Bản tự sự của kẻ vốn muốn tránh xa thế sự hồng trần

Chương 1


3 tuần


Bản tự sự của kẻ vốn muốn tránh xa thế sự hồng trần

Trần Tuệ Nam

Chương 1: 

“Đứng lại!!!”

“Chúng tôi bảo cô kia đứng lại, có nghe không!!!!”

Cô hổn hển ngoái đầu lại, chưa kịp nhìn cho rõ thì chỉ thấy một vệt ánh sáng lóe lên nhắm thẳng đến chỗ mình đang chạy. 

Tiếng chuông nguy hiểm trong tiềm thức dường như vang lên báo động đến mức tột cùng, cô không kịp suy nghĩ bài bản thì thân thể đã theo bản năng truy đuổi sự sống lúc cận kề cái chết mà nhào xuống lăn một vòng thảm hại trên mặt đất để né tránh vệt sáng đó.

“Ầm!” Bên tai ù lên dữ dội, mặt đất nứt tung tóe, lộ ra một hố rãnh sâu hoắm.

Dù thân thể lấm lem bụi bẩn, khói bụi mù mịt tung tóe, hay là thân thể có những vết xước dày đặc do dư chấn của vụ nổ mà cô ở quá gần thì cô cũng đều không chú ý nỗi nữa rồi, lúc này đây cô chỉ muốn biết liệu có con đường nào cho kẻ đáng thương bần cùng này sống sót qua được hôm nay, qua được giờ khắc của lúc này hay không, cô tuyệt vọng nghĩ. 

Sao bản thân lại đi đến bước đường này nhỉ, trong cơn mỏi mệt và sự suy yếu, khi tiếng bước chân của đội truy cảnh đến gần, mạnh mẽ và vang dội như muốn ngay lập tức đạt chiến công, ngay lập tức bắt kẻ khả nghi là cô đây, cô thảng hoặc nhớ lại...

-----------

Cách đây đúng một tháng, cô còn là một cô sinh viên đầy thong thả và an nhàn tận hưởng cuộc sống. Nói không ngoa chứ cô cảm thấy cuộc đời mình bình yên và suôn sẻ vô cùng, sinh ra trong một gia đình khá giả trung lưu, không quá khó khăn, túng thiếu mà cũng không thật sự dư giả quá nhiều, cô cảm thấy tính cách của mình giống hệt như số tiền dư trong tài khoản của gia đình, bình bình đạm đạm, vừa vừa phải phải. 

Tức là cô không thật sự hứng thú với quá nhiều chuyện phức tạp của xã hội, thế giới biến động thì vẫn biến động, người giàu chi trăm tỷ bạc triệu mua nhà lầu xe hơi thì cứ mua, còn cô thì nghe nghe biết biết nhưng không thật sự để tâm lắm. 

Không ghen ghét, không tị nạnh, lâu lâu buồn vui vì thói đời một chút, người sinh ra số hưởng giàu sang, người sinh ra lại phấn đấu từ vạch xuất phát. 

Thỉnh thoảng lại cảm thán thế sự vô thường, kẻ hôm trước ở đỉnh cao nhân sinh mà hôm sau lại thành tù tội, thành mối hận và nơi chỉ trỏ của một đất nước; người vốn đang cầm quạt thong dong bán hàng thì lại nghe tin ông chồng hoặc bà vợ vốn đầu gối tay ấp và hay cãi nhau ỏm tỏi của mình trúng độc đắc, gà chó lên mây mà vẫn chưa tin được.

Nói chung, cô là hạng người cái gì cũng biết nhưng không rành; điều chi cũng hay nhưng hay chun chút, chưa đủ sài. Nên tình cảm cô cũng lưng lửng vậy, đủ yêu thương gia đình, trân trọng bản thân, quý mến tình cảm bạn bè, lâu lâu lại ngồi nghe mấy bạn, mấy dì trong xóm, và bà con họ hàng bà tám bà chín lên mây xuống đất rồi lại gật gù, vậy thôi, không hơn không kém. 

Cũng không phải cô quá tốt đẹp gì, chỉ là không đủ hơi sức đâu mà thật tình thật dạ trong mấy câu chuyện ấy, chả biết đúng sai ra sao vì vốn là chuyện tam sao thất bản, hơn nữa, với cô, ngoài gia đình ruột thịt, toàn bộ đều là “người ngoài”, lỡ một câu cô thốt ra mà lại qua thêm vài cái miệng nữa là thôi xong. 

Nói về tình cảm ái ân bạn đời thì cuộc sống cô lại càng nhạt nhẽo. Kể ra thì ngại, nhưng hồi xưa, cái đoạn thời cấp hai từ lớp sáu đến lớp chín thì cô mắc chứng “sợ tụi con trai” (này cô tự cho là vậy, chứ cũng không rõ có cái chứng bệnh này thật không”. 

Là như này, đoạn hồi cấp một của cô không có tình thương mến thương với giống loài cùng chung một gốc nhưng khác giới tính sinh học này lắm. 

Không gọi là gây gổ bất chấp được, vì cô với tụi nó cũng chưa bao giờ đánh nhau rụng răng hay là gọi nhau ở lại giờ tan học rồi đàn anh đàn chị gì gì đó. 

Chỉ là có những lúc cái kẻ nhạt phệch với cuộc đời là cô đây bị tụi nó trêu đến khóc rưng rức ra thôi.

Này nhá, nghĩ lại cô vẫn còn cay, hồi đó có đoạn năm lớp lớp ba lớp bốn gì đấy cô đi học không bán trú ở trường. 

Ngày đó có hai kiểu, một là bán trú tức là ở lại lớp gần như cả ngày từ sáng đến chiều, và không bán trú chính là như cô, chỉ ở từ sáng đến trưa, đến tầm hai giờ chiều thì lại lên trường lúc ra chơi rồi vào học đến xế chiều đoạn năm giờ tối thì mới về nhà. 

Cô không ở lại vào đoạn trưa ấy nên hôm nào đến tầm một rưỡi hai giờ thì lại được mẹ chở vi vu đến trường, hầu hết là trúng lúc tụi trẻ con bán trú vừa ngủ dậy đang dọn chiếu mềnh và sạp giường. 

Một đãi ngộ theo đúng khoản chi phí mà bố mẹ của hầu hết sấp nhỏ bỏ ra cho tụi nó, trong đó có cha mẹ cô, là khoản ăn vặt lúc mê man nửa tỉnh nửa mê lúc ngủ trưa dậy ấy. 

Hôm thì là bánh đậu xanh nhân mỡ heo rán đặc sản quê hương của cô, hôm thì bánh tai heo đủ sắc đủ màu deo dẻo thơm thơm, cũng có hôm lại là mấy chiếc bánh thuẫn vàng óng xôm xốp thơm ngậy cái mùi đặc trưng... Ôi, nghĩ lại mà cô cũng mê mê.

Nhưng vấn đề là gì, ngày đó cô không thật sự biết về việc bố mẹ mình có nộp tiền khoản ăn vặt đó cho cô, và cả tụi bạn cô (cái lũ ở lại bán trú ấy) cũng chả hay biết gì về việc đó (âu cũng do cả đám chỉ là lũ nhóc, ăn cho no, ngủ phì phèo chảy dãi, nước mũi lau chưa sạch thì ngẫm cái vấn đề giàu tính vật chất và nhân sinh là nhỏ bạn mình cha mẹ nó có bỏ tiền ra cho cái gì để làm chi) nên là mấy hồi cô thấy tụi bạn được cô Hồng (tên cô giúp trông lớp vào đoạn trưa) cho bánh cho trái ăn thì ghiền lắm.

Mà cô cũng thuộc hàng biết thân biết phận nhé, (tưởng là mình không được hưởng cái khoản đó) nên là cô cũng đâu có lên ăn hay gì đâu, nhưng cái vấn đề là thời buổi đoạn năm 2013, 2014 ấy kinh tế cũng đang ổn định dần dần (chắc là vậy, cô ngẫm) rồi cái ăn cái mặc với một số đối tượng cũng không túng thiếu lắm, không đến mức thừa mứa, nhưng cũng là dư gia chút đỉnh. 

Vậy nên chuyện gì đến cũng đến, lớp có tầm 43, 44 đứa thì cũng hết mười mấy đứa thuộc hàng kén ăn kinh điển (ôi cái câu chuyện muôn thuở của biết bao đứa nhỏ trên đời, trong ấy cũng có cô). 

Thế là túi bánh trái thường xuyên dư gia tầm bốn năm cái gì đó, hôm nào căng căng thì cũng đến tầm tám chính cái dư đấy à. 

Nhưng cô kén gì thì kén chứ không chê quà vặt chút nào, thế là cũng lọ mọ lên xin một cái, và cô Hồng tất nhiên sẵn lòng cho cô (túi quà vặt để trên bàn của giáo viên, tụi con nít chỉ cần đứng xếp hàng rồi mỗi đứa lấy một cái thay vì một mình cô Hồng chạy đi phát từng đứa). 

Oái ăm làm sao, bánh cầm chưa nóng tay thì mấy đứa con trai, cái tụi thời buổi lông nhông nước mũi chảy đầy và quần lưng thấp nếu không kéo đai quần sau đít lên thì chắc thấy mấp mé mấy hình ảnh hơi cay cay mắt, kéo bè kéo phái lên chặn cô lại mà ra oai phủ đầu. 

“Ê, ai cho mi lấy bánh ăn rứa hỉ?” (Cho phép cô nhớ lại với cái giọng địa phương đặc sệt đầy đáng yêu này)

“Ê nhỏ ni lạ he, đồ ăn ni của tụi ta, tự nhiên mi đi lấy!?”

Cô cũng chả vừa, đốp chát lại thấy mà sợ: “Ủa chớ bánh dư mà, mắc cái chi mà tui không được lấy, mấy người dô diên cũng vừa vừa thôi nghe. Với tui xin cô Hồng rồi chớ bộ.”

Tụi hắn sang sảng cái giọng thấy ghét: “Có không hết thì cũng của tụi ta, ai cho mi đụng vô. Cô Hồng cho là tại thấy mi tội tội thôi, ta phải núa cô Hồng lấy lại mới được.”

Nói chung thì quanh quanh quẩn lại cũng là mấy câu nói vô tri thiếu lập luận và lý lẽ xác đáng của tụi con nít, nếu một người chạy quần quanh cái cột ra sao thì cũng y chang cái cách cô và tụi vô tri này tranh cãi với nhau hồi đó.

Mà chuyện con nít thì âu cũng phải con nít giải quyết, đó là luật ngầm rồi, người lớn không biết mà can thiệp vô tội vạ thì bề ngoài vấn đề đã được giải quyết, nhưng thâm tâm tụi nó chế giễu và khinh thường dữ lắm (nít mà, cũng chưa hiểu hết, nhưng tụi nó vô tri theo cái kiểu lâu lâu nhớ lại thì đau đến tâm tê liệt phế luôn ấy chứ).

Thế nên cô Hồng biết chuyện thì cũng bảo ban mấy câu, chứ sao mà giải quyết được cái khúc mắc của ngọn ngành vấn đề: Là chuyện của đấng nam nhi trẻ trâu với phe con gái; cũng là chuyện của giai cấp chứ giỡn à – phe ở bán trú (số đông cuộc sống của lớp 1/2) và phe thiểu số một hai mống là không ở lại trưa, có cô. 

Mà Triết học đã cho thấy rồi, từ buổi sơ khai đến giờ, chỉ có xã hội cộng xã nguyên thủy thì không có giai cấp nên không có Nhà Nước, chứ thử mà đếm xem, từ đó trở đi, xã hội phát triển, tư liệu sản xuất dư thừa (mấy cái bánh) đâm ra chế độ tư hữu (tụi nhỏ tự ấn định cái gì của ai) và rồi giai cấp ra đời (phe nam – phe nữ; bán trú – ngoại trú) mâu thuẫn nổ ra, tranh chấp quyết liệt (tụi nhỏ tranh cãi inh ỏi, nước mắt lấm lem). 

Nên là giai cấp là không thể mất đi với thời buổi bấy giờ, và câu chuyện gay gắt đến từ mấy cái bánh cũng sẽ không bao giờ chấm dứt trong những năm tháng tuổi thơ bi đát của cô.

Sao lại bi đát á hả, thì tại cô không thắng được chứ sao, mệnh danh là “bà hoàng miệng lưỡi” của lớp (cũng lũ con trai đặt cho, tại hồi xưa nói đạo lý nhiều quá) mà cãi không lại cái lập luận bất chấp của tụi hung dữ hằm hè mỗi khi cô làm điều “không an phận” là xin xỏ cô Hồng, thì cũng đành chấp nhận mà bỏ lại bánh thôi; biết sao giờ, hồi ấy lòng tự tôn của con trẻ cao lắm nhé.     

Nếu chiến tranh kết thúc, bên thắng thường rất hả hê vì những thành quả gặt hái có chủ đích và bên thua thường thiệt hại khôn lường thì những hậu quả để lại cũng ghê gớm không kém, đó là mối hiềm khích ngày càng đậm sâu giữa hai thế lực (cô và tụi con trai càng ghét nhau ghê gớm) và khó mà giải quyết trong một sớm một chiều được. Nhưng binh lực của đối thủ quá đông, sức lực quá mạnh (giờ ra chơi thì cái nhóm hội đủ quyền uy của lớp có đến một nửa có mặt lũ đáng ghét này rồi), bên ta không thể không hàng (không thích ra mặt đến mấy nhưng tụi nó rủ chơi nhảy dây, lò cò, banh đũa với trốn tìm thì vẫn phải chơi chứ, không thì buồn chết mất). Thế là mâu thuẫn vẫn ngấm ngầm, nhưng tình bạn trái khoáy này vẫn phải tiếp tục thôi.

Và hệ lụy dẫn đến những buổi thời cấp hai mà có khi là cả tuổi xuân của cô.


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play