Một cô gái thấp bé mặc y phục xa hoa giống như phu nhân có tước vị, đột nhiên xuất hiện bên bờ sông Mai, chậm rãi bước đi.
Theo cảnh giới tu vi nhanh chóng tăng lên, thủy thần nương nương sông Mai khống chế khí vận hai bờ càng thành thạo. Đây giống như võ tướng đang mở rộng bờ cõi, nơi vó ngựa đi đến chính là quốc thổ.
Sông Mai vốn là một con sông lớn từ đông sang tây, gần như cắt ngang hơn nửa vương triều Đại Tuyền. Trước kia cô dựa vào binh khí tự mình luyện hóa, miễn cưỡng duy trì uy thế của sông Mai, đối đầu với một con thủy yêu chưa bước vào cảnh giới Kim Đan cũng đã khá tốn sức.
Nếu tùy tiện thăng phủ Bích Du thành cung Bích Du, triều đình Đại Tuyền lại không muốn lấy ra một phần khí vận quốc gia, để tu sĩ Khâm Thiên giám mang đến bỏ vào miếu thủy thần, một khi tấm biển phủ đệ đổi thành cung Bích Du, bốn phương tám hướng đều sẽ đỏ mắt và thèm thuồng. Không chừng một ngày nào đó, hai tấm biển cung phủ này sẽ bị người ta lấy làm củi đốt. Đây là một trong số nguyên nhân mà vị thủy thần nương nương này không muốn đáp ứng.
Cô trời sinh hào sảng, tính tình nóng nảy, chuyện này không phải giả. Nhưng có thể trấn giữ sông Mai mấy trăm năm, nắm chắc từng cơ duyên trong tay, dĩ nhiên không phải là người ngu ngốc.
Cô ngồi xổm xuống, vớt một vốc nước sông Mai. Dưới ánh trăng, nước sông trong lòng bàn tay nhộn nhạo, linh khí đã dồi dào hơn trước kia rất nhiều.
Trước khi cô chạy tới dịch quán, đầu tiên là có rất nhiều tinh hoa hương khói mà miếu thủy thần không chứa nổi, toàn bộ chảy ngược vào trong miếu thờ. Tinh hoa hương khói vốn màu trắng bạc lại biến thành màu vàng nhạt, từng tia trôi về hướng tượng đất kim thân ở chủ điện.
Kim thân kim thân, cũng không phải là tay nghề mạ vàng đánh bóng của thợ thủ công tạc tượng, mà là cơ sở thần đạo của một vị thần linh núi sông, là một loại hiển hóa của đại đạo. Những hương khói dày đặc màu vàng nhạt kia chậm rãi thấm vào tượng thần kim thân, trong thần đạo đây được gọi là “tô vàng”.
Chỉ có hai trường hợp mới xuất hiện cảnh tượng kỳ lạ như vậy. Một là tu sĩ Khâm Thiên giám nhận lệnh của hoàng đế, phụng chỉ làm việc, dùng một cây bút lông chấm vàng tô lên kim thân của một vị thần linh, phần nhiều là “điểm hóa vài lần” mà thôi. Một loại khác là thánh nhân Nho gia “chỉ điểm giang sơn” cho kim thân, hơn nữa những nho thánh này ít nhất phải ngang với bảy mươi hai sơn chủ thư viện.
Ngoại trừ miếu thủy thần sông Mai đột ngột nhận được phúc duyên to lớn, phủ Bích Du cũng được gia tăng khí vận. Khói mây tượng trưng cho điềm lành hội tụ lại, giống như một chiếc ô che, gần như có thể xem là một động tiên đất lành để tu hành rồi.
Hiện tượng này được gọi là phong chính, thật sự được trời đất Hạo Nhiên chính thống thừa nhận.
Thủy thần nương nương có thờ ơ đến mấy, cũng biết đại ân khiến cô trở tay không kịp này, không hề kém hơn lần đầu tiên Trần tiểu phu tử truyền dạy.
Ở dịch quán cô nói đùa là muốn lấy thân báo đáp, thực ra là do không biết phải báo đáp như thế nào.
Thẻ ngọc kia vốn là bảo vật trấn nhà của phủ Bích Du. Vào thời thượng cổ, sông Mai từng là nòng cốt của một trong ba đường sông lớn dẫn vào biển. Sau này thế sự xoay vần, bởi vì đủ loại biến cố như sông lớn đổi đường, ứ đọng tắc nghẽn, quy mô của đường sông lớn kia càng ngày càng nhỏ, cuối cùng chỉ còn lại một đoạn là sông Mai.
Tiền thân của phủ Bích Du là tàn tích của một long cung, mà thẻ ngọc kia là chí bảo mà cô tìm được trong long cung đổ nát, vạn năm không thay đổi màu sắc. Đó là tinh hoa sông lớn ngưng tụ thành thực chất, càng là hiển hóa của khí vận đường thủy một phương, được lão long vương luyện hóa thành thẻ ngọc. Trong năm tháng xa xôi khi long cung còn tồn tại, chắc hẳn thẻ ngọc này là vật mà long vương yếu qúy không rời.
Cô bảo Trần Bình An sau khi ghi nhớ đạo quyết tiên gia, hãy lập tức tiêu hủy thẻ ngọc, thật ra là có một chút tâm tình đùa giỡn.
Trừ khi Trần Bình An là thần tiên năm cảnh giới cao, mới có bản lĩnh hủy đi thẻ ngọc.
Nhưng đã sở hữu môn đạo quyết “một bước lên tiên” kia, cô tin tưởng chỉ cần Trần Bình An dụng tâm, sẽ có hi vọng luyện hóa thẻ ngọc thành vật bản mệnh.
Cô bước vào sông Mai, đi trên mặt nước giống như thần nữ trong tiểu thuyết. Khiếm khuyết duy nhất là con thủy yêu kia chắc chắn đã cấu kết với một sơn thần gần đây, lên bờ ẩn náu trong một ngọn núi, không thấy tung tích.
Thủy thần nương nương ngả người về phía sau, nằm trên mặt nước sông Mai, theo dòng nước trôi về hướng hạ du. Những quỷ nước chết đuối trong sông, cuồn cuộn đi theo vị thủy thần nương nương này, trôi về hướng miếu thủy thần.
Cô đột nhiên che mặt, dáng vẻ ngượng ngùng giống như không có mặt mũi gặp người khác, lẩm bẩm:
- Mấy câu xấu hổ như vậy, nào phải là lời nói của một hoàng hoa khuê nữ.
May mà cô rất nhanh đã khôi phục đấu chí, ngồi dậy hớn hở nói:
- Phải lập tức bảo người đến thành Thận Cảnh mời thợ thủ công, làm lại tượng thần. Người dựa vào quần áo, thần dựa vào bề ngoài. Đường cong chỗ ngực tượng thần có thể khoa trương một chút, chân cũng có thể dài hơn.
Một số quỷ nước bơi lội dưới đáy sông đã mở mang linh trí, đúng là tăng thêm kiến thức. Thế gian lại có một thủy thần nương nương thú vị như vậy.
- --------
Trên đường đi lên phía bắc, đội ngũ Diêu gia đã gặp phải rất nhiều chuyện dở khóc dở cười.
Một vị hào kiệt giang hồ có chút danh tiếng, cầm một thanh bát bảo linh lung thương làm bằng sắt tinh (đầu thương có hình linh lung bảo tháp), mộ danh tìm đến, nói rằng muốn lĩnh giáo Diêu gia thương uy chấn biên quan.
Người này gọi bạn gọi bè, mười mấy người cưỡi ngựa hò hét chạy tới, dàn hàng đứng giữa đường lớn. Hắn ngồi trên lưng ngựa, vẽ một đường thương hoa mỹ. Cũng không thể nói là công phu mèo quào, thân là một võ phu hạng hai hạng ba, vẫn có mười mấy năm mãi giũa. Có điều người trong võ lâm so tài võ nghệ, đương nhiên không cùng một cấp bậc với thương sắt Diêu gia, bởi vì trên chiến trường có thể phân sống chết trong nháy mắt.
Khi đó Diêu Trấn ngồi trong toa xe lật xem binh thư, chỉ cảm thấy buồn cười, không chấp nhặt với đám hảo hán giang hồ muốn nổi danh này. Diêu Cận Chi ra lệnh một tiếng, kỵ binh Diêu gia liền im lặng lấy nỏ nhẹ xuống, dọa cho đám người kia lập tức nhảy ra khỏi đường lớn. Đợi đội ngũ Diêu gia đi xa, bọn họ mới lảm nhảm, oán hận kỵ binh Diêu gia chỉ là gối thêu hoa, có tiếng mà không có miếng, còn không dám so tài thương pháp.
Kết quả hôm đó đám người này đã bị quan phủ châu thành truy nã quy án, cả đám huynh đệ đều ăn cơm tù.
Sau đó còn có một tu sĩ hoang dã năm cảnh giới thấp, tuổi tác không lớn, khoảng hơn hai mươi tuổi, muốn trở thành cung phụng trong quân Diêu gia. Hắn cũng không dám lỗ mãng, sau khi nói rõ thân thế bối cảnh và tâng bốc pháp thuật thần tiên của mình một chút, lại ngồi bên ngoài dịch quán mà bọn họ trú ngụ, gặm bánh khô uống rượu nhạt chờ sắp xếp. Diêu Trấn bảo người đưa cho hắn một trăm lượng bạc, tu sĩ hoang dã đỏ mặt, vẫn cầm lấy bạc mới rời đi.
Theo khoảng cách với thành Thận Cảnh càng ngày càng gần, tin tức Diêu Trấn sắp nhậm chức Binh bộ thượng thư đã nhanh chóng lan truyền khắp triều đình và dân gian. Lại có một vị tu sĩ Binh gia không thực hiện được chí nguyện, đang lúc tráng niên, vóc người khỏe mạnh. Hắn chặn đường đi, tuyên bố Diêu gia chỉ cần có người thắng được hắn, hắn sẽ lập tức cuốn xéo. Sau đó Thiệu Uyên Nhiên ra tay một chút, hắn liền cuốn xéo.
Chỉ có hai chuyện lạ khiến đội ngũ Diêu gia thật sự tò mò, đó là sơn thần lội nước và thủy thần lên núi
Có điều hai vị thần linh núi sông này cấp bậc kém xa thủy thần sông Mai, là thần linh địa phương ở tầng dưới chót. Sơn thần kia cai quản phạm vi trăm dặm, thủy thần lại là hà bá phụ trách hai trăm dặm nước sông. Hai bên núi sông gần nhau, quan hệ vốn không hòa thuận, thỉnh thoảng lại xày ra xung đột.
Trước kia chỉ là xung đột quy mô nhỏ, đứng ở ranh giới núi sông mắng nhau mà thôi. Nhưng gần đây có một vị khách hành hương đã thay đổi địa điểm thắp hương, từ miếu sơn thần chuyển sang miếu thủy thần. Chuyện này liên quan đến mười vạn lượng bạc trắng hàng năm sẽ vào túi ai. Sơn thần bèn bảo một tên thổ địa công dưới trướng, âm thầm đi khuyên nhủ vị khách hành hương kia hồi tâm chuyển ý. Không ngờ lại bị hà bá bắt gặp, đánh cho thổ địa công mặt đầy bụi đất.
Sơn thần dưới cơn tức giận, đã trực tiếp vượt ranh giới xuống nước, cầm hai cây rìu bản to, đánh cho mười mấy dặm nước sông dâng lên sóng lớn ngập trời, dân chúng kinh hãi. Thủy thần nào chịu mất mặt như vậy, cũng cuốn theo nước sông chảy ngược lên núi, lao thẳng tới miếu sơn thần.
Khi đó đội ngũ Diêu gia vừa lúc đi ở bên bờ. Nhìn thấy cảnh tượng này, hai vị cung phụng và tu sĩ trong quân Diêu gia, bảo vệ Diêu Trấn và ba người họ Diêu đi xem náo nhiệt.
Trần Bình An cũng ở trong nhóm này, chỉ có Bùi Tiền và Chu Liễm đi theo bên cạnh.
Thế là đã nhìn thấy cảnh tượng hà bá quát tháo miếu sơn thần.
Hai bên chém giết một trận, sơn thần chiếm được địa lợi, đánh cho hà bá trở về trong nước. Hà bá lại điều khiển nước sông vẩn đục lao thẳng tới miếu sơn thần, càng chiến càng dũng.
Hai bên kẻ tới người lui, thi triển thần thông. Một ngọn núi xinh đẹp bị lũ lụt nhấn chìm, vô số cây cối chọc trời gãy đổ.
Bên ngoài chiến trường, một bên là thổ địa công và yêu tinh quỷ quái trên núi, một bên là binh tôm tướng cá và quỷ nước đầy tớ ở bờ sông, đồng loạt phất cờ hò reo, gào rát cổ họng, nhìn còn mệt mỏi hơn ra trận chém giết.
Hơn nữa hai bên còn muốn tranh tài cao thấp. Phe dưới sông thì dựng trống lớn da đỏ ở bên bờ, đánh trống trợ uy cho hà bá lão gia nhà mình, tiếng trống như sấm. Phe trên núi thì vội vàng lấy ra một lá cờ cao đến mấy trượng, ra sức vung mạnh, kêu lên phần phật.
Thiệu Uyên Nhiên đứng bên cạnh Diêu Cận Chi, giải thích cho cô nội tình của thần linh núi sông, lời nói dí dỏm. Thiếu nữ Diêu Lĩnh Chi ở bên cạnh nghe rất hứng thú, chỉ là không biết chị gái Diêu Cận Chi dưới nón che mặt có tâm tư gì.
Bùi Tiền bận nhặt những con cá sông nhảy nhót bên bờ, chuyện này nhẹ nhàng hơn nhiều so với tự mình câu cá.
Vở kịch này lại bị cắt ngang bởi một vị thành hoàng gia sắc mặt nhợt nhạt. Hắn ngự gió bay đến, lơ lửng giữa trời, mắng hai vị thần linh kia xối xả.
Vị thành hoàng gia này mặc quan phục đặc biệt của Lễ bộ Đại Tuyền, hình thêu trước sau giống như quan phục dương gian. Chỉ là quan phục của thành hoàng gia đều có màu đen, ý nghĩa là giúp quân chủ nhân gian tuần tra âm phủ, hạn chế đông đảo ma quỷ âm hồn đi lại ban đêm.
So với miếu xây dựng bừa bãi ở các nơi trong thiên hạ, bị cấm rồi lại mọc lên, thành hoàng gia càng cần được triều đình sắc phong, hơn nữa gần như không tồn tại tình huống “danh không chính”. Thành hoàng gia nhất định phải cắm rễ trong thành trì, dĩ nhiên dễ bị triều đình khống chế, hơn nữa cũng trung thành với triều đình.
Trần Bình An nhìn sự hỗn loạn của vùng sông núi này, tâm cảnh vẫn bình lặng. So với trải nghiệm của hắn ở trấn nhỏ Long Tuyền, cùng với những gì nghe thấy qua hai lần du lịch, cảnh tượng trước mắt này chỉ là ồn ào nho nhỏ mà thôi. Không thể nói là buồn cười, nhưng rất khó có cảm giác giống như lần đầu trèo lên núi Phi Vân ở quê nhà, nhìn thấy sông lớn hùng vĩ.
Chu Liễm đứng bên cạnh Trần Bình An. Trong số bốn tùy tùng, người Diêu gia có ấn tượng sâu sắc với lão già này nhất. Bởi vì so với ba người còn lại, lão già lom khom này thật sự rất giống một tùy tùng.
Bọn họ đã nghe kể về biểu hiện của bốn người trong chém giết ở nhà trọ, biết được cô gái tuyệt sắc đeo kiếm là một vị kiếm sư, Lư tiên sinh phong độ hiên ngang là tông sư dùng đao. Ngụy Tiện im lặng một mình giữ ải, ngăn cản luyện khí sĩ hoàng thất vây công. Còn lão già nhỏ bé mặt mũi hiền lành này là người ra tay hung tàn nhất, lúc đại chiến hạ màn, xung quanh chỗ lão đứng đều là mảnh vụn thân thể.
Chu Liễm không nhìn Trần Bình An, rất nhiều lúc lòng người không cần dùng mắt để nhìn.
Lão càng tò mò về quận Long Tuyền kia, cùng với động tiên Ly Châu tiền thân của quận Long Tuyền. Rốt cuộc là một nơi rồng nằm hổ phục thế nào, mới có thể khiến Trần Bình An trẻ tuổi như vậy, giống như đã nhìn thấy sóng to gió lớn của nhân gian, trên tâm cảnh khó có sóng lớn nhấp nhô.
Tuổi còn trẻ lại giống như giếng cổ không gợn sóng, khó tránh khỏi dáng vẻ già nua, bụng dạ hiềm nghi. Nhưng Chu Liễm lại không nghĩ như vậy. Trần Bình An nhiệt tình giúp đỡ mọi người, gây cho lão một cảm giác mơ hồ. Giống như sâu trong giếng cổ tâm cảnh kia, thấp thoáng có một con giao long hung ác đang bơi lội dưới đáy nước, mờ mờ ảo ảo.
Có điều con giao long không ai biết này, có lẽ đã bị những thứ như lễ nghi quy củ, phân chia thiện ác trói buộc dưới đáy giếng, cho dù muốn nổi lên mặt nước, ló đầu ra nhìn cũng không được.
Chu Liễm không dám suy đoán những cái khác, chỉ xác định một chuyện. Sâu trong nội tâm Trần Bình An, nhất định có chấp niệm rất lớn không từ bỏ được.
Lần này cưỡi mây đạp gió mấy trăm dặm chạy tới khuyên can, khiến thành hoàng gia lao tâm lao lực, tâm tình tệ hại. Hắn chỉ hận không thể đạp bằng miếu hà bá và miếu sơn thần kia.
Chuyện thần linh núi sông tự tiện vượt ranh giới cực kỳ nhạy cảm. Một khi bị người tố cáo lên nha môn Lễ bộ kinh thành, cho dù thành hoàng gia hắn ngồi ở trong nhà, cũng có thể gặp phải họa từ trời xuống, kết cục sẽ không tốt hơn hai tên ngu xuẩn không biết nặng nhẹ kia.
Thành hoàng gia đuổi hai tên khốn khiếp nơm nớp lo sợ kia đi, phát hiện nhóm người Diêu gia đứng ở bờ sông. Hắn vận dụng thuật xem khí, chỉ nhìn một cái, liền cảm thấy những người này có phần chói mắt. Trong lòng hắn rung động, lập tức muốn đáp xuống thăm dò sâu cạn.
Có điều những người kia lại bá đạo đến mức coi trời bằng vung, có hai vị tu sĩ trực tiếp rút đao quát lên:
- Không được đến gần, nếu không sẽ xem là hành thích.
Thành hoàng gia tức giận, thiếu chút nữa đã gọi hai gã thần linh thuộc hạ kia trở lại. May mà ăn hương khói mấy trăm năm, dù sao cũng có một chút công phu tu dưỡng. Cuối cùng hắn chỉ ghi nhớ những gương mặt xa lạ kia, sắc mặt âm trầm trở về châu thành.
Trên đường quay lại đội ngũ, Diêu Trấn đi tới bên cạnh Diêu Cận Chi, nhẹ giọng hỏi:
- Vì sao lại không hợp tình người như vậy?
Diêu Cận Chi bất đắc dĩ nói:
- Trên đường đi khó tránh khỏi xã giao quan trường, yến tiệc linh đình. Nhưng nếu liên quan đến thành hoàng và thần linh, vậy thì sẽ khó nói rõ. Ông nội không muốn còn chưa tiến vào thành Thận Cảnh, đã bị quan can gián sáu khoa bí mật tố cáo đấy chứ?
- Cho dù hoàng đế bệ hạ không để ý, nhưng trong kinh thành từ quan trường đến dân chúng, chắc chắn sẽ xuất hiện những lời đồn không hay. Trên đời có ai không thích xem náo nhiệt? Không phải chính chúng ta cũng vừa xem náo nhiệt sao? Có quan tâm đến phải trái đúng sai của sơn thần hà bá kia không?
Diêu Trấn được chỉ điểm rõ ràng, hoàn toàn đồng ý. Trong lòng lão tướng quân tiếc nuối, nếu Diêu Cận Chi là nam nhi, ở lại biên quan, như vậy mới có thể yên tâm được.
Bùi Tiền nhặt được một đống cá sông, kết quả Trần Bình An lại không muốn nhận. Cô đành phải xách đuôi cá, gắng sức ném từng con trở về trong sông, mệt đến mức mồ hôi đầm đìa.
Đến thành Kỵ Hạc vừa là châu thành vừa là quận thành, kinh sư Đại Tuyền đã gần trong gang tấc.
Quận thành này có lịch sử lâu đời. Tương truyền có một vị cao nhân tu đạo đã cưỡi hạc phi thăng ở đây, khiến cho danh tiếng của nó lan truyền. Trong quận có một ngọn núi nhỏ, phong cảnh bình thường. Nhưng vì là nơi tiên nhân kia cưỡi hạc phi thăng, cho nên hàng năm đều có vô số văn nhân thi sĩ đến đây du lịch. Nhà cửa chung quanh núi nhỏ đều do quyền quý kinh sư mua và xây dựng, đúng là tấc đất tấc vàng.
Vị thành hoàng gia lúc trước chắc là ở trong tòa thành này. Diêu Trấn cũng không đến mức kiêng dè một thành hoàng châu thành.
Cấp bậc và bổng lộc của ông ta không chênh lệch với Lễ bộ thượng thư, người nắm giữ việc thăng chức và giáng chức của thành hoàng một nước. Huống hồ Đại Tuyền thượng võ, Binh bộ thượng thư không phải là chức vị hư ảo, nếu không cũng sẽ không trở thành chiếc ghế hàng đầu mà tất cả võ tướng dùng để dưỡng lão.
Bọn họ vẫn trú ngụ ở dịch quán, đây là quy củ của triều đình. Dịch quán trong thành có diện tích rất lớn, không thua gì nhà của vương hầu. Vì nghênh đón Diêu Trấn, thứ sử và quận chủ đã phái người gần như dọn sạch cả dịch quán.
Việc đã đến nước này, Diêu Trấn chỉ có thể cảm kích, giả vờ như không biết gì. Nước quá trong thì sẽ không có cá, quan trường vốn là như vậy.
Thông thường mà nói, triều đình có thể chứa chấp trung thần gian thần, thanh quan hôn quan và những kẻ gió chiều nào theo chiều nấy, nhưng không thể chứa chấp một thánh nhân đạo đức. Làm vậy giống như trong triều có một mặt kính chiếu yêu, đủ loại khuyết điểm của một đám rường cột nước nhà sẽ hiện ra toàn bộ.
Trong lòng lão tướng quân cảm khái muôn phần. Những đạo lý đối nhân xử thế này, là do cháu gái Diêu Cận Chi nói với ông ta khi chỉ mới mười bốn mười lăm tuổi.
Có đôi khi Diêu Trấn lại tự giễu, kinh nghiệm nhân sinh mà mình tích lũy cả đời, chẳng lẽ đều giống như cỏ cho ngựa ăn sao?
May mà trong đội ngũ còn có một Trần Bình An. Lần này đi lên phía bắc, Diêu Trấn rất thích tìm người trẻ tuổi này tán gẫu.
Lúc trước Trần Bình An dựa theo ước định, đã so tài với Diêu Tiên Chi, chỉ điểm một chút. Diêu Tiên Chi xem lời nói của Trần Bình An là chuẩn mực, lúc trở về tìm ông nội tâm sự lại rất ưu thương, nói đời này mình luyện võ đều phí phạm rồi.
Diêu Trấn lại hỏi hắn:
- Cái gọi là “đời này” của ngươi, chỉ có mười mấy năm sao?
Diêu Tiên Chi cứng họng không trả lời được, khiến cho Diêu Cận Chi đang nấu trà ở một bên cảm thấy buồn cười. Mặc dù Diêu Cận Chi đánh cờ không thắng được Lư Bạch Tượng, nhưng xét về đấu trà thì cô có thể xem như danh thủ.
Nơi biên quan gió cát mịt mù, mấy đời nam nữ Diêu gia đều oai hùng uy vũ, sao lại nuôi ra một cô gái hiền lành thông minh như vậy?
Diêu Tiên Chi bỗng thốt ra một câu:
- Chị Cận Chi, em không thích Thiệu Uyên Nhiên kia, em thích Trần Bình An hơn.
Diêu Cận Chi mỉm cười nói:
- Em thích hay không liên quan gì đến ta?
Diêu Tiên Chi đang muốn lên tiếng, lại bị Diêu Cận Chi trừng mắt một cái, liền sợ đến mức nuốt những lời định nói vào bụng.
Diêu Trấn cười ha hả, không hề có phong độ của gia chủ.
Diêu Cận Chi hời hợt nói:
- Ông nội, nếu không có gì bất ngờ, triều đình sẽ lập tức cử mật sứ tới thành Kỵ Hạc. Đến lúc đó ông nội lại cười cũng không muộn.
Diêu Trấn không cười nổi nữa. So đấu tâm địa với những kẻ ngâm trong thùng nhuộm quan trường mấy chục năm, tu hành ở công môn thành lão hồ ly, thật sự khiến ông ta nhức đầu.
- --------
Trần Bình An luyện tập sáu bước đi thế trong phòng mình, dùng động tác nắm hờ kiếm, nhắm mắt quán tưởng phong thái xuất kiếm của từng vị kiếm tu.
Trên bàn đặt một ống trúc, là trúc xanh bình thường, dọc đường tiện tay chặt từ rừng trúc trên một ngọn núi xanh.
Trần Bình An muốn điêu khắc một ống đựng bút, làm lễ vật chia tay tặng cho Diêu lão tướng quân.
Bùi Tiền chạy qua nói là muốn ra ngoài đi dạo. Trần Bình An liền bảo cô bé đi hỏi Lư Bạch Tượng, xem hắn có chịu dẫn cô ra ngoài hay không, nếu không thì cứ ngoan ngoãn ở trong phòng đọc sách.
Lúc trước Trần Bình An đưa cho cô bé quyển điển tịch Nho gia thứ hai. Có một ngày cô bé hớn hở chạy tới phòng Trần Bình An, nói mình đã học thuộc lòng rồi. Trần Bình An cầm sách lên bảo cô đọc thử, quả thật không thiếu chữ nào, đọc thuộc làu hơn cả ngàn chữ.
Sau đó hắn kéo lỗ tai cô bé, bảo cô trở về phòng đóng cửa kiểm điểm, chỉ nói một câu:
- Đã nói với ngươi đọc sách phải dụng tâm, ngươi lại xem như gió thoảng bên tai à?
Bùi Tiền tức giận trở về phòng mình, đứng trên ghế dựa, nhìn xuống quyển sách nát trên bàn, nhíu mày vê cằm. Dụng tâm? Là ý gì? Mình như vậy còn chưa đủ dụng tâm sao? Để đọc thuộc làu cả quyển sách, đã tốn của cô thời gian một nén nhang rồi.
Cô ngồi xổm xuống, nhìn tên của thánh hiền viết quyển điển tịch vô tích sự này, âm thầm ghi nhớ. Đợi tương lai mình luyện thành kiếm thuật và quyền pháp, nhất định phải đánh cho tên khốn khiếp này kêu cha gọi mẹ.
Cô lại đứng lên, suy nghĩ lung tung cả buổi, vẫn không thể nghĩ ra đáp án. Cô liền nhảy xuống ghế dựa, xách cây gậy leo núi nương tựa đã lâu, luyện tập côn pháp một hồi.
Sau khi chơi đùa xong, cô vứt gậy leo núi, cảm thấy mình đã gần cao thủ đệ nhất thiên hạ hơn một chút. Lúc này tâm tình của cô mới tốt hơn, nhào lên giường, phì phò ngủ say.
Hôm nay nhận được lệnh của Trần Bình An, Bùi Tiền liền tung tăng đi tìm Lư Bạch Tượng mà cô lén đặt cho biệt danh là “Tiểu Bạch”. Nhưng Lư Bạch Tượng lại đang đánh cờ với Tùy Hữu Biên, bảo cô chờ hắn nửa canh giờ.
Bùi Tiền quay sang Ngụy Tiện đang ngồi yên bên cạnh. Ngụy Tiện vốn xem cờ không hiểu gì, chỉ chờ phân ra thắng bại mà thôi. Cô vừa định lên tiếng, Ngụy Tiện đang nhìn chăm chú vào ván cờ đột nhiên nói một chữ “đi”, sau đó đứng dậy. Bùi Tiền lập tức tỉnh ngộ, hai người cùng nhau rời khỏi dịch quán đi dạo.
Bùi Tiền cười hỏi:
- Lão Ngụy, trên người ngươi có tiền không?
Trong số bốn người, Bùi Tiền không sợ Ngụy Tiện nhất, luôn miệng gọi hắn là lão Ngụy. Ngụy Tiện cũng chưa từng tức giận, thực ra là hắn vốn không quan tâm.
Ngụy Tiện im lặng không trả lời.
Bùi Tiền oán giận nói:
- Vậy đi dạo làm gì, nhìn thấy đồ chơi xinh đẹp và thức ăn ngon, chúng ta cũng không mua nổi.
Ngụy Tiện đột nhiên nói:
- Ta có một ít bạc.
Bùi Tiền nhíu mày nói:
- Ở đâu ra vậy? Trộm? Cướp? Ngươi chia cho ta một nửa, ta sẽ không nói với Trần Bình An.
Ngụy Tiện nói:
- Dạy thiếu niên cà nhắc ở nhà trọ một bộ quyền pháp, lấy được mấy đồng bạc. Gần đây truyền thụ quyền thế cho Diêu Tiên Chi, lại được mười mấy lượng.
Bùi Tiền đầy vẻ hâm mộ nói:
- Lão Ngụy ngươi được đấy, đi đâu cũng có thể kiếm tiền, điểm này ta phục ngươi.
Hai tay Bùi Tiền đặt sau người, ưỡn ngực đi đường, rất nhanh lại tấm tắc nói:
- Có điều lão Ngụy ngươi lại lừa tiền của thiếu niên cà nhắc, không phúc hậu rồi. Lừa hắn còn không bằng lừa Cửu Nương kia, trong túi cô ta mới thật sự có tiền. Đáng tiếc, dáng dấp của lão Ngụy ngươi không được người ta ưa thích, kém xa cha ta trẻ tuổi anh tuấn. Lão Ngụy, sinh ra xấu xí như vậy, có trách cha mẹ ngươi không?
Đường đường là một vị đế vương khai quốc, lại bị một khuê nữ nhỏ nói như vậy. May mà Ngụy Tiện vẫn có thể thờ ơ, gã đàn ông vóc dáng thấp bé nghiêm túc nói:
- Năm xưa những họa sĩ cung đình vẽ tranh cho ta, đều khen ta tướng mạo anh tuấn uy nghi. Ta cảm thấy bọn họ nói lời thật lòng.
Bùi Tiền kinh ngạc nói:
- Lão Ngụy, là ngươi đầu óc hồ đồ, hay là mắt của bọn hắn mọc dưới mông?
Ngụy Tiện tiếp tục tu thiền im lặng.
Thành Kỵ Hạc không cấm đi lại ban đêm, trong thành phú hào nhiều vô số kể, rất chịu vung tiền.
Sau khi rời khỏi dịch quán, đi ra đường lớn, một lớn một nhỏ đi giữa dòng người rộn ràng. Trong túi Bùi Tiền không có đồng nào, nhưng khí thế lại giống như con ông cháu cha giàu có.
Chuyện này cũng không lạ. Ở trấn Hồ Nhi, cô có thể lừa gạt một đám bạn cùng lứa, cho rằng cô thật sự là một vị công chúa điện hạ lưu lạc dân gian. Cuối cùng còn lừa gạt một đám bổ khoái khôn khéo, khiến bọn họ lễ độ cung kính hộ tống cô trở về nhà trọ.
Bùi Tiền đột nhiên hỏi:
- Lão Ngụy, ta luôn cảm thấy cô ả mỗi ngày không dám gặp người kia, ánh mắt nhìn cha ta không phù hợp lắm.
Ngụy Tiện hờ hững nói:
- Cũng là đế vương tâm thuật.
Bùi Tiền không hiểu, hỏi:
- Ngươi nói gì vậy?
Ngụy Tiện không nói nữa.
Bùi Tiền cũng không truy xét ngọn nguồn, nuốt một ngụm nước bọt, cảm thấy thèm ăn, liền cười híp mắt nói:
- Lão Ngụy, có thể mua cho ta một xâu kẹo đường để ăn không?
Ngụy Tiện lắc đầu.
Bùi Tiền tức giận nói:
- Lão Ngụy, sao ngươi lại hẹp hòi như vậy?
Ngụy Tiện lần đầu tiên nở nụ cười, nói:
- Ta cũng không có bản lĩnh và kiên nhẫn như Trần Bình An, không nuôi ngươi được.
Bùi Tiền mơ mơ hồ hồ, ra vẻ đáng thương nói:
- Vậy ta mượn tiền ngươi mua kẹo đường được không?
Ngụy Tiện gật đầu nói:
- Tính lãi ba phần.
Bùi Tiền mặt ủ mày chau, nói:
- Mặc dù ta biết lãi ba phần là gì, nhưng ta cảm thấy vẫn nên bỏ đi. Không ăn thì không ăn, cũng không đói chết người.
Nói là như vậy, nhưng dưới chân cô lại nổi gió chạy đến trước một gian hàng bán kẹo đường, hai chân giống như mọc rễ, nhất quyết không chịu rời đi.
Ngụy Tiện cũng không thể bỏ Bùi Tiền lại một mình, nếu làm như vậy, Trần Bình An nhất định sẽ đối xử với hắn bằng quyền cước.
Bên phía gian hàng đặt một chiếc tủ vuông dài có giá treo, bên dưới là một cái lồng tròn đựng lò than nhỏ. Ông lão thổi kẹo động tác thành thạo, dùng muỗng lớn tưới nước đường màu vàng dinh dính xuống, sau đó xoay xoay, trong nháy mắt có thể biến ra các loại đồ chơi làm bằng đường. Xung quanh là trẻ con tụ tập, từng đứa mở to hai mắt chảy nước miếng. Những đứa có trưởng bối đi theo bên cạnh, đều được mua cho kẹo đường có hình dáng khác nhau.
Ngụy Tiện bỏ tiền mua hai xâu, Bùi Tiền trơ mắt nhìn hắn mỗi tay cầm một xâu.
Ngụy Tiện đưa cho Bùi Tiền một xâu, khẳng khái nói:
- Thưởng cho ngươi.
Giọng điệu này giống như đế vương ban thưởng cho người khác vậy.
Bùi Tiền mặt mày hớn hở, nói:
- Trở về rồi, hàng ngày ta nói tốt giúp ngươi trước mặt cha ta. Hôm nay ta là nửa người đọc sách rồi, một bãi nước miếng giống như một cây đinh vậy.
Một lớn một nhỏ gặm kẹo đường, không hề nổi bật trong biển người.
- --------
Trong dịch quán, ván cờ đã phân ra thắng bại, vẫn là Tùy Hữu Biên thua.
Đối với chuyện đánh cờ, Tùy Hữu Biên cũng không có lòng hiếu thắng. Lư Bạch Tượng một mình ở trong phòng diễn lại ván cờ, nhìn chăm chú vào bàn cờ, hai ngón tay nhón một quân cờ đặt lên mặt bàn, nhẹ nhàng trượt tới.
Trong phòng cách đó không xa, Trần Bình An đang điêu khắc ống trúc kia. Hắn muốn thử khắc một bài văn chương thánh hiền lên ống đựng bút.
May mắn những năm qua hắn vẫn luôn khắc chữ lên thẻ trúc, quen tay hay việc, lại có cơ sở từ những năm tháng thiếu niên nung gốm nặn phôi. Khắc chữ không dám nói là ý vị bay bổng, nhưng trong câu chữ ẩn chứa ý tứ đoan chính. Cho dù không có khí thế oai phong, hùng hổ ép người, vào gỗ ba phân, nhưng vẫn có một chút ý tứ như như nước suối lâu dài.
Có người nói, tu sĩ năm cảnh giới thấp tu trường thọ, tu sĩ năm cảnh giới trung cầu trường sinh bất hủ, còn tu sĩ năm cảnh giới cao một mình đi ở nơi cao hơn xa hơn, gần như không được nghỉ ngơi một phút nào. Trần Bình An cảm thấy như vậy không có gì không đúng, bận rộn liên miên, không phụ thời gian. Có điều thỉnh thoảng vẫn nên dừng bước, hoặc là đi chậm lại, tĩnh tâm thưởng thức phong cảnh trên đường tu hành.
Khắc văn tự tốt đẹp liên thẻ trúc là như thế, tự mình làm một ống đựng bút không đáng giá, chỉ có tâm ý cũng như vậy.
Một đêm vô sự.
Trần Bình An thức khuya khắc hơn nửa ống đựng bút, ngủ hai canh giờ thì rời giường, tiếp tục đánh quyền thế, đồng thời nắm hờ luyện kiếm.
Sắp vào đông rồi, không biết có được may mắn, đến bến thuyền bên ngoài thành Thận Cảnh, sẽ gặp được trận tuyết lớn đầu tiên của năm nay hay không? Nghe nói thành Thận Cảnh trong tuyết lớn giống như tiên cảnh vậy.
Lúc ăn bữa sáng, Trần Bình An biết được đội ngũ Diêu gia muốn nghỉ ngơi hai ngày ở thành Kỵ Hạc, cũng không để bụng.
Diêu Tiên Chi chạy đến tìm Trần Bình An, nói mọi người đã hẹn nhau, cùng đi dạo ngọn núi nhỏ mà tiên nhân cưỡi hạc phi thăng kia. Hơn nữa bên phía phủ đệ thứ sử đã sớm thông báo với dịch quán, cho dù Diêu lão tướng quân có tới đó hay không, hôm nay phụ cận núi nhỏ đều sẽ giới nghiêm, không cho bất cứ người nào lên núi.
Sau khi gặp nhau, Trần Bình An phát hiện có không ít người, bao gồm ba người họ Diêu cùng thế hệ, đạo sĩ Thiệu Uyên Nhiên mặc áo xanh, còn có Tùy Hữu Biên rất ít khi xuất đầu lộ diện.
Ngụy Tiện và Lư Bạch Tượng lựa chọn ở lại dịch quán. Lão tướng quân dọc đường thích du sơn ngoạn thủy, lần này lại không lộ diện, hơi khác với bình thường.
Hôm nay ra ngoài, Trần Bình An đã thay bộ pháp bào Kim Lễ cấp bậc gia tăng kia, cho nên dùng áo trắng hiện thân. Nếu như để ý, sẽ phát hiện trên búi tóc của hắn còn giắt một cây trâm bạch ngọc.
Vương triều Đại Ly nằm ở cuối phía bắc Bảo Bình châu, đàn ông trai tráng vốn thân hình cao lớn, thường cao hơn ít nhất nửa cái đầu so với thành Lão Long phía nam. Hơn nữa nam tử mười lăm mười sáu tuổi đã lập gia đình lấy vợ, đây là chuyện bình thường ở thôn quê Bảo Bình châu. Chỉ có hào phiệt thế tộc và dòng dõi trí thức, mới coi trọng tuổi tròn hai mươi.
Sau khi Trần Bình An luyện quyền, vóc dáng vẫn luôn tăng trưởng, bất tri bất giác đã là tướng mạo thanh niên hợp tiêu chuẩn.
Bùi Tiền đen nhẻm gầy gò đi theo sau lưng Trần Bình An. Chỉ cần ở bên cạnh Trần Bình An, cô sẽ không sợ Chu Liễm kia nữa.
Nhóm người đi đến ngọn núi nhỏ ở giữa thành. Khi đi ngang qua võ miếu, lại nhìn thấy một người lạ, xảy ra một chuyện lạ.
Đó là một thiếu niên cao lớn trên người mang theo vết máu, xông vào võ miếu, kết quả rất nhanh bị ném ra cửa lớn.
Hai miếu văn võ của châu thành, không phải là nơi người không phận sự có thể gây rối.
Sau khi thiếu niên kia bị ném ra ngoài cửa, liền hướng về võ miếu dập đầu thành tiếng.
Người coi miếu là một lão già cao gầy, đứng trên đỉnh bậc thềm, vẻ mặt nghiêm nghị nói với thiếu niên:
- Đao mà thánh nhân võ miếu cầm, há có thể cho người thường chạm vào? Ta niệm tình ngươi trẻ tuổi vô tri, sẽ không tính toán chuyện xông vào miếu. Mau rời đi, đừng mơ tưởng hão huyền nữa.
Hóa ra là một thiếu niên xông vào võ miếu, muốn mượn đao của thánh nhân.
Thiếu niên dập đầu đến sưng cả trán, đã có tơ máu. Hắn ngẩng đầu lên, mặt đầy nước mắt tuyệt vọng, khàn giọng nói:
- Sư phụ một lòng muốn giết yêu trừ hại cho dân chúng bản quận, hôm nay bị vây trong chướng khí rừng núi, nguy hiểm cận kề. Sau khi sư phụ đưa tôi ra khỏi chướng khí, đã nói chỉ có mượn thanh trường đao kia của võ miếu lão gia, mới có cơ hội chém chết đại yêu hung ác gây họa một phương. Lão gia coi miếu, tôi cầu xin ngài, đây là chuyện tích đức hành thiện, võ thánh lão gia sẽ không tức giận...
Người coi miếu cười nhạt nói:
- Võ thánh lão gia có tức giận hay không, ngươi quyết định được sao? Dựa theo luật pháp Đại Tuyền, tự mình sử dụng binh khí của một vị thánh nhân võ miếu, ngươi có biết phải chịu tội gì không? Huyện lệnh miễn chức tại chỗ, thái thú giảm một cấp, thứ sử phạt bổng lộc ba năm.
Thiếu niên thương tâm tuyệt vọng, lẩm bẩm nói:
- Trong địa phương có yêu ma hại người, quan lại không lo thì thôi, hôm nay ngay cả võ thánh lão gia cũng mặc kệ sao?
Người coi miếu nhìn như hầm hầm giận dữ, ánh mắt lạnh nhạt, thực ra trong lòng lại thở dài một tiếng: “Thiếu niên ngươi, chuyện trên thế gian nào có đơn giản như vậy.”
Chu Liễm nhướng mí mắt, liếc nhìn Trần Bình An đứng ở trước người. Trần Bình An vừa định nhấc chân, Thiệu Uyên Nhiên đã bước ra, Trần Bình An liền lặng lẽ thu chân lại.
Thiệu Uyên Nhiên đi tới bên cạnh thiếu niên kia, ngồi xuống hỏi:
- Sư phụ ngươi bị vây ở đâu, có biết tu vi đại khái của yêu ma kia không?
Sau đó hắn quay đầu nhìn Diêu Cận Chi đội nón che mặt, xin lỗi:
- Diêu cô nương, e rằng ta không đến núi nhỏ được rồi.
Diêu Lĩnh Chi khẽ gật đầu, không thấy rõ nét mặt.
Thiệu Uyên Nhiên nắm lấy thiếu niên lướt đi, nhảy lên nóc nhà phía xa, nhấp nhô mấy lần đã không thấy tung tích.
Diêu Tiên Chi sinh lòng bội phục, ấn tượng với vị cung phụng trẻ tuổi Đại Tuyền này đã tốt hơn mấy phần.
Trước đó Bùi Tiền vẫn luôn híp mắt nhìn gã họ Thiệu kia, lúc này cô lại nghiêng đầu, ngơ ngác không lời.
Trải qua cơn sóng gió này, chuyến hành trình lên núi sau đó, mọi người đều không còn quá nhiều hứng thú. Hơn nữa ngọn núi này thật sự quá nhỏ, cũng không có chỗ nào đặc sắc.
Chỉ có Tùy Hữu Biên đeo kiếm đứng trên đỉnh núi, ngẩng đầu nhìn màn trời, ánh mắt nóng bỏng.
Trần Bình An ngoại trừ hơi tiếc nuối vì phong cảnh ở đây quá bình thường, cũng không lộ ra quá nhiều tâm tình.
- --------
Sơn thần và thủy thần Đại Tuyền chiến đấu với nhau, hoặc là thiếu niên thành Kỵ Hạc mượn đao của võ miếu, chung quy chỉ là một ít bọt nước nhỏ không nổi bật.
Sơn chủ thư viện Đại Phục đi hội họp với tông chủ núi Thái Bình, hợp sức ngăn chặn đại yêu cảnh giới thứ mười hai trốn vào biển, đó mới là chuyện lớn. Mà quân tử Chung Khôi đi đến sơn môn núi Thái Bình, cũng không xem là chuyện nhỏ.
Ngoài ra thư viện Đại Phục còn cử hai vị quân tử khác đến, cùng với ba vị hiền nhân và hơn hai mươi đệ tử thư viện. Về phần thư viện Văn Uyên ở phía nam xa hơn một chút, càng có nhiều người đọc sách đi tới núi Thái Bình, số lượng lên đến năm mươi người. Đáng tiếc chỉ do một vị quân tử già nua dẫn đầu, những đệ tử còn lại tu vi kém xa thư viện Đại Phục.
Đây là chỗ khó xử của thư viện Văn Uyên, thanh danh không nổi bật, là nơi thiếu thốn nhân tài nhất trong bốn thư viện lớn của Đồng Diệp châu.
Trên núi thường có lời đồn, thư viện Văn Uyên sẽ bị hủy bỏ danh hiệu một trong bảy mươi hai thư viện. Bởi vì thư viện này đã gần trăm năm không xuất hiện một vị quân tử mới nào, ba vị sơn chủ chính và phụ cũng không có quá nhiều văn chương thánh hiền đáng nói. Thế nhân du lịch thư viện Văn Uyên, không phải là vì thánh hiền, mà là vì lầu Văn Uyên chứa rất nhiều sách.
Chung Khôi đã đến sơn môn núi Thái Bình, quả thật làm theo lời dặn của tiên sinh, nói với tất cả đệ tử thư viện Đại Phục, phải nghe theo sắp xếp của đạo nhân núi Thái Bình, không được tự tiện hành động.
Mặc dù bốn phương tai họa không ngừng, nhưng đạo sĩ núi Thái Bình dù là vai vế nào đều không hề luống cuống, vẫn hành động có trật tự. Từng nhóm luyện khí sĩ dựa theo kế hoạch xuống núi, đi đến các nơi vây quét yêu ma, có tổn thất có thương vong, người chết trận phần lớn là đạo sĩ núi Thái Bình. Chuyện này khiến luyện khí sĩ của hai thư viện lớn, cùng với rất nhiều động phủ tiên gia đều sinh lòng tôn kính, càng chân thành hợp tác.
Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, mọi người đến từ các nơi cùng chung kẻ thù trò chuyện với nhau. Người được nhắc đến nhiều nhất, đó là thiếu niên tạp dịch ở ngoại môn Phù Kê tông, đột nhiên trở nên nổi tiếng. Nghe nói hắn đã được tông chủ Phù Kê tông nhận làm đệ tử thân truyền, còn ban cho hắn một thanh nửa tiên binh do đạo lữ của tông chủ luyện hóa trăm năm.
Nếu không nhờ thiếu niên này phá vỡ âm mưu của đại yêu cảnh giới thứ mười hai kia, buộc đối phương phải làm loạn trước giờ, e rằng những yêu ma bị trấn áp ở giếng giam núi Thái Bình, không phải chạy trốn hơn nửa, mà là toàn bộ đều nhìn thấy ánh mặt trời. Nhất là mấy yêu ma ở tầng dưới cùng, đạo hạnh cao thâm, thấp nhất cũng có tu vi Nguyên Anh.
Trong mười ngày gần đây, không ngừng có yêu ma ẩn nấp ở các nơi trồi lên mặt nước, trắng trợn gây họa một phương. Hơn nữa đám yêu ma này phần lớn là cảnh giới Long Môn và Kim Đan, rất khó vây quét.
Núi Thái Bình không dám xem thường, dù là đạo sĩ bản môn hay người đồng đạo gấp rút tiếp viện, gần như đều toàn lực xuất động. Chỉ có quân tử Chung Khôi lựa chọn ở lại núi Thái Bình.
Mọi người đều không có dị nghị, bởi vì lần này đi khắp bốn phương trảm yêu trừ ma, Chung Khôi là người giết địch nhiều nhất. Hơn nữa hắn cũng không phải chỉ lo bảo vệ đệ tử thư viện nhà mình, mấy lần xuống núi chém giết, hắn đều chủ động gia nhập đội ngũ luyện khí sĩ của môn phái ngọn núi khác.
Cho nên địa tiên Nguyên Anh núi Thái Bình phụ trách chủ trì đại cục, trước khi tự mình xuống núi, đã cười nói với Chung Khôi:
- Sơn môn tạm thời phải giao cho Chung tiên sinh rồi.
Vị địa tiên Nguyên Anh kia lén tiết lộ với Chung Khôi, tổ sư gia của núi Thái Bình bọn họ rất nhanh sẽ trở về, không chừng còn sẽ mang theo vị nữ đạo sĩ Hoàng Đình ở đất lành Ngẫu Hoa kia.
Chung Khôi liền cười lớn nói, trở lại nhanh thì tốt, hắn sẽ không cần mỗi ngày phải nhìn chằm chằm vào giếng giam kia nữa.
Sau đó mỗi ngày Chung Khôi đều một mình tuần tra tầng dưới cùng của giếng giam.
Đêm nay hắn vừa mới ra khỏi giếng giam, lại nhìn thấy một đại yêu, nghe danh đã lâu nhưng chưa từng gặp mặt.
Trên thực tế đừng nói là một người ngoài như Chung Khôi, ngay cả những đạo sĩ vai vế rất cao của núi Thái Bình, cũng chưa từng nhìn thấy đại yêu tu hành ở núi Thái Bình này.
Đó là một con vượn trắng đeo kiếm cảnh giới rất cao, mặc áo đen, vóc dáng ngang với đàn ông trưởng thành. Có điều nó không biến ảo thành hình người, vẫn duy trì nguyên dạng vượn trắng.
Con vượn già tuy là đại yêu danh chấn Đồng Diệp châu, nhưng cũng là cung phụng của núi Thái Bình. Không nói đến năm tháng tu hành trước kia của nó, chỉ tính riêng thời gian trông chừng gia môn núi Thái Bình, cũng đã ba ngàn năm rồi.
Tuổi tác của con vượn già này, còn lớn hơn vị tổ sư gia núi Thái Bình đã xuống núi đi ra bên ngoài. Xây dựng giếng giam là thủ đoạn thông thiên của thủy tổ khai sơn núi Thái Bình, nhưng trong năm tháng dài đằng đẵng sau đó, chuyện trông chừng giếng giam đều giao cho con vượn trắng thích đeo kiếm, rất ít khi hiện thế này.
Trong lịch sử có mấy lần đại yêu ma đầu chạy trốn, không một ngoại lệ, đều do con vượn trắng này tự tay giải quyết, hơn nữa xử lý rất sạch sẽ. Thậm chí ngay cả rất nhiều địa tiên của núi Thái Bình cũng chưa từng nghe nói đến.
Lần này khi đại loạn xảy ra, con vượn già cảnh giới Ngọc Phác đang bế quan, muốn phá vỡ giới hạn cảnh giới Tiên Nhân. Tính ra nó chỉ mới bế quan dăm ba năm thì đã xuất quan, chẳng lẽ là biết được động tĩnh bên ngoài, buộc phải hiện thân trước thời hạn?
Gió thu xơ xác, rừng núi yên tĩnh. Cho dù con vượn già chỉ đứng ở đó, lại như một ngọn núi cao sừng sững.
Chung Khôi vẫn mặc bộ áo xanh giống như lúc ở nhà trọ biên thùy Đại Tuyền, hỏi:
- Là ngươi, đúng không?
Vượn trắng đeo kiếm không nói gì, chỉ dùng kiếm khí như cầu vồng dâng lên sau lưng để trả lời.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT