Tam Thể

23.Hồng Ngạn Phần 5


11 tháng

trướctiếp

Từ khi vào căn cứ Hồng Ngạn, Diệp Văn Khiết đã không nghĩ đến việc có thể ra khỏi đó, sau khi biết được mục đích thực sự của công trình Hồng Ngạn (rất nhiều cán bộ trung, cao cấp trong căn cứ đều không biết thông tin tuyệt mật này), cô cũng cắt đứt luôn cả liên hệ về mặt tinh thần với thế giới bên ngoài, chỉ vùi đầu vào công việc. Từ đó trở đi, cô lại càng tiến sâu vào nhóm nòng cốt kỹ thuật của hệ thống Hồng Ngạn, bắt đầu đảm nhiệm những đề tài nghiên cứu tương đối quan trọng. Lôi Chí Thành vẫn luôn canh cánh trong lòng đối với sự tín nhiệm mà Dương Vệ Ninh dành cho Diệp Văn Khiết, nhưng anh ta vẫn rất sẵn lòng giao các đề tài nghiên cứu quan trọng cho cô. Bởi với thân phận của Diệp Văn Khiết, cô sẽ không có bất cứ quyền lợi nào đối với thành quả nghiên cứu của mình; mà trong căn cứ, chỉ có Lôi Chí Thành là xuất thân từ chuyên ngành vật lý thiên văn, lại còn là chính uỷ đi lên từ thành phần trí thức hiếm gặp thời bấy giờ; như vậy, thành quả và các luận văn của Diệp Văn Khiết cuối cùng đều bị anh ta chiếm đoạt, khiến anh ta trở thành điển hình vừa hồng vừa chuyên trong những cán bộ công tác chính trị của quân đội.
Nguyên nhân ban đầu để Diệp Văn Khiết vào căn cứ Hồng Ngạn, là bài báo khoa học muốn thử nghiệm xây dựng mô hình toán học của Mặt trời mà cô đăng trên tạp chí Vật lý thiên văn hồi còn làm nghiên cứu sinh. Kỳ thực, Mặt trời là một hệ thống vật lý còn đơn giản hơn Trái đất, chỉ do hai loại nguyên tố rất đơn giản là hydro và heli tạo thành, quá trình vật lý của nó tuy rằng rất dữ dội, nhưng lại hết sức đơn giản, chỉ là phản ứng nhiệt hạch của hydro và heli, vì vậy, có khả năng xây dựng một mô hình toán học để miêu tả một cách tương đối chuẩn xác về Mặt trời. Bài báo khoa học đó vốn là một thứ rất lý thuyết, nhưng Dương Vệ Ninh và Lôi Chí Thành lại nhìn ra ở đó hy vọng giải quyết được một vấn đề khó về mặt kỹ thuật của hệ thống giám thính Hồng Ngạn.
Vấn đề nhiễu tín hiệu khi giao hội với Mặt trời luôn gây khó khăn cho công tác giám thính của Hồng Ngạn. Danh từ này mượn từ thuật ngữ của ngành thông tấn vệ tinh vừa mới xuất hiện, nghĩa là Trái đất, vệ tinh và Mặt trời nằm trên cùng một đường thẳng, Mặt trời nằm sau làm nền cho vệ tinh khi nhìn từ ăng ten trên mặt đất, mà Mặt trời lại là một nguồn phát xạ điện từ khổng lồ, lúc này vi sóng từ vệ tinh phát xuống mặt đất sẽ bị bức xạ điện từ của Mặt trời gây nhiễu nghiêm trọng, vấn đề này về sau mãi đến thế kỷ 21 cũng không thể giải quyết được. Vấn đề gây nhiễu tín hiệu mà hệ thống Hồng Ngạn gặp phải cũng tương tự, chỉ khác ở chỗ nguồn gây nhiễu (Mặt trời) nằm ở giữa nguồn phát xạ (ngoài vũ trụ) và thiết bị tiếp nhận. So với thông tấn vệ tinh, thời gian bị gây nhiễu của Hồng Ngạn nhiều hơn, cũng nghiêm trọng hơn. Trên thực tế, hệ thống Hồng Ngạn lại còn thu nhỏ rất nhiều so với thiết kế, hệ thống giám thính và phát xạ dùng chung một ăng ten, điều này khiến cho thời gian giám thính tương đối quý báu, vấn đề nhiễu tín hiệu vì Mặt trời cũng trở thành một vấn đề nghiêm trọng.
Suy nghĩ của Dương Vệ Ninh và Lôi Chí Thành rất đơn giản: tìm ra được quy luật và đặc điểm phổ tần số của sóng điện từ do Mặt trời phát xạ thuộc dải sóng mà họ giám sát, rồi dùng bộ lọc kỹ thuật số lọc nó đi là có thể loại trừ nhiễu. Hai người họ đều là chuyên gia kỹ thuật, ở cái thời người ngoài ngành lãnh đạo người trong ngành này, đây đã là điều cực kỳ hiếm có và đáng quý. Nhưng Dương Vệ Ninh không nghiên cứu vật lý thiên văn, Lôi Chí Thành thì lại đi theo con đường công tác chính trị, không thể nào am hiểu quá sâu về mặt chuyên môn. Kỳ thực, bức xạ điện từ Mặt trời chỉ ổn định trong dải sóng từ tử ngoại cho đến trung hồng ngoại, bao gồm cả ánh sáng nhìn thấy được, còn trên những dải sóng khác, bức xạ của nó luôn hỗn loạn bất định. Diệp Văn Khiết thoạt đầu đã sáng suốt chỉ rõ điểm này trong báo cáo nghiên cứu đầu tiên: trong thời kỳ Mặt trời hoạt động bùng phát dữ dội như khi xuất hiện vết đen, tai lửa, phun trào nhật hoa thì không thể loại trừ tác nhân gây nhiễu. Vì vậy, đối tượng nghiên cứu chỉ giới hạn trong bức xạ điện từ thuộc dải sóng mà Hồng Ngạn giám sát khi Mặt trời hoạt động bình thường mà thôi.
Điều kiện nghiên cứu trong căn cứ cũng rất tốt, phòng Tài liệu có thể tuỳ theo nội dung đề tài nghiên cứu mà chuyển đến các tài liệu thiên văn tương đối đầy đủ, còn cả những tập san khoa học Âu Mỹ rất cập nhật nữa, trong thời đại đó, đây là việc không dễ dàng gì. Diệp Văn Khiết còn có thể thông qua mạng lưới của quân đội liên hệ với hai đơn vị nghiên cứu về Mặt trời ở Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc, có được số liệu quan trắc thời gian thực của họ qua fax.
Nghiên cứu của Diệp Văn Khiết kéo dài nửa năm, hầu như không thấy bất cứ hy vọng thành công nào. Cô nhanh chóng nhận ra, trong phạm vi tần số quan trắc của Hồng Ngạn, bức xạ Mặt trời biến ảo khôn lường. Thông qua phân tích một lượng lớn số liệu quan trắc, Diệp Văn Khiết phát hiện ra một điểm thần bí khiến cô hoang mang không hiểu nổi: có lúc, một dải tần bức xạ xảy ra đột biến nhưng hoạt động ở bề mặt Mặt trời lại yên ả như thường, số liệu của hơn 1000 lần quan trắc đều chứng thực điều này. Cô không sao giải thích được. Bức xạ dải tần sóng ngắn và vi sóng không thể nào đến từ lõi Mặt trời, xuyên thấu qua lớp ngoài dày mấy trăm nghìn kiômét của nó, mà chỉ có thể sinh ra từ hoạt động bề mặt của Mặt trời, khi xảy ra đột biến, lẽ ra có thể quan trắc được những hoạt động đó. Nếu Mặt trời không có hoạt động tương ứng, vậy thì đột biến của bức xạ trong dải tần hẹp này do thứ gì gây ra? Chuyện này khiến cô càng nghĩ càng cảm thấy thần bí.
Nghiên cứu đã đi vào ngõ cụt, Diệp Văn Khiết quyết định bỏ cuộc.

........(Còn tiếp ...)

Vui lòng đọc tiếp đầy đủ trên ứng dụng truyện TYT (iOS, Android).
Trải nghiệm nghe truyện audio, tải truyện đọc offline, đặc biệt hoàn toàn miễn phí.


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp