc chỉ có thể đến xưởng nội thất thu gom phế liệu thôi. Nhóm bếp trong gia đình, dùng cỏ lau hay trúc vụn cũng được, nếu là làm ăn, thì còn có vấn đề bảo vệ môi trường.
Bàn Tử cảm thấy có thể giải quyết vấn đề này, nếu là khói bếp, hắn có thể làm một ống khói nước để không thải ra không khí, có thể loại bỏ khói bụi, nhưng cân nhắc nửa ngày, vẫn thấy nên từ bỏ. Bàn Tử bèn nghĩ một cách khác, chính là tạo mấy lò nung, đốt than, bình thường còn có thể làm kiến trản(1), trà cụ tửu cụ. Cái này cũng cực kỳ bất khả thi. Chúng tôi không có thiên phú về mảng này, tôi bảo hắn dẹp đi.
Tới đây thì vỡ mộng dễ sợ, cơm chín, chúng tôi ăn cơm một cách chán nản.
Bà bác hàng xóm mua một căn nhà trong trấn, sau khi sinh thêm con nhỏ, thì không về đây mấy nữa, gà giao cho ông cậu nuôi thay, cũng chỉ có mấy con. Nhà bên cạnh cũng cho chúng tôi thuê, dù sao thì sân nhà chúng tôi bây giờ tương đối sạch sẽ.
Tôi dùng bùn đất và gỗ làm một bồn tắm ở nhà bên, lúc nấu cơm, sẽ đồng thời đun nước nóng. Bàn Tử rất thông thạo việc này. Bình thường sẽ dùng nắp gỗ đậy nước lại, vậy thì chúng tôi ăn cơm xong, nghỉ ngơi một lát, là có thể đi tắm.
Nhưng thực ra làm tới làm lui rất phiền, xây xong cơ bản cũng chẳng ngâm được mấy lần, nhưng sáng nay Bàn Tử đã cho nước vào rồi, chắc là cảm thấy buổi tối sẽ mệt.
Tôi vốn không định ngâm, nhưng Bàn Tử đã kéo Muộn Du Bình xuống trước rồi, tôi ngẫm nghĩ, không ăn được thịt Đường Tăng, thì ngâm canh thịt Đường Tăng dưỡng sinh cũng được. Vì thế cũng xuống ngâm.
Nghe nói đợt không khí lạnh sắp tới rồi, có thể làm nguôi cơn tức. Tôi thầm nghĩ.
Kết quả lúc ngâm, tuyết lại rơi lác đác.
Chúng tôi mở toang cửa sổ, trên bệ cửa bày đủ loại rượu cũ, Bàn Tử bắt đầu dang chân, giảng giải với chúng tôi về kinh doanh rượu.
“Chủ yếu là rượu, lợi nhuận đều nằm ở rượu. Chai này ít nhất có thể bán được 8000, chai này không bán, đặt trong tủ chén, nói là thu mua với giá 100 ngàn, chủ quán sưu tầm. Sau này có khách quen rồi thì len lén cho uống một ngụm, để người ta cảm thấy thân thiết với chúng ta hơn. Bình thường kiên quyết cho bọn họ uống bia, đi WC mỗi lần 8 tệ, tiền WC đủ trả tiền thuê mặt bằng rồi.”
Đây đều là rượu đế ở khắp nơi, thực ra uống hết thì không có nữa. Lúc Bàn Tử nói đến đây, hai chúng tôi đã nốc hết nửa chai rồi. Kế hoạch của Bàn Tử xem chừng thất bại tới nơi.
Muộn Du Bình ngắm tuyết, hướng gió không đúng, bông tuyết không ngừng bay vào đây, chẳng mấy chốc tóc y đã trắng xóa.
Không biết khi bạc đầu trông y sẽ thế nào.
Đột nhiên trong đầu tôi lóe lên, nghĩ ra phương hướng đặc sắc của chúng tôi.
“Chúng ta có thể làm món bốn mùa không, mỗi mùa đều khác nhau.”
“Nói thừa, cậu tưởng quán cơm cả năm chỉ có một thực đơn à, ít nhiều cũng phải có món mới chứ?”
“À, ờ.” Tôi ủ rũ trở lại, thầm nghĩ chắc tại mình mấy chục năm rồi cứ ăn món cũ.
Mở nhà vườn phải chuẩn bị quá nhiều việc, vì thế chúng tôi đều trầm mặc, bắt đầu suy nghĩ, nước lạnh dần, hình xăm cũng nhạt đi, Bàn Tử khỏa thân lật đật chạy sang nhà bếp thêm lửa.
Tuyết càng lúc càng lớn, rơi vào nước nóng, còn chưa tiếp xúc đã tan thành một luồng khói. Đẹp thật.
Ở nơi này, muốn ra vẻ quê mùa cũng rất khó, giống như lúc ở Tây Tạng vậy.
Tôi thấy hơi nhớ núi tuyết ấy, hầy, nếu có thể cùng quay về, không biết có cảm khái vô hạn không.
Tôi cầm điện thoại lên xem vé máy bay, rồi bỏ xuống thở dài, tiếp tục nghiền ngẫm vụ nhà vườn.
Tập trung tinh thần đi, khốn thật, không thì giấc mơ của mày sắp thành sự thật rồi đấy.
Lúc này, tôi chợt nhớ đến Mặc Thoát, chà, hình như tôi có phương hướng rồi.
Chú thích
(1) Kiến trản: hay còn gọi là chén thiên mục, một loại chén có chất men kết hợp những mảng màu tối của đất và kim loại bị nung ở nhiệt độ rất cao. Kiến trản là đặc sản của Phúc Kiến.