Phương Chước đặt điện thoại di động xuống rồi chạy tới giúp Diệp Vân Trình.
Phòng bếp rất rộng, chỉ có điều nó là dạng bếp cũ còn dùng bếp lò, chỗ đặt bếp than hơi nhỏ. Phương Chước vừa đi tới thì Diệp Vân Trình đã bị vướng chân vướng tay khó di chuyển.
Hai người làm quần quật suốt hai tiếng đồng hồ, cuối cùng mới nấu xong cơm tối. Phương Chước chuyển bộ bàn ghế ra phía trước TV, tăng âm lượng, nghe nhạc trong đêm liên hoan.
Đây là ngày lễ đầu tiên mà Phương Chước trải nghiệm đàng hoàng, tuy rất vui nhưng trong lòng cô vẫn thấy lo lắng. Cô sợ nếu đến thêm vài lần nữa, số tiền tiết kiệm bao năm của Diệp Vân Trình sẽ bị tiêu sạch.
Diệp Vân Trình thấy tầm mắt vô định của cô nhìn về phía TV mà không tập trung ăn cơm, dường như đang rầu rĩ suy nghĩ xem nên mở lời thế nào, thế là ông vỗ bờ vai gầy gò của cô, ý bảo cô kéo ghế lại gần hơn, cười nói: “Cháu sợ cậu không có tiền hả? Cậu có tiền. Không phải cậu đã gửi sang cho cháu rồi à?”
Phương Chước: “Cháu biết ạ.”
Cô biết Diệp Vân Trình có một khoản tiền, cũng bởi vì biết ông đã tiết kiệm ra làm sao nên mới không đành lòng dùng tiền của ông.
Phương Chước đã từng có một khoản thời gian khó khăn. Khi còn bé, trợ cấp của nhà nước cho các hộ gia đình nông thôn khó khăn chưa nhiều đến vậy. Bà nội chưa có tiền trợ cấp dành cho người cao tuổi hay bảo hiểm mất đất nên không có thu nhập ổn định. Phương Dật Minh không phải là đứa con hiếu thảo, hơn mười năm qua chỉ về được đúng hai lần, ngồi chưa nóng mông đã rời đi ngay, nên chắc chắn ông ta sẽ không đưa nhiều tiền cho hai người. Cho nên hai người đã phải sống trong cảnh nghèo đói túng quẫn trong một khoảng thời gian dài.
Nghèo đói đồng nghĩa với việc không thể thấy được sự tiến bộ của xã hội, không thấy được sự phát triển của khoa học công nghệ. Tất cả những gì ta nhìn thấy chỉ là một bát cơm trước mặt. Có cơm ăn, no cái bụng thì ta mới có sức mở to mắt nhìn thế giới. Mặc dù sức lực ấy chỉ là chút giãy giụa yếu ớt.
Phương Chước không nỡ, cũng không thích để Diệp Vân Trình phải bóp mồm bóp miệng, thắt lưng buộc bụng để nuôi cô.
Cô cực kì ghét ɕảɷ ɠıáɕ liên lụy đến người khác.
Diệp Vân Trình bỗng lên tiếng: “Trước kia cậu từng gặp cháu rồi.”
Phương Chước tò mò nhìn sang.
Diệp Vân Trình nở một nụ cười, ông nghiêng đầu, khuôn mặt bị bóng tối che mất một nửa, giọng 𝖉iệu rất bình tĩnh nói: “Lúc đó cậu vẫn còn trẻ, xấp xỉ tuổi cháu, vẫn đang học cấp ba. Nhưng cậu thua xa cháu, cậu không biết, không hiểu gì cả. Trong nhà chỉ còn duy nhất mình cậu mà cậu còn không biết mình nên làm gì.”
Phương Chước vùi đầu ăn cơm, nhỏ giọng nói: “Thật ra cháu cũng không biết nhiều. Cháu chỉ biết mỗi học thôi.”
Diệp Vân Trình trả lời: “Học là điều rất đúng đắn, nhưng cậu không học nổi nữa. Cậu đã nghỉ học một lần vì khiếm khuyết năm học tiểu học, lên cấp ba lại nghỉ học thêm lần nữa do ba mẹ mất. Cậu thấy quá mệt, lần nào cũng phải đối diện với lắm người xa lạ, lắm kiến thức lạ. Nhưng bọn họ còn chẳng thể nói cho cậu biết được tương lai cậu sẽ như thế nào nữa.”
Trên mặt Phương Chước hiện lên vẻ mê mang. Cô không biết nếu đổi lại là mình thì cô sẽ sống như thế nào.
Có lẽ nếu cô thực sự đối mặt, dù cuộc đời có khốn khổ thế nào thì vẫn phải sống. Những người như cô cũng giống những con mèo hoang trên đường, không phải họ đang cố gắng hướng tới một tương lai tươi sáng, thậm chí họ còn chẳng thấy được điểm cuối ở đâu. Nhưng từ sâu trong lòng vẫn không muốn bị vận mệnh áp đặt, cho nên mới liều mạng bày ra nanh vuốt sắc bén của mình.
Nhưng Diệp Vân Trình không giống vậy, ông từng có một cơ thể hoàn chỉnh, cũng từng có một gia đình ấm áp vui vẻ. Từng ngày trôi qua sau khi mất đi chúng, ông mới phải sống một đời đau khổ.
“Tuy bà nội con lạnh lùng nhưng bà ấy là một người tốt.” Diệp Vân Trình nói: “Không ai có thể cho cháu quá nhiều thứ, bà ấy không thể bảo vệ cháu nên cháu phải mạnh mẽ lên.”
Phương Chước biết chứ. Ngoài tình yêu thương thì những cái mà bà cụ cho cô được cũng đã cho hết rồi.
Diệp Vân Trình nhớ lại rồi nói: “Cậu học đến lớp 11 là thôi học, sau này được người ta giới thiệu làm giáo viên dạy thay cho một trường tiểu học. Mặc dù không vào biên chế nhưng cũng kiếm được một khoản.”
Phương Chước không ngờ ông từng làm giáo viên, cô hứng thú hỏi: “Vậy tại sao sau này không làm nữa?”
“Cơ thể cậu không tốt lắm, làm bọn họ gặp không ít rắc rối, sau này giáo viên trong trường cũng đủ rồi.” Vẻ mặt Diệp Vân Trình hoảng hốt: “Ai cũng có lúc chán chường…”
Một cái xác không hồn, dù nhận được sự quan tâm từ người khác thì cũng thấy thừa thải, mỗi ngày chỉ là một vòng lặp vô hạn giữa sáng và tối.
Cuộc sống hóa thành những nếp nhăn trên mặt người đàn ông, ông hít một hơi thật sâu rồi lại thở dài, cuối cùng trút hết được nỗi lòng chất chứa đã lâu: “Cậu thấy mệt quá, cuộc sống thật vô nghĩa.”
Sau khi nói xong, trước mắt ông xuất hiện vô số hình ảnh. Đó là quá khứ dài lê thê, không đáng để nhắc tới. Ông thấy mình đã quăng hết bao mỏi mệt ấy, trở lại lúc bắt đầu, lúc ông vẫn còn người nhà.
Diệp Vân Trình nắm chặt tay Phương Chước, nghiêm túc nhìn cô, nước mắt nóng hổi đều được ông giấu trong đôi mắt khép hờ.
Mãi một lúc lâu sau, ông bật cười, trong giọng nói hòa nhã có thêm sức lực.
“Sau này cậu tìm được việc làm, cháu đi học, chúng ta cần làm gì thì đều làm đó, sống một cuộc đời bình thường. Cậu tin chẳng mấy chốc sẽ tốt hơn thôi.”
Lòng bàn tay Phương Chước cảm nhận được mồ hôi ở trên tay ông, cô ngước mắt lên, sau đấy gật đầu thật mạnh.
…
Một ngày trước khi kết thúc ngày nghỉ, giữa trưa Nghiêm Liệt tới trường, cậu hẹn các bạn lớp khác ra ngoài chơi bóng rổ một lát, chạng vạng tối mới quay lại lớp học. Lúc này Phương Chước cũng đã quay lại.
Nghiêm Liệt ngồi xuống với mái tóc ướt nhẹp, trên người cậu còn thoang thoảng mùi sữa tắm khoan khoái, cậu cười với cô, đổ người tới: “Bạn học Phương Chước, đã lâu không gặp, tôi có thể hỏi cậu một câu hỏi không?”
Phương Chước rất giỏi vấn đáp, cô bỏ qua một bước mà đáp ngay: “Tôi đang vui vẻ, mọi việc đều ổn, không bị lạc đường. Gà còn sống, ở trong ngôi biệt thự xa hoa rộng hơn 20m2. Để bày tỏ lòng biết ơn, cậu tôi đã bảo tôi tặng cậu một món quà.”
Nghiêm Liệt choáng ngợp vì cả tràng giang đại hải của cô, đến mức quên mất mình muốn hỏi điều gì. Phương Chước lấy một hộp cơm quen thuộc từ trong balo rồi đặt lên bàn.
“Gạo nếp ngọt với bánh nhân đậu xanh đấy. Tại lỡ hấp hơi nhiều đậu xanh nên sẵn tiện làm thêm mấy bánh đậu xanh. Không có khuôn nên trông không đẹp lắm, nhưng ăn cũng được đó.”
Nghiêm Liệt thở hắt, đành trả lời: “Cảm ơn nhé.”
Phương Chước thân thiết hỏi: “Còn gì muốn hỏi nữa không?”
Trong đầu Nghiêm Liệt bỗng trống rỗng, tự nghi ngờ mình mà lắc đầu.
“Ờ.” Phương Chước treo balo lên ghế, sau đấy bỗng sực nhớ tới điều gì, cô nói: “Tôi có một câu hỏi.”
Nói thật, Nghiêm Liệt thật sự không muốn nghe cô hỏi chút nào. Bởi vì cho đến bây giờ cậu vẫn chưa nhớ ra mình vừa bị cướp lời gì, khó chịu bứt rứt đến mức cậu không muốn chấp nhận.
Phương Chước tự hỏi: “Cậu thích ăn bánh trung thu nhân thập cẩm không?”
Nghiêm Liệt do dự đáp: “Cũng hơi hơi.”
“Vậy thì tốt quá rồi!” Phương Chước lại cho tay vào trong balo, lấy một cái túi giấy nhỏ rồi nhiệt tình nói: “Cái này cũng tặng luôn cho cậu nè!”
Nghiêm Liệt thấy khuôn mặt cô tràn đầy vui mừng vì đã thoát khỏi gánh nặng, không khỏi bật cười nói: “Các cậu đều có thành kiến với bánh trung thu nhân thập cẩm nhỉ, thật ra nhân thập cẩm ăn ngon lắm.”
Phương Chước gật đầu cho có lệ rồi liên tục thúc giục: “Cho cậu ăn đó, ăn nhiều chút. Thích thì bảo tôi, sang năm tôi sẽ chia cho cậu.”
Nghiêm Liệt xé bọc, nghe vậy thì khựng lại, cậu liếc nhìn, như nắm được thông tin quan trọng, cậu hỏi bằng giọng sâu xa: “Sang năm á?”
Phương Chước ngẫm nghĩ một chút rồi đáp: “Nếu tôi thể hiện xuất sắc thì biết đâu đỗ cùng trường đại học với cậu thì sao.”
Nghiêm Liệt mỉm cười, trong nụ cười mang theo vẻ ranh mãnh của thiếu niên, trong mắt cũng hiện lên vẻ thích thú, nói cà lơ phất phơ: “Vậy thì vì tình bạn quý giá này, cậu bạn cùng bàn đây sẽ thúc giục cậu chăm chỉ học tập.”
“Tôi vẫn luôn cố gắng học mà.” Phương Chước qua loa nói: “Cậu mau ăn đi. Chúc tình bạn của chúng ta thiên trường địa cửu.”
Phương Chước xử lý xong bánh trung thu nhân thập cẩm thì cả thể xác lẫn tinh thần đều nhẹ nhõm, cô đứng dậy đi đến kệ để đồ phía sau cầm chai nhựa có đục lỗ, đổ đầy nước rồi tưới cây như thường lệ.
Ngụy Hy và mấy bạn cùng phòng đi băng qua bàn học đến gần cô, vây cô ở chính giữa.
Phương Chước cảm thấy mình bị vây kín không một kẽ hở, bốn cái tay nắm vai đè cô đổ về phía trước.
Ngụy Hy nhỏ giọng, hỏi bên tai cô: “Phương Chước, cậu và Nghiêm Liệt có quan hệ gì hả?”
Phương Chước trả lời: “Quan hệ bạn cùng bàn.”
Ngụy Hy bán tín bán nghi nói: “Tớ còn tưởng hai cậu yêu sớm luôn đấy.”
“Làm gì có chuyện đó.” Phương Chước không hiểu tại sao các cậu ấy lại hỏi như thế, cô trầm ngâm rồi ngạc nhiên hỏi: “Vậy ra các cậu cũng thích ăn bánh trung thu nhân thập cẩm à?”
“Đừng có đánh trống lảng!” Ngụy Hy nghiêm túc nói: “Nhưng đúng là cậu đang xem thường bánh trung thu nhân thập cẩm đấy nhé!”
Cô bạn trưởng phòng ký túc: “?” Sóng não của mấy cậu có phải của nhân loại không vậy?!
Bạn nữ bên cạnh bất mãn nói: “Tại bọn tớ cảm thấy Nghiêm Liệt đang tiêu chuẩn kép. Bình thường đồ bạn nữ khác tặng là cậu ấy không nhận đâu.”
Cô bạn kia nhích tới gần cô, nhỏ giọng hỏi: “Còn nhớ đợt trước Nghiêm Liệt bảo với cậu là mình thích ăn bánh ngọt không? Có người bên cạnh nghe thấy, thế là bạn học nữ kế bên lập tức tặng cho cậu ấy bánh ngọt nhân trứng, ai ngờ cậu ấy lại tặng qua tay cho giáo viên luôn, còn giả vờ không biết gì hết. Đó là chuyện xảy ra trước kì nghỉ, cậu nhớ chứ?”
Phương Chước cảm thấy tai mình hơi ngứa ngáy, cô vô thức nghiêng đầu, cũng không đáp gì mà chỉ nhìn mấy cô bạn bằng vẻ mặt khó hiểu.
Mấy cô bạn kia bị cô nhìn mà chột dạ, dần dần nghi ngờ do mình nghĩ quá nhiều, đã hiểu lầm tình bạn học sinh thuần túy như vậy.
Sau khi cẩn thận ngẫm lại thì mới thấy đúng thật, quả thật tính cách vừa quật cường vừa nghiêm túc của Phương Chước rất khó khiến cho người ta ghét, vẻ ngoài gầy yếu càng khiến người khác muốn ra tay giúp đỡ.
Ngụy Hy nói thầm: “Xem ra Nghiêm Liệt cũng không phải trai thẳng sắt thép nhỉ? Chẳng lẽ trước kia là do cậu ấy cố tình hả?”
Có thể do tầm nhìn của năm đôi mắt quá nóng bỏng, Nghiêm Liệt đang ăn bánh trung thu như cảm nhận được gì đó mà quay đầu nhìn bọn họ. Mấy người họ không hẹn mà cùng xoay người sang chỗ khác, mất hứng rời khỏi đó.
Phương Chước tưới nước xong rồi về chỗ ngồi, Nghiêm Liệt vẫn nhớ đến mấy ánh mắt phức tạp kia, bèn hỏi: “Vừa rồi các cậu nói gì thế? Có phải đang nhìn tôi không?”
Phương Chước cảm thấy mấy lời kia có vẻ như là lời khen, bèn thuật lại chi tiết: “Mấy cậu ấy bảo cậu không thẳng lắm.”
Nghiêm Liệt: “??” Sao cậu lại không thẳng hả?
Phương Chước thấy cậu không phản ứng mạnh nên nói thêm một câu: “Nói là cậu biết săn sóc, khéo hiểu lòng người, chứ không có ý gì khác đâu.”
Mặt Nghiêm Liệt càng xị xuống.
Bị xem là anh em huynh đệ đã quá lắm rồi, giờ còn coi mình thành chị em bạn dì luôn đấy à?
Phương Chước không thể hiểu nổi cậu, thế là quyết định không nói nữa.
…
Sau kì nghỉ, các học sinh đều không có tinh thần nào hết, lại thêm sau đó là đại hội thể dục thể thao và lễ Quốc khánh nên giáo viên cũng không ép, cho bọn họ thoải mái, phát mấy bài kiểm tra bảo mọi người nộp trước chủ nhật, chừa thời gian rảnh rỗi để học sinh chuẩn bị đội ngũ cho lễ khai mạc đại hội thể dục thể thao.
Nghiêm Liệt giỏi thể thao lại đẹp trai nên được đẩy ra làm đội trưởng. Tới hôm đó dù nâng bảng lớp rồi lượn vài vòng cho có thì vẫn nổi bần bật.
Phương Chước trà trộn trong đội ngũ để góp cho đủ số. May mà lớp bọn họ không định làm gì sáng tạo đột phá quá, chỉ thay đội hình trước buổi tổng duyệt, hô hai tiếng khẩu hiệu là được rồi.
Một món bài cho có lệ được dùng suốt ba năm, hơn nữa còn tiếp tục được truyền lại cho các đàn em “hội người lười” tương lai.
Ngoài Phương Chước, các bạn học khác đều rất hào hứng với đại hội thể dục thể thao.
Ví dụ như Triệu Giai Du, suốt mấy ngày nay cứ gào thét trong lớp là mình muốn phá kỷ lục của trường.
Nghe lời tuyên bố hùng hồn của cậu ấy, Nghiêm Liệt đang úp mặt vào bàn từ từ quay đầu sang nhìn Phương Chước, dùng bả vai chạm cô, hỏi: “Cậu đi xem tôi thi đấu được không?”
Phương Chước đang làm đề, mạch nghĩ đang chậm chạp, phải bốn năm giây sau mới trả lời được một chữ: “Gì cơ?”
Nghiêm Liệt lại hỏi: “Cậu có thấy trai nhảy cao trông đẹp trai ngầu lòi không?”
Phương Chước dừng bút, nhớ tới những tư thế nhảy cao không khác gì cương thi nhảy nhót thì gượng gạo đáp: “Không biết nữa.”
Nghiêm Liệt chưa bỏ cuộc, hỏi tiếp: “Vậy trai bóng rổ thì sao?”
Phương Chước vẫn tính nói không biết, nhưng tới lúc há miệng thì lại đổi lời: “Cũng được, tôi thích “Cao thủ bóng rổ”.”
Nghiêm Liệt xốc lại tinh thần: “Cậu cũng thích xem “Cao thủ bóng rổ” à?”
“Tôi còn thích “Naruto” nữa.” Phương Chước tiếc nuối nói: “Nhưng cái tôi xem nhiều nhất lại là “Thiên thần hộ vệ”.”
“Hả?” Nghiêm Liệt rất phối hợp mà nghiêng đầu, tò mò hỏi: “Vì sao?”
Phương Chước trả lời: “Họ coi gì thì tôi coi đó.”
Nghiêm Liệt mất một lúc mới hiểu lí do, cậu hỏi: “Kênh ca nhạc hả? Đáng thương vậy.”
Phương Chước không đồng ý với cậu: “Không đáng thương nhé, đó là niềm vui lúc nhỏ của tôi.”
Sau hai phút, Nghiêm Liệt mới ý thức được câu hỏi của mình lại không có câu trả lời. Bằng một cách thần kỳ nào đó, mỗi lần cậu nói chuyện với Phương Chước thì đều do nghe quá chăm chú mà sự chú ý đã bị chuyển dời đi.
Lần trước muốn hỏi vì sao cô không trả lời tin nhắn của cậu, lần này muốn bảo cô đến xem mình thi đấu, ai ngờ kết quả đều giống nhau.
Nghiêm Liệt hơi bất mãn, cậu ghi rõ câu hỏi lên trên giấy, chuẩn bị chuyền qua cho cô. Cậu kẹp mảnh giấy giữa hai ngón tay, nhưng đến khi liếc nhìn người bạn cùng bàn đang chăm chỉ giải cả biển đề, cuối cùng vẫn quyết định dẹp đi vậy.
Dưa hái xanh dù có ngọt thì chắc chắn không “thơm” được đâu.
…
Chuyện bên lề:
Chước Chước: Lòng dạ đàn ông như kim đáy biển [thở dài]
Liệt Liệt: Chịu thua luôn đấy!!!