Bao năm qua sống trong nhung lụa, hai tháng bôn ba cũng không thể khiến ông đen đi quá nhiều nhưng khóe mắt phiếm hồng của ông vẫn không thoát được ánh mắt của Nguyên Khánh Đế.
Nguyên Khánh Đế thở dài.
“Lúc sinh thời lão Quốc công lúc nào cũng nói ngươi bất tài vô dụng, trẫm còn cho rằng ông ấy chỉ đang khiêm tốn thôi chứ. Trước lúc quy tiên, lão già ấy vẫn cứ thủ thỉ nói trẫm không được để cho ngươi dẫn binh, chung quy là tại trẫm không nghe. Sự thật chứng minh, lão Quốc công anh minh, còn trẫm thì có mắt như mù.”
Ngữ khí của đế vương bình thản tưởng chừng như chỉ đang nói chuyện phiếm nhưng lại khiến cho gương mặt tuấn tú không tỳ vết của Lý Ung trong chốc lát trở nên đỏ bừng rồi tái nhợt, đầu cũng càng ngày càng cúi thấp.
Ông mang họ Lý.
Lão tổ tông của Lý gia đã đi theo triều đình Nam chinh Bắc chiến, có công khai quốc nên đã được Thái tổ lệnh cho thợ đắp tượng đặt ở Công Thần các, lại còn được rước vào Thái miếu.
Cùng với tượng của lão tổ tông đặt ở Công Thần các thì còn có hơn 10 vị xưa kia được phong Quốc công hoặc Hầu bá. Chỉ là hơn 200 năm qua đi, mười mấy gia tộc công hầu cũng dần dần lụi bại điêu tàn. Nếu không phải vì không có người nối dõi thì cũng là phạm vào đại tội nên bị xét nhà đoạt tước. Vậy mà dù cho vật đổi sao dời nhưng Lý gia vẫn còn có thể thịnh vượng đến ngày nay, bởi vì đời đời đều sản sinh ra được những nhân tài kiệt xuất.
Cha của Lý Ung, cũng chính là lão Quốc công trong miệng Nguyên Khánh Đế cũng là một mãnh tướng đã từng trấn giữ biên quan suốt 30 năm, được thiên tử nể trọng, bá tánh ca ngợi.
Còn Lý Ung thì sao?
Có dáng dấp khôi ngô tuấn tú lại thành thạo binh thư, được cả hai đời đế vương công nhận văn võ song toàn, là một tướng giỏi trời sinh. Ngay cả Lý Ung cũng không ngờ được lần đầu bản thân mang binh xuất chinh vậy mà lại rơi vào kết cục như thế.
Lý Ung mang một bụng ấm ức, rõ ràng mình đều đi theo binh pháp vậy mà sao cứ bại trận liên tiếp không thôi?
Bại trận lần này không chỉ khiến cho liệt tổ liệt tông mất mặt mà còn khiến cho Hoàng thượng xưa nay tín nhiệm ông bị thần dân chê cười. Trong lòng hối hận dâng trào, Lý Ung dập đầu thật mạnh: “Thần biết tội, mặc cho Hoàng thượng xử phạt.”
Lòng bàn tay ông siết chặt trên gạch lạnh lẽo của ngự sảnh, thiết nghĩ nếu Hoàng thượng muốn ông lấy cái chết tạ tội thì ông cũng sẽ không có một lời oán hận!
Nguyên Khánh Đế nhìn Lý Ung thở dài.
8 tuổi y đã được thụ phong Thái tử, cùng năm đó Lý Ung trở thành thư đồng ở cạnh cùng y lớn lên, vừa văn hay võ giỏi mà tính tình lại tốt bụng, vừa cho y chép bài, lại còn vì y mà xông pha chẳng màng đến mạng sống.
Nguyên Khánh Đế vốn xem Lý Ung như anh em thân thiết từ lâu rồi.
Mà đã thân thiết thì sao lại có thể nhẫn tâm trừng phạt nặng nề đây?
Chưa kể tướng quân nào bại trận cũng đều phải chém đầu thì hỏi sau này ai còn dám làm tướng quân nữa?
“Trẫm sẽ cho bách tính một lời giải thích. Giữ lại tước vị cho ngươi, còn chức quan thì tạm thời miễn, lui ra đi.”
Nước mắt cố nén nãy giờ của Lý Ung cuối cùng cũng rơi xuống. Hoàng thượng đối với ông vẫn còn lưu tình!
Lý Ung cứ mãi dập đầu, ôm cái mặt đầy nước mắt nước mũi lui ra ngoài.
Thế tử Lý Diệu là Ngự tiền thị vệ đang canh giữ bên ngoài điện, mặt hướng ra gió tuyết, có vài bông tuyết rơi trên hàng mày kiếm dày rậm càng tôn lên dáng vẻ cương trực của hắn. Lý Diệu nghe thấy tiếng bước chân, lập tức biết đó là lão cha nhà mình đang ra tới, hắn cắn chặt răng nhìn về phía ông.
Lý Ung vẫn còn hồn bay phách tán, chẳng còn hơi sức đâu mà giữ hình tượng, vì vậy Lý Diệu mới thấy được cảnh cha mình nước mắt nước mũi tèm lum.
Hắn cũng giận cha không biết cố gắng, song khi thấy dáng vẻ cha giờ phút này thì lại không nhịn được cắn môi, một tay giữ chặt người ông, một tay lấy khăn tay ra lau mặt cho ông.
Lúc này đây Lý Ung mới chú ý tới con trai cả nhà mình, môi mấp máy mãi vẫn không nói nên lời.