Trên đường trở về ký túc xá tôi nhận được tín nhắn gửi đến từ Giang Giai, nội dung rất đơn giản, thậm chí giống như bị bọn buôn người bắt cóc ép gửi đi, tôi còn tưởng đâu Giang Giai lại thất tình rồi.

"Tư khảo*"*Thi tư pháp

Tôi xem tin nhắn xong nghĩ mãi mà không ra tại sao Giang Giai lại đột ngột đi thi tư pháp như vậy.

Không phải thời gian trước em ấy nói đã tìm được việc làm rồi sao, chẳng lẽ công việc đã xảy ra vấn đề gì nên ẻm bật sếp rồi quyết định đổi nghề?

Không sợ cô mắng sao?

Tôi cũng không lòng vòng mà hỏi thẳng.

Hai tay ấn xuống chín bàn phím của chiếc điện thoại di động, dựa vào chút ánh sáng le lói từ giao lộ mà gõ từng chữ.

"Sao đột nhiên lại muốn đi thi?"

Gửi xong tôi bỏ điện thoại lại vào túi rồi chạy về ký túc xá, trong phòng có chiếc lò sưởi điện nhỏ, tôi thoải mái nằm trên giường và đưa tay qua sưởi.

Ngoài trời đã tối đen, chỉ có ánh đèn của khu ký túc xá đối diện vẫn còn sáng, qua cửa sổ vẫn có thể nhìn thấy những cành cây thưa thớt đang đung đưa trong gió.

Xung quanh yên tĩnh, chỉ có những vì sao đang trộm nhìn cuộc sống của tôi qua ô cửa sổ nhỏ. Noi theo chiếc đèn ngủ nhỏ trên đầu giường, tôi nhìn vào cuốn sách đang mở nhưng suy nghĩ đã sớm bay xa về quê nhà.

Có lẽ chẳng bao lâu nữa tôi sẽ phải rời xa thành phố sầm uất này, rời bỏ nơi đầy rẫy những tòa nhà cao tầng nhưng mãi mãi không bao giờ có chỗ thuộc về tôi.

Trở về một thị trấn nhỏ ở phía Tây Bắc và trải qua cuộc sống bình thường ở nơi đó.

Trong lòng tôi luôn có những cảm xúc phức tạp, khó nói thành lời, chỉ thấy tim như bị tắc nghẽn. Lúc đó liều mạng vượt qua kỳ thi, giờ đây lại lựa chọn trở về, bố mẹ sẽ nghĩ như thế nào? Còn bản thân tôi nữa, sẽ cam tâm cứ như vậy rời đi sao?

Không thể nào biết được.

Khi đang suy tư, âm thanh tin nhắn đến trên điện thoại lại vang lên.

"Thi thử chơi"

Tôi im lặng nhìn vỏn vẹn ba chữ này.

Giang Giai trời sinh tính tình hoạt bát, cá tính lại mạnh mẽ, em ấy hoàn toàn có khả năng nói ra những điều như vậy, nhưng dựa trên giọng điệu thường ngày của ẻm, hẳn nên là "Thi thử chơi nha"

Một lần nữa tôi chắc chắn rằng ẻm rất có thể lại thất tình rồi.

Nhớ tới lần trước Giang Giai thất tình liền chơi trò mất tích, trả lời tin nhắn cũng rất ngắn gọn, tập trung vào trọng điểm, tôi dẹp bỏ nghi hoặc.

Dựa vào đầu giường nghiêm túc gõ chữ, tính hỏi ẻm một chút xem đang xảy ra chuyện gì.

"Sao đột nhiên lại nói chuyện lạnh lùng vậy, em không vui à?"

Lúc tôi định đọc sách tiếp thì một thông báo có tin nhắn mới lập tức vang lên.

"?"

Không hiểu Giang Giai đang nghĩ gì, là không muốn kể với tôi sao? Hay là ẻm gặp phải chuyện đau lòng gì đặc biệt khó nói?

Càng nghĩ càng cảm thấy bất thường và hiếu kỳ, tôi bắt đầu lo lắng liệu có phải giây tiếp theo ẻm định tự sát luôn hay không.

Do dự một lúc, cuối cùng tôi cũng nhấn nút gửi tin nhắn đi.

"Có chuyện gì buồn thì hãy nói với chị, nói ra sẽ giúp em dễ chịu hơn, chị sẽ luôn ở bên cạnh em."

Lần này cũng trả lời rất nhanh.

"..."

Khi nhìn thấy tin nhắn này, trong lòng tôi nghĩ là toang rồi. Đối với một người bình thường thích nói nhiều, lần này lại kiệm lời như vậy, lần đầu tiên trong đời cái gì cũng không chịu nói, hình như xảy ra chuyện lớn thật rồi.

Nếu ẻm đã không muốn nói vậy tôi liền chủ động cùng ẻm trò chuyện, thử xem có thể khiến ẻm thay đổi quyết định hay không.

"Em có nhớ mấy ngày trước chị đã nói với em là chị dự định quay về thành phố Ngô Đồng, chờ lấy được bằng tốt nghiệp sẽ về luôn, chị không định ở lại đây nữa."

Giang Giai: "Thành phố Ngô Đồng?"

"Đúng rồi, làm sao vậy?"

Giang Giai: "Không sao"

"Chẳng lẽ em cũng cảm thấy chị nên ở lại đây hả?"

Giang Gia: "Không"

"Chị nói em nghe, thực ra mọi người đều khuyên chị, nói rằng ở đây có nhiều cơ hội, tiền lương lại cao. Khoảng thời gian trước lúc chị đi thực tập, bác sĩ hướng dẫn cũng nói với chị là hi vọng chị sẽ ở lại."

Sau khi lộc cộc gõ và gửi đi, kỳ thật trong lòng tôi có chút buồn.

Tôi nhớ lại những ngày còn ở bệnh viện thực tập. Đồng nghiệp rất hòa đồng, lương cũng khả quan, viện trưởng cũng nói rõ rằng ông ấy muốn tôi ở lại.

Nhưng tôi có chút do dự, sâu trong thâm tâm những đứa trẻ Tây Bắc chúng tôi vẫn mong muốn được trở về quê hương, về nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Trở về mảnh đất ấy tuy rằng cằn cỗi nhưng mỗi nơi đều chứa đựng ký ức, từng điều nhỏ nhặt đều là những dấu vết để khắc ghi.

Đứa trẻ Tây Bắc không sinh ra để rời bỏ Tây Bắc.

Tóm lại trong lòng tôi luôn khó buông bỏ.

Bố mẹ tôi vẫn ở Tây Bắc, họ đã cực khổ nuôi dưỡng tôi lớn lên, theo năm tháng tuổi tác hai người cũng ngày một lớn, em gái tôi vẫn còn đi học nên không có ai ở nhà để chăm sóc họ. Mặc dù bố mẹ tôi đều ủng hộ việc tôi ở lại đây nhưng tôi càng ngày càng lo lắng.

Người lang thang bên ngoài đều khao khát trở về nhà, những người xa quê đều sợ hãi những cuộc điện thoại bất ngờ lúc nửa đêm.

Đối với tôi mà nói, tương lai tươi sáng có thể đạt được, thế nhưng tương lai tươi sáng đã định sẵn là cô đơn, nhất định phải đánh đổi một số thứ và những thứ này tôi không thể chấp nhận được.

Những lời này đã rối bời trong bụng, không ai có thể hiểu được nỗi thống khổ trong lòng tôi, một mặt là tương lai tốt đẹp hơn, một mặt là quê hương mà tôi không thể buông bỏ.

Trong lúc tôi đang ngẩn người thì thông báo có tin nhắn vang lên.

Giang Giai: "Nhiều người khuyên cô ở lại nhưng cô vẫn có ý định rời đi, không phải đáp án đã rõ ràng rồi sao?"

Tôi sửng sờ nhìn chằm chằm vào tin nhắn này.

Tôi nhớ lại ngày nhận được thông báo nhận bằng thạc sĩ.

Bởi vì điều kiện gia đình không tốt lắm, cả gia đình 4 người chỉ dựa vào đồng lương ít ỏi của bố để sống qua ngày, mẹ vẫn đang dưỡng bệnh ở nhà vì tổn thương eo vài năm trước. Em gái cũng còn đang đi học, đúng là độ tuổi cần tới tiền.

Còn tôi, học phí nghiên cứu sinh chắc chắn là rất cao, lúc đó tôi rất đắn đo về việc có nên tiếp tục học nghiên cứu sinh.

Thư thông báo được gửi đến nhà tôi, bố tôi rất vui mừng gặp ai cũng khoe con gái tôi đậu nghiên cứu sinh, mẹ tôi lại càng vui hơn, trực tiếp đi báo tin cho bạn bè cùng hàng xóm của tôi từ nhà này sang nhà khác.

"Đúng đúng đúng, Thiến Thiến nhà chúng tôi đã trúng tuyển vào Đại học D với tư cách là nghiên cứu sinh. Chiều nay đến nhà ăn cơm, chung vui cùng chúng tôi."

Gương mặt bố mẹ tôi tràn ngập niềm vui, mẹ tôi lau mồ hôi rồi vào bếp chuẩn bị nấu ăn.

Chỉ có tôi là người duy nhất miễn cưỡng mỉm cười, vuốt nhẹ đầu em gái vẫn đang chép bài tập kỳ nghỉ đông.

Tôi dọa em gái nếu còn chép bài thì sẽ méc mẹ làm ẻm mếu máo.

Buổi tối, hình như bố nhận ra sự lo lắng của tôi, thỉnh thoảng lại liếc nhìn.

Thực ra tôi luôn cho rằng mối quan hệ giữa bố và em gái tốt hơn.

Tôi không tâm sự nhiều với bố.

Khi tôi còn bé, bố làm việc một mình ở thị trấn, tôi ở với mẹ cho đến khi bố xử lý xong mọi thứ ở thị trấn rồi đón chúng tôi về.

Lúc đó bố tôi mở một tiệm sửa xe nhỏ, ngày nào cũng lấm lem do sửa xe, trên mặt vẫn còn vết dầu máy nhưng ông vẫn luôn mỉm cười. Mỗi khi về đến nhà lau tay xong liền bế em gái đang còn mặc tã lót lên, sợ em khóc ảnh hưởng đến việc học của tôi nên mang em theo đi mua đồ ăn.

Mỗi lần về bố đều mang theo một túi đồ ăn nhỏ, phần lớn là cho tôi, dì hàng xóm luôn nói: "Nhà đó trông nghèo đến đáng thương thế nhưng hai chị em mỗi ngày đều được ăn xúc xích."

Ngay cả trong những ngày tháng khó khăn và gian nan nhất, ở thời đại mà trẻ con cùng thôn còn chưa có khái niệm về sinh nhật thì bố tôi chưa bao giờ bỏ lỡ bất kỳ một sinh nhật nào của tôi.

Thế mà bố mẹ tôi lại không nỡ mua cho mình bộ quần áo mới, những miếng vá trên quần áo của họ càng lúc càng to, tất cả đều là đồ cũ mà họ hàng thân thích không dùng nữa để lại cho.

Nhớ khi đó bên cạnh là nhà hàng xóm điều kiện khá giả, họ có một cô con gái bằng tuổi tôi, cô ấy thường cười nhạo tôi vì ngày nào cũng chỉ có một bộ đồ cũ không bao giờ thay đôi, bố tôi bắt gặp tôi lén lau nước mắt nhưng hề nói gì, vào buổi tối ông đã dẫn tôi đến cửa hàng quần áo...

Dù ngày tháng có khó khăn đến đâu thì bố mẹ tôi vẫn luôn chịu đựng không hề than vãn. Hai người họ không có học vấn gì, cứ như vậy ủng hộ tôi suốt chặng đường đi lên, chưa bao giờ để tôi phải thiếu thốn thứ gì.

Buổi tối lúc bố mẹ ra ngoài, em gái đến bên cạnh tôi thì thầm.

Ẻm bắt chước bố nghiêm túc cau mày, khuôn mặt mập mạp trông khá buồn cười.

"Chị, bố nói vậy nè: Đừng sợ, bố có đập nồi bán sắt cũng có thể nuôi nổi hai chị em con. Con chỉ cần chăm chỉ học hành, những cái khác đã có bố lo."

Em gái cười hì hì nhìn tôi, rõ ràng là không hiểu được ý nghĩa trong lời nói của bố. Giọng nói non nớt, đôi tay nhỏ bám lấy tóc tôi.

Đèn lớn trong nhà đã tắt để tiết kiệm điện, chỉ có chiếc đèn nhỏ trên bàn học của tôi còn sáng, em gái vẫn đang cầm trên tay món đồ chơi mà tôi thường chơi khi còn bé, đột nhiên mũi tôi chua xót.

Tôi ôm lấy em gái, nước mắt làm ướt chiếc yếm nhỏ của em.

Kết cục đã quá rõ ràng, tôi đang yên bình nằm trên giường trong ký túc xá, ngơ ngác nhìn cuốn sách giáo khoa trước mặt.

Cũng giống như nhiều năm trước, tôi đã ngẩn người nhìn chằm chằm vào tờ thông báo trúng tuyển như vậy.

Đúng vậy, tôi còn chần chừ gì nữa? Bố mẹ tuổi tác đã cao, tôi phải gánh vác trách nhiệm, không phải vậy sao?

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play