Án Mạng Mười Một Chữ

VẬT ANH ĐỂ LẠI


6 tháng


I

Cuối cùng Fuyuko ngủ lại nhà tôi, và hôm sau còn gọi điện đến Sport Plaza xin phỏng vấn giúp tôi nữa. Bởi tôi nghĩ nếu lấy danh nghĩa nhà xuất bản thì đối phương sẽ yên tâm hơn.

Bên đó đồng ý việc đến lấy tin, nhưng khi nghe nguyện vọng muốn gặp giám đốc thì họ có vẻ lưỡng lự.

“Tôi có thể nói chuyện với ngài giám đốc được không? Nhà văn bên tôi nói muốn gặp trực tiếp giám đốc.”

Nhà văn mà cô nhắc đến là tôi.

Một lát sau, Fuyuko nói tên tôi. Hình như bên kia hỏi tên nhà văn. Tôi không nổi tiếng, chắc gì người ta đã biết. Mà đã vậy dễ họ sẽ từ chối mất thôi. Tôi hơi lo lắng.

Nhưng gương mặt Fuyuko lại rạng rỡ hẳn như xua tan nỗi bất an trong tôi.

“Vậy ạ? Xin cô đợi cho một lát.” Cô che lòng bàn tay lên ống nghe, nói nhỏ với tôi. “Họ bảo hôm nay thì được đấy. Hôm nay cậu đi được đúng không?”

“Ừ.”

Rồi Fuyuko chốt thời gian với bên kia. Nghe như họ hẹn một giờ chiều nay ở quầy lễ tân.

“Hình như giám đốc Yamamori biết cậu đấy,” đặt điện thoại xuống, cô vừa giơ tay hình chữ V vừa nói.

“Tớ cũng không biết nữa. Tớ chưa từng nghe đến tên anh ta, hay họ muốn tuyên truyền cho trung tâm thể thao chăng.”

“Nhưng nghe giọng điệu hình như không phải vậy đâu.” 

“Chắc do tớ nghĩ quá.” Tôi hơi cong môi lên.

Từ nhà tôi đến trung tâm thể thao mất khoảng một tiếng đồng hồ, song tôi định rời khỏi nhà từ trưa cho thư thả. Nhưng vừa xỏ chân vào một chiếc giày thì tiếng chuông cửa vang lên.

Tôi mở cửa, một người đàn ông trông khá luộm thuộm vận áo màu xanh tím than ướt sũng mồ hôi đang ung dung đứng đó, nói giọng không mấy niềm nở, “Tôi ở bên chuyển phát đồ ạ.” Hình như chỗ đồ Sachiyo gửi cho tôi đã đến. Tôi cởi chiếc giày đang xỏ ở chân, đi lấy con dấu của mình.

Đồ gồm hai thùng các-tông to gấp đôi thùng đựng quýt. Nhìn cách dán băng dính trên thùng, có vẻ Sachiyo là người cẩn thận.

“Có vẻ nặng nhỉ,” tôi nhìn hai thùng hàng và nói.

“Khá nặng đấy. Toàn giấy tờ thì phải. Giấy tờ nhiều cỡ này thường nặng lắm.”

“Anh bê giúp tôi được không?” 

“Vâng.”

Sau đó nhân viên chuyển phát giúp tôi bê thùng đồ vào trong phòng. Đúng là nặng thật. Như thể nhét toàn cục chì ở bên trong vậy.

Khi vừa chạm tay vào thùng thứ hai, tôi vô tình thấy thứ gì đó chuyển động.

Gì thế nhỉ?

Theo phản xạ, tôi quay mặt ra. Một vật thể nào đó như vừa khuất dạng sau góc rẽ của hành lang.

Tôi ngừng tay, nhìn về hướng đó thì bắt gặp ngay một gương mặt đang nhòm vào nhà mình, rồi thụt lại. Tôi chỉ kịp thấy người đó đeo kính.

“Này anh ơi,” tôi nắm lấy cánh tay người chuyển phát.

“Hình như có ai đang đứng ở góc kia, lúc tới đây anh có thấy ai không?”

“Hả?”

Anh ta tròn xoe mắt nhìn về hướng đó. Và gật đầu kêu lên một tiếng "a" như thể vừa nghĩ ra điều gì.

“Có đấy. Một ông già trông không được bình thường cho lắm. Khi tôi xếp đồ lên xe đẩy, ông ta cứ nhìn chằm chằm vào chỗ đồ. Tôi lừ mắt thì ông ta quay mặt đi ngay.”

“Ông già ư?”

Tôi nhìn lại góc đó một lần nữa, rồi vội vàng xỏ chân vào đôi dép xăng- đan để bên cạnh. Nhưng góc hành lang giờ đã không còn bóng người. Nhìn sang thang máy, thì thấy tín hiệu đang đi xuống.

Tôi quay lại phòng, Fuyuko đang đứng đợi với vẻ mặt lo lắng. 

“Sao rồi?”

“Chẳng có ai cả.”

Rồi tôi hỏi nhân viên chuyển phát về dáng dấp ông già ấy. Anh ta hơi nghiêng đầu.

“Trông ông ta cũng không có gì đặc biệt. Tóc trắng, cao bình thường. Ă n vận khá chỉnh chu với chiếc áo khoác màu nâu nhạt. Có điều lúc ấy chỉ nhìn thoáng qua nên tôi quên mặt rồi.”

Tôi cảm ơn, tiễn anh ta ra cửa, rồi đóng cửa sảnh ra vào lại. 

“Fuyuko không có người bạn nhiều tuổi nào đâu nhỉ.”

Nói ra rồi mới thấy thật là một câu đùa nhạt nhẽo. Fuyuko không trả lời câu hỏi đó, chỉ suy đoán với vẻ nghiêm túc, “Ông ta nhìn gì thế nhỉ?”

“Nhìn chăm chăm vào nhà tớ thế, thì ắt phải có việc gì với tớ rồi.”

Mà tôi cũng chẳng biết có thật ông già ấy nhòm ngó căn hộ của mình không nữa. Cũng có thể ông ta chỉ tình cờ ngang qua đây trong lúc đi dạo thôi. Dù chẳng mấy ai lại đi dạo trên cái hành lang chật hẹp của chung cư thế này cả.

“Thế còn chỗ đồ đạc to đùng này là gì đây?”

Fuyuko chỉ tay vào hai cái thùng các-tông và hỏi, nên tôi cũng giải thích về thứ bên trong thùng. Tiện thể nói luôn việc Niizato Miyuki sẽ đến đây hôm nay. Cô ấy sẽ đến vào buổi tối nên tôi buộc phải về nhà trước lúc đó.

“Vậy là quá khứ của Kawadu Masayuki cất hết trong này nhỉ.”

Fuyuko nói vẻ chân thành. Khiến tôi háo hức muốn mở ngay hai thùng ấy ra, song lỡ hứa với Niizato Miyuki rồi, nên tôi đành nhẫn nhịn. Với lại, cũng đến giờ tôi phải đi rồi.

Lúc rời khỏi nhà, bước vào thang máy, tôi nghĩ bụng biết đâu ông già đó không phải nhìn ai, mà là nhìn đống đồ được chuyển tới nhà tôi?

Trên đường tới trung tâm thể thao, Fuyuko nói cho tôi biết vài thông tin về giám đốc Yamamori Takuya. Cô ấy bảo phải nắm được đôi chút về đối phương không thì hỏng hết việc, nên sáng nay đã gấp rút tìm hiểu.

“Bố vợ Yamamori Takuya là ông Yamamori Hidetaka. Đó là một gia đình trong tập đoàn Yamamori. Vị giám đốc Takuya ấy là con rể.”

Tập đoàn Yamamori lớn mạnh chủ yếu nhờ vào công ty đường sắt, song gần đây họ cũng đã bắt đầu lấn sân sang cả lĩnh vực bất động sản.

“Hồi sinh viên, Yamamori Takuya từng là vận động viên bơi lội, có thời gian còn tập luyện để thi đấu O lympic nữa. Anh ta học ngành khoa học thể thao ở trường đại học, rồi cao học, sau khi tốt nghiệp thì vào làm trong trung tâm thương mại Yamamori. Hồi ấy, trung tâm thương mại này đang chuẩn bị xây dựng trung tâm thể thao, cần nhiều nhân viên chuyên ngành, thành thử anh ta mới trúng tuyển. Và anh ta đã làm việc đúng như những gì công ty kỳ vọng. Những ý tưởng và kế hoạch của Takuya đều thành công, dù ban đầu đã lường trước thất bại nhưng trung tâm thể thao đó lại sinh lời lớn.”

Vậy là anh ta không thành công khi là vận động viên bơi lội, nhưng lại hết sức thành đạt với vai trò doanh nhân.

“Năm ba mươi tuổi, anh ta gặp con gái của ngài Yamamori Hidetaka, họ yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên và kết hôn ngay sau đó. Năm sau đấy, trung tâm thể thao tách riêng ra thành Sport Plaza. Tám năm sau, Yamamori Takuya được giao phó việc kinh doanh ở nơi này. Tóm lại anh ta đã được thăng chức làm giám đốc. Chuyện cũng mới xảy ra hồi năm ngoái thôi.”

“Một câu chuyện thành công như bước ra từ trong sách nhỉ,” tôi thẳng thắn phát biểu cảm tưởng.

“Sau khi đảm nhiệm chức giám đốc, anh ta làm việc không biết mệt mỏi. Để quảng bá cho trung tâm, anh ta đi diễn thuyết ở khắp mọi nơi, gần đây còn học để lấy chứng chỉ phê bình thể thao và các vấn đề giáo dục nữa. Người ta kháo nhau anh ta đang muốn lấn sân sang giới chính trị.”

“Tham công tiếc việc thật,” tôi nói.

“Nhưng nghe nói anh ta cũng nhiều kẻ thù lắm.”

Khi đôi mắt cô ánh lên vẻ lo lắng cũng là lúc chuyến tàu điện chở chúng tôi đến nhà ga.

Yamamori Sport Plaza là một tổ hợp được trang bị đầy đủ cả phòng tập gym, phòng tập thể dục thẩm mỹ , phòng thể dục cá nhân, bể bơi trong nhà, lẫn sân tenis. Trên sân thượng của tòa nhà còn có chỗ để tập golf .

Tôi thông báo cuộc hẹn của mình với lễ tân tầng một, cô lễ tân với mái tóc dài bảo chúng tôi lên tầng hai. Tầng hai là khu tập thể dục thẩm mỹ và gym, nhưng sâu bên trong vẫn có văn phòng.

“Giờ mà kinh doanh kiểu thế này là kiếm lời nhất nhỉ,” Fuyuko nói lúc thang cuốn đang đi lên. “Đời sống của nhiều người giờ dư dả rồi. Muốn gì được nấy. Chỉ còn vấn đề làm sao để duy trì sức khỏe và thân hình đẹp thôi. Mà người Nhật mình còn nổi tiếng là không biết cách sử dụng thời gian rảnh nữa. Thành thử những chỗ như này sẽ khiến người ta yên tâm rằng mình đang dùng thời gian một cách hiệu quả.”

“Ra là vậy,” tôi gật đầu thán phục.

Đúng như lời cô lễ tân nói, tầng hai là khu thể dục thẩm mỹ và gym. Mặt sàn rộng song người lại đông như mắc cửi khiến ta không thể cảm nhận được tầng này rộng đến vậy. Ngay trước mặt là một người trung tuổi mập mạp đang chiến đấu cam go với chiếc máy tập nâng cơ ngực, và đối diện đó là một cô đang chạy. Cô quấn khăn trên cổ, miệt mài chuyển động đôi chân, nhưng cơ thể lại không di chuyển chút nào về phía trước. Nhìn kỹ hóa ra cô đang chạy trên băng chuyền lớn, băng chuyền cứ quay tròn tròn, thế nên cơ thể mới không dịch chuyển.

Rồi có cả quý bà mập đang đạp xe. Đương nhiên đây không phải xe đạp bình thường, mà là xe được gắn cố định xuống sàn, chỉ có tấm kim loại đằng trước là quay tròn thôi. Bà cật lực vận động cái chân béo mũm như thể vận động viên của cuộc thi ba môn thể thao phối hợp. Nếu lắp máy phát điện vào cái xe này, dễ sẽ có đủ điện dùng cho cả một tầng.

Băng qua khu toàn người là người, với đầy mùi mồ hôi lẫn hơi thở nóng bức, chúng tôi đến trước phòng thể dục nhịp điệu. Một cửa sổ rất lớn bằng kính gắn ở bên ngoài, từ đó có thể quan sát quang cảnh bên trong. Ba, bốn người phụ nữ mặc áo nịt sặc sỡ đang nhảy theo huấn luyện viên.

“Tớ phát hiện ra việc này thú vị lắm,” tôi vừa đi vừa nói. “Chỗ này giống lớp học ở trường cấp ba quá. Càng những người ngồi gần giáo viên lại càng học giỏi.”

Tôi vừa nhìn phòng tập bên trái, vừa bước đi trên hành lang, cuối cùng cũng thấy một cánh cửa ở phía cuối. Tôi mở cánh cửa đó ra thì thấy có chục cái bàn xếp thành hai dãy, với số lượng người tương đương với số bàn đó, người đang đứng, kẻ đang ngồi. Trên bàn có máy tính, nếu chỉ nhìn qua thì sẽ không biết đây là văn phòng gì.

Trông ai cũng bận rộn, Fuyuko đến chỗ cô gái trông có vẻ điềm tĩnh ngồi ở ngay hàng đầu tiên, thông báo mục đích ghé thăm của mình. Cô khoảng trên dưới hai nhăm tuổi, tóc uốn xoăn nhẹ, mặc áo cánh màu xanh nhạt. Cô gái mỉm cười gật đầu, rồi nhấc ống nghe điện thoại ở bên cạnh, ấn số gì đó. Rất nhanh sau đấy đối phương đã nhấc máy, cô thông báo về việc chúng tôi ghé đến.

Nhưng chúng tôi không được vào luôn. Cô quay sang nhìn chúng tôi, vẻ lo lắng.

“Xin lỗi, giám đốc chúng tôi có việc đột xuất, không thể gặp các vị ngay được. Có lẽ phải mất khoảng một tiếng ạ.”

Chúng tôi quay mặt nhìn nhau. 

“À, với lại…”

Cô ấy e ngại nói tiếp, “Giám đốc cũng nói rằng trong thời gian chờ đợi, mong các vị có thể trải nghiệm cơ sở vật chất ở đây rồi cho ngài ấy biết cảm tưởng ạ.”

“Nhưng chúng tôi chẳng đem theo đồ gì hết.”

Nghe giọng điệu hoảng hốt của tôi, cô ấy gật đầu với vẻ mặt như thể đã hiểu.

“Đồ tập thể dục và quần áo tắm chúng tôi đều chuẩn bị sẵn rồi ạ. Đương nhiên, sau khi dùng xong, các vị có thể mang về.” 

Tôi nhìn Fuyuko, mặt tỏ vẻ khổ sở.

Mấy phút sau, tôi đã tung tăng dưới bể bơi trong nhà. Bộ đồ bơi này thoải mái thật. Đúng là hội viên có khác. Tôi không vục mặt xuống nước vì sợ trôi lớp trang điểm, nhưng chẳng bao lâu sau chúng tôi đã duỗi cả chân lẫn tay mà bơi trong làn nước, quên đi cái nóng bức của ngày hè.

Thay đồ xong, trang điểm lại, đi đến văn phòng thì cô gái ban nãy đã đứng đó tươi cười đón chúng tôi.

“Hai chị bơi thấy thế nào ạ?” 

“Thoải mái lắm,” tôi đáp.

“Ngài giám đốc xong việc chưa ạ?”

“Vâng. Xin mời hai vị đi vào từ cánh cửa đằng kia ạ.”

Cô chỉ tay vào cánh cửa bên trong. Tôi nói cảm ơn, rồi đi về phía đằng ấy.

Tôi gõ cửa, giọng một người đàn ông đáp lại, “Mời vào.” Fuyuko vào trước, rồi tôi theo sau.

“Hoan nghênh hai vị.”

Chính giữa phòng là một cái bàn lớn trông có vẻ đắt tiền, người đàn ông đang ngồi ở bên kia chiếc bàn đứng dậy. Anh ta không cao lắm, bờ vai rộng, thật hợp với bộ vest màu xanh đen. Tóc mái rơi lơ thơ, làn da rám nắng khiến anh ta trông khá trẻ trung, nhưng người này dễ cũng phải trên bốn mươi rồi. Cặp lông mày rậm cùng đôi môi dày mang lại cho người ta ấn tượng về một kẻ hiếu thắng.

“Thành thật xin lỗi. Ban nãy tôi có chút việc đột xuất,” anh ta nói bằng giọng rất vang.

“Không có gì đâu ạ,” tôi đứng ngang hàng với Fuyuko, cúi đầu chào.

Phía bên trái cũng có bàn, một cô gái trẻ vận vest màu trắng đang ngồi ở đó. Có lẽ cô ấy là thư ký. Đôi mắt cô xếch lên như mắt mèo, toát ra vẻ cứng cỏi.

Khi chúng tôi xưng tên, anh ta cũng đưa danh thiếp. Trên đó in dòng chữ

Yamamori Sport Plaza - Giám đốc Yamamori Takuya

“Đây là tác phẩm mới nhất của cô ấy.”

Fuyuko lôi từ trong túi ra quyển sách mới được xuất bản của tôi, đưa cho Yamamori.

“Ra là vậy.”

Anh ta ngắm nghía quyển sách từ đủ các góc như thể đang thưởng ngoạn một bình trà đẹp đẽ, sau cùng là nhìn bìa cuốn sách và gương mặt tôi.

“Lâu lắm rồi tôi mới thấy một quyển tiểu thuyết trinh thám. Ngày xưa tôi cũng đọc Sherlock Holmes, nhưng sau đó thì không đọc gì thêm.”

Tôi không nghĩ ra lời nào để đáp lại nên đành im lặng. Đây không phải cuốn sách khiến tôi tự hào khuyên người ta đọc thử, nhưng bảo người ta đừng đọc thì cũng kỳ quặc.

Ở giữa phòng có bàn tiếp khách, Yamamori Takuya mời tôi cùng Fuyuko ngồi xuống đó. Bộ ghế xô-pha bọc da mang lại cảm giác vô cùng dễ chịu.

“Vậy, ngọn gió nào đã mang các vị tới đây nhỉ?” Yamamori hỏi giọng điềm đạm. Tôi trả lời rằng muốn lấy tư liệu từ trung tâm thể thao để viết sách, nên cần tìm hiểu về các quy định liên quan đến việc vận hành của trung tâm và chế độ hội viên. Câu trả lời này đã được tôi và Fuyuko thống nhất từ trước đó. Bởi nếu đột ngột đề cập đến anh Kawadu thì sẽ bị nghi ngờ ngay.

Tôi nghĩ được gì thì hỏi nấy, về cơ cấu tổ chức, việc vận hành của trung tâm. Yamamori Takuya lịch sự giải thích từng câu hỏi một, thi thoảng còn thêm chút bông đùa. Giữa chừng, cô thư ký bưng cà phê vào, nhưng sau đó thì rời khỏi phòng ngay. Có lẽ cô đã được lệnh phải rời khỏi chỗ ngồi.

Tôi nhấp một ngụm cà phê, lựa lúc thích hợp để đi vào vấn đề chính mà tôi thắc mắc.

“Nhân tiện tôi muốn hỏi, nghe nói gần đây anh có gặp anh Kawadu.”

Trước câu hỏi đường đột, biểu cảm trên gương mặt Yamamori Takuya vẫn không hề thay đổi, anh ta mỉm cười hỏi lại, “Anh Kawadu Masayuki ư?”

“Vâng,” tôi đáp, tôi có cảm giác ánh mắt người này nhìn mình đã thay đổi.

“Cô là người quen của anh Kawadu Masayuki à?” anh ta hỏi.

“Vâng, tôi có quen sơ qua. Mà trong sổ lịch trình của anh ấy có ghi lịch gặp anh Yamamori.”

“Ra vậy,” Yamamori khẽ gật gù. “Anh ấy đã tới đây vào tuần trước, để phỏng vấn.”

Đúng là anh đã đến đây.

“Anh ấy đến phỏng vấn về vấn đề gì vậy ạ?”

“Về những thứ liên quan tới ngành thể thao,” anh ta nói rồi cười khẽ. “Nói đơn giản thì anh ấy đến tìm hiểu xem việc kinh doanh kiểu này thu lời thế nào. Và tôi trả lời rằng không kiếm được nhiều như mọi người nghĩ đâu.”

Yamamori dí dỏm nói, đoạn lấy một điếu Kent từ trong bao thuốc để trên mặt bàn, đưa lên miệng, sau đó dùng cái bật lửa trang trí bằng pha lê cũng đặt trên bàn châm lửa.

“Anh quen biết với anh Kawadu từ trước ạ?”

Anh ta nghiêng đầu, đưa ngón tay út bên trái đang cầm điếu thuốc lên gãi lông mày.

“Đúng vậy. Thi thoảng tôi cũng tập ở phòng gym, và gặp cậu ấy ở đó. Cậu Kawadu là một chàng trai rất được.”

“Vậy trong buổi phỏng vấn ấy, hai người cũng có nói chuyện phiếm chứ ạ?”

“Toàn chuyện phiếm thôi ấy.”

“Anh có nhớ là hai người đã nói chuyện gì không?”

“Toàn chuyện vớ vẩn thôi. Như chuyện về gia đình tôi, hay chuyện kết hôn của cậu ấy. Cậu ấy vẫn còn độc thân đấy, cô biết chứ?”

“Tôi biết,” tôi đáp.

“Vậy à? Lúc đó tôi còn động viên cậu ấy phải nhanh chóng kiếm một cô nào tốt tốt đi.”

Anh ta nói vậy, hít một hơi thuốc thật sâu, rồi vừa thở ra làn khói trắng ngà, vừa cười. Tràng cười vừa dứt, lần này anh ta vặn ngược lại.

“Mà cho tôi hỏi, cô đang làm gì vậy? Viết tiểu thuyết thì đâu cần mấy tư liệu thế này nhỉ.” Anh ta vẫn giữ vẻ mặt điềm tĩnh đó, không chút thay đổi, nhưng tôi nhận ra một tia áp bức xuyên qua ánh mắt sắc lạnh. Tôi cụp mắt xuống tránh ánh mắt ấy trong chốc lát, suy xét lại rồi ngẩng mặt lên.

“Thật ra anh ấy mất rồi.”

Miệng Yamamori há hốc. Rồi hỏi: “Cậu ấy trẻ thế mà. Cậu ấy bị bệnh ư?”

“Không. Anh ấy bị sát hại.”

“Sao cơ?” Anh ta chau mày. “Cậu ấy mất khi nào?” 

“Mới đây thôi.”

“Tại sao lại thành ra cơ sự như vậy chứ?” 

“Tôi không biết,” tôi đáp.

“Một ngày nọ, cảnh sát tới tìm tôi và báo tin rằng anh ấy đã bị sát hại. Anh ấy bị đầu độc, bị đánh vào đầu, và vứt lại trên vịnh như người ta vứt một đống rác.”

Trong phút chốc anh ta dường như không nghĩ ra được lời nào để đáp lại.

Phải mất một lúc lâu, Yamamori mới mở miệng.

“Vậy ư? Tội nghiệp cậu ấy quá. Mới gần đây à? Tôi hoàn toàn không biết gì cả.”

“Chính xác là anh ấy bị sát hại vào buổi chiều hai ngày sau hôm gặp anh Yamamori.”

“Hả?”

“Lúc gặp anh, anh ấy có nói điều gì không?” 

“Điều gì là sao?”

“Kiểu như ám chỉ mình sẽ bị người ta sát hại.”

“Không hề có chuyện đó,” giọng anh ta bỗng cao vút. “Nếu nghe được những lời như vậy, tôi sẽ không để cậu ấy ra về khi chưa hỏi rõ sự tình đâu. Tức là cậu ấy đã nói những lời như vậy ở đâu đó ư?”

“Không, không phải vậy.”

Đôi mắt Yamamori ánh lên những tia ngờ vực.

“Tôi chỉ hơi thắc mắc thôi,” tôi cố mỉm cười. Càng đi sâu vào chuyện này tôi sẽ càng bị nghi ngờ.

Sau đó anh ta mời chúng tôi tham quan trung tâm một lần nữa. Yamamori ấn chuông, gọi thư ký đang ở bên ngoài. Không lâu sau, cô thư ký xinh đẹp đã dẫn một cô gái cùng vào phòng. Chính là cô gái làm việc văn phòng đã giúp đỡ chúng tôi từ nãy tới giờ. Hình như cô ấy được giao nhiệm vụ giới thiệu cho chúng tôi.

“Các cô cứ từ từ tham quan nhé,” Yamamori Takuya nói khi chúng tôi chuẩn bị rời khỏi phòng.

Cô gái đưa cho chúng tôi tấm danh thiếp ghi tên Harumura Shiduko. Tôi và Fuyuko đi theo sau cô tham quan trung tâm.

Tại khu thể dục thẩm mỹ , chúng tôi được giới thiệu cho một người đàn ông trên dưới ba mươi tuổi đang làm huấn luyện viên trưởng ở đây, tên I shikura. I shikura trông như vận động viên thể hình, mà có khi đúng là vậy thật, với cơ bắp cuồn cuộn. Đã vậy anh ta còn mặc một chiếc áo phông mỏng tang như để khoe ra chỗ cơ ấy. Anh ta dường như cũng rất thành công trong việc gây dựng hình tượng người đàn ông với gương mặt ngọt ngào đúng gu của mấy cô trung tuổi, cùng mái tóc cắt ngắn mang lại vẻ gọn gàng.

“Cô đến lấy tư liệu để viết tiểu thuyết trinh thám à?”

Ishikura thẳng thừng ném cái nhìn dò xét về phía chúng tôi.

“Tôi rất vui nếu được đọc truyện cô viết, nhưng truyện về huấn luyện viên bị sát hại thì chắc tôi xin phép.”

Tôi chẳng thấy vui vẻ gì, song dường như anh ta rất hài lòng với câu đùa của mình, còn phá lên cười hết mực vô duyên.

“Anh Ishikura là em trai của giám đốc.”

Sau khi rời khỏi sàn tập thể dục thẩm mỹ và gym, Shiduko mới nói với chúng tôi như vậy.

“Anh ta hình như cũng xuất thân từ trường thể thao đấy.”

Tức họ thời độc thân của Yamamori Takuya là I shikura à. Anh em nhà I shikura hẳn phải rất khôn khéo khi ở dưới trướng gia tộc Yamamori.

Trên đường đi tới sân tập tennis trong nhà, chúng tôi gặp hai người phụ nữ đang đi ngược hướng, Shiduko chào hỏi hai người ấy.

Đó là một phụ nữ trung tuổi cùng một cô gái nhỏ nhắn, trông như học sinh trung học. Có lẽ họ là mẹ con. Người phụ nữ mặc váy liền thân màu đen, trông cực kỳ quyền quý. Chị ta đeo cặp kính râm to hơn cả mặt, mắt kính màu tím nhạt. Gương mặt cô con gái trắng trẻo, đôi mắt trong veo, đang nhìn về phía lưng người phụ nữ nọ.

Người phụ nữ vừa chỉnh lại gọng kính, vừa hỏi Shiduko, “Anh Yamamori có ở trong phòng không?”

“Có ạ,” Shiduko đáp. 

“Thế à.”

Người phụ nữ khẽ gật đầu, sau đó đưa mắt nhìn chúng tôi. Tôi và Fuyuko cũng cúi đầu chào, nhưng đối phương chỉ im lặng, nhìn Shiduko.

“Dạ thưa bà, hai vị đây là…”

Shiduko vội vàng giới thiệu hai chúng tôi. Nhưng chị ta chẳng buồn thay đổi biểu cảm, chỉ đáp lại bằng giọng thờ ơ, “Cô vất vả rồi.”

“Đây là phu nhân của giám đốc,” Shiduko giới thiệu chị ta với chúng tôi. Tôi đã đoán trước, nên chẳng ngạc nhiên, chỉ đại diện nói mấy câu cho phải phép.

“Giám đốc Yamamori đã rất thân thiện với chúng tôi.”

Chị ta không đáp lại, chỉ nhìn Shiduko và hỏi như để xác nhận lại lần nữa.

“Anh ấy ở trong phòng nhỉ?”

Đoạn tóm tay phải cô con gái, quàng vào tay trái mình, nói nhỏ, “Đi thôi con.” Cô con gái gật đầu.

Chị ta chậm rãi bước đi, cô con gái cũng theo sau. Hai người đó đi đến hành lang.

Chúng tôi nhìn theo họ, sau đó đi tiếp.

“Tiểu thư đó tên là Yumi,” Shiduko nói bằng giọng e dè.

“Đó là con gái của giám đốc Yamamori à?” Tôi hỏi, cô liền gật đầu.

“Từ lúc sinh ra mắt cô ấy đã bị tật… Không hẳn là không nhìn thấy gì, nhưng dù đã phẫu thuật nhiều lần, thị lực vẫn không cải thiện.”

Tôi không nghĩ ra lời nào để đáp lại nên đành im lặng. Fuyuko cũng chẳng mở miệng.

“Nhưng giám đốc bảo tiểu thư không được nhốt mình trong phòng, nên một tháng, cô ấy lại đến trung tâm vài lần để vận động.”

“Vì cô bé chịu thiệt thòi nên ông Yamamori lại càng yêu quý con hơn để bù đắp nhỉ,” Fuyuko nhận xét.

“Có lẽ chúng ta nên dừng nói về chuyện này ở đây,” giọng Shiduko như chứa đầy sức mạnh.

Không lâu sau chúng tôi đã tới sân tennis. Có hai phần sân chơi, mấy cô mặc quần soóc ngắn đang luyện tập đánh bóng với huấn luyện viên. Huấn luyện viên trông có vẻ bận rộn, vì không chỉ mỗi đánh bóng, người này còn liên tục bình luận mấy câu kiểu “Cú đánh đẹp lắm”, “Dùng thêm cả đầu gối đi”.

“A, tôi xin phép một chút,” Shiduko nói với chúng tôi, rồi chạy ra phía hành lang. Tôi nhìn theo, thì thấy một người đàn ông mặc quần áo bảo hộ đang dựa vào xe đẩy đợi cô ấy. Đó là một người to lớn, đeo cặp kính viền vàng trên gương mặt đen sì. Bộ ria mép dưới mũi khiến tôi càng chú ý. Khi cô ấy đến nơi, người đàn ông quay mặt về phía này và nói điều gì đó. Shiduko cũng vừa đáp lại, vừa liếc qua chỗ chúng tôi.

Không lâu sau đó, cô quay lại. “Xin lỗi hai vị.”

“Nếu cô bận việc thì chúng ta dừng ở đây cũng được,” Fuyuko nói, nhưng cô ấy xua tay.

“Không có gì đâu ạ.”

Tôi nhìn người đàn ông mặc đồ bảo hộ. Anh ta đang đẩy cái xe đi trên hành lang. Rồi khi anh ta quay lại nhìn, mắt chúng tôi chạm nhau. Anh ta hốt hoảng nhìn sang hướng khác, nhanh chóng đẩy xe đi.

Sau đó nhờ Shiduko hướng dẫn, chúng tôi tới tham quan sân tập chơi golf , nhận rất nhiều tờ rơi, rồi mới rời trung tâm. Shiduko tiễn chúng tôi ra tận cửa.

II

Trên chuyến tàu điện ngầm trở về nhà, chúng tôi trò chuyện về cuộc viếng thăm trung tâm thể thao Yamamori.

“Tớ không dám khẳng định, nhưng hình như Yamamori Takuya có vẻ hơi khác thường nhỉ,” tôi nhận xét. “Kiểu như anh ta biết điều gì đó, và cố che giấu điều ấy vậy.”

“Nghe giọng điệu thì hình như anh ta không biết chuyện anh Kawadu bị sát hại,” Fuyuko tiếp.

“Nếu thế thì lạ quá. Dù không thân thiết, cũng không lý nào lại không biết chuyện một hội viên của trung tâm mình bị giết hại cả.”

Fuyuko thở dài thay cho câu trả lời, rồi lắc đầu hai, ba lần. Đó là biểu cảm khi cô không thể đưa ra ý kiến nào cả.

Đương nhiên tôi cũng vậy.

Tạm biệt Fuyuko, tôi quay lại căn hộ của mình, đúng lúc chiếc điện thoại đặt ở góc làm việc đang reo. Vội vàng nhấc ống nghe, từ đầu dây bên kia vọng lại giọng nói chừng như tôi đã nghe ở đâu đó.

“Tôi là Niizato,” đầu dây bên kia nói.

Tôi gật đầu, đáp “Vâng.” Nhìn đồng hồ thì còn khá lâu mới đến giờ hẹn.

“Thật ra tôi không cần mượn tài liệu của anh Kawadu nữa.” Giọng cô như thể đang bực tức điều gì đó.

“Nghĩa là…”

“Hôm nay tôi đi tìm hiểu chuyện khác, tình cờ tìm thấy tài liệu mình cần. Xin lỗi vì đã làm phiền cô.”

“Vậy là cô sẽ không đến chỗ tôi nữa đúng không?” 

“Vâng.”

“Vậy tôi mở thùng ra được chứ?” 

“Vâng. Thành thật xin lỗi cô.”

“Tôi hiểu rồi,” nói đoạn tôi dập máy, và nhìn hai cái thùng các-tông đặt trong góc phòng. Chúng được đặt cạnh nhau ngay ngắn như hai anh em sinh đôi thân thiết vậy.

Tôi cởi đồ, thay sang bộ áo nỉ, rồi lấy một lon bia trong tủ lạnh ra uống. Ngồi xuống xô-pha, tôi ngắm nghía mấy thùng các-tông. Bên trên thùng các-tông có lẽ là mua của công ty vận chuyển in dòng chữ nổi bật Nếu muốn chuyển đồ, hãy gọi theo số xx.

U ống được nửa lon bia, tôi bỗng nhận ra một điểm lạ. Hai cái thùng tưởng chừng giống hệt nhau lại khác nhau một chút.

Đó là ở cách đóng gói.

So với thùng còn lại, thùng kia dán băng dính nhăn nhúm, trông thật cẩu thả.

Lạ thật đấy, tôi nghĩ.

Khi mấy thùng này được chuyển đến đây vào sáng nay, tôi vẫn nhớ cảm giác an tâm của mình với cách đóng gói cẩn thận thể hiện tính cách của Kawadu Sachiyo. Băng dính dán thẳng băng như căn bằng thước kẻ. Cả hai thùng đều như vậy, chắc chắn là thế.

Tôi uống cạn lon bia, rồi đi về phía hai thùng các-tông, cẩn thận xem xét chiếc thùng được dán băng dính một cách tạp nham. Nói xem xét cho hay, chứ thật ra tôi chỉ nhìn chăm chăm xung quanh thùng thôi.

Chỉ quan sát không thì cũng chẳng biết được gì cả, nên tôi quyết định bóc băng dính, mở thùng ra. Đồ bên trong nào sách, sổ, bút ký để lộn xộn như bị quăng vào thùng.

Tôi để nguyên thùng đó như vậy, mở nốt thùng còn lại. Đúng như tôi nghĩ, bên trong thùng này được sắp xếp rất gọn gàng. Giống như cách dán băng dính, cách sắp xếp này cũng thể hiện tính cách cẩn thận của Sachiyo.

Tôi lấy chai bourbon từ trong tủ, ném mình xuống ghế xô-pha. Rồi rót rượu vào ly, uống ực một hơi. Trái tim từ nãy vẫn đập loạn lên của tôi tạm thời đã bình tĩnh lại.

Khi định thần rồi, tôi với tay nhấc ống nghe, ấn số. Chuông reo ba lần, đầu bên kia nhấc máy.

“Hagio xin nghe,” là giọng của Fuyuko. 

“Tớ đây,” tôi nói.

“À, có chuyện gì không?” 

“Gay rồi.”

“Sao vậy?”

“Hình như có kẻ đột nhập vào nhà tớ.”

Fuyuko chừng như nín thở, một lúc lâu sau mới nói. “Có bị mất trộm thứ gì không?”

“Có.”

“Mất gì vậy?”

“Tớ không biết.” Tôi vẫn áp ống nghe bên tai và lắc đầu. “Nhưng có lẽ là một thứ quan trọng.”

III

Ngày hôm sau, tôi đến nhà xuất bản mà Fuyuko đang làm việc để gặp biên tập viên Tamura - người tôi đã gặp ở đám tang. Đương nhiên người sắp xếp buổi gặp này là Fuyuko.

Chúng tôi gặp nhau ở sảnh của nhà xuất bản, rồi ba người cùng đi đến quán cà phê gần đó.

“Cô muốn biết về cô Niizato ư?”

Tamura khựng cánh tay đang nâng cốc cà phê, mở to đôi mắt đầy thiện cảm.

“Vâng, xin hãy cho tôi biết về cô ấy.”

“Nhưng mà bản thân tôi cũng không biết rõ lắm về cô ấy đâu. Tôi phụ trách anh Kawadu, chứ không phụ trách cô Niizato.”

“Anh cứ nói những điều anh biết thôi cũng được ạ,” Fuyuko ở bên cạnh nói chen vào. Ban đầu, người đề xuất việc nói chuyện với Tamura là cô ấy.

Hôm qua, sau khi gọi điện cho Fuyuko, tôi đã kiểm tra và thấy đồ đạc của mình không bị mất mát gì cả. Sổ tiết kiệm lẫn số tiền mặt ít ỏi vẫn còn nguyên. Dấu vết của kẻ đột nhập chỉ lưu lại ở phần đóng gói thùng các- tông.

“Chắc hắn không nghĩ tớ lại nhớ cách đóng gói. Trông thế này thôi, chứ tớ quan sát tỉ mỉ lắm đấy,” khi nhận ra sự thay đổi trên thùng các-tông, tôi đã nói với Fuyuko như vậy.

“Cậu tài thật,” cô thán phục.

“Tức là tên hung thủ kia chỉ muốn lấy mấy thứ trong thùng các-tông nhỉ. Thế cậu có nghĩ ra manh mối gì không?”

“Tớ chỉ nghĩ đến duy nhất một điều thôi.”

Khi biết chỗ tài liệu của anh Masayuki bị xáo trộn, điều đầu tiên hiện lên trong đầu tôi là Niizato Miyuki - người vừa gọi điện thoại đến cho tôi ngay trước đó. Hôm trước, cô ta xông xáo muốn xem chỗ tài liệu đến vậy, mà đột nhiên lại gọi điện nói không cần nữa. Đương nhiên là tôi sẽ thấy lạ.

“Nghĩa là cô ta đã lấy cắp ư?” Fuyuko ngạc nhiên.

“Dĩ nhiên tớ không thể khẳng định. Nhưng lời nói và hành động của cô ta ngay từ đầu đã rất lạ rồi. Để lấy được chỗ tài liệu đó mà cô ta đã cất công tới dọn dẹp nhà anh Kawadu…”

“Nhưng cậu đã hứa sẽ cho cô ta chỗ tài liệu ấy rồi mà? Cần gì phải lấy cắp nữa chứ?”

“Nghiêm túc mà nghĩ thì đúng là như vậy,” tôi ngập ngừng, rồi dứt khoát nói. “Nhưng nếu chỗ tài liệu đó là thứ cô ta không thể cho người khác thấy thì sao? Nên cô ta mới lén lút lấy cắp nó.”

“Không thể cho người khác thấy?”

Fuyuko lặp lại lời tôi nói, ngẫm nghĩ một lúc lâu rồi mở to đôi mắt hình hạnh nhân.

“Cậu đang nghi ngờ cô ta giết anh Kawadu đấy à?”

“Cực kỳ nghi ngờ là đằng khác,” tôi thẳng thừng nói. “Nếu như giả thuyết của tớ đúng, thì ta hoàn toàn có thể nghĩ rằng anh Kawadu bị giết vì biết bí mật nào đó của cô ta.”

“Ra là cậu suy luận như vậy à?” Fuyuko khoanh tay, lại nhìn vào trong thùng các-tông.

“Nhưng lập luận cô ta đột nhập vào đây của cậu vấp phải hai bức tường lớn đấy. Một là làm sao cô ta biết trưa nay cậu đi vắng? Hai là cô ta vào trong bằng cách nào? Cậu đã khóa cửa cẩn thận đúng không?”

“Ừ, đây là phòng kín,” tôi đáp.

“Vậy phải làm rõ điểm đó. Có lẽ cậu nên tìm hiểu đôi chút về cô Niizato ấy.”

“Cậu có cách gì không?” 

“Có chứ.”

Rồi cô ấy nhắc đến cái tên Tamura.

Nhưng câu chuyện của Tamura không hề kích thích sự tò mò của tôi.

Chuyện Niizato Miyuki là một nhiếp ảnh gia hoạt động trong nhiều lĩnh vực thì tôi thừa biết rồi, đó không phải điều tôi muốn hỏi.

“Tôi muốn hỏi về công việc mà cô ấy và anh Kawadu đã làm chung với nhau,” tôi nói thẳng. “Họ đã cùng làm ký sự để đăng lên các tạp chí nhỉ?”

“Đúng vậy. Nhưng như tôi đã nói, việc đó chẳng bao lâu sau thì bị gián đoạn.”

“Đúng là khi gặp ở đám tang, cô ta thừa nhận rằng mình và anh Kawadu có nhiều điểm khác biệt.”

Lời nói của cô ta khiến tôi lưu tâm, nên vẫn còn nhớ rõ. 

“Quả là cô ấy có nói vậy.” Tamura hình như cũng nhớ.

“Hay cô ấy muốn nói đó là lý do khiến việc kia bị ngừng lại?”

“Không phải vậy đâu.” Tamura ngồi ngay ngắn lại trên ghế, người hơi nhoài về đằng trước. “Nội dung của những bài ký sự ấy không hề tệ. Phản hồi của độc giả cũng tốt. Nhưng khi họ đến lấy tư liệu ở đảo Y lần nào đó, thì đã gặp tai nạn. Cả anh Kawadu lẫn cô Niizato. Hình như sự khác biệt về quan điểm bắt đầu từ lúc đó.”

“Gặp tai nạn ư?”

Đương nhiên đây là lần đầu tiên tôi nghe đến chuyện này.

“Tai nạn lật thuyền,” Tamura nói. “Tôi nghe bảo một người quen nào đó của anh Kawadu đã lên kế hoạch du lịch đảo Y bằng thuyền. Nhóm Kawadu cũng tham gia chuyến đi ấy, nhưng trên đường đến đảo, thời tiết xấu nên thuyền đã bị lật.”

Tôi không tài nào tưởng tượng nổi tình thế lúc đó. 

“Thiệt hại có lớn không?”

“Có mười một người trên thuyền, một người đã thiệt mạng. Những người còn lại trôi dạt đến hòn đảo hoang gần đó và được cứu sống. Khi ấy anh Kawadu bị thương ở chân, rồi kể từ đấy những bài ký sự cũng bị ngừng lại hết.”

Tôi chưa từng nghe chuyện này.

“Thế anh Kawadu có viết về chuyến đi ấy không? Nó thích hợp để làm tư liệu về tai nạn hơn là ký sự nhỉ,” Fuyuko lên tiếng.

“Anh ấy không viết,” Tamura thì thào đáp. “Bên nhà xuất bản có nhờ anh ấy viết bài, nhưng anh ấy từ chối. Hình như anh ấy lấy lý do là lúc đó mình đã bị mất ý thức, nên không nhớ được gì nhiều. Mà có lẽ bản thân anh ấy cũng không muốn đăng chuyện mình gặp nạn lên báo.”

Vô lý quá, tôi nghĩ. Một khi làm nghề viết lách, không ai lại bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời này cả, cho dù bản thân mình là người gặp nạn. Trước tiên là chẳng cần đi lấy tin mà đã có cơ hội trải nghiệm, lại có thể viết ra tiếng nói chân thực của bản thân.

“Tóm lại là do tai ương lần đó, nên chuỗi ký sự đã bị ngừng lại.”

Không phải việc của công ty mình có khác, Tamura nói với tâm trạng vô cùng thoải mái.

“Nhân tiện cho tôi hỏi, tour đi biển này do công ty du lịch nào tổ chức vậy?”

Tamura nhẹ nhàng đáp lại câu hỏi của tôi, “Không phải tour của công ty du lịch đâu. Nghe đâu là kế hoạch du lịch của một trung tâm thể thao ở trong thành phố. Tên trung tâm đó là gì thì tôi quên mất rồi.”

“Lẽ nào,” tôi liếm môi, “là Yamamori Sport Plaza ư?”

Lập tức Tamura gật đầu, mặt anh ta như thể vừa gỡ được cái xương dăm mắc trong răng hàm.

“Đúng rồi, hình như là cái tên đó.”

“Ra là vậy,” tôi và Fuyuko nhìn nhau.

Sau đó chỉ mình Tamura quay về công ty, còn tôi và Fuyuko vẫn nán lại quán cà phê, gọi thêm ly nữa.

“Tớ lại thắc mắc điểm này,” tay chống cằm, tôi nói.

“Trước khi bị sát hại, anh Kawadu đã gặp Yamamori Takuya. Anh ấy còn cùng Niizato Miyuki tham gia chuyến du lịch bằng thuyền của Yamamori Sport Plaza.”

“Ý cậu là có bí mật gì đó trong vụ tai nạn ấy?” 

“Tớ không biết nữa,” tôi lắc đầu.

“Nhưng nếu đúng vậy, thì có khi nào chỗ tài liệu bị đánh cắp trong nhà tớ là viết về vụ tai nạn ấy không? Và thứ Niizato Miyuki muốn cũng là tài liệu ấy.”

“Và anh Kawadu bị giết hại là vì những điều viết ở trong đấy.”

“Việc đó xét cho cùng chỉ là suy đoán của tớ thôi. Fuyuko là người hiểu rõ nhất những suy đoán nóng vội của tớ mà.”

Trước sự lém lỉnh của tôi, Fuyuko chỉ cười rồi lại ngay lập tức đăm chiêu.

“Nghĩa là những bí mật của vụ tai nạn đó liên quan đến Niizato Miyuki nhỉ.”

“Không chỉ mỗi cô ta đâu,” tôi bắt tréo chân, và khoanh tay lại. “Anh Kawadu đã gặp Yamamori Takuya, nên tớ nghĩ anh ta cũng liên quan gì đó.”

“Không phải anh ta bảo đó chỉ là cuộc phỏng vấn bình thường à.”

“Vì anh ta đang che giấu điều gì đó,” tôi tạm ngừng lời, rồi lại tiếp tục. “Có lý do khiến họ phải che giấu.”

“Họ là ai cơ?”

“Điều đó thì vẫn còn là ẩn số,” tôi thẳng thừng.

Hôm đó, lúc trở về căn hộ, tôi vội vàng lật ngược thùng các-tông lên, kiểm tra xem suy đoán của mình có chính xác không. Những tài liệu liên quan đến ký sự mà anh Kawadu thực hiện vào năm ngoái hầu hết đều nằm trong hộp, riêng tài liệu liên quan đến chuyến đi biển ấy thì dù tôi có tìm thế nào cũng không thấy.

Chuyến đi ấy đã xảy ra chuyện gì đó ngoài việc họ gặp phải tai nạn, và có người không muốn chuyện ấy được công bố. Niizato Miyuki cũng là một trong số những người đó.

Vấn đề là làm cách nào để tìm ra được điều ấy, tất nhiên tôi và Fuyuko đã quyết định phương án hành động.

Trước bữa tối hôm ấy, Fuyuko gọi điện cho tôi. Giọng cô nghe như đang phấn khích, dù không quá nhiều.

“Tớ hẹn được Niizato Miyuki rồi đấy.”

“Cậu vất vả quá,” tôi cảm kích. “Cậu viện lý do gì vậy?” 

“Tớ nói sự thật thôi. Rằng muốn hỏi về anh Kawadu.” 

“Cậu có thấy cô ta đề phòng không?”
 

“Nói qua điện thoại nên tớ không rõ lắm.” 

“Thế à?”

Giờ chỉ cần tìm cách để cô ta nói ra sự thật. Ánh mắt kiên cường của cô ta hiện lên trong đầu khiến tôi hơi nản lòng.

“Hai đứa mình hiệp sức dồn ép biết đâu cô ta lại nói.”

Nghe tôi nói vậy, Fuyuko đáp lại bằng giọng trầm ngâm, “Thế không được đâu.”

“Sao lại không được?”

“Vì cô ta đã ra điều kiện. Rằng chỉ muốn gặp một mình cậu thôi.” 

“Mình tớ ư?”

“Ừ. Đó là điều kiện của cô ta.” 

“Cô ta có ý đồ gì vậy?”

“Tớ không biết. Chắc cô ta nghĩ nếu một mình cậu đến thì có thể tin được.”

“Nhẽ nào lại vậy?”

“Tóm lại đó là yêu cầu của cô ta.”

“Hừm…” Tôi vẫn cầm ống nghe, mải nghĩ ngợi xem rốt cuộc việc này là thế nào. Hay Niizato Miyuki sẽ nói cho tôi nghe về bí mật đó nhỉ?

“Tớ hiểu rồi,” tôi nói với Fuyuko. “Tớ sẽ đi một mình. Thời gian và địa điểm thế nào vậy?”

IV

Ngày hôm sau, tôi rời khỏi nhà sớm để tránh bị muộn giờ hẹn. Chúng tôi hẹn gặp nhau ở quán cà phê trong khu Kichijoji lúc hai giờ. Nghe Fuyuko nói căn hộ của Niizato Miyuki ở gần khu ấy.

Không gian quán vô cùng yên tĩnh với những chiếc bàn gỗ tự đóng mộc mạc xếp ngay ngắn. Chính giữa quán đặt một cái cây bằng nhựa trông hơi lạc quẻ. Á nh sáng mờ mờ, đúng là một nơi thích hợp để thong thả nói chuyện.

Cô phục vụ mặc váy bó màu đen cùng bộ tóc tém lại gần chỗ tôi, tôi gọi trà quế.

Tôi có thói quen bỏ đồng hồ vào trong túi xách chứ không đeo, nên phải nhìn quanh quán tìm đồng hồ xem giờ. Trên tường treo một chiếc đồng hồ kiểu cổ, kim đồng hồ chỉ gần hai giờ.

Cô bé phục vụ mang trà đến, khi tôi nhấp được hai, ba ngụm thì đồng hồ vừa điểm đúng hai giờ.

Tôi ngắm vật dụng trong quán, thêm năm phút nữa trôi qua, nhưng Niizato Miyuki vẫn chưa xuất hiện. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành vừa nhấp từng chút trà, vừa nhìn ra phía cửa ra vào. Đến khi cốc trà đã hết nhẵn, kim đồng hồ chỉ thêm mười phút nữa, vẫn không thấy bóng dáng Miyuki đâu.

Tôi bắt đầu có linh cảm chẳng lành.

Tôi đứng dậy, đến chỗ chiếc điện thoại ở quầy tính tiền, bấm số điện thoại của Miyuki mà Fuyuko đã cho tôi. Chuông điện thoại reo hai, ba lần. Nghĩ chắc không ai nhấc máy, tôi toan gác ống nghe thì đúng lúc ấy điện thoại được kết nối.

“A lô”, là giọng một người đàn ông.

“Đây có phải nhà cô Niizato không ạ?” Tôi căng thẳng hỏi. 

“Đúng rồi,” người đàn ông đáp. “Cô là?”

Tôi xưng tên mình, rồi hỏi xem Niizato có nhà không. Người đàn ông im lặng một lát, rồi nói bằng giọng vô cảm, “Rất tiếc, cô ấy mới qua đời rồi.”

Lần này tới phiên tôi im lặng. 

“Cô có đang nghe không đấy?”

“À vâng… Xin hỏi anh nói cô ấy mất rồi, chuyện là thế nào vậy ạ?”

“Cô ấy bị giết,” người đàn ông tiếp tục. 

“Họ vừa mới tìm thấy thi thể cô ấy xong.”


 


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play