Một tác giả hay chính là một kẻ trộm.

Hai tháng trước mở hộp thư ra, tôi nhận được nửa đầu bản thảo "Chúng ta" của Tân Di Ổ. Vừa thấy lời đề từ "Điều em có thể tặng anh chính là hai mươi tám năm ký ức chúng ta quen biết nhau" ngay trang đầu tiên thì tôi đã không dám xem tiếp. Tôi quá hiểu cảm giác này. Tình yêu thời thanh xuân luôn là vậy, bất kể suôn sẻ hay gập ghềnh bao nhiêu, đều không hề có trường hợp ngoại lệ. Đó chính là quá trình trao hết con tim mình cho người khã, là sự cẩn thận dè dặt, đôi chút thấp thỏm, đôi chút đợi mong và phần nào sa ngã giống như bóc từng lớp vỏ hành tây. Cảm giác ấy như tiết trời tháng Tám, chẳng thể nào điều khiểm mọi thứ.

Tôi biết mình không phải người may mắn. Tôi cũng biết rồi đây hết thảy những trải nghiệm và ký ức của mình đều sẽ bị trộm sạch, nhưng tôi vẫn dấn thân lên chiếc du thuyền mang tên "Chúng ta" này. Nó sẽ chở chúng ta đến nơi sâu thẳm trong hồi ức rồi tắt máy, để mỗi người bắt đầu ngụp lặn trong sương mù nhận rõ tùng dáng vẻ bản thân, từ kích động đến sợ hãi.

Bạn sẽ nhớ lại rất nhiều việc.

Mặc dù bạn luôn tâm niệm rằng khi trưởng thành mình sẽ dũng cảm, dù rằng bạn luôn miệng cảm ơn bản thân của quá khứ. Nhưng nếu quả thật có một ngày, chiếc hộp đen trong tim bạn bất chợt bị một bàn tay mở tung tất cả, phần đáng viết nhất trong thời tuổi trẻ hoặc phần bạn không dám chạm vào nhất lần lượt bị phơi bày, bạn sẽ hốt hoảng và thậm chí là sợ hãi. Tất cả mọi người đều đã từng yêu, nhưng cảm xúc của tình yêu thời thanh xuân sẽ không bao giờ quay về nữa.

Suy cho cùng, chúng ta sợ là vì chúng ta xấu hổ.

Tất cả đã hoàn toàn thay đổi. Sự trưởng thành khiến chúng ta dù thành công hay tầm thường, dù may mắn hay bất hạnh đều sẽ trở thành một hạt cát trong dòng lũ cuộc đời, bị thời gian vội vã cuốn đi.

Bạn vốn đã quen với tất cả chuyện này, thậm chí còn có tư cách để tự mãn giữa những khuôn mẫu tẻ nhạt của cuộc đời. Nhưng "Chúng ta" chính là ánh mắt vô hình luôn luôn nhắc nhở bạn một việc, tình yêu vẫn là chuyện quan trọng nhất trên cõi đời này. Sau đó bạn sẽ thoáng giật mình, tôi dám cá cảm gúac tiếo theo của quá nửa người đọc quyển sách này sẽ không dễ chịu chút nào.

Như khi tôi một mình bước đi trên phố, sợ nhất nghe bài "Yêu" của Mạc Văn Uý. Chỉ một câu "Anh còn nhớ không" liền chết sững. Trong biển người mênh mông, ai ai cũng muốn tìm một nửa còn lại của mình, nhưng có bao nhiêu người chờ mãi đến cuối đời vẫn chưa thể gặp lại đối phương, có bao nhiêu người có được thật dễ dàng nhưng lại đánh mất, và có bao nhiêu người sẽ như lời ca "Nhắm mắt lại anh sẽ nhớ đến ai, mở mắt ra bên cạnh sẽ là ai" của Lâm Tịch? Cho dù tình yêu say đắm thời trẻ dại có thể tu thành chính quả bước vào cung điện hôn nhân, liệu sẽ có bao nhiêu người từ "tình yêu" trở thành"cuộc sống"?

Tân Di Ổ đã trau chuốt câu chuyện này suốt hai năm ròng rã. Có lần, cô ấy từng nghĩ sẽ dùng cuốn sách này như một lời giã biệt sự nghiệp mười năm ngắn ngủi của mình. Nhưng sau khi tôi xem xong, cảm thấy tác phẩm này lại giống sự tổng kết mười năm sáng tác của cô ấy hơn, là sự dồn nén cực đại chắt chiu tinh hoa nhất. Hiểu một cách đơn giản chính là đọc sách cũng giống như xem phim vậy. Những bộ phim hạng B thường lấy đi cảm xúc của người xem, khiến bạn khóc cười theo phim, hoàn toàn quên mất bản thân. Còn những bộ phim hạng A sẽ cướp mất trái tim, lúc xem phim bạn vẫn sẽ khóc sẽ cười, nhưng đa số không phải là vì người mà là vì mình. Phim hay giống như chiến trường bị mai phục khắp chốn, đâu đâu cũng là bom đạn, không cẩn thận sẽ khuấy động tất cả yêu hận và ký ức trong bạn. Diễn viên dồn tâm huyết vào trình độ diễn xuất, khán giả cũng bất giác trao bản thân mình. Tựa như quá trình xăm mình, khi xăm xong bạn sẽ luôn luôn khác khi cảm giác đau đớn trong tỉnh táo ấy.

Tác phẩm "Chúng ta" chính là bước nhảy vọt quan trọng nhất từ "trộm cảm xúc" đến "trộm trái tim" trong sự nghiệp sáng tác của cá nhân Tân Di Ổ. Từ đây, cô ấy hoàn toàn có thể về ở ẩn nơi non nước, quẫy đuôi vượt sông, xóa tên mình trong bảng cao thủ văn học thanh xuân.

Có lẽ bạn sẽ thắc mắc, "Chúng ta" chỉ là một câu truyện thanh mai trúc mã, làm sao có khả năng ảnh hưởng mạnh thế? Nếu nhất định phải trả lời, trên phương diện kỹ xảo sáng tác có lẽ không thể thiếu được hai từ "tinh tế".

Năm đó, thời điểm phim Hàn bắt đầu thịnh hành, bộ "Trái tim mùa thu" khiến cả đám con trai trong phòng ai cũng sướt mướt, ngoài ra còn "Chuyện tình Tokyo" cũng mang tới hiệu ứng tương tự. Nhưng phim trước chẳng qua là "trộm cảm xúc", còn phim sau mới là "trộm trái tim". Không có tình tiết rắc rối thăng trầm, chỉ là câu chuyện về cuộc tình tay ba. Kanchi chính là tên đầu đất, cũng là một cửa ải khó khăn khiến Rika vừa muốn thăm dò vừa chịu nhiều trắc trở. Chúng ta xem Rika đi ra "cửa" lại đi vào "cửa", hoặc chờ trước "cửa", hết lần này đến lần khác bỏ đi rồi quay về, hết lần này đến lần khác vô vọng lại dè dặt gõ "cửa". Tuy rằng Kanchi và Rika sống chung trong một thành phố, thậm chí làm cùng một công ty, chung một phòng. Nhưng con đường để một cô gái đặt được chân vào trái tim moi chàng trai gập ghềnh quanh co chẳng thua gì đường núi mười tám cua. Cũng vì lối dẫn truyện và sắp đặt tỉ mỉ này, chúng luôn dễ dàng bắt gặp chút cảm xúc nào đó gần gũi với những câu chuyện riêng của Rika, khi đó chúng ta trở thành người đồng cảnh ngộ với Rika, quên mất cô ấy chỉ là nhân vật trong phim, mà xem cô ấy như một bản ngã khác của ta trên thế gian.

"Chúng ta" cũng vậy. Tình yêu của Kỳ Thiện và Chu Toán nảy nở từ thời niên thiếu, họ vốn xuất phát từ một gốc dây mây, nhưng mà mỗi người lại tỏa đi mỗi hướng. Tình yêu của họ chưa hề trải qua sóng gió to lớn, thiên tai nhân họa, nhưng không chịu nổi sức ép của sự trưởng thành, cũng như chút tâm tự nhạy cảm yếu ớt về nỗi ràng buộc trong nội tâm họ. Thế nên, hai mươi tám năm qua với họ chỉ là những mầm dây quật cường vươn mãi, quấn từng vòng rối rắm trên gốc dây, không chịu bước đến tiếp cận đối phương, thế nhưng trên thực tế lại càng lúc càng gần.

Đây là một tác phẩm với cốt truyện và bối cảnh rất điển hình, không có hư cấu gay cấn, không có số mệnh phức tạp, chỉ có câu chuyện hai người yêu nhau quen biết từ thời thiếu niên, cùng nhau trưởng thành, từ "tôi" và "cậu" trở thành "chúng ta". Nhưng thật ra, những tác phẩm không nhiều tình tiết đẩy mạnh cao trào này rất khó viết, thảo nào Tân Di Ổ tự nhận mình viết tác phẩm này đến bạc tóc. Chúng ta đều biết, có một loại "bánh kem cầu vồng", bề ngoài nó chỉ có một màu, nhưng sau khi cắt ra mới phát hiện bên trong là từng lớp bánh xanh vàng lục lam tím, vừa rực rỡ vừa tách bạch rõ ràng.

Điều ngạc nhiên "Chúng ta" mang đến chính là đây. Nếu bạn nghĩ chỉ có hai người nói chuyện yêu đương có cái gì để xem thì sai lầm rồi. Nói chuyện yêu đương quan trọng là chữ "nói" ấy, nếu cho bạn một đề văn viết về tình yêu giữa hai người, hơn nữa còn là kiểu tình yêu trải qua "tám năm kháng chiến" mới thành thân thuộc, thì chỉ cần nghĩ về nội dung sẽ nói với nhau trong mỗi lần gặp mặt suốt quãng thời gian dài đằng đẵng ấy cũng đã phát điên rồi. Trên phương diện này, Tân Di Ổ đã thể hiện cực kỳ xuất sắc. Cảm xúc và tâm lý đối chọi của hai người không thua gì sự kịch tính của các mâu thuẫn thường thấy trong tình tiết phim. Hơn nữa, nó còn miêu tả rõ ràng từng chi tiết vặt vãnh, để bạn nhận ra rằng những thói quen kia cũng có mặt thi vị và kích thích triền miên đến vậy. Đây chính là kỹ xảo của tiểu thuyết gia, giống như khi chiên trứng gà, thi thoảng cô ấy sẽ trở mặt một chút, để bạn thấy sự thay đổi, đồng thời được tận hưởng cả hương vị thơm ngon mê người. Càng hiếm có trong tác phẩm này là, ngoài miêu tả sắc nét tâm lý tình cảm của nữ chính, Tân Di Ổ còn khắc họa hình ảnh nam chính như một phiên bản tỉ mỉ của "Nỗi đau của chàng Werther(1)". Còn bối cảnh trưởng thành bên nhau của cả hai lại góp thêm hương vị sử thi tuổi trẻ vào tình yêu của họ. Sau khi Chu Toán lâm vào cảnh gia đình tan vỡ, sự nghiệp học hành bấp bênh, tình cảm mơ hồ, và từ một cậu thanh niên đột ngột bị buộc phải trưởng thành thành một người đàn ông, anh nảy sinh ham muốn chinh phạt, muốn làm anh hùng, muốn bảo vệ mọi người bên cạnh, nhưng lại không có nhiệt huyết và nghị lực, không biết nên bắt tay từ đầu. Trong trò chơi giải đố trái tim như mèo bắt chuột với Kỳ Thiện, ý nghĩ đầu tiên của chàng trai này là tránh né. "Cậu ta ở đó chuyên tâm nghịch bật lửa, châm rồi lại dập hết lần này đến lần khác", trong khi Kỳ Thiện liều mạng quạt sách, hòng xua tan mùi khói hai người để lại khi nãy. Đó là lần đầu tiên cô nàng bị tên Chu Toán hư hỏng gạ gẫm hút thuốc. "Âm thanh sột soạt của cuốn sách khua khua cùng tiếng bật lửa lách tách không dứt bên tai, khô khan và dai dẳng, như thể chẳng bao giờ kết thúc". Đúng lúc này, Chu Toán bỗng hỏi:

"Cậu nói xem, sau này tôi sẽ thay đổi ra sao? Chúng ta sẽ thành thế nào?"

Tôi rất thích chi tiết này, cảm giác hệt như xem phim của Vương Gia Vệ. Tình yêu rất quan trọng, nhưng tình yêu trong năm tháng chúng ta trưởng thành đôi khi lại là một mảnh lục bình trôi giạt. Trời sinh Chu Toán có ham thích dạy hư Kỳ Thiện, còn Kỳ Thiện mặc dù tích cực chống đối kiểu hư hỏng này, nhưng sau khi mùi khói tan đi, lại lưu luyến "hương vị tội lỗi" kia.

Còn câu hỏi gần như vô thức của Chu Toán lại giống hệt như đang nói với chúng ta thời son trẻ, từng câu từng chữ đánh động trái tim chúng ta. Khi ấy thật khó lòng để bạn giữ vững cảm xúc đa sầu đa cảm của bản thân. Dù sao, đây là bộ tiểu thuyết gần ba trăm nghìn chữ, chúng ta làm bạn với Chu Toán và Kỳ Thiện quá lâu, sao lại chưa từng trải qua những vết tích thanh xuân, thăng trầm trưởng thành, mâu thuẫn tình yêu ấy được? Ngoại trừ tình cảm nồng nhiệt sáng ngời khiến người ta lóa mắt thuở thiếu thời, tôi nghĩ, thời thanh xuân của ai lại không vượt qua trong lo âu và ngượng ngùng. Mà cảm giác ấy ắt hẳn ta sẽ không bao giờ hé răng cho dù ngay chính người yêu của mình. Có lẽ, chúng ta đã trưởng thành từ khi buồn lo nhuốm vào tuổi mới lớn, từ đó giã biệt thời thơ trẻ, bị đẩy vào quỹ đạo cuộc đời tiếp theo, bắt đầu cuộc sống khó khăn hơn. Cho nên tình yêu dưới ngòi bút của Tân Di Ổ chưa bao giờ là kiểu phim thần tượng khoa trương và Mary Sue giả tạo, vừa bắt đầu đã phủ kín trong nét ưu sầu nhàn nhạt của trưởng thành vì vậy mới càng chân thật, càng khiến người ta xúc động, cũng càng khiến độc giả cam tâm tình nguyện giao phó càng nhiều bí mật và trải nghiệm của bản thân trong quá trình đọc. Cứ thế, đọc đến cuối cùng một tác phẩm không phải là một sự kết thúc mà là một lần sáng tác mới mà tác giả và độc giả chung tay hoàn thành. Cảm giác tương tự vậy còn tìm thấy ở "Anh có thích nước Mỹ không", hai bộ này đều là tác phẩm "trộm đi trái tim" của bạn đọc , nhưng "Anh có thích nước Mỹ không?" là "cướp trắng trợn", còn "Chúng ta" là "len lén trộm mất", giống như bạn bị mất đồ nhưng mấy ngày sau mới phát hiện. Hiển nhiên, cái sau thủ đoạn cao siêu hơn.

Cho nên, chúng ta đều đem lòng yêu thương Chu Toán, con ngựa bất kham trong gia tộc luôn bị quấy rầy bởi "ông anh trai" - người con riêng của bố mình, một lần tỏ ra "ngang ngược" với khí thế của chủ nhà và cuối cùng nhận ra mình mới chính là người dưng từ đầu "xông vào" ngôi nhà ấy. Tuy rằng dòng cát chảy dưới chân càng lún càng sâu, song rốt cuộc chúng ta vẫn vui mừng khi tận mắt chứng kiến cậu tìm lại được chính mình như bao người đàn ông khác. Thế là, chúng ta càng hiểu Kỳ Thiện hơn, dù rằng Yourcenar(2) đã từng nói "Thú thối nát nhất trên đời này không có gì ngoài lòng tự ái", nhưng trong tình yêu, phụ nữ cũng chỉ bảo vệ mình bằng lòng tự ái, giữ gìn phần thuần túy tốt đẹp trong tình yêu. Mặc dù tất cả lời nói và hành động của Chu Toán đều toát lên vẻ bất cần đời, nhưng Kỳ Thiện vẫn cẩn thận gìn giữ cậu ta từng chút một như những món đồ chơi thuở bé của bản thân. Cô từng cố gắng quên đi đêm đó với Chu Toán, thật ra thì trong lòng không hề bài xích bao nhiêu, nên càng luống cuống không biết phải làm sao giống như một kẻ sưu tầm nghiệp dư đột nhiên đối mặt với một vật báu vô giá. Và khi cô đã chuẩn bị sẵn sàng có thể kiểm soát nó, thì phiền não cũng sẽ biến thành nỗi ngọt ngào. Đương nhiên, chúng ta cũng có thể lý giải được sự thay đổi sau này của Chu Tử Khiểm, Chu Yến Đình từng "lẳng lơ" lại ra vẻ trinh tiết khi ở cùng phòng với người mình yêu. Thậm chí, chúng ta cũng có thể thông cảm được cho sự sa ngã của cô sơn nữ Ngụy Thanh Khê cũng như lần xúc động sau cuối trong đời của gã công tử phong lưu A Long dẫu rằng phải đánh đổi bằng sinh mạng. Có lẽ bởi tác giả và chúng ta đều là người từng trải, đều biết, trên đời này không có gì là mãi mãi, nhưng cũng chẳng có gì không thể thông cảm và thứ tha.

Tân Di Ổ đã trả lời cho câu hỏi của Chu Toán, hơn nữa cá nhân tôi cho rằng đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả tác phẩm, trích từ câu "Người thiện lương dù truy cầu trong nỗi hoang mang, nhưng cuối cùng vẫn sẽ nhận ra con đường đúng đắn" trong tác phẩm "Faust".

Tôi tin rằng, mỗi bạn đọc đều nhận ra bản thân trong tác phẩm này. Nếu bạn rơi lệ, vậy thì đúng rồi. Bởi vì chỉ có người từng yêu chân thành mới hiểu, từ "tôi" và "cậu" trở thành "chúng ta" phải trải qua bao nhiêu dâu bể và quanh co khúc khuỷu.

Lý Quốc Tĩnh

Nhà sáng lập " Bạch Mã Thời Quang"

Nhà sản xuất bộ phim điện ảnh "Ngày đã hứa"

(1) "Nỗi đau của chàng Werther": Tiểu thuyết thể thư tín của văn hào Johann Wolfgang von Goethe, miêu tả câu chuyện tình thuần hậu và sâu sắc của chàng thanh niên Werther nhạy cảm với nàng Lohtéa. Chìm đắm trong những đam mê tình ái của bản thân, chàng đã sớm tự kết liễu đời mình bằng cái chết bi thảm và tuyệt vọng. "Nỗi đau của chàng Werther" là tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp Geothe nói riêng và văn học Đức cũng như châu Âu nói chung.

(2) Tức Marguerite Yourcenar, nữ tiểu thuyết gia Pháp nổi tiếng thế kỷ XX.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play