Trước ngày khai giảng, Chu Hoành Viễn và Trịnh Minh Khôn cùng nhau ăn một bữa KFC. Dù cả hai đều đậu thực nghiệm tỉnh nhưng lại học khác lớp, cách nhau một tầng lầu, thường ngày việc học hành nặng nề quá nên không có nhiều cơ hội tụ tập. Có đôi lần họ lướt qua nhau nhưng vẫn chẳng có cơ hội để ngồi xuống nói chuyện một phen. Giờ đây dành thời gian để gặp nhau mới thấy, chỉ trong nửa năm ngắn ngủi, Trịnh Minh Khôn đã thay đổi rất nhiều.
Trịnh Minh Khôn gầy đi không ít, từ một cậu trai nặng gần 100 ký, giờ đây chỉ còn có 80 ký hơn, khiến Chu hoành Viễn thoạt nhìn còn chả dám nhận bạn. Cách thức giao tiếp vốn có của hai người từ một người nói một người nghe đột nhiên chuyển sang hai bên đều lặng im không nói, Chu Hoành Viễn vẫn còn chưa quen, cậu cố gắng khơi gợi đề tài, "Học hành thế nào?"
Có lẽ vì thấy Chu Hoành Viễn không hỏi thăm về Ngô Tư Nguyên, Trịnh Minh Khôn lúc này mới thở phào nhẹ nhõm, nói: "Cũng được, không giỏi không dở, cậu thì sao?" Chu Hoành Viễn thấy cậu ta trả lời qua loa, cũng chỉ nhíu nhíu mày, "Cũng được."
Hai người không ai mở miệng nữa, mỗi người cứ thế ăn từng que khoai tây chiên. Cái đêm họ cùng khóc, cùng cười, cùng hát "Người Một Nhà Tương Thân Tương Ái" ở trong căn phòng KTV tối tăm đó vẫn rõ mồn một như ngày hôm qua, nhưng những người hát cùng ngày đó đã không còn như xưa nữa. Chu Hoành Viễn nhận ra, có lẽ Trịnh Minh Khôn rất sợ phải nhìn thấy hoặc thậm chí nghe thấy Ngô Tư Nguyên, cái tên này đã trở thành điều cấm kỵ giữa hai người bọn họ, tựa như một thùng thuốc nổ có thể phát nổ bất cứ lúc nào vậy. Họ đều nhớ rõ vào đêm chia tay hôm ấy, trước cửa nhà vệ sinh đã xảy ra chuyện gì, nhưng không ai có thể mở miệng. Đôi khi, Chu Hoành Viễn còn cảm thấy, Trịnh Minh Khôn không chỉ không dám đối mặt với Ngô Tư Nguyên, mà còn bao gồm cả mình, cho nên mới cố ý tránh né hết lần này đến lần khác, đến khi không thể tránh được nữa thì mới miễn cưỡng đồng ý gặp mình. Chu Hoành Viễn không biết nên khuyên như nào, nếu muốn nói thì người cần lời khuyên cũng không phải là Trịnh Minh Khôn, mà là người đang biệt tích, Ngô Tư Nguyên.
Kỳ nghỉ ở trung học luôn ít ỏi đến đáng thương, và vì là nhân tố nổi bật trong kỳ thi tuyển sinh đại học ở tỉnh S, phải mang tư thái của kẻ chiến thắng, trường thực nghiệm tỉnh không bao giờ cho khai giảng sớm. Tuy nhiên, chưa khai giảng không có nghĩa là dừng việc học, vài phụ huynh còn lập nhóm QQ các phụ huynh với nhau, thêm giáo viên chủ nhiệm vào, kêu gọi cả lớp cùng nhau tìm lớp tự học. Trình Dục vừa nhậm chức quản lý, mỗi ngày tốn nhiều thời gian cho việc di chuyển, bận sứt đầu mẻ trán, đâu rảnh rỗi để quan tâm đến mấy chuyện này, chỉ có thể "Được được được" ở trong nhóm cho có lệ mỗi khi có phụ huynh nào nêu ý kiến thôi.
Cuối cùng, mẹ của Giang Hà ra mặt giải quyết chuyện này. Mẹ Giang Hà dù là một bà nội trợ toàn thời gian, nhưng làm việc lại nhanh nhẹn lắm. Bà thuê một phòng trong thư viện thành phố, kêu gọi các bạn trong lớp đi học cùng nhau, tuy không bắt buộc, nhưng vẫn có một người phụ trách chấm công.
Cứ như vậy, Chu Hoành Viễn thân là lớp phó đương nhiên không thể ở nhà. Vì thế, còn chưa đến mùng 7, Chu Hoành Viễn đã đeo cặp sách nặng nề của mình chạy tới lớp học.
Tuy bọn học sinh đều ngoan ngoãn đi học, nhưng đầu óc về cơ bản là không nằm trên trang sách, đúng là có mấy phụ huynh thay phiên nhau trực ban, nhưng "trên có chính sách, dưới có đối sách" mà, đám nhóc này luôn có đường thoát khỏi pháp nhãn của họ. Chu Hoành Viễn cũng không ngoại lệ, từ việc giấu tiểu thuyết trong ngăn kéo đến kẹp tờ giấy nhỏ trong sách bài tập, học được nhiều, nhưng chơi cũng rất vui.
Nếu một người luôn phải chịu nỗi thất vọng trong một mối quan hệ, hơn phân nửa bọn họ sẽ từ từ chết tâm. Nhưng Mai Đình là một đứa trẻ bướng bỉnh, càng thất vọng thì cô càng dũng cảm, càng làm rách tươm vết thương vừa mới lành, cô bị thứ tình cảm non nớt này vắt kiệt vẻ vui tươi và ánh mặt trời trong lòng. Chu Hoành Viễn thấy thương tiếc cho cô, luôn nói lời an ủi, "Đừng nghĩ đến những chuyện này nữa, cậu mau học đi, sau khai giảng tụi mình còn đợt thi nữa đó." Chuyện tình cảm không bao giờ chỉ phụ thuộc vào ý muốn của một bên, không còn cách nào khác, Mai Đình đành phải cúi đầu làm bài, chỉ là vừa làm, nước mắt vừa "tí tách" rơi xuống, làm ướt cả sách bài tập, hầu như trang nào cũng nhăn nhúm.
Giang Hà nhìn đôi mắt luôn đẫm lệ của Mai Đình mà vừa ghét bỏ vừa khinh thường. Khi bạn gái khóc, tám chín phần mười là cô ấy cần được dỗ dành, nhưng đi dỗ một người mà mình dần dần chán ghét thì chính là có lỗi với con tim của mình. Cho nên Giang Hà càng ngày càng không thích Mai Đình, mối quan hệ giữa hai người cũng càng thêm biến tướng.
Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, Mai Đình đã đau khổ thề thốt không biết bao nhiêu lần, rằng sau này sẽ không bao giờ quay lại với Giang Hà nữa, nhưng không quá mấy ngày là sẽ lại đành lòng chẳng đặng trước lời xin lỗi của Giang Hà, hoặc là dứt khoát tự xuống nước, chạy đi tìm Giàng Hà để xin lỗi. Mỗi lần Mai Đình nói với Chu Hoành Viễn về chuyện chia tay là những lần Chu Hoành Viễn thấy vui mừng nhất. Bởi vì thất tình chính là một liều thuốc tốt, có thể kích thích cảm hứng học tập trong Mai Đình. Nhưng những lúc như vậy thường chỉ có thể kéo dài không đến một ngày, một ngày trôi qua, Mai Đình lại trở về cái kiểu chán sống muốn chết kia.
Qua ngày 15 tháng Giêng, trường thực nghiệm tỉnh chính thức khai giảng, lớp của bọn họ chưa kết thúc kiếp nạn vỏ dưa thì lại gặp phải vỏ dừa, mọi người mệt mỏi không chịu nổi, nhưng có ai mà dám ca thán chứ. Đề thi khai giảng không quá khó, nhưng vẫn tính là một kỳ thi học kỳ chính thức, có phân phòng thi, niêm phong chấm bài và xếp hạng thành tích toàn trường.
Khi có kết quả, thầy Vu theo lệ thường lại làm một tràng phê bình, thi tốt thì nhất định phải phê bình, nếu không sợ rằng bọn học sinh sẽ đắc ý vênh váo, không biết mình đang đứng đâu; thi không tốt thì càng phải phê bình, nếu không chúng sẽ không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của sự việc, cứ mãi thoải mái vui vẻ như vậy. Như "yết hậu ngữ"[1] vẫn nói, người già hội họp —— vừa khắm vừa dài. Chu Hoành Viễn dựng thẳng lỗ tai lên nghe động tĩnh ngoài cửa sổ, đếm từng phút đến giờ tan học.
[1] Yết hậu ngữ (Câu nói bỏ lửng) là một loại hình ngôn ngữ đặc biệt được người dân lao động sáng tạo nên, được cấu thành bằng hai bộ phận, nửa phía trước thường ví von bằng hình tượng, như là vế đố, phía sau thì giải thích như là lời giải, rất tự nhiên mộc mạc. Thông thường người ta chỉ nói nửa phần trước, nửa còn lại bỏ ngỏ để người nghe tự hiểu. (Nguồn: Đại học Lạc Hồng)
Chật vật lắm mới đến giờ tan học, học sinh trong trường hầu như đã về hết, chỉ còn lại có năm ba đôi chim cu đang ríu rít với nhau trong mảnh rừng tối đen.