Dạy học xong, Nhậm Kha lái xe về nhà. Trên đường đi nhận được cuộc gọi từ ông nội dặn cô mua một ít kiwi mang về.
Kiwi?
Ai muốn ăn vậy!
Hồi bé Nhậm Kha bị dị ứng đào, tay vừa chạm phải lớp lông nhung bên ngoài vỏ thì cả người sẽ nổi mẩn, vừa ngứa vừa đỏ.
Quá trình chữa lành lại vừa dài vừa mệt mỏi, thành thử từ đó về sau, Nhậm Kha đã ghét tất cả các loại đào và cả những loại trái cây có lông nhung bên ngoài!
Cả gia đình vì tránh để cô bị dị ứng nên cũng rất hạn chế ăn những loại trái cây đó.
Trong trí nhớ của Nhậm Kha, người thích ăn kiwi, chỉ có một.
Nghĩ đến anh, Nhậm Kha vội lắc lắc đầu.
Không thể nào, hôm qua y tá Tiểu Uyển bảo anh bị thương chân ở đoàn làm phim, đang được chữa trị ở thành phố C.
Đang mải mê suy nghĩ, Nhậm Kha đã dừng xe, đi đến trước cửa tiệm trái cây bên ngoài tiểu khu.
Ông chủ với vóc dáng mập mạp cười thật thà bảo: “Bác sĩ Nhậm đến à! Muốn mua trái cây gì đây? Tự chọn nhé!”
Nói rồi ông ấy đưa một túi nilon cho Nhậm Kha.
Tự… Chọn á?
Nhậm Kha chần chừ nhìn kệ trái cây được sắp xếp gọn gàng, ánh mắt nhìn lướt qua khu vực kiwi không quá đẹp mắt, sắc mặt cô lập tức thay đổi, không hề do dự xua tay lắc đầu.
Ông chủ nhìn cô, buồn bực nghĩ thầm — không mua à?
Đang còn tự hỏi trong lòng thì thấy Nhậm Kha đưa tay tìm ví tiền: “Chú chọn giúp cháu một thùng đi, bỏ vào cốp sau luôn!”
Cô đưa vài tờ tiền giấy hồng hồng đến cho ông chủ, sau đó vội vàng bổ sung: “Ngoài thùng bọc thêm bao cho cháu nhé, cháu sợ bị dị ứng!”
Ban đầu ông chủ vẫn còn mông lung nhưng sau đó vui lắm.
“Được thôi! Một thùng kiwi!”
Nhậm Kha ôm thùng kiwi lên ba tầng, vừa vào nhà đã vội vàng đặt thùng kiwi xuống và nhanh chóng đi rửa tay.
Chốc lát sau khi đã rửa tay sạch sẽ, trong lòng cô cũng nhẹ nhõm hơn nhiều.
Ngờ đâu vừa ngước mắt lên, bác sĩ Nhậm mới bị kiwi hành hạ nội tâm lại tiếp tục bị người đàn ông ngồi trên ghế sofa làm kinh ngạc.
“Sao cậu lại ở đây?” Không phải đang nằm viện ở thành phố C sao?
Nhậm Kha chưa dứt câu đã bị ông nội gõ một phát vào ót: “Sao lại nói chuyện với Đẳng Đẳng như vậy! Càng lớn càng không hiểu chuyện, nói lại đi!”
Nhậm Kha xoa xoa cái gáy mới bị đánh, kêu “ồ” một tiếng. Song trong lòng vẫn nhớ chuyện lần trước anh bắt nạt mình, vẻ mặt cô có phần không vui, uể oải cất lời: “Cậu cũng ở đây à.”
Ông nội Nhậm ở bên cạnh nghe giọng cô có vẻ không vui mừng mấy, bèn kêu lên: “Này” rồi giả vờ đi đến định đánh cô.
Trình Đẳng chợt ngẩng đầu, đưa một chén tỏi đã bóc vỏ sạch sẽ cho ông nội.
“Ông nội.” Khuôn mặt tuấn tú tươi cười, khôn khéo vui mừng hỏi: “Thịt viên của cháu chín rồi ạ?”
Quả nhiên ông nội Nhậm lập tức bị dời sự chú ý, ông “à à” hai tiếng rồi vội vã quay người đi vào lại phòng bếp.
Lúc này trong phòng khách chỉ còn lại hai người Nhậm Kha và Trình Đẳng, bầu không khí có chút lúng túng.
Nhậm Kha sờ sờ mũi, đứng tại chỗ nhìn ngó lung tung, không biết nói gì nên đang định lặng lẽ về phòng.
Chỉ thấy Trình Đẳng bình tĩnh cúi đầu, thản nhiên bóc tỏi tiếp.
Người đàn ông chơi nhạc cụ lâu năm, những ngón tay thon dài với khớp xương rõ nét nhưng cũng không quá gồ lên, tựa như những cây hành trắng trẻo. Chỉ là hành động bóc tỏi nhỏ thôi mà cũng tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp.
Nhậm Kha kìm lòng chẳng đặng nhìn trộm vài lần.
Sau đó cô nghe người ấy bất ngờ lên tiếng: “Xin lỗi, tớ thật sự không biết đi đâu nữa.”
Câu này là để trả lời cho câu hỏi đầu tiên Nhậm Kha hỏi sau khi vào nhà.
— Sao cậu lại ở đây?
— Không ở đây thì tớ không biết có thể đi đâu được nữa.
Từ sau khi ba Trình mất, mỗi ngày lễ hay Tết, phần lớn Trình Đẳng đều ở nhà họ Nhậm.
Trước khi Nhậm Kha đi du học, anh và cô sẽ cùng ăn Tết nghỉ lễ với ông bà nội.
Sau khi Nhậm Kha đi du học, chỉ còn mình anh bầu bạn với hai ông bà cụ, cùng nhớ mong cô.
Nhiều năm trôi qua, anh đã sớm hình thành thói quen như vậy. Nếu không trở về nhà họ Nhậm thì một năm 365 ngày, đối với anh mà nói thì sợ rằng sẽ không có một ngày lễ Tết nào.
Những chuyện này dù Trình Đẳng không nói nhưng Nhậm Kha vẫn có thể đoán được.
Nghĩ thế, cõi lòng cô dần bị bóp chặt thành một cục, tự mắng thầm mình nói chuyện không mất não.
Nghe anh nói vậy, cô cũng không nỡ tức giận anh vì chuyện lúc trước nữa.
Họ đã chiến tranh lạnh hơn một tháng trời.
Bây giờ… Hòa nhau rồi nhỉ?
Cô tự an ủi bản thân.
Cứ thế họ làm hòa một cách khó hiểu.
Cả hai ăn ý không hề nhắc đến chuyện đêm đó nữa.
__
Trước giờ ăn trưa, Dương Chiêu đánh lạc hướng xe phóng viên theo dõi họ, lái lanh quanh ba vòng ở bên ngoài. Sau khi đã thành công cắt đuôi, anh ấy cũng về nhà họ Nhậm ăn sủi cảo.
Nhân sủi cảo do ông nội tự tay làm, trong nhân có thịt heo và hành lá, dùng thịt thuần nạc và trộn thêm ít vỏ quýt, gừng thái vụn để át đi mùi tanh. Vỏ bánh sủi cảo do mẹ Nhậm làm, hai tay bà nhanh nhảu linh hoạt cán bột ra. Ba người trẻ tụm lại gói sủi cảo cũng không đuổi kịp tốc độ cán bột của mẹ Nhậm.
Nhất là Dương Chiêu gói sủi cảo quá xấu, méo mó vặn vẹo, đặt lên thớt gỗ mà không thể đứng thẳng được.
Nhậm Kha nhìn vài lần, bèn kêu một tiếng, chê bai bảo: “Lát nữa anh nấu sủi cảo của anh riêng rồi tự ăn đi nhé.”
Nhậm Kha cong môi cười, chợt nghe Trình Đẳng ở bên cạnh nói thẳng thừng, không hề nể mặt anh em mình.
“Vì sủi cảo anh gói vỏ dày nhân ít, vừa nhìn đã biết không ngon rồi.”
Dương Chiêu: “…”
Ba người đang đùa giỡn thì mẻ sủi cảo đầu tiên nóng hổi đã ra lò.
Ông nội Nhậm bưng đĩa từ phòng bếp đi ra, mùi thơm nhè nhẹ bay theo khiến Dương Chiêu thèm thuồng nhìn chằm chằm.
Anh ấy theo Trình Đẳng vào đoàn làm phim, ăn cơm hộp đã gần hai tháng nay nên rất thèm mùi thịt. Bây giờ ngửi thấy mùi sủi cảo nhân thịt do mình tự tay gói, anh ấy chỉ ước ngay giây tiếp theo được ôm miếng sủi cảo thơm ngon không buông tay mà thôi.
Mẹ Nhậm cán vỏ bánh xong, ngồi một bên nhìn dáng vẻ thòm thèm của anh ấy mà miệng cười toe toét.
“Xem thằng bé này háu ăn kìa, con đi rửa tay trước đi rồi vào ăn cơm.”
Nghe vậy, Dương Chiêu có hơi ngượng ngùng, nhoẻn miệng cười bảo: “Con chờ Nhậm Kha với Trình Đẳng gói xong rồi ăn chung luôn ạ.”
“Không cần.”
Mẹ Nhậm hờ hững xua tay: “Để bọn nó tự gói xong đi, con ăn phần con trước.”
Mẹ Nhậm đã nói vậy rồi nên Dương Chiêu không từ chối nữa. Anh hoan hô một tiếng, chạy thẳng vào nhà vệ sinh.
Khi anh ấy vui vẻ vào bếp bưng sủi cảo thì nghe ông nội Nhậm cười chê: “Này! Thằng nhóc này lại lười biếng à!”
Giọng điệu thân thuộc, xen lẫn yêu thích và cưng chiều dành cho cháu chắt.
Sủi cảo cô gói tuy nhỏ nhỏ nhưng nhân được nhồi rất đầy đủ, đặt trên thớt gỗ hệt như một cậu bé mập mạp trắng trẻo ngoan ngoãn ngồi đó vậy.
“Cậu với Dương Chiêu.” Nhậm Kha nghĩ ngợi, cẩn thận hỏi: “Thường về nhà thăm ông nội lắm à?”
“Ừ.”
“Cảm… Cảm ơn nhiều nhé.”
Sau câu này, Trình Đẳng không lên tiếng nữa khiến bầu không khí bỗng chốc trở nên ngượng nghịu.
Tiếng cười nói ở phòng bếp vang lên càng bộc lộ rõ sự yên tĩnh đến quỷ dị ở nơi này.
Nhậm Kha chớp mắt mấy cái, vô tình lại thổi cọng tóc rơi nơi chóp mũi mình.
Ngay sau đó, Trình Đẳng đứng đối diện dường như cảm nhận được bèn ngước lên nhìn cô hỏi: “Sao vậy?”
“Hả?”
Nhậm Kha ngơ ngác ngẩng đầu: “Gì cơ?”
Thấy cô không hiểu, Trình Đẳng cũng không nói thêm nữa. Anh nhìn cô một lúc, nhanh chóng gói xong hai miếng sủi cảo cuối cùng trong tay rồi giơ tay lên nhẹ nhàng vén vài sợi tóc rủ xuống chóp mũi Nhậm Kha, dắt ra sau tai giúp cô.
Đầu ngón tay ấm áp chạm vào dái tai trắng nõn nhạy cảm khiến Nhậm Kha giật mình, vội tránh ra sau theo bản năng.
Động tác cô hơi mạnh, Trình Đẳng thấy được, bàn tay vừa rút về bên người hơi căng cứng.
Hai người đối mặt nhau, không khí tĩnh lặng trong tích tắc.
Trình Đẳng rời mắt đi trước, cất giọng trầm trầm bình thản bảo: “Đi ăn thôi.”
Nhậm Kha mông lung gật đầu, đợi đến khi anh vào nhà vệ sinh và bên trong phát ra tiếng nước chảy, cô mới bất giác nhận ra mặt mình đỏ như bị lửa nung.
Chỉ một thoáng như vậy mà ánh mắt trở nên dao động.
Cô cúi đầu, định tiếp tục gói sủi cảo nhằm che giấu cảm xúc, ngờ đâu lại phát hiện sủi cáo đã gói xong cả rồi.
Trên mặt thì càng lúc càng nóng, Trình Đẳng lại đang ở trong nhà vệ sinh rửa tay nên Nhậm Kha hết cách đành dùng hơi lạnh từ mu bàn tay để hạ nhiệt cho khuôn mặt.
Tay vừa áp lên mặt, chợt cửa phòng nhà vệ sinh bị đẩy ra từ bên trong. Chàng trai khựng chân giây lát, ngay sau đó đi về phía cô.
Khi đã đến bên cạnh cô, anh dừng bước.
“A Kha.” Giọng người đàn ông hơi kỳ lạ, có phần không hiểu và xen lẫn sự kìm nén để không cười: “Hóa ra tính trẻ con của cậu vẫn chưa mất đi?”
Vừa dứt lời trong phòng bếp lại phát ra tiếng cười lớn hơn.
Nhậm Kha nghe thấy âm thanh cười lớn, chậm rãi ngẩng đầu lên nhìn về gương chỉnh quần áo cách đó không xa.