THANH MAI YÊU DẤU

2/3


1 tháng


11.

Khi mẹ tôi mang thai tôi, công việc kinh doanh của cha tôi gặp biến động, gần như sắp phá sản.

Sau đó, họ tìm một thầy phong thủy để xem, và vấn đề nằm ở bụng của mẹ tôi.

Thầy phong thủy nói tôi có mệnh đới sát, sẽ ảnh hưởng đến tài vận của cha tôi. Nhưng khi đó mẹ tôi đã mang thai hơn chín tháng, gần đến ngày dự sinh. Dù không muốn sinh cũng không còn cách nào.

Vì vậy, ngay sau khi sinh ra, tôi đã được gửi đến nhà bà ngoại ở phía Nam.

Bà đặt tên cho tôi là Lâm Duy, bà nói tôi là cục cưng duy nhất của bà.

Nhưng khi tôi 14 tuổi, bà ngoại đã ra đi, tôi không còn là cục cưng trong lòng ai nữa.

Tôi đã từng thấy may vì tôi còn có Trần Tỉ. Cho dù không phải cục cưng thì tôi cũng mãi mãi là ưu tiên của anh ta. Như thế hình như cũng không tệ.

Nhưng thực tế đã mạnh mẽ tát vào mặt tôi.

12.

Đến mùa mưa dầm, bầu trời Giang Nam mờ mịt được bao phủ bởi màn mưa phùn.

Cầm chiếc ô hoa, tôi giẫm lên con đường lát đá xanh quen thuộc. Ở cuối con đường, có một tòa nhà ba tầng cũ kỹ, đó là căn nhà tôi đã ở suốt mười bốn năm.

Mẹ tôi thường nói bà là một người già ngoan cố. Rõ ràng con gái đã gả cho nhà giàu mà bà vẫn cố chấp ở lại quê, canh giữ căn nhà dột nát của bà.

Nhưng chính là bà lão ngoan cố ấy lại đem đến cho tôi một tuổi thơ hạnh phúc nhất.

Mưa không nặng hạt, có những người bán hàng rong đi xe ba bánh chậm rãi đi qua các con phố, ngõ hẻm, tiếng loa lớn lặp đi lặp lại: "Dương mai(*), dương mai tươi đây."

(*) Dương mai: còn được gọi là dâu rượu hay thanh mai đỏ, là loại quả có nhiều hạt lồi trên bề mặt, màu tím hoặc trắng, có vị chua ngọt, ăn được.

Một người phụ nữ từ tòa nhà nhỏ cầm ô đi ra, gọi người bán hàng dừng lại. Nhìn thấy tôi ở bên đường, kinh ngạc hỏi: "Duy Duy? Sao con quay về rồi! Còn chưa đến tế lễ mà!"

Tôi đỏ mắt, cố gắng nặn ra một nụ cười: "Con nhớ nhà, trở về ở mấy hôm."

Dì nhìn vào vali tôi mang theo, đôi mắt hiện lên tia đau đớn.

"Đứa nhỏ này, sao lại một mình trở về! Nhà cũ của bà ngoại con đã lâu không có ai ở, hai ngày nay lại mưa, nhất định rất ẩm ướt. Không thì con qua nhà chúng ta ở trước đi. Anh Tinh Trì của con quanh năm không ở nhà, con đến vừa vặn có thể chơi với dì."

Dứt lời dì trực tiếp đưa tay đoạt lấy vali của tôi, nắm tay tôi vui vẻ đi về phía biệt thự nhỏ.

13.

Tôi được sắp xếp trong phòng của con trai dì, Hứa Tinh Trì.

Nhìn dì Lý bận rộn ra vào, tôi hiểu sâu sắc cái gì gọi là lòng tốt khó mà khước từ.

Tôi đã mấy lần nói lời từ chối, nhưng dì lại ậm ừ hỏi có phải do tôi thấy nhà họ tồi tàn quá không, nên tôi đành phải thỏa hiệp.

Phòng của Hứa Tinh Trì sạch sẽ và đơn giản.

Nổi bật nhất là một tủ sách khổng lồ. Bên trong đa dạng thể loại, mô hình và giấy khen.

Đúng là rất phù hợp với tính cách con nhà người ta của anh từ nhỏ đến lớn.

Hứa Tinh Trì lớn hơn tôi hai tuổi, tôi và anh ấy không tính là quen thuộc nhưng cũng không xa lạ.

Không nói tới tình bạn từ thuở ấu thơ thì chúng tôi còn có thân phận là bạn thời đại học.

Vào trường danh tiếng hàng đầu trong nước, anh thì được tuyển thẳng, còn tôi vào được là nhờ hộ khẩu địa phương.

Buổi tối, Lục Tư Ngang gọi điện thoại cho tôi.

Qua micro, giọng anh ta nghe như có điều không vui: “Tư Dư nói em đã về phía Nam?”

Tôi gật đầu, nghĩ đến anh ta không thấy được, mới “ừ” một tiếng.

Bẵng đi một hồi lâu mới nghe được anh ta lẩm bà lẩm bẩm: "Sao không nói với anh một tiếng, anh đi cùng em."

Tâm tư của Lục Tư Ngang đối với tôi, sau khi trải qua tuổi dậy thì khờ khạo, tôi có thể đoán được ít nhiều.

Tôi không chút do dự từ chối: "Không cần, anh làm việc mình cho tốt."

“Một mình em ở bên ngoài, chú ý an toàn, hai ngày nữa anh xử lý xong công việc sẽ đến đón em.”

Tôi còn chưa kịp nói chuyện, anh ta đã cúp điện thoại.

14.

Trời mưa cả đêm, ngày hôm sau trời quang mây tạnh.

Tôi muốn đến thăm mộ của bà tôi. Vừa mở cửa, liền chạm mặt Hứa Tinh Trì một thân bụi bặm mệt mỏi. Từng đợt gió nhẹ ập tới, xen lẫn mùi bùn đất thổi vào vạt áo sơ mi của anh.

Vài năm trôi qua, anh đã từ một thiếu niên ưu tú đầy triển vọng trở thành người đàn ông phong trần tuấn tú.

Hứa Tinh Trì hơi sửng sốt, trong đáy mắt hàm chứa nhiều cảm xúc mà tôi không hiểu được.

"Đã lâu không gặp." Anh mở miệng nói, thanh âm trầm thấp dễ nghe như trong trí nhớ.

Tôi cười cười với anh: "Đã lâu không gặp."

Chủ nhân của căn phòng đã trở về, tôi đương nhiên không có lý do gì để ở lại.

Khi tôi nói lời tạm biệt với dì Lý, dì cau mày suy tư một lát.

"Để cô gái nhỏ như con ở nhà một mình dì không yên tâm. Nếu không như vầy đi, để Tinh Trì chuyển đến ở cùng thì sao?”

Tôi vừa muốn từ chối, Hứa Tinh Trì đã mở lời trước: “Được."

“Đợi lát nữa anh cùng em qua dọn dẹp trước.”

Dưới ánh mắt tha thiết của dì Lý, tôi chỉ có thể gật đầu đồng ý.

15.

Dù không sống ở đây đã lâu nhưng mỗi năm tôi vẫn chi tiền để thuê người kiểm tra và sửa chữa ngôi nhà.

Ngoại trừ bụi bặm nhiều hơn một chút thì mọi thứ cũng không quá tệ.

Sau khi dọn dẹp xong, tôi ngẩn người ngồi trên bậc tam cấp ngoài hiên nhà.

Bầu trời được cơn mưa rửa qua trở nên trong vắt và sạch sẽ. Mây trắng lửng lơ trên nền trời xanh. Cảnh tượng như thế này hiếm khi được nhìn thấy ở Bắc Kinh, nơi khói bụi dày đặc.

Hứa Tinh Trì đưa cho tôi một chai nước, tôi ngẩng đầu mỉm cười với anh: "Sao đột nhiên lại trở về?"

Anh cũng nhếch môi cười: "Bị mẹ anh lừa trở về."

"Còn em thì sao?" Anh hỏi ngược lại.

Khỏi phải nói, Hứa Tinh Trì rất đẹp trai.

Ánh nắng ấm áp chiếu lên người anh như phủ thêm một lớp bụi vàng.

Đằng sau cặp kính mỏng, đôi mắt hoa đào xinh đẹp khẽ nheo lại. Vẻ ngang ngược ẩn sau bề ngoài nhã nhặn.

Tôi dời tầm mắt, suy nghĩ một chút để chọn từ phù hợp nhất.

"Chữa lành."

16.

Nhịp sống ở nông thôn chậm rãi.

Tôi cũng chậm rãi quen cuộc sống hai mình vừa khách khí vừa lịch sự với Hứa Tinh Trì.

Anh là một người bạn cùng nhà tuyệt vời.

Sợ tôi buồn chán, anh mang cho tôi vài cuốn sách ngoại khóa để tôi giết thời gian.

Thậm chí không biết từ đâu mà anh kiếm ra được một con chó trông rất giống con mà bà ngoại tôi nuôi khi xưa.

Tôi ngồi xổm trên mặt đất ôm con chó nhỏ, những giọt nước mắt kìm nén rất lâu không nhịn được đã chảy xuống.

Hứa Tinh Trì yên lặng đứng ở một bên, cho đến khi tôi khóc đủ rồi mới cúi xuống xoa đầu tôi.

Anh nói: "Duy Duy tủi thân sao?"

Một câu nói quen thuộc gợi lên rất nhiều kỷ niệm đã bị chôn vùi dưới lòng sông ký ức theo dòng chảy của thời gian.

Khi còn nhỏ, tôi thường bị những đứa trẻ bằng tuổi trong làng chế giễu là đứa không cha không mẹ, có đứa quá đáng hơn, gọi tôi là đồ con hoang.

Mỗi lần tôi lén trốn ra một góc ngồi khóc, Hứa Tinh Trì đều có thể tìm được tôi.

Anh sẽ ôn nhu hỏi tôi: "Duy Duy tủi thân sao?"

Dần dần, ngày càng ít người bắt nạt tôi hơn.

Tôi mãi không biết lý do cho đến khi tôi tận mắt chứng kiến Hứa Tinh Trì chặn thằng nhóc ném đá vào tôi trong một ngõ cụt ở cuối con hẻm, tẩn cậu ta một trận.

Hình như trước khi rời khỏi nơi này, tôi đã từng rất gắn bó với Hứa Tinh Trì.

Vì sao về sau lại trở nên xa cách?

17.

Vài ngày sau, Triệu Tư Dư gửi cho tôi một đoạn video ngắn.

Trong video, Trần Tỉ đang ôm bình rượu, ngồi thụp xuống đất, không ngừng gọi: “Duy Duy, Duy Duy…”

Hạ Ương Ương bên cạnh hắn cắn chặt môi dưới, đáy mắt ẩm ướt chứa chút điên cuồng.

Dưới video ngắn còn có hai tin nhắn.

"Duy Duy, khi nào cậu trở về. A Tỉ uống nhiều quá, còn la hét muốn đi tìm cậu."

"Bây giờ nó đang ở Vân Hải uống rượu như điên, bọn tớ đều bó tay với nó!"

Vân Hải chính là “chỗ cũ” mà lần trước Trần Tỉ nhắc tới, club hàng đầu ở Bắc Kinh, một trong những sản nghiệp của nhà họ Trần.

Trần Tỉ rất ít khi uống rượu, nhưng chắc chắn sẽ không tránh được vài lần xã giao.

Mỗi khi uống nhiều đều bắt tôi phải đi đón, anh ta mới chịu ngoan ngoãn đi về.

Càng khó dỗ hơn vì anh ta có say bí tỉ vẫn nhận ra tôi.

Sau đó, tôi có hỏi anh ta, không sợ nhận sai người sao. Anh ta lắc đầu và cười bảo rằng, sẽ không, bởi vì tôi là Lâm Duy độc nhất vô nhị.

Chính những điều nhỏ nhặt này khiến cho tôi thích anh ta hẳn mười hai năm.

Nhìn thấy có hy vọng thì vẫn có thể tiếp tục kiên trì, không phải sao?

Tôi trả lời: "Sau này, chuyện của anh ta không cần nói với tớ nữa."

Ngay khi tin nhắn được gửi đi, Triệu Tư Dư đã gọi điện thoại tới. Tôi nghĩ nghĩ rồi cầm lên, dù sao cũng không phải lỗi của hắn, tôi không có lý do gì đi giận chó đánh mèo với hắn.

"Này, Duy Duy, thực ra hai ngày nay Tỉ sống cũng không tốt gì..."

Lời còn chưa dứt, truyền đến một trận tiếng la hét ồn ào.

"Tỉ mày đừng lộn xộn! Đừng cướp di động của tao!"

Một giây sau, trong micro bên tai truyền ra thanh âm của Trần Tỉ.

“Này này alo! Có phải là Duy Duy không? Khi nào em mới tới đón anh!"

"Hai ngày trước anh nằm viện, em cũng không đến thăm anh! Đã lâu lắm rồi anh không gặp em."

Càng nói thanh âm của anh ta càng nhỏ, mơ hồ phảng phất vài phần nghẹn ngào: "Duy Duy, anh nhớ em..."

Tôi không nghĩ ngợi thêm, cúp máy.

18.

Đêm đó, Hạ Ương Ương gửi yêu cầu kết bạn, bảo rằng cô ta có thứ muốn cho tôi xem.

Tôi không quan tâm cô ta muốn cho tôi thấy cái gì, nhưng tôi không chịu được cái nết dai như đỉa của cô ta.

Sau khi từ chối hơn hai mươi lần, tôi đành đồng ý.

Cô ta liền gửi tới một bức ảnh.

Trên giường lớn của khách sạn, mái tóc đen của cô ta xõa tung, giống như yêu tinh quyến rũ. Trần Tỉ nằm bên cạnh.

"Chị Duy Duy, em với anh Tỉ..."

"Em biết chị cũng thích ảnh, nhưng anh Tỉ đối với chị chỉ là tình thân cùng thói quen. Chính miệng anh ấy đã nói với em, anh ấy chỉ yêu mình em."

"Tối nay ảnh là bởi vì ghen tị em nói chuyện với người đàn ông khác nên mới uống rượu rồi tìm chị, mong chị không cần hiểu lầm."

Tôi nhìn cô ta hùng hồn viết nguệch ngoạc một tràng dài chữ mà tôi chỉ thấy ngán ngẩm.

Mối quan hệ 12 năm đã kết thúc vào thời điểm anh ta xóa tôi.

Ngừng yêu cũng không khó như tôi nghĩ.

Tôi bình tĩnh trả lời cô ta: "Ồ, vậy chúc cô vui vẻ."

19.

Trời tiếp tục mưa trong nhiều ngày.

Hứa Tinh Trì thích pha một ấm trà và ngồi vào chiếc bàn cạnh cửa sổ để viết viết vẽ vẽ.

Tôi đang nằm trên ghế sofa, ôm một cuốn sách.

Bé chó anh tặng tôi lặng lẽ cuộn tròn dưới chân tôi. Tôi đặt tên cho nó là ‘Pudding’.

Mối quan hệ của tôi và anh đã tiến triển rất nhiều kể từ lần tôi khóc trước mặt anh.

Ngoài cửa sổ có tiếng mưa rơi tí tách. Trong nhà có tiếng ngòi bút sột soạt trên giấy. Thỉnh thoảng còn có tiếng tôi lật sách.

Không hiểu sao, nó làm tôi nhớ đến một cụm từ: Năm tháng tĩnh lặng, kiếp này bình an.

Tiếng gõ cửa dồn dập phá vỡ sự yên lặng của căn phòng.

Ngoài cửa là hàng xóm cạnh nhà Hứa Tinh Trì mang vẻ mặt gấp gáp.

"Tiểu Trì, mẹ con vừa ngất xỉu, con mau trở về xem xem!"

Hứa Tinh trì dừng tay lại, chần chừ một chút, đứng dậy và chạy ra ngoài.

Tôi cũng vội mang giày vào và đuổi theo.

Dì Lý đã luôn chăm sóc cho ông bà ngoại của tôi. Lúc bà ngoại còn sống, dì đã giúp chúng tôi rất nhiều. Trong khoảng thời gian này, cách dăm ba hôm dì lại gửi sang mấy món ăn tự làm.

Giờ dì Lý nằm trên giường, vẻ mặt nhìn qua cũng không có gì khác thường.

Hứa Tinh Trì nhíu mày hỏi: "Mẹ, mẹ sao rồi, có muốn đi bệnh viện không?"

Dì nhìn tôi theo sau, thở dài một hơi: "Mẹ vốn không định nói cho con biết."

Nói xong dì mò mẫm từ dưới gối ra một tờ giấy đưa cho Hứa Tinh Trì: "Thời gian còn lại của mẹ không nhiều lắm. Mong muốn lớn nhất trong đời là có thể nhìn thấy con kết hôn."

Trên tờ giấy đó viết rõ ràng, ung thư giai đoạn cuối.

Hứa Tinh Trì nhíu mày càng sâu, trầm mặc hồi lâu mới nói: "Có thể là chẩn đoán sai, hai ngày nữa chúng ta đi kiểm tra một chút.”

20.

Tuy nói vậy, Hứa Tinh Trì lại càng ngày càng trầm mặc.

Lúc còn nhỏ, là anh tìm thấy tôi trốn ở một góc lén khóc, hiện tại đổi lại, là tôi tìm thấy anh đang lặng lẽ hút thuốc.

Tôi đã ở bên anh lâu như vậy nhưng trước đó tôi chưa bao giờ thấy anh hút thuốc.

Nhìn thấy tôi, anh dập tắt điếu thuốc, đưa tay gạt bớt khói trước mặt mình.

Tôi ngồi xuống bên cạnh anh, cùng anh ngẩn người.

Tháng 6 sắp hết, có thể là do tâm trạng có phần rầu rĩ, tôi cảm thấy hè năm nay nóng hơn mọi khi rất nhiều.

"Lần này anh về là do mẹ anh nói bà bị bệnh." Anh ngửa đầu nhìn trời, chậm rãi nói: "Về đến nhà, mẹ gạt đi bảo là bà đùa thôi."

"Anh vốn cũng cho rằng mẹ lừa anh thật."

Tôi không biết làm thế nào để an ủi anh, chỉ có thể im lặng.

Anh do dự một phen, thận trọng mở miệng: "Duy Duy này, tôi không muốn mẹ tiếc nuối. Cho nên em giúp anh được không?"

Tôi vội gật đầu: "Có cái gì em giúp được anh, cứ nói với em."

Hứa Tinh Trì quay đầu lại, nhìn thẳng vào mắt tôi, đáy mắt là kiên định quyết tâm (*).

(*) 破釜沉舟 (“phá phủ trầm chu”): có nghĩa là “đập vỡ nồi, đục thủng thuyền” dựa theo tích Hạng Vũ đem quân đi đánh Cự Lộc, sau khi qua sông thì dìm hết thuyền, đập vỡ nồi niêu để binh sĩ thấy không có đường lui, phải quyết tâm đánh thắng.

Anh nói: "Kết hôn với anh."

"Gần đây, công trình nghiên cứu của anh đã đăng ký bằng sáng chế, đến lúc được phê duyệt, chắc sẽ thu được rất nhiều. Khi chúng ta ly hôn, nếu em muốn, tất cả tài sản anh đều có thể cho em.”

"Đương nhiên, của em thì vẫn là của em. Em cứ thêm yêu cầu và điều kiện của mình vào thỏa thuận."

Kết hôn… vốn không phải chuyện nhỏ gì.

Tôi không muốn đồng ý, nhưng dì Lý đối xử với tôi rất tốt.

“Anh có thể cho em suy nghĩ thêm được không?’

Anh nở một nụ cười gượng gạo và nói với vẻ áy náy: “Xin lỗi Duy Duy, anh làm em khó xử rồi. Nhưng anh thực sự không còn cách nào khác."

21.

Đến tối, tôi đang nằm trên giường phân vân không biết có nên đồng ý hay không thì Triệu Tư Dư lại gọi điện.

“Duy Duy, trở về nhanh đi! Tư Ngang và A Tỉ đánh nhau rồi!”

Tôi khá bất lực: “Lại đánh nhau à?"

Giọng Triệu Tư Dư trầm xuống một chút: "Làm gì có chuyện đơn giản như vậy."

“Tư Ngang liên tiếp cướp đi ba khách hàng của A Tỉ. Điểm lợi nhuận đưa ra thấp đến nực cười. Chính là tổn thương địch mười phần mà tự hại bản thân tới tám phần."

“Hiện tại hai nhà đều sứt đầu mẻ trán.”

“Duy Duy, cậu cũng biết mà, trước khi cậu trở về, Tư Ngang có quan hệ tốt nhất với A Tỉ. Hai đứa nó thân nhau, còn cùng sở thích. Sau khi cậu được đón về, tụi nó dần xa cách nhau, là vì cậu.”

“Có lẽ cậu không nhận ra, nhưng Tư Ngang… nó thích cậu.”

Thì ra chuyện Lục Tư Ngang thích tôi trong mắt người ngoài cuộc lại rõ ràng như thế.

Nhưng tình cảm của anh ta tôi không có cách nào đáp lại. Không kể đến những gì anh ta đã làm với tôi lúc nhỏ, anh ta biết Trần Tỉ và tôi quá rõ. Trong nhiều năm qua, anh ta luôn chú ý tới vướng mắc giữa tôi và Trần Tỉ. Nếu tôi làm ra điều gì vượt quá tình bạn, sau cùng vẫn sẽ có một cái dằm mắc trong trái tim anh ta.

22.

Một bên là bề trên đang mắc bệnh nan y, một bên là người đang phát điên lên vì tôi.

Có vẻ như không khó để quyết định.

Lần đầu tiên tôi chủ động liên lạc với Lục Tư Ngang.

Có thể nghe ra, khoảnh khắc nhận điện thoại anh ta vui vẻ đến nhường nào.

Anh ta nói: “Vốn là hai ngày trước định đi đón em, nhưng anh còn kẹt chút công chuyện.”

Tôi ngắt lời anh ta: “Tôi nghe kể hết rồi. Tư Ngang, đừng cố chấp nữa.”

“Tôi hy vọng các anh đều khỏe mạnh. Mối quan hệ nhiều năm của anh và Trần Tỉ không nên vì tôi mà trở nên căng thẳng như vậy.”

“Ngoài ra, tôi gọi cho anh để thông báo với anh, tôi sắp kết hôn.”

Anh ta dừng lại, hỏi với giọng khàn khàn: “Với ai?”

Tôi trả lời: "Một người anh cùng lớn lên với tôi ở bên đây, cũng là sinh viên năm cuối cùng trường đại học. Con người ảnh rất tốt, ảnh đối với tôi rất tốt."

Nghĩ về những ngày tôi ở với Hứa Tinh Trì, nếu sau này có thể tiếp tục tương kính như tân(*) mà sống với anh thì tốt rồi.

(*) 相敬如宾 (“tương kính như tân”): ý chỉ vợ chồng sống tôn trọng nhau như khách

Ngày hôm sau, khi thức dậy, Hứa Tinh Trì đã chuẩn bị xong bữa sáng.

“Đợi lát nữa em cùng anh đi thăm dì.” Tôi nói.

Anh đặt một chiếc bánh trứng vào bát của tôi, đáp lại bằng tông giọng ấm áp.

Tôi kéo ghế ngồi xuống, nói tiếp: “Nhân tiện bàn chuyện cưới xin luôn.”

“Bộp” một tiếng, món trứng ốp la Hứa Tinh Trì đang gắp vào bát rơi xuống bàn. 


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play