Từ ngày đầu tiên vào Đông cung, quanh nàng đã có rất nhiều nghi vấn.
Sao Triệu Yên lại có thể không biết, mẫu hậu phá hoại ghi chép của Thái Y Viện, không hề đề cập chi tiết đến việc Thái tử bỏ mình, là vì để nàng có thể yên tâm ngồi ngay ngắn trong Đông cung làm một thế thân hoàn hảo của Thái tử.
Nàng chẳng bao giờ thật sự tin tưởng rằng huynh trưởng chỉ chết vì bệnh cũ tái phát.
Không lấy được manh mối gì từ trong miệng Lưu Huỳnh, Triệu Yên chỉ có thể tự mình nghĩ biện pháp điều tra dấu vết còn sót lại.
Bóng đêm âm u, cung thành yên lặng trang nghiêm.
Lưu Huỳnh rót thêm trà, tháo chiếc móc treo mành trướng xuống khép lại, rồi dẫn đám cung tỳ hành lễ lui ra ngoài
Đợi đến khi cánh cửa khép lại, Triệu Yên bèn để quyển sách trên tay xuống, vén mành trướng lên và khoác áo xuống khỏi giường, đôi chân trần đạp lên chiếc thảm lông mềm mại, tìm thấy giá sách được che giấu trong phòng.
Trong Đông cung có rất nhiều sách, nàng đã tìm kiếm ở thư phòng và Sùng Giáo lâu nhưng vẫn chưa phát hiện được dấu vết công văn mà Thái tử để lại.
Chính bởi vì chưa từng được lưu lại nên có vẻ khả nghi, dường như đã bị người khác cố gắng xóa sạch.
Đây là nơi cuối cùng, những sách vở tranh chữ được giấu trong nơi có tính bảo mật cao nhất trong tẩm điện, chắc chắn là thứ mà huynh trưởng cực kì quý trọng.
Triệu Yên nương ánh nến leo lét u ám nhẹ tay nhẹ chân sờ soạng tìm ra.
Một tờ giấy mỏng manh được gấp gọn rơi ra từ trong sách vở, Triệu Yên vội ngồi xổm xuống nhặt lên, đó là một bản vẽ phác thảo thiết kế.
Hình vẽ bên trên chính là trâm vàng mà nàng nhận được vào ngày tròn mười lăm tuổi.
Bản vẽ này rất tinh tế, chỉ riêng hoa văn đã là kết hợp của bốn năm loài hoa và chim cùng với hình tường vân.
Triệu Yên dùng ngón tay nhẹ nhàng miêu tả mấy chữ “quà sinh nhật của Yên nhi” ở trên đầu bản vẽ, ánh nến mờ nhạt chiếu lên gương mặt nàng, lông mi dài rũ xuống in bóng xuống mặt nàng, phác họa ra vẻ đau thương không nói lên lời.
Nàng gần như có thể tưởng tượng được, trong vô số những ngày chong đèn thâu đêm, dáng vẻ huynh trưởng ốm yếu đã khoác áo chấp bút ngồi ở nơi này, vừa kiềm chế những cơn ho khan của mình, vừa dùng bút son sửa đi sửa lại bản vẽ này.
Huynh ấy dưới ánh đèn ắt hẳn là mặt mũi ôn hòa, trong lòng tràn đầy mong đợi.
Triệu Yên dụi dụi con mặt, cẩn thận gấp lại bản thiết kế, nhẹ nhàng cất vào trong ngực áo.
Nàng hít sâu tập trung tinh thần lại, cẩn thận sờ soạng thêm mấy lần nhưng không tìm ra được chỗ nào khác.
Nàng không khỏi cảm thấy mất mát, chỉ đành để mọi thứ lại chỗ cũ.
Lúc nàng đặt từng quyển sách một về lại kệ sách thì phát hiện có gì đó không đúng.
Mặt sau của tấm gỗ ở tầng cuối cùng hơi lung lay, nàng dùng đốt ngón tay gõ nhẹ, dường như có tiếng của phần rỗng vang lên.
Lúc trước Triệu Yên ở Hoa Dương hành cung, trong lúc vô tình đã nhìn thấy bản vẽ của thợ thủ công làm ra lần trước, theo những đánh dấu trên bản vẽ, nàng tìm ra được vài cơ quan ám thất dùng để giấu đồ, trong đó không thiếu các cơ quan mật đạo.
Lúc này nàng biết tấm gỗ này chắc chắn không bình thường.
Nàng dùng sức nhấn một cái, thật sự phát hiện ra một cái ngăn bí mật dài chừng một thước, sâu khoảng sáu tấc.
Trong ngăn bí mật là một quyển sổ sách đã ố vàng.
Triệu Yên lập tức không còn thấy buồn ngủ nữa, cẩn thật đặt cái đèn xuống dưới đất, tiện đà ngồi xuống đất, vội vàng lật quyển sách ra.
Giây sau đáy mắt đang sáng bừng của nàng ảm đạm xuống.
Thứ được giấu trong ngăn bí mật cũng không phải văn kiện cơ mật gì, mà là một bản sao của quyển “Cổ Kim chú” thời Tấn. Trên trang lót của quyển sách này còn có một dấu ấn cá nhân đỏ sậm, trên đó là ba chữ “Thẩm Kinh Minh”.
Là tên một người.
Nếu quyển sách này không vật quý giá, thì điều đáng quý chỉ có thể là Thẩm Kinh Minh đã tặng sách cho huynh trưởng.
Trong sách còn kẹp một tờ giấy, bên trên là hai chữ “Phất đăng” với nét chữ cứng cáp. Chữ viết phóng khoáng, không phải là do Triệu Diễn tự tay viết.
“Phất đăng…”
Triệu Yên thì thào, này là có ý gì?
Nàng suy nghĩ một hồi lâu không nhìn ra được manh mối, chỉ đành vội vã phục hồi mọi thứ về như cũ, nhanh chóng quay lại trên giường trước khi Lưu Huỳnh đi tuần tới đây, dùng đệm chăn bọc kín lấy cơ thể.
Đồng hồ phát ra tiếng tích tắc, càng khiến Đông cung có vẻ yên tĩnh như một nấm mồ.
…
Ngày tiếp theo đi nghe giảng, Triệu Yên lại gặp phải phiền phức.
Thần thái cử chỉ của cố Thái tử thì nàng có thể mô phỏng theo được, nhưng tài năng và học vấn thì khó mà làm giả được.
Tuyết đọng trong Hoàng thành đang tan ra, bọt nước lăn xuống khỏi mái che của điện, ánh lên sáng bóng dưới ánh nắng mặt trời.
Trong điện Sùng Văn, tiểu Thái tử cụp mắt đứng thẳng.
“Xin lỗi, thầy.”
Tiểu thiếu niên tỏ vẻ áy náy, vóc người nhỏ gầy, đến cả giọng nói khi nói chuyện cũng vô cùng nhẹ nhàng.
Văn Thái sư nhớ tới hắn bị bệnh tật quấn thân, không khỏi mềm lòng nói: “Là do lão thần suy nghĩ không chu đáo. Điện hạ người yếu ớt, lý ra nên thư thả mấy ngày. Nếu người không viết được bài…”
“Ngược lại cũng không phải là sẽ không, mà là ta không hiểu.” Triệu Yên nhỏ giọng nói.
Vừa nghe thấy học sinh có chỗ thắc mắc, Văn Thái sư lập tức ngồi nghiêm chỉnh lên: “Điện hạ chưa hiểu chỗ nào?”
Hôm qua phần văn chương mà Văn Thái sư giao là lý luận về “Trung dung”, sau khi quay về Đông cung, Triệu Yên lật xem một mình tới tận nửa đêm, lông mi dính chặt vào nhau.
Nàng rời cung lúc chín tuổi, Thái hậu nương nương lại là một người tẻ nhạt làm bạn với thanh đăng cổ Phật, không để bụng với những việc vặt xung quanh, chỉ mời một vị đại nho họ Chu nổi tiếng ở Lạc Dương thường xuyên đến giảng bài cho cháu gái nhỏ rồi buông tay mặc kệ.
Triệu Yên sao có thể an phận ngồi học bài? Thấy không có ai đốc thúc, nàng giống như một con ngựa nhỏ không có dây cương, hơn phân nửa tinh thần và thể lực của nàng để dành cho việc ngắm núi nhìn sông, tìm niềm vui trong nỗi khổ.
Trong thời gian đó nàng xem không ít sách vở thoại bản linh tinh, tứ thư ngũ kinh thì chỉ đọc lướt qua, vừa nghe đến những đạo lý to lớn đặt lợi ích của chung lên trên lợi ích của bản thân, xả thân cống hiến nàng đã thấy đau não.
Càng không nói đến việc hở ra là phải viết cả ngàn chữ để phân tích lại.
Nàng vươn ngón trỏ trắng nhỏ ra, chỉ vào một hàng trong sách, nói: “Trong sách nói, bước đầu tiên của “trung dung chi đạo” là quân tử một mình cũng phải thận trọng, cho dù khi chỉ có một mình ở một chỗ cũng phải che giấu tâm trạng, vui vẻ thì không thể cười to, bi thương không được khóc lớn, phải cẩn thận dè dặt mọi nơi, mọi chuyện không được vượt quá khuôn phép.”
Văn Thái sư bưng chung trà lên, gật đầu tỏ ý tán thành.
Triệu Yên cau mày lại, toát ra vẻ khổ sở.
Văn Thái sư khích lệ: “Điện hạ cứ nói đi đừng ngại.”
“Vậy cô nói thẳng.”
Tiểu Thái tử ngại ngùng, đôi mắt hơi có vẻ nữ nhi kia dường như sáng bừng lên: “Hỉ nộ ái ố là bản tính trời ban của con người, một người không có thất tình lục dục thì có khác nào một con rối. Trong sách dạy như thế quá nghiêm khắc, chẳng phải là đang làm chúng ta đánh mất đi nhân tính? Vì thế cô cho rằng điều này không phù hợp với lẽ thường.”
Văn Thái sư suýt nữa phun ra một ngụm trà.
Tiết học kết thúc, hồi cung, tiếp đón Triệu Yên quả nhiên chính là Lưu Huỳnh với gương mặt nghiêm túc trang trọng.
Biết nàng ấy lại định thay mẫu hậu dạy dỗ mình, Triệu Yên cởi chiếc áo choàng lông cáo trắng vừa dày vừa nóng xuống, thở dài nói: “Ngươi biết ta không viết ra được những câu chữ như Văn Thái sư mong muốn, cố tình viết sẽ bị lộ. Không bằng, ta tìm người khác viết thay?”
“Không thể!” Lưu Huỳnh lập tức phủ quyết.
Trường Phong Công chúa giả làm Thái tử Đông cung chính là bí mật do một tay Hoàng hậu nương nương xử lý, chỉ hơi vô ý một chút sẽ là kết cục bỏ mình, quốc gia diệt vong, nhiều người biết là thêm vài phần nguy hiểm, sao có thể tìm người viết thay được?
Huống chi Thái tử điện hạ từ nhỏ đã được hưởng sự dạy dỗ từ các phụ tá uyên bác nổi tiếng, tinh thông viết văn, muốn mô phỏng văn phong ấy thì nói dễ hơn làm.
Lưu Huỳnh cắn chặt môi dưới, nhưng vừa ngẩng đầu lên lại bắt gặp nốt ruồi lệ được điểm lên phỏng theo Thái tử điện hạ có vẻ vô cùng tươi đẹp nhưng lại không hề ốm yếu một chút nào.
Nàng ấy lập tức hiểu ra mình đang bị trêu chọc.
Trong lúc nhất thời nàng ấy hoảng hốt.
Dường như rất lâu trước đây, cũng từng có một người thích trêu nàng ấy như vậy.
Triệu Yên chống cằm theo quán tính: “Văn chương thì không thể viết được rồi, nhưng nếu ta cứ ngây ngây ngô ngô không nói được lời nào thì cũng vẫn sẽ bị lộ. Chẳng bằng tìm ra mấy vấn đề để bản thân Văn Thái sư phải nghĩ tới nghĩ lui.”
Vẻ mặt Lưu Huỳnh từ từ hòa hoãn lại, chủ tử nói vậy cũng có lý.
“Mẫu hậu ở bên đó nói thế nào?” Nhân lúc Lưu Huỳnh đang sắp xếp lại suy nghĩ trong đầu, Triệu Yên lại hỏi.
Lưu Huỳnh vén một góc rèm xe lên, thấy nội thị vệ của Đông cung đều đang đi theo sau xe ngựa một đoạn xa, xung quanh không có người, bèn thấp giọng nói: “Chuyện ba vị thầy giáo trong Đông cung, nương nương khó mà nhúng tay vào được, chỉ có điều chọn một thư đồng có thể tin tưởng được thì không khó, sau này điện hạ ở điện Sùng Văn cũng có thể có người trông nom.”
Lưu Huỳnh thân là cung nữ, không có tư cách bước vào điện Sùng Văn đều hầu hạ, lần nào cũng chỉ có thể đến đứng chờ ngoài cửa, đúng là không tiện lắm.
Bên người vẫn nên có một người cùng phe mới yên tâm được, Triệu Yên như đang suy nghĩ điều gì.
Cũng may mùng một cuối tháng là Đông Chí, theo thông lệ trong cung sẽ làm lễ tế và tiệc rượu. Nàng nhớ rõ, hàng năm vào thời gian này, các Vương tôn Thế tử từ các phủ sẽ vào cung dự tiệc.
Có thể đây chính là một hội để xem xét chọn người.
Trong đầu thoáng qua quyển “Cổ Kim Chú” được cất trong ngăn bí mật kia, đôi mắt Triệu Yên hơi nhúc nhích, làm như lơ đãng nói: “Hôm nay nghe Văn Thái sư đề cập đến một người tên Thẩm Kinh Minh cũng không tệ, hắn là người như thế nào?”
Nghe thấy cái tên này, Lưu Huỳnh hơi khựng lại một chút rất khó phát hiện.
Triệu Yên nắm bắt được cử chỉ rất nhỏ ấy của nàng, lập tức biết mình đã đoán đúng rồi.
Người ấy quả thực có liên quan đến Đông cung.
Lưu Huỳnh dường như đang do dự không biết có nên nói hay không, một hồi lâu mới lên tiếng: “Thẩm Kinh Minh là con của Thị lang bộ Lại trước kia, cũng là một trong những môn sinh tâm đáng hài lòng nhất của Lý đại nhân, được xưng tụng là “Lý môn song bích” cùng với đời sau của một danh gia vọng tộc – Chu Cập.
Nghe thấy cái tên “Chu Cập”, thái dương Triệu Yên co rút lại, những hồi ức kinh khủng về thời còn đi học ở Hoa Dương hành cung tranh nhau nảy lên trong óc.
Giơ tay lên xua tan suy nghĩ, Triệu Yên quay về lại chủ đề chính: “Ta nhớ rõ trong bộ Lại có người của mẫu hậu, nếu để Thẩm Kinh Minh này về làm thư đồng của Đông cung thì sao?”
Lưu Huỳnh muốn nói lại thôi.
“Thế nào? Hắn không đáng tin sao?”
“Cũng không phải là vấn đề đáng tin hay không đáng tin.”
Giọng nói của Lưu Huỳnh nhỏ đi một chút: “Mà vị Thẩm công tử này đã qua đời rồi.”
“Đã chết?”
Triệu Yên vô cùng kinh ngạc: “Chuyện từ bao giờ vậy?”
Lưu Huỳnh nói: “Đêm Thất tịch đi thả đèn, rơi xuống nước mà chết.”
Chết trước khi huynh trưởng mất một tháng, trùng hợp đến vậy.
Đầu mối còn chưa bắt đầu đã bị cắt đứt, Triệu Yên không khỏi tiếc nuối.
Lưu Huỳnh nhìn thoáng qua vẻ mặt của chủ tử liền biết trong lòng nàng xuất hiện suy nghĩ không nên có, nàng ấy mím môi một lát rồi thấp giọng khuyên giải: “Thái tử là vì bị bệnh mà chết, điện hạ chỉ cần để ý làm tốt bổn phận là được, đừng nên dẫn lửa đốt mình.”
Người bị bệnh mà chết…
Triệu Yên “xùy” nhẹ một tiếng.
“Ngươi và mẫu hậu không cần lo lắng. Đông cung không có quyền không có thế, lúc này đến cả một phụ tá có thể sử dụng được cũng không có, lấy trứng chọi đá không phải một hành động sáng suốt.”
Triệu Yên xoay gương mặt trắng nõn tinh tế qua, ánh mắt thông suốt nói: “Ta tự biết thân biết phận.”
Trong lòng nàng tính toán, không ngờ trong điện Sùng Văn lại có một tình hình bi thảm khác.
Thái sư của Thái tử đã qua tuổi bảy mươi đang gù lưng ngồi đằng sau chiếc bàn, chiếc bình thủy tinh mờ mờ ở trên bàn đang đè lên một tờ giấy lụa trắng tinh.
Đại thái giám tự mình châm thêm trà nóng, thấy ông ngồi một lúc lâu cũng không nhúc nhích thì cười hỏi: “Văn Thái sư đang nhìn gì vậy?”
Lão nhân gia như vừa mới hồi hồn lại, vuốt râu hơi hơi nâng cằm lên: “Văn chương của điện hạ.”
Văn chương của Thái tử điện hạ?
Trên mặt đại thái giám lộ ra vẻ nghi hoặc, nhưng không phải tờ giấy lụa này đang trống không sao? Không có một chữ nào cả mà!
Văn Thái sư cũng không thèm giải thích, đúng là không viết một chữ nào mới là kì diệu chứ!
Cả đời ông phụ tá Thái tử ba triều, vô số môn sinh, từng giảng giải kinh, sử, tử, tập, lập mưu tính kế, cũng chưa từng có ai đưa ra câu hỏi giống như của Thái tử ngày hôm nay.
Đối mặt với cách nói kỳ lạ của Thái tử điện hạ, Văn Thái sư chỉ có thể làm hết chức trách để khuyến khích: Quân tử nên hi sinh dục vọng và buồn vui của mình để giữ gìn lễ giáo pháp luật, mưu cầu phúc lợi vì người dân trong thiên hạ.
Văn Thái sư tận tình khuyên bảo nhằm khiến Thái tử điện hạ noi gương các vị hiền triết đi trước, tự kiềm chế và tuân theo lễ nghĩa. Thậm chí còn lấy hai đời Thái tử trước đó mình đã phụ tá ra để làm ví dụ, cực lực tán thưởng, trong lời nói khó nén được tự hào.
Nhưng mà lúc đó điện hạ đã nói như thế nào?
“Cô khiến thầy thất vọng rồi.”
Dáng vẻ ốm yếu dễ bị bắt nạt của thiếu niên khiến người khác không đành lòng trách móc nặng nề, nhưng lời nói ra lại rất sâu xa.
“Nhưng mà cô có một tư tưởng, người sống có máu có thịt, không thể giống bản sao của ai đó được.”
Thái tử nở một nụ cười lấy lòng, thành khẩn nói: “Khổng thánh nhân còn chủ trương “tùy theo tài năng tới đâu để dạy”, phải căn cứ vào tính cách bất đồng của mỗi người để chọn phương pháp dạy học. Nếu như thầy dạy ba đời người, dùng một tiêu chuẩn giống nhau, dạy dỗ học sinh nghìn người một điệu, thì có khác gì tượng đất khô khan đâu?”
Lời nói rất nhẹ nhàng, nhưng từng câu từng chữ như châu như ngọc.
Suy nghĩ kỹ một chút, từ trước tới nay, ba người thầy của Đông cung có ai không coi Thái tử như tượng đất để đắp nặn đâu?
Ngay cả Văn Thái sư cả đời này cũng đang cố gắng dạy dỗ Thái tử theo suy nghĩ của bản thân mình, cố gắng bồi dưỡng một thiếu niên như tờ giấy trắng thành công cụ phát triển ý kiến của mình, đâu còn nhớ được cái gì “tùy theo khả năng tới đâu để dạy”.
Thái tử điện hạ tĩnh dưỡng mấy tháng này, quả nhiên đã trưởng thành hơn, cũng có suy nghĩ của chính mình, có thể thấu hiểu được chỗ cao siêu trong đó.
Văn Thái sư hoảng hốt, nhưng nhiều hơn là cảm giác vui mừng của một người làm thầy.
Bản thân mình đã ngoài bảy mươi tuổi rồi, hà tất phải chìm đắm trong vũng lầy chính trị mà đánh mất sơ tâm?
Trong lồng sáng tỏ thông thấu, Văn Thái sư thở dài một tiếng khe khẽ, run rẩy chống gậy đứng dậy.
Ngoài điện vừa lúc có nắng ấm, tuyết đọng trên cành khô rơi xuống, mọi thứ bắt đầu đâm chồi nảy lộc đón mùa xuân sắp tới.
…
“Văn Thái sư về hưu rồi?”
Trong tẩm điện của Đông cung, Triệu Yên khoác áo che lớp vải lụa quấn bọc ngực lại, chớp chớp mắt nói: “Đang êm đẹp vì sao ông ấy lại phải từ quan?”
“Cái này phải hỏi điện hạ ngài.”
Lưu Huỳnh dứt khoát mặc cho nàng một bộ quần áo rườm rà, buộc chặt đai lưng đính bạch ngọc: “Có người nói Văn Thái sư đi thẳng tới điện Thái Cực, nói tuổi già sức yếu, lấy lý do dưỡng già để xin từ quan.”
“Vẫn chưa nhắc tới Đông cung, chứng tỏ ông ấy vẫn biết chừng mực.”
Triệu Yên cũng không biết Văn Thái sư chủ động xin từ chức “có chừng mực” chính là vì bài thi mà nàng nghe trời xui đất khiến để giấy trắng.
Nàng thầm nghĩ đúng là Văn Thái sư đã rất già rồi, mắt hoa tai điếc, lần nào cũng gù cả lưng xuống, hai mắt dán chặt lên sách mới có thể thấy rõ được chữ, nàng thấy thế là cảm thấy đau cổ.
Ngồi trước gương vấn tóc, Triệu Yên lại hỏi: “Phụ hoàng đồng ý?”
Lưu Huỳnh gật đầu: “Văn Thái sư nói chuyện rất khẩn khoản, thánh thượng đành phải đồng ý.”
“Văn Thái sư đã từ quan rồi mà cô vẫn phải tới điện Sùng Văn.”
Triệu Yên chỉnh trang lại cẩm bào trên người một chút, khuôn mặt lớn chừng bàn tay nhiễm vẻ buồn khổ: “Ba vị trí thầy của Đông cung, hôm nay là vị nào tới ứng phó?”
“Nô tỳ không rõ.” Lưu Huỳnh cũng cảm thấy kỳ lạ.
Theo lý thuyết, hẳn là phải có tin tức từ chỗ Hoàng hậu nương nương mới đúng, sao đến bây giờ còn chưa có động tĩnh gì?
Triệu Yên cau mày, lại rất thoải mái thả lỏng: “Đi thì biết.”
Điện Sùng Văn, cửa sổ mở ra một nửa.
Triệu Yên nhìn bóng dáng cao to đang ngồi trên ghế Thái sư, thoáng chốc như bị sét đánh chết điếng.
Nam nhân trẻ tuổi anh tuấn mặc thường phục sẫm màu, mặc một bộ y phục văn võ*, dung nhan ngọc điêu khắc, ngồi trên ghế hơi nhướng mắt lên.
*y phục văn võ: là áo bào thường xuất hiện trong hí khúc hoặc kinh kịch, một tay áo buộc đại diện cho quan võ, tay áo kia thả ra đại diện cho quan văn.
Đôi mắt với hai hàng lông mi dày rậm mở ra, toát lên vẻ mê hoặc khiếp người, bình tĩnh không sợ hãi nói: “Bắt đầu từ hôm nay, bổn vương đảm nhiệm vị trí Thái phó của Thái tử, phụ trách việc dạy học.”