Anh lên lầu rồi, Tô Duyệt Dung đi tới sofa, không hề khách sáo đá Kỷ Sâm một cái.
Kỷ Sâm run lên: “Trời ơi mẹ! Để coi chơi nốt ván này đã!”
“Chơi bao lâu rồi hả?! Bảo con đi đón Đinh Đinh thì sống chết không chịu, cuối cùng vẫn là Tiểu Nghiên người ta phải đi. Bây giờ hai đứa nó về rồi mà con vẫn chưa chơi xong?”
Tô Duyệt Dung liếc nhìn ông con trai mắt đăm đắm nhìn màn hình, bỗng có cảm giác không có so sánh thì không có đau thương.
Tức quá mà. 🙂
Tuy Ôn Nghiên hai năm nay kỳ nghỉ đông nào cũng sẽ đến nhà họ Kỷ ở một thời gian, nhưng chưa từng ăn bữa cơm đoàn viên cùng họ.
Hôm 30 Tết, Kỷ gia vô cùng náo nhiệt, các cụ và cả bày tán bà dì đều có mặt, ngồi đầy cả bàn ăn.
Kỷ Sâm xưa nay ghét nhất là Tết, vì họ hàng sẽ túm lấy anh hỏi mãi chuyện riêng tư, nên năm nay rất thiếu đạo đức mà kéo Ôn Nghiên cùng chia sẻ “hỏa lực”.
Mọi người đều rất tò mò về anh chàng đẹp trai tài giỏi này, oanh tạc liên tục: “Tiểu Nghiên, cháu học ngành nào?” “Sau này muốn làm việc gì?” “Có người yêu chưa?”…
Ôn Nghiên thong thả trả lời hết.
Đối với chuyện anh chưa có bạn gái, bà thím tỏ ra rất kinh ngạc, lắc đầu thở dài: “Trước kia mỗi lần hỏi Tiểu Sâm, nó lúc nào cũng nói không gấp không vội, nhưng rốt cuộc vẫn là chuyện lớn, con gái ở đại học ngây thơ, không có kinh nghiệm, nói không chừng sẽ gặp được người hợp ý, vẫn nên chú ý tìm hiểu…”
Kỷ Đinh lẩm bẩm trong bụng – sinh viên bây giờ cũng chưa chắc ngây thơ đâu.
Thím bô lô ba la nói một tràng, sau đó nói: “Tiểu Nghiên, cha mẹ cháu lẽ nào không thúc giục cháu?”
Ôn Nghiên vẫn mỉm cười, lắc đầu: “Không ạ.”
“Vậy cũng lạ thật, như các thím đây lo nhất là những chuyện này của bọn trẻ đấy…”
Tim Kỷ Đinh hẫng một nhịp.
Thím vốn không học cao, lại nhiều chuyện, EQ thấp, cô luôn biết điều này. Nhưng bây giờ trong nhà có khách, sao cứ nói những chuyện như vậy?
Huống hồ quan hệ của anh A Nghiên và cha mẹ không thân thiết, anh nghe những lời này chắc chắn sẽ thấy khó chịu lắm.
Sắc mặt Kỷ Đinh trầm xuống, lặng lẽ huých cánh tay vào người cô em họ đang dỏng tai lên nghe.
“Á!”
Mọi người đều dồn ánh mắt lại, chỉ thấy cô em họ luống cuống buông bát canh xuống, vạt váy bị thấm ướt một mảng.
Sắc mặt bà thím thay đổi ngay: “Cái con bé này, sao mà bất cẩn như vậy, canh mà cũng không biết ăn!”
Em họ ấm ức, chỉ vào Kỷ Đinh, lớn tiếng nói: “Là chị đẩy con đó chứ!”
Có vài người bạn muốn từng giây từng phút đều có thể nhìn thấy họ, nhưng có một số người một năm gặp một lần cũng quá nhiều, chính là những người họ hàng phiền phức nhưng không tài nào hất đi được.
Cô em họ và bà thím đúng là khắc từ một mẫu mà ra. Cứ Tết đến nhà họ Kỷ là thích đòi cái này cái kia, lần nào vào phòng Kỷ Đinh là sờ mó lung tung, mở miệng ra là hỏi: “Chị ơi, cái này cho em được không?”
Mà cái cô ta chọn toàn là những món quý giá mà Kỷ Đinh rất thích, nhưng vì phép lịch sự mà phải chịu đau để cho đi.
Con bé này không biết điều mà lại không hiểu, nhưng bà thím lại rất bao dung nó, còn nói: “Đinh Đinh, em gái con còn nhỏ, chưa hiểu chuyện, con nhường nó đi.”
Kỷ Đinh cảm thấy logic này cũng cực kỳ khó chịu.
Đối với chuyện này, Tô Duyệt Dung bảo cô cứ nhịn đi rồi cũng sẽ qua – dù sao cũng là quan hệ chặt không đứt được, nếu làm căng quá cũng khó xử lý.
Nể tình chú đối xử với mình rất tốt, cô cũng chỉ có thể nuốt cục tức này xuống.
Mà bây giờ, hai người này đang nhìn cô chằm chằm, có vẻ muốn cô xuống nước xin lỗi.
Vẻ mặt Kỷ Đinh tràn ngập sự hối lỗi, tự trách: “Trời ơi xin lỗi nhé! Chị không cố ý!” Cô đứng lên, tay chân nhanh nhẹn lấy khăn giấy ra lau váy cho cô em họ.
Kỷ Đinh làm vậy khiến bà thím không xoi mói được, liền im lặng cho qua.
Nhưng cô em thì không buông, tức tối nói: “Váy này bẩn chết được! Không mặc được nữa, con muốn thay đồ!”
Chú ngồi cạnh quở trách: “Kỷ Nhã, đừng quậy nữa! Ở đây làm gì có đồ cho con thay?”
Cô em họ đảo mắt: “Chị có đó! Lần trước trong tủ đồ của chị, con thấy một bộ Hán phục cực kỳ đẹp, con muốn mặc bộ đó!”
Bà thím phụ họa: “Đúng rồi, mặc đồ ướt khó chịu lắm, Đinh Đinh à, hai đứa cũng cao gần như nhau, con đưa em gái đi thay đồ đi.”
Đã nói tới nước này rồi, Kỷ Đinh đành đứng lên, dẫn tiểu tổ tông vào phòng ngủ.
Cô tiện tay lấy một chiếc váy dài ra, ai ngờ Kỷ Nhã quay đi, vẻ không ưa: “Em không mặc cái này, em muốn mặc bộ Hán phục của chị.”
Sắc mặt Kỷ Đinh cứng lại, khuyên nhủ: “Mặc Hán phục ăn uống không tiện.”
Đùa à, bộ Hán phục ở Minh Hoa Đường của cô dùng lụa Nam Kinh, thêu hoa thủ công xuyên suốt, bỏ ra gần mười ngàn tệ, xếp hàng gần hai năm mới cầm được trên tay, làm sao cho khói bụi nhân gian làm dơ bẩn được?
Huống hồ, một khi để cô em họ mặc thì có lẽ phải tặng không cho nó rồi.
Nghĩ tới đó, Kỷ Đinh thấy đau lòng quá.
Kỷ Nhã hừ một tiếng: “Em mặc kệ, em muốn cái kia! Chị làm hỏng váy của em, đương nhiên phải đền cho em, nếu chị không chịu thì em sẽ mách với bác!”
Kỷ Đinh không nhịn được chửi thề trong bụng.
Cô thật sự muốn bất chấp tất cả đến tìm người lớn để phân xử, nhưng mà…
Vậy thì sẽ khiến bố mẹ và chú cô khó xử.
Hôm nay là 30 Tết, cô phải nghĩ cho mọi người, không thể làm hỏng bầu không khí này được.
Chỉ là một bộ Hán phục thôi mà? Dù sao mua về cũng để sưu tầm, đặt thêm là được.
Sau khi khổ sở chuẩn bị tâm lý xong, Kỷ Đinh cười như không cười: “Tùy em.”
Kỷ Nhã thay sang bộ Hán phục lung linh, hào hứng ra ngoài.
Trên bàn ăn, quả nhiên không khác với những gì Kỷ Đinh đã dự đoán – chất liệu đắt tiền đó nhanh chóng bị người mặc không biết thương xót mà làm dính hết dầu mỡ vào, ngập những “vết thương” nhìn mà đau đớn lòng.
Cô thực sự không nhìn nổi nữa, lòng như lửa đốt, ăn xong tìm cớ rồi vội vã lên lầu.
Biệt thự Kỷ gia trên tầng thượng có làm một căn phòng bằng kính rất độc đáo, bên trong là ghế mềm thoải mái, bên ngoài trồng đầy hoa cỏ xinh đẹp, thích hợp thoải mái ngồi uống trà chiều vào những buổi chiều rực rỡ ánh nắng.
Kỷ Đinh chưa từng lên đó vào buổi tối, lúc này bỗng muốn thử cảm giác đó.
Tầm nhìn trên sân thượng khá rộng, cô ngồi trên ghế mềm, lặng lẽ nhìn ra xa.
Ở đó ánh đèn rực rỡ phản chiếu ánh sáng lấp lánh, loáng thoáng vẳng tới tiếng người ồn ào.
Kỷ Đinh chỉnh lại tư thế ngồi, ngửa đầu dựa ra sau, chăm chú nhìn bầu trời đêm.
Không rõ bao lâu, cửa kính vang lên tiếng động, cô ngước lên thấy Kỷ Sâm dẫn Ôn Nghiên đi vào: “Tôi đã nói nó ở đây mà.”
“Anh, anh A Nghiên?”
Kỷ Sâm hừ một tiếng: “Em ở đây làm gì, không xuống dưới xem Xuân Vãn à?”
“Thôi.” Kỷ Đinh bịa đại một lý do, “Em đang chờ pháo hoa.”
“Có hả?” Kỷ Sâm bán tín bán nghi ngồi xuống.
Nhưng không tới năm phút anh đã hoàn toàn mất kiên nhẫn, nói với hai người: “Tôi xuống trước đây, hai người cứ tự nhiên.”