Trước thềm đợt thi thử đầu tiên trong năm lớp 12, ai cũng bắt đầu nhận ra thời gian trôi càng lúc càng nhanh. Điểm số của Du Nhậm ổn định đến mức Du Hiểu Mẫn cũng bình tĩnh và thoải mái hẳn.
Trong khi các bậc phụ huynh ngoài kia đang sứt đầu mẻ trán tranh giành suất đăng ký tuyển sinh tự chủ cho con mình vào các trường danh tiếng, con gái cô lại từ chối tất cả. Vốn dĩ Du Hiểu Mẫn tức giận vì Du Nhậm không chịu nghe lời, tuy nhiên giáo viên chủ nhiệm đã xua tan nỗi lo của cô bằng một câu: "Chỉ cần cô bé làm bài thi bình thường, trường nào cứ để cô bé chọn, hơn nữa phẩm chất tâm lý của Du Nhậm rất tốt."
Hà Điền Điền trong lớp Du Nhậm đã đỗ tuyển sinh tự chủ của Đại học Nhân dân từ lâu, hy vọng chinh phục Thanh Hoa Bắc Đại của cả lớp đặt lên vai Du Nhậm.
Khi được giáo viên chủ nhiệm bàn về nguyện vọng, Du Nhậm thản nhiên nói: "Hiện giờ em chưa quyết định nên chọn trường nào, em vẫn muốn tập trung ôn luyện, không muốn phân tâm." Nhưng giáo viên cho rằng hình như đứa trẻ này đã chọn được mục tiêu, chỉ là khéo léo giấu đi mà thôi. Đối với những học sinh có chuyện giấu kín trong lòng, ông không cần liên tục gặng hỏi làm phiền.
Trong nửa ngày Chủ nhật được nghỉ tuần này, Du Nhậm vẫn đến làng trong thành, mang khoai tây chiên và burger kiểu Pháp cho Viên Liễu, chơi một lúc cùng cô bé ở cửa hàng China Unicom rồi chào tạm biệt. Đi cùng Du Nhậm còn có Hoài Phong Niên, mái tóc xoăn của Hoài Phong Niên lại mọc dày và cao hơn, phải lấy bờm giữ lại mới trông thấy trán, Túc Hải vừa thấy cô đến liền nhào tới ôm chân, sau đó buồn bã cúi mặt xuống đất, không chịu nói chuyện.
"Mẹ Túc Hải đang có thai." Viên Liễu mơ hồ hiểu lý do bạn mình không vui.
Du Nhậm và Hoài Phong Niên ngơ ngác nhìn nhau, Túc Hải lẩm bẩm nói: "Em không muốn có em trai hay em gái." Hình như trước đây mẹ mình cãi nhau rất nhiều lần với cha dượng về chuyện này, đòi phá thai. Cha dượng nói đã lỡ mang thai, sao phải làm thế? Ông không giấu được niềm vui trên mặt, càng quan tâm mẹ kỹ càng hơn.
Có người độc miệng hay trêu Túc Hải: "Tiểu Hải, mẹ cháu sắp sinh một đứa em trai cho cháu đấy, sau này ngôi nhà sẽ không phải của cháu nữa đâu, là của em trai đó."
Hoài Phong Niên ôm nhóc Túc Hải dưới cẳng chân: "Chị dẫn nhóc đi ăn mì xào nhé?"
Bạn nhỏ bỗng không có hứng ăn, nhìn người chị này: "Chị có em trai hay em gái không?" Hoài Phong Niên nói chị là con một, vì nếu có em trai hay em gái, bố chị sẽ mất việc.
Sau đó hỏi Du Nhậm, Du Nhậm mím môi một lát rồi nói: "Cha mẹ chị ly hôn, bố chị lập gia đình với người khác, sinh ra một bé trai."
Như thể đã tìm ra đáp án, mắt Túc Hải sáng lên: "Vậy bố chị thích cậu ấy hay thích chị?"
Ham muốn độc chiếm của trẻ nhỏ luôn rất mãnh liệt, Du Nhậm cười: "Chị không sống cùng họ, nên chắc là bố chị rất thích cậu ấy." Vài năm nay cơ hội gặp nhau giữa cô và Nhậm Tụng Hồng không nhiều, hai cha con gặp nhau được một lúc, Nhậm Tụng Hồng lại bắt đầu nói về con trai mình: "Chậc! Không thể nào bằng con được." Trong ánh mắt và trên khuôn mặt ông vẫn mang đầy tình thương của một người cha, và Du Nhậm cũng biết đây là lời khách sáo cho gũi hơn.
Túc Hải lúc nào cũng ám ảnh bởi chuyện tranh giành tài sản của gia đình: "Không được đâu! Tài sản là của em."
"Đúng, nhóc phải tiếp tục nhấn mạnh điều này, đồ của mình, tuyệt đối không nhường ai." Hoài Phong Niên động viên cô nhóc, sau đó nhìn đồng hồ đeo tay: "Du Nhậm, chúng ta phải đi thôi chứ?" Họ còn phải mua vài đồ dùng sinh hoạt trên trường.
Đúng lúc Viên Huệ Phương đạp xe về, trên ghi-đông xe treo hai túi trái cây và rau đầy ụ, Viên Liễu gọi "Mẹ!", giọng nói trong trẻo trở nên thân thiết hơn nhiều. Viên Huệ Phương đáp "Ơi", nuốt xuống lời lẩm bẩm vô thức sắp buột miệng đến nơi: "Mẹ kiếp, đậu cô-ve thế mà tăng lên năm đồng," cô con gái bước tới giúp cô xách thức ăn, Viên Huệ Phương xoa đầu Viên Liễu: "Không phải con thích cánh gà sao? Hôm nay mẹ chiên cho con ăn."
"Tiểu Du và Tiểu Hoài đến à? Ở lại ăn trưa rồi về?" Viên Huệ Phương lịch sự hỏi hai vị khách trẻ tuổi, sau đó tiện tay dọn các tờ rơi quảng cáo bị người ta bỏ vào giỏ xe, từ quảng cáo nội thất, đại siêu thị cho đến cửa hàng món hầm đủ cả, tờ dưới cùng là về diễn viên Việt kịch, Du Nhậm hỏi có thể cho cháu xem không.
"Xem cái này làm gì? Cô đang định vứt đi." Viên Huệ Phương đưa xấp tờ rơi quảng cáo cho Du Nhậm.
Trên tờ rơi in hình một số diễn viên Việt kịch, các nữ tiểu sinh và hoa đán ở giữa hoá trang đẹp đẽ và mặc những bộ hí phục bồng bềnh, khẩu hiệu tuyên truyền là "Nhà hát Việt kịch Mạt Tây và Đoàn Việt kịch Bách Châu phối hợp ra mắt ngũ đại kinh điển."
Du Nhậm nhìn xuống cái tên phía dưới, quả nhiên đã thấy "Giám sát và sản xuất: Vương Lê", bên dưới là những hàng chữ nhỏ, Du Nhậm phát hiện ba chữ cái khiến tim mình đập nhanh hơn: Bạch Mão Sinh.
Mão Sinh xếp ở hàng cuối cùng của cột Nhà hát Việt kịch Mạt Tây, thứ tư từ dưới đếm lên. Du Nhậm cũng tìm thấy hình Mão Sinh trong hàng chân dung hình tròn ở đầu góc trên bên trái của tờ rơi, chỉ là làm nền cho một diễn viên khác, hiện nửa khuôn mặt, trang điểm tiểu sinh.
Hoài Phong Niên hỏi: "Hả? Có hứng thú à?"
Du Nhậm xem qua thời gian biểu diễn, nhét tờ quảng cáo sắp đến hạn vào lại xấp giấy: "Không." Nói xong, cô giúp Viên Huệ Phương vứt rác.
Buổi chiều trở về nhà, Du Nhậm mở máy tính lên, Du Hiểu Mẫn đang bận làm bữa tối trong bếp từ lâu đã không kiểm soát Du Nhậm lên mạng chơi game, ngược lại còn mong con có thể thư giãn một lát.
Du Nhậm tìm kiếm trang tin tức, nhìn thấy thông tin về buổi biểu diễn trên bản tin địa phương. Lần này Mão Sinh có một bức ảnh riêng, cô không trang điểm, mặc thái khố và thuỷ y, bắt chước theo động tác của một diễn viên gạo cội. Tiêu đề của bức ảnh là "Diễn viên trẻ khiêm tốn học hỏi người đi trước".
Lông mày là lông mày, mắt là mắt, nhưng trên người Mão Sinh có những thay đổi khác lạ mà Du Nhậm không thể lý giải được. Nhìn chằm chằm bức ảnh thêm một lúc, càng nhìn càng cảm thấy xa lạ. Du Nhậm lập tức thoát khỏi bản tin, xóa sạch dấu vết trên mạng.
"Thái Thái, con ăn một mình nhé, lát nữa mẹ phải đi ăn tối. Ở nhà nhớ đi ngủ sớm đấy." Du Hiểu Mẫn dọn canh lên, nhìn khuôn mặt gầy và nhọn của con gái, nhéo cằm con: "Làm sao vậy? Trường Số 8 suốt ngày cho học sinh ăn gì thế?"
"Cơm rau bình thường thôi, không ngon cũng không dở." Du Nhậm chan canh cho Du Hiểu Mẫn: "Mẹ, mẹ uống một ít canh rồi ra ngoài ăn, nhớ đừng uống rượu."
Không còn trở ngại mang tên Bạch Mão Sinh, bầu không khí chiến tranh giữa hai mẹ con dần dần lắng xuống trong một năm qua đi, Du Hiểu Mẫn nhận bát canh: "Đã quyết định chọn chuyên ngành gì chưa?"
"Chắc là ưu tiên Hán ngữ và văn học, tiếp theo là triết học." Câu trả lời của Du Nhậm khiến mẹ cô choáng váng trong giây lát: "À, đều khó tìm việc như nhau." Hán ngữ và văn học còn đỡ, "Học ở Bắc Đại cũng không tệ." Du Hiểu Mẫn tự nhủ phải tranh thủ thời gian khuyên con quyết định đăng ký vào Viện Quang Hoa của Bắc Đại.
Du Nhậm nói "Vâng", tâm trí cô vẫn đang nghĩ về Bạch Mão Sinh trong bức ảnh. Ăn xong, cô lấy ảnh tốt nghiệp cấp 2 ra xem, phía sau Du Nhậm là Mão Sinh đứng từ hàng thứ hai từ dưới đếm lên đang nở nụ cười hồn nhiên và rạng rỡ với hàm răng trắng sáng. Du Nhậm lúc đó không cao, bị thợ chụp ảnh kéo ra sau khi đứng cạnh Mão Sinh: "Em nhỏ người, đứng phía trước đi." Hai cô gái đành miễn cưỡng tách ra, thợ chụp ảnh nói chuẩn bị sẵn sàng: "1, 2,...", Du Nhậm nắm chặt tay Mão Sinh từ phía sau.
Vì vậy nụ cười của Du Nhậm hơi cứng và có chút chột dạ, Mão Sinh thì cười ngốc nghếch, hơi ấm trên tay lúc đó dường như vẫn còn lưu lại đến giờ.
Du Nhậm biết rồi, những bức ảnh của Mão Sinh trên bản tin trông không vui, khuôn mặt ấy đã mất đi ánh hào quang hát kịch. Hồi lớp 10, Mão Sinh từng tự tin và kiêu hãnh khi bước lên sân khấu biết nhường nào? Giờ đây khi vào đoàn kịch chuyên nghiệp, Mão Sinh như một nụ hoa trên đà khô héo - chưa kịp nở rộ đã gặp đại hạn hán.
Nhìn Mão Sinh trong bức ảnh tốt nghiệp, trong phút chốc Du Nhậm tưởng như mình vẫn đang yêu. Ngón tay cô chạm lên khuôn mặt tươi cười của Mão Sinh, sau đó đặt bức ảnh trở lại nơi sâu nhất trong ngăn kéo.
Ngồi trước bàn học, Du Nhậm trở nên mất kiên nhẫn, Bạch Mão Sinh lại tới đảo lộn tâm trí cô. Đặt sách xuống, lại vào trang Q mà cô đã tám trăm năm không đăng nhập, tin nhắn mới nhất được gửi từ Mão Sinh hai tuần trước: "Du Nhậm, nghe nói các cậu sắp thi thử đợt một, năm cuối cố lên!"
Ngoài những lời động viên này, còn có những lời chúc mừng sinh nhật, chúc mừng lễ tết từ Mão Sinh. Cho dù bị Du Nhậm phớt lờ nhưng Mão Sinh vẫn miệt mài gửi. Nói "miệt mài" cũng chỉ là trong hơn một năm nay. Có vài thứ có thể kiên trì một năm, nhưng mười năm thì chưa chắc.
Du Nhậm muốn nói: "Chúc mừng cậu lên sân khấu", gõ vài chữ phiên âm, lại xoá đi. Cô không thể để Mão Sinh phát hiện mình vẫn để ý người yêu cũ.
Thời gian trên tấm áp phích lởn vởn trong tâm trí Du Nhậm như bùa chú, ngày cuối cùng là "Ngày 4 tháng 3 năm 2006, ngày 5 tháng 3 năm 2006, từ 6:30 đến 9:00 tối", cô từng muốn xem Mão Sinh trên sân khấu chính thức biết bao, hy vọng tiểu sinh tuấn tú đó sẽ đội chiếc mũ nhung đỏ mà cô đã tặng.
Còn một tiếng nữa là đến giờ biểu diễn, Du Nhậm siết chặt nắm tay, tự nói với bản thân: "Ngươi còn một tập đề toán chưa làm xong." Đáng lẽ ngày hôm đó cô nên bước ra khỏi thư viện thành phố với tư thái thản nhiên và xa lánh trước mặt người khác, sau lưng cũng nên như vậy. Nhưng khi lòng bàn tay Du Nhậm đổ đầy mồ hôi, cô nhìn đồng hồ, thấy chỉ mới trôi qua mười lăm phút.
Nếu đợi lâu hơn nữa, e rằng Du Nhậm sẽ ngạt thở. Cô khoác cặp sách ra khỏi cửa, bàn chân mang đôi giày thể thao màu trắng bước đi trong cơn mưa phùn ẩm ướt giữa mùa xuân. Nhà cô nằm trong khu phố cổ, chỉ mất 20 phút đi taxi đến Đoàn Việt kịch ở phía nam thành phố. Du Nhậm đóng ô lại, vừa lơ đễnh vừa run rẩy trong xe taxi. Tài xế nhìn thấy qua gương chiếu hậu: "Bên ngoài có lạnh không? Đang là cuối xuân."
Du Nhậm lau đi hạt mưa trên tóc: "Có ạ." Trái tim vốn đã nguội lạnh hơn bốn trăm ngày của Du Nhậm bị một ánh mắt liếc qua vô tình khơi dậy đốm lửa cháy, bị mưa xuân tắm đẫm nóng lạnh luân phiên.
Giá vé không đắt, hầu như còn không có bọn phá giá. Nhiều người được đơn vị công tác phát vé nhiệm vụ hoặc vé biếu tặng, có người thấy Du Nhậm đứng im lặng trước tấm áp phích ngấp nghé hồi lâu, bèn bước tới chào hàng: "Tám mươi tệ, có muốn vé tầng trên không?"
Du Nhậm nói có. Khoảng cách trên tầng rất an toàn đối với cô, cô có thể thoả thích ngắm nhìn sân khấu và khán đài, không lo ánh mắt mình sẽ lộ ra ngọn lửa trong lòng. Cô nghĩ mình điên rồi, hoặc bản chất cô đã điên sẵn, chỉ là khả năng kiềm chế của cô vượt xa các bạn bình thường khác mà thôi.
Họ bố trí sân khấu rất có tâm, kết hợp giữa video và cảnh thật khiến những khán giả đã quen xem mô hình cũ lập tức reo hò. Du Nhậm lau kính, im lặng xem. Cô không biết có những diễn viên nào, vai chính, vai phụ, tiểu sửu, phản diện, đồng sinh, cân sinh, quan sinh, cùng sinh*, mỗi người một vẻ, cô không biết phân biệt tốt xấu, càng lúc càng lo lắng: "Mão Sinh có được lên sân khấu không?"
*Trong "Tiểu sinh" (chỉ những vai nam), chia nhỏ ra gồm: cân sinh (đội khăn mền, thiên về văn); trĩ vĩ sinh (đội mũ cắm lông đuôi trĩ, thiên về võ); cùng sinh (nhân vật bần hàn, mặc áo vá); quan sinh (những vị quan trẻ, mặc quan phục).
Đợi gần bốn mươi phút, một dáng người cao gầy bước lên sân khấu, trái tim Du Nhậm ngừng đập trong một khoảnh khắc, nghĩ có lẽ mình đã nhìn nhầm, sau khi nhạc đệm vang lên, diễn viên mặc trang phục cân sinh đó cất tiếng hát, giọng không cao vang nhưng cũng không trầm thấp, mang chút âm mũi khiến độ nhận diện rất cao: "Người ta nói, con gái tướng quân nào cũng bướng bỉnh, tình cảm lạ lùng, ít khi ấm áp..."
Là Mão Sinh tình cảm lạ lùng và nhiều khi ấm áp, vừa nhận ra, Du Nhậm lập tức không nghe lọt tai bất cứ chữ gì, chỉ bị biểu cảm của Mão Sinh thu hút.
Dưới ánh đèn chiếu rọi, đôi mắt được đánh phấn đó toát lên ánh rực sỡ của dải ngân hà, ca sĩ hát kịch Mão Sinh lấy lại khí chất và sức sống trên cơ thể, Mão Sinh đang rất phấn khích, vì Du Nhậm có thể nghe ra sự phấn khởi bị kìm nén trong giọng nói cô; Mão Sinh cũng đang rất mừng, vì sau khi hát xong, những bước đi ngắn xuống sân khấu rất hăng hái và vui sướng.
Nhìn thấy sư phụ giơ ngón cái sau sân khấu, Mão Sinh cũng mỉm cười đáp lại. Nếu không có sư phụ, cô sẽ không có cơ hội quý giá được đứng trên sân khấu. Các đồng nghiệp trong Nhà hát Tỉnh cũng gật đầu với Mão Sinh: "Tiểu Bạch, giỏi lắm." Đó chính là sự công nhận.
Cô thầm lặng chờ đợi hơn nửa năm, được Vương Lê chỉ mặt gọi tên lên sân khấu còn bị người ta nói xấu sau lưng là con ông cháu cha, trong khi những con ông cháu cha thực sự đều được mệnh danh là "người nối nghiệp trẻ" từ lâu. Đợi được một cơ hội đã muốn bùng nổ, Mão Sinh rất nở mày nở mặt, cảm thấy con đường trước mắt bỗng nhiên rộng mở hơn.
Cô có thể nhìn thấy con đường phía trước, nhưng không nhìn thấy Du Nhậm ngồi khóc ở hàng ghế đầu tại tầng trên. Tối như mực, dù sao khán giả đang mải hò reo, không ai nhìn thấy Du Nhậm. Du Nhậm nghĩ đến cậu bé trọc vừa ăn kẹo hồ lô vừa nhìn diễn viên ưu tú mà khóc trong "Bá Vương biệt Cơ": "Sao họ có thể nổi danh? Đã phải chịu bao nhiêu trận đòn?"
Mão Sinh không bị chịu đòn, nhưng muốn nổi danh vẫn rất khó. Mão Sinh phải chịu bao nhiêu lạnh giá, đau buốt và xót xa đây? Mão Sinh của cô nên được đứng giữa sân khấu, thoải mái xướng niệm tố đả* những đoạn dài, nhưng sao chỉ có một đoạn ngắn như bóng nhạn thoáng qua thế này? Du Nhậm lau nước mắt, oán trách tại sao Mão Sinh không nói cho cô biết trước khi lên sân khấu? Cô đã nghe Mão Sinh luyện ngâm luyện xướng biết bao nhiêu lần, lẽ nào, đến cả tư cách ấy mà cô cũng mất thật sao?
*Xướng niệm tố đả (唱念做打) là bốn phương thức nghệ thuật biểu diễn trong hí khúc, được gọi chung là "tứ công". Xướng là hát xướng, niệm là nói lối, hai phương thức này hỗ trợ lẫn nhau, cấu thành yếu tố "ca (hát)"; tố là vũ đạo hóa tư thế động tác, đả là các đánh võ và nhào lộn, hai yếu tố này kết hợp với nhau, cấu thành yếu tố "vũ (múa)" trong nghệ thuật biểu diễn hí khúc.
Du Nhậm cuối cùng cũng đợi được Mão Sinh quay lại sân khấu hai lần nữa, tối đa chỉ nói được vài câu thoại, hoặc tạo biểu cảm phối hợp với người khác, mãi đến khi hạ màn mới bước ra nói lời cảm ơn với một hàng những diễn viên khác. Mão Sinh lại quay về vẻ mặt ngượng ngùng, đứng ở rìa ngoài cùng, đôi mắt ngấn nước nhìn từ trên xuống dưới, rồi chậm rãi quét từ trái sang phải, như muốn khắc sâu đêm diễn hiếm hoi này vào tâm trí.
Mẹ Triệu Lan đang nhìn mình từ dưới khán đài, cuối cùng cũng được thấy con gái được vẻ vang tại Bách Châu; Ấn Tú không đến được vì đang bận công tác ở Quảng Đông, nhưng chị ấy đã từng thấy mình lên sân khấu ở thủ phủ tỉnh từ trước, sư phụ luôn dõi theo mình từ sau sân khấu, rất hài lòng với màn trình diễn của học trò. Mão Sinh tự đánh giá bản thân hát không tệ, cũng không xảy ra bất cứ sơ xuất nào khi biểu diễn. Nếu có điều đáng tiếc thì chính là Du Nhậm không có mặt. Mão Sinh nhớ lại lời nói của sư phụ: "Con phải thật kiên định với Tiểu Ấn."
Nhưng bây giờ Bách Châu như một bức tường trong lòng mà cô không thể vượt qua, một nửa trên đó viết đầy "Du Nhậm", tức cảnh si tình, sao có thể dễ dàng nói buông là buông?
Cô lại hít một hơi thật sâu để khiến bản thân bình tĩnh lại. Lúc đó, những dãy đèn lớn trên trần nhà hát cũng bật sáng, chùm ánh sáng quét hết dãy khán đài từ tầng trên xuống tầng dưới, Mão Sinh nhìn thấy rất nhiều khán giả đứng dậy vỗ tay, bỗng ánh mắt bị thu hút bởi một trong hai ánh sáng màu cam duy nhất giữa một chùm ánh sáng trắng, rọi tới một khán giả nữ đang cúi đầu ngồi ở hàng đầu tiên tầng trên.
Có lẽ cô ấy không hài lòng với buổi biểu diễn, Mão Sinh nghĩ, rồi lại chú ý quét tầm mắt qua lần nữa: nữ khán giả đeo kính, tầm nhìn của cô ấy hướng thẳng về phía Mão Sinh trên sân khấu với không chút chướng ngại, bốn mắt chạm nhau, Du Nhậm sững sờ, Mão Sinh cũng ngẩn ngơ, quên phải cúi chào lần nữa.
Đồng nghiệp đứng cạnh ấn lên lưng cô, thì thầm: "Tiểu Bạch, cúi xuống."
Mão Sinh chậm rãi cảm ơn, sau đó lại ngẩng đầu lên, Du Nhậm vẫn ở đó. Mão Sinh mừng vì mình không học hành chăm chỉ và không bị cận như những người khác. Cô vẫy tay với Du Nhậm, muốn cười, nhưng lại rơi nước mắt.
"Ôi, Tiểu Bạch, ngày còn dài lắm, đừng khóc." Một đồng nghiệp an ủi cô.
Mão Sinh gật đầu, lại cúi đầu lau nước mắt, cuối cùng đợi đến khi tấm màn hạ xuống, Mão Sinh nóng lòng muốn tẩy trang và thay quần áo để chạy đến lối ra khán giả của nhà hát. Sư phụ nói đúng, cô phải hiểu các quy tắc, không được thích làm gì thì làm.
Nhưng chân của Mão Sinh không tuân theo quy tắc, cô rất nổi bật giữa khán giả đang lần lượt ra về, bị người ta nhìn cũng không thấy xấu hổ. Cô nhìn chằm chằm đám đông, cuối cùng có một cô gái từ cửa bên trái đi ra, bước tới bên bậc thang chuẩn bị cầm ô, "Du Nhậm...!"
Mão Sinh gọi, chiếc ô của Du Nhậm không thể mở được trước cơn chấn động bởi tiếng gọi ấy. Cô quay đầu nhìn cô gái mặc hí phục đang chạy về phía mình, nước mưa và mồ hôi ướt nhoè lớp trang điểm, Mão Sinh mặt lem nhem: "Du Nhậm." Cô không biết phải nói gì vì quá xúc động, đợi một lúc mới dậm chân: "Chờ mình nửa tiếng, chỉ nửa tiếng thôi!"
.......
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT