Lão nho sĩ trả lại giấy thông hành cho người trẻ tuổi tên là Trần Bình An kia.

Vị phu tử thư viện này có ấn tượng rất tốt với hắn.

Ông ta lại nhìn Trần Bình An đeo trường kiếm và hòm sách, cảm thấy rất thuận mắt.

Đeo hòm sách cầm kiếm, du học vạn dặm, vốn là chuyện mà người đọc sách sẽ làm, cũng làm tốt nhất.

Trần Bình An hỏi:

- Tiên sinh có biết một tiểu cô nương tên là Lý Bảo Bình không? Cô ấy thích mặc áo bông đỏ và áo váy đỏ.

Lão phu tử cười ha hả nói:

- Thư viện chúng ta có ai không biết nha đầu này. Đừng nói là thư viện từ trên xuống dưới, có lẽ tiểu cô nương còn đi dạo khắp cả kinh thành Đại Tùy rồi. Mỗi ngày tinh thần đều hăng hái, khiến đám lão già sắp không đi nổi như chúng ta rất hâm mộ. Hôm nay nha đầu này lại trốn học lén chạy ra khỏi thư viện, nếu cậu tới sớm nửa canh giờ, không chừng vừa lúc có thể đụng phải Tiểu Bảo Bình.

Trần Bình An hỏi:

- Chỉ một mình cô bé rời khỏi thư viện sao?

Lão phu tử gật đầu nói:

- Lần nào cũng vậy.

Nhìn thấy vẻ mặt lo lắng của Trần Bình An, lão phu tử cười nói:

- Yên tâm, tiểu cô nương ra ngoài nhiều lần như vậy, chưa từng xảy ra sơ suất, dù sao cũng là đệ tử thư viện mà. Huống hồ kinh thành Đại Tùy chúng ta luôn an ổn, nếp sống giản dị. Cộng thêm Lễ bộ thượng thư lại là sơn chủ thư viện, thường tới Tiểu Đông Sơn này uống trà với mấy vị phó sơn chủ, cho nên không có việc gì.

Lúc này Trần Bình An mới yên tâm một chút.

Lão phu tử hỏi:

- Thế nào, lần này thăm viếng thư viện Sơn Nhai là đến tìm Tiểu Bảo Bình? Xem hộ tịch trên giấy thông hành của cậu, cũng là người quận Long Tuyền Đại Ly, chẳng lẽ không chỉ là đồng hương mà còn là thân thích của tiểu cô nương?

Trần Bình An cười nói:

- Chỉ là đồng hương, không phải thân thích. Mấy năm trước tôi và đám Tiểu Bảo Bình cùng nhau tới kinh thành Đại Tùy, chỉ là lần đó tôi không lên núi vào thư viện.

Trong lòng lão phu tử lấy làm lạ. Năm xưa đám trẻ quận Long Tuyền này vào thư viện Sơn Nhai đi học, đầu tiên là kỵ binh tinh nhuệ đi tới biên cảnh đưa đón, sau đó hoàng đế bệ hạ tự mình tới thư viện, rất là long trọng, mặt rồng vui vẻ, còn tặng quà cho tất cả đứa trẻ du học. Theo lý mà nói, người trẻ tuổi Đại Ly tên là Trần Bình An này cho dù không vào thư viện, mình cũng nên thấy mặt vài lần mới đúng.

Lão phu tử hỏi:

- Cậu muốn ở đây chờ Lý Bảo Bình trở về thư viện?

Trần Bình An gật đầu, hắn hi vọng người đầu tiên nhìn thấy ở thư viện Sơn Nhai là Tiểu Bảo Bình.

Đương nhiên hắn cũng muốn đi gặp Lý Hòe, Lâm Thủ Nhất, Vu Lộc và Tạ Tạ, đặc biệt là Lý Hòe nhỏ tuổi nhất. Có điều bọn họ đều không bằng tiểu cô nương thu đông xuân đều mặc áo bông đỏ, chỉ có mùa hè là mặc áo váy đỏ.

Trần Bình An chưa từng phủ nhận tư tâm của mình, hắn vốn thân thiết với Tiểu Bảo Bình nhất. Trên đường du học Đại Tùy là như vậy, sau đó một mình đi đến núi Đảo Huyền, hắn cũng chỉ gởi thư cho Lý Bảo Bình, sau đó nhờ tiểu cô nương giúp tiểu sư thúc hắn, đưa những bức thư khác cho mấy người còn lại. Bức tranh cuộn do họa sĩ họ Phạm vẽ trên đỉnh đảo Quế Hoa, cũng chỉ tặng cho Lý Bảo Bình, bọn Lý Hòe đều không có.

Loại thân sơ khác biệt này, Lâm Thủ Nhất, Vu Lộc và Tạ Tạ khẳng định biết rõ, chỉ là bọn họ chưa chắc để ý mà thôi. Lâm Thủ Nhất là ngọc thạch tu đạo, còn Vu Lộc và Tạ Tạ càng là nhân vật quan trọng của vương triều họ Lư. Còn như Lý Hòe chuyên ra oai với người trong nhà, có lẽ đến bây giờ vẫn cảm thấy, Trần Bình An hay A Lương cũng đều thân thiết với mình nhất.

Lão phu tử khoát tay cười nói:

- Ta khuyên các người vẫn nên vào phòng khách thư viện cất đồ trước. Mỗi lần Lý Bảo Bình lén chạy ra ngoài, cho dù sáng sớm đã lên đường, vẫn phải đến lúc hoàng hôn mới trở về, không có lần nào ngoại lệ. Nếu cậu đứng ở cổng này chờ cô bé, ít nhất còn phải chờ ba canh giờ, không cần thiết.

Trần Bình An ngẫm nghĩ, quay đầu nhìn ba người Bùi Tiền một cái, sau đó lại nhìn về cuối đường lớn. Nếu như chỉ có một mình, hắn cũng không ngại chờ ở đây.

Chu Liễm vẫn luôn quan sát kiến trúc của thư viện phía sau sơn môn, xây dựa vào núi, tuy là Công bộ Đại Tùy xây mới nhưng rất dụng tâm, tạo nên một phong cách trang nhã cổ kính.

Thư viện Sơn Nhai từ Đại Ly dời đến kinh thành Đại Tùy, năm xưa là một trong bảy mươi hai thư viện Nho gia của thế giới Hạo Nhiên. Đây là thư viện Nho gia đầu tiên mà Chu Liễm nhìn thấy sau khi rời khỏi đất lành Ngẫu Hoa.

Nơi thánh nhân dạy học, tiếng đọc sách oang oang, nổi danh khắp thiên hạ.

Ban đầu thư viện Sơn Nhai được xây dựng ở Đại Ly, sơn chủ đầu tiên đã đề xuất một thứ tự học vấn vạch rõ tôn chỉ, chủ trương đưa bốn vấn đề “học vấn tư biện” vào một chữ “hành” (1).

Khi Chu Liễm ngước mắt quan sát thư viện, Thạch Nhu vẫn luôn không dám thở mạnh. Cô sống nhờ trong một thân xác tiên nhân, thực ra có thể ngăn cản luồng khí tức chính trực vô hình kia, nhưng bản năng của ma quỷ âm vật vẫn khiến cô rất sợ hãi.

Bùi Tiền thì vẫn không nói lời nào, giống như còn khẩn trương hơn Thạch Nhu. Lúc xuống thuyền ở thành Lão Long, trong lòng cô còn tuyên bố muốn gặp Lý Bảo Bình một lần. Nhưng khi đến cổng lớn kinh thành Đại Tùy thì bắt đầu chột dạ, đến sơn môn thư viện Sơn Nhai lại càng lo lắng.

Trần Bình An cười hỏi:

- Dám hỏi tiên sinh, sau khi vào ở phòng khách thư viện, nếu chúng tôi muốn thăm viếng Mao sơn chủ, có cần nhờ người thông báo trước, chờ đợi trả lời hay không?

Lão tiên sinh cười nói:

- Thực ra thông báo cũng không có ý nghĩa lắm, chủ yếu là Mao sơn chủ của chúng ta không thích tiếp khách, mấy năm nay gần như từ chối tất cả thăm viếng và xã giao. Ngay cả Thượng thư đại nhân đến thư viện, cũng chưa chắc có thể gặp được Mao sơn chủ.

- Có điều Trần công tử đường xa tìm đến, lại là người quận Long Tuyền, đoán rằng có thể chào hỏi một tiếng. Mặc dù Mao sơn chủ của chúng ta rất nghiêm khắc trong học tập và giảng dạy, nhưng thật ra là một người dễ tính. Chỉ là danh sĩ Đại Tùy xưa nay coi trọng trình bày nghĩa lý, cho nên mới nói chuyện không hợp với Mao sơn chủ.

Trần Bình An vẫn không lập tức đi vào thư viện, hỏi:

- Nếu tôi không nhớ sai, người phụ trách trị an trật tự của kinh thành Đại Tùy, là nha môn thống lĩnh bộ quân?

Trong lòng lão tiên sinh hiểu rõ, xem ra đối phương vẫn lo lắng cho Lý Bảo Bình, bèn cười nói:

- Đúng là như thế, hơn nữa con út của quan đứng đầu nha môn kia, hôm nay đang đi học ở thư viện.

Trần Bình An lại thở phào một hơi.

Hắn hỏi qua một ít chuyện vặt vãnh của Lý Bảo Bình, sau đó mới cáo từ lão tiên sinh kia, đi vào thư viện.

Bước chân của Bùi Tiền nặng nề, nhất là sau khi qua cổng, một đoạn đường núi độ dốc thoai thoải, lại đi giống như xuống sông lội nước, bôn ba đất tuyết.

Thư viện có phòng khách chuyên đón tiếp thân thích trưởng bối của học sinh, năm xưa vợ chồng Lý Nhị và con gái Lý Liễu cũng ở nơi này.

Thư viện chỉ thu một ít tiền để tượng trưng, mỗi gian phòng khách ở một ngày chỉ mười đồng tiền. Sau khi biết hôm nay khách vào ở không nhiều, Trần Bình An bèn xin bốn gian phòng liền nhau.

Mọi người cất đồ đạc, Bùi Tiền đi tới phòng Trần Bình An chép sách.

Trần Bình An lấy hòm trúc xuống, thậm chí còn tháo cả hồ lô nuôi kiếm bên hông và thanh Kiếm Tiên nửa tiên binh kia.

Chu Liễm tới hỏi có muốn đi dạo thư viện hay không, Trần Bình An nói tạm thời không đi. Bùi Tiền đang bận chép sách, càng không để ý tới Chu Liễm. Chu Liễm lại đi gõ cửa phòng Thạch Nhu. Thạch Nhu cả người không được tự nhiên, tâm tình không tốt. Chu Liễm lại ở bên ngoài nói linh tinh, trong nho nhã mang theo vị mặn, Thạch Nhu bèn thưởng cho lão một chữ “cút”. Chu Liễm đành phải một mình đi dạo thư viện.

- --------

So với dân chúng sinh trưởng ở kinh thành Đại Tùy, Lý Bảo Bình có lẽ còn hiểu rõ về kinh thành này hơn.

Cô đã đi qua cổng Thiên Trường phía nam, được dân chúng gọi thân mật là cổng lương thực, là nơi lương thực bốn phương hội tụ. Hàng hóa thông qua kênh đào đến đây, được quan viên Hộ bộ kiểm tra, sau đó cất vào kho lương. Cô đã từng ngồi ở bến thuyền nơi đó non nửa ngày, nhìn quan viên và tư lại bận rộn, còn có những người khuân vác mồ hôi đầm đìa.

Cô còn biết nơi đó có một ngôi miếu Hồ Tiên hương khói thịnh vượng, không phải là miếu thờ chính thống được Lễ bộ triều đình thừa nhận, nhưng cũng không phải là miếu xây dựng bừa bãi. Lai lịch của nó kỳ lạ, thờ cúng một đoạn đuôi cáo màu sắc sáng loáng như mới. Ở đó có một bà lão điên điên khùng khùng, thần thần bí bí bán nước bùa, còn có một thầy xem tướng nghe nói đến từ Quan Tây Đại Tùy, hai ông bà thường xuyên cãi nhau.

Cô đã đi qua hội làng ở chùa Trường Phúc, người đông nghìn nghịt. Cô rất thích một loại tù và làm bằng sừng trâu. Người có tiền đến đây rất nhiều, ngay cả những đầy tớ nhà quan thoạt nhìn còn vênh váo tự đắc hơn con cháu quyền quý, cũng thích mặc áo da nhuộm đen, thêm vào lông chồn lông cừu.

Lý Bảo Bình còn đi qua bên cạnh hoàng thành, cũng ngồi ở đó nhiều buổi chiều. Nhờ vậy mới biết có rất nhiều người đánh xe và cô gái thêu thùa, không phải là người trong cung nhưng vẫn có thể ra vào hoàng thành, chỉ cần mang theo lệnh bài bên người là được. Trong đó có một Văn Hoa quán chuyên biên soạn quốc sử các triều đại, chỉnh sửa sách sử, đã mời không ít thợ làm sách bên ngoài.

Lại vòng qua đi tới cổng sau hoàng thành phía bắc, bên đó gọi là cổng Địa Cửu. Lý Bảo Bình đến đây rất nhiều lần, bởi vì nơi này càng náo nhiệt. Tại một cửa tiệm tạp hóa, cô còn từng nhìn thấy một trận sóng gió ầm ĩ, là binh lính bắt trộm cắp, khí thế rất hùng hổ. Sau đó cô hỏi thăm một ông chủ gần đó mới biết, cửa tiệm buôn bán không sạch sẽ lại có thể ngày kiếm đấu vàng kia, vốn là một nơi tàng trữ tiêu thụ đồ trộm cắp.

Những đồ vật bán ở đó, phần nhiều là lấy cắp từ trong hoàng cung Đại Tùy. Lén lút giấu đi một ít túi tiền túi thơm, thậm chí còn trộm cả sắt thép dùng để sửa chữa mương máng của một cung điện. Những vật liệu thừa tu sửa cung đình hàng năm còn dư, cũng có lái buôn bên ngoài cung dòm ngó. Rất nhiều báo cáo mất mát và tổn thất của bộ phận chế tạo vật dụng hoàng gia, càng có lợi nhuận phong phú. Nhất là mấy nơi làm đồ vàng ngọc hay hộp đựng giấy dán, rất dễ mang ra khỏi cung, biến thành vàng thật bạc trắng.

Khi đó Lý Bảo Bình không hiểu rõ lắm, ngay dưới mắt của hoàng đế bệ hạ, sao lại có người dám trộm đồ của nhà hoàng đế. Lão chủ tiệm đã quen thuộc với cô liền cười nói, đây gọi là buôn bán chém đầu có người làm, buôn bán lỗ vốn không ai làm.

Lý Bảo Bình còn đi qua cầu Tú Y cách cổng Địa Cửu không xa, nơi đó có một cái hồ lớn, chỉ là bị che khuất bởi tường viện của vương phủ và phủ đệ quan lớn. Đây cũng là nơi của nha môn thống lĩnh bộ quân, nằm ở một con ngõ tên là Điêu Mạo. Lý Bảo Bình có qua lại mấy chuyến để ăn bánh ngọt, bởi vì có một bạn học mà cô không thích lắm, luôn khoe khoang cha hắn là mũ quan lớn nhất trong nha môn kia, cho dù hắn đứng lên sư tử đá ở đó đi tiểu cũng không ai dám quản.

Cô còn đi qua ngõ Trung Quan ở phía nam thành, là nơi nghỉ hưu của rất nhiều hoạn quan lớn tuổi và cung nữ bạc đầu sau khi rời khỏi hoàng cung. Bên đó có rất nhiều chùa chiền đạo quán, nhưng quy mô cũng không lớn. Những hoạn quan cung nữ kia hầu hết là người thờ cúng rất thành kính. Cho nên Lý Bảo Bình thường xuyên nhìn thấy người già lưng gù được đầy tớ dìu đỡ, hoặc là một mình chống gậy đi thắp hương.

Dạo chơi nhiều lần rồi Lý Bảo Bình mới biết, hóa ra những cung nữ từng trải nhất được gọi là bà ngoại cung đình, là nữ quan lớn tuổi hầu hạ hoàng đế hoàng hậu. Trong đó địa vị cao quý nhất là cung nữ già sáng sớm chải đầu cho hoàng đế, một số người còn được ban cho danh hiệu “phu nhân”.

Ở phía đông kinh thành có khu buôn bán lớn nhất Đại Tùy, cửa tiệm đông đảo, xe ngựa lui tới, dòng người cũng là dòng tiền. Trong đó có tiệm sách mà Lý Bảo Bình thích đi dạo nhất. Một số chủ tiệm lớn gan, còn lén lút buôn bán những loại sách theo luật pháp triều đình thì không được xuất quan xuất cảnh. Những sứ giả của các nước chư hầu, thường sẽ phái đầy tớ lén mua. Nhưng nếu xui xẻo gặp phải binh lính tuần tra, sẽ bị bắt đến nha môn chịu liên lụy.

Trong ba năm này, bất kể áo bông hay là váy áo, tiểu cô nương đều mặc đồ đỏ chót. Cô đã dìu đỡ rất nhiều người già loạng choạng đi thắp hương, trèo lên lấy con diều xuống cho những đứa trẻ đứng dưới cây khóc lớn, giúp ông lão áo quần rách rưới đẩy qua xe trâu chở than củi bị lún vào bùn lầy tuyết lớn, nhìn những lão nhân đánh cờ nơi ngã rẽ con đường, đến từng tiệm đồ cổ nhón chân lên, hỏi thăm ông chủ giá cả những đồ trang trí kia, ngồi ở bậc thềm dưới cầu nghe các tiên sinh kể chuyện xưa...

Vô số lần đi sát qua các tiểu thương gánh hàng hóa mời chào trên đường lớn ngõ nhỏ, còn khuyên can những đứa trẻ vật nhau dưới đất, kéo bọn chúng ra...

Cô đã nghe tiếng bồ câu du dương phía trên kinh thành, nhìn thấy con diều xinh đẹp chao đảo, ăn hoành thánh mà cô cảm thấy ngon nhất trên đời. Cô tránh mưa dưới mái hiên, tránh nắng dưới bóng cây, hà hơi sưởi ấm đi trong gió tuyết...

Hôm nay Lý Bảo Bình lại đi dạo tiệm sách, trên đường đi đã ăn trưa ở một tiệm cơm nhỏ giá rẻ nhưng ăn ngon, trên đường về lại đổi sang một tiệm mì trong ngõ nhỏ tay nghề gia truyền. Ông chủ và bà chủ của hai tiệm đều quen thuộc với cô, thường nói muốn tính tiền rẻ một chút, nếu không thì dứt khoát không thu tiền nữa. Nhưng Lý Bảo Bình đều không đồng ý, nói là để lần sau hãy giảm giá.

Có điều nhiều lần sau như vậy, hai tiệm ăn vẫn không có cơ hội. Lâu ngày bọn họ cũng chỉ cho rằng cô đang khách sáo, không muốn tiệm nhỏ của bọn họ kiếm ít đi mấy đồng tiền. Thực ra bọn họ đều muốn cười, gặp được một vị khách đáng yêu lại hiểu chuyện như vậy, cho dù bọn họ kiếm tiền không dễ, cũng sẽ không tính toán chút tiền kia.

Trong chiều hôm, bóng dáng Lý Bảo Bình chạy như bay xuất hiện trên đường lớn ngoài cổng thư viện Sơn Nhai. Cô cảm thấy trong sách nói “năm tháng như thoi đưa, bóng ngựa qua khe cửa”, dường như không đúng lắm. Sao đến chỗ cô lại đi chậm rãi khoan thai, gấp đến chết người như vậy?

Trong đôi mắt của Lý Bảo Bình mặc áo váy đỏ dường như chỉ có phương xa, cô nhanh chóng chào hỏi lão phu tử canh cổng, sau đó chạy qua.

Lão tiên sinh đang ngủ gật nhớ tới một chuyện, liền gọi theo bóng lưng kia:

- Tiểu Bảo Bình, trở lại đây!

Lý Bảo Bình không dừng lại, hai tay vung vẩy, chạy nguyên tại chỗ. Cô quay đầu nhìn lão phu tử đang vẫy tay với mình, liền chạy thụt lùi, còn chạy không chậm...

Lý Bảo Bình chạy lùi về cổng, sau đó đứng lại hỏi:

- Lương tiên sinh, có chuyện gì sao?

Lão tiên sinh họ Lương tò mò hỏi:

- Cháu ở trên đường không gặp người quen sao?

Lý Bảo Bình mở to mắt, lắc đầu nói:

- Không có.

Lương lão tiên sinh cười hỏi:

- Vậy hôm nay cháu không phải từ đường Bạch Mao rẽ vào, đúng không?

Lý Bảo Bình gật đầu nói:

- Đúng vậy, sao rồi?

Lương lão tiên sinh cười híp mắt nói:

- Bảo Bình à, trước khi trả lời vấn đề của cháu, cháu hãy trả lời vấn đề của ta trước. Cháu cảm thấy học vấn của ta có lớn không?

Lý Bảo Bình ngẫm nghĩ:

- Nhỏ hơn Mao sơn chủ một chút.

Lương lão tiên sinh lập tức bị tiểu cô nương thành thật này làm nghẹn họng, nói không nên lời.

Nhưng nếu suy nghĩ từ một góc độ khác, tiểu cô nương so sánh mình với một vị thánh nhân thư viện Nho gia, dù thế nào cũng là một lời khen đúng không?

Thế là Lương lão tiên sinh tâm tình không tệ, bèn nói với Lý Bảo Bình, có một người trẻ tuổi tới thư viện tìm cô. Đầu tiên hắn đứng ở cổng rất lâu, sau đó tới phòng khách cất đồ, lại tới đây hai chuyến. Lần cuối cùng là nửa canh giờ trước, tới rồi lại không đi nữa.

Lương lão tiên sinh cười nói:

- Ta đã khuyên hắn không nên gấp, Tiểu Bảo Bình của chúng ta rất quen thuộc với kinh thành, giống như dạo chơi ở nhà mình vậy, chắc chắn không bị lạc. Nhưng người kia vẫn đi tới đi lui trên con đường này. Sau đó ta cũng gấp thay hắn, bèn bảo hắn bình thường cháu đều từ đường Bạch Mao vòng qua đây. Có lẽ hắn đang ở đường Bạch Mao chờ cháu, không thấy cháu nên lại đi xa một chút, muốn sớm nhìn thấy bóng dáng của cháu, cho nên hai người mới lỡ cơ hội gặp nhau. Nhưng không sao, cháu cứ chờ ở đây, bảo đảm hắn sẽ nhanh chóng trở lại.

Lý Bảo Bình đột nhiên xoay người, muốn chạy nhanh rời đi.

Lương lão tiên sinh gấp gáp nói:

- Tiểu Bảo Bình, cháu muốn đến đường Bạch Mao tìm hắn à? Cẩn thận hắn vì muốn tìm cháu mà đã rời xa đường Bạch Mao rồi. Lỡ may hắn không theo đường cũ trở về, chẳng phải hai người lại lỡ cơ hội gặp nhau sao? Thế nào, các người định chơi trốn tìm à?

Lý Bảo Bình gấp đến mức giống như con kiến trên chảo nóng, đi lòng vòng tại chỗ. Đây là cảnh tượng mà các phu tử chưa từng thấy.

Cô lã chã muốn khóc, đột nhiên kêu lớn:

- Tiểu sư thúc!

Tâm thần lão phu tử rung động, nheo mắt lại, khí thế hoàn toàn biến đổi, nhìn về cuối đường lớn. Có người mặc một bộ áo trắng, thân hình giống như một vệt cầu vồng trắng, từ đường Bạch Mao rẽ vào tầm mắt, sau đó dùng tốc độ nhanh hơn lướt đến, trong nháy mắt đã tới nơi.

Sau khi người trẻ tuổi kia bồng bềnh đứng lại, hai tay áo trắng như tuyết vẫn phất phơ, giống như trích tiên nhân phong lưu.

Trần Bình An đứng trước người tiểu cô nương áo đỏ Lý Bảo Bình, cười rạng rỡ, nhẹ giọng nói:

- Tiểu sư thúc tới rồi.

- --------

Chú thích:

(1) Học vấn tư biện hành: cách gọi tắt của bác học (học rộng), thẩm vấn (xét hỏi), thận tư (suy nghĩ cẩn thận), minh biện (phân biệt rõ ràng), đốc hành (thực hành).

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play